Cảnh báo giả mạo Website bán hàng

Cảnh báo giả mạo Website bán hàng

Update mới nhất: 11/08/2023

Sau bài viết trước của mình về việc shop mall bán nhái ở trên các sàn thương mại điện tử, hôm nay mình lại viết về giả mạo website bán hàng. Mình được một người bạn gửi đường link để kiểm tra và cảnh báo đến với mọi người, đặc biệt là các chị em, những người có thể sẽ không quá rành về công nghệ.

Trong bài viết này mình chỉ lấy một ví dụ, đó là website chính thức của thương hiệu Kiehl’s và một website giả mạo khác, nhưng các bạn cũng có thể tham khảo để kiểm tra các website tương đương. Phần sau của bài, mình sẽ nêu một số phương pháp giúp mình phần nào kiểm chứng được một số thông tin của một website bán hàng để nhận định đó có phải website chính hãng hay không. Trước đây mình đã có một số bài viết để nâng cao an toàn khi mua sắm online cũng như có chia sẻ một bộ chỉ số để đánh giá mức độ uy tín của người bán, các bạn có thể tham khảo thêm.

Lưu ý: mình không khuyến khích các hành động hay quyết định cực đoan như là tẩy chay, bài trừ các hình thức mua hàng online và website bán hàng chính hãng mà mình có đề cập trong bài viết. Bản thân mình vẫn luôn mong muốn thị trường online phát triển, bài viết này cũng muốn cung cấp thông tin để góp phần cho sự phát triển đó.

Cách tiếp cận khách hàng của website giả mạo

Như trong ví dụ lần này, cách tiếp cận của website giả mạo là thông qua quảng cáo, có thể là trên công cụ tìm kiếm hoặc trên các mạng xã hội. Người bạn của mình search Google về một sản phẩm của thương hiệu này, sau đó khi đang sử dụng Facebook có nhìn thấy quảng cáo về sản phẩm đó, và khi bấm vào cũng được chuyển đến website bán hàng, nhưng lại là website giả mạo.

Bạn mình lúc đầu không nhận ra vì sử dụng trên điện thoại và giao diện của Website giả mạo rất giống với Website chính hãng, và sự ngây thơ đó là nhìn thấy biểu tượng ổ khoá và coi đó là biểu tượng đảm bảo của một website, cứ có khoá là website xịn. Và bạn ấy chỉ phát hiện ra khi thấy website không mượt như các website bán hàng thông thường.

So sánh giao diện

Trên máy tính

Left ImageRight Image
Left ImageRight Image
Left ImageRight Image

Trên điện thoại

Left ImageRight Image
Left ImageRight Image
Left ImageRight Image

Có thể thấy ở Website chính hãng, giao diện được tuỳ biến khác nhau giữa máy tính và điện thoại, còn website giả mạo chỉ có duy nhất 1 giao diện. Nhưng nếu sử dụng điện thoại, mà không để ý sự khác biệt của đường link, rất khó để có thể phân biệt giữa Website chính hãng và Website giả mạo.

Website giả mạo cũng dùng nhiều hình ảnh và thông tin của website chính hãng. Mình thấy chỉ khác ở điểm nếu ấn mua hàng trên website giả mạo, thay vì sản phẩm được thêm vào giỏ hàng rồi chúng ta có thể đi đến các bước thanh toán, sẽ chỉ có một pop-up hiện lên yêu cầu chúng ta điền thông tin để bên bán liên hệ lại.

Theo suy đoán của mình, sau khi lấy thông tin, họ sẽ giao hàng đến cho bạn, bạn thanh toán khi nhận hàng, tuy nhiên bên trong có phải là hàng chính hãng hay không, mình không dám chắc. Ở điểm này sẽ lưu ý với các bạn, với những website giả mạo như thế này, sẽ còn nguy hiểm hơn nếu họ có thêm tính năng bỏ vào giỏ hàng và thanh toán online, vì lúc đó sẽ càng khó để chúng ta thấy có nghi ngờ, và nếu có chẳng may thanh toán trước, có thể sẽ khó khăn hơn trong việc trả hàng hoàn tiền.

Với giao diện rất giống với website chính hãng, có thể sẽ không có nhiều người để ý, chưa kể chị em không rành công nghệ lại càng dễ bị mắc phải những ‘cú lừa’ như thế này.

Kiểm tra một Website bán hàng thế nào?

Mình xin chia sẻ một vài cách mình thường dùng để đánh giá một website bán hàng có uy tín và có chất lượng, các bạn đọc có thêm cách nào hữu ích hãy cùng chia sẻ ở dưới phần bình luận của bài viết nhé.

Chú ý tên miền

Hãy chú ý tên miền, vì đây là thứ mà các website giả mạo sẽ luôn cố gắng để làm thật giống với website chuẩn, nhưng sẽ không bao giờ có thể giống hoàn toàn được. Như trong trường hợp của bài viết này đó là website giả mạo thiếu 1 chữ ‘s’ trong đường link.

Cái biểu tượng khoá ở bên cạnh chỉ thể hiện kết nối của các bạn đến trang web là kết nối an toàn mà thôi, không phải là để xác thực được việc trang web đó có nội dung gì hay có uy tín hay không

Nguồn: Linked In

Tuy nhiên, chỉ chú ý tên miền thôi là chưa đủ. Vì có thể có những chiêu trò như ảnh bên trên, ký tự “a” được thay thế bằng “α”. Mình được một bạn thành viên nhóm Telegram của Ngon Bổ Xẻ chia sẻ thông tin cho để cảnh báo đến mọi người

Ký tự “α” đằng sau thực chất là ký tự của alpha trong bảng chữ cái hi lạp và sẽ khác với ký tự “a” bình thường, nhưng cũng rất khó để nhận ra, các bạn có thể tham khảo thêm một số ký tự khác trong bảng chữ cái hi lạp, một vài ký tự cũng rất dễ gây nhầm lẫn

Tìm thêm thông tin

Các bạn hãy tìm đến các các mục thông tin như ‘về chúng tôi, liên hệ, hệ thống cửa hàng…’ những thông tin cơ bản mà hầu như người bán hàng nào cũng muốn chia sẻ với khách hàng, để đọc và kiểm tra xem có dấu hiệu gì bất thường không như là sai chính tả, thông tin email không giống tên miền, thông tin thanh toán không đúng của thương hiệu… Ngoài ra có thể gọi điện hoặc liên hệ với hỗ trợ bán hàng để tìm cách xác minh .

Ví dụ mình từng lên trang chủ của FPTShop, chat với Support để xác mình đường link chính xác của gian hàng FPTShop trên Lazada, vì khi đó cũng có một gian hàng FPT chính hãng trên đó nhưng mà lại không phải là chính chủ của FPT Shop. Các bạn có thể tham khảo thêm tại đây.

  • FPT Shop (gian hàng chính hãng trên Lazada)
  • FPT (một gian hàng khác cũng sử dụng Logo và thương hiệu FPT nhưng không phải là FPT Shop)
  • Cả 2 gian hàng đều được gắn nhãn Mall. Tất nhiên gian hàng thứ 2 có thể là một đại lý chính hãng nào đó và họ được phép sử dụng logo của FPT, nhưng họ không phải là FPTShop. Các bạn có thể tham khảo thêm cả một bài viết mình từng chia sẻ về shop mall bán nhái

Ngoài ra, nếu là một website bán hàng ở Việt Nam, thường sẽ phải đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương, và yêu cầu của Bộ Công Thương trước khi cấp logo cho website là phải có đủ các trang web sau

  • Hướng dẫn mua hàng
  • Chính sách giao hàng
  • Hình thức thanh toán
  • Chính sách bảo hành đổi trả
  • Chính sách bảo mật thông tin

Đây cũng là một cách để các bạn kiểm tra cũng như hiểu hơn về quyền lợi của bản thân khi mua hàng, vì vậy hãy xem cả những trang đó. Còn về logo mình sẽ nói thêm ở phần sau nhé.

Sử dụng thử một số chức năng

Trước khi mua hàng hãy cứ thử bấm và sử dụng một vài chức năng trên trang web xem nó có thực sự hoạt động không hay chỉ là một bức ảnh chèn vào để trông cho giống trang web thật, như trong ví dụ lần này, chức năng bỏ vào giỏ hàng không hoạt động trên web giả. Toàn bộ đường link ở cuối trang web giả cũng chỉ là bức ảnh, không thể ấn vào được.

Tìm logo của bộ công thương và bấm vào đó

Theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ban hành ngày 16/05/2013, thông tư số 47/2014/TT-BCT ban hành ngày 05/12/2014, và Nghị định số 185/2013/ND-CP ban hành ngày 15/11/2013, yêu cầu tất cả các website hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử đều phải thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương.

Và logo xịn sẽ bấm vào được và sẽ ra thông tin của website ở trên trang Web của Bộ Công Thương và có thông tin về Website bán hàng đó như Tên doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ số điện thoại… Các bạn có thể kiểm tra xem có trùng khớp với thông tin của Website đó không.

Còn một số website giả mạo sẽ cũng để logo nhưng chỉ là một bức ảnh, không ấn vào được, hoặc khi ấn vào lại ra một thông tin khác.

Ở đây mình thấy có một số quy định pháp luật:

  • Giả mạo logo đã đăng ký với Bộ Công Thương sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng [1]
  • Không thông báo với Bộ công thương, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000đ đến 20.000.000đ với Doanh nghiệp cá nhân và từ 20.000.000đ đến 30.000.000đ với doanh nghiệp (trích tại điều 62 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP) [2]

Vì vậy, những website bán hàng nghiêm chỉnh chắc chắn sẽ không muốn vi phạm, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.

Dưới đây là thông tin khi mình ấn vào logo trên Website chính hãng, thông tin trùng khớp, đối với website giả mạo, mình không ấn được vào logo, họ chỉ để cái ảnh.

Kiểm tra thông tin website

Đối với các Website tại Việt Nam, có đuôi *.vn, các bạn có thể tra thông tin tên miền tại https://tracuutenmien.gov.vn/

Đây là Hệ thống tra cứu thông tin tên miền của Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu ra đúng thông tin như công ty/doanh nghiệp/thương hiệu của Website là được. Website giả mạo sẽ ra thông tin không đúng, có thể sẽ là cá nhân hoặc tổ chức khác.

Left ImageRight Image

Mình có tra cứu thử một vài website *.com trên hệ thống tra cứu này cũng sẽ ra. Ngoài ra đối với các trang web *.com chúng ta có thể kiểm tra thêm thông tin cả trên https://lookup.icann.org/https://who.is/ cũng sẽ cho ra một số thông tin về chủ thể đăng ký sử dụng website.

Ví dụ một lần trước đây mình kiểm tra trang web của một thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc đuôi *.kr giúp một người bạn, trang Web rất thiếu chuyên nghiệp, không hề giống một hãng lớn, và khi kiểm tra chủ thể, lại ra tên và địa chỉ của một người Việt Nam. Hay một thương hiệu gia dụng luôn quảng cáo là thương hiệu Đức, mình kiểm tra trang chủ của thương hiệu đó, toàn tiếng Đức với đuôi *.de, nhưng kiểm tra lại ra chủ thể là một công ty Việt Nam và địa chỉ ở Việt Nam.

Đừng quên sẽ luôn có người sẵn sàng hỗ trợ

Các chị em, các bạn ít rành về công nghệ, có thể luôn hỏi anh em, bạn bè, người thân, để có thêm góc nhìn về một địa chỉ, website, cửa hàng nào đó trước khi ra quyết định mua sắm. Hãy cố gắng kiểm tra, kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn, đặc biệt là sau khi ấn vào xem quảng cáo từ các trang mạng xã hội hay khi lướt web xem tin tức…

Ngoài ra, cũng có thể tham gia nhóm của Ngon Bổ Xẻ trên Facebook hoặc Telegram, ngoài chia sẻ những nơi mua hàng giá tốt và uy tín, mình cũng hay chia sẻ cả về những kinh nghiệm để tránh gặp những phiền phức và giảm rủi ro khi mua hàng online.

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.