Mua hàng online giá trị cao an toàn 2023

Mua hàng online giá trị cao an toàn 2023

Xin chào các bạn, hôm nay chúng ta hãy cùng Bổ và Xẻ về chuyện mua hàng Online. Mua hàng Online đến thời điểm này chắc cũng không còn xa lạ gì với anh em vì nó đã và đang bùng nổ ở Việt Nam, thậm chí đã sang giai đoạn có thể dễ dàng đặt hàng một món đồ online từ nước ngoài về đơn giản như mua hàng trong nước. Rồi qua đợt dịch vừa rồi thì có lẽ việc mua sắm online đã càng trở nên quen thuộc với anh em.
Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ thêm cả những trải nghiệm mua hàng của mình, đặc biệt là với những món đồ có giá trị (tương đối) cao, những kinh nghiệm và lưu ý để anh em mua được món đồ một cách an toàn. Đồng thời mình cũng muốn chia sẻ cách mình mua hàng giá tốt, và có chia sẻ thêm một chút so sánh về các sàn thương mại điện tử (TMDT) mình hay dùng ở cuối bài, hi vọng sẽ phần nào sẽ hữu ích với anh em

Lưu ý

  • Lưu ý 1: bài viết rất dài, có nhiều chữ và rất ít ảnh, dành cho người kiên nhẫn và thích đọc
  • Lưu ý 2: Trong bài viết này mình sẽ tập trung vào các sản phẩm điện tử – công nghệ thông tin, gia dụng – điện lạnh, vì vậy khi mình đề cập đến từ “sản phẩm” thì anh em hiểu nó là những món trên nhé. Những ý kiến, quan điểm, kinh nghiệm, chia sẻ, so sánh của cá nhân mình sẽ xoay quanh chủ đề về những sản phẩm đó, không áp đặt lên cá nhân khác, không đề cập và đại diện cho những sản phẩm khác. Và vì mình cũng rất bình dân, nên các sản phẩm mình thấy có giá trị cao có thể chỉ là giá trị thấp với những anh em khác, vì thế trải nghiệm của anh em có thể sẽ khác với của mình. Những trải nghiệm và kinh nghiệm trong bài hầu hết là đến từ việc mua hàng mới. Hàng cũ mình không đề cập đến trong bài, vì mua hàng cũ sẽ cần thêm các kinh nghiệm khác nữa
  • Lưu ý 3: Có thể có những điều anh em biết và quen thuộc với mua hàng Online rồi, nhưng cũng có những anh em chưa biết và chưa quen thuộc với hình thức mua sắm này, và bài viết này của mình để chia sẻ thêm cho những anh em còn đang lạ lẫm, cũng như mong những anh em đã có nhiều kinh nghiệm cũng chia sẻ thêm những gì anh em biết và đã trải nghiệm.

Phân loại

Trong bài viết này mình xin phép gọi những hình thức sau là mua hàng Online (mua hàng trực tuyến):

  • Tham khảo, đặt hàng online; nhận hàng tại nhà
  • Thao khảo online; gọi điện, nhắn tin, gửi email đặt hàng; nhận hàng tại nhà
  • Đặt hàng online; sau đó ra cửa hàng để nhận hàng (Store Pick-up)

Còn những hình thức sau mình xin phép gọi là hình thức mua hàng Offline (mua hàng trực tiếp):

  • Ra cửa hàng tham khảo trực tiếp, mua hoặc thanh toán tại cửa hàng
  • Tham khảo Online, mua hàng Offline (Store pick-up khá giống cái này, chỉ khác ở bước đặt hàng trước, mình sẽ nói rõ hơn ở dưới)

Lưu ý: cách mình phân chia trên chỉ để phục vụ những nội dung bên dưới mình muốn trình bày. Có thể mọi người sẽ có cách định nghĩa, phân chia khác về những loại hình mua sắm trên

So sánh mua hàng online và offline

Mỗi khi mua hàng chúng ta sẽ trải qua quá trình cơ bản sau:
Xuất phát từ nhu cầu → ta sẽ đi tìm kiếm thông tin tham khảo → dựa trên thông tin sẽ đưa ra quyết định mua sắm → quy trình thanh toán → nhận hàng
Mình sẽ so sánh ưu điểm, nhược điểm của mua hàng online và offline theo quá trình trên theo trải nghiệm của mình với 2 hình thức mua hàng này

Mua hàng online giá trị cao an toàn 2023
Lưu ý: đây là những so sánh dựa trên trải nghiệm cá nhân không phải từ số liệu nghiên cứu nên không mang tính đại diện. Trải nghiệm của mình có thể sẽ giống hoặc không giống với anh em

Bên dưới này mình viết thêm chút xíu để miêu tả kĩ hơn cái bảng, bạn nào lười đọc hoặc biết rồi có thể skip sang phần sau luôn nha

Tham khảo thông tin

  • Đối với mình việc tham khảo thông tin Online giúp mình tiết kiệm được rất nhiều thời gian, trong một buổi tối mình có thể lượn lờ ở 10 cửa hàng, mỗi cửa hàng mình xem vài ba sản phẩm, rõ ràng nó hiệu quả hơn rất nhiều so với việc Offline là phải di chuyển đến cửa hàng và xem sản phẩm, ngoài ra khi tham khảo Online mình có thể tìm thông tin sản phẩm chính xác hơn (mình thường xem trên trang chủ sản phẩm), vì các cửa hàng kể cả online lẫn offline đôi khi họ phải làm nhiều món nên thông tin có thể bị sai lệch (do copy paste, nhầm lẫn v.v…). Đi mua hàng offline mình vẫn phải check lại thông tin trên trang chủ, đặc biệt là thông số kỹ thuật hay phiên bản của sản phẩm đó.
  • Đi mua hàng offline thì được nhìn ngắm sờ nắm trực tiếp sản phẩm, đi mua hàng online chỉ được nhìn ngắm, sờ mó trên màn ảnh nhỏ
  • Ngoài ra khi mua hàng online mình có thể tham khảo nhiều thông tin hơn về sản phẩm, đặc biệt là mình có thể tham khảo thêm ý kiến, đánh giá, trải nghiệm của những người dùng khác. Còn ở mua hàng offline thì mình có thể tham khảo ý kiến và tư vấn của các bạn bán hàng hoặc tư vấn viên, khi mình hỏi 1 vấn đề về sản phẩm thì người tư vấn viên đó sẽ có thể nắm rõ và tư vấn cho mình kỹ hơn, hoặc một trường hợp nữa là vì họ bán và phải hiểu nhiều sản phẩm, vì vậy sẽ có thể tư vấn cho mình món phù hợp với mình.
  • Tất nhiên là mình không thể không đề cập đến chuyện một số bạn bán hàng hoặc tư vấn viên không hiểu rõ mình đang bán cái gì, khiến tư vấn của những bạn đó khá vô giá trị. Hoặc họ tư vấn cho chúng ta theo lợi ích họ nhận được chứ không phải theo nhu cầu của chúng ta. Nhưng hi vọng đây chỉ là thiểu số thôi, còn vai trò của các bạn bán hàng hoặc tư vấn viên rất quan trọng với cả cửa hàng lẫn khách hàng. Tương tự khi mua hàng online, các đánh giá và trải nghiệm của những người dùng khác cũng có thể không khách quan và đúng về sản phẩm, và mình cũng hi vọng nó là thiểu số thôi.

Giá sản phẩm

  • Ngoài các thông tin chung về sản phẩm thì có một thông tin quan trọng nữa sẽ ảnh hưởng nhiều đến quyết định mua hàng đó là giá của sản phẩm. Thông thường mình thấy sản phẩm online có giá rẻ hơn sản phẩm offline và sự chênh lệch này có thể đến từ việc tối ưu chi phí mặt bằng, kho bãi, nhân công… Mình không đề cập chi tiết về chi phí của người bán vì mình không biết rõ và không có số liệu cụ thể về vấn đề này, chỉ là cảm nhận của mình: thường khi mua hàng Online sẽ rẻ hơn khi mua Offline, và đặc biệt có nhiều nơi họ khuyến mãi thêm cho việc mua hàng Online.

Quy trình thanh toán

  • Mình thấy cả 2 đều tiện như nhau, các phương thức phổ biến như tiền mặt, thẻ, chuyển khoản, ví điện tử, QR code… hầu như cả 2 bên đều tương đương như nhau. Mình thấy chỉ có 1 khác biệt nhỏ là khi đi mua offline thì có thêm phương án trả tiền mặt thẳng cho người bán không thông qua bên thứ ba nào khác (ngân hàng, đơn vị thanh toán, hay shipper…).
  • Mình đôi khi mình đi mua trực tiếp vì quẹt thẻ được ưu đãi hoàn tiền của thẻ nữa, tuy không nhiều chỉ 1% thôi nhưng lúc mua hàng có giá trị thì cũng bù được tiền xăng xe chạy ra cửa hàng. Hơn nữa có một số đơn vị bán hàng Online có cầm theo máy quẹt thẻ đến nếu mình yêu cầu quẹt thẻ lúc nhận hàng, cái này cũng rất hay và tiện.
  • Phần này mình không nói về trả góp, vì mình chưa bao giờ trả góp và mình không rõ có sự khác nhau nào giữa 2 hình thức mua sắm này đối với việc trả góp hay không. Anh em nào biết thì chia sẻ thêm nhé

Điểm khác biệt lớn nhất với mình đó là thời gian phải bỏ ra để mua một món đồ

  • Mua hàng online tiết kiệm thời gian hơn rất rất nhiều nhờ vào việc có hiệu suất tham khảo cao, sau khi tham khảo xong thì mình đặt mua và thanh toán, và rồi chỉ việc chờ hàng được vận chuyển đến thôi, mình không mất thời gian đi lại để trực tiếp ra các cửa hàng. Phần này thời gian ở đây mình đề cập là thời gian mình bỏ ra để tham khảo và mua 1 món đồ, không nói thời gian từ lúc đặt hàng đến lúc nhận hàng nhé.
  • Việc tiết kiệm thời gian cũng sẽ là điểm khác nhau giữa việc tham khảo Online, mua hàng Offline khi so với hình thức Store-pickup. Đó là vì khi mua hàng kiểu Store-Pickup, cửa hàng đã có đầy đủ thông tin đơn hàng, đã chuẩn bị sẵn hàng cho mình rồi, mình chỉ cần qua lấy hàng thôi (hoặc qua thanh toán và lấy hàng). Nhanh hơn rất nhiều việc đến cửa hàng, báo với nhân viên món đồ mình muốn mua, chờ họ chuẩn bị hàng, rồi làm thủ tục thanh toán, đôi lúc cửa hàng đông hoặc ở đó chưa có hàng mà phải điều phối từ cửa hàng khác sang vân vân mây mây những thứ mất thời gian khác nữa. Tuy nhiên đôi khi Store-Pickup vẫn có trường hợp mình đã đặt hàng, đã hẹn trước nhưng khi đến cửa hàng thì đơn hàng của mình chưa được chuẩn bị, nhưng thi thoảng mới bị thôi, không nhiều.
  • Cũng có những lúc mình tham khảo Online, mua hàng Offline, tuy nhiên mình chỉ làm vậy nếu đó là một sản phẩm có giá trị rất cao và mình muốn trực tiếp đi mua, trực tiếp vận chuyển. Cơ bản là cũng ít lần phải như vậy thôi vì sẽ mất nhiều thời gian

Sau bán hàng

  • Ngoài ra khi mua hàng online, thì việc hỗ trợ sau bán hàng có thể khác với với việc mua hàng trực tiếp, đặc biệt là trên các sàn TMDT, khi họ về bản chất là một cái chợ để kết nối người mua và người bán, có thể bạn cũng chả biết là người bán ở đâu, nếu cần các dịch vụ sau bán hàng thì đa phần vẫn phải làm việc và tâm sự online với họ hoặc với sàn thương mại.
  • Còn đi mua offline thì có địa chỉ cụ thể, nếu cần hỗ trợ gì có thể quay lại đó tâm sự trực tiếp được.

Rủi ro

  • Mua hàng online thì tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là so với mua hàng offline, các dạng rủi ro dễ gặp khi mua đồ online như là lừa đảo, hàng phake, hàng kém chất lượng, hàng không như mô tả, giao sai hàng, giao thiếu hàng, giao gạch đá… Tuy nhiên, nếu có kinh nghiệm rồi thì sẽ đỡ bị hơn. Tất nhiên đi mua hàng offline mà không có kinh nghiệm thì cũng có thể gặp các rủi ro như trên, nhưng sẽ đỡ hơn vì ít nhất được trực tiếp nhìn ngắm sờ nắm rồi, và mua xong là hầu như tự cầm hàng về rồi, mua về dùng có vấn đề gì thì quay lại chỗ mua để tâm sự trực tiếp được.
  • Ngoài ra, với bối cảnh dịch COVID, mua hàng Online giúp chúng ta hạn chế được tiếp xúc và cũng giảm rủi ro lây nhiễm. Tuy không có số liệu nhưng mình tin là trong mùa dịch, dù có những khó khăn nhất định trong việc vận chuyển, giao nhận hàng, nhưng có lẽ sự tăng trưởng của mua sắm online sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều như các ngành khác, có thể còn có sự phát triển tích cực khi mà số người sử dụng phương thức mua hàng Online tăng lên đáng kể. Ở chung cư mình ở có 1 cái bàn để giao nhận đồ đảm bảo giãn cách, mình thấy nhiều chung cư khác cũng có một khu vực như vậy.

Sau khi hiểu rõ được rủi ro của việc mua hàng online và có các phương pháp để phòng tránh và giảm thiểu những rủi ro đó, thì mình hoàn toàn tận hưởng những lợi ích nó đem lại như là tiết kiệm thời gian và mức giá rẻ hơn. Vì vậy, đến thời điểm này thì khoảng 70-80% sản phẩm mình mua sẽ là mua online.

Kinh nghiệm mua hàng online có giá trị cao

Nên có xếp hạng mức độ tin cậy

Bản thân mình khi đi mua sắm và quan sát thị trường thì mình có xếp hạng thứ tự mức độ tin cậy theo thang bên dưới bao gồm cho cả mua sắm Offline lẫn Online để anh em tham khảo và để mình có thể đề cập đến trong phần chia sẻ kinh nghiệm. Về việc đánh giá mức độ uy tín, các bạn có thể xem trong bài viết về bộ chỉ số đánh giá mức uy tín của mình:

  1. Cửa hàng của hãng + Web của hãng + Gian hàng chính hãng trên TMDT + Các cửa hàng lớn chỉ bán hàng chính hãng + Store của họ trên sàn TMDT → 2. Các đại lý lớn bán cả hàng chính hãng và bán cả hàng xách tay → 3. Các đại lý nhỏ chỉ bán hàng chính hãng (tổng kho, tổng buôn…) → 4. Các đại lý nhỏ bán hàng xách tay → 5. Người bán cá nhân
  • Với mức 1, thường mình không quá lo lắng về chất lượng sản phẩm nên nếu giá tốt hơn hoặc phù hợp hơn các chỗ khác là mình mua.
  • Với mức 2, mình sẽ phải chặt chẽ hơn và nghiêm khắc hơn về chất lượng sản phẩm, phụ kiện đi kèm, và mình muốn họ phải phân định rõ giữa “hàng phân phối chính hãng” và “hàng chính hãng xách tay”, không muốn mập mờ 2 khái niệm này, cửa hàng nào mập mờ là mình giảm mức độ uy tín ngay. Vì khi mập mờ được 1 chuyện, họ có thể mập mờ nhiều chuyện. Mình cũng có một bài viết về ‘hàng xách tay’, các bạn có thể xem tại đây. Ngoài ra, mình cũng cần tham khảo thêm phản hồi khách hàng về sản phẩm và dịch vụ của họ, tuy nhiên mức độ tham khảo chỉ ở mức bình thường, không quá căng thẳng
  • Với mức 3 và đối với hàng có giá trị, mình thường sẽ chủ động nhắn tin liên hệ để hỏi kỹ hơn về sản phẩm, quy định và trách nhiệm bảo hành, sản phẩm là hàng phân phối chính hãng hay hàng chính hãng xách tay, là hàng quốc tế hay nội địa, bảo hành trong bao lâu, ở đâu, ai có trách nhiệm bảo hành. Mình thích cách nhắn tin vì giấy trắng mực đen. Kĩ hơn thì hỏi thông tin về cửa hàng như địa chỉ cửa hàng rồi google search thêm về cửa hàng đó xem các thông tin họ cung cấp có đúng không, thậm chí đôi khi gọi điện đến cửa hàng để hỏi lại những thông tin vừa nhắn tin xem họ trả lời có nhất quán không. Và đương nhiên với mức này thì mình sẽ phải tham khảo kỹ càng về phản hồi khách hàng về sản phẩm và dịch vụ của họ
  • Với cả mức 4 và mức 5, mình thường ít khi mua sản phẩm có giá trị mà sẽ chỉ mua các mặt hàng thông thường. Nếu có muốn mua đồ có giá trị thì mình sẽ cần những thông tin như trên mức 4. Còn nếu là đồ lặt vặt thì nhìn qua đánh giá, nếu điểm tốt thì mua thôi, không phải bận tâm nhiều

Lưu ý: Đây là cách mình xếp hạng và phân loại theo những tiêu chí riêng của mình, chia sẻ để anh em có thể tham khảo chứ không áp đặt lên bất kì ai

Những kinh nghiệm và lưu ý

  • Khi mua hàng online anh em nên biết rõ về việc ai là người bán hàng cho anh em và ai là người sẽ có trách nhiệm bảo hành cho anh em vì đôi khi 2 việc này sẽ được thực hiện bởi 2 người (đơn vị) khác nhau, đặc biệt là với sàn TMDT. Vì quan điểm của mình là người bán hàng sẽ có trách nhiệm bảo hành của người bán nhưng hãng sẽ có trách nhiệm bảo hành của nhà sản xuất. Vì thế mình có thể mua hàng phân phối chính hãng kể cả online hay offline ở khắp các cửa hàng đại lý nhưng nếu cần bảo hành mình sẽ tìm thẳng đến hãng để tâm sự và yêu cầu quyền lợi, chỉ có 1 số ít trường hợp mà nhà bán hàng cam kết đổi mới ngay và luôn nếu có lỗi trong bao nhiêu ngày đầu, mà mình gặp vấn đề trong thời gian đó thì mình sẽ quay lại bên bán để tâm sự. Tóm lại bên nào nhanh và trực tiếp, có tiềm năng giải quyết vấn đề của mình nhanh chóng hơn thì mình sẽ gặp bên đó
  • Khi mua hàng cũng nên thêm tham khảo đánh giá của những người dùng, xem review unbox mở hộp và video trải nghiệm nhanh nọ kia. Tuy nhiên thường với các đánh giá trên trang sản phẩm mình chỉ để ý đến những điểm như: hàng có giống mô tả không, họ đóng gói vận chuyển thế nào, giao hàng có đủ hay thiếu, hàng có bị hỏng hóc gì ngay khi vừa mở ra không. Đó sẽ là những đánh giá mình quan tâm. Còn những đánh giá như “sử dụng tốt và bền” thì mình sẽ bỏ qua, vì thường mới nhận hàng một thời gian thì những đánh giá đó chưa chính xác và chưa thể hiện được nhiều điều. Ngoại trừ một số trang web có thể hiện thời điểm khách hàng mua sản phẩm thì có thể xem được những trải nghiệm của họ chia sẻ là sau bao lâu họ dùng thì lúc này mình sẽ cân nhắc những đánh giá về “sự tốt và bền”. Đương nhiên điểm này cũng phải tùy vào từng sản phẩm. Món đồ có thiết kế với tuổi thọ sử dụng 5 năm sẽ khác với món đồ có tuổi thọ thiết kế 20 năm.
  • Ngoài đánh giá của sản phẩm anh em có thể vào gian hàng của họ để xem đánh giá về gian hàng (tổng hợp đánh giá nhiều món hàng họ bán), hình dung chung được lượt bán và chất lượng các đơn hàng trước đó của họ
  • Anh em cần xem kỹ thông tin về sản phẩm anh em muốn mua như hình ảnh, video, cân nặng, số đo 3 vòng. Kỹ hơn nữa thì có thể kiếm hướng dẫn sử dụng của sản phẩm để đọc và biết là sản phẩm đó làm được gì, chức năng ra sao, có điều gì mà anh em sẽ không hài lòng với cách vận hành của nó không, thậm chí có thể xem được cả mã phụ kiện thay thế để xem thị trường có sẵn không (ví dụ như màng lọc trong máy lọc không khí), thường thì những thông tin chi tiết trong HDSD thể hiện nhiều điều về sản phẩm mà ít khi được đưa lên trang chủ của sản phẩm hay bất kỳ trang quảng cáo nào cho sản phẩm đó. Hướng dẫn sử dụng cũng dễ tìm thôi, thường sẽ có trên trang chủ của sản phẩm hoặc trang Hỗ trợ của sản phẩm.
  • Hầu hết đánh giá hay những thông tin anh em đọc được và xem được đều chỉ để tham khảo, có thể đúng có thể sai, có thể phù hợp với tiêu chí của anh hoặc không. Nhưng việc quyết định mua hàng là ở anh em, là quyết định của anh em, không ai có thể quyết định thay anh em, vì vậy hoặc anh em tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định mua hàng, hoặc đừng oán than hay đổ lỗi cho bất kỳ ai nếu đó không phải là một quyết định tốt. Trừ trường hợp anh em bị lừa bởi lừa đảo chuyên nghiệp, nhưng nếu anh em đã tìm hiểu kỹ và có kiến thức vững chắc về sản phẩm thì sẽ phần nào tránh được rủi ro này. Với những lời tư vấn của người bán hoặc nhân viên bán hàng, anh em cũng nên kiểm tra chéo thêm ở các nguồn khác, đôi khi họ chỉ tư vấn theo những gì được training nhằm phục vụ mục đích marketing chứ chưa chắc đã hiểu rõ về sản phẩm, mình từng bị tư vấn sai thông tin sản phẩm rất nhiều lần, và mình biết vì mình kiếm được thông tin đúng ở một nơi khác.
  • Yêu cầu được kiểm tra hàng khi nhận hàng (trước khi thanh toán COD) nếu có thể. Thường thì với những đơn vị có website bán hàng và/hoặc có bộ phận giao hàng riêng của họ thì sẽ có thể yêu cầu điều này.
  • Với những đơn hàng mua ở sàn TMDT thì thường không được kiểm tra hàng lúc nhận hàng. Với trường hợp này anh em cứ nhận hàng bình thường, nhưng khi mở hàng nhất định phải quay video, quay gói hàng 360 độ, quay gần vào tem phiếu trên món hàng rồi quay tiếp từ đầu đến cuối liền mạch quá trình anh em mở hàng, thậm chí quay đến lúc dùng thử sản phẩm, dù đơn hàng giá trị bao nhiêu cũng nên làm điều này để có bằng chứng nếu chẳng may có vấn đề. Nếu không có vấn đề gì, sau một thời gian anh em xóa đi cũng được. Nếu anh em chỉ mua món đồ linh tinh mà thấy không đáng để mất công quay video thì thôi khỏi. 
  • (Vì sao khi mua ở TMDT thì họ không cho kiểm tra lúc nhận hàng? Mình nghĩ rằng: thực ra người giao hàng về lý thuyết chỉ làm nhiệm vụ giao hàng, họ không có trách nhiệm và nhiệm vụ giải quyết vấn đề nếu có phát sinh với món hàng bên trong, nếu có vấn đề anh em phải liên hệ đúng bộ phận hỗ trợ của sàn hoặc đơn vị vận chuyển để nhận hỗ trợ) Update: hiện nay Shopee đã cho phép đồng kiểm, nhưng chỉ ở mức độ là mở đơn hàng để kiểm tra được nhận đúng món hàng thay vì gạch đá, chứ cũng không cho phép bóc sản phẩm ra để test trong quá trình đồng kiểm đó, vì vậy, quay lại video vẫn là một giải pháp tốt
  • Với mức 1, mình cũng không lo về vấn đề thanh toán, hầu như sẽ thanh toán trước luôn. Các mức 2, 3, 4, 5 thì tùy trường hợp, nếu qua sàn TMDT thì mình cũng sẽ thanh toán trước, còn nếu qua website riêng của người bán hoặc với cá nhân thì mình sẽ thanh toán COD
  • Với sàn thương mại điện tử hiện nay, anh em thanh toán trước hay thanh toán lúc nhận hàng không quá quan trọng, vì hầu hết các sàn đều đảm bảo quyền lợi cả 2 bên tức là họ sẽ nhận tiền từ anh em nhưng chưa trả ngay cho người bán mà sẽ giữ thêm 3-7 ngày từ lúc anh em nhận được hàng, để anh em có thời gian mở hàng kiểm tra cũng như có thời gian để khiếu nại, yêu cầu hoàn hàng trả lại tiền nếu cần. Nếu chẳng may có vấn đề anh em cứ bình tĩnh liên hệ lại cho shop hoặc liên hệ hỗ trợ của sàn để giải quyết. Mình cũng có lần bị giao nhầm hàng, liên hệ shop rồi ấn hoàn hàng thôi, sau đó có người đến lấy, shop nhận lại hàng thì tiền hoàn lại tài khoản. Hơi mất công và thời gian tí nhưng cũng không sao. Sau này thì có thêm cái chức năng hoàn tiền ngay, thường để dùng cho các trường hợp thiếu hàng, mình từng bị một lần đặt 2 món nhưng chỉ giao 1 món, thay vì phải trả lại hàng thì họ xác nhận rồi hoàn lại chỗ tiền bị thiếu thôi, cũng may là có quay lại video đầy đủ, họ giải quyết trong 3 ngày thôi là hoàn tiền lại. Một số shop khi gửi thiếu hàng thì cũng xin lỗi và gửi bù hàng lại mà mình không cần phải liên lạc đến hỗ trợ của sàn.
  • Đoạn này thì có thêm 1 lưu ý cho anh em, có một trường hợp shop lươn lẹo lắm, mình cũng đọc 1 bài trên tinhte thôi, bạn này mua 1 món đồ giá 450,000 trên sàn TMDT nhưng lúc nhận là hàng giả, khi bạn ấy liên hệ shop để yêu cầu hoàn tiền thì shop sử dụng chức năng hoàn tiền ngay và yêu cầu hoàn tiền 450đ thay vì 450,000đ. Bạn ấy không để ý nên ấn chấp nhận và thế là bạn ý chỉ được hoàn 450 đồng, bị cửa hàng gian xảo kia chiếm mất 449,550 đồng, lúc này thì sàn TMDT có lẽ cũng sẽ khó can thiệp vì 2 bên đã đồng ý và thỏa thuận với nhau và một phần cũng vì bạn ấy cũng không để ý, mình không theo dõi được hết trường hợp đó nên không biết kết quả bạn ấy có đòi lại được tiền không. Tuy nhiên, mình xin phép nhắc lại trường hợp này để anh em lưu ý còn tránh, vì nếu gặp trường hợp tương tự thì anh em sẽ mất thêm thời gian công sức, rước cái bực vào người, và cũng muốn dùng ví dụ đó để nhắc lại chẳng may có vấn đề anh em cứ bình tĩnh, không cần vội vã để tránh nhầm lẫn, bây giờ quyền lợi người dùng cũng được các bên phần nào quan tâm rồi.
  • Ngoài ra cũng còn một số trường hợp lừa đảo tinh vi khác như bị lộ thông tin đơn hàng khiến đơn hàng bị tráo dù các sàn tmđt cũng đã có nhiều giải pháp để khắc phục chuyện này (giao đơn giả đến trước đơn thật), giả vờ có đơn hàng của người thân (người thân bị lừa nhận hộ hàng và trả tiền hộ), mua hàng ở trang web không uy tín gây mất thông tin thẻ hoặc tài khoản… và rất nhiều các thể loại khác. Anh em cũng cần cẩn thận đề phòng những vấn đề này bằng cách: kiểm tra kĩ đơn hàng khi nhận hàng – xem có đúng mã đơn hàng mình đã đặt không, đúng đơn vị vận chuyển không. Có mua đồ mà nhờ người nhà nhận thì nhớ dặn người nhà, người thân các thông tin như có phải thanh toán không, giá trị của món đồ… Anh em nào ở nhà có người lớn tuổi thì cứ dặn là nếu có ai giao hàng thì cứ gọi điện cho anh em để xác nhận trước khi nhận hàng (và trả tiền). Anh em cũng cần sử dụng thông tin thanh toán cẩn thận, nhất là khi mua trên những trang web của các cửa hàng, tránh để bị lộ thông tin thanh toán (lý do vì sao mình chia sẻ nếu độ uy tín không cao mình sẽ chọn COD)
  • Anh em cứ quan niệm rằng hầu hết người bán hàng tử tế thì họ sẽ có trách nhiệm với đồ mình bán ra, và hầu hết những người bán hàng chân chính họ sẽ không chỉ vì một cái lợi trước mắt mà đánh đổi nhiều năm công sức gây dựng của họ. Xã hội thì vẫn sẽ vẫn luôn có người không lương thiện nhưng họ là thiểu số thôi. Miễn sao anh em tự biết cách bảo vệ bản thân, nhận thức được những rủi ro để đảm bảo quyền lợi của mình thì việc mua hàng online cũng đơn giản, tiện lợi và thú vị
  • Update: Hiện mình mới lên một bài viết về chủ đề Shop Mall bán hàng nhái để anh em cập nhật và tăng cường cảnh giác
  • Nếu mình còn thiếu kinh nghiệm hay lưu ý gì mà anh em biết hoặc anh em đã trải nghiệm, mong anh em chia sẻ thêm, bổ sung thêm cho mình và các anh em khác cùng biết với nhé. Cám ơn anh em nhiều nhiều

Cách mua hàng online giá tốt, đôi khi áp dụng được cho cả offline

  • Anh em cần biết nhu cầu của bản thân, định hình rõ ràng ngân sách có thể chi tiêu trong một khoảng từ trước để sau đó đi tham khảo mẫu mã, thương hiệu, giá cả. Xác định rõ nếu phải chi trả thêm thì phần chi trả tăng thêm đó có xứng đáng với giá trị tăng thêm mà sản phẩm sẽ mang lại hay không. Để có thể tỉnh táo trước tuyệt chiêu “up size” của nhà bán hàng
  • Anh em cần hiểu rõ về nơi mình định mua hàng để xem mức giá có hợp lý với mức độ tin cậy không. Một món hàng ở đại lý nhỏ chênh 5-10-15% so với đại lý lớn thì có vẻ ổn nhưng nếu chênh lệch đến 20-30% hay nhiều hơn nữa thì anh em cần cẩn thận và cân nhắc kỹ. Vì đời rất công bằng, mọi thứ đều có cái giá của nó, một nơi uy tín sẽ có cái giá cho sự uy tín mà họ xây dựng và giá đó được cộng vào giá sản phẩm họ bán ra. Trong thực tế, có thể vẫn có trường hợp đại lý nhỏ có mức chênh lệch nhiều khi so với đại lý lớn nhưng vẫn là hàng chuẩn, lúc đó thì chúc mừng anh em kiếm được deal ngon. Và thực tế cũng có nhiều chỗ bán hàng phake giá real, anh em cũng phải đề phòng
  • Nên có kế hoạch mua 1 món đồ (hay bất cứ khoảng chi tiêu nào khác). Mình nhắc đến chuyện có kế hoạch ở đây đầu tiên là về góc độ tài chính, khi anh em mua sắm mà đã nằm trong kế hoạch tài chính được vạch ra từ trước thì anh em sẽ không phải lo lắng lúc khác hay sau này thiếu chỗ này, hụt chỗ kia cho những khoản chi tiêu cần thiết khác
  • Một điểm khác nữa khi có kế hoạch mua sắm là để anh em có thời gian định hình tâm lý và nhu cầu bản thân xem mình có thật sự cần nó không hay đó chỉ là một cái sở thích nhất thời lúc đó. Mình trải qua chuyện này rồi, đợt đó thích cái loa Marshall Killburn 2, để sẵn tiền rồi, xuống tay phút mốt được rồi, tuy nhiên khi hỏi các bên lại hết hàng, hỏi một bên có hàng thì lại kiểu bán bia kèm lạc (combo mua loa + phụ kiện linh tinh mới bán) mà mình ghét, vậy là sau tầm 2 tuần không kiếm được chỗ ưng ý để mua được thì mình bắt đầu suy nghĩ lại về việc có thật sự cần nó không, và rõ ràng không có nó mình vẫn ổn. Cuối cùng mình bỏ ý định mua nó luôn vì cảm thấy nhu cầu sử dụng không còn nữa
  • Ngoài ra khi lên kế hoạch mua sắm từ trước, anh em có thể biết được biến động giá của sản phẩm trong 1 khoảng thời gian nhất định và sẽ có sẵn nguồn ngân sách nhằm săn được lúc nó sale rẻ tránh bỏ lỡ cơ hội. Ví dụ mình biết là mình cần mua MRB, máy giặt, tủ lạnh vào thời điểm mình ra ở riêng thì trước đó 1-2 tháng mình đã để dành tiền, đi tham khảo, ngó nghiêng, ở nhiều nơi để xem mức giá trung bình của món đồ đó, biết được một số khuyến mại giảm giá rồi. Và trong thời gian quan sát đó mà thấy có hôm nào được giảm sốc mà thấp đột biến so với thông thường là xuống tiền mua ngay và luôn, đôi khi cũng có lúc sau khi mua nó giảm thêm nữa nhưng mà cũng ít thôi, đa phần mua xong là quay về giá cũ cao hơn
  • Thời gian của kế hoạch tùy thuộc vào mức độ cần thiết của món đồ đó tại thời điểm đóVí dụ anh em biết là đến mùa đông cần mua máy sưởi thì anh em có thể lên kế hoạch mua từ cuối hè để cho giá chưa bị thổi lên. Còn như trường hợp bỗng máy tính tự nhiên hỏng mà đó là công cụ kiếm cơm thì rõ ràng anh em đâu thể nào chờ 1-2 tháng săn sale được. Tuy nhiên, nếu biết là máy mình cũ hoặc có nguy cơ hỏng bất kỳ lúc nào, anh em vẫn có thể thi thoảng ngó nghiêng thị trường để tham khảo giá trước và định hình thị trường trước
  • Hạn chế mua lúc món hàng đang hot, đang trend nếu chưa thực sự thấy quá cần thiết vì khi đó cầu lớn hơn cung và đương nhiên giá sẽ cao hơn rồi, anh em chờ hạ nhiệt rồi mua. Sự kiên nhẫn của anh em lúc này được trả bằng tiền mặt
  • Để ý đến mấy cái voucher giảm giá, mã giảm giá. Nhiều khi trên mấy sàn TMDT thì có voucher giảm giá anh em ấn vào thì nó giảm giá cho anh em, nhưng cùng lúc đó nếu gõ tiếp cái mã giảm giá trên tên sản phẩm chẳng hạn thì nó lại tiếp tục giảm thêm lần nữa. Anh em có thể bị bỏ sót cái này dù nó ở ngay trước mắt. Mình từng bị rồi, nhưng may là vừa đặt đơn xong thì nhận ra, vậy là đặt một đơn nữa để kiểm tra thì được giảm thêm, sau đó chỉ cần hủy đơn ban đầu
  • Để ý đến những ngày giảm giá đặc biệt khi đang có ý định mua 1 món gì đóVí dụ tháng 12 muốn mua đồ thì anh em có thể nhớ là sắp đến giáng sinh và dịp mua sắm cuối năm, chờ thêm một chút có thể có giá tốt hơn. Ngoài ra trên mấy sàn TMDT cũng hay có mấy ngày cố định để giảm giá kích cầu
  • Tham gia group Chia sẻ deal hời của Ngon Bổ Xẻ, cuối bài viết sẽ có nút bấm có link đến Group của mình, group này mình chia sẻ những sản phẩm chính hãng được bán từ các nhà bán uy tín với mức giá tốt hơn giá thị trường
  • Anh em có thêm thủ thuật gì để mua hàng giá tốt thì chia sẻ thêm với mình cùng với các anh em khác nhé

So sánh một số sàn thương mại điện tử

Thời điểm mình mua hàng online thông qua trang TMDT lần đầu vào ngày 21/01/2018 (Tiki), thời điểm này thì có lẽ 3 sàn TMDT lớn ở VN đã bắt đầu phổ biến được vài năm. Sau Tiki thì mình trải nghiệm Lazada (lần đầu 24/7/2018) và sau đó là đến Shopee (28/9/2019). Mình đề cập đến ngày đầu tiên mình mua hàng trên các trang TMDT này đơn giản là vì mình không nhớ được lần đầu mình mua hàng online là lúc nào, có thể cả trước đó nữa rồi, còn mở lại lịch sử mua hàng thì mấy trang TMDT có lưu lại được và mình xem được đơn đầu tiên mình mua.

Mình trải nghiệm mua sắm từ TMDT như trên vì khi mới tiếp cận với TMDT hồi đó, thì mô hình hoạt động của Tiki là B2C (Business to Customer), khi đó Tiki trực tiếp phân phối sản phẩm, và như vậy mình sẽ thấy yên tâm hơn, lúc này 2 sàn TMDT Lazada và Shopee là mô hình Market Place nên hồi đó cũng khá loạn lạc, vì thế mình tiếp cận đến Tiki như một phương án an toàn để bước 1 bước ra khỏi cách mua hàng truyền thống.
Nhưng khi đã quen dần với TMDT thì mình bắt đầu trải nghiệm Lazada và Shopee, đặc biệt là khi họ có thêm Mall, là nơi các gian hàng chính hãng sẽ đăng ký, với các gian hàng Mall thì mình cũng có cảm giác an toàn và yên tâm hơn so với các cửa hàng bên ngoài, đây cũng như là một bước nữa để ra khỏi vùng an toàn vốn có.
Và đến hiện tại, khi đã có kinh nghiệm rồi, thì gần như 70-80% việc mua hàng của mình là online và phần lớn trong số đó từ sàn TMDT, bao gồm cả từ gian hàng chính hãng trên Mall hay gian hàng thông thường của các nhà bán hàng. Ngoài ra, một số ít đơn hàng online của mình đến từ web bán hàng của các cửa hàng hoặc thương hiệu.
Ở thời điểm hiện tại, khi mà cả 3 sàn TMDT đã có cách hoạt động khá giống nhau (Market Place), thì tần suất mình sử dụng nhiều nhất là Shopee, rồi đến Lazada và Tiki với đối tượng sản phẩm khá khác nhau.

  • Nếu cần mua những sản phẩm phổ thông, đồ vặt, Shopee là lựa chọn số 1 vì tính đa dạng của của sản phẩm và số nhà bán hàng lớn, mình sẽ dễ dàng kiếm được món đồ vặt mình cần từ những cửa hàng mình xếp mức 4 và mức 5 ở trên
  • Khi mua một sản phẩm có giá trị tương đối (tầm 2-5 triệu) mà mình sẵn sàng mua của các đại lý hay cửa hàng phân phối (thường là mức 3 và mức 4) thì mình sẽ hay tham khảo các gian hàng trên Shopee và Lazada, vì hầu như các gian hàng ở Tiki sẽ để giá cao hơn
  • Khi mua một sản phẩm có giá trị lớn hơn (trên 5 triệu) mình thường ưu tiên các gian hàng chính hãng và lúc này mình sẽ đặt cả 3 sàn lên bàn cân, cộng thêm các cửa hàng, đại lý bên ngoài mà mình biết họ đang phân phối chính hãng món hàng đó, thường là mức 1, 2 và 3. Và chỗ nào sau khi giảm giá có giá phù hợp nhất thì mình mua thôi.

3 đoạn trên để miêu tả cho các bạn hình dung tần suất sử dụng, đối tượng sản phẩm và cách mình dùng bộ lọc cá nhân của mình ở mỗi sàn TMDT.

Mình có 1 bảng so sánh nhanh 3 sàn TMDT lớn và mình hay dùng, 1 điểm là không tốt, 10 điểm là tốt. Điểm nào mà mình thấy họ làm tốt nhất trong 3 sàn trên thì mình cho điểm 10 để làm thước đo nhằm so sánh với 2 sàn cái còn lại, điểm 10 này không phản ánh rằng họ đã làm việc đó đủ tốt để đạt được 10 điểm hoặc họ làm việc đó chưa đủ tốt để bị đánh điểm thấp hơn trong thang đánh giá của cá nhân mình.

Update 7/6/2023: mình mới hạ điểm về chất lượng gian hàng chính hãng của Shopee cũng như Lazada vì phát hiện một số shop mall bán nhái, mời các bạn đọc thêm trong bài viết này

Tiêu chíTikiLazadaShopee
Giao diện người dùng, độ ổn định và thao tác sử dụng (đánh giá chung cả trên máy tính và điện thoại)867
Sự đa dạng sản phẩm6810
Sự đa dạng nhà bán hàng7910
Quản lý chất lượng gian hàng1087
Chất lượng gian hàng chính hãng và Mall1087
Chất lượng gian hàng quốc tế7910
Giá tốt, kể cả Mall hay thường, tính cả mã giảm giá81010
Chất lượng vận chuyển1098
Bộ phận hỗ trợ khách hàng, đổi trả hàng sau bán hàng1098
Tần suất sử dụng và số lượng đơn hàng của mình (ước tính)2%15%83%
Tần suất sử dụng và số lượng đơn hàng giá trị cao của mình 20%34%46%
Lưu ý: đây chỉ là chấm điểm và so sánh dựa trên trải nghiệm cá nhân để những anh em mới tiếp cận đến mua sắm online tham khảo, không phải từ số liệu nghiên cứu quy mô lớn nên không mang tính đại diện. Trải nghiệm của mình có thể sẽ không giống với anh em

Bên dưới là bảng điểm cũ từ năm 2022 để anh em tham khảo

Mua hàng online giá trị cao an toàn 2023
Bảng điểm cũ đầu năm 2022

Một số món đồ mình hiếm khi mua Online

Với mình có một số món sau mình hiếm khi mua online:

  • Quần áo và những phụ kiện liên quan: Vì không có sự nhất quán về kích cỡ giữa các quốc gia, giữa các hãng, giữa các dòng sản phẩm của 1 hãng, và vì mình khá kỹ tính về chất liệu, dù hay chỉ mặc đồ đơn giản 100% cotton, nhưng mà sờ chất 100% cotton này lại khác chất 100% cotton khác, chưa kể nhiều cái mác ghi 100% cotton nhưng sờ như nilong, nên mình sẽ mua Offline để được sờ mó trực tiếp sản phẩm
  • Giày dép: Tương tự như lý do mua quần áo vì kích cỡ giày cũng khá khó nói. Tuy nhiên có những lúc mình ra cửa hàng để thử mẫu mình ưng và biết được size phù hợp sau đó mình về nhà đặt Online đúng mẫu đó size đó. Chỉ có 1 lần mua lại 1 đôi giày Dr. Martens của một bạn ở HCMC thì phải, bạn ấy pass lại vì sai cỡ, vì đã hiểu cách đặt size của hãng này nên mình không ngại ngần gì
  • Thuốc và sản phẩm sức khỏe: Vì nhiều đồ giả nên cứ ra tận nơi xem và mua, thấy không ổn là trả lại không mua, gần đây thì đã có một số thứ mình mua online vì cũng có một số thương hiệu, cửa hàng lớn và uy tín gia nhập thị trường Online bán các sản phẩm sức khỏe
  • Thực phẩm và hàng hóa thiết yếu: Mình ra siêu thị gần nhà nhanh hơn, tiện hơn, có cái MegaMarket (Metro cũ) gần nhà.

Một số món có giá trị mình đã mua Online

Ở đây mình xin phép chia sẻ những món đồ Online mình mua cho bản thân hay mua hộ cho người thân. Mình chỉ liệt kê mấy món tầm 1 triệu trở lên vì thấy đó là hàng có giá trị trung bình đến cao để anh em hình dung những gì mình viết ở trên (theo thứ tự thời gian từ mới đến cũ). Không nhầm thì món đắt nhất mình mua online là tầm 13-14 triệu. Vì mình cũng bình dân nên các sản phẩm mình thấy có giá trị cao có thể chỉ là giá trị thấp với những anh em khác hoặc ngược lại vì chúng ta có những thước đo khác nhau, vì thế trải nghiệm của anh em có thể sẽ khác với của mình.

Ngoài ra trong này mình có chèn link những món mình đã viết review chi tiết hoặc trải nghiệm nhanh sau một thời gian sử dụng, anh em có thể xem thêm nếu đang quan tâm.
Ngoài ra nếu anh em quan tâm đến món đồ nào bên dưới mà mình chưa viết thì anh em để lại comment nhé, sau khi viết, mình sẽ gửi link đến anh em trong comment.

Shopee:
Mát giặt LG 8kg | Máy lọc không khí (mua cho mẹ vợ) | Robot hút bụi Dreame D9 | Router Wifi 4G TP-Link | Camera hành trình Mai70 (mua cho bố mình) | Sim phát Wifi | Ổ cứng SSD + HDD WD | Pin dự phòng kiêm kích nổ ô tô Anker | Vô số các món khác lặt vặt nữa

Tiki:
Máy ép trái cây (mua cho mẹ vợ) | Xe đẩy hàng Stanley | iPhone XR VN/A | Quạt trần Panasonic x2 | Máy lọc không khí (cho ông bà) | Mibox và Mibox S (3 cái 1 cái cho mình, 1 cái bố mẹ, 1 cái cho ông bà) | Máy nước nóng trực tiếp (cho bố mẹ) | iPhone 7 J/A (cho mẹ) | Quạt đứng Mitsubishi | Redmi 4X (2 cái cho ông nội) | Redmi Note 4 | Và khoảng 6 món nữa vài trăm mỗi món

Lazada:
Nồi chiên không dầu Philips | Máy sưởi Xiaomi (mua cho ông bà) | iPhone 7 VN/A (cho em gái) | Và khoảng 7 món khác vài trăm mỗi món

Một số nơi khác (cái này thì không theo thứ tự thời gian, mình nhớ cái nào thì viết cái đó thôi):
Máy rửa bát ở DMX | Tủ lạnh Sharp ở Nguyễn Kim | Máy hút ẩm gọi điện đặt hàng và qua store pick-up | iPhone SE 2 VN/A (cho bố vợ) ở TGDD và store pickup | TV Sharp 60 inch (cho bố mẹ) ở MediaMart gọi điện đặt hàng + giao và quẹt thẻ tận nhà | Samsung A50 (cho cô mình) ở trang chủ Samsung | Đồng hồ DW Dapper 38mm ở trang chủ của DW, ship từ nước ngoài về khai báo HQ nộp thuế nhập khẩu chính ngạch | nhiều món khác nhỏ nhỏ vặt vặt mua trên AliExpress và nhiều cái mình không nhớ nữa

Lời cảm ơn

Wow, cuối cùng cũng kết bài, nể anh em nào đọc từ đầu đến đây mà không skip một chút nào và mình rất rất trân trọng điều đó.

Lần nữa, cám ơn anh em đã đồng hành cùng với Ngon Bổ Xẻ. Anh em có thể tham khảo thêm phần bình luận của bài viết này tại TinhTe nha

Bài viết gốc ngày 16/01/2022 được cập nhật ngày 04/03/2023

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.