Trên tay ổ cứng di động Transcend ESD260C

Trên tay ổ cứng di động Transcend ESD260C

Hiện tại trên thị trường đã có nhiều nhà sản xuất ổ cứng di động sử dụng ổ lưu trữ thể rắn (SSD) cho các sản phẩm của mình. Đi đôi với tốc độ cao, SSD còn giúp các nhà sản xuất làm ra những chiếc ổ cứng di động có kích thước gọn gàng và nhẹ nhàng, khác hẳn với những chiếc ổ cứng HDD khi xưa.

Trong bài viết ngày hôm nay, mình muốn chia sẻ trải nghiệm nhanh với chiếc ổ cứng di động Transcend ESD260C. Phiên bản mình đang sử dụng có dung lượng 1TB với mã sản phẩm là TS1TESD260C, ngoài ra Transcend còn có 2 phiên bản nữa là 250GB (TS250GESD260C) và 500GB (TS500GESD260C) cho sản phẩm này. Đây là một chiếc ổ cứng rất đẹp và nhỏ gọn đến từ Transcend, thương hiệu lưu trữ khá lâu đời đến từ Đài Loan.

Thông tin cơ bản

Dưới đây là một vài thông số chính, ngoài ra các bạn có thể xem thêm chi tiết hơn ở trang chủ của sản phẩm Transcend ESD260C:

  • Kích thước: 81.4 x 33.6 x 7.5 mm
  • Khối lượng: 33g
  • Chuẩn kết nối: USB 3.1 Gen 2
  • Tốc độ đọc-ghi tối đa: lên tới 520-460 MB/s
  • Đi kèm 2 cáp kết nối: C-to-C và A-to-C
  • Mức giá tham khảo: đ 1,690,000 (có thể khác nhau tuỳ cửa hàng)
esd260c

Kích thước và thiết kế

Ổ cứng ESD260C là một chiếc ổ cứng có kích thước rất ấn tượng. Mình khó có thể diễn tả sự ấn tượng này bằng lời vì vậy các bạn hãy cùng xem một số ảnh mình chụp chiếc ổ cứng này cùng với một số món đồ công nghệ khác để dễ hình dung kích thước 81.4 x 33.6 x 7.5 mm ngoài thực tế sẽ thế nào nhé.

Khi bạn quan tâm đến tính di động và có nhu cầu mở rộng bộ nhớ cho những chiếc máy tính mỏng nhẹ, khối lượng của phụ kiện cũng sẽ là những thứ cần cân nhắc. Với khối lượng 33g chiếc ổ cứng di động này sẽ đảm bảo sự nhẹ nhàng cho những người ham xê dịch. Để hình dung thì một chiếc ổ HDD sẽ nặng tầm 150g, hoặc một chiếc ổ SSD vỏ kim loại có kích thước bằng thẻ tín dụng sẽ nặng tầm 60g.

Mình đánh giá rất cao ngoại hình, thiết kế và hoàn thiện của chiếc ổ cứng này, chất liệu nhôm nhám khá giống với các sản phẩm từ Apple, cũng ‘đẹp đôi’ khi dùng chung với Macbook hoặc iPad, vốn là những thiết bị có bộ nhớ trong khá keo kiệt đến từ nhà sản xuất hay có mức giá chênh lệch hơi phi lý cho mức dung lượng tăng thêm.

Với kích thước nhỏ gọn như vậy nhưng Transcend vẫn hoàn thiện sản phẩm rất tốt, đem lại cảm giác cao cấp và liền lạc khi phần lớn vỏ ngoài là một khối nhôm cùng 2 cạnh dài được bo cong mềm mại, còn 2 cạnh ngắn lại được vát diamond cut đường viền lấp lánh ánh kim loại. Phần ốp ở cạnh ngắn, mình nghĩ đó không phải là kim loại nhưng cũng đã được Transcend hoàn thiện rất tốt, cho ra màu sắc và cảm quan giống với toàn bộ phần vỏ bên ngoài, đem lại một cảm giác liền lạc và cao cấp, cổng usb cũng nằm chính giữa cân đối.

Nếu cố soi mói thái quá để tìm ra điểm chưa được đẹp mắt, có lẽ chỉ có cái đèn trạng thái hiện đang nằm ở một vị trí hơi bất cân đối và phần tem thông tin dán ở mặt dưới của sản phẩm hơi lạc tông, hơi đi ngược lại với phong cách nhỏ, gọn, mỏng đẹp của sản phẩm. Nhưng tem dán sẽ có thể bóc được và biết đâu sẽ giúp sản phẩm đẹp hơn so với việc in thẳng thông tin lên vỏ, mình sẽ lột bỏ tem này.

Ngoài ra, một điểm phải đánh đổi để có được vẻ đẹp, đó là chiếc ổ cứng này sẽ không có các tiêu chuẩn để chống va đập. Điều này cũng dễ hiểu vì thường những chiếc ổ có khả năng chống va đập thường sẽ to, dày, nhiều lớp bảo vệ, và cũng nặng hơn, cục mịch hơn.

Tốc độ

Mặc dù sử dụng chuẩn USB 3.1 Gen 2, về lý thuyết sẽ có mức băng thông 10Gbps với mức tốc độ khoảng 1000MB/s, tuy nhiên nhà sản xuất công bố cho sản phẩm này mức tốc độ đọc-ghi chỉ là 520-460 MB/s (~5Gbps). Tất nhiên, ngưỡng 500MB/s chưa phải là mức cao nhất mà chuẩn USB 3.1 Gen 2 có thể đáp ứng.

Nhưng tốc độ này đã quá đủ cho những bạn nào không có những nhu cầu quá cao về tốc độ hoặc các bạn vẫn đang dùng các thiết bị chỉ có cổng giao tiếp 5Gbps và chưa có nhu cầu nâng cấp thiết bị trong một vài năm tới. ESD260C hoàn toàn có thể đáp ứng tất cả các nhu cầu lưu trữ dữ liệu cơ bản, xử lý nhiều công việc trực tiếp trên ổ cứng, hay các nhu cầu giải trí như nghe nhạc, xem phim, lưu trữ ảnh, cũng sẽ không gặp bất cứ khó khăn hay vấn đề gì với tốc độ truy xuất này.

Mình đã chạy thử một số phần mềm test tốc độ trên vài thiết bị và cũng tự đo tốc độ thủ công để các bạn có thêm thông tin về tốc độ của sản phẩm này.

Đầu tiên là test với ứng dụng Crystal Disk Mark trên Windows, cấu hình test là main Asus Prime B450M-A có cổng USB 3.1 Gen 2, CPU AMD Ryzen 5 2600, 16GB RAM. Mình setup bài test chạy 3 lần, mỗi lần 4GiB (~4.3GB) dữ liệu, cho ra tốc độ đọc-ghi tối đa là 566 và 438 MB/s.

Với ứng dụng Disk Speed Test của Blackmagicdesign trên MacBook Pro 2017 bản base, mình setup test với dung lượng 5GB cho ra tốc độ đọc-ghi là 510 và 436 MB/s.

Ngoài ra, mình có test thủ công bằng cách copy dữ liệu ra và vào ổ cứng thủ công rồi bấm giờ từ lúc bắt đầu đến khi hoàn thành để tính được tốc độ trong một vài tình huống sử dụng thực tế. Mình sử dụng Macbook Pro 2017 để test, lưu ý là máy tính của mình chỉ có SSD 128GB và dung lượng còn trống khi test cũng không quá nhiều, cũng chỉ còn trống tầm 60GB, mình test bằng những file và folder dưới:

  1. Một Folder chứa 2,587 file và folder con, dung lượng 31.51 GB
  2. Một file lẻ, dung lượng 20GB
  3. Cả 2 mục trên, dung lượng 51.51 GB

Đây là kết quả

Bài testESD260C → MBP
Tốc độ đọc
MBP → ESD260C
Tốc độ ghi
1. Folder 31.51GB1p14s ~ 426 MB/s1p21s ~ 389 MB/s
2. File 20GB37s ~ 540 MB/s43s ~ 465 MB/s
3. Folder + File 51.51GB1p49 ~ 473 MB/s2p04s ~ 415 MB/s

Trong tất cả các bài test từ ứng dụng đến thủ công, mình không gặp phải hiện tượng suy giảm tốc độ khi có tải nặng vượt quá bộ nhớ đệm cache. Đây là một cách mà vài nhà sản xuất sử dụng để “tăng tốc” cho ổ cứng nhằm có được thông số đẹp trên quảng cáo, cho ra tốc độ tối đa “up-to” rất cao nhưng khi tràn cache sẽ bị suy giảm tốc độ và không còn được cao như quảng cáo.

Với chiếc ổ cứng DIY mình tự ráp có bị hiện tượng đó, ngày đó mình cũng không biết vụ dùng bộ nhớ đệm cache để tăng tốc độ SSD, mua về dùng rồi mới biết. Mà mình mua ổ SSD NVME từ hãng rất nổi tiếng nha vào 2021, giá cũng không hề thấp. Ví dụ với 5GB dữ liệu, mình copy được khoảng 3GB tốc độ rất cao, có thể lên tới 800-900 MB/s nhưng sau 3GB đó, tốc độ bắt đầu suy giảm nghiêm trọng chỉ còn tầm 200-300 MB/s và chỉ duy trì được ở mức đó.

Ngoài ra, mình có chạy test đọc và ghi file có dung lượng 200GB, ESD260C cũng thể hiện rất tốt, tốc độ ổn định và không có dấu hiệu gì của việc sẽ bị tràn SLC cache.

Tóm lại, về tốc độ và sự ổn định của ESD260C, mình đánh giá khá cao những gì mà chiếc ổ cứng này thể hiện. Sau một thời gian nữa, khi đã sử dụng lâu hơn, mình sẽ test thêm cả tốc độ của ổ cứng khi chứa nhiều dữ liệu (ở mức 50% và 80%), để xem tốc độ và sự ổn định có còn được duy trì không, các bạn cùng đón chờ các bài review tiếp theo trong tương lai nhé.

Nhiệt độ

Nhiệt độ cũng là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến hiệu năng cũng như trải nghiệm sử dụng của ổ cứng, về lâu dài cũng có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ. Vì vậy mình cũng có theo dõi nhiệt độ của chiếc ổ cứng ESD260C này bằng phần mềm CrystalDiskInfo để cung cấp thêm một vài thông tin trực quan hơn.

Tất nhiên, nhiệt độ cũng ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như môi trường hay cường độ hoạt động vì vậy sẽ có thể khác nhau trong quá trình sử dụng. Nhiệt độ thông thường của các ổ cứng SSD là từ 0-70 độ C, đây là ngưỡng an toàn, vượt quá 70 độ có thể sẽ là vấn đề. Thông thường, các nhà sản xuất cũng sẽ có một ngưỡng nhiệt độ an toàn được thiết lập sẵn, nếu nóng quá mức, bộ điều khiển sẽ giảm hiệu năng để giữ an toàn cho ổ cứng. Bản thân chiếc ổ cứng ESD260C cũng có ngưỡng nhiệt hoạt động thiết kế nằm trong khoảng 0-60 độ.

Khi mình thử chạy Speedtest nặng (4GiB, 5 lần test, không nghỉ giữa mỗi lần, chạy app test liên tục vài lần để tìm mức nhiệt cao nhất), nhiệt độ của ESD260C mất khá lâu mới tăng lên mức nhiệt cao nhất là tầm 51-53 độ cho việc đọc – ghi liên tục. Sau khi dừng test, để standby, nhiệt độ quay về mức 47 độ sau 1 phút và tiếp tục về mức 45 độ sau 2 phút, có thể thấy vỏ kim loại phát huy tốt khả năng tản nhiệt giúp ổ cứng nguội đi khá nhanh.

So sánh nhanh với một vài mẫu ổ cứng SSD mà mình cũng sử dụng, mức nhiệt độ loanh quanh 50-55 độ khi đọc ghi dữ liệu nặng của ESD260C là mức nhiệt rất tốt rồi, sẽ không bị giảm hiệu năng để điều chỉnh nhiệt (thermal throttling), một số mẫu SSD vỏ nhựa có thể nóng đến 60-65 độ và khả năng tản nhiệt kém của nhựa cũng khiến ổ cứng rất nhanh bị nóng lên và cũng mất nhiều thời gian hơn để nguội đi và cũng có thể gây giảm hiệu năng.

Tóm lại, về nhiệt độ và khả năng tản nhiệt, mình đánh giá cao chiếc ổ cứng ESD260C này. Tất nhiên, bên cạnh ưu điểm của việc tản nhiệt tốt thì nhược điểm của vỏ kim loại đó là chúng ta sẽ cảm nhận được ngay nhiệt độ của ổ cứng một cách rõ ràng lúc chạm vào.

Tính năng

Transcend có một phần mềm miễn phí tên là Transcend Elite để quản lý dữ liệu và cung cấp thêm một vài tính năng cho ổ cứng. Phần mềm có trên Mac, Win, và Android. Mình cũng có cài đặt thử trên cả 3 nền tảng trên để test các tính năng và có đi kèm đánh giá như sau.

Tính năngĐánh giá
BackUp and RestoreTính năng này giúp chúng ta sao lưu dữ liệu theo đúng cấu trúc folder. Khi restore sẽ trả về đúng vị trí.
Khi ấn backup là sẽ thực hiện lệnh sao chép sao từ folder nguồn đến folder đích, (1 chiều) và mỗi lần ấn Back-Up là một lần xoá hết folder đích để copy lại folder nguồn. Restore sẽ đảo ngược chiều. Chỉ có thể ấn thủ công.

Cá nhân mình chưa đánh giá cao giải pháp này vì vẫn còn nhiều bước thủ công và chưa thật sự hữu dụng.
Mã hoá Tính năng này giúp chúng ta mã hoá cho file hoặc folder tuỳ ý, đặt password cho một file bất kỳ bằng ứng dụng Elite, phần mềm sẽ đổi định dạng file hoặc folder về đuôi *.enc, và chúng ta chỉ có thể mở file sau khi giải được bằng ứng dụng Elite này.

Tình năng này mình thấy ổn, có thể mã hoá những dữ liệu nhạy cảm cần bảo mật trước khi cho mượn hoặc phòng cho trường hợp bị mất ổ cứng.
CloudTính năng hỗ trợ Backup từ Cloud về ổ cứng, hiện hỗ trợ Google, OneDrive và Dropbox.

Mình thấy có cũng tốt mà không có cũng không sao vì không thiếu giải pháp cho việc đó.
Disk LockTính năng này là khoá toàn bộ ổ cứng bằng mật khẩu, nhưng chỉ hoạt động với app trên Win và Android. Mình thử dùng nhưng tính năng chưa ổn định lắm.
Lần 1: Mình thử khoá ổ bằng Win, sau đó rút ổ ra cắm lại vào chính máy Win đó, máy không tìm thấy ổ dù có tiếng thông báo đã kết nối. Lúc này cắm Android thì vẫn nhận và dùng App vẫn mở khoá ổ bình thường. Sau khi mở khoá ổ, cắm lại vào máy Win vẫn không nhận. Khởi động lại máy tính mới nhận.
Lần 2: Thử khoá ổ bằng Android, cắm máy Win cũng vẫn không nhận. Mở khoá ổ bằng Android cắm lại máy tính cũng vẫn không nhận. Khởi động lại máy tính mới nhận
Trong lần 2 khi rút ra cắm vào Android cũng có lúc báo không đọc được ổ, mình phải thoát hẳn App Elite trên Android ra rồi cắm lại mới nhận.

Tóm lại, tính năng này mình thấy chưa ngon.

Nhìn chung, các tính năng liên quan đến phần mềm mình chưa đánh giá cao cho lắm. Cơ bản mình sẽ chỉ dùng chiếc ổ cứng này như một chiếc ổ lưu trữ thông thường mà thôi.

Về mức độ tương thích, mình đã thử với máy tính Mac, Win, máy đọc sách Android, Tivi Box Android, đều có thể kết nối và xem dữ liệu trên ổ cứng được. Chỉ duy nhất có một chiếc Tivi Sharp, cũng chạy Android TV không nhận chiếc ổ cứng này vì chiếc Tivi đó chỉ đọc được định dạng FAT32 còn mình đang format ổ ở định dạng exFAT mặc định.

Đi kèm với ổ cứng là 2 sợi cáp kết nối rất dày dặn và cũng khá dài, xấp xỉ 50 cm trong khi các ổ cứng khác mình dùng thường cáp chỉ dài 20-30cm, đây cũng là một ưu điểm giúp chúng ta có thể sử dụng được trong nhiều tình huống, đặc biệt là ở những thiết bị có cổng USB khó tiếp cận.

Tổng kết

Dưới góc nhìn của mình, ổ cứng ESD260C là một chiếc ổ cứng khá hài hoà, đáp ứng vừa đủ các tiêu chí về hiệu năng, ngoại hình, giá thành. Mình dùng từ hài hoà trong trường hợp này, vì nếu nhìn thị trường ổ cứng nói chung, chúng ta sẽ có một vài dòng sản phẩm như:

  • Siêu nhỏ gọn, siêu nhẹ: sẽ phải đánh đổi nhiệt độ và hiệu năng
  • Siêu nhanh: sẽ phải đánh đổi kích thước và giá thành
  • Siêu cứng cáp: sẽ phải đánh đổi kích thước và khối lượng
  • Đủ các yếu tố trên: giá siêu cao

Vì vậy với ESD260C chúng ta có một chiếc ổ khá cân bằng các yếu tố. Mình xin tổng kết lại ưu điểm và nhược điểm của sản phẩm này:

Ưu điểmTrung bìnhNhược điểm
Thiết kế đẹp từ kim loại, nhiệt độ tốt, tản nhiệt tốt

Tốc độ ổn định, không bị suy giảm khi truyền tải file nặng

Có cáp USB-A và USB-C đi kèm, tương thích tốt nhiều thiết bị
Tốc độ chỉ ở mức trung bình, chưa nhanh nhưng không chậm

Có thể hơi nóng nếu chạm vào ngay sau khi hoạt động

Có mã hoá bằng phần mềm, chưa có mã hoá phần cứng
Vị trí đèn trạng thái và tem thông tin chưa đẹp

Không có chống sốc, chống rơi

Phần mềm hỗ trợ chưa tốt

Chiếc ổ cứng này sẽ phù hợp với những bạn nào cần một chiếc ổ SSD có dung lượng cao, ngoại hình đẹp, nhỏ gọn, mỏng nhẹ, tốc độ ổn, với giá cả phải chăng. Với mức giá 1,690,000 tại thời điểm này, thường chúng ta thường mới chỉ mua được ổ HDD 1TB hoặc ổ SSD có dung lượng thấp hơn, vì thế mình thấy giá của ESD260C khá hợp lý so với những gì mà chiếc ổ cứng này đem lại.

Trong bài viết này, mình chưa đánh giá được về độ bền cũng như là sự ổn định lâu dài vì cũng mới sử dụng một thời gian ngắn, mình sẽ cập nhật ở các bài review trong tương lai. Tuy nhiên bản thân mình trước đây cũng đã sử dụng một vài sản phẩm USB hay thẻ nhớ CF từ thương hiệu Transcend, đến giờ có món gần 20 năm, có món hơn 10 năm vẫn hoạt động nên mình hi vọng các sản phẩm mới của họ cũng bền bỉ như vậy.

Nơi mua

Các bạn có thể tham khảo chi tiết hơn về thông tin cũng như giá bán sản phẩm tại gian hàng chính hãng của Transcend trên ShopeeLazada hoặc các đại lý phân phối chính hãng. Ngoài ra, các bạn cũng có thể tham khảo nhiều sản phẩm khác của thương hiệu Transcend trên Website chính thức của họ. Bài viết xin được kết thúc tại đây, hi vọng đã cung cấp được nhiều thông tin cho các bạn.

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.