Đánh giá Ecovacs T30s Combo sau 1 tháng sử dụng

Đánh giá Ecovacs T30s Combo sau 1 tháng sử dụng

Update mới nhất: 05/07/2024

Ecovacs T30s Combo là sự kết hợp giữa ‘Robot hút bụi, lau nhà, đổ rác, giặt giẻ, sấy giẻ tự động’ với ‘Máy hút bụi cầm tay đổ rác tự động”. Ecovacs T30s Combo sinh ra để giải quyết gần như mọi bụi bẩn trong nhà của bạn.

Đây là combo mà Ecovacs từng chỉ trang bị trên phân khúc cao cấp nhất là dòng X Omni. Và giờ họ đã mang xuống phân khúc thực dụng hơn một chút đó là dòng T Series. Bản thân mình sau 1 tháng sử dụng thấy Ecovacs T30s Combo quá tiện lợi và giải quyết được nhiều vấn đề mà những robot hút bụi lau nhà trước đây mình dùng chưa xử lý được. Bài viết này mình sẽ chia sẻ về sự hữu ích đó.

Thông số kĩ thuật

Trước khi đi chi tiết hơn, chúng ta cùng xem qua thông số kỹ thuật của sản phẩm, ngoài ra các bạn có thể xem thêm tại trang chủ của Ecovacs.

RobotMáy cầm tayTrạm sạc Omni
– Lực hút: 11,000 kPa
– Pin: 5,200 mAh
– Hoạt động: 180-290 phút
– Dung tích hộp bụi: 275 ml
– Dung tích bình nước: 55 ml
– Vượt rào: 2 cm
– Nâng giẻ: 9 mm
– Chổi chống rối
– Giẻ lau xoay
– Xoè giẻ lau sát cạnh
– 5 đầu hút
– Hệ thống lõi lọc lốc xoáy 4 cấp: lốc xoáy lớn, màng lọc kim loại, lốc xoáy nhỏ, HEPA
– Hoạt động: 15-60 phút
– Tự đổ bụi cho cả robot và máy cầm tay
– Tự giặt giẻ nước nóng 70℃
– Tự sấy giẻ khí nóng 45℃
– Hỗ trợ tự vệ sinh trạm
– Tháo rời dock
– Dung tích túi bụi: 3 L
– Dung tích bình nước sạch: 4 L
– Dung tích bình nước bẩn: 3.5L
– Sạc cho cả robot và máy cầm tay

Đây là toàn bộ mọi thứ bên trong thùng sản phẩm. Đúng vậy, không phải hộp đâu mà là thùng đó các bạn vì sẽ có rất nhiều thứ bên trong.

Robot T30s

T30s có thông số gần như tương đương với T30 Pro và là bản nâng cấp cho T20 trước đó. Vẫn có các công nghệ rất cao cấp của Ecovacs như hệ thống điều hướng LiDAR True Mapping 2.0, cảm biến tránh vật cản TrueDetect 3D có thể hoạt động cả trong bóng tối mà không cần đèn, ra lệnh giọng nói Yiko…

Ngoài ra, một số nâng cấp chính của T30s khi so với T20 là:

  • Lực hút tối đa từ 6,000 kPa lên 11,000 kPa
  • Chổi chính có công nghệ chống rối tóc Zero Tangle
  • Chổi lau có tính năng vươn sát cạnh TruEdge

Về lực hút, những mẫu robot trước đây với lực hút thấp hơn đã quá đủ để đáp ứng nhu cầu hút bụi sàn cứng rồi, vì vậy với mức tối đa 11,000 kPa là quá thoải mái cho mọi loại sàn. Tuy nhiên, lực hút tối đa lớn như vậy sẽ giúp robot hoạt động hiệu quả hơn với thảm. Bạn nào sử dụng thảm sàn thì đây sẽ là thông số đáng quan tâm và lực hút của T30s cũng đã thuộc hàng cao nhất thị trường hiện tại rồi.

Điều kiện sử dụng trong 1 tháng của mình với tần suất cơ bản, hàng ngày hút và lau toàn bộ căn hộ diện tích 96m2, trong đó diện tích sàn robot làm việc là gần 50m2, cài đặt làm sạch 1 lần với lực hút tiêu chuẩn, mức nước thấp, 15 phút giặt giẻ 1 lần, sấy 4 tiếng. Thi thoảng sẽ có những hôm mình cho lau 2 lần nếu hôm đó sàn nhà bẩn hơn các ngày khác, hoặc sẽ có lúc dọn riêng 1 phòng, 1 khu vực.

Ngoại hình và thiết kế

Ngoại hình của T30s vẫn là dạng Robot tròn với một cục LiDAR ở trên đầu, tương tự với hầu hết robot hút bụi hiện có.

Điểm đầu tiên mà mình thấy ổn hơn T20 series đó là cụm phím bấm đã quay về dạng nút bấm cơ thay cho nút cảm ứng. Cá nhân mình vẫn thích nút bấm cơ hơn.

Nắp trên liền lạc và được cố định bằng nam châm vẫn là điểm thiết kế tốt vì sẽ giúp robot liền lạc hơn, kể cả việc vệ sinh bụi trên phần nắp này sau thời gian dài sử dụng cũng sẽ dễ dàng hơn khi so với những thiết kế bản lề đóng mở một phần.

Tay cầm hộp bụi cũng chính là chốt khoá hộp bụi cũng là điểm cộng trong phần thiết kế mà mình vẫn khen Ecovacs từ mẫu T20e mà mình đã review trước đây.

Hộp bụi của T30s cũng như Ecovacs nói chung cũng vẫn được làm chỉn chu, ví dụ như có nắp 1 chiều để tránh bụi bị trào ngược ra ngoài lúc chúng ta tháo hộp bụi, hay như màng lọc chính cũng được đi keo dày dặn quanh viền để tránh lọt bụi. Đây là những chi tiết nhỏ nhưng đánh giá mức độ tỉ mỉ của nhà sản xuất.

Đối với hộp bụi này, chỉ có 1 điểm trong thiết kế mà mình chưa thật sự thích đó là việc màng lọc thô lại gắn liền với hộp bụi qua bản lề đóng mở, mình vẫn thích thiết kế màng lọc thô có thể tháo rời hoàn toàn hơn.

Cạnh trước của robot là hệ thống cảm biến TrueDetect với camera và hệ thống laser nhận diện vật cản sẽ chiếu chùm laser đan chéo nhau.

Hệ thống nhận diện vật cản bằng laser này hoạt động khá tốt, kể cả trong bóng tối, trong bài review trước về T20e sử dụng hệ thống tương tự mình có thực hiện 2 bài test tránh vật cản khi trong điều kiện đủ sáng và thiếu sáng, hệ thống này làm việc khá tốt. Với T30s mình cũng sẽ thực hiện các bài test như vậy trong tương lai và sẽ chia sẻ với các bạn trong một bài viết khác.

Các bạn sẽ khó nhìn thấy 2 tia laser bằng mắt thường, chỉ có camera điện thoại trong điều kiện thiếu sáng mới thấy rõ được 2 tia đó thôi.

Mặt sau của T30s cũng khá nhiều chi tiết, từ trái qua phải chúng ta sẽ có lỗ thoát khí, cửa để hút bụi lên trạm, loa ngoài, chân tiếp xúc sạc, cảm biến để lùi chuồng, và lỗ để châm nước sạch vào bình chứa nước lau sàn bên trong robot.

T30s chỉ sử dụng một chổi bên chổi phụ. Chổi chính của T30s vẫn sử dụng loại có lông, mình thích dạng chổi lông hơn chổi full silicon vì mình thấy chổi lông khi chà sàn gỗ sẽ có cảm giác sạch hơn.

Một điểm nữa mình thấy thiết kế chỉn chu đó là 2 bên cạnh chổi, khu vực để giữ chổi cố định vào khung cũng được trang bị lông để quét bụi, tránh bụi lọt vào khu vực này.

Bên dưới chổi chính là cơ cấu chống rồi Zero Tangle, có nhiều răng cưa được xếp đan xen nhau để tránh tóc bị rối vào chổi chính. Mình sẽ chia sẻ kĩ hơn về tính năng này ở phần sau.

2 tấm giữ giẻ lau của T30s có 2 vòng màu xanh biển, đây là silicon, giúp cho robot khi lau nhà sát mép tường, sát viền đồ đạc sẽ không gây xước xát hoặc ảnh hưởng đến đồ đạc. 2 tấm này được hít nam châm vào trục xoay.

Bên dưới là trục xoay của giẻ lau, phía bên trái (trong ảnh) tức bên phải của robot khi hoạt động sẽ có cơ chế xoè giẻ lau ra để có thể lau sát mép tường, Ecovacs gọi đây là công nghệ True Edge.

Khi lau nhà, chổi bên phải của Ecovacs T30s sẽ thò ra ngoài để lau sát mép tường và làm sạch khu vực này. Tính năng này với mình là một nâng cấp đáng giá khi so với thế hệ trước T20 series.

Kế tiếp mình sẽ đánh giá về 2 điểm nâng cấp chính của T30s đó là Zero Tangle và TruEdge

Công nghệ chống rối tóc Zero Tangle

Zero Tangle là công nghệ chống rối tóc trên Ecovacs với việc bổ sung thêm hệ thống răng lược đan xen ở khu vực chổi chính, với mục đích là để gỡ rối không cho tóc cuốn vào chổi và sẽ được hút lên khu vực chứa bụi.

Thực tế, mình thấy tính năng này có ích và khá hiệu quả, khi mà sau 1 tháng sử dụng, mình mở chổi ra xem, chỉ có 3-5 sợi tóc, sợi chỉ bị cuốn vào chổi. Số tóc còn lại được hút vào robot và sau đó được hút lên trạm sạc.

Như vậy là đã giảm tóc rối rất nhiều so với những robot trước đây mình sử dụng. Dưới hình là chổi chính sau vài tháng của em robot cũ. Vì không có tính năng chống rối tóc, mọi thứ sẽ cuốn chặt vào chổi chính, vừa ảnh hưởng hiệu năng quét dọn, mà lúc vệ sinh bảo dưỡng cũng khá vất vả.

Mình cũng có moi một ít tóc từ túi lọc của trạm sạc để các bạn hình dung mức độ hiệu quả của hệ thống Zero Tangle, rất nhiều tóc được hút vào đến tận đây. Trên các robot với chổi thông thường như robot cũ của mình, phần lớn số tóc này sẽ cuốn vào chổi chính.

Đánh giá mức độ hiệu quả của Zero Tangle, mình thấy sẽ xử lý được 95-97% lượng tóc khiến không bị rối vào chổi, vậy cũng là rất ngon lành rồi. Nhưng nếu nhà sản xuất vẫn cho thêm 1 dụng cụ để vệ sinh robot và cắt tóc ra khỏi chổi như các mẫu robot tầm trung thì sẽ thích hơn. Mình không hiểu sao lên các đời cao này lại bị lược mất mấy món phụ kiện nho nhỏ đó.

Công nghệ lau sát mép TruEdge

Công nghệ “thò chân” ra để lau sát mép là công nghệ mà mình thích nhất trên T30s và mình thấy là nâng cấp cực kì đáng giá từ công nghệ “lắc mông” của thế hệ tiền nhiệm.

Với công nghệ này, T30s có thể làm sạch 99% diện tích sàn nhà, 1% còn lại mà T30s hiện chưa thể với tới đó chính là các góc sàn. Đây cũng là nơi mà kể cả làm sạch thủ công cũng vẫn còn khó khăn, nhưng với combo T30s cũng sẽ giúp chúng ta xử lý 1% còn lại này bằng máy hút bụi cầm tay mà mình sẽ chia sẻ thêm ở phần sau.

Bản thân T30s khi gặp góc sàn cũng đã được lập trình để “thò chân” vào sâu nhất có thể. Robot sau khi thực hiện động tác xoay và thu chân lại cũng sẽ lùi vào góc và thò chân ra để tiếp cận được sâu hơn vào khu vực góc.

Ngoài ra, với T30s, mình thấy cũng có một trang bị nữa cũng hữu ích mà được nâng cấp hơn so với T20e mình từng review, đó là bên trong robot đã có bình chứa nước, và sẽ giải quyết vài vấn đề và cải thiện những điểm sau:

  • Thứ 1 là sẽ có độ ẩm đều khắp quá trình làm việc
  • Thứ 2 là có thể giảm độ ẩm lúc mới ra khỏi trạm
  • Thứ 3 là thời gian thay nước lâu hơn
  • Thứ 4 là thời gian sấy nhanh hơn

Với T20e, dù chọn mức nước thấp nhất, giẻ lau mình thấy vẫn hơi ướt khi ra khỏi trạm, làm như vậy để sau 10-15 phút lau sàn, độ ẩm vẫn đủ để làm sạch sàn, nhưng mới lau sẽ khá ướt và giảm dần theo quãng đường lau. Tuy không ảnh hưởng nhiều, nhưng vì ở miền Bắc, độ ẩm không khí cao, nên mình thích độ ẩm của giẻ thấp, sẽ giúp sàn khô nhanh hơn, và giờ T30s đã làm được điều đó rất tốt.

Trong ứng dụng, với T30s, ngoài 3 mức thấp, trung bình, cao, trên T30s còn cho chúng chọn mức nước từ 1 đến 50 tương ứng với với mức thấp nhất và cao nhất. Mình cũng thích tính năng này và thường chọn mức 1 thấp nhất.

Đồng thời, với mức cài đặt mức nước thấp nhất như vậy, thời gian thay nước cũng được kéo dài hơn. Mặc dù cùng là bình chứa 4 lít nước sạch, cùng cài đặt là sau khi lau 15 phút sẽ quay về giặt giẻ, với T20e mức nước thấp nhất, mình phải thay nước sau 3-4 ngày, còn với T30s, tầm 5-6 ngày mình mới cần làm việc đó.

Và cuối cùng là thời gian sấy cũng sẽ rút ngắn hơn. Với T20e, dù để mức nước thấp nhất, mình vẫn phải cho sấy 3 tiếng để khô 95% và 4 tiếng mới khô hoàn toàn miếng giẻ lau. Với T30s, chỉ cần 2 tiếng là khô đến 95% rồi và 3 tiếng là khô hoàn toàn.

Một điểm nâng cấp mình thấy khá hay nữa là bên cạnh cài đặt tần suất giặt giẻ theo thời gian, 10-15-25 phút một lần, chúng ta cũng sẽ có thể lựa chọn giặt giẻ theo phòng, lau xong phòng nào là giặt giẻ phòng đó.

Đồng thời T30s cũng có tính năng lau dọn chuyên sâu thông minh, T30s sẽ tự động lau lại sàn nếu phát hiện còn khu vực bẩn. Cơ chế của tính năng này là trong trạm có trang bị cảm biến nước bẩn, nếu giặt giẻ phát hiện nước vẫn quá bẩn, trạm sẽ điều robot quay lại khu vực đó để lau thêm lần nữa.

Về TruEdge, Ecovacs cho T30s thò chân ra ngoài gần như toàn bộ thời gian làm việc. Hãng lý giải cho việc này là để robot có thể lau sát cả những khu vực có đồ đạc trên sàn như chân bàn, chân ghế, đồ nội thất, chứ không chỉ lau mỗi chân tường. Mình thấy đây là giải pháp hợp lý.

Các bạn đừng lo về việc luôn thò giẻ sẽ để lại khoảng trống ở giữa robot, vì nhà sản xuất cũng đã tinh chỉnh để robot sẽ xử lý khoảng trống đó trong lúc quay đầu và đi zigzag, nên sẽ không bỏ sót bất cứ nơi nào trên sàn nhà.

Một số chia sẻ khác nữa về T30s

Dưới đây là một số chia sẻ khác nữa sau 1 tháng sử dụng T30s:

Lùi chuồng nhanh và chính xác: Mặc dù thông số về hệ thống định vị có vẻ không khác T20e, nhưng mình thấy T30s xác định vị trí trạm chuẩn hơn, và thao tác lùi chuồng nhanh và gọn gàng hơn thế hệ trước rất nhiều.

Nhận diện vật cản ở mức khá: Tương tự T20e, hệ thống nhận diện của T30s cũng vẫn ở mức khá thôi, những vật thể như giày dép, đồ chơi thì T30s né tốt, nhưng với những món như dây điện ở mép tường, đôi lúc sẽ không nhận điện được, vì thế, khi sử dụng vẫn nên dọn dẹp sàn cho gọn gàng, đặc biệt là dây điện, dây sạc các loại. Mình sẽ test khả năng tránh vật cản của T30s trong một bài viết khác.

Có ra lệnh giọng nói: T30s có trợ lý ảo Yiko, nhưng có lẽ vì mới ra mắt ở Việt Nam nên chưa hỗ trợ nghe và nói tiếng Việt, dù ứng dụng đã có tiếng Việt rồi. Điểm này trong tương lai sẽ được hãng cập nhật thôi vì nhiều mẫu khác đã có hỗ trợ Yiko tiếng Việt rồi.

Có điều khiển bằng chân: T30s có tính năng cũng khá tiện đó là điều khiển bằng chân. Ví dụ bạn là người kiệm lời ít nói, không muốn ra lệnh giọng nói hay không muốn thao tác rườm rà trên điện thoại, bạn có thể dùng chân ấn nhẹ vào khu vực giảm chấn phía trước của robot trong khoảng 0.3-1s là robot sẽ tự bắt đầu hoạt động.

Đó là tính năng chính thức được nhà sản xuất trang bị để điều khiển bằng chân, còn mình biết thực tế nhiều bạn cũng vẫn điều khiển bằng chân theo một cách khác, chúng ta vẫn có thể sử dụng cách đó trên T30s vì có nút vật lý mà. Nhưng giờ đã có cách chính thức hơn và lịch sự hơn rồi.

Máy hút bụi cầm tay

Ngoại hình và thiết kế

Đây là thiết kế chính của máy hút bụi cầm tay với hộp bụi được đặt dọc và khá lớn. Ngay bên trong có thể thấy lõi lọc bụi bằng thép, đó chỉ là 1 trong số 4 bước để lọc bụi. Tại báng cầm có 1 nút để khởi động thiết bị. Nút này chỉ cần bấm là máy chạy, không cần bấm giữ như một số thiết bị hút bụi cầm tay khác. Khi nhấn lần nữa là thiết bị sẽ dừng.

Trên thân máy có nút MODE để chuyển qua lại 2 chế độ tối đa (Max) và yên tĩnh (Silent). Thiết bị mặc định khi bắt đầu chạy sẽ luôn ở chế độ tối đa.

Phía đuôi máy có một dải led nhỏ để hiển thị mức pin. Theo công bố của nhà sản xuất, thời gian hoạt động của máy hút bụi cầm tay là khoảng 15 phút ở chế độ tối đa và 60 phút ở chế độ yên tĩnh. Thời gian sạc là khoảng 4-5 tiếng. Trong 1 tháng sử dụng, mình cũng chưa bao giờ bị hết pin giữa chừng dù luôn dùng ở chế độ tối đa.

Phía dưới thiết bị có nắp để chúng ta có thể dễ dàng mở ra đổ bụi, chỉ cần bấm nút bên hông, nắp sẽ tự bật ra. Nhưng lần nữa, trong 1 tháng sử dụng, mình cũng chưa phải mở nó ra để đổ bụi thủ công, vì việc đổ bụi đã có trạm sạc lo. Có lẽ mình sẽ chỉ mở ra khi muốn vệ sinh bộ lọc bên trong.

Đây là bộ lọc cyclon của thiết bị, 3 trên 4 thao tác lọc sẽ nằm ở đây. Luồng gió khi hút vào sẽ được xoáy ở vỏ bên ngoài, nhằm “lắng đọng” các hạt bụi và vật thể lớn ở ngoài. Sau đó không khí đi qua màng lọc kim loại, bụi nhỏ hơn lỗ lọc và các loại tóc cũng sẽ được loại bỏ. Bên trong có 6 cột xoáy nhỏ, dùng lực li tâm để tiếp tục tách các loại bụi nhỏ hơn ra khỏi luồng khí. Điểm hay là màng lọc này sẽ sử dụng được trọn đời.

Và cuối cùng, không khí sẽ được đưa qua màng lọc Hepa để loại bỏ cả bụi mịn – các hạt bụi khó nhìn thấy bằng mắt. Phần màng lọc Hepa cũng được thiết kế dạng nam châm khá dễ dàng để tháo ra. Theo như nhà sản xuất, màng lọc này có thể vệ sinh được bằng nước.

Tuổi thọ của màng lọc Hepa này là khoảng 500 giờ. Sau 1 tháng sử dụng, kiểm tra trên ứng dụng mình mới dùng 3 giờ tuổi thọ của màng lọc này, tính sơ sơ là sẽ còn dùng được khoảng 167 tháng nữa tương ứng với gần 14 năm. Tất nhiên, thời lượng sử dụng sẽ còn thay đổi theo tần suất sử dụng, trừ hao đi chắc là sẽ dùng được tầm 10 năm nữa mới hết tuổi thọ của màng lọc.

Các loại đầu hút

Đây là toàn bộ các đầu hút đi kèm với máy hút bụi cầm tay trong bộ Ecovacs T30s Combo. Chúng ta sẽ có: Đầu hút sàn có chổi chống rối (Zero Tangle) và đèn chiếu sáng [793 g], đầu hút mini có chổi [349 g], đầu hút khe kẽ [51 g], đầu hút cơ bản 2-trong-1 [86 g] và ống hút nối dài 80cm [395 g].

Bản thân máy nặng 1.26 kg, khi sử dụng với các đầu phụ kiện trên các bạn chỉ cần cộng khối lượng của từng món mà mình đã đo và đề cập ở sau tên mỗi món. Ví dụ như máy + đầu hút khe = 1.31 kg hay máy + đầu hút mini có chổi = 1.61 kg. Mình thấy đây cũng vẫn là một khối lượng khá nhẹ nhàng cho một chiếc máy cầm tay.

Đầu hút sàn có chổi chống rối (Zero Tangle): Đầu hút này được trang bị chổi xoay, nguyên lý hoạt động cũng tương tự như chổi chính của robot hút bụi, sẽ xoay để đánh bay bụi khỏi sàn và được máy hút vào bên trong.

Đầu hút sàn có trang bị 4 bánh xe (2 chính 2 phụ) và khớp cổ hút có thể xoay linh động (lên, xuống, trái, phải) giúp chúng ta dễ dàng kéo, đẩy và điều hướng đầu hút chổi khắp sàn.

Khớp cổ linh động giúp máy có thể ngả ra gần khoảng 170 độ chúng ta có thể thò sâu đầu hút này vào các vị trí gầm giường, gầm tủ.

Đầu hút này cũng được trang bị hệ thống chống rối tóc Zero Tangle và được trang bị cả đèn giúp chúng ta dễ quan sát được trong khu vực tối hoặc các bụi bẩn ở trên sàn.

Đầu hút mini có chổi: Theo thông tin của nhà sản xuất, đầu hút này để làm sạch sofa, giường, nệm… Đầu hút này được trang bị chổi xoay với phần lông dài hơn và phần đầu có thể gật gù để thay đổi góc tiếp xúc.

Khi sử dụng thực tế, phần đầu hút có thể thay đổi góc tiếp xúc này rất có tác dụng, đặc biệt là khi chúng ta dùng để hút các bề mặt mềm như đệm và sofa, đầu hút sẽ luôn có tiếp xúc tối đa với bề mặt dù chúng ta có thay đổi góc cầm, giúp hiệu quả hút bụi được tốt hơn và việc hút bụi cho các bề mặt mềm được dễ dàng hơn.

Đầu hút khe và đầu 2-trong-1: Đầu hút khe dùng để hút các khe hẹp như ở góc tường, khe cửa sổ, khu vực góc sofa… Đầu hút 2 trong 1 là đầu hút cơ bản nhưng phần lông chải có thể đưa ra, thu vào, tuỳ theo tình huống và nhu cầu sử dụng.

Phần lông chải này khá tiện trong các tình huống như vệ sinh bàn phím, hay khi kết hợp với ống nối dài để đưa lên cao để quét mạng nhện

Những đầu hút có động cơ và chổi xoay sẽ có chân tiếp xúc điện ở các vực ngàm kết nối để máy hút bụi có thể cấp điện cho động cơ hoạt động.

Các bạn có thể kết hợp các loại đầu hút với thanh nối dài để sử dụng cho nhiều trường hợp khác nhau. Chính vì vậy, máy hút bụi cầm tay sẽ rất đa năng, có thể dọn dẹp gần như mọi thứ khác trong nhà như sàn nhà, giường, đệm, sofa, rèm, trần hay những thứ trên bàn làm việc như bàn phím, màn hình…

Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, khả năng và độ tiện dụng của máy hút bụi cầm tay này, cũng như robot hút bụi Ecovacs T30s ở trên được bổ trợ mạnh mẽ bởi trạm sạc Omni mà mình sẽ chia sẻ ngay phần dưới đây.

Trạm sạc Omni, tất cả trong một

Trạm sạc Omni sẽ là nơi giải quyết mọi vấn đề cho robot và máy hút bụi cầm tay. Dưới ảnh đây là toàn bộ mọi thứ trong bộ sản phẩm Ecovacs T30s Combo, gói gọn trong một khu vực gọn gàng và ngăn nắp như thế này.

Trạm sạc có những công năng chính sau:

  • Sạc pin cho robot và máy hút bụi cầm tay
  • Tự động đổ rác cho robot và máy hút bụi cầm tay
  • Giặt giẻ lau cho robot bằng nước nóng
  • Có cảm biến nước bẩn để biết mức độ sạch của sàn nhà
  • Sấy giẻ lau cho robot bằng khí nóng
  • Có ngăn chứa gọn gàng cho các đầu hút bụi

So với trạm sạc của T20 Series, trạm sạc này đã nhỏ gọn hơn đáng kể, nếu không tính phần dành cho máy hút bụi. Và cũng có một số cải tiến hơn như: phần chứa bụi không còn là ngăn kéo nữa, mà sẽ bấm để mở nắp ra rất nhẹ nhàng và hiện đại. Bên trong vẫn là túi chứa bụi với dung tích 3L.

Cách trạm tự hút bụi ra khỏi robot hay máy cầm tay cũng đã dễ chịu hơn nhiều, động cơ sẽ tăng tốc dần dần, tức là độ ồn sẽ tăng dần lên chứ không đột ngột chạy tối đa công suất gây bất ngờ và giật mình như phiên bản T20 series trước đó. Mình thấy đây là điều chỉnh rất tinh tế.

Khu vực chứa bình nước sạch và nước bẩn cũng đã được tối ưu không gian tốt hơn, dù vẫn có dung tích 4L nhưng khu vực này cũng nhỏ gọn hơn trạm sạc của T20 series.

Thời gian giặt giẻ của T30s mình thấy cũng lâu hơn T20e, có lẽ vì cần thêm thời gian để làm nóng nước trước khi giặt nữa. Ngoài ra, như đã chia sẻ phía trên, trạm sạc của T30s cũng có cảm biến nước bẩn, nếu nhận biết được khi vực nào vẫn còn quá bẩn sau khi robot đã dọn dẹp, trạm sẽ yêu cầu robot quay lại và lau khu vực đó thêm lần nữa.

Vẫn được trang bị tính năng hỗ trợ tự làm sạch dock sạc (cho robot đi ra ngoài, tự xả nước xuống khay, chúng ta phải dùng bàn chải để vệ sinh, sau đó dock tự hút nước bẩn lên), nhưng trạm sạc của T30s Combo cũng có khả năng tháo rời phần dock để chúng ta có thể dễ dàng làm vệ sinh sâu và bảo trì kỹ hơn, hoặc không cần phải cúi xuống loay hoay làm vệ sinh như trước.

Máy hút bụi cầm tay sẽ có một khu vực riêng tại trạm sạc. Tại đây trạm sẽ sạc pin cho máy và đồng thời cũng có cơ cấu cơ học để tự bấm nút mở nắp hộp bụi, hút sạch bụi bẩn ra khỏi máy, rồi sau đó đóng lại nắp hộp bụi như ban đầu. Giúp chúng ta sẽ luôn có một chiếc máy đầy pin, sạch bụi, đảm bảo hiệu năng tốt nhất trước khi chúng ta sử dụng trong lần tiếp theo.

Hiệu quả làm sạch cũng rất tốt, hầu như mọi loại bụi, rác, tóc… đều sẽ bị hút vào trạm. Dưới hình là trước và sau khi mình cho trạm vệ sinh hộp bụi của máy hút bụi cầm tay.

Đồng thời, trạm sạc cũng được bố trí ngăn kéo và giá đỡ đựng các đầu hút gọn gàng. Đầu chổi mini, đầu hút 2-trong-1 và đầu hút khe sẽ được cất vào ngăn kéo. Đầu hút sàn và thanh nối dài sẽ được dựng ở bên hông trạm sạc. Mình rất thích điều này, mọi phụ kiện đều được ngăn nắp và ở đúng vị trí của nó.

Lưu ý với các bạn là khi cất các đầu hút vào ngăn kéo, sẽ cần để các đầu hút đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, tránh bị kênh, vì nếu có dấu hiệu bị kênh và vẫn cố đóng vào có thể sẽ bị kẹt và không thể mở ra được. Nhà sản xuất đã có cung cấp 1 tờ hướng dẫn minh hoạ rất chi tiết về cách xếp đầu hút vào ngăn kéo này.

Tóm lại trạm sạc của T30s Combo đã tự động hoá rất nhiều, ngoài phục vụ robot hút bụi lau sàn, có thể phục vụ cả máy hút bụi cầm tay, sẽ giảm tải công việc cho người dùng rất nhiều. Trước đây khi nhìn thấy combo này trên Ecovacs X2 mình đã rất ấn tượng, và giờ Ecovacs đã đem lên dòng T30 với mức giá phải chăng hơn.

Tổng kết

Để tổng kết, mình sẽ tóm lại những vấn đề mà Ecovacs T30s Combo đã có thể giải quyết tốt:

  • Robot đã hút bụi và lau nhà triệt để với công nghệ “thò chân” TruEdge
  • Chổi chống rối Zero Tangle phát huy tốt chức năng
  • Máy hút bụi cầm tay đã giải quyết được nhiều vị trí mà robot không xử lý được
  • Trạm sạc giờ đã tự động hoá được cho cả robot và máy hút bụi cầm tay. Không còn phải đổ bụi thủ công cho máy cầm tay nữa.
  • Chỉ cần thay nước sau 5-6 ngày và thay túi chứa bụi sau 2-3 tháng.
  • Bảo dưỡng đã nhẹ nhàng hơn nhiều khi chổi chính robot đỡ rối tóc hơn.
  • Vệ sinh dock sạc cũng nhẹ nhàng hơn khi có thể tháo rời.
  • Vệ sinh màng lọc của robot và máy hút bụi cầm tay đều có thể sử dụng nước
  • Bảo trì và vệ sinh những thứ trên cũng tầm 1-2 tháng mới cần làm 1 lần

Trước đây, để có được combo như vậy, chúng ta chỉ có lựa chọn Ecovacs X2 Omni Combo với mức giá khoảng 30 triệu. Hiện tại mức giá tham khảo cho Ecovacs T30s Combo là khoảng 23,900,000đ, đã dễ tiếp cận hơn nhiều.

Hoặc nếu so với mẫu T30 Pro, T30s Combo hơn khoảng 5 triệu và chúng ta sẽ có thêm máy hút bụi cầm tay được tự động làm sạch bởi trạm sạc, mình thấy rất xứng đáng, vì với 5 triệu mà mua riêng lẻ, chúng ta sẽ không có khả năng sạc pin, tự động làm sạch của trạm sạc và vẫn sẽ phải thường xuyên đi đổ bụi. Chưa kể sẽ lại tốn chỗ cho việc cắm sạc và đựng các phụ kiện, không thể gọn gàng như combo của Ecovacs.

Nếu đang tìm mua sản phẩm Ecovacs T30s Combo, các bạn có thể tham khảo tại gian hàng chính hãng của Ecovacs ở Shopee và Lazada hoặc một số nhà bán lẻ như Giga Digital:

Bài viết xin được kết thúc tại đây, mình sẽ tiếp tục cập nhật về Ecovacs T30s Combo sau một thời gian sử dụng nữa, cám ơn các bạn đã quan tâm theo dõi. Nếu muốn tìm hiểu thêm về robot hút bụi, lau nhà, các bạn có thể xem thêm bài viết: Tổng quan về robot hút bụi 2024

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.