Đánh giá chi tiết Ecovacs Deebot T20e Omni

Đánh giá chi tiết Ecovacs Deebot T20e Omni

Ecovacs Deebot T20e Omni là một mẫu robot hút bụi tầm trung nhưng lại có khá đầy đủ các tính năng tự động hoá cần thiết để giải phóng sức lao động như: tự động hút và lau sàn, dock tự động đổ bụi, tự động giặt giẻ, tự động sấy giẻ bằng khí nóng.

Trong bài viết này, mình sẽ đánh giá những gì mà T20e Omni có thể làm được. Đồng thời, ở cuối bài viết, mình sẽ có một món quà nhỏ dành tặng cho các bạn đọc đang quan tâm đến mẫu Deebot T20e Omni này.

Lập bản đồ

Bước đầu tiên trước khi sử dụng mọi mẫu Robot hút bụi đó chính là tạo bản đồ. Trải nghiệm tạo bản đồ với T20e Omni khá tốt, lập bản đồ rất nhanh và khá chính xác. Sau khi xác định được những khu vực có thể tiếp cận, robot cũng hiểu được không gian của gian phòng và tạo một tấm bản đồ vuông vắn đẹp đẽ. Khi lập bản đồ, phòng nào không muốn đi vào mình chỉ cần đóng cửa lại, các lần sau robot vẫn sẽ hiểu và không coi đó là một phòng mới.

Tuy nhiên, vẫn có một vài điểm trừ nhỏ ở phần này, nếu lúc lập bản đồ có 1 món đồ sát mép tường, như 1 cái thùng, sau đó các bạn bỏ cái thùng đi, lúc chạy lần tiếp theo T20e sẽ không nhận diện đó là nơi làm việc và không cập nhật bản đồ, cứ thế bỏ qua khu vực bạn đặt cái thùng và không vệ sinh đến khu vực đó.

Nếu muốn bổ sung khu vực này, các bạn sẽ phải chạy lại việc lập bản đồ và bản đồ mới sẽ được cập nhật thay cho bản đồ cũ. Cũng may là việc lập bản đồ rất nhanh nên cũng sẽ bớt gây phiền phức.

Khả năng hút bụi

Với lực hút 7100Pa cùng 2 chổi cạnh, 1 chổi chính, hút bụi chỉ là một công việc đơn giản với T20e Omni. Dù tốc độ chạy khi làm việc khá nhanh, nhưng hiệu quả hút bụi cũng vẫn rất tốt. Trải nghiệm thực tế khi chỉ hút bụi thôi là đã giúp sàn nhà rất sạch sẽ rồi, đi chân trần không bị sạn chân chút nào.

Mình có thực hiện một bài test nhanh để đánh giá khả năng hút bụi của T20e Omni. Khu vực test là mình dựng tường bằng ván gỗ, kích thước 1.8 x 1.8m = 3.24m2, mình sẽ rải đều 100g cát trắng vào khu vực, rồi cho T20e Omni hút bụi.

Tất nhiên, trước khi test mình đã vệ sinh kỹ khu vực test cũng như màng lọc, hộp bụi, chổi chính và chổi phụ của robot, để giảm thiểu việc sót bụi, gây sai số ảnh hưởng đến kết quả.

Mình thực hiện test với chế độ hút Tiêu Chuẩn và Tối Đa (đều chọn làm sạch 2 lần trong một phiên làm việc). Sau mỗi phiên làm việc của robot, mình sẽ lấy cát từ hộp chứa bụi và màng lọc của robot để cân lại trọng lượng, so sánh với trọng lượng ban đầu mình cho vào khu vực test, để định lượng khả năng hút bụi của robot.

Mỗi chế độ mình test 3 phiên, rồi lấy trung bình cộng kết quả để giảm thiểu sai số từ việc rải cát không đều trên toàn bộ diện tích sàn test.

T20e Omni đạt hiệu quả hút cát 95-96%, khoảng 3% cát còn sót lại chủ yếu sẽ nằm ở gần mép tường và góc, 1% hao hụt là cát bị đẩy vào trong các khe kẽ của phần ‘tường’, cũng có thể là một lượng cát nhỏ sót lại bên trong robot như là mắc ở chổi chính, chổi phụ, bánh xe… Dù sao mức 1% cũng là rất nhỏ và không đáng kể, coi như sai số chấp nhận được.

Mình làm bài test này để chúng ta có định lượng cụ thể cho dễ hình dung, còn trong thực tế khi diện tích lớn hơn, tỉ lệ mép / tổng diện tích thấp hơn, bụi thông thường cũng nhỏ và nhẹ hơn cát, và chân tường thật không có kẽ hở như tường ảo mình dựng lên, chắc chắn hiệu quả hút bụi của T20e Omni sẽ còn cao hơn nữa.

Khả năng lau sàn

Với hai chổi lau xoay tốc độ 180 vòng/phút cùng lực tì đè 6N lên mặt sàn, khả năng lau sàn của T20e Omni thật sự ấn tượng và không hề làm mình thất vọng. Trong điều kiện sử dụng thực tế, sau khi hút sạch bụi và sau đó lau nhà, sàn nhà sạch bong, sáng bóng, cho cảm giác sạch “kin kít”.

Tất nhiên, vẫn sẽ có 1 bài test cụ thể. Mình đã tạo một hiện trường với những vết bẩn sau: giày dép bùn đất ướt dẫm lên sàn, làm đổ cafe, coca-cola, bò húc và rượu vang. Mình để khô chỗ này 5 tiếng cho bết dính trước khi T20e Omni tiến hành lau sàn.

Mình setup robot chạy chế độ chỉ lau sàn, và 1 phiên làm việc sẽ lau 2 lần, mức nước thấp.

Và kết quả thật sự ấn tượng, mình còn đã sợ mấy vết chất lỏng sẽ bị lem nhem và lôi đi khắp nơi, nhưng sau khi T20e hoàn thành phiên làm việc, mọi vết bẩn đều biến mất. Nên những thứ bụi bặm hàng ngày chắc chắn không thể thoát được T20e Omni. Đó là lý do mình có cảm nhận thực tế là sàn nhà luôn “kin kít”.

Đối với việc lau sàn, T20e Omni chỉ có nhược điểm là sẽ không thể lau sát được phần mép tường, vì giẻ lau không được trang bị khả năng thò ra ngoài. Ecovacs có trang bị khả năng “lắc mông” để phần nào hỗ trợ và bù đắp cho sự thiếu hụt về phần cứng.

Thật sự mình cũng dành lời khen cho nỗ lực của Ecovacs nhằm tìm giải pháp thay thế, nhưng làm sạch mép tường bằng cách “lắc mông” không thể so sánh được với khả năng thò giẻ lau ra ngoài của những phân khúc cao cấp hơn. Dù sao, có vẫn tốt hơn không và tất nhiên cũng không thể đòi hỏi mọi thứ khi mà mức giá của T20e Omni rất dễ tiếp cận.

Khả năng tránh vật cản

Không được trang bị camera như các mẫu cao cấp hơn, T20e Omni chỉ có hệ thống nhận diện bằng laze. Hệ thống này sẽ chiếu 2 chùm laze đan chéo nhau để xác định vật thể, vì vậy sẽ hoạt động được cả trong phòng tối. Dù mắt thường không nhìn thấy nhưng camera điện thoại sẽ thấy được 2 tia này.

Mình đã ‘bày binh bố trận’ như bên dưới để test khả năng tránh vật cản của T20e Omni trong 2 trường hợp phòng sáng và phòng tối, gồm những món như: dây sạc, dây điện sát tường và giữa phòng, món đồ chơi nhỏ cỡ 4x4x1.5cm và một viên pin dự phòng 12x6x1.5cm.

Bài test trong sáng, T20e Omni sẽ né tốt hầu hết các vật cản, chỉ có trường hợp dây sạc nhỏ ở sát tường, có vẻ như T20e Omni sẽ không nhìn thấy nên vẫn lao vào và cuốn sợi cáp sạc. Còn như dây điện từ mép tường nhưng vắt ngang qua đường đi, T20e có thể né dễ dàng.

Ngoài ra, trong quá trình vệ sinh, mọi vật cản trong phòng đều được né khéo léo, tuy nhiên lúc vệ sinh xong và trên đường quay về, dù có luồn lách qua hầu hết chướng ngại, nhưng có vẻ như T20e vẫn hơi vụng về kéo theo một người bạn.

Vẫn thế trận như vậy, bỏ đi sợi dây sạc sát tường vì đã fail khi test trong sáng, mình kéo rèm lại và test trong tối một lần nữa. Kết quả lần này cũng vẫn khá tốt, mọi vật đều né được. Tuy nhiên, khi gặp viên pin ở đúng khúc đang quay đầu, T20e Omni có đụng nhẹ vào rồi mới nhận diện được để lùi lại và né viên pin.

Và lại một lần nữa, trên đường quay về trạm sau khi xong việc, có vẻ như T20e vẫn muốn lôi kéo theo người bạn cũ đi về cùng.

Tóm lại, mặc dù ở phân khúc tầm trung thôi nhưng Ecovacs T20e Omni cũng đã khá xuất sắc trong các nhiệm vụ hút bụi và lau nhà, còn việc tránh đồ vật mình đánh giá cũng mới ở mức độ khá tốt, tạm ổn thôi chứ chưa đạt đến mức rất tốt hay xuất sắc.

Vì vậy, nếu có sử dụng T20e Omni, các bạn nên để gọn các loại dây điện, dây sạc, đặc biệt là những khu vực gần mép tường, còn những món như kiểu đồ chơi hay giày dép trên sàn thì không cần phải bận tâm.

Trạm sạc Omni

Trạm sạc của Deebot T20e khá lớn và nặng (45 x 43 x 58 cm – 23kg), sẽ khiến các bạn phải bố trí một khoảng không gian trong nhà. Nhưng bù lại, trạm sạc này lại có đầy đủ có tính năng tự động hoá, giúp giải phóng sức lao động.

Trong ứng dụng cũng sẽ có một khu vực riêng để xem trạng thái và điều khiển các tính năng của trạm như làm sạch giẻ lau sàn, đổ rác, hay sấy giẻ…

Tự đổ bụi

Trạm sẽ tự động hút toàn bộ bụi ở hộp bụi bên trong robot lên trên túi chứa bụi lớn hơn ở trên dock, để các bạn không cần đổ bụi khỏi robot thủ công vài ngày một lần. Tính năng này mình thấy hoạt động hiệu quả, hầu hết 95% bụi bẩn sẽ được hút ra khỏi hộp chứa bụi.

Trong một lần cho robot vệ sinh lá cây rơi khắp sàn, T20e đã dọn rất sạch sẽ. Khi về đến trạm, gần như toàn bộ lá cây cũng được hút lên trạm, chỉ còn lại chiếc 1 lá có kích thước lớn hơn khe hút mới sót ở lại thôi.

Chỉ có một nhược điểm nhỏ với tính năng này, đó tiếng “đổ bụi” của trạm khá ồn và làm mình giật mình trong những lần đầu sử dụng. Mình nghĩ Ecovacs cũng nên thay đổi cách thông báo, đó là sẽ báo “tự động đổ bụi” trước khi dock bắt đầu thực hiện nhiệm vụ, thay vì thông báo trong khi thực hiện.

Tự giặt và sấy giẻ

Tính năng này hoạt động khá hiệu quả, nước sau khi giặt được thu hồi lên bình chứa nước bẩn và có rất nhiều bụi bẩn được giũ ra từ giẻ lau. Sau bài test lau nhà với đủ thứ rượu vang, cafe, coca ở trên, mình có kiểm tra thì thấy giẻ được giặt khá sạch, không bị dính màu của những đồ uống trên.

Có một điểm mình chưa thật sự ưng ý với tính năng giặt giẻ, đó là dù chọn độ ướt của miếng giẻ lau là mức thấp, rồi 15 phút mới vệ sinh lại miếng lau 1 lần, nhưng mình vẫn thấy giẻ lau của T20e Omni vẫn hơi quá ướt, mình muốn giẻ ráo nước hơn. Nhà bạn nào dùng sàn gỗ mà nhạy cảm với độ ẩm sẽ cần lưu ý việc này, còn sàn gỗ có khả năng chống chịu ẩm tốt sẽ không cần quá lo lắng.

Nguồn ảnh: Giga Digital

Với tính năng sấy giẻ bằng khí nóng, chúng ta có lựa chọn 2, 3 và 4 tiếng. Sử dụng thực tế mình thấy sấy 2 tiếng thì giẻ vẫn ẩm, sấy 3 tiếng mới khô đến 95%, phải sấy 4 tiếng mới có thể khô hoàn toàn từ trong ra ngoài.

Một điểm nữa là trạm sẽ tự giặt và sấy robot sau khi kết thúc chu trình lau nhà. Tuy nhiên, nếu trong khoảng thời gian trạm đang sấy giẻ, mà bạn cho robot đi hút bụi (chứ không lau nhà), chu trình sấy cũng sẽ kết thúc ngay lập tức, và lúc robot quay về trạm sau khi hút bụi, trạm sẽ không tiếp tục sấy nữa dù giẻ đang ướt, chúng ta sẽ phải bật lại chế độ sấy thủ công.

Vì thế, thường mình sẽ phải cài đặt chương trình chạy làm sao cho tác vụ lau nhà có trong chu trình cuối cùng mà robot làm, để rồi sau đó giẻ sẽ được sấy khô đủ thời gian trước khi robot đi làm việc vào ngày hôm sau.

Bình chứa nước

Vì trạm sạc của T20e Omni rất to, nên bình chứa nước bên trong cũng vậy, có 2 bình 4L, đều có cảm biến nhận diện nước bẩn đã đầy và nước sạch đã cạn.

Với diện tích mặt sàn mà robot phải vệ sinh khoảng gần 60m2 (chứ không phải diện tích căn hộ), cài đặt 10 phút giặt giẻ 1 lần và robot lau sàn 2 lần cho mỗi phiên làm việc, mình sẽ phải thay nước sau khoảng 2 ngày.

Với diện tích khoảng 30m2, 15 phút giặt giẻ một lần, vẫn lau sàn 2 lần cho mỗi phiên, tầm 4 ngày mình mới phải thay nước.

Nếu diện tích vệ sinh nhỏ hơn, cài đặt tần suất lau sàn thấp hơn, và tần suất giặt giẻ thưa hơn, có thể 3-4 ngày hoặc lâu hơn mới phải thay nước. Việc thay nước mình thấy cũng khá nhẹ nhàng và đơn giản nên không thấy phiền, kể cả khi phải nước 2-3 lần một tuần.

Tự dọn dẹp (đúng hơn là Tự bạn dọn dẹp)

Do không tháo rời được phần dock bên dưới, nên Ecovacs đã trang bị tính năng hỗ trợ chúng ta tự dọn dẹp phần dock này (chứ không phải dock sẽ tự dọn dẹp chính nó được). Nước sạch sẽ được bơm xuống một lượng vừa đủ để chúng ta chà cọ bằng bàn chải và sau vài phút nước cùng bụi bẩn sẽ được tự động hút lên.

Đây cũng là một cách vệ sinh tạm ổn với mình, vì cách này giúp chúng ta không cần phải chạm vào những chỗ bẩn, chỉ dùng bàn chải cọ từ bên ngoài là được, cũng sạch đến 90% các vết bẩn bên trong dock rồi, chỉ hơi bất tiện vì phải cúi xuống để vệ sinh thôi.

Một vài điểm khác nữa về T20e Omni

Có một vài điểm nữa mà mình nhận xét chung về Ecovacs T20e Omni:

  • Phản hồi trạng thái của robot và trạm sạc bằng tiếng Việt như “bình nước sạch đã cạn”, “bình nước bẩn đã đầy”, “quay về trạm để vệ sinh giẻ lau”… rất thích hợp với những người lớn tuổi không rành tiếng Anh. Và kể cả có rành tiếng Anh nhưng khi nghe thông báo trạng thái và phản hồi bằng tiếng Việt cũng sẽ dễ nắm bắt hơn nhiều.
  • Hệ thống định vị thông minh và hoạt động real-time, khi mình bê robot qua chỗ khác trong khu vực bản đồ đang sử dụng là nó tự xác định đúng vị trí, không cần chạy tới lui để xác định lại vị trí.
  • Nếu cần thay đổi vị trí của dock, chúng ta chỉ cần di chuyển dock đến vị trí mới khi robot vẫn đang ở bên trong, và rồi khi robot di chuyển từ dock ra sẽ tự nhận diện được vị trí mới của dock. Ngày xưa robot cũ của mình không có khả năng đó, muốn đổi vị trí dock sẽ khá vất vả để robot đi mò quanh nhà tìm vị trí dock mới.
  • Phần mềm có giao diện và thao tác sử dụng khá tốt, tất nhiên vẫn có một vài điểm chưa được gọn gàng lắm, nhưng nhìn chung thao tác sử dụng dễ làm quen, sau 15 phút là mình đã vọc được hết các tính năng cũng như cài đặt lịch trình tự động dọn vệ sinh tuỳ chỉnh.
  • Thân trên robot được đậy bằng nam châm, đẹp, liền mạch, dễ thao tác.
  • Thiết kế kết hợp tay cầm và chốt cố định hộp bụi bên trong robot rất tinh tế.

Ngoài ra, mình cũng có đo trạm sạc tiêu thụ tầm 400Wh / ngày, trong đó sấy nóng 4 tiếng sẽ tốn tầm 80W x 4h = 320Wh, còn lại là điện tiêu thụ cho việc tự hút rác và sạc pin. Khi robot đã đầy pin, trạm sạc ở chế độ standby sẽ chỉ tiêu thụ khoảng 2-3Wh.

Tổng kết

Tóm lại, với phân khúc giá 15 triệu đổ lại, chúng ta sẽ thiếu đi một vài trang bị của phân khúc cao hơn như thò giẻ lau để xử lý mép tường, hay hệ thống camera nhận diện chướng ngại vật. Tuy nhiên, mình thấy Ecovacs Deebot T20e Omni vẫn sẽ là một lựa chọn rất đáng cân nhắc vì khả năng hút bụi và lau sàn xuất sắc, chất lượng hoàn thiện phần cứng rất chỉn chu, cứng cáp, khả năng nhận diện vật thể đủ tốt để chấp nhận được, và trạm sạc giải phóng sức lao động với những tính năng tự hoá như đổ bụi, giặt giẻ và sấy giẻ hoạt động hiệu quả.

Mặc dù vẫn còn một vài điểm chưa thật sự hoàn hảo như là việc cập nhật bản đồ, hay dock sạc không thể tháo ra để vệ sinh, nhưng mình thấy những thứ đó thật sự không đáng bận tâm và cũng không ảnh hưởng đến việc sử dụng robot hàng ngày.

Mình cũng có một bài viết tổng hợp các công nghệ của Robot hút bụi theo từng phân khúc giá, các bạn có thể tham khảo tại đây: Tổng quan về Robot hút bụi năm 2024 để có thể dễ dàng chọn lựa Robot hút bụi phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Món quà nhỏ

Nếu đang tìm mua sản phẩm Deebot T20e Omni, các bạn có thể tham khảo trên gian hàng chính hãng của Ecovacs:

Ngoài ra, mình có một món quà nhỏ để gửi tặng các bạn độc giả của Ngon Bổ Xẻ. Mình xin được 10 suất voucher giảm giá trực tiếp 1,000,000đ khi các bạn mua Ecovacs Deebot T20e Omni tại đây. Các bạn áp mã giảm giá “ngonboxe” lúc đặt hàng là được nha. Hi vọng món quà nhỏ này sẽ hữu ích với các bạn.

Bài viết xin được kết thúc tại đây, cám ơn các bạn đã quan tâm theo dõi.

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được
5 /5
Based on 1 rating

Reviewed by 1 user

    • 3 tháng ago

    cho mình hỏi, trong bài phân tích T20e omni không thấy nhắc đến bình chứa nước trong robot để làm ẩm dẻ lau khi robot làm việc. Vậy trong robot T20e omni có bình nước không ạ

      • 3 tháng ago

      T20e mình thấy không có bình chứa nước bên trong nhé bạn, trạm sạc sẽ giặt giẻ và giẻ đủ ướt để lau rồi, sau một khoảng thời gian nhất định (5-10-15 phút tuỳ chọn) sẽ quay về giặt tiếp, tránh lôi bẩn chỗ này qua chỗ khác, nên thực ra cũng không cần bình nước bên trong cho lắm. Tuy nhiên vì không có bình nước bên trong nên dù để mức ướt thấp nhất thì giẻ vẫn khá ướt.

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.