Tại sao chúng ta quá dễ dàng đánh giá người khác
Update mới nhất: 11/08/2023
“Rõ ràng để đánh giá được bản thân đã là một điều không hề dễ dàng rồi vậy mà sao đôi khi chúng ta dễ dàng đánh giá một người khác quá, nhất là qua vẻ bề ngoài hay những gì họ thể hiện ra ngoài“. Đây là một câu mình từng viết trong bài Mổ xẻ về sự khiêm nhường.
Chắc hẳn không ít lần bạn đã từng bị đánh giá và cũng không ít lần bạn đánh giá những người khác. Vậy tại sao? Tại sao chúng ta lại hay dễ dàng đánh giá người khác? Câu hỏi này nó cứ luẩn quẩn trong đầu mình. Vì vậy trong bài viết này mình sẽ đi tìm câu trả lời
Nội dung chính
Trước khi đi phân tích sâu hơn về vấn đề này, mình muốn phân biệt rạch ròi một chút về ý nghĩa của từ đánh giá (assessment) và phán xét (judgment) vì phần lớn chúng ta vẫn đang sử dụng từ đánh giá theo cả 2 ý nghĩa assessment và judgment tuỳ vào từng bối cảnh
Đây là một đặc điểm thú vị của tiếng Việt, một từ có nhiều nghĩa và có nhiều từ cùng chỉ một ý nghĩa. Từ judgment chúng ta có thể dịch là đánh giá hay phán xét đều được. Ví dụ như một câu nói quá quen thuộc “Don’t judge the book by its cover” chúng ta vẫn hay dịch là “Đừng đánh giá quyển sách qua trang bìa”
Phân biệt giữa đánh giá (assessment) và phán xét (judgment)
Trích dẫn trong bài viết của GS. TS. Nguyễn Văn Tuấn [1]
“Chúng ta cần phải phân biệt giữa assessment (đánh giá) và judgment (phán xét). Đánh giá là một phát biểu mang tính mô tả về sự kiện hay sự vật trong tâm thế trung dung và khách quan; Còn phán xét là một phát biểu về ý kiến cá nhân và trong tâm thế chủ quan. Đánh giá có thể xem là một cách tiếp cận khoa học, còn phán xét là dựa trên cảm tính và tự thị” và “Tóm lại, đánh giá có hàm ý tích cực, còn phán xét có hàm ý tiêu cực”
Vài câu văn trên đã đúc kết những gì mình muốn trình bày trong phần này. Hầu hết khi chúng ta đang ‘đánh giá’ một ai đó, thực chất đa phần chúng ta đang phán xét họ vì hầu như những ‘đánh giá’ của chúng ta chỉ có rất ít thông tin đầu vào đến từ chủ thể, còn lại là dựa trên cảm tính, giả định, và tự thị của chính bản thân.
Phán xét thường được dựa trên giả định rằng “ta đúng, người sai” cùng giả định mình biết một chút gì đó về đối tượng, dù thực tế không phải như vậy. Khi đưa ra lời phán xét, người phát biểu đặt mình ở vị trí cao hơn và thường có thái độ trịch thượng, không có sự thông cảm mà chỉ là một sự chỉ trích và chê bai. Người phán xét tự cho rằng mình có tài, còn đối tượng là bất tài, hay nói chung là “mình đúng và đối tượng sai”. [1]
Trong bài viết này, mình sẽ dùng cả 2 từ đánh giá và phán xét. Tuy nhiên, mình sẽ dùng từ ‘đánh giá’ nhiều hơn vì nghe đỡ nặng nề hơn, nhưng ý nghĩa của từ ‘đánh giá’ mình dùng trong bài các bạn hãy hiểu theo nghĩa của từ phán xét (judgment)
Tại sao chúng ta dễ dàng đánh giá người khác
Tất cả chúng ta đều đánh giá lẫn nhau. Chúng ta đánh giá hành động của nhau, đánh giá lời nói của nhau. Chúng ta thích dán nhãn cho mọi người. Chúng ta đánh giá mọi người theo trình độ học vấn, tuổi tác, chủng tộc, tôn giáo, giới tính, ngoại hình, thu nhập, tầng lớp, hành vi… Việc đánh giá cứ lặp đi lặp lại. Nó ở khắp mọi nơi và ở mọi hình thức. Lý do cho việc này là gì? [2]
Nguyên nhân
Mình có tham khảo ở một số nguồn [1],[2],[3] và tổng kết một số lý do vì sao chúng ta lại hay đánh giá người khác như sau:
Sự bất an: Đây là lý do lớn nhất khiến mọi người đánh giá. Nếu chúng ta không hài lòng với con người của mình, chúng ta có xu hướng hạ thấp người khác để khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn về bản thân.
Nỗi sợ: Chúng ta kéo ai đó xuống để cảm thấy tốt hơn bởi vì chúng ta sợ hãi. Chúng ta đánh giá bằng cách giảm thiểu những gì họ có hoặc đã đạt được bằng cách nhấn mạnh những vào những gì họ không có, khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn về bản thân. Chúng ta cho rằng, người này là một mối đe dọa nên chúng ta cần giảm thiểu mối đe dọa đó.
Niềm kiêu hãnh: Đánh giá người khác đem lại cho chúng ta cảm giác mình vượt trội. Chúng ta đánh giá người khác chỉ để cảm thấy tốt hơn về những gì chúng ta đang làm hoặc không làm. Sự đánh giá của chúng ta lúc này đến từ sự quan trọng hoá bản thân
Sự ghen tị: Chúng ta cảm thấy cay đắng về lợi thế, thành công hay tài sản của ai đó,… Đánh giá dạng này thường đến từ sự oán giận vì ai đó có thứ mà chúng ta không có, chúng ta nghĩ họ chẳng làm gì xứng đáng với điều họ có
Sự cô đơn: Khi chúng ta cô đơn, chúng ta hay dùng cách đánh giá người khác để tìm cách kết bè bạn với những người hay đánh giá. Nhưng đó là kiểu kết bạn tiêu cực (tức cả đám chỉ tụ tập để nói xấu và chỉ trích mà không làm gì tích cực)
Và có thể còn nhiều nguyên nhân khác nữa mà mình có thể bỏ sót. Nhưng điểm chung của những lý do này, nếu các bạn để ý, đó là hầu hết lý do chúng ta đánh giá người khác lại đến từ chính cảm xúc và cảm nhận của chính chúng ta. Vì vậy, những lý do trên có lẽ vẫn chưa phải là nguyên nhân sâu xa của vấn đề.
Nguyên nhân sâu xa hơn
Mình có tìm được vài bài viết hay [4], [6] về nguyên nhân sâu xa của việc đánh giá người khác
Thinking is difficult, that’s why most people judge
Suy nghĩ thường khó khăn, đó là lý do vì sao hầu hết mọi người đánh giá.
Carl Jung
Câu nói trên của nhà tâm lý học, bác sỹ tâm thần người Thuỵ Sỹ Carl Jung dường như đã đúc kết toàn bộ lý do.
Việc đánh giá rất dễ dàng và không đòi hỏi nhiều suy nghĩ hay lý luận. Bộ não của chúng ta được lập trình để đưa ra những đánh giá tự động về hành vi của người khác mà không cần tốn nhiều thời gian hay năng lượng như việc thấu hiểu mọi thứ chúng ta thấy.
Đánh giá nếu hiểu đơn giản là khi chúng ta tạo ra một hệ thống phân cấp để phân biệt giữa tốt hơn và kém hơn, cấp cao hơn hay cấp thấp hơn, đẹp hơn hay xấu hơn… để xác định giá trị cho mọi thứ chúng ta thấy và mọi người chúng ta gặp.
Ngoài ra chúng ta luôn có một thôi thúc bẩm sinh để bản thân trở nên đúng đắn, để trở nên tốt hơn, để trở nên vượt trội. Chúng ta thường có quan điểm về thế giới xung quanh theo hệ nhị phân và điều đó khiến chúng ta phải đúng hoặc sai, phải tốt hoặc xấu và vì vậy chúng ta sẽ thường đánh giá theo cơ chế nhị phân đó [4]
Có hai lý thuyết trong tâm lý học giải thích về hiện tượng đánh giá là lý thuyết quy kết và sự phản chiếu.
Lý thuyết quy kết (Attribution Theory)
It’s not whether you win or lose, it’s how you place the blame
Chả quan trọng bạn thắng hay thua, quan trọng là cách bạn đổ lỗi
Oscar Wilde
Con người được thúc đẩy bởi việc gán nguyên nhân cho hành động và hành vi của họ. Trong tâm lý xã hội, quy kết là quá trình mà chúng ta giải thích nguyên nhân của hành vi và sự kiện. Quy kết là những suy nghĩ của chúng ta về người khác giúp chúng ta hiểu tại sao mọi người lại làm những việc họ làm
Nhưng vấn đề của việc quy kết đó là nó cũng tồn tại những thành kiến (bias). Và thông thường, chúng ta tập trung vào hành vi, bỏ qua tình huống hoặc bối cảnh hoặc hoàn cảnh dẫn đến hành vi đó. Vì thế những đánh giá của chúng ta thường không chính xác vì lượng thông tin để quy kết của chúng ta quá ít và không đủ, không phản ánh thực tế, chứa nhiều thành kiến cá nhân [4]
Sự phản chiếu (Projection)
Knowing your own darkness is the best method for dealing with the darkness in other people
Biết được mặt tối của chính mình là phương pháp tốt nhất để đối phó với mặt tối của người khác.
Carl Jung
Theo Carl Jung, “Mặc dù tâm trí có ý thức của chúng ta đang né tránh những sai sót của chính mình, nhưng chúng vẫn muốn giải quyết chúng ở mức độ sâu hơn, vì vậy chúng ta phóng đại những sai sót đó ở người khác”. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy ở người khác những gì chúng ta có bên trong chính mình.
Jung nói rằng trong chúng ta có một cái bóng. Cái bóng này là mặt tối không xác định và vô thức trong tính cách của chúng ta. Theo Jung, cái bóng – mang tính bản năng và phi lý trí – có xu hướng phóng chiếu tâm lý, trong đó sự kém cỏi và thiếu hụt của cá nhân được phải chiếu khi chúng ta nhận thức sự kém cỏi và thiếu hụt ở người khác [4]
Nhà tâm lý học người Mỹ gốc Anh Raymond Cattell, nổi tiếng với nghiên cứu về tâm lý học, đã xác định 16 khía cạnh tính cách mà tất cả chúng ta đều sở hữu
1 – Nhiệt tình: Hướng nội với Hướng ngoại
2 – Trí tuệ: Suy nghĩ bê tông vs Nhà phân tích
3 – Ổn định cảm xúc: Dễ cáu gắt vs Điềm tĩnh
4 – Tính hiếu chiến: Phục tùng vs Thống trị
5 – Sự sống động: Thận trọng vs Mạo hiểm
6 – Trách nhiệm: Không đáng tin vs Tận tâm
7 – Quyết đoán xã hội: Nhút nhát vs Táo bạo
8 – Nhạy cảm: Cứng rắn vs Nhạy cảm
9 – Mức tin cậy: Tin tưởng vs Nghi ngờ
10 – Tính trừu tượng: Thông thường vs Trí tưởng tượng
11 – Nội tâm: Cởi mở vs Riêng tư
12 – Lo lắng: Tự tin vs Sợ hãi
13 – Cởi mở: Bảo thủ vs Cởi mở
14 – Độc lập: Xã hội vs Tự lập
15 – Cầu toàn: Tùy tiện vs Chính xác
16 – Căng thẳng: Thoải mái vs Áp lực
[5]
Tất cả các tính cách của chúng ta thực sự được tạo thành từ những đặc điểm giống nhau; chúng ta chỉ khác nhau ở mức độ mà mỗi đặc điểm được thể hiện. Theo Cattell, mọi người chỉ đơn giản thể hiện những đặc điểm này theo những cách khác nhau, vào những thời điểm khác nhau và trong những lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống của họ. Một số có thể chiếm ưu thế, và một số có thể không hoạt động.
Khi chúng ta đánh giá ai đó về đặc điểm nào đó, chúng ta thực sự đang đánh giá chính mình khi mà chúng ta chưa hoàn toàn sở hữu hoặc chấp nhận đặc điểm đó trong chúng ta [4]
Tóm lại, nguyên nhân sâu xa hơn của việc vì sao chúng ta thường hay dễ dàng đánh giá người khác là:
- Việc đánh giá dựa trên những gì ta thấy thường nhanh và dễ, được lập trình tự động trong tâm trí. Chúng ta không cần phải suy nghĩ hay lý luận nhiều để có thể đưa ra một phán xét.
- Chúng ta đánh giá một ai đó vì muốn lý giải hành vi của họ theo hệ quy chiếu của chúng ta (mà thường sẽ có thiên kiến)
- Chúng ta đánh giá ai đó về điều gì đó vì chúng ta chưa có hoặc có rồi mà chưa chấp nhận được đặc điểm đó trong chúng ta
Khi chúng ta đánh giá, nó phản ánh người khác hay chính chúng ta?
When you judge others, you do not define them, you define yourself
Khi bạn đánh giá người khác, bạn không định nghĩa họ, bạn định nghĩa chính mình.
Earl Nightingale
Thế giới xung quanh chúng ta là tấm gương phản chiếu của chúng ta và việc đánh giá ai đó không xác định họ là ai – nó xác định chúng ta là ai. Thông thường, những điều chúng ta ghét và phán xét ở người khác lại phản ánh những điều chúng ta không thể chấp nhận ở bản thân.
Thước đo chúng ta sử dụng cho chính mình là thước đo chúng ta sử dụng cho thế giới. Cách bạn đánh giá bản thân chính là cách bạn đánh giá người khác và cách bạn cho rằng người khác đánh giá mình [6]
If you hate a person, you hate something in him that is part of yourself. What isn’t part of ourselves doesn’t disturb us
Nếu bạn ghét một người, nghĩa là bạn ghét điều gì đó ở anh ta mà là một phần của chính bạn. Những gì không phải là một phần của chúng ta không làm phiền chúng ta
Hermann Hesse
Mọi thứ khiến chúng ta khó chịu về người khác có thể dẫn chúng ta đến sự hiểu biết về bản thân, nhận thức về bản thân. Những gì chúng ta thấy ở người khác thường là những gì chúng ta thấy ở chính mình, và điều khiến chúng ta khó chịu ở người khác có thể là điều chúng ta không thích ở chính mình.
Đó là lý do tại sao những người nghĩ rằng họ xấu xí tìm kiếm tất cả những gì xấu xí của những người xung quanh họ. Và tại sao những người lười biếng và chểnh mảng cũng tìm kiếm tất cả những thứ là lười biếng và chểnh mảng của người khác. Đó là lý do tại sao các quan chức tham nhũng chọn tham nhũng: bởi vì họ cho rằng những người khác cũng tham nhũng như họ. Đó là lý do tại sao những kẻ gian lận chọn gian lận: bởi vì họ cho rằng những người khác cũng sẽ gian lận nếu có cơ hội. Đó là lý do tại sao những người không thể tin tưởng người khác là những người không được người khác tin tưởng [6]
Đánh giá là tương đối, đánh giá của chúng là là sự so sánh hoặc xác nhận liên tục của chúng ta về mọi thứ mà chúng ta cảm nhận được với những gì chúng ta tin tưởng. Niềm tin và thước đo của chúng ta có thể là một chức năng của các đặc điểm tính cách, điều kiện của chúng ta (ở nhiều cấp độ như xã hội, văn hóa hoặc tôn giáo) và kinh nghiệm sống của chúng ta. Vậy nên, đánh giá của chúng ta không bao giờ là tuyệt đối và đương nhiên nó khó có thể đúng với người khác vì họ cũng sẽ có đặc điểm, điều khiện hay thước đo khác với chúng ta. [4],[6]
Những ảnh hưởng của việc đánh giá, phán xét
Khi chúng ta đánh giá hay phán xét một cách quá nhanh, chúng ta sẽ mất cơ hội để thấu hiểu toàn bộ tình huống hoặc những sự thật chưa được biết đến [4]. Hay nói một cách khác là chúng ta đưa ra nhận định quá nhanh dựa trên một số ít những thông tin đầu vào và bổ sung sự thiếu hụt thông tin bằng thiên kiến sai lệch của chúng ta sẽ khiến chúng ta không nhìn thấy bức tranh toàn cảnh hay toàn bộ sự thật.
Thói quen đánh giá, phán xét có một tác động xấu tích luỹ tạo ra một thế giới tiêu cực. Trong xã hội, có những người hình như không khen ai, mà chỉ biết chê bai. Đối với họ ai cũng xấu, ai cũng dở, ai cũng có vấn đề. Dường như họ chỉ sống nhờ chỉ trích người khác mà không nhìn lại bản thân. Họ là những người tích cực tạo ra một thế giới tiêu cực. Trong cái nhìn của họ, thế giới này có lẽ chỉ toàn những người xấu [1]. Chúng ta hãy thử nhìn lại cộng đồng xung quanh chúng ta (cộng đồng mạng, xóm, làng, tổ dân phố, phường xã, quận huyện, tỉnh thành phố, quốc gia) xem liệu có đang bị ảnh hưởng bởi ‘văn hoá’ chê bai và chỉ trích quá nặng nề không.
Để không đánh giá người khác
Be kind. For everyone you meet is fighting a battle you know nothing about.
Hãy tử tế. Tất cả những người bạn gặp đều đang chiến đấu trong một cuộc chiến mà bạn hoàn toàn không biết gì về nó
Ian MacLaren
Đánh giá là một hành động thiên về bản năng của con người vì vậy sẽ thật sáo rỗng khi nói “Đừng đánh giá người khác” vì mọi nỗ lực chống lại bản năng hầu như là vô ích. Thay vào đó, chúng ta có thể học cách trở nên đánh giá có nhận thức hơn, chuyển dần từ judgment sang assessment. Chúng ta cũng có thể đánh giá mang tính tán dương và rộng lượng hơn về thế giới xung quanh theo bản chất của nó, thay vì cố gắng điều chỉnh nó theo quan điểm của chúng ta: [4]
- Cởi mở: Trước khi đánh giá, chúng ta hãy tìm cách hiểu với một tâm hồn cởi mở, như vậy chúng ta mới có thể hiểu được những quan điểm, suy nghĩ và hành vi nằm ngoài hệ quy chiếu của chúng ta
- Luôn tò mò: Hãy duy trì sự tò mò, nhớ rằng sẽ có những tình huống chúng ta có thể không hiểu hoàn toàn và đôi khi những gì chúng ta tin là đúng đắn của ngày hôm nay có thể sẽ sai hoàn toàn vào ngày mai (hãy nhớ về một thời cả thế giới tin rằng trái đất hình cái đĩa)
- Hãy đồng cảm: Chúng ta hãy đồng cảm với người khác về hoàn cảnh của họ khi những hoàn cảnh đó có thể không nằm trong nhận thức đầy đủ của chúng ta. Mỗi con người đều sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh khác nhau và ai cũng sẽ có những ‘nỗi khổ riêng’
- Hãy Tự Nhận Thức: Thực hành nhận thức về bản thân thông qua sự tha thứ cho bản thân, chấp nhận bản thân và rộng lượng với bản thân. Chúng ta càng hiểu mình, chúng ta càng hiểu người khác; biết về khuynh hướng nhận thức của chúng ta sẽ giúp chúng ta đánh giá một cách công bằng, kiên nhẫn và rộng lượng với người khác
Nếu bạn đã nhận ra mình hay đánh giá ai đó, thứ gì đó quá nhanh của mình, đây là một số mẹo để bỏ thói quen này: [3]
- Dành một chút thời gian để thấu hiểu người khác đến từ đâu và tại sao họ có thể trông hoặc cư xử theo cách của họ. Bất kể họ có vẻ ngoài, giọng nói hay hành động như thế nào, mọi người đều đang phải vật lộn và đấu tranh về một điều gì đó của bản thân.
- Cố gắng nhận ra sự bất an của chính bạn và nỗ lực xây dựng bản thân thay vì hạ gục người khác. Hành vi của họ mà bạn đang để ý đến có phản ánh chính bạn không? Bạn có thể bắt đầu bằng cách tự nhận thức nhiều hơn về bản thân trước khi đưa ra lời đánh giá.
- Kiểm tra các mối quan hệ bạn bè và các hội nhóm của bạn. Chúng dựa trên sự tích cực, hay đang hạ thấp người khác? Nếu là vế sau, hãy tách bản thân ra và tập trung vào việc xây dựng các kết nối dựa trên sự tích cực và tôn trọng.
Phát triển bản thân trong việc đánh giá và phán xét
Chúng ta thường đánh giá người khác theo tiêu chuẩn của bản thân nhưng sau đó lại dành cả đời mình để sống theo tiêu chuẩn của người khác
[7]
Nhiều người trong chúng ta áp dụng các thước đo bên trong của riêng mình không phải thông qua sự lựa chọn có ý thức mà thông qua sự xấu hổ mà chúng ta phải chịu. Đối với nhiều người trong chúng ta, thước đo của chúng ta được xác định bởi cách mọi người nhìn nhận chúng ta khi lớn lên. Chúng ta phát triển sự cố định của bản thân trong một lĩnh vực của cuộc sống bởi vì đó là lĩnh vực mà chúng ta cảm thấy mọi người đánh giá chúng ta nhiều nhất. Đội trưởng đội cổ vũ trường trung học sợ mất đi vẻ ngoài của mình khi trưởng thành. Đứa trẻ nghèo bị ám ảnh bởi việc trở nên giàu có. Kẻ thua cuộc muốn tổ chức những bữa tiệc lớn nhất. Kẻ lười biếng muốn chứng minh cho mọi người thấy mình thông minh như thế nào [6]
Một phần quan trọng trong quá trình phát triển của chúng ta là nhận ra sự cố định của chính mình, nhận ra cách chúng ta đo lường bản thân đang quá cố định và tìm cách thoát ra khỏi sự cố định đó để lựa chọn những thước đo khác nữa cho chính mình một cách có ý thức.
Nhưng một phần quan trọng khác của quá trình phát triển là chúng ta có thể nhận ra rằng mọi người đều có thước đo của riêng mình. Và thước đo của họ lại có thể khác thước đó của chúng ta. Hầu hết các thước đo của mọi người chọn đều vẫn sẽ ổn với họ. Ngay cả khi chúng hoàn toàn không giống các thước đo mà bạn đã chọn cho chính mình.
Bạn có thể nhìn thế giới thông qua các thước đo về tài chính, nhưng hầu hết mọi người thì không.
Bạn có thể nhìn thế giới thông qua thước đo về vật chất, nhưng hầu hết mọi người thì không.
Bạn có thể nhìn thế giới thông qua thước đo về ngoại hình và sự hấp dẫn, nhưng hầu hết mọi người thì không.
Bạn có thể nhìn thế giới thông qua các giá trị gia đình, nhưng hầu hết mọi người thì không.
Bạn có thể nhìn thế giới thông qua sự tích cực và thân thiện, nhưng hầu hết mọi người thì không.
Bạn có thể nhìn thế giới thông qua quyền lực và địa vị, nhưng hầu hết mọi người thì không.
Và đó đơn giản là một phần của con người. Chấp nhận rằng những người khác đo lường bản thân và thế giới của họ khác với cách của bạn là một trong những bước quan trọng nhất để lựa chọn một cách có ý thức những mối quan hệ phù hợp với bản thân. Nó cần thiết để phát triển những ranh giới vững chắc và quyết định xem bạn muốn ai sẽ trở thành một phần trong cuộc sống của mình và ai thì không.
Bạn có thể không chấp nhận ý tưởng hoặc hành vi của một người. Nhưng bạn phải chấp nhận rằng bạn không thể thay đổi thước đo của họ đối với những ý tưởng và hành vi đó. Cũng như chúng ta phải tự mình lựa chọn thước đo cho chính mình. Họ cũng phải tự làm điều đó cho chính họ [6]
Và hãy tận dụng bản năng đánh giá bẩm sinh một cách khôn khéo để phát triển bản thân. Trước khi bạn đánh giá ai đó về vấn đề gì đó, có thể đó chính là vấn đề mà sâu bên trong tâm hồn, bạn đang cần cải thiện hoặc chấp nhận.
Bài viết đã dài và cung cấp nhiều thông tin, mình xin kết thúc tại đây. Mong rằng sau bài viết này, khi bạn đánh giá một ai đó, thứ gì đó, hành vi nào đó… bạn sẽ assessment chứ không judgment
Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Các bạn cũng có thể xem và tham gia thảo luận bài viết này trên Tinh Tế nha
Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️
Chia sẻ bài viết:
Nguồn tham khảo:
[1]: GS. TS. Nguyễn Văn Tuấn. 2020. Thói chê bai (phán xét) người khác
[2]: Carrie Heinze-Musgrove. 2016. 4 Reasons We Judge Others
[3]: James Killian. nd. Why we judge others & how to stop
[4]: Visweswaran Balasubramanian. 2021. The Real Reason we Judge Other People (& What it Says about Us)
[5] OpenStax College. 2020. Psychology
[6] Mark Manson. nd. How We Judge Others Is How We Judge Ourselves
[7] Hà Phương. 2021. Nguồn: Triết học tuổi trẻ
Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết