Mổ Xẻ về sự khiêm nhường

Mổ Xẻ về sự khiêm nhường

“Một số bạn trẻ có thể vẫn đang có lòng tự trọng phơi phới, không thể so sánh được với những anh em đã lớn tuổi, đã từng trải, họ vẫn đang phải học hỏi thêm rất nhiều, nên thông cảm và hiểu cho họ, đừng lấy thước đo của mình áp đặt cho bất kỳ ai, 30 tuổi sẽ khác 20-23 tuổi rất nhiều. Sự khiêm nhường sẽ có sau nhiều va chạm”

Sau khi viết comment này trong một chủ đề, mình cũng có suy nghĩ về nó khá nhiều, đặc biệt là hai chữ “khiêm nhường”. Vì thực ra bản thân mình cũng chưa phải là một người đã lớn tuổi tuy nhiên có lẽ mình đã may mắn khi phải va chạm với xã hội sớm hơn và nhiều hơn bạn bè cùng trang lứa

Trong bài viết hôm nay, mình muốn khơi gợi lên chủ đề này để anh em cùng thảo luận, mình cũng muốn chia sẻ những suy nghĩ và trải nghiệm của bản thân về từ “khiêm nhường” này và những tình huống mình gặp trong cuộc sống giúp mình phần nào hiểu ra từ đó, rất mong sẽ hữu ích với anh em và mong là sẽ có những thảo luận hay từ anh em

  • Khiêm tốn hay khiêm nhường là phẩm chất của một sự tự tôn thấp, một sự giải thoát khỏi ý thức về bản thân, một hình thức ôn hòa không có niềm kiêu hãnh (hay kiêu căng) cũng như không có sự tự ti. (Mình chỉ trích dẫn một phần mà mình thấy phù hợp với bài viết và nội dung muốn truyền tải, bạn nào thích có thể xem thêm đầy đủ tại đây)
  • Khiêm nhường là khiêm tốn và nhường nhịn trong quan hệ đối xử, không khoe khoang, không tranh giành (nguồn ở đây)
  • Khiêm nhường là khiêm tốn trong quan hệ đối xử, không giành cái hay cho mình mà sẵn sàng nhường cho người khác (nguồn ở đây)

Còn định nghĩa của bản thân mình thì có lẽ không đơn giản và ngắn gọn như trên, mình sẽ chia sẻ thêm trong bài viết về cách hiểu của mình. 2/3 định nghĩa trên có nhắc đến việc khiêm nhường là khiêm tốn cộng thêm một yếu tố nữa là nhường nhịn. Mình sẽ mượn luôn 2 ý đó để làm dàn bài Bổ Xẻ cho có hệ thống.

Vậy thì khiêm tốn là gì? Định nghĩa về sách vở thì khiêm tốn là có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự đề cao, không kiêu căng, tự phụ (nguồn ở đây) chúng ta cùng Bổ Xẻ từ khiêm tốn này trước xem sao

Bản thân mình khi viết bài này mới đi tìm ý nghĩa của từ khiêm tốn để biểu đạt cho anh em, như ý nghĩa trên của từ khiêm tốn, điều đầu tiên mình cần đó là phải tự nhìn lại bản thân để ý thức bản thân mình là ai, đang ở đâu giữa xã hội để có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân. Sự khiêm tốn cần bắt đầu từ việc mình nhìn vào nội tại của mình trước, chứ không phải là nhìn vào những gì mình thể hiện ra ngoài. Mà nội tại thì mình có gì, ngoài đống hợp chất hữu cơ hơn 70kg thì mình chỉ còn có tâm trí. Mình thường đánh giá bản thân dựa vào lượng kiến thức và tư duy mà mình có. Và rõ ràng để đánh giá được bản thân đã là một điều không hề dễ dàng rồi (vậy mà sao đôi khi chúng ta dễ dàng đánh giá một người khác quá, nhất là qua vẻ bề ngoài hay những gì họ thể hiện ra ngoài)

Mổ Xẻ về sự khiêm nhường

Với bản thân mình, mọi chuyện có lẽ bắt đầu từ khá sớm khi còn đi học. Cấp 1 thì cũng được học sinh giỏi, cấp 2 cũng được học sinh giỏi, tuy nhiên phấn đấu rất nhiều, cố gắng chăm chỉ học hành rất nhiều thì mình cũng chưa bao giờ đứng đầu lớp, lần giỏi lắm thì đứng thứ 8 ở lớp mà thôi. Mình đã có một nhận thức non trẻ về việc “Ồ, ngoài kia các bạn sẽ còn giỏi hơn mình nhiều”. Rồi lên cấp 3, mình cũng chỉ học ở một ngôi trường bình thường tuy nhiên có chút may mắn được vào lớp chọn (lớp có nhiều bạn có điểm thi đầu vào cao hơn các bạn khác) và hầu như mình luôn đứng ở cuối lớp, khi này mình cũng khá tự ti vì khả năng của bản thân. Và rõ ràng với học lực ở mức trung bình như vậy, mình chỉ dám thi vào một trường đại học mức trung bình.
Lưu ý: đoạn trên này mình chia sẻ với tâm trí của một học sinh cấp 1,2,3 đó là coi điểm số tương đương với mức độ giỏi-kém, sau này mới giác ngộ ra

Thời gian học đại học, vì mình vào một trường ở mức trung bình vì vậy kiến thức và khả năng tư duy của mình có hơi dư dả hơn so với yêu cầu cần có, vì vậy sự tự tin quay trở lại nhiều hơn. Nhưng thú vị ở một điểm đó là mình cũng không phải là một người có điểm số cao trong lớp. Vì lúc này, sau 3 năm cấp 3, mình đã giác ngộ và có nhận thức rõ hơn về việc kiến thức có thể được tìm kiếm, quan trọng là kỹ năng tìm kiếm kiến thức đó như thế nào. Và rõ ràng việc đánh giá một ai đó bằng điểm số thông qua một lượng kiến thức họ có thể nhớ ở cấp 1,2,3 thay vì đánh giá bằng cách họ dùng kỹ năng để đi tìm kiếm kiến thức hay áp dụng kiến thức vừa tìm được để giải quyết vấn đề là một sai lầm. Với việc đánh giá tình hình như vậy, mình chỉ làm những điều tối thiểu đủ để tiếp nhận kiến thức chuyên ngành đại học, hiểu được cách tư duy để giải quyết vấn đề và đạt những số điểm tối thiểu mình cần để phục vụ mục tiêu ra trường đúng hạn, thời gian còn lại mình dùng để đi học thêm những kỹ năng và kiến thức khác nữa. Tất nhiên, mình tốt nghiệp đúng hạn. Nhưng khi có tấm bằng trên tay, và với mức kiến thức và kỹ năng đã có, mình vẫn cảm thấy 4-5 năm học đại học không có đem lại quá nhiều lợi ích so với thời gian mình đã mất đi (sau này đi làm thì càng khẳng định điều đó, nhưng mà ngày xưa còn non trẻ mà)

Mình đề cập đến việc học phổ thông và đại học vì một phần mình có chút may mắn, khi mình thường chỉ có mức điểm học tập trung bình khá, điều này khiến mình đánh giá bản thân với không một chút tự hào hay tự mãn nào, mình không bị dính vào một cạm bẫy về lòng tự tôn thường sẽ gặp nếu tốt nghiệp một ngôi trường danh tiếng (mình sẽ chia sẻ thêm ở bên dưới). Ở vị thế cửa dưới (underdog) khi so với các bạn cùng trang lứa, lúc bước ra đời, khi bắt đầu đi làm, bắt đầu tham gia vào thị trường lao động, mình có nhận thức rất rõ về việc “Em mới ra trường, chưa có kinh nghiệm nhiều nên em sẵn sàng thực tập, sẵn sàng học hỏi để trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng”

Điều này dẫn đến việc mình đã thực tập trong một tổ chức hẳn 1 năm với mức lương thấp hơn các bạn cùng trang lứa thời bấy giờ, có lẽ chỉ bằng ½ hay ⅔ khi so với các bạn thôi. Khi nghe kể về việc mình ký hợp đồng thực tập 1 năm thay vì 3 tháng 6 tháng như bình thường, không ít bạn bè mình ngạc nhiên vì điều đó. Mình tìm đến với tổ chức mình làm cùng một tâm thế mức lương không quá quan trọng và mình sẵn sàng cho việc học hỏi vì mình hiểu rõ được việc tốt nghiệp đại học chưa phải là một điều gì đó quá to lớn, hay thậm chí nó chưa là gì cả.

Ở đây thì mình cũng có một số may mắn, đó là vì thời gian mới ra trường mình vẫn ở cùng với bố mẹ, bố mẹ cho mình 6 tháng đi tìm việc, vẫn sẽ trợ cấp như thời sinh viên đại học. Còn sau thời gian 6 tháng đó, mình phải tự đóng tiền sinh hoạt phí bất kể có việc hay không, nhưng ít nhất cũng đã đỡ được một số chi phí rồi. Chưa kể thời đại học mình cũng có đi làm thêm, cũng có một chút vốn tự thân nho nhỏ tích cóp được. Vì vậy mình mới đủ tự tin để không quá quan trọng mức lương và khiến nó không phải là tiêu chí đầu tiên khi mình lựa chọn công việc.

Khi đi làm rồi mình cũng dần nhận ra được giá trị của việc chấp nhận mức lương thấp như đã kể ở trên, cũng nói sơ qua về tổ chức mình làm đó là một tổ chức nghiên cứu quốc tế, khá có danh tiếng. Càng làm mình mới càng nhận ra mình chưa giỏi như thế nào, mình còn kém ra sao, những gì mình có vẫn đang ít ỏi thế nào khi mình làm việc cùng với các đồng nghiệp, các nhà khoa học, thậm chí có những người rất giỏi, rất nổi tiếng và đã đạt cả giải Nobel cho công trình nghiên cứu của họ. Lúc này mình nhận ra được vị thế của mình chỉ rất thấp trong thị trường lao động, trong nước đã rất rất thấp rồi chứ đừng nói đến thị trường quốc tế. Và đương nhiên về kiến thức cũng vậy, 1 phần của hạt cát trên sa mạc mà thôi.

Đến giờ mình vẫn đang làm việc cho tổ chức nghiên cứu này, tất nhiên mình không còn là thực tập sinh nữa, mình cũng phải nỗ lực rất rất nhiều nhưng vẫn là một phần hạt cát mà thôi. Tất nhiên mức lương lúc này cũng cải thiện hơn nhiều hơn so với ban đầu, cũng phần nào tương ứng với những nỗ lực hăng say lao động và học hỏi. Sau 3 năm làm việc thì mức lương của mình tăng gấp 6 lần so với năm đầu tiên, đương nhiên là khối lượng công việc và mức độ yêu cầu chất lượng công việc sẽ cao hơn rất rất nhiều. Ngoài những kiến thức chuyên môn, mình còn học được từ các đồng nghiệp, tiền bối, hay cả hậu bối những điều sau:

  • Dù có kiến thức chuyên sâu rất cao và là những người rất rất giỏi nhưng đa phần họ rất khiêm tốn và họ luôn khao khát học hỏi thêm điều mới, kể cả từ những người mới hoặc từ những người ở vị trí hay có lượng kiến thức thấp hơn họ
  • Họ có một sự cởi mở, rất cởi mở, làm khoa học mà, toàn làm với những người rất giỏi nên dù họ có giỏi đến đâu thì họ vẫn cởi mở, thảo luận về quan điểm khoa học rất gay gắt nhưng 2 bên vẫn luôn luôn lắng nghe để thấu hiểu được quan điểm của bên còn lại với mục đích chung sẽ là nâng cao tầm hiểu biết và kiến thức của cả đôi bên
  • Họ không sợ bị đóng góp, bị góp ý, bị chỉ trích, vì sự cởi mở họ có, họ sẽ lắng nghe và biến những điều đó thành bài học, hoặc đơn giản là tiếp nhận nó như một cách nhìn mới về một vấn đề. Thậm chí họ cũng rất luôn mong muốn được những người giỏi hơn đóng góp và góp ý cho mình
  • Họ dành sự tôn trọng cho tất cả mọi người xung quanh, dù người đó có chưa giỏi bằng họ hay có quan điểm khác biệt với họ
  • Họ kiên nhẫn, họ trầm lắng, họ âm thầm, họ đơn giản, họ thực tế, họ khao khát kiến thức và tôn thờ sự thật…

Tất nhiên, dù là là ai đi nữa thì vẫn có nhiều điểm xấu, nhất là với mấy ông bà dân khoa học này thì hay tỉ mỉ, tiểu tiết, chi ly, kỹ tính, nhưng mà đó bệnh nghề nghiệp mà, cũng dễ hiểu thôi. Mình học được những điều tốt của họ để áp dụng nó cho cuộc sống của mình và cố gắng không để bị lây mấy cái tật xấu kia, nhưng chắc vẫn bị.

Mình chia sẻ con đường đến với kiến thức và tư duy của mình để nói về chuyện khiêm tốn, vì mình thấy kiến thức và tư duy là một điều rất cần có để nhận thức được đủ, có thể ý thức và có thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân. Nếu mình suy nghĩ rộng ra các lĩnh vực khác khác chứ không phải trong ngành nghiên cứu khoa học của mình, ví dụ như các chính trị gia (hay ở VN anh em hay gọi là các quan chức), các doanh nhân, thương gia, các triệu phú, tỉ phú, hay đơn giản như admin của một diễn đàn công nghệ, nếu không có kiến thức và tư duy, liệu họ có làm được những điều đó không? Nếu họ kém cỏi và ngu dốt thì tại sao họ có thể làm được những điều họ đang làm? Nếu mình là họ, liệu mình có làm được như họ không? Chắc hẳn họ đã phải trải qua một quá trình tích lũy kiến thức và tư duy mà mình không thể nhìn thấy được, họ đã đánh đổi nhiều thứ mình không thể thấy được, để họ có được những gì họ đang có (vậy mà sao đôi khi chúng ta dễ dàng đánh giá một người khác quá, nhất là qua những gì ta nhìn thấy ở vẻ bề ngoài hay những gì họ thể hiện ra ngoài).

Khi đã đánh giá được kiến thức của bản thân một cách đúng đắn rồi thì sẽ tránh được sự tự cao, kiêu căng, tự phụ để bản thân sẽ ở mức một hình thức ôn hòa, không có niềm kiêu hãnh cũng như không có sự tự ti.

Mổ Xẻ về sự khiêm nhường

Trong mọi tình huống trong cuộc sống, vẫn phải có sự tự tin nhất định với những gì bản thân mình có và đặc biệt là không được tự ti trong mọi hoản cảnh. Tất nhiên sự tự tin ở đây lại cũng có nhiều vấn đề để nói, tuy nhiên trong bài này mình muốn đề cập đến sự tự tin trong khuôn khổ của việc khiêm tốn. Có một câu đúc kết rất đúng và mình đã trải nghiệm đó chính là “Biết càng nhiều thì mới nhận ra mình biết càng ít”.

Chúng ta cũng hay mắc phải cạm bẫy về lòng tự tôn như mình có đề cập ở trên. Chẳng hạn như là vì đã tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng nên rất tự tin là mình đã giỏi rồi, hay chẳng hạn vì đã là trưởng phòng, trưởng bộ phận, nên mình đã giỏi rồi, hoặc vì mình đã kiếm được nhiều tiền… nên mình đã rất giỏi rồi … vân vân mây mây nhiều trường hợp khác nữa. Hẳn sẽ có nhiều người bị vướng vào những cạm bẫy về lòng tự tôn này.

Thực tế trong công việc mình làm cũng vậy, mình từng trainning cho những bạn thực tập (như mình ngày xưa), các bạn này điểm số rất tốt, tốt nghiệp cấp 3 và đại học là những trường rất danh tiếng ở VN, thậm chí là trường quốc tế. Về xuất phát điểm nếu so với mình khi xưa thì các bạn có lợi thế hơn rất nhiều, và đương nhiên các bạn đó rất tự tin về bản thân, các bạn đó nghĩ mình đã giỏi rồi và tự tin lắm. Tuy nhiên khi vào cơ quan mình làm thì đúng kiểu là các bạn bị shock và ngỡ ngàng, khi mà đôi lúc bị bọn mình hướng dẫn lại từ đầu việc rất đơn giản như viết email gửi cho đối tác như thế nào, hay khi tham gia những công việc “ngoài chuyên ngành” thì các bạn đó mới biết mình đang thiếu sót nhiều ra sao, lúc cần giải quyết một vấn đề thì các bạn đó còn thiếu kỹ năng mềm đến mức nào, và đương nhiên rồi, với kiến thức chuyên ngành thì cũng “Hello, World!” luôn. Tương tự vậy, khi mình làm việc và tiếp xúc với một số đối tác ở VN, họ cũng thể hiện nhiều sự tự tôn như vậy mà không biết vị trí của bản thân đang ở đâu và cách hành xử với đối tác của họ sẽ bị ảnh hưởng bởi điều đó.

Mình cũng muốn đề cập đến hiệu ứng Dunning-Kruger là một hiện tượng tâm lý về sự ảo tưởng tự tôn được xác định là một dạng sai lệch nhận thức, cho bạn nào chưa biết. Mình có vô tình nhìn thấy nó khi bản thân đang ở thung lũng tuyệt vọng. Biểu đồ của hiệu ứng này chính là hình mình để ở phía trên đầu mục, có lẽ đây là hình tượng hóa tốt nhất cho những gì mình đang muốn chia sẻ ở trên về cạm bẫy của lòng tự tôn. Và nếu suy nghĩ rộng hơn, việc đánh giá bản thân mình đang ở đâu trên cái biểu đồ này, theo quy mô về thời gian, hoặc không gian, có thể cả quy mô cá nhân hay tập thể để nhìn nhận vị trí của bản thân hay tập thể trên biểu đồ, cũng sẽ là điều rất thú vị đó. Các bạn có thể tham khảo thêm về hiệu ứng Dunning-Kruger tại đây nhé.

Và đương nhiên rồi, sự tự tin là điều bạn cần phải có, nhưng đi kèm với sự tự tin đó mình luôn phải đặt một dấu hỏi về việc: mình đang tự tin vì ở đỉnh cao của thiếu hiểu biết hay đang tự tin vì đã sang sườn đồi phía bên kia thung lũng mà không bị bóng đêm ghì bàn chân. Và mình tin rằng khi mình có tự tin bằng những kiến thức mà mình thật sự hiểu một cách sâu sắc, thì sự tự tin đó sẽ vững chắc hơn rất nhiều.

Mình xin trích một câu mình thấy hay trong nguồn tham khảo: “Kẻ dốt khẳng định, người thông thái nghi ngờ, nhà hiền triết suy nghĩ.”

Mổ Xẻ về sự khiêm nhường

Từ câu nói trên, mình cũng muốn đề cập đến sự cởi mở. Nếu chỉ quan niệm là càng tìm hiểu và học hỏi nhiều về một vấn đề gì đó sẽ càng tích lũy được nhiều kiến thức và trở nên tài giỏi về vấn đề đó thì có lẽ vẫn là chưa đủ. Nhiều lúc mình đã rất chắc chắn về một vấn đề rồi, mình có thể thấy rằng mình đã tìm hiểu rất kỹ và không thể nào sai được, mình hoàn toàn có thể khẳng định mình đúng không thể nào sai, thì mình lại nhớ đến một điều: đã có những thời kì cả xã hội tin là mặt trời xoay quanh trái đất, hay là trái đất có hình cái đĩa; thì ở thời kì đó, những khái niệm như trái đất hình cầu quay quanh mặt trời chỉ như là một trò đùa của kẻ điên.

Ý mình muốn truyền đạt ở đây là biết nhiều kiến thức và chắc chắn về nó thôi chưa đủ, mình cần biết những kiến thức đó liệu có còn đúng hay không, có còn cập nhật hay không, phải luôn nghi ngờ về những gì mà mình đã từng biết. Vì có thể những thứ mình biết rất sâu và chắc chắn trong quá khứ thì giờ hiện tại đã đổi thay, hoặc những thứ nghe rất kì lạ và điên khùng lại ngày hôm nay có thể là một điều gì đó sẽ đúng đắn và được công nhận rộng rãi ngay ngày mai. Vì thế giới và kiến thức thay đổi từng ngày. Chính vì vậy, mình không bao giờ có suy nghĩ mình đã biết đủ nhiều rồi để ngừng học hỏi, vì học hỏi cũng là chuyện hàng ngày, là chuyện cả đời. Mình vẫn đang hàng ngày học hỏi cùng với sự nghi ngờ về mọi thứ. Nhưng để học hỏi có hiệu quả, nhất định anh em cần có sự cởi mở trong tâm trí.

Một vấn đề nữa về việc cởi mở trong tâm trí này đó là liên quan đến tuổi tác. Có một sự thật là những người ít tuổi có thể có nhiều kiến thức hơn những người nhiều tuổi cũng và điều đó là một chuyện bình thường. Ít nhất với mình đó là chuyện rất bình thường, mình đã va chạm nhiều đối tác lớn tuổi hơn và đôi khi họ chưa chấp nhận được sự thật đó. Mình không biết anh em nghĩ sao về quan điểm này.

Có thể người nhiều tuổi sẽ có kinh nghiệm mà những bạn trẻ chưa có vì người nhiều tuổi đã có nhiều thời gian để học hỏi, tiếp thu, có nhiều thời gian để va vấp, để trải qua những đau thương; các bạn trẻ hơn thì chưa thể có nhiều thời gian như vậy, và chưa trải qua những điều như vậy. Nhưng những bạn trẻ lại có sự đương thời, họ có những kiến thức mới mà nếu người lớn tuổi không chịu khó cập nhật thì vẫn sẽ tụt lại so với họ; họ sẽ trải qua những điều mới mẻ mà người lớn tuổi có thể chưa bao giờ trải qua. Thậm chí càng ngày phương pháp tiếp nhận kiến thức của giới trẻ lại càng nhanh và có hiệu quả hơn so với những phương pháp truyền thống ngày xưa của giới già. Vậy rõ ràng, trong một thế giới thay đổi từng ngày, sự cởi mở là rất cần thiết, người lớn tuổi cũng cần cởi mở với những người trẻ và cởi mở với những quan điểm “lạ lùng” hay “điên khùng” của họ.

Một điểm nữa về sự cởi mở mà lại rất liên quan đến sự tự tin và sự tự ti đồng thời giúp mình có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm đó chính là cởi mở trong việc tiếp nhận sự thất bại hay những nghịch cảnh (nhỏ hơn là tiếp nhận sự chỉ trích, chê bai, góp ý, và những ý kiến trái chiều) và học được những bài học từ nó.

Có những lúc mình đã chuẩn bị báo cáo kỹ càng, chỉnh chu, tuy nhiên vẫn bị sếp chê bai thảm hại, nếu mình để lòng tự ái ngự trị và chấp nhận thất bại đó (theo kiểu đó là những gì tốt nhất có thể làm rồi, mắng chửi thêm nữa cũng chỉ được đến vậy thôi), thì mình chắc chắn không học thêm được gì. Nhưng nếu mình cởi mở hơn để tiếp nhận sự chê bai đó, mình sẽ bóc tách nó ra, phần nào trong lời chê bai đó đến từ cảm xúc tiêu cực của sếp (thất vọng vì không có báo cáo đúng tiêu chuẩn…) và phần nào trong lời chê bai đó là đến từ lý trí và có hữu ích với mình (những điểm sếp chê là chỗ mình làm chưa tốt) để mình có thể biết mình sai ở đâu và sửa những điểm đó, với mình như vậy là chuyển bại thành thắng. Tất nhiên đây chỉ là những lúc hiếm hoi mình gặp thôi, sếp mình là người rất kỹ tính và điều đó khiến sếp mình cũng trở thành một người dẫn dắt tốt, đã truyền đạt cho mình nhiều kiến thức và kỹ năng cũng như có phần bao bọc mình khỏi những bước chân lầm lỡ hoặc những lúc mình sai sót gây ra hậu quả. Đó là một ví dụ về sự cởi mở trong việc tiếp nhận những điều tiêu cực của cá nhân mình.

Còn rộng hơn là khi team bọn mình (bao gồm cả sếp + mình + các đồng nghiệp) nộp báo cáo khoa học đến các tạp chí quốc tế, thì bọn mình cũng sẽ nhận rất nhiều nhận xét, chê bai, góp ý, đánh giá căng thẳng hơn nhiều, và đương nhiên, vẫn phải cởi mở và tiếp nhận để cải thiện. Có một lần khá đáng nhớ đó là 1 báo cáo tụi mình nộp cho một tạp chí quốc tế bị 1 editor và 4 reviewer “phán xử”, sau 10 lần trả về để sửa lại cùng với 8 tháng lên đênh thì cuối cùng bọn mình cũng được chấp nhận xuất bản, mà sau đó phải edit thêm 4 lần nữa để soát lỗi vặt như chính tả, câu cú thì mới hoàn thiện (submit lần đầu T5/2020 mà T1/2021 mới xuất bản). Mà thông thường với chất lượng báo cáo của bọn mình thì chỉ 3 lần sửa và tầm 2-3 tháng sau khi nộp là sẽ được xuất bản quốc tế thôi

Cho bạn nào chưa biết thì khi xuất bản báo cáo lên tạp chí khoa học quốc tế (Journal Article) thì sẽ phải trải qua màn Peer-Review, tức là Editor của tạp chí sẽ đọc báo cáo của bạn, sau đó mời 2-3-4 người có chuyên môn cao nhất, sâu nhất về lĩnh vực đó đọc báo cáo của bạn để bình luận, đánh giá, đặt những câu hỏi để bạn trả lời, sửa đổi lại báo cáo sao cho chất lượng và thông tin bạn đưa ra trong báo cáo là chính xác và chuẩn xác theo tiêu chuẩn khoa học. Editor sẽ theo dõi cả quá trình đó và đưa ra “phán quyết” cuối cùng xem báo cáo có được xuất bản hay không. Rồi chưa kể trong 1 báo cáo khoa học thì cũng phải tham khảo và trích dẫn mấy chục báo cáo khoa học khác có độ chính xác và tin cậy cao, dữ liệu đương thời, chứ không phải chỉ đi dẫn nguồn của mấy tờ báo tin tức hay thông tin trên mạng xã hội được. Độ uy tín của tạp chí hầu như tỉ lệ thuận với độ chính xác về thông tin cũng như tỉ lệ thuận với sự khó khăn khi họ Review báo cáo và chấp nhận xuất bản. Đương nhiên trên thế giới hay ở trong nước thì cũng có thượng vàng hạ cám các loại tạp chí, nhưng mình miêu tả ở trên là đề cập đến những tạp chí uy tín và rất uy tín nhé.

Có thể nếu anh em không làm trong ngành nghiên cứu thì sẽ không thể hình dung ra được trọn vẹn nhưng mình cũng chia sẻ thêm để các bạn hiểu phần nào về chuyện cởi mở mà mình muốn đề cập, xuất phát từ cá nhân cho đến tập thể và các bạn có thể mở rộng quy mô hơn nữa nữa để suy ngẫm đến một thành phố hay một quốc gia.

Sự cởi mở để tiếp nhận mình sai, mình thiếu sót là một điều cần thiết. Vì mắc sai lầm rồi sửa chữa cải thiện cũng vẫn là một bản năng của con người. Bạn đâu thể biết đi nếu chưa từng vấp ngã, ngay từ khi còn là trẻ con chúng ta đã phải phạm sai lầm sau đó tìm giải pháp. Sai lầm là một điều tự nhiên, và chúng ta không nên chống lại tự nhiên, chúng ta nên học cách đối mặt với sai lầm và thất bại.

Và đồng thời, sự thông cảm, sự thấu hiểu và bao dung khi một ai đó nhận ra mình sai và thiếu sót cũng là một điều cần thiết không kém. Vì nếu bị chỉ trích quá nặng nề, họ sẽ khó lòng để có thể cởi mở để tiếp nhận sai sót mà thay vài đó họ sẽ đóng cửa tâm trí để bảo vệ bản thân.

Khi đã hiểu được những điều đó, đã có kiến thức, có sự tự tin, có sự cởi mở, có được sự khát khao muốn biết thêm nhiều kiến thức, có sự ngờ vực với những điều mình đã biết thì đồng thời mình cũng sẽ tránh được cạm bẫy của sự tự tôn, sự tự cao, sự tự phụ, sự tự ti, sự kiêu căng vì lúc này mình đã hiểu được là “mình biết rất ít”

Tóm lại, khiêm tốn đối với mình là có nhận thức đúng và đủ về kiến thức và tư duy của bản thân, không bị mắc phải cái bẫy của lòng tự tôn, không thiếu tự tin quá mức và luôn có một tâm trí cởi mở để tiếp nhận những điều mới mẻ

Ngay như những chia sẻ ở trên của mình, cũng chỉ là những chia sẻ cá nhân của mình về cách mình hiểu và cảm nhận từ “khiêm tốn” một cách rất khiêm tốn, với anh em có thể nó đúng, có thể nó sai, có thể nó thừa, có thể nó thiếu, mong anh em chia sẻ thêm quan điểm của các bạn về sự khiêm tốn để mình học được thêm nhiều điều và có thêm nhiều góc nhìn khác nữa

2/3 định nghĩa ở đầu bài có nhắc đến việc khiêm nhường là khiêm tốn và nhường nhịn. Giờ mình nói tiếp đến nhường nhịn. Vậy sự nhường nhịn ở đây nghĩa là gì? Mình sẽ chia sẻ đôi chút suy nghĩ của mình theo phong cách Bổ và Xẻ về sự Nhường, sự Nhịn và khi cả 2 đi với nhau là sự Nhường Nhịn. Còn để đi định nghĩa hay giải thích đầy đủ về nhường nhịn thì mình xin phép khó quá bỏ qua vì mình không làm được, bởi có thể những từ đó mang nhiều ý nghĩa sâu xa hơn mà mình chưa đủ tầm để phân tích.

Mổ Xẻ về sự khiêm nhường

Một điểm may mắn nữa đối với mình đó là mình là con cả trong gia đình, mình có một em gái nữa. Và rõ ràng mình đã phải học việc “nhường” em từ khi còn nhỏ. Quà bánh nhường em phần hơn, đồ chơi nhường em phần em muốn, đó là những gì mình đã làm vì được bố mẹ dạy, để rồi khi lớn hơn một chút, lúc biết nghĩ rồi thì mới thấy bố mẹ luôn nhường cho mình và em những thứ ngon hơn, tốt hơn, mới hơn.

Cái từ nhường nếu chỉ nghe bên ngoài thì nó đơn giản đấy nhưng nếu suy ngẫm sâu hơn trong tâm can thì khi chúng ta nhường cho ai đó một cái gì đó là chúng ta đang chấp nhận phần thiệt thòi hơn một chút về mình và để cho họ phần nhiều hơn, lợi hơn. Vì nếu mọi thứ công bằng, ngang hàng chúng ta sẽ dùng từ “chia” chứ không dùng từ “nhường”
Quay lại với chủ đề, vậy từ nhường ở trong bối cảnh xã hội sẽ là gì? Cái này cũng là một chủ đề rất rộng lớn nên mình chia sẻ một số điểm mà mình coi là nhường nhé:

  • Trong các cuộc thảo luận, nhường cho người khác nói trước, nhường cho họ chia sẻ quan điểm trước, mình sẽ lắng nghe, thấu hiểu quan điểm của họ và rồi sau đó trình bày và chia sẻ quan điểm của mình
  • Người nào quá quan trọng chuyện đúng và sai, mình nhường cho họ đúng hết nếu điều đó không ảnh hưởng gì đến mình hay quyền lợi của mình
  • Trong công việc, có thể mình sẽ làm tốt được cả 2 việc và có thể nhận hết công lao về mình nhưng mình cũng có thể nhường 1 trong 2 việc cho một bạn thực tập hay đồng nghiệp và đồng thời quan tâm đến chất lượng của bạn đó để cả 2 cùng tốt lên (và sau này bạn ý tốt lên mình cũng tin tưởng giao phó hay nhờ vả được nhiều công việc hơn nữa ahihi)
  • Đi ngoài đường, ai muốn đi nhanh, ai muốn đi gấp, ai còi to, mình chủ động nhường đường hết, họ đi như nào là việc của họ không ảnh hưởng đến kế hoạch và thời gian di chuyển từ điểm A đến B của mình
  • Ra sân bay, lên máy bay, nhường mọi người xếp hàng chen nhau lên máy bay trước, bao giờ xong xuôi last call rồi thì mình lên. Máy bay đâu phải xe khách, vào đến cửa máy bay rồi thì hầu như sẽ đủ chỗ cho mọi người, bon chen làm chi cho mệt. Đôi lúc bị thiệt thòi chút vì hết chỗ để hành lý trên đầu, ok chả sao, để ở dưới chân, không để được dưới chân thì sẽ có tiếp viên họ giúp kiếm chỗ để, đơn giản. Tất nhiên mình không đề cập đến chuyện chậm chạm và lề mề khiến mọi người bị ảnh hưởng vì phải chờ đợi nhé.

Có thể còn nhiều cái nhường khác nữa nhưng sơ sơ một vài ví dụ là như vậy. Tiếp đến thử xem tiếp từ “nhịn” là gì nào

Mổ Xẻ về sự khiêm nhường

Cũng giống như từ nhường, từ nhịn sẽ mang tầng tầng lớp lớp ý nghĩa nhưng với khả năng của mình thì mình cũng không thể nào phân tích đầy đủ được. Với mình, từ “nhịn” nó mang nhiều tính chịu đựng nhiều hơn so với từ nhường. Giống như kiểu chúng ta phải rất cố gắng để có thể làm được điều đó. Nó không chỉ đơn thuần như việc chỉ chấp nhận một chút thiệt thòi, ở đây là chấp nhận nhiều thứ hơn, hi sinh nhiều thứ hơn để kìm hãm lại những suy nghĩ hay hành động có rủi ro gây ra hậu quả không tốt đến với bản thân hay với người khác. Một số điểm mình coi là nhịn như:

  • Chấp nhận bỏ qua cái tôi để gìn giữ một mối quan hệ
  • Chấp nhận hạ thấp lòng tự tôn để nói một lời xin lỗi
  • Chấp nhận bỏ qua sự tức giận để gìn giữ sự an toàn cho bản thân và những người xung quanh
  • Chấp nhận những quan điểm khác với mình để hiểu hơn về những góc nhìn khác
  • Chấp nhận mình sai để có những bài học
  • Chấp nhận mình vấp ngã để rồi lại đứng lên
  • Và đôi khi đơn giản phải chấp nhận vì không còn lựa chọn khác

Có thể cũng còn nhiều cái “nhịn” vân vân khác nữa nhưng sơ sơ một vài ví dụ là như vậy.
Để có thể “nhịn” được, mình thấy tâm trí cần phải kiêng cường, cứng rắn và bản lĩnh, hay có thể nói là phải có “cái đầu lạnh”. Và đương nhiên mình chỉ nhịn khi ngăn chặn được rủi ro ảnh hưởng đến mình, còn nếu bị chà đạp, bóc lột hay bắt nạt thì không thể “nhịn” mà phải đấu tranh cho bản thân rồi

Thế Nhường và Nhịn đi với nhau là ra cái gì?

  • Với mình “nhường” là chia sẻ, là tìm cách thoát khỏi những bon chen, ích kỷ, sân si, toan tính của cuộc sống xô bồ, tấp nập. Nhường là cách để đem lại sự bình yên cho tâm trí. Nhường là cách chủ động cho đi những gì tốt đẹp.
  • Còn “nhịn” là tìm cách bảo vệ bản thân và tâm trí bởi những bon chen, ích kỷ, sân si, toan tính của cuộc sống xô bồ, tấp nập. Nhịn là cách để bảo vệ sự bình yên trong tâm trí (và cả thể chất trong một số trường hợp). Nhịn là cách chủ động để bảo vệ những gì tốt đẹp mình đang có.
Mổ Xẻ về sự khiêm nhường

Qua bài viết trên, chắc các bạn cũng có thể hiểu thêm về cách nhìn nhận và những suy nghĩ của mình về sự khiêm nhường
Viết nhiều rồi nên đến cuối bài mình xin tổng kết lại theo phong cách dân ban A như sau:
Khiêm nhường = Khiêm tốn + Nhường nhịn
Trong đó:
Khiêm tốn = Kiến thức + Tư duy + (Tự tin – Tự tôn – Tự ti) + Cởi mở
Nhường nhịn = Nhường + Nhịn
Suy ra:
Khiêm nhường = Kiến thức + Tư Duy + (Tự tin – Tự tôn – Tự ti) + Cởi mở + Nhường + Nhịn

Vậy, một câu kết luận để miêu tả về sự khiêm nhường trong suy nghĩ của mình:
Sự khiêm nhường là sự nhận thức đúng mức về kiến thức và tư duy của bản thân một cách tự tin vừa đủ thông qua những phương pháp tiếp nhận cởi mở với một tâm trí bình yên và cứng rắn.

Đó là những suy nghĩ cá nhân của mình về sự khiêm nhường (và không có ý áp đặt lên bất cứ ai). Mình muốn chia sẻ để anh em có một chủ đề để ngẫm nghĩ, để bổ, để xẻ một cách nhẹ nhàng bên ly trà, ly cafe cuối tuần và để anh em thấy được góc nhìn của mình. Nó có thể đúng, có thể sai, có thể thừa, có thể thiếu, nhưng nó có tồn tại.

Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Ngoài ra, các bạn có thể xem thêm thảo luận về bào viết này trên TinhTe nha

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.