So sánh sao cho có hệ thống và mang tính khoa học

So sánh sao cho có hệ thống và mang tính khoa học

Update mới nhất: 19/06/2024

So sánh là một phần không thể thiếu khỏi xã hội loài người. Như là một bản năng, chúng ta so sánh mọi thứ. Nhưng “mọi so sánh đều khập khiễng”, vậy phải làm thế nào để so sánh có tính khoa học và tối thiểu hoá sự khập khiễng đó.

Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ một chút quan điểm và kinh nghiệm cá nhân, để chúng ta sẽ cùng suy ngẫm và thảo luận về việc so sánh sao cho có hệ thống, có logic và mang một chút khoa học vào nữa nhé, không để bản năng đưa việc so sánh đi xa và đi sai.

So sánh có khoa học

Phần này mình xin chia sẻ kinh nghiệm của mình khi đi làm nghiên cứu khoa học. Khi xưa bọn mình làm nghiên cứu chính sách xã hội, để xem khi chính sách áp dụng vào thực tế có đem lại hiệu quả hay thay đổi gì cho người dân không.

Nhưng khác với ngành kĩ thuật, 1 là 1 và 0 là 0, ngành xã hội lại phức tạp hơn như vậy. Trong thực tế, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến người dân như là kinh tế, xã hội, thiên tai, bệnh dịch… Chưa kể trong cùng 1 thời điểm, sẽ có rất nhiều sự thay đổi khác nhau do nhiều chính sách khác nhau cùng tác động lên cuộc sống của người dân.

Vì vậy, để nghiên cứu được tác động của một chính sách phải bóc tách nó ra khỏi tác động chung của nhiều chính sách khác nhau, các nhà khoa học xã hội sẽ sử dụng một phương pháp nghiên cứu so sánh gọi là Trước – Sau – Can Thiệp – Đối Chứng [Before-After-Control-Intervention (BACI)].

Chúng ta sẽ so sánh Làng A và Làng B trước và sau khi áp dụng chính sách, trong đó chính sách cần nghiên cứu chỉ được áp dụng ở làng A gọi là làng can thiệp, làng B không áp dụng chính sách đó sẽ là làng đối chứng, là cơ sở để thấy những thay đổi trong làng A.

Để làm đối chứng, tất nhiên Làng B cũng sẽ cần có những đặc điểm tương tự với Làng A, có thể kể đến như các đặc điểm về dân chủng học, kinh tế, văn hoá, xã hội, vị trí địa lý…

Từ đó, chúng ta sẽ có dữ liệu trong khoảng thời gian trước khi áp dụng chính sách, 2 làng sẽ khá tương đồng, nhưng sau khi áp dụng chính sách tại Làng A, sau một khoảng thời gian, có thể sẽ tìm ra những điểm khác với Làng B. Điểm khác nhau đó sẽ chính là tác động của chính sách.

Đây là một Guideline trong một nghiên cứu so sánh toàn cầu có sử dụng phương pháp BACI, nếu các bạn muốn tìm hiểu kĩ hơn có thể đọc thêm.

Đưa ra nhận định từ việc so sánh

Một ví dụ nhanh và gần gũi để các bạn hiểu, đó là các bài test máy lọc không khí mà anh @cuhiep tại tinhte.vn đã và đang làm. Mình rất thích những bài test thực tế như vậy, tuy nhiên nếu có thêm nhiều thông tin hơn, chúng ta sẽ có được nhiều dữ liệu hơn để đưa ra nhận định chính xác hơn.

Xem thêm các bài test: [Sharp], [Daikin], [Blue Air], [Dyson], [Ecovacs], [LG].

Khi so sánh khả năng 2 máy lọc không khí bằng cách đốt cùng một số lượng nhang, cùng một loại nhang, cùng một diện tích phòng kín, trả về kết quả máy A lọc hết 2 tiếng, máy B lọc hết 4 tiếng. Chúng ta chỉ có thể đưa ra nhận định rằng máy A lọc nhanh hơn máy B hai lần.

Nhưng giả sử, nếu có một bài test cơ sở, đó là đốt nhang nhưng không dùng máy lọc, và sau một khoảng thời gian, có thể do sự rò rỉ không khí, có thể khói bụi lắng xuống, hoặc bằng cách nào đó, khói bụi đã hết, chúng ta sẽ có cái nhìn chính xác hơn về khả năng lọc không khí của các thiết bị trong các bài test và bóc tách được tác dụng của máy lọc không khí ra khỏi những tác nhân khác. Đồng thời, khi có đường cơ sở, chúng ta cũng sẽ có được nhận định tốt hơn:

  • Giả sử trường hợp 1: sau 4 tiếng không dùng máy lọc, khói bụi đã hết – Nhận định lúc này sẽ là máy A giảm 50% thời gian để không khí sạch trở lại, còn Máy B gần như không có tác dụng gì.
  • Giả sử trường hợp 2: sau 10 tiếng không dùng máy lọc, khói bụi mới hết – Nhận định lúc này lại là Máy A giảm 80% thời gian còn máy B giảm 60% thời gian giúp không khí sạch trở lại.

Đây là một ví dụ để các bạn có thể thấy mẫu đối chứng hay đường cơ sở quan trọng như thế nào trong việc so sánh và sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận kết quả và đưa ra nhận định.

Khoa học mà, nhiều thông tin sẽ giúp đưa ra nhận định tốt hơn và chính xác hơn.

Ví dụ về so sánh sao cho có khoa học

Khi hiểu hơn về cách khoa học sử dụng phương pháp so sánh, chúng ta cũng sẽ tránh được những so sánh thiếu khoa học và rồi đưa ra những nhận định như: “Phanh ABS không thể nào sánh bằng kỹ năng lái xe được”. Mình sẽ mượn ví dụ này để thảo luận về việc so sánh không khoa học.

Từ nhận định trên sẽ dẫn đến những quan điểm khác như “Cần gì ABS là tiêu chuẩn, vì ra đường phải có kỹ năng”, từ đó dẫn đến hành động như “cùng một số tiền bỏ ra nhưng chọn mua xe không có ABS thay vì chọn xe có ABS”.

Điều này sẽ có ảnh hưởng đó là các nhà sản xuất vẫn bán được xe không có ABS với chi phí sản xuất thấp hơn, thị trường vẫn chấp nhận thì dại gì mà lại phải trang bị, kéo theo tăng chi phí và giá thành.

Phân tích nào !!!

Đầu tiên có thể thấy, đối tượng để đem ra so sánh là Phanh ABS với kỹ năng lái xe đã là hai đối tượng khó để có thể so sánh. Nó giống như đang so sánh khả năng bơi của 1 con cá với khả năng leo cây của một con khỉ. Hay so sánh cân nặng của bạn với chiều cao của bà xã. Đó là những so sánh khập khiễng vì không cùng thước đo, không cùng đơn vị.

Nếu các bạn muốn nhìn nhận tác dụng của ABS lên các đối tượng người lái khác nhau có kỹ năng khác nhau, sẽ cần có một thước đo chung, và đối tượng giống nhau để so sánh như sau:

  • Đối tượng so sánh: Người có kỹ năng tốtngười có kỹ năng chưa tốt (giả sử 100 người mỗi nhóm)
  • Sự can thiệp: Không có ABScó ABS

Điểm tương đồng trong so sánh này sẽ là: cho mọi người cùng test với một dòng xe (bản có ABS và không ABS), cùng test trên cùng mặt đường, cùng test trong cùng 1 điều kiện thời tiết, cùng test một tình huống giả định – ví dụ cùng đi đến 60km/h và cùng có yếu tố bất ngờ xuất hiện mà phải bóp phanh gấp, tất nhiên yếu tố bất ngờ cũng sẽ xuất hiện ngẫu nhiên để người tham gia không đoán trước được gây mất tính bất ngờ.

Độ tuổi và giới tính trong cả 2 nhóm kỹ năng tốt và kỹ năng chưa tốt cũng sẽ cần tương đồng nhau, ví dụ trong 100 người sẽ có 33% trẻ tuổi, 34% trung niên, 33% lớn tuổi. Trong mỗi nhóm tuổi, cũng sẽ có 50% giới tính nam, 50% giới tính nữ.

Tất nhiên, cũng sẽ phải có một tiêu chuẩn để xác định thế nào là kỹ năng tốt và thế nào là kỹ năng chưa tốt để phân loại.

Tiến hành thử nghiệm để thu thập số liệu. Đầu tiên sẽ cho cả 2 nhóm đối tượng người có kĩ năng tốt và người có kỹ năng chưa tốt đi xe không có ABS rồi phóng nhanh phanh gấp, chúng ta sẽ có số người ngã của mỗi đối tượng.

Từ đó ta sẽ có mẫu đối chứng trước khi can thiệp. Giả sử, nhóm kĩ năng tốt chỉ 20 người ngã, nhóm kỹ năng kém có 50 người ngã.

Kế tiếp, vẫn 2 nhóm đó, chúng ta cho họ đi xe có ABS và cũng phóng nhanh phanh gấp. Giờ chúng ta sẽ có mẫu sau khi can thiệp.

Vẫn giả sử đó, nhóm kĩ năng tốt chỉ có 5 người ngã, nhóm kỹ năng kém có 10 người ngã.

  • Chúng ta sẽ có kết quả so sánh xe có ABSkhông ABS: Với nhóm kỹ năng tốt, ABS giúp giảm 75% số vụ ngã (20→5), với nhóm kỹ năng kém, ABS giúp giảm 80% số vụ ngã (50→10).
  • Từ đó chúng ta có thể đưa ra kết luận là: ABS sẽ đều giảm rủi ro bị ngã ở cả đối tượng có kỹ năng lái xe tốt hay kỹ năng lái xe chưa tốt.

Và chỉ khi thực hiện bài test như vậy, chúng ta mới có thể có đường cơ sở chung là “số người bị ngã trong cùng điều kiện và hoàn cảnh” để so sánh được Phanh ABS với kỹ năng lái xe.

  • Ví dụ, khi đi xe có ABS, kỹ năng tốt có thể giảm 50% số người ngã (10→5), còn khi đi xe không có ABS, kỹ năng tốt chỉ giảm được 60% số người ngã (50→20).
  • Kế tiếp so sánh “số người bị ngã”, khi mà có ABS có thể giảm 75-80% số người ngã xe ở cả 2 nhóm người lái kỹ năng tốt và kém, còn kỹ năng lái xe tốt chỉ có thể giảm 50-60% số người ngã xe ở 2 nhóm đi xe không ABS và có ABS.
  • Từ đó mới có thể đưa ra kết luận là: Phanh ABS có tác dụng nhiều hơn kỹ năng lái xe .

Và với những kết luận như vậy, hành động tương ứng sẽ là “Cùng một số tiền bỏ ra, chúng ta sẽ cân nhắc ưu tiên chọn xe có ABS”. Và từ hành động tương ứng như vậy của mỗi cá nhân, có thể dẫn đến sự thay đổi của thị trường, của xã hội.

Ví dụ như khách hàng luôn ưu tiên chọn xe có ABS, xe không có ABS sẽ ế ẩm, khiến các nhà sản xuất phải trang bị ABS thì mới bán được hàng. Hay là các nhà hoạch định chính sách sẽ thấy rằng việc bắt buộc trang bị ABS trên xe máy bán ra là điều cần thiết để nâng cao an toàn và có những chính sách để bắt buộc nhà sản xuất trang bị ABS trước khi bán ra.

Còn nếu chưa có những bài test cụ thể và rõ ràng, nhận định Phanh ABS không thể nào sánh bằng kỹ năng lái xe đượckhông có căn cứ và sẽ có những ảnh hưởng đến hành động theo sau.

Tất nhiên, mọi thông tin và kết quả ở trên, mình đều đang giả định để lấy ví dụ cho việc để đưa ra một nhận định, chúng ta cần có căn cứ, và những căn cứ đó cũng cần có hệ thống và khoa học để đảm bảo mức độ chính xác nhất định.

Update 17/06/2024: Mình cũng có tìm một số nghiên cứu nhằm chứng minh tác động của ABS, và cũng nhân đây muốn chia sẻ thêm với các bạn ở bài viết: Khoa học chứng minh ABS trên xe máy hữu dụng. Bật mí: trong bài viết đó cũng có chia sẻ một nghiên cứu về tác động của ABS cho 2 nhóm có kỹ năng và không có kỹ năng.

Một ví dụ nữa về việc so sánh có thể không đúng mà khá hay gặp trong thực tế: Chúng ta quan sát thấy sản phẩm A có nhiều trường hợp gặp lỗi hơn sản phẩm B.

  • A: 100 sản phẩm lỗi
  • B: 50 sản phẩm lỗi
  • Chỉ quan sát vậy sẽ đưa nhận định A nhiều lỗi hơn B.

Tuy nhiên, những gì ta thấy có thể không phản ánh đúng sự thật. Vì có thể lượt bán của A nhiều hơn của B và cũng khiến chúng ta dễ quan sát được lỗi của A hơn B, do mẫu quan sát của A lớn hơn B.

Thực tế là:

  • A: 100 lỗi / 10,000 lượt bán = 1% lỗi
  • B: 50 lỗi / 2500 lượt bán = 2.5% lỗi

Nếu tính tỉ lệ lỗi trên lượt bán, thực tế nhận định là lúc này A lại ít lỗi hơn B

Điểm khó là trong thực tế nhiều khi chúng ta không biết được lượt bán (tổng số mẫu), dẫn đến so sánh về lượng lỗi của các sản phẩm sẽ không phản ánh đúng thực tế và mang nhiều cảm tính.

Tổng kết

Thông qua bài viết, mình chỉ muốn chia sẻ góc nhìn và kinh nghiệm mà mình đã trải qua, giúp mình cải thiện cách bản thân so sánh và nhìn nhận mọi thứ trong cuộc sống. Hi vọng bài viết này cũng sẽ đem lại giá trị đến với các bạn.

Bản thân mình cũng mới theo con đường khoa học được hơn 5 năm, đó vẫn là một quãng thời gian ngắn nên cũng chỉ có những hiểu biết giới hạn. Vì vậy, nếu có những góc nhìn khác, những phân tích mạch lạc hơn, có những hiểu biết sâu rộng hơn, hãy cùng chia sẻ ở dưới phần bình luận nhé. Bài viết xin được kết thúc tại đây.

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.