Mức độ tin cậy của dẫn chứng

Mức độ tin cậy của dẫn chứng

Update mới nhất: 30/06/2024

“Nói có sách, mách có chứng” đây là một câu thành ngữ khẳng định vai trò của sách vở và chứng cứ là vô cùng quan trọng khi cần phải minh chứng một điều gì nhằm thuyết phục người khác. Tuy nhiên, có dẫn chứng thôi chưa đủ, độ chính xác của dẫn chứng mới là điều quan trọng, đặc biệt là trong một thế giới đang đầy những nhiễu loạn thông tin như hiện nay. 

Bài viết này mình muốn chia sẻ về cách mình chọn lọc và đánh giá mức độ uy tín của dẫn chứng. Bạn nào đã từng học về kỹ năng viết học thuật (academic writing) hay làm về mảng nghiên cứu chắc chắn sẽ không xa lạ gì với những gì mình chia sẻ trong bài này. Hi vọng những chia sẻ này cũng sẽ hữu ích đối với các bạn khác không trong các chuyên ngành trên , vì mình cũng đang áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.

Thứ hạng mức độ tin cậy của nguồn thông tin, dẫn chứng

Đối với lĩnh vực học thuật, sẽ có các thứ hạng cơ bản sau [University at Albany],[UCSanDiego]:

  • Độ tin cậy cao: Bài báo tạp chí được bình duyệt (Peer-reviewed journal articles)
  • Độ tin cậy trung bình (tức là có thể có cao có thể có thấp): Sách, bách khoa toàn thư, thông tin chính thức của chính phủ và các tác phẩm học thuật khác (books, encyclopedias, and other scholarly works)
  • Độ tin cậy thấp: tạp chí, blogs, và các trang web, báo, AI (magazines, blogs, websites, newspaper, AI)

Mình phải để cả tiếng anh, để phân biệt một số thuật ngữ sau vì trong tiếng Việt sẽ dùng chung và nếu bạn nào không biết có thể nhầm lẫn:

Tạp chí: Tạp chí thông thường vui vẻ là Magazine. Còn Tạp chí học thuật là Journal. [Askus]

dan-chung

Magazines thường để giải trí, được viết bởi nhà báo hoặc các tay viết chuyên nghiệp, thường chỉ được edit và duyệt bởi nhà xuất bản và hướng đến người đọc phổ thông.

Journal thường mang tính chuyên môn và học thuật, sẽ chứa các thông tin về nghiên cứu hay báo cáo khoa học, được viết bởi những người có chuyên môn trong lĩnh vực, được edit và peer-review bởi các chuyên gia khác trong lĩnh vực, và hướng đến người đọc chuyên nghiệp.

Sách: Sách cũng chia ra làm 2 mảng chính là Sách học thuật và Sách phi học thuật [Culinary]

Sách học thuật sẽ có các nội dung nghiên cứu và thảo luận học thuật giữa các chuyên gia trong ngành, mục đích là dùng cho nghiên cứu và học tập, thường được xuất bản bởi các nhà xuất bản học thuật. Nói một cách dễ hiểu hơn theo kinh nghiệm của mình, sách học thuật sẽ gần giống như Tạp chí học thuật, nhưng ở mức độ nhẹ nhàng hơn, được viết bởi chuyên gia có kinh nghiệm, peer-review và xuất bản bởi bởi tổ chức uy tín trong ngành. Tất nhiên, vẫn có những cuốn sách học thuật mà mỗi Chapter lại chính là một bài Journal ở trên.

Sách phi học thuật là những cuốn sách thông thường, tác giả không cần phải là học giả. Được viết để mang tính giải trí hoặc cung cấp thông tin sơ bộ đến độc giả rộng rãi hơn là để phục vụ nghiên cứu. Sách phi học thuật thường được xuất bản bởi các nhà xuất bản thương mại.

Tiếp theo đây mình sẽ giải thích hơn về mức độ uy tín của các nguồn thông tin trên.

Journal Article – Tạp chí học thuật

Journal Article là các báo cáo khoa học, học thuật chuyên ngành, được viết bởi các nhà nghiên cứu, nhà khoa học hoặc các chuyên gia trong lĩnh vực. Trước khi được công bố và xuất bản, tạp chí học thuật còn phải phải qua một quá trình peer-review (bình duyệt) bởi các chuyên gia khác trong cùng lĩnh vực để đảm bảo tính chính xác của bài tạp chí.

Nguồn ảnh: Willy A Renandya

Tuỳ vào mức độ uy tín và sự khắt khe, các tạp chí sẽ yêu cầu bài viết phải được peer-review bởi 1 người, 2 người hay 3 người (gọi là Reviewer), và qua một biên tập viên (Editor) để giám sát quá trình peer-review đó và thường là người ra quyết định cuối cùng là bài tạp chí có được xuất bản không.

Quá trình này có thể diễn ra vài tháng, hoặc thậm chí vài năm, tuỳ vào độ khắt khe. Các Reviewer sẽ đọc báo cáo và đánh giá, phản biện mọi thứ trong đó để đảm bảo bài báo có tính chính xác cao nhất về mặt học thuật và khoa học.

Ngoài ra, để đảm bảo tính trung lập, quá trình peer-review này thậm chí cũng phân ra một vài loại hình khác nhau như [Wiley]:

  • Single anonymized (ẩn danh 1 bên): Danh tính của Reviewer không được hiển thị cho tác giả (Author), danh tính tác giả được hiển thị cho reviewer, danh tính reviewer và danh tính tác giả được hiển thị cho editor.
  • Double anonymized (ẩn danh 2 bên): Danh tính của Reviewer và Author không hiển thị cho nhau. Chỉ có Editor biết danh tính của Reviewer và Author
  • Triple anonymized (ẩn danh 3 bên): Reviewer, Editor, Author đều không biết danh tính của nhau.
  • Open Peer review (không ẩn danh): Reviewer, Editor, Author đều biết danh tính của nhau.
  • Và một số loại hình khác nữa…

Độ uy tín của bài Journal Article còn được phản ánh bởi độ uy tín của chính nhà xuất bản, của Editor, của Reviewer và của Author. Ngoài ra, độ uy tín của bài tạp chí còn được phản ánh bởi một thông số nữa đó là tầm ảnh hưởng của bài báo đó với cộng đồng học thuật ra sao, thông qua việc bài báo được trích dẫn nhiều hay ít, thường được đo đạc bởi Impact Factor, CiteScore hoặc nhiều hệ thống khác. Rồi ngược lại, độ uy tín của Author hay nhà xuất bản lại được phản ánh bởi có nhiều hay ít các bài báo có sức ảnh hưởng cao hay thấp.

Ngoài ra, nhiều tạp chí cũng yêu cầu các tác giả minh bạch trong các nguồn tài trợ cho nghiên cứu (vì các bạn biết rồi đấy, nhiều nghiên cứu được tài trợ bởi các doanh nghiệp chẳng hạn, có thể sẽ không thật sự trung lập).

Tóm lại, trong giới học thuật Journal Article là nguồn tham khảo có thể coi là uy tín nhất, nhưng rồi trong đó sẽ lại tiếp tục phân cấp uy tín thêm nhiều lần nữa từ mức độ uy tín của tạp chí cho đến tác giả… Và người đọc cũng phải cân nhắc các yếu tố khác để đảm bảo thông tin vừa chính xác mà lại trung lập.

Các loại sách học thuật mà bản chất là gom các bài Journal Article này lại thành 1 quyển cũng sẽ có mức độ uy tín cao tương đương như vậy.

Sách và báo cáo khoa học

Dưới tạp chí học thuật, sẽ có một số loại báo cáo hoặc xuất bản của các tổ chức nghiên cứu khoa học, thường được gọi với nhiều tên gọi như là: Occasional Paper, Working Paper, Techical Report…

Khác với Journal Article, các báo cáo khoa học này có thể sẽ chỉ được peer-review nội bộ bởi chính các thành viên của các tổ chức, thường là bớt khắt khe hơn so với peer-review của Journal và họ sẽ tự xuất bản các báo cáo đó. Về độ chính xác thường vẫn rất cao bởi uy tín của các tổ chức sẽ đảm bảo cho việc đó, tuy nhiên tính trung lập của các báo cáo có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi ý chí hoặc quan điểm của tổ chức.

Ngoài ra, các đơn vị này cũng có thể xuất bản những cuốn sách học thuật để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, hoặc kết quả nghiên cứu của họ. Một cuốn sách mà mỗi chương được viết bởi vài nhà nghiên cứu, rồi được review kĩ lưỡng bởi một vài editor, về bản chất trong trường hợp này, cuốn sách đó cũng đã trải qua quá trình peer-review. Mức độ tin cậy cũng cao hơn là cuốn sách của 1 tác giả, tự viết, tự công bố.

Sách giáo khoa hoặc sách chuyên ngành trong các giảng đường đại học từ các nhà xuất bản uy tín cũng được coi là một nguồn tham khảo tốt vì nó chứa các kiến thức nền tảng và thường cũng được dựa trên kết quả của nghiên cứu khoa học.

Sách cũng là một dạng tài liệu mà có nhiều mức độ uy tín và chất lượng khác nhau. Như ví dụ các loại sách ở trên thì khá uy tín, nhưng với những cuốn sách mà không qua review hoặc việc review chỉ dừng lại ở mức soát lỗi chính tả hay format, thì có thể cuốn sách đó sẽ chỉ chứa đựng kiến thức và ý chí chủ quan của chính tác giả mà thôi.

Đoạn này mình còn chưa kể đến sách phi học thuật, vì nếu xếp hạng mức độ uy tín và chính xác thông tin, có lẽ nó sẽ còn xa xa ở cuối bài cơ.

Thông tin chính thức

Tài liệu và thông tin chính thức của các tổ chức và cơ quan chính phủ, liên chính phủ, phi chính phủ vẫn được xem là nguồn dữ liệu chính xác và đáng tin cậy, vì vậy có thể sử dụng trong các báo cáo khoa học.

Tài liệu và thông tin của cơ quan này thường phải được kiểm tra và phê duyệt kỹ lưỡng trước khi công bố. Các cơ quan chính phủ cũng có quyền truy cập và các nguồn dữ liệu lớn và đa dạng. Và các tài liệu của chính phủ thường được viết hoặc giám sát bởi các nhà khoa học, học giả và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tương ứng.

Các loại tài liệu học thuật khác

Các loại tài liệu học thuật khác cũng có thể cân nhắc là những nguồn thông tin khá uy tín có thể kể đến như:

  • Luận án, luận văn tiến sỹ, thạc sỹ
  • Các đề tài nghiên cứu của trường đại học
  • Báo cáo, bài thuyết trình, trong các hội thảo khoa học

Với những nguồn thông tin này, cũng cần có nhiều sự chọn lọc và kiểm chứng. Mức độ uy tín của thông tin cũng cần được đánh giá. Ví dụ như một luận án thạc sĩ hoặc tiến sĩ từ một trường đại học uy tín về bản chất cũng là một bài báo khoa học được peer-review bởi hội đồng chuyên môn của nhà trường.

Vì vậy, cũng có những luận án hay và chính xác tương đương một báo cáo khoa học (và thực tế là có nhiều luận án sau khi hoàn thành nghĩa vụ tại trường đại học có thể tiếp tục nộp lên cho các tạp chí khoa học).

Và cũng có không ít các trường đại học, chỉ ham danh hám lợi, bệnh thành tích, quá trình peer-review sơ sài, chất lượng đề tài nghiên cứu và luận án kém, sẽ phản án và được phản ánh bởi mức độ uy tín của trường đại học đó.

Bách khoa toàn thư – Encyclopedias

Encyclopedias là bách khoa toàn thư, là sản phẩm có chứa thông tin tham khảo nhằm cung cấp các tóm tắt về kiến thức, có thể là kiến thức đại chúng hoặc chuyên ngành [Britannica]. Tuy nhiên, vì là tài liệu dùng để chứa thông tin tham khảo, nên thông tin trong các bách khoa toàn thư cũng cần được kiểm chứng bằng cách tìm đến nguồn tài liệu gốc.

Wikipedia, mặc dù là một bách khoa toàn thư nhưng lại là bách khoa toàn thư MỞ, tức là ai cũng có thể thay đổi thông tin trên đó, và vì vậy Wikipedia sẽ không phải là một nguồn đáng tin cậy [Wikipedia]. Tuy nhiên, sẽ là nơi khá tốt để bắt đầu đi tìm tài liệu đáng tin cậy hơn, vì thường sẽ có dẫn nguồn đến thông tin gốc. Và đồng thời, khi dẫn nguồn, cũng cần dẫn nguồn từ thông tin gốc chứ không dẫn nguồn kiểu “Nguồn: Wikipedia”.

Tạp chí, blogs, website, tin tức, báo chí, nghe nói

Tạp chí ở đây là Magazine, các blogs, bài viết chia sẻ trên mạng (như bài này), các website, những kênh tinh tức, báo chí, thường không được coi là nguồn thông tin có tính chính xác cao về mặt khoa học và thường sẽ không được dùng trong các bài viết học thuật hay báo cáo khoa học. Đọc để tham khảo trong cuộc sống hàng ngày thì được nhưng để lấy đó làm dẫn chứng trong khoa học thì sẽ phải tuỳ tình huống.

Ví dụ, trong báo cáo khoa học, mình nhắc đến một sự kiện vào ngày A, ngày B, mình có thể dẫn nguồn đến một vài bài báo từ toà soạn uy tín có đề cập đến sự kiện đó để dẫn chứng cho ngày, tháng diễn ra sự kiện. Còn nếu muốn dẫn chứng cho mức độ chính xác của một thông tin, mình không thể dẫn từ báo mạng được mà sẽ phải tìm thông tin chính xác hơn như Journal Article.

Tất nhiên với các báo, báo điện tử, magazine, mức độ uy tín của toà soạn cao sẽ khiến thông tin có độ chính xác cao hơn. Nhưng báo là để truyền tải những tin tức thường nhật quanh cuộc sống và thường được ghi nhận bởi các nhà báo, phóng viên, vì vậy, tính chính xác chỉ ở mức độ cuộc sống thường nhật. Và đôi khi với những báo không uy tín, thông tin thậm chí có thể sai lệch.

Tương tự với những kiến thức “truyền miệng”, “nghe nói”, “người ta bảo” hay “từ các cụ”. Có những thứ được đúc kết qua nhiều thế hệ và truyền lại đúng đắn, nhưng cũng có những thứ tam sao thất bản và gây sai lệch. Vì vậy, với một “kinh nghiệm” nào đó được truyền lại, hãy thử đi tìm bằng chứng đáng tin cậy cho nó.

AI – Trí tuệ nhân tạo

Tất nhiên không thể nào không đề cập đến AI rồi. Một công cụ đang rất hot hiện nay. Thực ra trong giới học thuật, mọi người đang lo lắng về chuyện người dùng sử dụng AI để viết lách, nhiều hơn là lo về việc dẫn nguồn từ kết quả mà AI trả về, vì giới học thuật chắc sẽ không ai lấy AI để làm dẫn chứng cả.

Nhưng bài này đang phân tích về việc dẫn chứng, dẫn nguồn, vì thế mình sẽ phân tích khía cạnh đó là sử dụng AI để truy vấn thông tin rồi screenshot lấy thông tin đó để làm dẫn chứng. Vậy thì có một vài lưu ý sau khi sử dụng AI như là nguồn thông tin [UniSQ]:

  • AI không biết tất cả mọi thứ
  • AI nghe có vẻ đúng nhưng chưa chắc đã đúng
  • AI (có thể) không truy vấn thông tin trực tiếp từ Internet ngay lúc đó để đưa thông tin đã được cập nhật mà chỉ dựa trên những gì đã được đào tạo.
  • Update: hiện tại một số AI đã có thể truy vấn thông tin trực tiếp từ Internet, tuy nhiên, một vài AI sau khi truy vấn chỉ cung cấp thông tin chứ không để lại nguồn.
  • AI chỉ tốt được như nguồn dữ liệu mà nó được đào tạo (chứ không thể tốt hơn). Trong đó, có thể có những nguồn không chính xác, không hoàn chỉnh hoặc thiên kiến (bias) dẫn đến chất lượng thông tin của AI không tốt, thậm chí sai lệch và thiếu chính xác.
  • Trong tương lai, nếu sử dụng AI tạo ra nội dung không chính xác, rồi lại training AI từ nội dung đó. Rác sẽ lại tạo ra rác.

Các công cụ AI không thể đọc và tổng hợp thông tin như con người. Thay vào đó, họ sử dụng quá trình đào tạo và thuật toán của mình để dự đoán đâu là câu trả lời thuyết phục cho một câu hỏi, bất kể nó có chính xác hay không và có thể tạo ra sự thật giả được gọi là ảo giác AI. [UniSQ]

Chưa kể nhiều công cụ AI đưa ra thông tin, nhưng không dẫn nguồn, mình thấy còn chán hơn cả đi tìm thông tin trên Wikipedia, vì thông tin của AI đưa ra rồi mình lại còn mất công đi tìm để kiểm chứng nó nữa.

Tóm lại, dùng AI cho truy vấn cho nhanh những vấn đề đơn giản thì được, nhưng nếu để xem phải trái đúng sai hay muốn hiểu sâu, nghiên cứu sâu về một vấn đề gì đó, chúng ta vẫn phải đi kiểm chứng lại nhiều lần với những nguồn thông tin chính xác hơn.

Một số kỹ năng để chọn lọc thông tin

Phần này mình chia sẻ một số kinh nghiệm và kỹ năng chọn lọc thông tin mà mình học hỏi được trong quá trình làm khoa học, mình có thể áp dụng vào cuộc sống.

Đầu tiên đó là phải truy xuất nguồn gốc thông tin. Với mọi thông tin chúng ta tiếp nhận, hãy truy lùng đến tận gốc của thông tin đó, để xem nó nằm ở đâu trong các mức độ uy tín phía trên bài viết, và từ đó các bạn sẽ nhận định được mức độ chính xác của thông tin đó.

Ví dụ khi đọc báo, thấy có câu: “Các nhà khoa học đã chứng minh…” hay “Theo như báo cáo khoa học…” thì việc đầu tiên sau khi đọc xong đó là xem bài báo đó có dẫn chứng đến cái báo cáo khoa học đã đề cập không. Nếu không, bỏ báo đi đừng đọc nữa, vì đó chỉ là chém gió suông. Nếu có, tiếp tục xem cái báo cáo khoa học đó là dạng nào.

Nếu không phải peer-review, thì phải xem ai làm báo cáo, ai xuất bản, người đó, tổ chức đó có uy tín trong lĩnh vực đó không, có yếu tố nào gây thiên kiến (bias) cho kết quả và thông tin không. Nếu có peer-review, sẽ cần thêm thông tin là peer-review dạng nào, có đảm bảo trung lập không. Ngoài ra, cũng cần xem báo cáo đó có xung đột lợi ích không, tức là có được tài trợ bởi các bên có liên quan đến lợi ích từ báo cáo đó.

Ví dụ báo cáo nghiên cứu về tác động của ABS, nhưng lại được tài trợ bởi công ty bán xe máy hay công ty kinh doanh hòm thì đây sẽ là một báo cáo rất đáng lưu ý về tính trung lập. Còn nếu nghiên cứu được thực hiện và tài trợ bởi uỷ ban an toàn giao thông quốc gia hay một đơn vị nghiên cứu độc lập, mức độ trung lập sẽ cao hơn.

Ngoài ra, với 1 thông tin, chúng ta có thể tìm kiếm vài nguồn để kiểm tra chéo lẫn nhau, xem thông tin đó có chính xác hay không, tất nhiên là nên kiếm ở nhiều mức độ tài liệu khác nhau, chứ chuyện 5-7 bài báo cùng viết về 1 thông tin mà giống nhau đến từng dấu chấm dấu phẩy chắc chắn không quá xa lạ với các bạn.

Và tương tự, khi thảo luận về một vấn đề, muốn phản biện một ai đó về một ý kiến nào đó, bạn cũng nên đưa ra dẫn chứng có mức độ uy tín và chính xác tương đương với những gì mà họ đưa ra. Bạn không thể phản biện “4-5 báo cáo khoa học quốc tế được bình duyệt, thu thập số liệu nhiều năm với lượng dữ liệu rất lớn” bằng 1 bài báo tin tức phỏng vấn từ 1 cá nhân hay vài ba bức ảnh thông tin truy vấn từ AI.

Bài viết này có thể sẽ chưa đủ hết mọi thông tin, nhưng là những gì mình biết và muốn chia sẻ với các bạn, hi vọng sẽ hữu ích với các bạn. Nếu các bạn có những kinh nghiệm và trải nghiệm khác, hãy cùng chia sẻ. Ngoài ra, mình cũng có một bài viết chia sẻ về việc so sánh có khoa học, các bạn có thể xem thêm.

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.