Review nồi cao tần Sharp KS-IH122V-BK
Update mới nhất: 30/07/2024
Thông thường nồi cơm điện cao tần nổi tiếng đến từ các thương hiệu Nhật Bản như Tiger hay Zojirushi thường có giá bán khá cao tại Việt Nam, vì vậy vẫn có hơi khó tiếp cận với đại đa số người dùng. Mình cũng đã từng sử dụng Tiger và Zojirushi rồi, vì vậy lần này cần mua nồi cơm mới, mình thử chọn thương hiệu Sharp với mức giá phải chăng hơn.
Mẫu mình mua để sử dụng và review trong bài viết này là Sharp KS-IH122V-BK, mình đã dùng được hơn 1 năm. Đây là một mẫu nồi cỡ nhỏ, với dung tích nấu 1.2L, phù hợp với gia đình 2-3 người. Các bạn có thể xem thêm thông tin sản phẩm trên trang chủ của Sharp.
Nội dung chính
Thông số Sharp KS-IH122V-BK
Một số thông số chính của chiếc nồi Sharp KS-IH122V-BK (màu đen) và KS-IH122V-WH (màu trắng)
- Dung tích 1.2L
- Công suất 1100W, giữ ấm 30W
- Thời gian giữ ấm 24 giờ
- Hẹn giờ nấu
- Lòng nồi 5 lớp
Ngoại hình
Chiếc nồi Sharp KS-IH122V-BK có ngoại hình khá đơn giản và mang phong cách hiện đại. Mặt trên là một lớp nhựa bóng loáng cùng với các nút bấm chức năng cùng với màn hình hiển thị. Tuy nhiên phần màn hình khi chưa lên điện sẽ ẩn bên dưới.
Lỗ thoát hơi cũng được thiết kế khá lạ, nhìn thì không đẹp lắm nhưng lúc hơi nước bay lên trông cũng khá ảo.
Phần vỏ bên ngoài được thiết kế từ nhựa nhám.
Phía sau có lỗ cắm dây điện, dây điện đi kèm dài tầm 1m, không có khả năng thu gọn vào bên trong nồi. Hàng chính hãng cho thị trường VN nên sử dụng điện 220V, không cần đổi nguồn.
Phía sau chỉ là phần bản lề giúp tự động mở nắp khi nhấn nút, không có phần hứng nước đọng. Đối với các nồi IH mình từng dùng đều như vậy, sẽ có thiết kế ở phía trong để hứng nước.
Nồi Sharp KS-IH122V có nút bấm ở phía trước để mở nắp. Khi mở nắp lên chúng ta sẽ thấy ở khu vực gần với bản lề được làm lõm xuống để hứng nước đọng, thường sẽ phải lau sau mỗi lần sử dụng. Mình thích kiểu này hơn là có riêng 1 hộp hứng nước vì thấy kiểu này dễ vệ sinh hơn.
Lòng nồi có phần tay cầm bằng nhựa, phần này sẽ nguội nhanh hơn phần phần kim loại giúp chúng ta dễ nhấc lòng nồi ra ngoài hơn, nhưng lúc vừa nấu xong thì vẫn nóng, vẫn phải chờ một lúc mới cầm được. Bên trong lòng nồi có các vạch để căn mức nước và đều bằng tiếng Việt, rất dễ sử dụng.
Lòng nồi có 5 lớp, phủ chống dính của Daikin và dày 3mm, dày hơn nhiều so với lòng nồi Tiger hay Zojirushi mình từng sử dụng (1mm), nhờ vậy mà có khả năng giữ ấm tốt hơn. Tuy nhiên, lòng nồi dày nên cũng hơi nặng.
Lòng nồi cùng có hình dạng hơi giống cái niêu khi mà phần phía trên được bo cong vào bên trong, thiết kế này làm mình thấy việc xới cơm, múc cơm có vẻ dễ dàng hơn. Ngoài ra, kết cấu lòng nồi như vậy tạo ra sự đối lưu lớn hơn, giúp nhiệt lượng truyền đến từng hạt gạo đều hơn, giúp cơm chín thơm ngon hơn.
Lớp chống dính bên trong sau 1 năm sử dụng vẫn rất ổn, chưa có dấu hiệu xuống cấp. Còn bên ngoài ở đáy nồi đã bát đầu bung vì đó là vị trí khi đặt lòng nồi xuống sẽ tiếp xúc với mặt bàn bếp.
Khác với các loại nồi khác, đi kèm với Sharp KS-IH122V-BK sẽ có thêm một vỉ hấp bằng inox (4 chân được bọc Silicon nên không lo xước nồi). Mình khá thích vỉ hấp kiểu này vì phần không gian để đồ cũng được nhiều.
Từ lúc dùng nồi Sharp này mình rất hay dùng tính năng hấp để làm nóng đồ ăn sáng. Trước đây các nồi cũ thường vỉ hấp bằng nhựa và vì bảng điều khiển tiếng Nhật nên không rành chức năng hấp sẽ ở đâu, chỉ dùng để nấu cơm.
Phía trên thành nồi là một lớp inox, có 3 núm nhựa để đỡ phần lòng nồi.
Phía bên trong nồi cũng được hoàn thiện khá chi tiết.
Phần nắp phía trên cũng có thể dễ dàng tháo ra để vệ sinh, đây là một điểm mình thích ở chiếc nồi này. Nồi Tiger cũ của mình không tháo được phần này nên vệ sinh khó hơn.
Ngoài ra phần nắp nồi còn có cảm biến chống tràn.
Phía mặt dưới là khe thoát nhiệt, quạt tản nhiệt và có 2 phần lõm vào giúp chúng ta bê nồi vì chiếc nồi này không có quai xách.
Nhìn sâu hơn vào khe thoát nhiệt có thể thấy được hệ thống dây đồng của mâm từ ở bên trong.
Tổng thể màu đen nên khá hợp với không gian bếp, khi xung quanh các món đồ khác cũng màu đen như vậy.
Chức năng
Toàn bộ giao diện hiển thị và nút bấm của Sharp KS-IH122V-BK đều là tiếng Việt. Đây là một điểm mà mình thích vì phù hợp với thị trường Việt Nam hơn là tiếng Anh hoặc tiếng Nhật. Các chức năng các bạn có thể thấy như hình bên dưới.
Đồng hồ ở chính giữa sẽ hiển thị thời gian nấu của từng chế độ. Tuy nhiên, với chế độ nấu cơm sẽ chỉ đếm ngược thời gian nấu khi còn khoảng 15 phút cuối, và đôi khi nhanh hơn thời gian ước tính lúc đầu. Ví dụ, nấu cơm bình thường là 51 phút, mình bấm giờ chỉ tốn tầm 45 phút mà thôi. Ngoài ra, khi cơm chín và chuyển qua chế độ giữ ấm, đồng hồ này cũng sẽ hiện thời gian đã giữ ấm được bao lâu.
Với một số chế độ khác như hấp hay nấu chậm, thời gian nấu sẽ tính từ lúc nước bên trong bắt đầu sôi và cũng sẽ hiển thị đầy đủ.
Mặc dù nhiều chế độ là vậy nhưng khi nấu cơm bình thường, mình cũng chỉ cắm điện và bấm duy nhất nút bắt đầu là được, như các loại nồi cao tần khác.
Vì giao diện sử dụng đều là tiếng Việt, mình có thể sử dụng đầy đủ công năng của nồi hơi so với nồi mà sử dụng tiếng Nhật. Mình có thể hấp đồ ăn sáng, đến trưa lại nấu cơm, nấu cháo. Rồi có thể ninh thịt bằng chức năng nấu chậm cho buổi tổi. Nói chung là từ lúc dùng nồi Sharp này, mình sử dụng nồi cơm điện nhiều hơn trước khá nhiều.
Nhận xét một chút về các tính năng mình hay sử dụng:
- Nấu cơm: mất tầm 45 phút, tốn tầm 170Wh điện cho 1 lần nấu (mình đo bằng đồng hồ). Cơm ngon, dẻo, mình dùng cùng 1 loại gạo không thấy có khác biệt gì nếu so với nồi cao tần của Tiger và Zojirushi. Cái này là cảm nhận cá nhân của mình.
- Nấu nhanh: Tầm 30 phút, cơm vẫn ngon nhưng không được dẻo như chế độ bình thường. Phù hợp lúc nào nấu vội ăn vội.
- Nấu cháo: Tiện vì không phải canh nồi cháo, không sợ khê, không sợ trào. Cháo nấu ra cũng khá ổn, tuy không ngon bằng tự nấu nhưng tiết kiệm thời gian hơn nhiều
- Hấp: Rất tiện khi làm nóng đồ ăn sáng như bánh bao, bánh mì. Thậm chí cũng có thể hấp ngô, khoai sắn. Vì lòng nồi nhỏ nên thời gian sôi nước cũng nhanh vì thế hấp những món đồ nhỏ cũng nhanh.
- Giữ ấm: Giữ ấm vừa đủ, mình từng để thử tầm 5 tiếng không làm cơm ở bên dưới đáy nồi thành cơm cháy.
- Nồi không có tính năng nấu cơm cháy.
Tuy vậy, nhưng chiếc nồi này vẫn có một nhược điểm đó là chức năng hẹn giờ. Dù đã đọc HDSD bằng tiếng Việt nhiều hơn 3 lần nhưng mình vẫn không thể hiểu được chức năng hẹn giờ hoạt động thế nào. Tuy nhiên, vì không dùng đến nên mình cũng không quan tâm đến chức năng đó nữa.
Giá bán và nơi mua
Sharp KS-IH122V-BK được bán chính hãng tại Việt Nam vì vậy các bạn có thể dễ dàng mua chiếc nồi này ở các siêu thị điện máy trong tầm giá khoảng 2.5 triệu, tuy nhiên nếu mua trên các sàn thương mại điện tử, đôi khi gian hàng chính hãng của Sharp có khuyến mãi hoặc voucher sẽ có mức giá tốt hơn nhiều, có thể xuống mức 1.7-1.8 triệu.
Giờ gian hàng chính hãng không còn bán nữa rồi, nhưng một số đại lý ngoài vẫn còn bán, mình để link để các bạn tham khảo, vì không phải gian hàng chính hãng nên các bạn cần tự tìm hiểu kĩ về chính sách bán hàng, bảo hành của shop nhé:
Cá nhân mình thấy đây là mức giá 1.7-1.8 là mức rất tốt cho một chiếc nồi cao tần. Mình cũng thường hay chia sẻ về các khuyến mãi như vậy trong nhóm Chia sẻ deal hời của mình, các bạn có thể tham gia nhóm đề cập nhật nhiều deal hời uy tín nha. Bài review xin được kết thúc tại đây. Cám ơn các bạn đã theo dõi
Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️
Chia sẻ bài viết: