Hiểu thêm về độ ẩm để chống nồm

Hiểu thêm về độ ẩm để chống nồm

Cứ vào cuối đông, sau những cơn mưa phùn đem lại cái lạnh ẩm thấu xương khiến mọi thứ lạnh cóng, sẽ là những ngày nóng ẩm. Và chính điều kiện thời tiết này khiến mọi thứ trở nên ẩm ướt não nề. NỒM xuất hiện.

Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ một số kiến thức về độ ẩm và giải thích hiện tượng nồm, đồng thời cũng sẽ chia sẻ cách áp dụng các phương pháp để giảm cái sự nồm của những ngày miền bắc.

Độ ẩm

Độ ẩm thường được tính theo 2 dạng

  • Độ ẩm tương đối: Áp suất của hơi nước hiện tại (lượng nước) / Áp suất của hơi nước bão hòa (dung tích tối đa có thể chứa được) (đơn vị %)
  • Độ ẩm tuyệt đối: khối lượng nước / thể tích không khí (đơn vị g/m3)

Thông thường trong các máy có đo độ ẩm, hay trên dự báo thời tiết, chúng ta đều dùng độ ẩm tương đối

Và theo công thức trên, độ ẩm tương đối được tính theo áp suất bão hòa, mà nhiệt độ không khí giảm thì áp suất bão hòa cũng giảm. Vì vậy, khi nhiệt độ giảm, hơi nước trong không khí sẽ dễ đạt đến mức bão hòa 100% và khi đạt mức này thì sẽ hình thành sương mù và mây.

Phân tích sâu hơn về độ ẩm và mối liên quan đến các yếu tố khác bao gồm nhiệt độ và áp suất không khí các bạn có thể xem thêm tại đây, còn trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ chỉ nói về độ ẩm

Nồm

Vậy vì sao lại Nồm? Vì sao trời Nồm thì sàn nhà lại ướt, đồ đạc lại ‘chảy mồ hôi’?

Hiện tượng nồm cũng giống như khi ly nước đá chảy mồ hôi. Khi nhiệt độ vật thể, cụ thể ở đây là sàn nhà, lạnh hơn nhiệt độ không khí và đồng thời độ ẩm trong không khí ở mức cao, thì sàn nhà sẽ bị ngưng tụ hơi nước

nước ngưng tụ
Nguồn ảnh: https://education.nationalgeographic.org/resource/condensation

Các bạn hãy nhớ lại lúc trời nồm, trước khi nồm bao giờ cũng là dạng thời tiết lạnh ẩm. Lúc này trời lạnh và độ ẩm rất cao, trời nhiều sương mù, mưa phùn, lúc này độ ẩm thường sẽ luôn là 90-100%. Và vì độ ẩm cao khiến độ dẫn nhiệt cũng cao. Vì vậy, mọi đồ đạc trong nhà, sàn nhà sẽ nhanh chóng giảm nhiệt độ xuống thấp như nhiệt độ không khí

Rồi sau đó, trời ấm lên, lúc này độ ẩm trong không khí vẫn rất cao nhưng nhiệt độ không khí đã trở nên nóng hơn trước

Và giờ đây, sàn nhà, đồ đạc vẫn đang lạnh ngắt, còn không khí thì lại đang nóng ẩm, và thế là hơi nước sẽ bị ngưng tụ ở bề mặt lạnh hơn, chính là sàn nhà và đồ đạc

Chống nồm

Vậy khi hiểu được mối tương quan giữa nhiệt độ và độ ẩm, chúng ta sẽ có vài cách sau để giảm nồm khi thời tiết trở nên nóng ẩm:

  • Giảm nhiệt độ của không khí
  • Giảm độ ẩm của không khí
  • Tăng nhiệt độ của nơi đang bị ngưng tụ
  • Lau sàn thật nhiều bằng khăn khô

Giảm nhiệt độ của không khí

Giả sử bạn làm lạnh không khí trong phòng, thì lúc này mặt sàn không còn lạnh hơn không khí, và vì thế hơi ẩm sẽ không ngưng tụ ở sàn nữa. Tuy nhiên, lúc này áp suất bão hoà cũng sẽ giảm trong khi áp suất hơi nước giữ nguyên vì thế trong phòng sẽ xuất hiện sương mù

Mình dùng từ giả sử ở đoạn trên vì trong thực tế rất khó để bạn làm lạnh được không khí mà không tác động đến lượng hơi nước trong phòng. Khi bạn bật điều hoà ở chế độ mát (cool) hay chế độ khô (dry), dàn lạnh của điều hoà sẽ ngưng tụ nhiều hơi nước. Lúc này, nhiệt độ không khí giảm, áp suất bão hoà giảm và áp suất hơi nước cũng giảm theo và phòng sẽ lạnh khô.

Hiểu thêm về độ ẩm để chống nồm
Nguồn ảnh: https://fordanddoonan.com.au/whats-dry-mode/

Nhược điểm của việc này là sẽ làm không khí trong phòng trở nên lạnh hơn, và đồng thời sẽ khiến hơi ẩm trong đồ đạc như chăn ga, gối đệm sẽ khó bay hơi và thoát ra ngoài không khí hơn (vì nhiệt độ thấp thì áp suất bão hoà thấp, và không khí sẽ chứa được ít hơi nước hơn). Và khi bạn tắt điều hoà thì không khí lạnh khô lại trở thành nóng ẩm và lại làm những thứ lạnh cóng như sàn nhà chảy mồ hôi.

Giảm độ ẩm của không khí

Chúng ta có thể sử dụng máy hút ẩm để giảm độ ẩm của không khí. Nguyên lý hoạt động của máy hút là sẽ chỉ trích xuất hơi ẩm mà không làm giảm nhiệt độ phòng. Mình cũng có sử dụng máy hút ẩm và có 1 bài review chi tiết, mình có chia sẻ thêm về nguyên lý hoạt động của máy hút ẩm cho bạn nào chưa biết

nguyên lý hút ẩm
Nguyên lý hoạt động của máy hút ẩm

Ưu điểm của phương pháp này là bạn vẫn giảm được độ ẩm trong khi đó nhiệt độ của đồ đạc, sàn nhà vẫn sẽ được giữ nguyên nhiệt độ hoặc ấm lên, giúp hơi nước trong đồ đạc bay hơi ra dễ hơn.

Đồng thời, bên cạnh việc hút ẩm, chúng ta cũng có thể giảm thiểu hơi ẩm phát sinh trong nhà. Các hoạt động nấu ăn cũng sẽ có rất nhiều hơi nước, bạn nên bật máy hút mùi để hút hết hơi ẩm này ra ngoài. Sau khí tắm cũng sẽ có nhiều hơi ẩm, bạn có thể đóng cửa phòng tắm rồi bật quạt thông gió để hút hết hơi ẩm ra khỏi phòng tắm.

So sánh nhanh điều hòa và máy hút ẩm

Điểm khác biệt lớn nhất của máy hút ẩm đó là không khí ẩm với nhiệt độ phòng sẽ đi vào máy qua dàn lạnh khiến không khí ẩm ngưng tụ lại và sau đó không khí lạnh khô sẽ đi qua dàn nóng để trở thành không khí ấm khô trả lại căn phòng.

Điều này không làm nhiệt độ phòng lạnh đi mà chỉ làm giảm hơi ẩm trong không khí bằng cách giảm lượng hơi nước đang có, đồng thời giữ nguyên hoặc tăng nhẹ nhiệt độ phòng để hơi ẩm từ quần áo, chăn màn, ga đệm có thể dễ dàng thoát ra để tiếp tục được hút và ngưng tụ trong dàn lạnh của máy hút ẩm

Còn với chế độ khô (Dry) của điều hoà, mình nhận thấy sẽ chỉ có cơ chế dùng dàn lạnh để ngưng tụ mà không thể đồng thời làm ấm không khí, và kết quả sẽ là không khí lạnh khô

Tăng nhiệt độ của nơi đang bị ngưng tụ

Ngoài ra, chúng ta có một phương pháp nữa đó chính là tăng nhiệt độ của nơi đang bị ngưng tụ

Nhà bạn nào xịn xịn có chế độ sưởi nền nhà cũng có thể bật sưởi nền lên để giúp cân bằng nhiệt độ sàn nhà với không khí giúp khô ráo.

Còn nếu không có sưởi nền thì có thể tham khảo thêm mấy cách bên dưới

Cách 1: Bật quạt

Khi sàn nhà bắt đầu đổ mồ hôi, mọi người thường khuyên là nên đóng kín cửa, không nên bật quạt. Rất nhiều trang truyền thông cũng thường đưa ra lời khuyên như vậy.

Nhưng, thật sự là khi nước đã ngưng tụ ở sàn nhà, từ là lúc này nhiệt độ không khí đã cao hơn nhiệt độ sàn nhà, dù có đóng kín cửa thì sàn nhà vẫn mất nhiều thời gian để cân bằng nhiệt độ với không khí. Và sàn nhà sẽ ướt như thế vài ngày, thậm chí cả tuần.

Mình thì thường sẽ chỉ đóng kín cửa khi trời lạnh ẩm, lúc này nhà chưa nồm chưa đổ mồ hôi đâu. Nhưng khi bắt đầu thấy ngoài trời ấm lên, ví dụ như ngừng mưa, không còn sương mù, trời sáng hơn dù vẫn nhiều mây, và đi ra ngoài trời thấy ấm hơn trong nhà, mình sẽ mở tung cửa ra, và bật quạt thổi thẳng xuống sàn nhà. Mới đầu thì có thể sẽ hơi ẩm ướt sàn hơn bình thường, nhưng sau đó chỉ 1 vài tiếng là sàn nhà đã đỡ nồm rồi.

Lý giải hiện tượng đó, mình chỉ dùng quạt đẩy nhanh quá trình trao đổi nhiệt của sàn nhà và không khí mà thôi, từ bị động tản nhiệt sang chủ động tản nhiệt, khi sàn nhà và không khí đã có nhiệt độ tương đồng, hiện tượng nồm sẽ hết.

Với phương mở cửa bật quạt, chỉ nên áp dụng nếu xung quanh nhà bạn thoáng đãng. Còn đối với nhà trong ngõ nhỏ, nhiệt độ và độ ẩm ngay bên ngoài căn nhà chưa chắc đã đủ ấm để áp dụng phương pháp này.

Cách 2: Làm nóng sàn

Dùng nước nóng để lau sàn, đây cũng là cách để tăng nhiệt độ sàn nhà, nhưng cách này cũng không hề đơn giản, chưa kể còn tiếp tục tăng lượng hơi nước trong nhà.

Và 1 phương án nữa nếu bạn có điều hoà 2 chiều, đừng chỉ dùng chế độ Dry nữa, các bạn có thể bật chế độ sưởi (làm nóng) tầm 1 tiếng, sau đó lại bật chế độ lạnh 1 tiếng và rồi cứ vậy lặp lại.

Mục đích của việc này là để dùng chế độ chế độ nóng để tăng nhiệt độ phòng, tăng nhiệt độ sàn, tăng sức chứa hơi nước trong không khí, sau đó dùng chế độ lạnh để hút ẩm và rồi lại dùng chế độ nóng để tăng nhiệt độ phòng, tăng sức chứa hơi nước và lặp đi lặp lại quy trình.

Phương án này thì hơi bất tiện, nhưng vẫn là một phương án để các bạn có thể thử

Lau sàn thật nhiều bằng khăn khô

Phương pháp cuối cùng chạy bằng cơm và cũng là phương pháp trực tiếp nhất. Bạn có thể lau sàn thật nhiều bằng khăn khô. Bạn sẽ trực tiếp có thể loại bỏ nước ra khỏi sàn nhà. Mặt sàn khô, lạnh lúc này lại sẽ ngưng tụ. Bằng cách bạn cũng đẩy nhanh quá trình trao đổi nhiệt và sàn nhà cũng sẽ ấm lên và độ ẩm trong không khí cũng sẽ giảm dần xuống.

Có điều bạn sẽ tốn kha khá khăn khô và cũng tốn kha khá cơm cũng như thời gian để thực hiện phương pháp này

Bản thân mình thì mình chọn kết hợp sử dụng máy hút ẩm và mở cửa vào những ngày nhiệt độ ngoài trời cao hơn nhiệt độ trong nhà.

Bài viết xin được kết thúc tại đây. Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Chúc các bạn mau vượt qua mùa ‘nồm’. Các bạn có thể xem thêm và tham gia thảo luận về bài viết này trên Tinh Tế ha

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.