Tự vệ sinh mâm nhiệt cho nồi chiên không dầu tại nhà
Update mới nhất: 11/08/2023
Trong bài viết trước mà mình đã review về chiếc nồi chiên không dầu Philips, một chiếc nồi mà mình thấy đáng mua với mức giá phải chăng và cách sử dụng tiện lợi, thì còn một nhược điểm rất lớn đó là khu vực thanh đốt/mâm nhiệt sẽ vẫn bị dầu mỡ bắn lên
Dù có hướng dẫn làm sạch của Philips, với các bước chính là lật ngược lại rồi dùng nước nóng để cọ rửa lau chùi nhẹ nhàng, nhưng có lẽ do lâu rồi mình không để ý đến và không vệ sinh nên dù làm theo hướng dẫn này cũng không ăn thua. Nồi chỉ sạch hơn đôi chút chứ những vết dầu mỡ lâu ngày két lại thì vẫn ở đó.
Nội dung chính
Làm sạch theo hướng dẫn của hãng, có lẽ chỉ phù hợp với việc làm sạch thường xuyên
“Khuất mắt khôn coi” – không thấy không biết thì không sao, chứ thấy vậy rồi, biết là dơ rồi mà không dọn thì không chịu được. Vì vậy, trong một cuối tuần thảnh thơi, mình đã xử lý và vệ sinh lại khu vực này và sau vài tuần sử dụng tốt, mình viết bài này để chia sẻ với anh em cách mình sử dụng để làm sạch phần mâm nhiệt này.
Phương pháp mình sử dụng cũng chỉ dựa trên hướng dẫn của Philips, tham khảo thêm một số video trên youtube, và có tùy chỉnh một chút theo suy nghĩ của mình. Mình không muốn bung máy ra, vì vậy hiệu quả làm sạch cũng chỉ tầm 80%, tuy nhiên với mình thế là ổn rồi.
Kết quả đây anh em ạ, còn phương pháp thì kéo xuống tiếp nhé
Phương pháp
Lưu ý:
Mình sẽ chia sẻ thêm phương pháp mình làm sạch nồi chiên không dầu ở dưới, đặc biệt là với những ai chưa để ý hoặc cũng không biết đến việc phải làm sạch định kỳ khu vực này.
Tuy nhiên, mình khuyến cáo: Do at your all risk – Tự làm tự chịu rủi ro (nếu có).
Các dụng cụ và nguyên liệu:
- Bàn chải đánh răng nhựa, loại có thân nhỏ càng tốt
- Bật lửa
- Dĩa (nĩa) nhựa
- Baking soda
- Nước rửa chén (bột rửa chén – cái này optional – không khuyến cáo anh em)
- Nước nóng
- Bình xịt nước nho nhỏ (có thể tái sử dụng từ bình xịt nước rửa kính)
- Giẻ khô
Bước 1: Chuẩn bị
Dùng bật lửa hơ vào thân bàn chải đánh răng để uốn cong đầu bản chải, vị trí cách lông bàn chải tầm 1-1.5cm. Các bạn xem hình để dễ hình dung nhé. Việc này sẽ giúp bạn có một dụng cụ tốt hơn để cọ vào những vị trí khuất, đặc biệt là khu vực quạt bên dưới dây maiso
Cho bột baking soda vào bát cùng với nước nóng, mình dùng nước 90 độ từ bình thủy điện. Mình dùng 2 thìa baking soda và khoảng 1 nửa lượng nước có trong cốc, mục đích để baking soda ngấm nước thôi chứ không cần hòa tan hết, nó sẽ sệt sệt dạng keo/kem.
Mình có cho thêm bột rửa chén để tăng thêm khả năng trị vết dầu mỡ nhưng cái này không khuyến cáo anh em làm theo, vì đến bước làm sạch sẽ vất vả hơn. Vì vậy khuyến cáo anh em thử chỉ dùng baking soda trước, nếu không sạch mới phải thêm bột rửa chén/nước rửa chén
Bước 2: Thoa và cọ
- Lật ngược nồi lại, giống hướng dẫn của Philips
- Lấy bàn chải thoa đều đám kem baking soda đến càng nhiều ngóc ngách càng tốt
- Cái dĩa (nĩa) nhựa giờ là lúc phát huy tác dụng, mình dùng để giữ cái cánh quạt nhằm thoa được kem lên từng cánh và để cọ ở bước tiếp theo. Mình dùng nĩa nhựa để tránh gây xước các bộ phận kim loại bên trong như mâm nhiệt và cánh quạt
- Sau khi thoa kem xong thì để đó, cho các phản ứng hóa học diễn ra. Mình để vậy 30 phút, bạn nào thích để lâu hơn cũng được, tầm 1-2 tiếng chẳng hạn
- Sau đó dùng bàn chải để cọ, dùng thêm tác động vật lý để đánh bay vết bẩn
Bước 3: Xả
Sau khi cọ rồi thì phải xả trôi hết mọi thứ ra khỏi khu vực này thôi, vì dùng thêm cả bột rửa chén nên mình mất khá nhiều thời gian cho bước này, vì vậy lần nữa khuyến cáo các bạn chỉ cần baking soda chứ không nhất thiết phải dùng bột rửa chén
Ở đây mình có thay đổi cách làm một chút, vì mình sẽ dùng nhiều nước hơn để rửa trôi các thứ cặn bẩn mà mình cọ được ở bước 2, vì vậy mình đặt chiếc nồi nằm ngang với mục đích để nước sẽ thoát ra bằng đường thông hơi, tránh nước chảy vào mạch điện khi úp ngược. Các bạn có thể có nhiều cách để làm điều này, còn cách của mình đây:
Mình kê 2 chiếc đũa nấu dài dọc theo chậu rửa bát để “đỡ mông” nồi, còn đỉnh nồi thì gác vào chậu luôn, thế là nước thải từ việc xả trôi cũng sẽ chảy xuống chậu rửa bát, sạch sẽ gọn gàng
Sau khi kê vậy rồi thì mình kết hợp dùng bình xịt nước vào những chỗ cần rửa trôi và dùng bàn chải để cọ thêm cho sạch sẽ, các bạn có thể xem video dưới, nước thải lúc này sẽ chảy ra đường thông hơi, một số còn sót lại trên thành nồi thì sau mình cũng chỉ nghiêng nhẹ để nó chảy ra theo đường thông hơi luôn là được
Bước này các bạn có thể làm nhiều lần cho đến khi các bạn thấy sạch sẽ, không còn sót lại cặn bẩn. Sau đó dùng 1 cái giẻ khô để lau nước còn sót lại
Bước 4: Phơi khô
Mình cũng sợ nước chảy vào mạch nên sau khi làm sạch, kể cả đã lau khô rồi mình cũng phơi thêm 1 ngày cho khô.
Mình đặt nồi đúng với tư thế bình thường với mục đích để nếu có còn sót nước ở bên trong thì có thể trôi ra và nhỏ giọt xuống. Mình để vậy nửa ngày. Sau đó lại lật ngược lên nửa ngày còn lại để nếu có hơi nước bay vào trong khu vực điều khiển ở trong thì có thể thoát trở ra
Tóm lại mình để vậy 1 ngày để đảm bảo mọi thứ khô ráo
Bước 5: Sấy
Sau 1 ngày, mình cắm điện và bật cho máy chạy không tải (ở trong không có thực phẩm) tầm 20 phút mức nhiệt cao nhất, để các loại cặn bẩn còn sót lại rớt xuống
Có chút cặn li ti này, mà mình nghĩ là baking soda hoặc bột rửa chén mà mình chưa được rửa trôi hết trong bước 4 được. Đây cũng là lý do mình không khuyến cáo cho bột rửa chén vào. Vì dù sao nếu chỉ là baking soda mà chẳng may rớt vào thức ăn thì có lẽ cũng sẽ đỡ hại hơn là bột rửa chén
Bước 5+ Optional: Vỗ nồi
Đừng như mình, vì cho bột rửa chén nên lúc nhìn thấy cặn rơi là lại lấn cấn, thành ra mình cho chạy không tải thêm vài lần, kết hợp với việc sau mỗi lần mình vỗ vỗ đỉnh nồi, quanh nồi, trước sau (anh em tưởng tượng như vỗ mấy cái tivi CRT ngày xưa ý) cho đám cặn nó rơi hết xuống. Đến khi nào không còn gì rơi xuống nữa rồi mình mới sử dụng bình thường. Nếu anh em rửa sạch ở bước 4 rồi thì không cần bước vỗ nồi này
Đám cặn rơi xuống sau khi mình “vỗ về” chiếc nồi
Thành quả
Và đây là thành quả sau 2 tiếng lao động, tuy chưa sạch 100% hay “sạch như mới” nhưng cũng đã sạch ở mức chấp nhận được đối với mình. Và vẫn khuyến cáo anh em nếu sử dụng nồi chiên không dầu thì nên làm sạch khu vực này thường xuyên nhé.
Ưu điểm:
- Đơn giản, tự làm được tại nhà, không cần tháo lắp, chị em cũng có thể làm đơn giản
- Chỉ cần các dụng cụ cơ bản, hầu hết là có sẵn
- Chi phí thấp hơn là mang đi làm dịch vụ
Nhược điểm
- Tốn chút thời gian – tầm 2 tiếng lọ mọ – và tầm 2 ngày không sử dụng nồi
- Không sạch 100% được
Thành quả lao động đây các bạn ạ, tuy chưa sạch hoàn toàn nhưng cũng ở mức sáng sủa chấp nhận được rồi
So sánh trước và sau khi làm sạch nồi chiên không dầu, mình tạm hài lòng
Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Các bạn có thể xem thêm phần thảo luận của bài viết này trên TinhTe nha
Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️
Chia sẻ bài viết:
Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết