Chia sẻ cách lắp đặt đèn LED tủ bếp thông minh

Chia sẻ cách lắp đặt đèn LED tủ bếp thông minh

Update mới nhất: 09/05/2024

Xin chào các bạn, trong bài viết ngày hôm nay mình sẽ chia sẻ về hệ thống đèn LED tủ bếp thông minh mà mình đã tự lắp đặt cho gian bếp nhà mình. Mình muốn có tính năng thông minh để tương đồng với các hệ thống smarthome đang có sẵn trong căn hộ.

Mình không hề thích bị lộ dây dẫn nguồn, dây dẫn công tắc, bộ nguồn hay bất cứ thành phần nào khác. Mình cũng không thích những chiếc công tắc cảm ứng nhỏ và không đồng bộ với những chiếc công tắc khác trong nhà. Mình cũng không thích phải khoan qua tủ hay đồ nội thất.

Vì thế mình tự làm chứ không thuê thợ và cũng chia sẻ một số giải pháp để lắp đặt đèn LED với công tắc thật đẹp, không lộ dây, và đồng bộ với thiết bị có trong nhà. Các bạn tham khảo để có thể tự lắp, cũng có thể sáng tạo thêm giải pháp để áp dụng ở nhiều vị trí khác.

Chuẩn bị

Đo đạc và quy hoạch đường dây

Đầu tiên các bạn cần đo đạc khu vực muốn lắp đặt để có thể dự toán được phụ tùng và chi phí cho thiết bị. Như bếp nhà mình sẽ cần lắp 2.85m LED.

Kế tiếp là nơi để lấy nguồn, thông thường mọi người có thể lấy từ công tắc, ổ cắm. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, lấy nguồn từ đó sẽ lộ dây điện nổi, phải ốp thêm ống đi dây, gây mất thẩm mĩ. Một số trường hợp giấu trong ngăn tủ sẽ phải khoan tủ.

Đi dây nổi rồi che bằng ống gen nhựa, thiếu thẩm mĩ
Đi dây nổi bên ngoài thiếu thẩm mĩ, nếu giấu vào tủ, thường cũng phải khoan, mà cũng vẫn lộ dây điện hoặc cục nguồn ở bên trong tủ.
Giấu nguồn vào tủ cũng không hợp lý lắm, gây mất diện tích, ảnh hưởng không gian lưu trữ bên trong

Mình gợi ý các bạn tận dụng luôn nguồn điện từ máy hút mùi, sẽ dễ đi dây và giấu phụ tùng vào bên trong lòng máy hút mùi giúp không lộ dây ra bên ngoài, sẽ đẹp hơn nhiều. Hầu hết trong máy hút mùi đều sẽ có nguồn điện đầu vào 220V. Các bạn cứ nhìn vào bên trong lòng máy tìm theo dây điện hoặc ký hiệu như hình bên dưới.

Ngoài ra, công tắc cũng sẽ là bộ phận mà mình không thích đi dây ra bên ngoài và cũng không thích mấy công tắc cảm ứng tròn tròn lạc quẻ, vì vậy mình cũng sẽ có phương án đề giấu phần dây này, mình sẽ chia sẻ bên dưới.

Linh kiện

Các bạn sẽ cần những món sau, mình để link ở từng sản phẩm:

  • Dây led 12V, lưu ý 1 sản phẩm ở đây là cuộn 5m, tương ứng 5A. Giá 55k một cuộn 5m. Cuộn 5m đã có sẵn dây điện ở 2 đầu để dễ đấu nối
  • Nguồn 12V, các bạn chọn công suất lớn hơn hoặc bằng lượng led tiêu thụ. Ví dụ mình gắn 2.85m thì chỉ cần nguồn 12V – 3A – là đủ. Tuy nhiên, mình không thích nguồn hoạt động sát với mức công suất tối đa nên mình chọn 12V – 5A cho dư thêm chút. Nếu đi LED dài hơn, các bạn có thể tham khảo nguồn 12V công suất cao hơn tại đây. Giá 65k
  • Thanh nhôm định hình, vì mình gắn ở phần góc vuông giữa tủ và tường bếp nên mình chọn loại góc vuông (Phân loại hàng V 16x16mm). Đi kèm thanh định hình đã có ốp tán sáng luôn. Lưu ý sản phẩm này bán theo mét, 1 sản phẩm là 1m. Như mình 3m là mua 3sp. Đã bao gồm nẹp. Giá 20k/m.
  • Ngoài ra các bạn có thể chọn loại nhôm định hình chữ U cũng được, khi đó ánh sáng chiếu vuông góc xuống sẽ đỡ bị hắt ra ngoài nhiều hơn, giúp giảm chói mắt.
  • Keo silicon. Mặc dù đi kèm nhôm định hình có nẹp nhưng vì vị trí lắp đặt sát góc nên mình không sử dụng nẹp đi kèm thanh nhôm được, vì vậy mình quyết định dùng keo silicon. Mình chọn loại Apollo 500 màu trắng, khô nhanh cho dễ thi công. Các bạn có thể mua ở tiệm điện nước gần nhà hoặc có thể tham khảo mua online. Đồng thời sẽ cần có súng bắn keo. Giá đâu đó khoảng 70k cả keo cả súng.
  • Hoặc nếu muốn đơn giản và dễ dàng hơn, các bạn cũng có thể sử dụng băng keo 2 mặt để cố định nhôm định hình thay cho silicon.
  • Công tắc hoặc cảm biến:
    • Nếu không cần dùng đến các tính năng nhà thông minh, không quá quan trọng việc đi dây công tắc, các bạn có thể dùng công tắc điều khiển 12V luôn, có một số loại như công tắc cảm ứng, cảm biến vẫy tay tại đây. Loại này thì rẻ, chỉ tầm 50-70k, tuy nhiên sẽ cần khoan đục và bản thân mình thấy ít thẩm mĩ.
    • Nếu muốn dùng công tắc thông minh như mình, sẽ cần đến 2 thiết bị đó là công tắc thông minh Wifi Tuya có tích hợp chức năng thu sóng RF và một chiếc công tắc dán phát sóng RF (có thể chọn loại có cảm ứng, hoặc nút bấm). Các bạn có thể tham khảo 2 sản phẩm đó tại đây. Loại này thì đắt hơn, tầm 200k cho 2 món. Dùng App Tuya hoặc Smart Life.
Bên trái là công tắc Wifi + RF433, sử dụng app Tuya hoặc SmartLife.
Bên phải thực ra là remote RF trong hình hài của cái công tắc cảm ứng.

Đồ nghề

  • Các bạn sẽ cần một chiếc cưa, dũakìm cắt để có thể cắt được thanh nhôm định hình theo chiều dài mong muốn (hoặc thử nhắn tin với shop để họ hỗ trợ cắt đúng theo kích thước mong muốn)
  • Băng keo điện
  • Bút thử điện
  • Tua vít
  • Kìm để tuốt dây điện
  • Kéo để cắt led

Mấy món đồ này cũng đơn giản rồi, các bạn có thể kiếm ở cửa hàng điện gần nhà.

Sơ đồ mạch điện

Sơ đồ mạch điện mà mình sử dụng như ảnh dưới, trong đó công tắc Wifi + thu RF đóng vai trò chính trong việc đóng, ngắt mạch điện, đồng thời có thể kết nối với điện thoại qua hệ sinh thái Tuya. Bên cạnh đó, cũng có thể nhận tín hiệu từ công tắc cảm ứng / vật lý RF, để có thể dễ dàng bố trí công tắc cảm ứng tại khu vực bếp mà không cần đi dây nổi.

Trước khi lắp đặt, các bạn có thể đấu điện theo sơ đồ để test xem mọi linh kiện có hoạt động không, đồng thời cũng có thể cài đặt sẵn luôn công tắc Wifi như là kết nối app, kết nối mạng Wifi, kết nối với công tắc RF.

Nhìn chung là dùng ứng dụng Tuya hoặc Smart Life để setup rất đơn giản, mở app ra là đã thấy công tắc hiện lên luôn rồi và chỉ cần làm theo hướng dẫn của app là được.

Lắp đặt LED tủ bếp

Bước 1: Đi dây 12V

Vì nguồn LED và công tắc Wifi mình có thể giấu bên trong máy hút mùi, vì thế gần cũng cần phải tìm đường để đi dây điện 12V từ nguồn ra dây LED. Rất may là phía sau máy hút mùi có một khe nhỏ để mình đi dây ra ngoài. Mình sẽ đi dây này trước tiên để đảm bảo việc giấu dây sau này thuận lợi. Các bạn có thể quan sát khu vực máy hút mùi, thường sẽ có những khoảng hở nho nhỏ đủ để dây điện đi qua.

Các bạn cũng có thể đo luôn độ dài của dây LED để có thể cắt và gắn luôn đầu dây led vào đoạn dây điện này và sau đó rút ngắn nó lại, chỉ để lại một khoảng vừa đủ để gắn LED vào khung nhôm định hình.

Bước 2: Gắn thanh nhôm định hình

Cưa đúng khoảng cách và gắn thanh nhôm định hình vào vị trí mong muốn bằng silicon hoặc băng keo. Nhớ gắn đầu nhựa để bịt kín khung nhôm (có đi kèm khi mua) cho 2 thanh đầu tiên và cuối cùng nha.

Lưu ý: vì nhôm mỏng nên cưa sẽ hơi khó, mình thường chỉ kéo 1 chiều thuận theo lưỡi cưa, và lúc gần đứt hết có dùng kìm cắt để bấm lìa. Sau khi cưa xong các bạn có thể dũa cho bớt sắc và sau đó nhớ kiểm tra các góc và rãnh để luồn ốp tản sáng không bị méo. Vì là nhôm nên cũng dẻo và dễ uốn.

Lưu ý 2: nên gắn thanh nhôm định hình thẳng hàng nhau để về sau gắn ốp tản sáng sẽ đều và đẹp hơn, có thể dùng băng dính trong để gá tạm vào tránh thanh nhôm bị xê dịch lúc keo chưa khô.

Bước 3: Dán LED vào nhôm định hình

Lột băng keo 2 mặt phía sau LED và dán vào khung nhôm định hình. Sau đó có thể ốp tản sáng. Bề mặt của tản sáng có lớp nilong bảo vệ nên anh em cứ yên tâm thi công, xong xuôi lột nó ra sau. Để ốp tản sáng thì mình thường kê 1 cạnh vào rãnh trên khung nhôm trước rồi từ từ ấn cạnh còn lại vào đúng vị trí.

Bước 4: Gắn nguồn

  • Kết nối LED với nguồn 12V – chưa cần ngắt cầu dao – nhớ chú ý hai cực âm dương
  • Kết nối nguồn 12V với công tắc thông minh – chưa cần ngắt cầu dao – chú ý gắn vào L out và N out của công tắc
  • Kết nối công tắc thông minh với nguồn 220V của máy hút mùi – CẦN NGẮT ĐIỆN – NHỚ NGẮT ĐIỆN – NHỚ NGẮT CẦU DAO. Kết nối nguồn 220V với L in và N in của công tắc.

Ở bước này, trước khi ngắt điện các bạn nên dùng bút thử điện để xác định dây pha (L) và trung tính (N) của nguồn để kết nối đúng với công tắc. Sau khi ngắt điện, cũng nên dùng bút thử điện kiểm tra lại lần nữa xem điện đã được ngắt thật sự chưa để đảm bảo an toàn.

Sau khi kết nối xong, các bạn có thể bật lại điện để test toàn bộ hệ thống. Nếu ổn rồi thì giấu nguồn và công tắc thông minh lên máy hút mùi, cũng có thể dùng keo silicon hoặc bắt vít.

Trên máy hút mùi thường sẽ có nhiều không gian trống, các bạn có thể chọn góc nào sạch sẽ, ít bị bắn dầu mỡ để đặt linh kiện lên đó, một vị trí mình gợi ý đó là ở gần bộ nguồn và công tắc của chính máy hút mùi, đó sẽ là nơi nhà sản xuất chọn để đặt linh kiện.

Nhét công tắc Wifi vào trong máy hút mùi có thể làm suy giảm cường độ sóng Wifi và RF, vì vậy, các bạn cũng cần lưu ý việc này. Bản thân mình không bị ảnh hưởng, RF vẫn hoạt động trong phạm vi mình cần và Wifi cũng vẫn kết nối khá tốt dù cường độ sóng không cao như khi ở bên ngoài.

Kết quả sau khi hoàn thiện

Công tắc RF khá tương đồng với những công tắc khác trong nhà mà không phải đi dây dẫn giúp gọn gàng và duy trì vẻ đẹp, mình có thể gắn công tắc này trong phạm vi vài mét quanh cục nhận sóng RF.

led tu bep

Dây được giấu kĩ, không có đoạn nào chạy nổi bên ngoài, không phá đám cảnh quan nội thất bếp vốn có.

Đây là bếp lúc tắt và bật đèn, không có đường dây nào lộ ra, tránh làm ảnh hưởng đến thẩm mĩ. Có thể điều khiển qua điện thoại hoặc giọng nói Google Assistance các kiểu.

Left ImageRight Image

Chúc các bạn thành công 😀 Nếu cần hỏi đáp hay hỗ trợ, cứ nhắn tin cho mình nhé.

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.