So sánh và phân biệt các chế độ sấy của máy rửa bát
Update mới nhất: 22/01/2024
Với máy rửa bát, nhiệm vụ rửa bát dường như là một nhiệm vụ khá đơn giản còn nhiệm vụ sấy bát mới là nhiệm vụ khó khăn hơn. Bàn về chế độ sấy trong máy rửa bát (MRB) thì ở Việt Nam mình thấy có ít người quan tâm đến, cả người mua lẫn người bán.
Vì thế nên mình có tham khảo trên trang chủ của Bosch (1, 2, 3) và một số trang web khác (4, 5, 6) thì mình tìm ra một số công nghệ sau (có thể mỗi hãng có một tên gọi khác nhau, mỗi nhà bán hàng lại có thuật ngữ khác nhau, nhưng mình sẽ đề cập đến bản chất vấn đề thôi nhé)
Thế giới MRB sẽ chia ra 2 loại chính, đó là sấy bay hơi (thông hơi) và sấy ngưng tụ, cũng có nhiều máy giao thoa giữa 2 loại này. Trong bài viết dưới đây, mình sẽ chia sẻ những công nghệ sấy mà mình có tìm hiểu được
Nội dung chính
Sấy bay hơi thụ động
Đây là loại cơ bản nhất, đó là ở cuối chu trình rửa, máy sẽ đun thật nóng nước lên để từ đó khi phun vào bát đĩa sẽ khiến bát đĩa thật nóng, sau đó khi kết thúc chu trình rửa, khi bát đĩa còn giữ hơi nóng đó, máy tự động mở cửa/ hé cửa để hơi nước trên bát đĩa bay hơi và thoát ra ngoài.
Sấy ngưng tụ thụ động
Tương tự như trên, MRB cũng dùng nước nóng để bát đĩa nóng, sau đó, hơi nước sẽ bay ra khỏi bát đĩa và ngưng tụ (thành giọt) ở bề mặt lạnh hơn như là phần kim loại ở thành máy, từ đó tách nước ra khỏi bát đĩa (mình nghĩ máy Electrolux mình đang sử dụng mà mình có review chi tiết tại đây sử dụng công nghệ này). Bosch có gọi công nghệ này là PureDry. Ngoài ra, Bosch cũng có chế độ sấy tăng cường, vẫn là nguyên lý dùng nước nóng nhưng sẽ tăng nhiệt độ lên cao hơn giúp việc bay hơi tốt hơn.
Heat Exchanger – Bộ trao đổi nhiệt
Đồng thời, với một số mẫu máy cao cấp sử dụng công nghệ sấy ngưng tụ thụ động sẽ có thêm bộ phận có tên là Heat Exchanger. Hiểu đơn giản đó là một bình chứa nước dẹt được đặt ở thành máy. Heat Exchanger có 2 tác dụng:
- Trong lúc rửa, sẽ tận dụng nhiệt của chu trình trước để làm ấm nước cho chu trình sau, tránh đồ sứ và thuỷ tinh bị thay đổi nhiệt đột ngột có thể gây hư hỏng.
- Đến chu trình sấy, nước lạnh sẽ sẽ được bơm vào bộ phận này nhằm tăng cao hiệu quả ngưng tụ hơi nước ở thành máy.
Sấy ngưng tụ + bay hơi thụ động
Từ 2 công nghệ trên thì sẽ có một công nghệ kết hợp cả 2 cái, đó là sau khi ngưng tụ 1 thời gian nhất định thì cửa sẽ tự động mở ra để hơi ẩm tiếp tục bay hơi và khiến bát đũa khô hơn nữa. Bosch gọi nó là AutoAir. Một số mẫu máy rửa bát sẽ có kết hợp cả Auto Air và Heat Exchanger.
Bay hơi chủ động (Sấy thông hơi)
Đó là sau khi rửa xong, máy sẽ hút không khí từ ngoài vào, làm nóng không khí đó lên, có quạt thổi vào trong lồng rửa và sẽ có một đường để hơi nước thoát ra ngoài. Một số mẫu máy của Nhật hay sử dụng phương pháp sấy thông hơi. Chúng ta sẽ dễ dàng nhận biết khi máy có lỗ thoát khi ở trên đỉnh hoặc thân máy. Khi chế độ sấy hoạt động, ta cũng có thể nghe tiếng quạt chạy bên trong và hơi nước nóng bốc lên nồi cơm điện
Ngưng tụ chủ động (Sấy Zeolite)
Bình thường thì nhắc đến ngưng tụ thì mình sẽ liên tưởng đến công nghệ giống của máy hút ẩm, không khí ẩm đi qua dàn lạnh để ngưng tụ rồi qua dàn nóng để thành nóng khô và tuần hoàn cho đến khi chiết xuất được hết nước. Nhưng để đặt 1 hệ thống như vậy vào MRB thì có lẽ không hợp lý vì thường sẽ tốn diện tích cho nhiều linh kiện như dàn nóng lạnh, máy nén… , chưa kể còn phải có bơm gas cho dàn nóng lạnh. Vì vậy mình đi tìm hiểu thêm thì trong MRB họ dùng hệ thống phản ứng hóa học thay vì hệ thống hút ẩm vật lý như vậy
(1) Không khí ẩm có hơi nước được hút vào hệ thống sấy (2) qua quạt gió và đi qua buồng sấy, (3) trong buồng sấy có một khoáng chất tự nhiên (Zeolite), chất này sẽ hấp thụ nước trên bề mặt để phản ứng hóa học và tỏa nhiệt lên tới 80 độ, sau khi không khí ẩm đi qua buồng sấy thì nước sẽ bị hấp thụ và (4) không khí nóng khô sẽ quay trở ra lồng rửa và tiếp tục tuần hoàn lặp lại chu trình. Việc Zeolite hấp thụ nước xảy ra dưới dạng phản ứng hóa học và không tốn năng lượng cho việc này. Bước thứ (5) đó là ở trong buồng sấy chứa Zeolite sẽ có một bộ phận gia nhiệt (làm nóng) nhỏ, khi làm nóng Zeolite lên thì sẽ đảo ngược quá trình hóa học hấp thụ nước bên trên (1→4) để làm khô Zeolite. Máy sẽ làm điều này trong lần rửa kế tiếp để hơi nước bay ra từ Zeolite sẽ hòa vào cùng với nước trong lúc rửa và Zeolite khô ráo sẽ sẵn sàng cho việc sấy. Đây là một giải pháp rất hay và thông minh, sẽ không gây ẩm ra không khí xung quanh mà sẽ tận dụng luôn lần rửa tiếp theo để giải phóng hơi ẩm của lần rửa trước đó. Bosch gọi đó là công nghệ CrystalDry.
Sấy nào khô?
Với các loại sấy như vậy, thứ tự sấy khô nhất là:
- Sấy bay hơi chủ động: Khô cả sứ, thuỷ tinh và đồ nhựa
- Sấy Zeolite: Đôi khi có thể còn đọng nước ở đồ nhựa
- Sấy ngưng tụ + hé cửa + Heat Exchanger
- Sấy ngưng tụ + hé cửa
- Sấy ngưng tụ
Ngoài ra, mình cũng đã có một bài viết bổ xẻ về các công nghệ sấy trong máy sấy quần áo, các bạn có thể đọc thêm
Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết.
Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️
Chia sẻ bài viết:
Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết