Bếp từ đơn Lumias LK24-220B có tính năng giữ nhiệt cố định

Bếp từ đơn Lumias LK24-220B có tính năng giữ nhiệt cố định

Ngày xưa, mình đã được sử dụng một chiếc bếp từ Hitachi của Nhật, có một tính năng mình rất yêu đó chính là giữ cố định nhiệt độ mà chúng ta cài đặt. Còn hiện nay, đối với các dòng bếp từ châu Âu, kể cả trong tầm giá loanh quanh 10 triệu như của Bosch hay Hafele cũng chưa thấy được trang bị tính năng này.

Mặc dù với giá bán chỉ 500,000đ – 600,000đ, mình không quá để tâm đến Lumias LK24-220B. Nhưng khi nhìn thấy tính năng cố định nhiệt độ, mình đã kiếm ngay một em về để test và sẽ chia sẻ với các bạn trong bài viết này. Bên dưới mình sẽ chia sẻ nhiều hơn về sự hữu ích cũng như các tình huống sử dụng đến tính năng cố định nhiệt độ.

Ngoại hình và thiết kế

Lumias LK24-220B có thiết kế tròn và tối giản. Mặt kính phía trên dày 4mm tương tự các dòng bếp từ có kiểu dáng tương tự thế này. Được nhập khẩu chính ngạch từ Trung Quốc, nhưng có lẽ là sản phẩm để phục vụ thị trường Hàn Quốc nên mặt kính cũng như hướng dẫn sử dụng bên trong là tiếng Hàn.

Khu vực núm điều khiển sẽ có màn hình và các nút cảm ứng chức năng. Mặt kính của chiếc bếp này không có viền cao su xung quanh để giữ nồi như dòng bếp của Xiaomi, nên khi sử dụng các bạn hãy lưu ý việc này.

Mặt sau sẽ là khu vực tản khe nhiệt. Đây là một chi tiết đánh đổi tính thẩm mĩ để lấy sự thực dụng, việc tản nhiệt ở mặt lưng thế này sẽ giúp việc tản nhiệt được nhanh hơn và tốt hơn.

Mặt dưới là khu vực quạt hút gió và cũng có thêm một phần khe tản nhiệt. Quạt của bếp Lumias LK24-220B có đường kính 9cm, kích thước lớn hơn quạt của bếp Xiaomi mình đang dùng (8cm).

4 chân đế cao su giúp bếp ở chắc chắn trên mặt bàn.

Nhìn chung, về mặt thiết kế bên ngoài của Lumias LK24-220B cũng chỉ ở mức tạm ổn. Chất liệu vỏ và chất lượng hoàn thiện chỉ ở mức khá. Nếu quy chiếu theo thang đo của bếp Xiaomi Youth Lite, thiết kế và hoàn thiện của Xiaomi 10 điểm thì Lumias LK24-220B sẽ được 8 điểm. Nhưng xét về tính năng, Lumias sẽ có phần nhình hơn.

Các tính năng của Lumias LK24-220B

Dưới đây mình sẽ chia sẻ về các tính năng mà mình đã test trên Lumias LK24-220B. Điểm đáng chú ý chính là chức năng giữ nhiệt cố định mà mình thấy trong Manual. Sản phẩm sẽ được trang bị một cảm biến nhiệt độ để có thể đo nhiệt độ mặt bếp và duy trì nhiệt độ ở mức chúng ta đã chọn.

Tính năng này rất hữu dụng, thay vì phải canh lửa, canh điện thủ công, chúng ta chỉ cần chọn nhiệt độ và bếp sẽ tự động việc canh lửa canh điện cho chúng ta để giữ nhiệt độ đó. Ứng dụng vào thực tế, sẽ rất hữu ích trong những trường hợp sau:

  • Đun nước ở nhiệt độ thấp 60 – 80℃, phù hợp với cách chế biến Sous vide.
  • Chiên rán ở đúng các mức nhiệt 140-160-180-200℃ tuỳ theo loại dầu mà không lo cháy dầu, làm biến tính dầu và gây hại đến sức khoẻ.
  • Tương tự như khi xào, hoặc nướng chảo, cũng có thể đặt đúng mức nhiệt.

Thông thường, các loại dầu thực vật sẽ có nhiệt độ cháy khác nhau, ví dụ dầu oliu là 190℃, dầu đậu nành là 240℃, mỡ lợn là khoảng 140-200℃. Tuỳ theo loại dầu mỡ. chúng ta có thể đặt nhiệt độ phù hợp để khi chiên, rán, xào sẽ đạt hiệu quả tốt nhất mà không lo dầu mỡ bị thay đổi tính chất làm ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Test với chế độ thông thường

Trước khi test chế độ giữ nhiệt, mình test chế độ bình thường trước. Đây là chế độ giống với bao bếp lẩu khác, P1-P9 sẽ là mức công suất để chúng ta chọn. Vì không có Interter, bếp sẽ đóng/ngắt điện luân phiên với quãng thời gian cố định được cài đặt sẵn để gia nhiệt/ngưng gia nhiệt tương ứng với các mức công suất cố định. Nói chung không khác gì bếp từ thông thường.

Mình có test đo công suất như sau, sử dụng nồi Silit 20cm, đáy từ 3 lớp, thông số điện áp là 219-220V:

  • Standby: 0.4W
  • P1: đóng 2 giây, nghỉ 8 giây (lúc đóng điện là sẽ kéo 1000w → tương đương 200W)
  • P2: đóng 4 giây nghỉ 6 giây (tương đương 400W)
  • P3: đóng 6 giây nghỉ 4 giây (tương đương 600W)
  • P4: không đóng ngắt nữa mà chạy cố định 1000W
  • P5: 1210W
  • P6: 1320W
  • P7: 1558W
  • P8: 1672W
  • P9: 1806W

Test tính năng giữ nhiệt cố định

Bếp có chức năng set nhiệt độ, C1-C9 tương ứng 60-220℃. Khi chưa đạt đến mức mong muốn bếp sẽ chạy bình thường, khi đã đạt nhiệt độ mong muốn, bếp sẽ không theo thời gian đóng ngắt cố định nữa, mà sẽ đóng ngắt dựa theo nhiệt độ. 

Ví dụ khi để mức C5, nhiệt 140℃. Lúc chưa đến điểm nhiệt này, bếp hoạt động bình thường để kéo nhiệt lên, khi đạt 140 độ rồi sẽ ngắt, và sau đó dựa vào cảm biến nhiệt độ để đóng/ngắt nhằm duy trì mức nhiệt.

Hoặc khi mình test C1-60℃, ban đầu cứ 10 giây bếp sẽ đóng (đóng 3 giây và ngắt tầm 7 giây). Nhưng khi đạt đến nhiệt độ 60 độ, phải 20-30 giây bếp mới đóng (đóng 3 giây ngắt 17 giây). Thử cho nhiệt lên cao, giả sử đặt C3-100℃, thấy nước sôi rồi set bếp về 60 độ, bếp sẽ ngừng gia nhiệt cho đến khi nguội đến 60℃ thì lại tiếp tục đóng/ngắt để duy trì 60℃.

Test với 400ml nước – Max là 99℃ nước sôi

Bài test tiếp theo mình thực hiện đo đạc kỹ hơn với sự hỗ trợ của 2 chiếc nhiệt kế nhà bếp. Nhiệt kế cơ có khoảng đo là 54-88℃, nhiệt kế điện tử có khoảng đo là -50℃ đến 300℃. Sai số của 2 nhiệt kế này lần lượt là ±5℃ và ±2℃.

Dưới đây là kết quả test:

  • C1: 60℃ – bếp giữ khoảng 52 – 55℃
  • C2: 80℃ – bếp giữ khoảng 74 – 75℃
  • C3: 100℃ – bếp giữ khoảng 77-80℃
  • C4: 120℃ – bếp giữ khoảng 90-93℃
  • C5: 140℃ – bếp giữ ở mức 95-99℃ (giới hạn nhiệt độ của nước) 

Có thể sự chênh lệch nhiệt độ khi đo đạc với nhiệt độ cài đặt của bếp là vì đầu của que thử của mình không ngập đủ trong nước mà mới chỉ ngập được 1/4. Nhiệt kế nấu ăn cũng chưa phải là loại có độ chính xác cao. Vì vậy mình tiếp tục thực hiện đo đã với dầu đậu nành.

Test với dầu đậu nành – max là khoảng 240℃

Với dầu đậu nành, nhiệt độ tối đa thường là khoảng 240℃, khi đạt nhiệt độ này sẽ có hiện tướng cháy dầu và lên khói. Que thử không ngập trong dầu vì thế phải đo bằng cách nghiêng nồi, dầu giữ nhiệt tốt nên việc nghiên nồi cũng không quá ảnh hưởng. Mình thực hiện test mỗi mức tối thiểu 3 lần.

Dưới đây là kết quả test:

  • C1 60℃ – bếp giữ ở mức 51-62℃
  • C2 80℃ – bếp giữ ở mức 66-72℃
  • C3 100℃ -bếp giữ ở mức 91-100℃
  • C4 120℃ – bếp giữ ở mức 114-121℃
  • C5 140℃ – bếp giữ ở mức 134-146℃
  • C6 160℃ – bếp giữ ở mức 154-167℃
  • C7 180℃ – bếp giữ ở mức 175-195℃
  • C8 200℃ – bếp giữ ở mức 187 – 209℃
  • C9 220℃ –  bếp giữ ở mức 233-240℃ (ở 240℃ dầu bắt đầu lên khói) 

Sau nhiều lần đo và test mình thấy có khuôn mẫu như sau: bếp sẽ chạy đến khi nhiệt độ hơi vượt ngưỡng, rồi sau đó mới dần ổn định về nhiệt được cài đặt. Ví dụ như khi đặt C7-180℃ , bếp chạy liên tục cho đến lúc bắt đầu ngắt, mình đo ngay lúc đó được 195℃ , sau đó tiếp tục duy trì thì 2 lần sau đo chỉ còn 178℃ và 175℃. 

Tương tự ở mức C9, bếp đẩy công suất lên cao nhất và khiến dầu bị vọt lên ngưỡng 240℃ rồi sau đó ngắt và rất lâu sau khi dầu nguội hơn về mức 233℃ thì bếp lại mới đóng/ngắt duy trì ở ngưỡng đó.

Điều này mình lý giải là vì cảm biến nhiệt độ nằm dưới mặt bếp, nên sẽ mất thời gian để nhiệt độ từ đáy nồi truyền qua lớp kính và đến với cảm biến, nên thường thì trong lòng nồi nhiệt độ có thể bị đẩy lên cao hơn mức chúng ta cài đặt một chút rồi mới quay về mức ổn định.

Nhận định

Sau 2 bài test, mình có những nhận định sau:

  • Chức năng cảm biến nhiệt độ có hoạt động khá ổn
  • Với ngưỡng 60-80℃, nhiệt độ thực tế có vẻ thấp hơn, khoảng 10℃
  • Vơi ngưỡng 100-200℃, nhiệt độ thực tế khi duy trì khá chính xác quanh ngưỡng
  • Với mức 220℃, nhiệt độ thực tế khi duy trì có thể sẽ cao hơn khoảng 10℃
  • Khi mới bắt đầu, bếp sẽ đẩy nhiệt lên cao trên mức cài đặt, rồi sau đó mới dần ổn định về mức nhiệt đó.

Ngoài ra, những bài test của mình sử dụng nhiệt kế nấu ăn cũng chưa phải là loại có độ chính xác cao, và đôi khi cũng không nhúng được đủ một nửa que thử vào để đo, nên cũng có thể ảnh hưởng phần nào đến độ chính xác.

Sử dụng thực tế với chảo nướng gang 

Xưa khi mình sử dụng chảo nướng gang với bếp từ Xiaomi Youth Lite, chỉ có các mức công suất cố định, để mức 1 là 250W thì không đủ nhiệt để nướng, để thứ 2 là 500W thì lại quá nóng làm cháy dầu, cháy đồ ăn. Nướng được 1 bữa thì phải chỉnh mức 1-2 lên xuống liên tục, khá vất vả mà trải nghiệm nướng với chảo gang vẫn tệ.

Nhưng khi dùng với bếp từ Lumias LK24-220B, cài đặt mức nhiệt C7-180℃ hay C8-200℃ đều rất ổn, nướng đồ ăn dễ chịu và nhàn hơn bếp Xiaomi Young Lite rất nhiều. Không làm cháy dầu và cháy đồ ăn, nhiệt ổn định từ đầu bữa đến cuối bữa không phải lo chỉnh cái bếp.

Tóm lại tính năng cảm biến nhiệt độ của Lumias rất rất đáng tiền và đây cũng là điểm mình thích nhất trên chiếc bếp từ này.

Ngoài ra, bếp cũng có tính năng hẹn giờ từ 1-99 phút, mình có test nhanh thì hoạt động hiệu quả, lúc hết giờ sẽ có 1 tiếng bíp báo hiệu. Tiếng này hơi ngắn, nếu kêu bíp tầm 5 lần sẽ ổn hơn.

Tính năng khoá trẻ em cũng có hoạt động, khi kích hoạt, tất cả phím bấm hay nút xoay đều sẽ bị vô hiệu hoá, ngoại trừ nút nguồn, trẻ em vẫn có thể tắt nguồn được. Nhưng nếu sau khi tắt nguồn và trẻ em ấn bật nguồn lại, tính năng khoá trẻ em cũng sẽ bị vô hiệu hoá. Và lúc này trẻ em có thể ấn nút chọn chức năng để kích hoạt bếp và điều khiển mọi thứ khác. Vì vậy, tốt nhất vẫn nên giám sát khi bếp hoạt động và không phụ thuộc vào tính năng khoá trẻ em này.

Kết luận

Tóm lại, Lumias LK24-220B là một chiếc bếp tốt hơn tầm giá, vì thường với mức giá 5-600,000đ chúng ta chỉ có các loại bếp từ cơ bản, chưa có nhiều tính năng. Cao hơn một chút tầm giá 8-900,000đ, bắt đầu có một số mẫu bếp từ có inverter, để những mức lửa nhỏ có thể cho ra công suất nhỏ liên tục chứ không đóng ngắt như bếp từ thông thường. Nhưng kể cả vậy, các bạn vẫn sẽ phải canh lửa canh điện chứ chưa có tính năng giữ cố định nhiệt độ.

Trong khi đó, Lumias LK24-220B là chiếc bếp có chức năng giữ nhiệt cố định, đây là một tính năng thông minh và rất tiện lợi, mình test và sử dụng thực tế thấy chức năng này hoạt động hiệu quả, đây cũng là chức năng hiếm thấy ở phân khúc giá của chiếc bếp này, đây cũng là lý do cho nhận định Lumias LK24-220B là một chiếc bếp tốt hơn tầm giá.

Các bạn có thể tìm mua chiếc bếp này tại gian hàng Lumias Official Store trên Shopee:

Ngoài ra, Ngon Bổ Xẻ có một món quà nhỏ dành cho các bạn:

  • Shopee: mã nhập tay <LUMI8FAPJ> giảm 100,000đ cho Lumias LK24-220B – hạn từ 0h 25/06/2024 đến 24h 28/06/2024.
  • Lưu ý: nhập voucher ở mục Voucher của Shop tại bước thanh toán chứ không phải mục Voucher của Shopee, và sau đó bạn sẽ áp dụng đồng thời được thêm Voucher của Shopee để tiếp tục giảm giá thêm lần nữa.

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được
5 /5
Based on 1 rating

Reviewed by 1 user

    • 5 ngày ago

    Tính năng hay vậy mà lên thấy giới thiệu sản phẩm không nhắc gì đến luôn, kì lạ thật. Sao bác biết mà review vậy?

      • 5 ngày ago

      Vì vô tình đọc trong Manual của sản phẩm ở nhà của một người bạn đó bạn 😀

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.