Toàn bộ chi phí sử dụng NAS Synology
Update mới nhất: 26/09/2023
Chi phí khi sử dụng NAS là một điều mà chắc chắn sẽ có nhiều bạn quan tâm. Vì thế hôm nay mình sẽ chia sẻ những chi phí để xây dựng và vận hành một chiếc NAS Synology tại nhà.
Bài viết sẽ được chia làm 2 phần, trong đó, phần đầu mình chia sẻ về chính bộ thiết bị và phần cứng mình đang sử dụng cũng như chi phí đi kèm. Phần sau mình sẽ đề xuất một bộ setup phù hợp cho năm 2023, vì bộ mình đang sử dụng đã từ 2 năm trước. Bài viết này cũng sẽ thuộc chuỗi bài viết Tất tần tật về ổ cứng mạng (NAS) cho cá nhân và gia đình, bạn sẽ tìm được nhiều thông tin hữu ích mình đã chia sẻ về NAS.
Nội dung chính
Nhu cầu sử dụng
Nếu hiện tại cả gia đình bạn chỉ đang sử dụng dưới 2TB dung lượng lưu trữ, chưa chia sẻ nhiều hơn 5 người và tốc độ của cloud vẫn có thể đáp ứng, chắc chắn cloud sẽ là lựa chọn tốt hơn, các bạn sẽ chưa cần dùng đến NAS.
NAS sẽ phù hợp khi mức dung lượng của cả gia đình bắt đầu ở ngưỡng 1TB và sẽ vượt qua 2 TB trong khoảng thời gian ngắn (1-2 năm), chia sẻ nhiều hơn 5 người, và cần tốc độ truy cập dữ liệu nhanh hơn, muốn quản lý tập trung toàn bộ dữ liệu tại một nơi thay vì rải rác dữ liệu ở nhiều tài khoản cloud, nhiều ổ cứng di động.
Trước đây mình có so sánh chi tiết ưu và nhược điểm của ổ cứng di động, ổ cứng mạng, và cloud, các bạn có thể tham khảo thêm tại đây.
Về phần mềm, đối với cá nhân và gia đình, ổ cứng mạng NAS Synology cũng sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu bao gồm:
- Sao lưu dữ liệu cá nhân và công việc
- Sao lưu ảnh và video
- Có Drive để đồng bộ dữ liệu thời gian thực, bài viết chi tiết về Drive tại đây
- Có Photos để sao lưu ảnh từ thiết bị di động, bài viết chi tiết về Photos tại đây
Chi phí thực tế
Chúng ta sẽ bắt đầu với setup của mình, với những lựa chọn về mức độ an toàn dữ liệu cao, có hầu hết các phương án phòng trừ cho các rủi ro cho dữ liệu.
Synology DS220+ giá 8,799,000đ
Mình chọn Synology thay về các thương hiệu khác vì nhận thấy họ mạnh về phần mềm, hệ sinh thái và cộng đồng người sử dụng. Mình chọn Synology DS220+ vì có khả năng mở rộng RAM, mà về sau này lại cần thiết cho tính năng nhận diện vật thể trong ứng dụng Photos. Mình mua chiếc DS220+ với giá 8,799,000đ vào cuối năm 2021.
Hai ổ cứng Seagate IronWolf for NAS 4TB với giá: 5,798,000đ
Mình cấu hình sử dụng một ổ để lưu trữ chính và ổ còn lại làm nhiệm vụ backup, phòng trường hợp đột tử ổ cứng mà không được báo trước, vì vậy mình có tổng 4TB để sử dụng. Ngày đó mình chỉ biết tìm ổ ‘for nas’ thế là ra mẫu Seagate này (ST4000VN008-2DR166), may mắn là nằm trong danh sách tương thích.
Synology cũng làm ổ cứng, có mẫu HAT3300-4T mức giá tương đương mà lại tương thích tốt, có ưu điểm là hỗ trợ cập nhật firmware cho ổ cứng (nếu có) từ NAS luôn.
UPS Prolink PRO851SFCU với giá 1,359,000đ
Đợt hè 2023, miền bắc thiếu điện và cắt điện luân phiên, mình mua thêm UPS Prolink PRO851SFCU, đây cũng là thiết bị có nhiều điều để nói đến khi sử dụng cùng NAS, vì vậy mình có review riêng một bài, các bạn có thể xem thêm tại đây nhé.
Mục đích là để dự phòng cho việc mất điện gây shutdown đột xuất, có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của NAS và ổ cứng. Chiếc UPS này sẽ giúp NAS có đủ thời gian để unmount ổ cứng và shutdown an toàn khi mất điện.
Các bạn có thể có một lựa chọn khác đó là PRO700SFCU sẽ có ác quy dung lượng nhỏ hơn, với mức giá thấp hơn (khoảng 800,000đ) mà vẫn sẽ đảm bảo chức năng tương tự phục vụ nhu cầu shutdown an toàn.
RAM 4GB giá 400,000đ
Ngoài ra có 1 option nữa, không bắt buộc phải có, nhưng mình thấy hữu dụng, đó là nâng cấp thêm một thanh Ram 4GB để hỗ trợ tính năng nhận diện vật thể trong ứng dụng Photos, tính năng này sẽ hữu ích nếu bạn muốn tìm kiếm ảnh bằng vật thể. Còn nếu chỉ cần nhận diện khuôn mặt, nâng cấp này sẽ không cần thiết.
RAM mở rộng của Synology là DS220+ là D4NESO-2666-4G, hiện có giá khoảng 2,000,000đ sẽ đảm bảo tương thích nhất. Tuy nhiên, các bạn cũng có thể sử dụng RAM đến từ các nhà sản xuất khác có thông số tương đương (4GB DDR4 2666MT/s Non-ECC Unbuffered SODIMM CL19) với mức giá các cửa hàng đang bán chỉ khoảng 400,000đ.
Một vài mẫu ram 4G có thể sử dụng với DS220+ đã được cộng đồng người sử dụng confirm đó là: Kingston KVR26S19S6/4, Samsung M471A5244CB0-CTD, Crucial CT4G4SFS8266, và một vài mẫu khác nữa.
Nhưng, mình vẫn lưu ý, khi sử dụng linh kiện không trong danh sách tương thích vẫn có thể sẽ có rủi ro, nhưng đối với RAM, rủi ro chỉ có thể ở mức NAS có thể sẽ không boot lên được thôi, không ảnh hưởng đến dữ liệu. Vì vậy, với mình, ram có thể dùng linh kiện của các thương hiệu khác được.
Tổng chi phí
Hạng mục | Chi phí |
---|---|
Synology DS220+ | 8,799,000 |
HDD 4TB (x2) | 5,798,000 |
UPS (optional) | 1,359,000 |
RAM 4GB (optional) | 400,000 |
Tổng chi phí cho thiết bị | 16,356,000 |
Với tiền điện, mình từng đo tại bài viết này, mức tiêu thụ điện trung bình DS220+ là khoảng 14.6W/h và 350W/ngày, 1 năm là khoảng 128kWh, tính với điện bâc 6 cao nhất (3,015đ/kWh) cũng chỉ tốn 386,000đ/năm. Tuy nhiên, mình chỉ tính đơn giản thôi, chưa có các yếu tố như giá điện tăng giá.
Tiền mạng internet là chi phí chung chứ không phải của riêng NAS nên mình không cần tính vào đây nữa.
Tổng kết toàn bộ chi phí cho chiếc ổ cứng mạng với 4TB sử dụng của mình với mức độ an toàn dữ liệu khá cao, đã loại trừ gần như toàn bộ các rủi ro về phần cứng và cung cấp đủ khả năng về phần mềm, với dự kiến sử dụng tốt trong vòng 5 năm sẽ là:
16,356,000đ + (386,000đ x 5) = 18,286,000đ (3,657,200đ/năm)
Ngoài chi phí có thể đong đếm được, bạn sẽ mất thêm khoảng 30 phút setup ban đầu, mất thời gian tìm hiểu thêm nhiều tính năng và cũng sẽ thi thoảng mất thời gian để kiểm tra, rà soát cũng như bảo trì hệ thống định kỳ.
So sánh nhanh với giá một số gói cloud cho mức dung lượng tương đương trong 5 năm, nếu cloud giữ nguyên giá:
- Google One: 2,250,000 x 2 x 5 = 22,500,000đ (2 tài khoản, mỗi tài khoản mua 1 gói 2TB)
- Microsoft 365 Family: 1,200,000 x 5 = 6,000,000đ (cho 6 tài khoản 1TB)
- Giá gốc của gói 365 Family là 1,990,000đ nhưng trên các gian hàng chính hãng hoặc đại lý uỷ quyền của Microsoft thường chỉ bán với mức giá 1,200,000đ-1,300,000đ mà thôi, khi nào có sale sẽ có thể mua được với giá 1,000,000đ
Lợi ích đem lại
Với mình, ngoài những nhu cầu cơ bản ban đầu như là Drive và Photos, sau 2 năm sử dụng mình thấy còn có những lợi ích sau từ NAS:
- Hiểu thêm về cách quản lý dữ liệu và thiết lập hệ thống mạng nhằm chủ động quản lý tập trung dữ liệu của bản thân và gia đình
- Tốc độ truy cập file cao, kể cả khi đứt cáp biển
- Có thể truy cập “offline”
- Có DDNS free của Synology
- Có sẵn nơi lưu trữ cho IP camera
- Có nơi để back-up Time Machine không dây 24/7, có thể mount folder từ NAS vào PC qua SMB
- Có nơi lưu trữ nhạc và có thể nghe offline mọi lúc mọi nơi
- Có Snapshot Replication để phòng trường hợp ramsomware tấn công sẽ khôi phục dữ liệu nhanh chóng. Có Hyper Backup để sao lưu dữ liệu. An toàn dữ liệu cao, bảo mật dữ liệu cao.
- Và cũng còn nhiều tính năng khác chờ mình khai thác thêm trong tương tai nữa
Setup khuyến nghị
Ngoài những khuyến nghị mình đưa ra trong phần này, các bạn nên tham khảo thêm một vài công cụ từ nhà sản xuất như:
- Hướng dẫn tổng quan về Synology NAS: NAS từ A-Z
- Công cụ chọn NAS theo nhu cầu của Synology: NAS Selector
- Công cụ tính RAID để tính mức dung lượng cần thiết: RAID Calculator
- Kiểm tra tương thích cho HDD, RAM, UPS: Compatibility List
Đây sẽ là những trang rất hữu ích trong việc giúp bạn lựa chọn một chiếc NAS. Ngoài ra, nếu đã lựa được một vài mẫu, hãy xem kỹ thông số kỹ thuật của cả phần cứng lẫn phần mềm để hiểu được khả năng và những hạn chế của thiết bị.
Hiện tại vào thời điểm cuối 2023 đầu 2024, mình sẽ có khuyến nghị như sau, vẫn với các nhu cầu cơ bản của cá nhân và gia đình đó là lưu trữ dữ liệu, sao lưu ảnh, video. Khả năng nhận diện vật thể mình thấy hữu ích vì vậy mình cũng sẽ khuyến nghị một cấu hình có thể sử dụng tính năng này.
Hạng mục | Chi phí |
---|---|
Synology DS224+ Giá tốt hơn cả DS220+ vào thời điểm mới ra mắt. Nâng cấp nhẹ CPU lên quad-core (từ dual-core) mà vẫn giữ nguyên mức tiêu thụ điện tiết kiệm | 8,600,000 |
HDD 4TB (x2) – Synology HAT3300-4TB (HAT3300-4T) Option khác: – Seagate IronWolf for NAS (ST4000VN006) – WD Red Plus (WD40EFPX) | 5,500,000 |
UPS PRO700SFCU (optional) | 800,000 |
RAM 4GB Các dòng ram tương thích với DS220+ cũng tương thích với DS224+ | 400,000 |
Tổng chi phí cho thiết bị | 15,300,000 |
Với setup như vậy mức giá sẽ là khoảng 15,300,000 cho thiết bị và mức tiêu thụ điện của DS224+ tương đương với DS220+ vì vậy dự kiến chi phí cho 5 năm sử dụng sẽ là:
15,300,000 + (386,000đ x 5) = 17,230,000đ (3,446,000đ/năm)
Nếu như nhận diện vật thể không phải là tính năng mà bạn cần sử dụng, các bạn có thể tiết kiệm chi phí bằng cách sử dụng DS223 (khoảng 7,000,000đ) hoặc DS223j (khoảng 5,000,000đ). Đây cũng là 2 mẫu được Synology định hướng cho người dùng cá nhân và gia đình với mức đầu tư thiết bị thấp hơn.
Một gợi ý khác
Nếu bạn đang sử dụng các dịch vụ Cloud để lưu trữ dữ liệu, nhưng tốc độ của cloud chậm khiến công việc của bạn bị ảnh hưởng hoặc gián đoạn, các bạn có thể sử dụng NAS như một “bộ nhớ đệm” cho cloud, vừa tăng thêm một vị trí lưu trữ dữ liệu nhằm tăng tính an toàn cho dữ liệu, tránh các trường hợp như mất tài khoản cloud, vừa truy cập dữ liệu với tốc độ cao hơn khi có các lợi thế về đường truyền của NAS.
Nếu đã có cloud “chống lưng”, về cơ bản chúng ta không cần phải lo về hư hỏng vật lý dẫn đến rủi ro dữ liệu, vì vậy những mẫu 1-bay đã có thể đáp ứng được nhu cầu “bộ nhớ đệm” để tăng tốc truy cập rồi. Trên Synology NAS có ứng dụng Cloud Sync để thực hiện việc đó, ứng dụng này cho phép chúng ta đồng bộ dữ liệu từ nhiều tài khoản Cloud từ nhiều nhà cung cấp khác nhau vào NAS, vẫn giúp bạn quản lý được dữ liệu tập trung.
Ví dụ với gói Google 2TB, bạn có thể kết hợp với Synology DS120j, với chi phí 5 năm khoảng:
- Google 2TB: 2,250,000đ/năm x5 = 11,250,000đ (nếu giá gói giữ nguyên)
- DS120j: 3,000,000đ
- HDD 2TB: 2,200,000đ (hoặc 4TB giá 2,750,000đ, sẽ có thêm dung lượng để backup chẳng hạn)
- Tiêu thụ điện DS120j: 265,000đ/năm x5 = 1,325,000
- Tổng 5 năm: 17,775,000đ
Ví dụ với gói Microsoft 365 Family, bạn sẽ có 6TB, vẫn kết hợp với DS120j:
- Microsoft 365 Family: 1,200,000đ/năm x5 = 6,000,000đ (nếu giá gói giữ nguyên)
- DS120j: 3,000,000đ
- HDD 6TB: 5,000,000đ
- Tiêu thụ điện DS120j: 265,000đ/năm x5 = 1,325,000
- Tổng 5 năm: 15,325,000đ
Đây cũng là một giải pháp hay nếu như bạn đang sử dụng cloud mà muốn có tốc độ truy xuất tốt hơn, có nơi quản lý dữ liệu tiện lợi hơn, và có thêm hệ sinh thái NAS để sử dụng cũng như có được các lợi ích từ một chiếc server tại địa bàn hoạt động.
Hi vọng bài viết này đã giải đáp thắc mắc và giúp các bạn hình dung được về các chi phí khi sử dụng NAS. Cám ơn các bạn đã quan tâm theo dõi.
Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️
Chia sẻ bài viết:
Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết