Review chi tiết Onyx Boox Poke 5 và so sánh với Poke 3

Review chi tiết Onyx Boox Poke 5 và so sánh với Poke 3

Onyx Book Poke 5 có thể được coi là một chiếc máy đọc sách chạy Android nhưng cũng có thể coi là một chiếc máy tính bảng được trang bị màn hình e-ink. Đây là một phiên bản nâng cấp của chiếc Poke 3 tiền nhiệm. Trong bài viết này, mình sẽ review chi tiết chiếc máy đọc sách đầy thú vị này và tất nhiên, mình sẽ có so sánh với chiếc Poke 3 mà mình vẫn đang sử dụng.

Với cá nhân mình, sau khi trải nghiệm Poke 3, Leaf 2 cũng như Paperwhite 5, kích cỡ và trọng lượng của Poke 3 vẫn là điểm mình thích nhất vì vậy mình vẫn đang sử dụng làm máy chính. Mình cũng đã từng review chi tiết về máy đọc sách trên, các bạn có thể tham khảo tại đây: Poke 3, Leaf 2, Paperwhite 5

Chiếc Onyx Boox Poke 5 trong bài viết này mình mượn của Máy Đọc Sách Tốt. Cám ơn cửa hàng Máy Đọc Sách Tốt đã nhiệt tình cho mình mượn sản phẩm để trải nghiệm và viết bài đánh giá này. Ở phía cuối bài viết sẽ có một món quà nho nhỏ từ Ngon Bổ Xẻ và Máy Đọc Sách Tốt dành tặng đến các bạn.

Thiết kế phần cứng

Vẫn giữ thiết kế nhỏ gọn, vẫn hướng đến đối tượng khách hàng thích sự nhỏ gọn và tính di động cao, Poke 5 có kích thước gần như tương đương với Poke 3

  • Poke 5: 148 × 108 × 6.8 mm và nặng 160g
  • Poke 3: 153 x 107 x 6.8 mm và nặng 150g

Poke 5 ngắn hơn Poke 3 một chút và đến từ việc nhà sản xuất đã thu nhỏ cạnh dưới của màn hình. Theo thông số công bố, Poke 5 và Poke 3 dày như nhau nhưng khi mình cầm thực tế, Poke 5 dày hơn Poke 3 tầm 1mm và khối lượng của Poke 5 cũng nặng hơn Poke 3 một chút.

boox poke 5 vs boox poke 3
boox poke 5 vs boox poke 3

Chất liệu nhựa sử dụng trên Poke 5 cũng đã được thay đổi giống với Leaf 2, cho cảm giác cứng cáp, dày dặn và chắc chắn hơn nhựa của Poke 3.

boox poke 5 vs boox poke 3

Về khả năng cầm nắm, sự chênh lệch về kích thước hay khối lượng không đem lại quá nhiều khác biệt, mà đến từ thiết kế bên ngoài của Poke 5, giờ đây đã được hoàn thiện khá giống với Leaf 2, tức là cạnh bên được bo cong nhẹ thay vì phẳng như Poke 5.

boox poke 5 vs boox poke 3

Tuy nhiên vẫn có một điểm yếu của Poke 3 mà vẫn gặp trên Poke 5 đó là phần viền nhựa nhô lên để bảo vệ màn hình vẫn mảnh và là nhựa cứng nên sẽ hơi cấn tay một chút. Và Onyx vẫn chưa có tính năng chống nước cho Poke 5.

boox poke 5 vs boox poke 3

Về thiết kế phần cứng, máy vẫn có 1 nút nguồn ở cạnh trên, một cổng USB-C và micro thu âm ở cạnh dưới. Nâng cấp so với Poke 3 là trên Poke 5 đã có thêm khe cắm thẻ nhớ, đây là một điểm tốt giúp chúng ta có thể mở rộng bộ nhớ.

boox poke 5 top view

Tuy nhiên, nếu soi kỹ phần cạnh dưới máy sẽ có một vài điểm mình chưa ưng lắm:

  • Cổng USB đặt lệch xuống cạnh dưới chứ không chính giữa
  • Khe thẻ nhớ cũng vậy, đặt lệch xuống dưới
  • Mic ở gần khe thẻ nhớ, có thể gây nhầm lẫn đó là lỗ chọc để tháo khe thẻ nhớ
  • Vẫn chưa có loa ngoài, một trang bị rất nên có
boox poke 5 bottom view

Ngoài ra, có một điểm mình đánh giá rất cao đó chính là Poke 5 đã hỗ trợ cover nam châm. Đây là một tính năng rất tiện lợi, vẫn có tác dụng bảo vệ máy khi chúng ta nhét vào cặp hay balo, đến khi cầm máy để đọc lại có thể nhanh chóng tháo cover ra để máy gọn nhẹ và dễ cầm nắm hơn. Ngoài ra, cover cũng sẽ có tính năng giúp máy tự sleep / tự mở máy khi chúng ta đóng / mở cover. Khi sử dụng Poke 3, cover là dạng băng keo 2 mặt, mình không tháo lắp được tiện lợi được như cover nam châm của Poke 5 vì vậy mình cũng tháo bỏ cover sau 1 thời gian ngắn sử dụng.

Màn hình

Poke 5 vẫn sử dụng tấm nền E-Ink Carta Plus với mật độ điểm ảnh 300 ppi, vẫn như mọi máy đọc sách khác ở thời điểm hiện tại. Vẫn có một tấm kính phẳng ở trên đem lại cảm giác thân thiện cho các thao tác cử chỉ mà vốn Boox làm rất tốt. Vẫn có sự tối ưu về tần số làm mới màn hình như mọi thiết bị khác của hãng. Có lẽ không có quá nhiều điều để nói về màn hình này. Vẫn là một chiếc màn hình rất tốt và rất nét.

boox poke 5 screen

Đèn màn hình sẽ có nhiều điều để nói hơn. Điểm mình rất thích đó là tông đèn ấm trên Poke 5 đã sử dụng ánh sáng vàng giống Leaf 2, không còn là ánh sáng cam như Poke 3, giúp tông ấm trên Poke 5 dễ chịu hơn nhiều.

boox poke 5 vs boox poke 3 light

Đèn màn hình trên Poke 5 cũng đã đều hơn, vẫn có một số điểm nếu soi kỹ sẽ hơi lệch sáng đôi chút, chủ yếu là gần khu vực viền màn hình nhưng cá nhân mình thấy đã cải thiện hơn nhiều so với Poke 3 và mình rất hài lòng với sự cải thiện này.

Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý đó đèn màn hình của Poke 5 đã có phần tối hơn so với Poke 3. Ở mức thấp nhất, Poke 5 không còn gây chói khi sử dụng lúc chuẩn bị ngủ, đây là điểm mình thích. Nhưng… với mức cao nhất, độ sáng của Poke 5 cũng chỉ ngang với mức 80-85% của Poke 3 (và Leaf 2), đây lại là một điểm trừ đáng tiếc, vì độ sáng cao hơn sẽ giúp chúng ta đọc tốt hơn khi có nhiều ánh sáng nhiễu ở xung quanh.

Mình đã thực hiện 1 loạt ảnh để so sánh về độ sáng màn hình của 2 chiếc máy này. Mình set thông số chụp thủ công như ISO, tốc độ màn trập và cân bằng trắng cố định, để thông số các bức ảnh giống nhau và điều chỉnh độ sáng theo từng mức trên 2 máy để so sánh độ sáng được chính xác hơn. Poke 5 ở bên trái và Poke 3 ở bên phải.

Đầu tiên là với độ sáng cao nhất trên cả 2 máy

Review chi tiết Onyx Boox Poke 5 và so sánh với Poke 3

Bật cả 2 đèn

Độ sáng cao nhất

Review chi tiết Onyx Boox Poke 5 và so sánh với Poke 3

Chỉ bật đèn trắng

Độ sáng cao nhất

Review chi tiết Onyx Boox Poke 5 và so sánh với Poke 3

Chỉ bật đèn vàng

Độ sáng cao nhất

Kế tiếp là mình chỉnh độ sáng trên Poke 3 thấp xuống, ở mức khoảng 80% để sáng bằng với Poke 5, vẫn giữ nguyên thông số camera.

Review chi tiết Onyx Boox Poke 5 và so sánh với Poke 3

Bật cả 2 đèn

Poke 5 100% – Poke 3 80%

Review chi tiết Onyx Boox Poke 5 và so sánh với Poke 3

Chỉ bật đèn trắng

Poke 5 100% – Poke 3 80%

Review chi tiết Onyx Boox Poke 5 và so sánh với Poke 3

Chỉ bật đèn vàng

Poke 5 100% – Poke 3 80%

Cuối cùng mình hạ độ sáng màn hình xuống mức thấp nhất, và phải nâng ISO của máy ảnh lên để chụp được rõ hơn, các thông số khác mình không thay đổi.

Review chi tiết Onyx Boox Poke 5 và so sánh với Poke 3

Bật cả 2 đèn

Mức sáng thấp nhất

Review chi tiết Onyx Boox Poke 5 và so sánh với Poke 3

Chỉ bật đèn trắng

Mức sáng thấp nhất

Review chi tiết Onyx Boox Poke 5 và so sánh với Poke 3

Chỉ bật đèn vàng

Mức sáng thấp nhất

Đèn màn hình của Poke 5 sẽ chỉ gặp bất lợi nếu bạn cần mức sáng cao nhất để đọc sách tại nơi có nhiều ánh sáng nhiễu, còn nhìn chung về tổng thể tông màu, về độ đều và về độ sáng mình vẫn đánh giá đèn của Poke 5 đủ tốt.

Cấu hình và hiệu suất

Máy vẫn có 32GB bộ nhớ trong và 2 GB ram như các đời trước (Leaf 1, Poke 3) nên cũng không có quá nhiều khác biệt và mình thấy vẫn đáp ứng nhu cầu của một chiếc máy đọc sách. Tuy nhiên, SoC (CPU) đã có sự thay đổi và có sự khác biệt lớn.

Không nằm ngoài dự đoán của mình, Poke 5 đã sử dụng con chip giống với Leaf 2, đó là sử dụng chip 4 nhân 2.0Ghz của Qualcomm, trên trang chủ không công bố là chip gì, và từ phần mềm Device Info cũng không hiện thông số của con chip này. Tuy nhiên, GPU tích hợp là Adreno 702, và sau khi xem một số nguồn trên mạng [1], [2] về GPU này, mình tìm thấy loại SoC sử dụng loại GPU này là Qualcomm QCM/QCS2290, cũng có xung nhịp 2.0 Ghz như công bố của nhà sản xuất, vì vậy khả năng cao là Poke 5 sử dụng con chip giống với Leaf 2, và cũng là một thay đổi so với Leaf 1 hay Poke 3 (SoC QC SDM636 8 nhân 4x 1.61Ghz + 4x 1.80Ghz, min 634Mhz)

CPU trên Poke 5 xung nhịp tối đa cao hơn đời cũ nhưng số nhân lại ít đi. Trải nghiệm về tốc độ xử lý và phản hổi mình không thấy quá nhiều khác biệt. Tốc độ chuyển trang và tốc độ cuộn khi lướt web cũng không khác biệt quá nhiều. Một lý do quan trọng hơn cả đó là để tối ưu thời lượng pin, khi mà con CPU 2290 của Qualcomm có thể giảm xung nhịp tối thiểu của Poke 5 xuống 300Mhz (vs 634Mhz trên Poke 3)

Chính vì vậy, dù dung lượng pin vẫn là 1500mAh, tương đương Poke 3, nhưng Poke 5 cho thời gian On-Screen rất ấn tượng mà mình sẽ chia sẻ ngay ở phần tiếp theo

Thời lượng pin

Tương tự như Leaf 2 trước đây, mình cũng sử dụng chung phương pháp để test thời lượng pin của Poke 5 như sau:

  • Wifi off, Bluetooth off, Airplane on
  • Độ sáng 50% toàn bộ thời gian test, bật cả trắng và vàng
  • Lật trang tự động 15s / trang
  • On-screen liên tục, suốt thời gian test

Và kết quả thu được:

Thời gianMức pin
6:05pm100%
9:05am (+1 ngày)56%
8:33pm21%
9:15pm18%

Mình kết thúc bài test ở 18% pin, tiêu tốn 82% pin tương đương 27 tiếng 10 phút On-Screen lật sách liên tục. Tức là mỗi 10% pin sẽ cho các bạn khoảng 3 tiếng 19 phút đọc sách và 100% pin sẽ cho chúng ta khoảng 33 tiếng.

Mặc dù pin của Poke 5 nhỏ hơn Leaf 2 500mAh, nhưng có thể vì màn hình bé hơn (và đèn màn hình tối hơn?) nên thời lượng sử dụng cũng vẫn cực kì tốt, xấp xỉ thời lượng sử dụng của Leaf 2. Và thời lượng pin này đã gấp đôi thời gian On-Screen của Poke 3, và rõ ràng CPU mới và những tinh chỉnh của nhà sản xuất đã đem lại hiệu quả cao trong việc sử dụng năng lượng.

Với việc chạy hệ điều hành Android, nếu chỉ để máy ở chế độ standby và không sử dụng chức năng tự động tắt máy (Power-off), sẽ tốn khoản 5% pin một ngày cho việc standby, đây cũng không phải một con số quá nhiều, nhưng tất nhiên khó có thể so sánh với các loại máy đọc sách truyền thống, khi mà thời gian chờ có thể kéo dài vài tháng thay vì 15-20 ngày. Tuy nhiên, vài ngày cắm sạc máy đọc sách 1 lần cũng không phải là điều gì gây phiền phức

Những điểm đặc biệt của Poke 5 và Boox nói chung

Đây là những điểm mình đã từng chia sẻ rất chi tiết trong bài review về Poke 3 và Leaf 2, trên Poke 5 mình thấy tương đương, vì vậy sẽ chỉ tóm tắt nhanh ở bên dưới

  • Sử dụng hệ điều hành Android được tuỳ biến, có thể cài ứng dụng từ Google Play Store
  • Có nhiều thao tác cử chỉ như vuốt cạnh dưới để điều hướng, vuốt cạnh bên để điều chỉnh độ sáng, âm lượng
  • Phần mềm đọc mặc định NeoReader rất tốt, đặc biệt là tính năng Text-to-Speech (của Google) có thể dùng offline và có tiếng Việt. Hỗ trợ đọc PDF cực tốt với các tính năng auto-crop và scrolling view, hoặc có thể sử dụng Reflow
  • Có kho sách riêng. Có BooxDrop, quản lý bộ nhớ của máy qua mạng LAN, có thể gửi vào, lấy ra, sắp xếp, xoá dữ liệu, sách, ảnh… trên máy đọc sách Boox qua ứng dụng hoặc trình duyệt. Có Push, để gửi sách qua internet. Có Near-by Share của Google để gửi file qua lại giữa các máy Android
  • Có thể kết nối các phụ kiện như loa, điều khiển từ xa… qua bluetooth. Có thể kết nối USB OTG với các thiết bị như ổ lưu trữ, chuột, phím…

Những điểm nâng cấp so với Poke 3

Phần này mình sẽ tổng hợp lại những điểm nâng cấp so với Poke 3

  • Cách hoàn thiện, chất liệu vỏ, bo cong phần viền -> đem lại cảm giác cầm nắm tốt hơn
  • Hỗ trợ thẻ nhớ -> người dùng có thể thoải mái gia tăng dung lượng
  • Đèn màn hình tông vàng đẹp hơn, độ đều màu tốt hơn
  • CPU mới tiết kiệm điện năng hơn -> thời lượng On-Screen đọc sách gấp đôi Poke 3
  • Hỗ trợ cover nam châm

Những điểm còn thiếu sót của Poke 5

Một số điểm vẫn còn thiếu sót hoặc chưa chịu cải tiến, nâng cấp của Poke 5

  • Cụm khe thẻ nhớ, lỗ mic, cổng USB-C ở cạnh dưới chưa đẹp
  • Viền nhựa quanh màn hình vẫn còn cấn
  • Vẫn chưa có loa ngoài
  • Vẫn chưa có tự động xoay màn hình
  • Độ sáng màn hình thấp hơn Poke 3
  • Đã không còn tính năng Screen Cast, có lẽ là vì CPU mới không còn hỗ trợ tính năng này, nhưng đây cũng không phải tính năng quá hữu dụng cho lắm với một chiếc máy đọc sách

Tổng kết

Poke 5 vẫn là một chiếc máy đọc sách 6 inch rất tốt ở thời điểm này với những nâng cấp khá đáng kể khi so với Poke 3.

Nếu hỏi mình, có nên nâng cấp từ Poke 3 lên Poke 5, cá nhân mình chưa thấy có đủ động lực để nâng cấp, nếu Poke 5 mà có loa ngoài có lẽ mình sẽ nâng cấp ngay. Nhưng nếu bảo mình nâng cấp từ máy đọc sách truyền thống hay chọn mua một chiếc máy đọc sách 6 inch chạy Android ngon lành nhất thời điểm này, mình sẽ chọn Poke 5.

Với mình Onyx vẫn làm ra những chiếc máy đọc sách Android rất tốt từ chất lượng hoàn thiện phần cứng, tối ưu hệ điều hành, giao diện sử dụng cũng như có những tính năng cần thiết mà không cố nhồi nhét những thứ dư thừa.

Cám ơn cửa hàng Máy Đọc Sách Tốt đã nhiệt tình cho mình mượn sản phẩm để trải nghiệm và viết bài đánh giá này. Các bạn có thể tham khảo sản phẩm Onyx Boox Poke 5 tại đây.

Ngoài ra, một món quà đặc biệt dành cho độc giả của Ngon Bổ Xẻ. Khi mua hàng tại Máy Đọc Sách Tốt, các bạn hãy sử dụng coupon NGONBOXE để được giảm ngay 2% tổng đơn hàng áp dụng với giá đã khuyến mãi trên website, không giới hạn giá trị đơn hàng, không giới hạn mức giảm tối đa và cũng không giới hạn số lần sử dụng. Đây là một món quà đặc biệt mà Ngon Bổ Xẻ và Máy Đọc Sách Tốt dành tặng tới các bạn

Review chi tiết Onyx Boox Poke 5 và so sánh với Poke 3

Cách sử dụng:

  • Online: Các bạn điền coupon vào phần ‘Mã ưu đãi’ trong giỏ hàng trước khi tiến hành thanh toán
  • Offline: Các bạn mở bài viết này hoặc phần mô tả trên Video Youtube và đưa mã giảm giá cho các bạn thu ngân để áp dụng cho đơn hàng của bạn nha

Bài review xin được kết thúc tại đây. Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết, chúc các bạn lựa chọn được máy đọc sách phù hợp với nhu cầu và cũng hi vọng càng ngày sẽ càng có nhiều người đọc sách hơn.

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.