Review chi tiết máy đọc sách Onxy Boox Poke 3
Update mới nhất: 11/08/2023
Xin chào các bạn, hôm nay mình sẽ review chi tiết về chiếc máy đọc sách Onyx Boox Poke 3 và chia sẻ với các bạn một số điểm mình thấy rất hay mà chiếc máy đọc sách này có. Mình mới chỉ dùng hơn 2 tuần nhưng vì đã có nhiều ấn tượng tốt nên lên bài review luôn cho hot
Dạo gần đây nhu cầu đọc sách của mình tăng cao còn nhu cầu giải trí lại giảm xuống vì vậy mình đã bán chiếc iPad Mini 4 đi để mua chiếc máy đọc sách này. Mình mua chiếc Poke 3 này là máy đã qua sử dụng với mức giá 2.900.000 kèm theo sạc cáp và một phụ kiện hay ho mình sẽ chia sẻ thêm ở cuối bài. Vậy sao mình lại chọn Boox Poke 3 chứ không phải bất kỳ thương hiệu nào khác như Kindle hay Kobo dù mình có quan tâm và đã theo dõi máy đọc sách từ khá lâu rồi (từ thời PPW đời đầu)
Đó chính là vì Poke 3 chạy Android. Với mình, Android đã mở ra rất nhiều điều trên máy đọc sách, và gần như giải quyết được hầu hết các vấn đề mà các loại máy đọc sách truyền thống đang gặp phải. Chính vì thế nó là động lực lớn để mình xuống tay cho một chiếc máy đọc sách Android. (Update: thêm một thiết bị nữa đến từ Onyx khiến mình thấy rằng Android sẽ thay đổi máy đọc sách rất nhiều trong tương lai, đó chính là Onyx Boox Leaf 2, mình có review chi tiết tại đây)
Mình biết, mình biết, sẽ nhiều bạn nói rằng “chạy Android để làm gì khi mà chỉ là máy đọc sách” hay “chạy Android rồi lại xao nhãng bởi vô số những thứ khác”. Ban đầu mình cũng phân vân lắm, giữa một chiếc máy chuyên đọc sách hay một chiếc máy đọc sách Android. Nhưng rồi, mình vẫn bị Android thuyết phục, mình sẽ chia sẻ rõ hơn về lý do của mình trong bài này nhé.
Nội dung chính
Review cơ bản
Thiết kế
Poke 3 có cỡ màn hình 6 inch, tức là phân khúc có thể coi là nhỏ nhất của máy đọc sách, vì vậy cũng sẽ hướng đến khách hàng có nhu cầu chính là nhỏ nhẹ. Và mình đánh giá Onyx làm điều đó rất tốt.
Kích thước của Poke 3: 153 x 107 x 6.8 mm và nặng 150g
So với PPW 4: 167 x 116 x 8.18 mm và nặng 182g
So với Kobo Clara HD: 159.6 x 110 x 8.35 mm và nặng 166g
So với những chiếc máy cùng kích cỡ màn hình 6 inch, có thể thấy kích thước lẫn cân nặng của Poke 3 là nhỏ nhất, nhẹ nhất và mỏng nhất. Và việc cầm trên tay một chiếc máy mỏng nhỏ nhẹ như vậy có thể khiến mình đọc nhiều tiếng liên tục rất đã và không mỏi tay.
Tuy nhiên, nhược điểm trong thiết kế của Poke 3 đó là chiếc máy này bo cong hơi ít ở các góc, các viền nên cảm giác cầm nắm sẽ hơi có chút gì đó cứng cáp như vẻ bề ngoài mà không được êm ái mềm mại như những mẫu máy bo cong nhiều hơn. Phần viền trên màn hình cũng có nhô lên một chút để bảo vệ màn hình nhưng đó lại là nhựa cứng nên không được mềm tay lắm. Mặt lưng nhựa cứng cũng để lại nhiều dấu vân tay nên sẽ thường xuyên phải lau hơn.
Và có một nhược điểm khá đáng tiếc là máy không hỗ trợ khả năng chống nước, vì vậy với những bạn hay đọc sách khi tắm hoặc lúc trời mưa thì chiếc máy này chắc chắn không phù hợp. Các bạn cũng cần cẩn thận hơn khi đọc sách ở gần những nguồn nước dồi dào như bờ hồ, bể bơi, bờ sông, bờ suối và bờ biển…
Phần cứng
Màn hình
Như bao máy đọc sách khác và cũng đã được nhiều người đề cập. Màn hình e-ink trên máy đọc sách mô phỏng một trang giấy, không khiến chúng ta mỏi mắt khi sử dụng vì bản thân nó không phát ra ánh sáng (bao gồm cả ánh sáng xanh).
Ra nơi có ánh sáng thì màn hình cũng tương phản tốt và rõ ràng, ánh sáng xung quanh càng sáng thì màn e-ink lại càng sáng và dễ đọc vì nó là màn hình phản chiếu chứ không phải màn hình phát quang, không bị loá bóng và ngược sáng như các loại màn hình LCD. Khi vào nơi tối, sẽ có các bóng đèn hắt từ mép màn hình e-ink để chiếu sáng cho màn hình
Hầu như các máy đọc sách trong phân khúc đều sử dụng màn hình E-Ink Carta, có con thì Carta 1200, con thì Carta HD, và Poke sử dụng Carta Plus theo thông số được công bố. Thật sự mình có lên trang chủ của E-Ink để xem có gì khác nhau không nhưng cũng không tìm được quá nhiều thông tin để phân biệt cụ thể các loại Carta đó.
Với Poke 3 thì màn hình E-ink có mật độ điểm ảnh 300ppi, cũng tương đương các mẫu máy khác, cũng có chỉnh độ sáng màn hình 2 tông màu trắng và vàng.
Trên Poke 3, nhà sản xuất đã có thêm tính năng tối ưu màn hình bằng cách bổ sung thêm E-ink Center cho phép chúng ta chọn các chế độ phù hợp và điều chỉnh độ tương phản. Sẽ có 4 chế độ tuỳ chỉnh như
- Bình thường: như bao máy đọc sách khác, phù hợp để đọc sách chữ
- Speed: Hơi có bóng mờ nhưng tăng tốc độ chuyển trang, phù hợp với sách có nhiều hình ảnh
- A2: Sẽ có bóng mờ rõ ràng hơn nhưng phù hợp để cuộn trang với hình ảnh và chữ
- X Mode: Có thể gây mất chi tiết, bóng mờ nặng nhưng tốc độ làm mới sẽ đủ nhanh phù hợp để lướt web và xem video
Bản thân mình thì không mấy khi dùng đến các chế độ như A2 và X mode vì mình hầu như mới chỉ đang đọc sách chữ trên Poke 3. Nhưng có thêm lựa chọn luôn là điều tốt. Và bạn cũng có thể chọn từng chế độ tương ứng với từng ứng dụng mà bạn muốn ở phần App Management/ Refresh Setting
Một điểm mình thích ở màn hình của chiếc Poke 3 này đó là phần mặt kính cảm ứng nó không bị thấp xuống so với phần viền màn hình vì thế các thao tác vuốt rất ổn. Màn hiển thị cũng không bị chìm quá sâu khiến trang sách nổi cao hơn và gần mặt kính hơn. Nó chưa sát hẳn vào mặt kính vì còn cần chỗ để trang bị đèn nền nhưng việc đó cũng không quá gây ảnh hưởng đến việc đọc.
Còn một điểm mình không thích là việc đèn nền bố trí không được đều nên vẫn có hiện tượng bị lệch sáng. Mình có tham khảo trên các nhóm thì có vẻ như các dòng máy cùng phân khúc không riêng gì Boox Poke 3 mà cả các hãng khác nữa, mỗi loại lại lệch sáng một kiểu, một khu vực khác nhau. Như máy mình thì có phần viền dưới màn hình sẽ sáng trắng hơn các khu vực khác đôi chút. Tuy không ảnh hưởng gì đến việc đọc sách nhưng đôi khi vẫn thấy không được đẹp mắt. Các bạn nào dùng các dòng máy khác thử xem và confirm vụ này xem sao nhé
Cấu hình và hiệu suất
Máy sử dụng chip 8 nhân 1.8Ghz, ram 2GB, bộ nhớ trong 32GB và chạy Android nhưng mình cảm thấy đã được rút gọn đi rất nhiều và không phải cõng quá nhiều ứng dụng mặc định thừa thãi của Android. Với nhu cầu đọc sách thì mình thấy máy hoàn toàn đủ đáp ứng.
Về SOC, chip 8 nhân này mình xem trong ứng dụng Device Info cài trong máy là con chip Snapdragon 636 cùng GPU Adreno 509. CPU có 8 nhân, 4 x 1.61 Ghz và 4 x 1.8Ghz, tối độ tối thiểu là 634 Mhz (tốc độ tối thiểu càng thấp thì máy sẽ càng tiết kiệm pin hơn khi standby hoặc xử lý tác vụ nhẹ, tốc độ tối đa càng cao máy sẽ càng xử lý tác vụ nhanh hơn và cũng sẽ tốn nhiều năng lượng hơn cho tác vụ nặng)
Mình cũng có thử tải Notion về để viết Note thì cũng chạy ổn, không bị chậm và giật ứng dụng như trên iPad Mini 4 mình từng review, tất nhiên cái màn hình nó có tần số quét rất chậm nên việc hiển thị sẽ không trơn tru như màn hình bình thường.
Nhưng đó chỉ là hiển thị thôi, chứ các thao tác cảm ứng vẫn có thể sử dụng với tốc độ bình thường. Ví dụ như khi gõ bàn phím, bạn không cần phải gõ từng chữ rồi chờ nó hiện lên rồi mới gõ tiếp chữ tiếp theo, mà bạn có thể cứ thế gõ như bình thường và máy cũng sẽ nhận đủ hết những gì bạn gõ.
Pin
Rõ ràng với việc máy rất mỏng và cõng thêm hệ điều hành android, mình không có quá nhiều kì vọng về mức pin của chiếc máy này. Tuy nhiên thời lượng sử dụng thực tế khiến mình thấy khá bất ngờ
Về thời lượng pin, trong 1 tuần vừa rồi mình hầu như chỉ sử dụng để đọc sách để thời lượng sử dụng pin cho việc đọc sách, mình không kết nối wifi nhiều, chỉ sử dụng wifi những lúc chuyển dữ liệu ra-vào máy đọc sách, tải sách, tuy nhiên mình có sử dụng bluetooth trong khoảng 30% thời gian sử dụng và bật đèn nền tầm 50% thời gian sử dụng (mình luôn bật cả 2 loại đèn trắng và vàng, chủ yếu ở mức sáng 40-50% khi đọc buổi tối và thấp nhất khi đọc buổi đêm).
Kết quả:
- 100%→5% pin tương ứng với khoảng 17h On-Screen trong đó có 14h đọc sách (mình tính từ thứ 3 đến thứ 7 vì thứ 3 sạc đầy pin) và tầm 3 tiếng chắc mình làm những trò khác trên màn hình (trong đó có 2 tiếng chỉ mở lên, kết nối wifi, đưa qua đưa lại các tính năng để viết bài review này).
- Mình đọc từng đó thời gian trong 5 ngày để test On-Screen (có ngày 1-2 tiếng, và có ngày đọc 5-6 tiếng) nên nếu dùng bình thường mỗi ngày đọc 1 tiếng có thể sẽ đọc được đến 15 ngày. Hao tổn thêm một chút cho việc standby nữa
Tất nhiên, để duy trì mức pin như vậy, mình thường tắt wifi khi đọc sách và bật tính năng Power Off Timeout (Hẹn giờ đếm ngược tự động tắt máy). Mình cài đặt là sẽ tự động tắt máy sau 1 tiếng nếu không hoạt động, máy sẽ tắt hoàn toàn và sẽ không tốn năng lượng như khi standby hệ điều hành android.
Mình sử dụng tính năng này một phần vì máy khởi động lên cũng rất nhanh, chỉ tầm 15-20s kể từ lúc bấm phím nguồn. Mình có thể chấp nhận đợi được từng đó thời gian mỗi lần muốn đọc sách vì nó có thể giúp mình tăng thời lượng sử dụng lên vài ngày mà không phải cắm sạc quá thường xuyên.
Máy có pin 1500mAh và nhận dòng sạc 5V-1A, tức là sẽ sạc đầy trong khoảng 1 tiếng rưỡi.
Review chuyên sâu
Trong phần này mình sẽ nói sâu hơn về những đặc điểm độc đáo của chiếc Poke 3 này mà có lẽ ít người biết đến vì mình ít thấy có ai chia sẻ quá. Mình xem nhiều review ít khi thấy mọi người đề cập đến mà mua về dùng rồi mò mẫm mới ra mấy thứ này
Android
Như đã đề cập ở trên, mình có cảm giác đây là một phiên bản Android rút gọn và tuỳ chỉnh chứ không phải là Android đầy đủ, vì máy hoàn toàn không có ứng dụng của Google hay các gói Google Services ngay khi mới mở lên.
Muốn cài đặt Play Store và đăng nhập vào Google Account, chúng ta sẽ cần Register ID của máy lên trang GSF Register của Google, hiểu đơn giản là đăng ký thiết bị sử dụng ROM tuỳ chỉnh với Google để thêm tài khoản vào thiết bị
Chính vì vậy máy sẽ không bị chậm hoặc nặng do quá nhiều tác vụ hệ thống chạy ngầm như các máy android đầy đủ khác
Ưu điểm của việc chạy Android:
- Hỗ trợ cực nhiều file format mặc định (TXT, HTML, RTF, FB2, FB2.zip, DOC, DOCX, PRC, MOBI, CHM, EPUB, JPG, PNG, GIF, BMP, PDF, DjVu, MP3, WAV, CBR, CBZ) và thậm chí có thể còn nhiều hơn nữa khi cài thêm các ứng dụng khác
- Hỗ trợ tiếng Việt đầy đủ, từ việc đọc, viết, nói, hiển thị. Không cần cài đặt gì hơn
- Cài được nhiều ứng dụng theo nhu cầu, có cả cái PlayStore để cài ứng dụng, có thêm cả App Store có sẵn đi theo máy dù không có nhiều ứng dụng lắm. Bản thân mình chỉ cài thêm trình duyệt Chrome, LabanKey, DS File và DS Audio để truy cập dữ liệu từ NAS, và GG Translate.
Nhược điểm của việc chạy Android:
- Sẽ tốn pin khi ở chế độ sleep. Nhưng khắc phục đơn giản bằng tính năng Auto Off và chấp nhận hơi bất tiện lúc mở máy lên để đọc, nhưng nếu một ngày chỉ đọc sách 1-2 lần và đọc liên tục vào những khung thời gian cố định thì mình nghĩ rằng chờ 15-20s để khởi động cũng không có vấn đề gì, thoải mái thời gian pha một cốc trà hay cafe
Còn về việc bị xao nhãng mà nhiều người hay đề cập, mình thấy không hẳn là do Android mà cái này chủ yếu là do người dùng. Nếu bạn chỉ coi nó là cái máy đọc sách, bạn có thể không cần cài thêm bất cứ ứng dụng nào có thể gây xao nhãng, không cần phải bật wifi, cũng chả cần phải nhận thông báo gì từ chiếc máy này. Còn kể cả khi các bạn đọc sách trên máy không chạy android, các bạn vẫn có thể bị xao nhãng bởi những thứ khác. Nên không quan trọng bạn đọc sách bằng máy gì và cách nào, quan trọng là sự tập trung và chú tâm của bạn chứ không phải do cái máy hay do nó chạy hệ điều hành gì.
Gesture – Các thao tác cử chỉ và điều hướng
Boox Poke 3 đã được tối ưu rất nhiều thao tác cử chỉ mà cá nhân mình đánh giá rất cao vì nó phù hợp với hầu hết cách sử dụng đại chúng hiện nay của các thiết bị có màn hình cảm ứng.
Điều hướng: Vuốt từ dưới màn hình lên và được chia làm 3 khu vực. Bên trái, ở giữa và bên phải. Mặc định theo thứ tự là đa nhiệm, home và back. Và bạn có thể tuỳ chọn theo sở thích luôn. Bạn cũng có thể lựa chọn dùng phím ảo nếu không muốn dùng thao tác vuốt.
Vuốt ở viền màn hình để điều chỉnh: Bạn có thể vuốt ở phần viền màn hình, phần viền màu đen bên cạnh màn hình chứ không phải trong màn hình, để điều chỉnh độ sáng đèn nền hoặc âm lượng hoặc độ tương phản tuỳ bạn chọn.
Điểm hay là cả 4 viền đều có thể nhận diện cảm ứng, khi xoay ngang máy và vuốt ở 2 bên trái phải (tức là viền trên và viền dưới của máy nếu để theo chiều dọc) vẫn có tác dụng tương tự
Navigation Ball: Giống Assistive Touch trên iPhone, có 1 cái nút tròn và khi ấn vào nó bung ra 6 chức năng, chúng ta có thể tự chọn chức năng theo nhu cầu. Nhưng cái hay của quả bóng này là nó có thể ẩn gọn vào mép màn hình ở bất cứ đâu chúng ta muốn và vì vậy nó không chiếm vào khu vực hiển thị. Mình đánh giá rất cao giải pháp này vì nó cho mình thêm nhiều shortcut đến các tính năng hữu ích hay sử dụng
Máy cũng nhận diện được 2 điểm cảm ứng cùng lúc nên có thể zoom in và zoom out bằng thao tác 2 ngón
Các tính năng, ứng dụng của riêng Boox
NEO Reader
Đây là ứng dụng đọc mặc định của Boox, mình đã thử đọc epub và pdf thì thấy rất ổn, tốc độ chuyển trang tuy không nhanh được như Kindle nhưng cũng không đến mức gây khó chịu hay làm việc đọc bị ngắt quãng. Cũng có mọi tính năng như các máy đọc sách khác như chỉnh font chữ, chỉnh khoảng cách chữ, chỉnh dòng, căn lề… Khi đọc PDF thì có thêm tính năng tự động crop màn hình vừa bằng đúng nội dung có trong trang mà mình không cần phải zoom thủ công.
Ngoài ra còn một tính năng mình thấy đặc biệt thú vị trên Neo Reader đó là ứng dụng này có tích hợp TTS (Text to Speech) của Google. Đây là ưu điểm của máy đọc sách chạy Android dù tính năng này không mới. Tuy nhiên lại rất hữu dụng, cơ bản có thể biến mọi quyển sách chữ thành sách nói. Khác với ứng dụng sách nói thông thường.
Tất nhiên, giọng đọc của chị Google không thể hay như các quyển sách nói chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khi mà kho sách chữ đang nhiều hơn kho sách nói rất nhiều, thì tính năng nay sẽ bổ sung cho các bạn ‘thích nghe’ rất nhiều đầu sách
Ngoài ra, bạn có thể kết hợp vừa đọc vừa nghe, ví dụ đang đọc sách dở mà phải đi rửa bát thì chuyển qua chế độ chị Google đọc đúng quyển sách bạn đang đọc, trang bạn đang đọc. Sau khi rửa bát xong cho chị Google nghỉ ngơi, bạn lại tiếp tục đọc tiếp luôn từ đó. Không cần phải chuyển qua ứng dụng nghe audible rồi quay lại lật tìm đến chỗ đang ‘nghe dở’
Reading Statics
Đây là chức năng giúp chúng ta theo dõi việc đọc sách theo tuần như số lượng sách đã đọc, số lượng sách hoàn thành, tổng thời gian đọc, thời gian đọc theo từng ngày, thời gian đọc trung bình cũng như là số lượng highlight và đánh dấu
Optimize
Với mỗi ứng dụng bên thứ 3 khi bạn nhấn giữ vào biểu tượng thì sẽ có thể tối ưu ứng dụng đó để phù hợp với màn hình e-ink. Các bạn có thể điều chỉnh DPI của ứng dụng, tuỳ chỉnh font, giảm răng cưa, chế độ refresh màn hình, điều chỉnh màu, độ tương phản, hay giữ app chạy nền. . .
Cơ bản với những ứng dụng mình đang sử dụng, mình chưa thấy phải dùng đến tính năng này
Kho sách riêng
Máy có kho sách tiếng Việt riêng ở trên máy và mình thấy hầu như là không tốn phí để tải về, số lượng đầu sách mình thấy cũng khá nhiều, cũng có cả truyện tranh và sách ngoại ngữ, chưa kể ngoài kho sách có sẵn chúng ta vẫn có thể tải sách từ bất cứ kho nào khác rồi chép vào máy. Tất nhiên nếu có điều kiện, hãy mua sách in để ủng hộ tác giả và nhà xuất bản.
BooxDrop và Push
Bên cạnh các cách truyền thống để tải sách vào máy như dùng cáp, gửi mail, hoặc push qua trình duyệt web thì cũng có thể dùng ứng dụng BooxDrop trên điện thoại để trao đổi dữ liệu với máy đọc sách. Mình đánh giá giải pháp này cực cao, vì nó rất rất rất tiện lợi
Trao đổi nghĩa là cả gửi vào và lấy ra. Trong ứng dụng Boox trên điện thoại có phần LAN Transfer, chỉ cần cùng trong mạng LAN thì từ điện thoại có thể xem tất cả các file có trên máy đọc sách và có thể lưu chúng về điện thoại và ngược lại có thể gửi bất cứ file nào trong điện thoại đến bất cứ folder nào trên máy đọc sách. Quản lý toàn bộ dữ liệu trong máy đọc sách bằng điện thoại qua kết nối không dây như copy, move hay xoá file đều được, cực dễ dàng và thân thiện với người dùng
Trên máy tính thậm chí chả cần cài ứng dụng, chỉ cần dùng trình duyệt mở địa chỉ ip mạng nội bộ được hiện lên trong ứng dụng BooxDrop trên máy đọc sách là có thể dùng Boox Drop trên trình duyệt máy tính. Như các bạn có thể thấy ở hình bên dưới mình chỉ cần truy cập IP nội bộ mà máy đọc sách hiện lên 192.168.1.19:8085 là có thể giao tiếp với máy đọc sách rồi. Cũng có thể download, upload, quản lý dữ liệu, copy, move, xoá dữ liệu trong máy đọc sách trực tiếp trên trình duyệt. Thậm chí ở mục Library cũng có thể sắp xếp sách vào folder (hay trên máy nó là BookShelf) theo ý muốn trên trình duyệt. Mọi chỉnh sửa trên trình duyệt đều là chỉnh sửa trực tiếp trên bộ nhớ trong của máy.
Một cách khác là truy cập vào push.boox.com nhưng sẽ cần đăng nhập tài khoản boox nên mình thích kết nối bằng địa chỉ ip nội bộ hơn
Điều khiển từ xa
Đúng vậy, các bạn không nhầm đâu, món phụ kiện hay ho đi kèm với máy mà mình nhắc đến ở đầu bài viết chính là một chiếc điều khiển từ xa của Boox. Ban đầu khi chưa sử dụng thì mình chả nghĩ ra tình huống nào sẽ dùng đến cả, và cho rằng đây là một món phụ kiện nhảm nhí thừa thãi mà hãng làm ra để moi thêm tiền từ túi người dùng.
Thế nhưng mà lúc nằm đọc sách trên giường hay trên ghế ngả, khi mà tư thế cầm máy đọc sách là hướng màn hình xuống và mình ngước lên để đọc thì chúng ta không thể cầm máy như lúc bình thường và việc chạm cảm ứng để chuyển trang bằng 1 tay vào những lúc đó mình thấy gần như là không thể. Và đây là lúc mà cái điều khiển nó phát huy tác dụng. Mình không phải vươn tay còn lại lên để chạm vào màn hình nữa mà chỉ cần bấm nút để chuyển trang. Tiện dã man. Ngoài chuyển trang ra thì có thể tắt bật đèn, refresh màn, điều hướng, chỉnh độ tương phản, chụp ảnh màn hình . . .
Mình đọc thông số thì pin của chiếc điều khiển có thể dùng đến 90 ngày, hi vọng thực tế có thể dùng được lâu vậy. Ngoài ra, điều khiển cũng kết nối được với điện thoại, và nếu sử dụng phần mềm Boox trên điện thoại thì còn có thể cập nhật firmware cho điều khiển. Mỗi tội cái điều khiển này dùng cổng sạc micro-usb cũ chứ không phải type c.
Tips nhỏ cho mọi người: vì máy chạy android nên khả năng cao là những thiết bị hỗ trợ chuyển trang như bút trình chiếu có bluetooth nhiều khả năng cũng có thể dùng được với Boox. Hoặc thậm chí mấy cái nút bấm chụp hình của điện thoại có kết nối bluetooth có khi cũng làm được chuyện này
Có nên mua máy đọc sách Boox Poke 3
Nếu bạn đang tìm một chiếc máy đọc sách nhỏ, gọn, nhẹ và mạnh với tài chính có chút thoải mái thì Poke 3 rất hợp lý vì những gì Android đem lại cho chiếc máy mình thấy nó rất đáng giá, từ việc hỗ trợ tiếng việt, cài thêm được ứng dụng như từ điển online, hay như việc đồng bộ dữ liệu rất đơn giản và trơn tru cho đến những thứ đơn giản thuần tuý như là việc đọc sách.
Mình đề cập đến tài chính vì thực tế chiếc máy này đang bán mới tầm 5 triệu, bán cũ tầm 4 triệu ở cửa hàng và tầm 3-3.5 triệu từ người dùng. Trong khi đó cùng phân khúc 6 inch thì PPW4 cũ chỉ tầm dưới 2 triệu. PPW5 mới có màn hình lớn hơn mà giá cũng chỉ khoảng 3.2-3.5 triệu cho máy mới và đâu đó 2.8-3 triệu cho máy cũ.
Vì vậy mình thấy Poke 3 không phải là một chiếc máy có mức giá rẻ cho việc đọc sách, nhưng là một chiếc máy có mức giá phù hợp với trải nghiệm máy đọc sách chạy Android. Với máy đọc sách android, hầu như mọi thứ đều sẵn sàng cho người sử dụng, mình không cần phải ‘vọc vạch’ quá nhiều từ việc cài font tiếng việt hay chuyển định dạng file đọc sách . . . (mặc dù những việc đó cũng không quá khó và không quá phiền).
Ngoài ra, nếu các bạn thích trải nghiệm máy đọc sách Android nhưng giá mềm hơn chút thì có thể tham khảo Boox Poke 2 hoặc Boox Poke 4 Lite, mình thấy 2 mẫu này không thua kém Poke 3 quá nhiều và cũng sẽ đem lại trải nghiệm tốt khi bạn sử dụng.
Ngược lại, nếu bạn cần một chiếc máy có màn hình to, hay có thể dùng với bút ghi cảm ứng, hay bạn cần phím chuyển trang cứng thì Poke 3 chắc chắn không phù hợp với bạn rồi, loại từ vòng gửi xe.
Bài viết xin được kết thúc tại đây. Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết, chúc các bạn lựa chọn được máy đọc sách phù hợp với nhu cầu và cũng hi vọng càng ngày sẽ càng có nhiều người đọc sách hơn. Các bạn có thể xem thêm và tham gia thảo luận về bài viết này trên Tinh Tế ha
Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️
Chia sẻ bài viết:
Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết