Đánh giá chi tiết Ecovacs Winbot W1 Pro – robot lau kính tự động

Đánh giá chi tiết Ecovacs Winbot W1 Pro – robot lau kính tự động

Update mới nhất: 17/05/2024

Mình đang ở một căn hộ chung cư có rất nhiều cửa sổ, tuy nhiên sau vài năm, chủ đầu tư và ban quản lý chưa vệ sinh mặt ngoài của kính, vì vậy kính rất bẩn, nhìn rất khó chịu. Nên mình đã chủ động sắm em Winbot W1 Pro để có thể tự làm vệ sinh kính cửa sổ của nhà mình. Sau hơn 1 tháng sử dụng và làm sạch kính cho một vài căn hộ khác nữa của ba mẹ, anh chị em, mình viết bài này để review chi tiết về em Winbot W1 Pro.

Vào thời điểm đầu tháng 4, mình khá vân phân giữa Ecovacs W1 Pro và W2 Omni, vì W2 Omni cũng có một vài cập nhật khá đáng kể, nhưng khi đó W2 Omni chưa được phân phối chính hãng nên mình đã múc W1 Pro.

Thông số kỹ thuật và mức giá của Winbot W1 Pro

Một số thông số kỹ thuật của Winbot W1 Pro:

  • Lực hút 2800 Pa
  • Thuật toán WIN-SLAM 3.0
  • Pin UPS dự phòng 650mAh – 14.8V ~ 9.62 Wh
  • Phun nước 2 chiều, mỗi chiều có 2 đầu phun
  • Bình nước 60ml
  • Có kết nối qua App điện thoại để điều khiển thủ công
  • Các chức năng đảm bảo an toàn:
    • Dây cáp an toàn
    • Cảm biến áp suất, nếu tụt áp là động cơ tự động chạy max công suất để bù áp
    • Cảm biến đụng viền kính
    • Cảm biến cầu ở 4 góc để xác định robot có đang nằm trên kính không và để xác định mép kính đối với kính không viền
    • Pin dự phòng cho trường hợp mất điện, duy trì 30 phút
    • Thuật toán thông minh phối hợp những thứ bên trên để đảm bảo robot đủ an toàn

Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm chi tiết hơn về Winbot W1 Pro tại trang chủ của Ecovacs. Mức giá của Winbot W1 Pro là 8,900,000đ. Tuy nhiên, vào các dịp khuyến mãi, mức giá có thể còn thấp hơn.

Các bạn có thể tham khảo Winbot W1 Pro tại gian hàng chính hãng Ecovacs Flagship Store trên Shopee và Lazada:

Không dài dòng nữa, kế tiếp mình sẽ chia sẻ những trải nghiệm thực tế và đánh giá ưu điểm, nhược điểm của Winbot W1 Pro.

Ưu điểm Winbot W1 Pro

Ưu điểm đầu tiên là Winbot W1 Pro có thể vệ sinh mặt ngoài cửa kính hoặc những tấm kính trên cao một cách an toàn, không cần leo trèo, rất tiện và chủ động cho những căn hộ có nhiều kính mà không cần phải phụ thuộc vào chủ đầu tư hay ban quản lý toà nhà.

Robot có thể hoạt động được cho kính có khung viền và không có khung viền, đây là yếu tố khiến mình đưa ra quyết định mua hàng, vì kính nhà mình mặt ngoài là dạng không có khung viền, nên nếu robot không có cảm biến nhận diện mép kính sẽ không thể hoạt động được và chắc chắn sẽ bị mất áp suất, do giữa 2 tấm kính không viền nhà mình sẽ có 1 khe hở khá rộng.

Robot tự động phun nước và làm sạch kính, phun đến đâu là sẽ lau sạch đến đó, không làm rơi vãi nước tùm lum xuống căn hộ bên dưới, đây cũng là điểm mình rất thích và đánh giá cao giải pháp này vì không làm ảnh hưởng đến hàng xóm, không thể nào đẩy cái bẩn từ nhà mình xuống nhà người khác được. Với trang bị 2 vòi phun mỗi bên, Winbot W1 Pro có thể phun nước lúc đi tiến và đi lùi mà không cần quay đầu.

Theo thông tin của nhà sản xuất, khoảng 8 giây phun 1 lần và 60ml nước rửa kính sẽ sử dụng cho diện tích kính khoảng 20m2. Mình sử dụng thực thế thấy đúng là như vậy.

Winbot W1 Pro có thêm cả một viên pin dự phòng, hoạt động như UPS, ngay khi mất điện, robot sẽ chuyển qua dùng nguồn từ pin và sẽ giữ được trên kính trong vòng 30 phút theo thông số của nhà sản xuất. Đồng thời lúc đó robot sẽ dừng hoạt động, giữ nguyên vị trí, phát loa cảnh báo “kêu cứu” và nhấp nháy đèn LED báo hiệu.

Mình test pin ở trong nhà trước khi mang ra ngoài sử dụng, lót 1 đống giẻ lau ở dưới để khi hết pin thì Winbot sẽ đổ xuống giẻ lau, tránh gây hư hỏng máy

Bản thân mình cũng đã test thực tế trước khi cho robot ra bên ngoài làm việc, cũng như sau 1 tháng sử dụng mình có test lần nữa, thời gian giữ được trên kính mình đo được là 32 phút. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, Winbot W1 Pro sẽ chỉ bắt đầu hoạt động khi pin đã được sạc đầy.

Ngoài ra, viên pin sẽ nằm ở ngoài Winbot W1 Pro để giảm khối lượng bản thân của Winbot, bản thân Winbot W1 Pro chỉ nặng 1.5kg, không tính khối lượng dây điện và dây an toàn.

Các hệ thống cảm biến để robot không đi ra ngoài khung cửa sổ, bao gồm cả cảm biến suy giảm áp suất, cảm biến va chạm, cảm biến cầu nhận diện mặt kính đầu hoạt động tốt, mình thấy rất chính xác theo công bố của nhà sản xuất. Chỉ cần bật Robot lên rồi áp vào kính là cảm biến có thể nhận diện và tự động khởi động. Ngoài ra, các bạn cũng có thể đặt vào và bấm nút khởi động ở mặt trước.

Động cơ của Winbot W1 Pro có lực hút rất mạnh, khi đã dính vào kính, mình không thể giật được Robot ra khỏi kính theo phương thẳng đứng, nếu kéo mạnh theo phương ngang thì có thể dịch chuyển robot được nhưng cũng không hề dễ dàng. Để nhấc robot ra khỏi kính, chỉ có cách duy nhất là bấm giữ nút khởi động 5 giây, khi đó động cơ sẽ tắt để chúng ta tháo Winbot ra.

Trọn bộ Winbot W1 Pro sẽ được đựng trong một chiếc cặp xách tay rất gọn gàng ngăn nắp. Tổng khối lượng của chiếc cặp này sẽ là khoảng 3.4kg, không quá nặng nếu cần mang theo để lau kính cho người thân.

Dây đai cáp an toàn tránh rơi khá chắc chắn, mình đã từng có một lần robot bị rơi khỏi kính lúc lau phía bên ngoài và dây cáp đã cứu Winbot W1 phen đó, mình sẽ chia sẻ kỹ hơn tình huống này ở phần lưu ý phía sau bài viết.

Ngoài ra, ứng dụng đi kèm cũng rất trực quan và nhiều cài đặt hữu ích. Có thể chọn chế độ hoạt động, số lần lau kính, chế độ phun nước, điều khiển từ xa.

Đồng thời cũng có cả hướng dẫn sử dụng nhanh bằng hình động rất trực quan.

Nhưng thật sự mình lưu ý các bạn là nên đọc kỹ HDSD trước khi vận hành máy, và nên đọc bản PDF cho đầy đủ hơn, vì có rất nhiều lưu ý quan trọng như kích thước cửa sổ tối thiểu, hay hình dáng cửa sổ, hoặc phải đặt robot cách viền 10cm… mà trong quyển HDSD giấy in đi kèm lại không có. Nói chung là nhiều lưu ý của nhà sản xuất các bạn nên nắm rõ trước khi sử dụng.

Các bạn có thể tải về hướng dẫn sử dụng của W1 ProW2 Omni để tham khảo, đây là mình tải về từ một số trang của Ecovacs tại nước ngoài, và share lại từ Google Drive của mình.

Hiệu quả vệ sinh

Thật sự là Winbot W1 Pro có hiệu quả, với kính nhà mình sau vài năm chưa được lau thì thấy rất rõ sự khác biệt. Tuy nhiên cũng chính vì quá bẩn, và vì nguyên lý của Winbot chỉ là rê giẻ uớt qua lại, nên mình thường phải lau 2 lượt mới có thể sạch bong sáng bóng được.

Dù mới chỉ lướt qua 1 lượt cũng đã thấy rõ sự khác biệt.

Mình để một số ảnh tấm kính đã được lau và chưa được lau để các bạn có thể so sánh.

Ảnh dưới này mình lau một nửa tấm kính bên trái để só sánh với những khu vực còn lại chưa lau, có nền tối phía sau nên để được rõ ràng mức độ sạch/bẩn của tấm kính đã lau và chưa lau

Một số vết bẩn siêu cứng đầu như cặn canxi sẽ không đi hết được nếu đứng sát tấm kính để soi, nhưng 90-95% bụn bẩn sẽ được lau sạch, nên trong mọi bối cảnh thông thường ngắm ra ngoài cửa sổ đều rất xịn xò sạch sẽ, kính trong veo rất ưng ý.

Qua một tháng rưỡi sau khi lau kính, vài cơn mưa cả mưa to, mưa nhỏ, hay kể cả mưa giông, kính nhà mình vẫn khá sạch sẽ trong trẻo, vì vậy, với nhà mình chắc khoảng 3 tháng mới phải lau lại 1 lần.

Nhược điểm và một số lưu ý

Với mặt trong của kính nhà mình là kính có viền, Winbot W1 Pro cơ bản không gặp bất cứ vấn đề hay khó khăn gì, mình có thể cho Winbot W1 Pro chạy mà không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, với mặt ngoài là kính không viền, mình vẫn phải giám sát khi Winbot W1 Pro hoạt động, không vứt đó để làm việc khác được.

Vì đôi lúc Winbot W1 Pro vẫn lao vào những chỗ gây mất áp suất và ‘chết đứng’ ở đó, phải điều khiển thủ công để thoát ra, mình hay gặp ở góc cửa sổ. Và cũng có 1 lần mắc ở chỗ góc dưới của kính mà không thoát được kể cả khi đã dùng điều khiển, mình phải dùng một cái que dài để với ra ngoài và “bấm nút” tắt từ xa rồi kéo lên bằng cáp, (vì cách duy nhất để tháo được con robot ra khỏi kính là nhấn giữ nút vật lý 5s).

Nguyên nhân của sự vụ này có lẽ là vì giữa 2 tấm kính không viền của nhà mình là 1 khe hở, tuy nhiên có thể khi thi công, nhà thầu có bắn keo silicon vào khe đó, và vô tình ở những góc như vậy họ bắn nhiều silicon làm khe hở bị nông, khiến cảm biến cầu của Winbot hiểu lầm đó vẫn là kính, khiến nó lao vào và mắc kẹt.

Khu vực kính không khung viền bị bắn nhiều silicon hơn những nơi khác, khiến robot không nhận diện được đúng mép kính

Ngoài ra, có 1 lần mình lau kính ngoài ban công, cũng là không viền, bình thường khoảng cách giữa 2 tấm kính đủ lớn, robot sẽ nhận diện và không vượt ra ngoài. Tuy nhiên, có 1 vị trí 2 tấm kính hơi gần nhau, làm cảm biến cầu không nhận diện được, vô tình lao thẳng qua và mất áp suất khiến nó bị rơi.

May mắn là mình luôn giữ sợi cáp an toàn và dây cáp nguồn khi robot hoạt động (kể cả khi đã cố định đầu cáp vào lan can) vì vậy có thể giữ lại luôn Winbot ngay lúc đó mà không bị rơi sâu hơn hay va đập gì, cú đó cũng hú hồn.

Hoặc khi kính có vật cản mỏng hơn 5mm, cảm biến cạnh sẽ không nhận diện được, Winbot sẽ lao vào và mắc kẹt ở đó chờ cầu cứu. Vì vậy, các bạn nên lưu ý, yêu cầu hoạt động của Winbot W1 Pro là khung kính phải cao hơn 5mm với cửa có khung.

Nhà sản xuất không lưu ý khoảng hở với kính không viền (frameless) mà chỉ ghi chung chung trong hướng dẫn (của W2 Omni chứ cũng không phải của W1 Pro) là không sử dụng với 2 tấm kính không viền có khoảng hở “gaps”.

Còn bản thân mình khi sử dụng trực tiếp thì thấy rằng vẫn có thể sử dụng với kính không viền có khoảng hở nhưng khoảng hở này cần lớn hơn cảm biến cầu của Winbot, tức là lớn hơn 1cm, đủ để Winbot nhận diện rằng đó là mép kính thì mọi chuyện sẽ ổn thôi.

Vì vậy, đó là những trải nghiệm khiến mình đưa ra kết luận: Winbot W1 Pro hay robot lau kính nói chung, chưa tự động hoá đến mức không cần sự can thiệp của con người như robot hút bụi hiện nay, vì vậy, khi sử dụng, đặc biệt là bên ngoài, sẽ cần có sự giám sát của con người. Bản thân trong hướng dẫn sử dụng cũng như là lúc mới bật Winbot lên cũng sẽ có cảnh bảo “Use under supervisor – Sử dụng dưới sự giám sát”

Nên, Winbot W1 Pro hay robot lau kính nói chung chưa phải là “thiết bị giải phóng sức lao động” mà mới chỉ là “công cụ vệ sinh những nơi khó tiếp cận”.

Và lưu ý thêm là khi sử dụng Winbot lau mặt ngoài, mình vẫn luôn đứng canh và cầm dây an toàn cũng như dây điện, để thu vào hoặc nới thêm khi robot di chuyển, tránh trường hợp mấy cọng dây này vướng vào cảm biến va chạm hoặc lọt vào giữa khe hở của 2 tấm kính (trường hợp này mình đã gặp) khiến robot nhận diện sai và có thể mất áp suất.

Dây điện vô tình lọt vào khe hở giữa 2 tấm kính không viền và làm “vướng chân” Winbot, khiến Winbot mắc kẹt.

Ngoài ra còn một số lưu ý sau về phụ kiện của Winbot W1 Pro:

  • Cần dùng nước lau kính chuyên dụng, giá khá chát khoảng 300,000đ/Lít, mà mình cũng mới chỉ mua được từ shop ngoài xách tay về, shop chính hãng chưa thấy bán. Lọ 230ml đi kèm chỉ đủ để lau kính mặt ngoài cho nhà mình được 1 lần. Diện tích kính nhà mình khoảng 9m2 x 4 mặt = 36m2, lau 2 lượt mặt ngoài = 72m2, đã tốn tầm 220ml rồi.
  • Nếu không có nước lau kính thì có thể dùng tạm nước lã như nhà sản xuất hướng dẫn, không nên dùng nước lau kính thông thường thường, vì thành phần của nước lau kính thường có xà bông, gây trơn bánh xe, và khi phun bị tạo bong bóng ở đầu phun, đôi khi chặn tia nước và gây nhỏ giọt xuống.
  • Cần giẻ lau chính hãng, mà shop chính hãng chưa bán luôn. Mình đã thử giẻ lau shop TQ bán, shop VN bán, dù kích thước tương đương nhưng đều là hàng đểu, mỏng hơn và mật độ vải thấp hơn giẻ zin, gắn vào khiến robot mất áp suất, không bám chặt như giẻ zin, gây trượt bánh, làm việc đi lại không đúng, không chuẩn, có rủi ro trượt ra khỏi kính, gây mắc kẹt hoặc rơi.
  • Các bạn lưu ý đừng mua giẻ không chính hãng, hãy tìm mua giẻ chính hãng. W1 Pro và W2 Omni dùng chung với nhau được nhưng không dùng chung với các đời Winbot trước đó được.
  • Giẻ zin đi kèm chỉ có 2 cái, dùng được cả 2 mặt là ưu điểm, tuy nhiên vừa lau kính sẽ phải vừa giặt giẻ để không lôi chỗ bẩn này qua chỗ bẩn khác, vì thế vẫn mất thời gian và công sức. Nếu mua thêm được tầm chục cái giẻ nữa thì sẽ ngon hơn, mình cũng đang chờ xem khi nào có hàng chính hãng để mua thêm.

Khả năng tránh vật cản trên kính chưa ngon lắm. Các chế độ di chuyển của Winbot W1 Pro chỉ là zic-zac theo chiều ngang và chưa có chế độ vệ sinh viền như Winbot W2 Omni. Nếu kính không viền thì W1 Pro sẽ vẫn ổn, nhưng nếu là kính có viền thì W2 Omni với khả năng lau viền chuyên dụng chắc chắn sẽ thể hiện tốt hơn.

Mặt bên ngoài chỉ lau được những tấm sát với cửa sổ, nơi mình có thể tiếp cận được, vì sau khi lau xong robot sẽ về vị trí cũ và phải bấm nút 5 giây mới lấy ra được, vì thế ở những tấm kính xa cửa sổ, bị ngăn cách bởi viền hoặc khe hở, nơi không tiếp giáp với cửa sổ, sẽ không có cách nào an toàn và dễ dàng để Winbot hoạt động được.

Tốc độ lau kính của robot không quá chậm, 1 tiếng được 20m2, nhưng tổng thời gian vệ sinh kính sẽ lâu vì còn tốn nhiều thời gian khác như thay giẻ, bổ sung nước, lau chùi cảm biến, vòi phun, di chuyển qua lại giữa các phòng, ngắt mở nguồn, gắn và tháo dây an toàn…

Như nhà mình lau mặt ngoài 2 lượt là tầm 72m2, mặt trong mình lau thủ công, tổng sẽ tốn tầm 8-10 tiếng mới xong xuôi sạch sẽ. Các lần sau chạy máy lau bên ngoài 1 lượt duy trì vẻ đẹp cũng sẽ chỉ tốn tầm 4-5 tiếng.

Tổng kết

Mặc dù vẫn phải tốn thời gian và công sức để trông Winbot, cũng như bản thân Winbot chưa tự động hoá đến thế, chưa giải phóng sức lao động đến thế, nhưng đây lại là giải pháp gần như duy nhất để có thể giải quyết được vấn đề chủ động lau mặt ngoài kính chung cư an toàn, gọn gàng, trả lại sự sạch sẽ cho tầm nhìn của căn hộ.

Tóm lại, mình vẫn rất yêu quý em Winbot W1 Pro này vì đã cứu rỗi mấy tấm kính ở nhà của mình, nhà full kính mà lúc nào cũng tèm nhèm khó chịu lắm. Winbot W1 Pro chạy xong view sạch bong, rất ưng cái bụng. Chỉ chờ cho phụ kiện nhiều hơn sẽ sắm thật nhiều giẻ lau và nước lau kính xịn để dùng cho đã, hoặc làm hẳn 2 con Winbot, 2 vợ chồng cùng làm vệ sinh kính cho nhanh.

Độ bền của máy, pin, cũng như giẻ lau mình sẽ cập nhật thêm sau một thời gian sử dụng lâu hơn nữa, vì hiện mới dùng hơn 1 tháng và mới lau 4-5 lần mình sẽ chưa đánh giá được những yếu tố này.

Bài viết xin được kết thúc tại đây, cám ơn các bạn đã quan tâm theo dõi.

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.