Trên tay Anker Soundcore R50i NC – bản nâng cấp có chống ồn chủ động

Trên tay Anker Soundcore R50i NC – bản nâng cấp có chống ồn chủ động

Update mới nhất: 06/07/2024

Tai nghe TWS đã có thời gian dài phát triển, vì vậy mức giá đã rất dễ tiếp cận. Anker Soundcore R50i NC cũng là một mẫu tai nghe như vậy. Với mức giá chỉ loanh quanh 400,000đ, chúng ta đã có tai nghe TWS có chống ồn chủ động thích ứng ANC rồi.

Mặc dù đang sử dụng JBL Club Pro+ cũng săn sale giá tốt từ cuối năm ngoái, nhưng vì thấy mức giá của Anker R50i NC hấp dẫn quá vì vậy mình đã mua thêm về để trải nghiệm và chia sẻ với các bạn trong bài viết này. Để mua được đồ công nghệ với giá tốt, các bạn có thể tham gia nhóm Chia sẻ deal hời, mình hay chia sẻ những món đồ công nghệ được sale rẻ hơn mặt bằng chung từ các nhà bán hàng uy tín.

Thông số kỹ thuật

Dưới đây là một vài thông số kĩ thuật của Anker Soundcore R50i NC, bản này có thêm chữ NC để phân biệt với R50i trước đó (R50i không có chống ồn và thiết kế cũng khác một chút):

  • Model: A3959 – Anker Soundcore R50i NC
  • Drive: 10mm
  • Dải tần: 20-20kHz
  • Trở kháng: 16Ω
  • Bluetooth: 5.4
  • Chống ồn: Adaptive ANC (42dB)
  • Thời lượng pin: 10 tiếng + 45 tiếng của hộp (không bật ANC) và 7 tiếng + 30 tiếng của hộp (có bật ANC)
  • Chống nước: IP54

Các bạn có thể tham khảo thêm thông tin và giá sản phẩm tại gian hàng chính hãng của Anker trên Lazada, hiện tại vào thời điểm viết bài mình mới thấy có gian hàng Anker Global, phân biệt với đại lý chính hãng ở VN, vì chưa thấy bán model này.

Bấm vào icon để tới trang sản phẩm

Tuỳ màu mà sẽ có giá hơi khác nhau, nhưng mình từng ghi nhận mức rẻ nhất là 385,000đ cho màu hồng và xanh biển. Còn mình mua màu đen bữa đó là 420,000đ

Ngoại hình và thiết kế

Vỏ hộp có nhiều thông tin, cả bên trong và bên ngoài đều dùng giấy, không dùng nilong hay nhựa, kể cả seal cũng được note là không phải nhựa, có lẽ là một loại vật liệu khác thân thiện hơn với môi trường.

Trên hộp có tem chống hàng giả, quét QR để check trên web của Anker với mã số bên cạnh. (*Lần đầu mình test mạng lag nên reload lại thì ảnh cuối là hiển thị là đã verify 1 phút trước đó).

Bên trong chỉ có tai nghe, một sợi cáp sạc A-C và thêm 2 bộ eartip size S và L (Size M đã gắn sẵn trong tai)

Phần vỏ của R50i NC mặc dù được hoàn thiện nhám, tuy nhiên chất lượng nhựa có vẻ không tốt lắm nên khá dễ bị xước, sau 1 tuần sử dụng mình đã thấy có nhiều vết xước khá rõ ràng trên vỏ hộp, với cách sử dụng tương đương, chiếc tai JBL của mình ít bị xước và không lộ rõ như vậy. Nhưng đây cũng không phải vấn đề quá quan trọng.

Mở nắp ra là tai nghe nằm ở ngay bên dưới, rất dễ lấy ra và đặt lại vị trí, nam châm hít cũng khá chắc chắn. Anker R50i NC sử dụng thao tác cảm ứng để điều khiển, cảm ứng rất tốt và nhạy, cũng có thể tuỳ biến đa dạng, mình sẽ chia sẻ kỹ ở phần sau.

Tai nghe có thiết kế khá dễ nhận diện. Form tai nghe dạng giống Airpod Pro nên tiện hơn JBL mình từng dùng. Vẫn sử dụng nút tai in-ear, có 3 cặp và cũng mềm, dễ chịu, khá kín khít, đeo lâu không bị khó chịu (Dưới ảnh không phải nút tai của R50i NC, mà là nút tai khác mà mình thích sử dụng nên thay cho nút tai zin). Phần cảm ứng sẽ được hoàn thiện nhám còn phần tiếp xúc với tai sẽ được làm nhựa bóng.

Mình đã đeo để thử đi bộ, chạy bộ, ngồi sau xe máy (tốc độ 60km/h), tai nghe ở trên tai chắc chắn và không rơi rớt với các hoạt động đó. Có khả năng chống nước và bụi IP54, cũng sẽ giúp chống mồ hôi khi vận động hoặc trời mưa. Mức này chưa thể chống được việc bị rớt xuống nước vì vậy các bạn lưu ý khi sử dụng.

Phía trong nắp hộp cũng có một miếng như cao su mỏng để khi đóng lại sẽ không làm nắp nhựa cọ xát vào tai nghe bên trong ảnh hưởng đến khu vực cảm ứng của tai nghe.

Phía sau lưng là cổng sạc Type-C.

Từ phía này, chúng ta lại có thể mở thêm 1 nắp nữa ở đáy của hộp tai nghe, bên trong sẽ có ghi các thông tin của sản phẩm.

Và nắp này, khi mở ra có thêm một chức năng phụ, đó là để làm giá đỡ điện thoại. Mình thấy khá hữu ích nếu như xem phim trên điện thoại mà không cần mang theo một chiếc giá đỡ.

Kích cỡ của case R50i NC tương đương với JBL CLUB PRO+, hơi mỏng hơn một chút đổi lại hơi to ngang hơn xíu. Chất lượng hoàn thiện khá tốt. Đóng nắp khá êm, không bị cạch 1 phát như JBL hay Airpods. Khối lượng 54g, nhẹ hơn JBL (69g), mình đoán chắc vì không có sạc không dây nên cũng giảm được trọng lượng.

Tuy nhiên, cùng kích cỡ mà R50i NC có dung lượng pin cao hơn khá nhiều, so với JBL CLUB PRO+ có thời lượng pin là 8h+16h (ANC on) và 8h+24h (ANC off), thời lượng pin của Anker R50i NC là 7h+30h (ANC on) + 10h+45h (ANC off).

Mình test thực tế thấy sau 3 tiếng ANC on, mức pin từ 100% -> 70%, về cơ bản là sẽ được 7 tiếng như quảng cáo của nhà sản xuất.

Kết nối, ứng dụng, điều khiển, tính năng

Mặc dù mức giá khá rẻ, nhưng khả năng kết nối, ứng dụng và điều khiển của Anker R50i NC lại quá tốt nếu so với mức giá đó.

Bắt đầu kết nối tai nghe, để vào pairing mode phải chạm và giữ cả 2 bên tai tầm 3 giây. Sau khi kết nối với điện thoại là app cũng nhận ngay, vào app đã có thông báo cập nhật firmware cho tai nghe.

Mình cập nhật phần mềm cho tai nghe, tương lai có lẽ cũng vẫn sẽ được cập nhật và hi vọng sẽ có thêm tính năng. Thời gian cập nhật phần mềm mất tầm 5 phút.

Điều khiển cảm ứng của Anker R50i NC rất ngon, rất nhạy, có âm phản hồi, bấm cái nào ăn cái đó, tuy nhiên vì hơi nhạy nên lúc nằm xuống gối có thể tai sẽ hiểu lầm là chạm cảm ứng. Cũng chưa có tính năng khoá cảm ứng.

App cho tuỳ chỉnh điều khiển từng thao tác, rất đã, ngon hơn JBL (chỉ cho tuỳ chọn chọn preset cảm ứng). Với JBL, mình sẽ phải chọn 2 trong 3: âm lượng, qua bài hoặc các chế độ chống ồn (+ gọi assistance mặc định). Với Anker R50i NC, vì tuỳ biến được nên sẽ điều khiển được mọi thứ với các thao tác trên tai nghe.

Nói chung về điều khiển cảm ứng thì R50i NC rất ngon. Nhưng mình mong sẽ có update chế độ khoá cảm ứng để có thể dùng lúc nằm ngon hơn (mình đã feedback trong app để yêu cầu thêm tính năng này, biết đâu tương lai cập nhật phần mềm lại có hehe)

Ngoài ra, một số tính năng khác của app như check xem eartip đã fit chưa, còn cẩn thận bảo phải chọn nơi không ồn mới cho check.

Anker R50i NC có tính năng tự động tắt tai nghe nếu không kết nối tới điện thoại và không được đeo, vậy khả năng là tai nghe có cảm biến để biết chúng ta có đang đeo hay không, nhưng mà lại không có tính năng tự động pause khi tháo 1 hoặc 2 tai.

Tuy nhiên bù lại, khi tháo 1 tai cất hộp, tai sẽ sẽ chuyển qua chế độ mono, bỏ ra khỏi hộp đeo lên sẽ lại về stereo, quá trình chuyển mono/stereo rất mượt, không gián đoạn, và tốt hơn tai nghe JBL nhiều lần. Ở chế độ Mono, tai nghe sẽ về chế độ Normal chứ không có chống ồn hay xuyên âm.

Anker R50i cũng có tính năng phát âm thanh tìm tai nghe thất lạc, âm phát ra của chế độ này bé hơn tai JBL, chỉ đủ để tìm nếu tai nghe đang ở đâu đó không bị che lấp thì sang phòng khác vẫn nghe được. Chứ nếu nằm dưới gối đã rất khó nghe, nằm dưới đệm sofa 10cm thì gần như không thể nghe thấy, trừ khi ghé sát tai vào gần vị trí đệm.

Một tính năng khác mà mình rất thích và đánh giá rất cao Anker R50i NC đó là kết nối nhiều thiết bị cực ngon. Và app điều khiển kết nối cũng ngon như loa Bose Flex, đó là chúng ta có thể chọn thiết bị muốn kết nối trên app, trong app sẽ hiện được nhiều thiết bị đã từng kết nối, và có thể kết nối đến 2 thiết bị cùng lúc. Muốn đổi sang thiết bị khác chỉ cần dùng app chứ không cần thao tác bấm nút hay pair lại.

Ví dụ như hình dưới, mình đang kết nối với Mac Mini và iPhone, nếu muốn kết nối với Laptop khác, mình chỉ cần gạt tắt kết nối với Mac Mini đi rồi gạt bật kết nối với Laptop ở dưới là được.

Anker R50i NC có thể cùng 1 lúc sẽ kết nối được 2 thiết bị. Thiết bị nào phát nhạc trước thì sẽ nhận âm thanh từ đó. Đang nghe nhạc trên điện thoại mà muốn xem video trên máy tính thì cứ bấm chạy video trên máy tính, sau tầm 2-3 giây là tai nghe tự hiểu, tự pause nhạc trên điện thoại và phát tiếng trên máy tính.

Ngược lại cũng vậy, khi đang xem video trên máy tính mà bật phát nhạc trên điện thoại, video trên máy tính cũng tự pause và chuyển sang âm thanh trên điện thoại sau 3 giấy. Còn nếu bạn chủ động pause thì quá trình chuyển đổi chỉ mất chưa tới 1 giây là R50i NC sẽ nhận biết thiết bị nào đang phát để chuyển qua thiết bị đó.

Trong suốt quá trình sử dụng tầm 1 tuần, mình thấy kết nối khá ổn định, mình sẽ sử dụng lâu hơn và sẽ cập nhật thêm vào bài viết sau một thời gian nữa.

Tính năng Discovery chắc của app Soundcore nói chung, không phải của riêng tai nghe, có phần phát âm thanh White noise để tập trung hoặc để ngủ, có một vài âm thanh như Life, Animal và Nature, cũng khá hay.

Tính năng chống ồn, chống ồn gió

Dưới hình là các tuỳ chỉnh cho khả năng chống ồn, có nút bật tắt tính năng “lọc gió”. Tính năng chống ồn mình đánh giá rất ngon so với giá. Tất nhiên không thể ngon như Airpod Pro hay Sony cao cấp, nhưng nó vẫn rất tốt. Thậm chí mình thấy Anker R50i NC chống ồn tốt hơn JBL CLUB PRO+ một chút. Trong app cho chọn khá nhiều chế độ chống ồn khác nhau như tự động thích ứng, chọn mức thủ công, hoặc chọn theo bối cảnh.

Khi bật chống ồn chủ động lên thì Anker R50i NC sẽ triệt tiêu tiếng ồn ở dải âm trầm và âm mid thấp khá tốt, còn những tiếng ồn ở tầm mid trung trở lên đến dải treble thì khả năng chống ồn chủ động có vẻ như không góp thêm gì hơn, mà chủ yếu vẫn chỉ dựa vào chống ồn bị động của ear-plug.

Với những âm thanh như xe cộ ngoài phố, vẫn sẽ thấy có tiếng ồn lọt vào chứ không “im lặng như tờ”. Tuy nhiên, nếu so sánh với Airpods Pro đời đầu, mình thấy chống ồn của R50i NC cũng phải được 8 phần của Airpods.

Tiếng ồn gió là loại tiếng ồn không dễ để tai nghe có thể xử lý. Lượng tiếng ồn gió sẽ thay đổi tùy thuộc vào góc độ gió cũng như kích thước và hình dạng của tai nghe. Khi gió thổi vào mic của hệ thống chống ồn chủ động (ANC), nó khiến hệ thống ANC tạo ra âm thanh đối lập để chống lại, nhưng bản thân gió lại không gây ồn trực tiếp đến tai chúng ta. Điều này dẫn đến chính hệ thống ANC lại tạo tiếng ồn to và không mong muốn khi gặp gió.

Tính năng chống ồn gió của R50i NC làm mình khá ấn tượng. Sau một thời gian sử dụng, mình mới hiểu về cơ chế chống ồn gió trên chiếc tai nghe này. Ra đường có gió thổi, ban đầu vẫn bị lọt tiếng gió dù đã bật Wind Noise Reduction, nhưng sau một vài giây (khoảng 5s), toàn bộ tiếng gió bị loại bỏ. Nếu có thay đổi về sức gió, hướng gió, có thể chúng ta sẽ lại nghe thấy tiếng gió do hệ thống ANC tạo ra, nhưng sau một vài giây (tầm 5s) lại sẽ triệt tiêu âm thanh đó.

Mình đã test khá nhiều lần khi đi thể dục buổi chiều, đều là hình mẫu như vậy. Tai nghe sẽ nghe tiếng gió tầm 5s để lấy sample về tiếng ồn đó rồi sau đó lọc nó đi. Tắt chế độ Wind Noise Reduction sẽ toàn nghe tiếng gió, bật lên là 5s sau lọc hết tiếng gió. Mình đã test nhiều lần ở cả những chỗ gió khá mạnh, đều thấy hình mẫu như vậy.

Ấn tượng hơn là tính năng này hoạt động cả khi mình đi xe máy ở tốc độ 60km/h (đeo tai nghe khi lái xe là phạm luật nhé anh em, mình test và dùng tai nghe khi ngồi sau thôi chứ không cầm lái). Tốc độ cao hơn mình chưa test vì chưa có đường chạy. Ở tốc độ 60km/h, sau 5 giây cũng lọc hết tiếng gió gây ra bởi bị mic chống ồn. Còn tiếng gió lùa cơ học qua tai thì vẫn nghe thấy nhè nhẹ bên ngoài.

Sau khi sử dụng và test, mình đánh giá cao tính năng giảm tiếng ồn gió này trên R50i NC, nó hoạt động rất ổn, trong cả chế độ chống ồn lẫn chế độ xuyên âm.

Khả năng chống ồn khi thu âm cũng khá tốt, mình nghe gọi bằng tai nghe này trong nhiều điều kiện khác nhau không thấy đầu dây bên kia phản hồi gì. Mình cũng có thử ở đầu dây bên kia và nghe âm thanh thu được từ mic của R50i NC, mình thấy cũng khá rõ ràng, kể cả khi đó đang có gió thổi.

Chất âm

Các chế độ EQ của Anker R50i NC cũng rất đa dạng, rất nhiều preset và cũng có thể custom. Mặc định, âm của R50i NC mình thấy đẩy bass nhiều và lấn dải mid, hợp với gu basshead, nếu muốn nghe cân bằng sẽ phải giảm bass khá nhiều.

Tuy nhiên, dù bass nhiều nhưng nếu gặp bài nhạc nào bass đẩy quá sâu thì âm từ R50i NC lại không tròn trịa cho lắm, cảm giác sẽ hơi dư đuôi, nên nghe bài nào nhiều âm bass sâu và dập liên tục là cũng sẽ bị nặng nề và khó nghe tròn từng nhịp.

Dải treb của R50i NC khi để mặc định cũng có phần hơi yếu, nên các chi tiết hithat sẽ hơi nhỏ, hoặc một số tiếng guitar điện ở dải cao cũng sẽ không được thể hiện thật sự tốt. Dải Mid thì mình thấy tạm ổn.

Tai nghe có khả năng tuỳ chỉnh EQ khá tốt nên nếu không nghe được mức mặc định, các bạn cũng có thể tự điều chỉnh EQ theo nhu cầu sử dụng.

Mặc dù có drive 10mm cũng là khá lớn, nhưng mình thấy âm thanh của R50i NC cũng chưa thật chi tiết, mức độ tách bạch chỉ ngang được với drive 6mm của JBL và thua khá xa một chiếc tai nghe cũ của mình có drive 12mm. Cũng có thể mình chưa nghe Anker đủ lâu để màng loa mềm hơn và phản hồi chi tiết tốt hơn. Cái này chắc phải lâu lâu sau cập nhật thêm.

Nhưng đúng là với mức giá thấp, không thể đòi hỏi cao. Bản thân tai mình cũng khá phổ thông chứ không có AudioPhile nên với mình Anker R50i NC cũng đáp ứng tốt nhu cầu nghe nhạc, xem phim, đàm thoại cơ bản.

Ngoài ra, R50i NC cũng có thêm tính năng âm thanh nổi 3D, sẽ đem lại cảm giác khá thú vị khi các bạn xem phim hoặc các video có hỗ trợ âm thanh 3D. Khi bật tính năng này lên, hiệu ứng 3D sẽ được tái tạo khá hay ho, đôi khi tái tạo hơi quá nhưng cũng rất thú vị để trải nghiệm.

Nhược điểm

Mức giá rẻ, nhà sản xuất cũng phải cắt giảm một số các tính năng, và phần này mình sẽ nói về những điều đó.

Thứ nhất là như chia sẻ ở trên, tai nghe này đang không có tính năng nhận diện có đang đeo tai nghe hay không, bỏ 1 hoặc 2 tai ra không tự động tắt nhạc. Chỉ nhận biết được lúc nào nhét vào hộp sẽ tắt bên đó.

Thứ hai là không có thông tin mức pin của hộp sạc, mình tìm đủ nơi như trong app hay manual sản phẩm. Không có chỗ nào để xem mức pin của hộp sạc. Cắm sạc vào hộp chỉ có 2 trạng thái, led xanh nhấp nháy là đang sạc, led xanh lì là đã đầy. Lúc đặt tai nghe vào thì hộp sạc thì sẽ sáng đèn trắng. Nên cơ bản là chúng ta sẽ không biết mức pin của hộp sạc. Mở và đóng nắp hộp cũng không có tính năng hay hiển thị gì.

Vì không biết thông tin dung lượng pin của hộp sạc, mình đã trải nghiệm một tình huống sau, đó là mình không biết hộp sắp hết pin, cất tai nghe vào thì vẫn thấy sạc cho tai nghe bình thường, nhưng sau đó một thời gian ngắn, vì hộp hết pin nên ngừng sạc cho tai nghe (và có thể ngừng sạc lúc tai nghe vẫn còn ít pin).

Khi hộp hết pin, sẽ lòi ra một nhược điểm nữa, là lúc này có vẻ như hộp sẽ ngắt toàn bộ điện tới tai nghe. Khi bị ngắt điện, tai nghe lại hiểu lầm rằng tai nghe đã được lôi ra khỏi hộp (vì lôi ra khỏi hộp cũng là ngắt điện mà), tai nghe sẽ tự động bật lên để kết nối với thiết bị.

Nếu mình không để ý điện thoại (đúng hơn là không dùng, vì nếu dùng thường sẽ có thể phát hiện ra máy đang không phát âm thanh ra loa ngoài), tai nghe cứ thế nằm trong hộp nhưng vẫn sẽ bị hao pin.

Và nếu không để ý vậy một vài tiếng, tai nghe cũng cạn pin (vì có thể chưa được sạc đầy). Đến lúc tai nghe cạn pin đương nhiên sẽ không còn kết nối đến các thiết bị, lúc này thiết bị lại quay về phát loa ngoài như bình thường.

Sau đó mình mới dùng đến điện thoại, mình sẽ không biết gì về việc hộp đã cạn pin, tai nghe kết nối đến điện thoại rồi sau tai nghe cạn pin. Cho đến khi mình mở tai nghe ra dùng sẽ không thấy tai nghe hoạt động, và không thấy có bất cứ kết nối gì, nhét tai nghe lại hộp không lên đèn trắng, lúc này mình mới biết cả hộp và tai đã hết pin.

Đây sẽ là một vấn đề phát sinh từ 2 nhược điểm là người dùng không biết dung lượng pin của hộp sạc, kết hợp với nhược điểm của cơ chế xác định xem tai nghe đang ở trong hộp hay không. Cơ chế nhận diện này do nhà sản xuất thiết kế mà phần lớn là ở phần cứng, vì vậy mình nghĩ rất khó để cập nhật phần mềm giải quyết được.

Tổng thể lại, vấn đề này sẽ có thể làm ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng, nhưng mình nghĩ sẽ không ảnh hưởng nhiều, vì phải hội tụ đủ mọi yếu tố nó mới xảy ra (hộp gần hết pin, tai gần hết pin, không đụng vào điện thoại thời gian đủ dài để tai nghe hết pin). Và vì tai nghe cắm sạc cũng lên khá nhanh, sạc 10 phút có thể dùng được 2 tiếng nên cũng không quá gây khó chịu kiểu “không có lúc đang cần”.

Update: Sau khi tìm ở trong tài liệu Q&A của Soundcore, mình đã tìm ra cách để biết pin yếu, nếu bỏ tai nghe vào mà led trên hộp nhấp nháy màu trắng, tức là pin đã yếu và cần cắm sạc. Còn nếu hiện led trắng 4 giây rồi tắt, tức là hộp còn đủ pin. Thông tin này không có trong Manual của sản phẩm.

Mình sẽ test kĩ hơn vụ này, vì có thể trong tình huống ở trên, mình đã không để ý led trắng nhấp nháy báo pin yếu lúc cất tai nghe vào hộp. Tuy nhiên, kể cả có biết pin yếu, nhưng chúng ta chưa thể cắm sạc ngay lúc đó, vẫn có thể xảy ra tình trạng hộp ngắt điện và tai nghe kết nối đến thiết bị khi vẫn đang trong hộp.

Tổng kết

Sau khoảng 1 tuần trên tay và sử dụng Anker SoundCore R50i NC, trong phân khúc giá loanh quanh 400,000đ mình đánh giá đây là một chiếc tai nghe chống ồn rất tốt, đặc biệt là khả năng chống ồn gió, thao tác điều khiển cảm ứng, kết nối, và ứng dụng cực ngon, có nhiều tính năng của tai nghe cao cấp, và cũng có thêm chức năng làm giá đỡ điện thoại khá vui vẻ và có thể chữa cháy nhiều tình huống.

Đổi lại, chất âm chỉ ở mức đúng với tầm giá, không thể đòi hỏi hơn, chất lượng hoàn thiện và vật liệu cũng chỉ ở mức khá.

Nhưng với số tiền bỏ ra, mình vẫn thấy Anker SoundCore R50i NC là một lựa chọn rất hợp lý nếu bạn không muốn bỏ quá nhiều chi phí cho tai nghe. Hiện tại mình đang thích nó hơn cả mẫu JBL cũ, vì tổng thể các tính năng, chống ồn, chất âm và thiết kế lại hợp với nhu cầu sử dụng của mình hơn.

Các bạn có thể tìm mua sản phẩm tại gian hàng chính hãng của Anker trên Lazada, hiện tại vào thời điểm viết bài mình mới thấy có gian hàng Anker Global, phân biệt với đại lý chính hãng ở VN, vì chưa thấy VN bán model này.

Bấm vào icon để tới trang sản phẩm

Bài viết xin được kết thúc tại đây, mình sẽ còn cập nhật bài review sau một thời gian dài sử dụng sản phẩm để đánh giá thêm cả về độ bền hay chia sẻ thêm những vấn đề phát sinh nếu có. Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết.

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được
5 /5
Based on 1 rating

Reviewed by 1 user

    • 1 tháng ago

    Đã biết đến trang từ bài viết “lầm tưởng về Mesh-wifi-router”.
    Chủ tus review chi tiết và đủ, đoạn nhược điểm được viết rất chi tiết qua trải nghiệm thực tế. Thích đọc phần này nhất, vì những nhược điểm này thường mua về sử dụng mới phát hiện, chứ review trên mạng thì 50/50 hoặc gần như… ko có.
    Mong chủ tus review thêm nhiều sản phẩm khác nữa :3

      • 2 tuần ago

      Cám ơn bạn nhiều 😀

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.