NAS cá nhân không nhất thiết phải dùng RAID

NAS cá nhân không nhất thiết phải dùng RAID

Nếu đọc các thông tin, hướng dẫn về việc sử dụng NAS, có thể các bạn sẽ luôn nhận được lời khuyên hãy sử dụng RAID 1 (hoặc các định dạng RAID tương đương) như một phương án backup để đảm bảo an toàn dữ liệu.

Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng NAS với 2-bay ổ cứng và chạy RAID 1 cho nhu cầu sử dụng cá nhân, gia đình, với việc sao lưu dữ liệu là chính, mình thấy RAID 1 không phải là lựa chọn tốt nhất. Bài viết này thuộc chuỗi bài viết Tất tần tật về NAS cho cá nhân và gia đình, các bạn có thể xem thêm nhiều nội dung về NAS.

Mình sẽ phân tích kỹ hơn trong bài viết này lấy ví dụ về RAID 1, ngoài ra cũng sẽ có nhiều dạng RAID khác tương đương và áp dụng với số lượng ổ cứng nhiều hơn, các bạn cũng có thể tự hình dung từ RAID 1 nha.

RAID không phải là một bản sao lưu – RAID is not a backup

RAID 1 luôn ghi dữ liệu vào cả 2 ổ cứng đồng thời. Để khi 1 ổ cứng có vấn đề, chúng ta có thể tiếp tục sử dụng dữ liệu từ ổ cứng còn lại. Nghe cũng giống như là một bản backup, nhưng không, đúng thuật ngữ tác dụng của RAID 1 là có thêm “dữ liệu dự phòng – data redundancy” để tăng “khả năng chịu lỗi – fault-tolerant”.

Nguồn ảnh: TechTarget

Tác dụng chính của RAID 1 không phải là để backup, mà là để tăng khả năng chịu lỗi cho hệ thống, phòng khi có hư hỏng về phần cứng. Ví dụ 1 ổ cứng hỏng đột xuất, vẫn sẽ còn 1 ổ cứng để dự phòng giúp hệ thống hoạt động.

Nhưng khi có lỗi phần mềm, lỗi con người, ví dụ như khi bị ransomware tấn công, hay vô tình xoá nhầm file, RAID 1 sẽ không có khả năng “cứu dữ liệu”, vì dữ liệu trên 2 ổ cứng RAID 1 sẽ được mirror (phản chiếu) lẫn nhau ngay lập tức.

Tóm lại, RAID 1 chỉ bảo vệ bạn khỏi lỗi phần cứng chứ KHÔNG bảo vệ dữ liệu của bạn.

Nhu cầu nào sẽ cần đến RAID 1?

Thông thường, nhu cầu sử dụng RAID 1 sẽ là khi chúng ta cần truy cập xuyên suốt không gián đoạn, ví dụ như khi chạy server, host trang web, hoặc lưu video từ camera an ninh 24/7.

Nếu không dùng RAID, việc hỏng ổ cứng có thể làm gián đoạn server, trang web, hoặc không lưu được dữ liệu từ camera an ninh.

Việc dùng RAID 1 sẽ giúp server không ảnh hưởng nếu như 1 trong 2 ổ cứng bị hỏng. Kể cả trong khi chúng ta khắc phục sự cố, thay ổ cứng hỏng bằng ổ cứng mới, việc sửa chữa Storage Pool cũng không ảnh hưởng gì đến hoạt động của server, trang web hay lưu trữ camera.

Tóm lại, chúng ta cần RAID 1 để phục vụ những nhu cầu cần đọc/ghi dữ liệu xuyên suốt 24/7 không gián đoạn.

Còn đối với như cầu của cá nhân và gia đình, các bạn sẽ không nhất thiết phải dùng RAID 1 nếu như chỉ dùng NAS để sao lưu, lưu trữ dữ liệu, hay thi thoảng stream nhạc và phim.

Nhược điểm của RAID 1

RAID 1 sẽ có một số nhược điểm sau mà mình thấy không phù hợp với người sử dụng NAS cá nhân, gia đình:

  • Không chống được lỗi thuộc về phần mềm hay lỗi con người.
  • Cả 2 ổ cứng luôn chạy đồng thời, ghi đồng thời, đọc đồng thời, sẽ khiến tuổi thọ giảm đồng thời, có thể gia tăng rủi ro “hư hỏng cả 2 ổ cứng cùng một thời điểm”.

Phương án thay thế RAID 1

Vẫn là 2 ổ cứng, nhưng thay vì chạy RAID 1 (hoặc các định dạng tương đương), mình cấu hình 2 ổ cứng như 2 ổ độc lập, đồng thời cài đặt backup từ ổ cứng chính sang ổ cứng phụ với tần suất mong muốn.

Nếu 1 trong 2 ổ hỏng:

  • Ổ chính hỏng: vẫn có data đã backup trên ổ phụ, chỉ cần thay ổ chính rồi restore từ ổ phụ
  • Ổ phụ hỏng: data trong ổ chính vẫn còn đó, chỉ việc thay ổ phụ rồi chạy lại backup

Ưu và nhược điểm của phương án này sẽ như sau:

Ưu điểmNhược điểm
– Chỉ có ổ chính hoạt động nhiều, ổ phụ sẽ chỉ hoạt động vào những lúc backup. Tần suất hoạt động khác nhau sẽ giảm rủi ro “hư hỏng cả 2 ổ cùng lúc”– Nếu ổ chính hỏng, sẽ phải mất thời gian restore dữ liệu từ ổ phụ, trong khoảng thời gian đó có thể sẽ không truy cập được data
– Vì là bản backup nên nếu ổ chính bị xoá nhầm hay bị mã hoá bởi ransomware, có thể vẫn khôi phục lại được dữ liệu từ ổ backup– Vì thường backup sẽ chỉ chạy theo tần suất chúng ta cài đặt (1 lần/ngày, 1 lần/tiếng), có thể vẫn sẽ mất một số data mới chưa kịp backup nếu xảy ra sự cố

Backup dữ liệu đúng cách

Hiện tại, mình đang bảo vệ dữ liệu trên ổ cứng mạng Synology DS220+ với những cài đặt như sau, các bạn nếu đang dùng NAS có 2-bay cũng có thể tham khảo:

  • Ổ cứng chính lưu trữ dữ liệu
  • Bật Snapshot cho dữ liệu của ổ cứng chính (để phòng ransomware)
  • Dùng Hyper Backup để backup hàng ngày từ ổ chính sang ổ phụ
  • Dùng Hyper Backup để backup hàng ngày sang một chiếc NAS khác ở nơi khác, hoặc có thể dùng Cloud Sync để đồng bộ dữ liệu từ NAS lên Cloud
Sử dụng Hyper Backup trên Synology để sao lưu dữ liệu
Sử dụng Snapshot Replication trên Synology tạo các Snapshot cho dữ liệu định kì để phòng rủi ro ransomware

Việc backup như vậy cũng đáp ứng đủ tiêu chí Backup 3-2-1:

  • Ít nhất 3 bản sao lưu data: ổ cứng chính (dữ liệu gốc + snapshot), ổ cứng phụ, NAS ở nơi khác (hoặc Cloud)
  • Ít nhất 2 định dạng data: data gốc (dữ liệu gốc + snapshot) và file backup
  • Ít nhất 1 bản sao lưu off-site (ở vị trí địa lý khác): backup vào NAS ở nơi khác (hoặc Cloud)

Tất nhiên, với NAS có nhiều bay ổ cứng, các bạn vẫn có thể chạy RAID 1, nhưng hãy luôn nhớ, RAID không phải là một bản backup, vì vậy hãy đảm bảo đã có đầy đủ Backup cho dữ liệu của mình và định kỳ kiểm tra khả năng restore của những bản backup đó.

Bài viết xin được kết thúc tại đây, cám ơn các bạn đã quan tâm theo dõi.

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.