HDD NAS doanh nghiệp khác gì với HDD NAS dân dụng

HDD NAS doanh nghiệp khác gì với HDD NAS dân dụng

Trong quá trình sử dụng NAS, mình cũng có trải nghiệm cả 2 loại ổ cứng HDD NAS chuyên dụngnhưng một loại là cơ bản dùng cho khách hành dân dụng và một loại chuyên dụng được thiết kế để dùng cho doanh nghiệp.

Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ điểm khác nhau giữa 2 loại ổ cứng đó. Sản phẩm mình sử dụng là:

Lưu ý: Trong bài viết mình có đề cập đến 2 mã ổ cứng trên vì đây là 2 mã ổ cứng mình đang trực tiếp sử dụng, 2 ổ này là 2 phân khúc khác nhau và có 2 tầm giá khác nhau vì vậy mình không so sánh hiệu năng hay tốc độ của 2 ổ cứng hay 2 thương hiệu, chỉ lấy ví dụ để các bạn hiểu hơn về sự khác nhau giữa 2 dòng sản phẩm. Bản thân Seagate cũng có dòng IronWolf Pro cho doanh nghiệp và Synology cũng có dòng HAT-Plus là dòng sản phẩm dân dụng.

Đồng thời, cuối bài viết, mình sẽ trả lời cho câu hỏi ổ cứng bình thường dùng với NAS được không?

MTBF – Mean time between failures và AFR – Annual Fail Rate

MTBF – Mean time between failures – Thời gian trung bình giữa những lần gặp lỗi, là một chỉ số để chúng ta hiểu được phần nào vệ mức độ tin cậy của thiết bị và được tính như sau:

  • Ví dụ thiết bị hoạt động 24h x 365 ngày = 8,760 giờ
  • Trong 365 ngày có bị hỏng 3 lần
  • MTBF = 8760h / 3 lần = 2,920 giờ
  • MTBF của ổ cứng NAS dân dụng thường là 1 triệu giờ
  • MTBF của ổ cứng NAS doanh nghiệp là 2 triệu giờ hoặc cao hơn.

MTBR là tổng số giờ hoạt động trước khi xảy ra hỏng hóc, không phải là một ổ cứng có thể hoạt động được 1 triệu giờ mà là nếu bạn có một tập hợp các ổ cứng đang chạy, bạn sẽ gặp phải một lỗi sau tổng cộng 1 triệu giờ sử dụng các ổ cứng đó [1]. Ví dụ, mình dùng 115 ổ đĩa chạy 24/7 trong 1 năm = 115 x 8760 = 1,007,400 giờ, sẽ có rủi ro 1 trong số 115 ổ đĩa đó bị lỗi hoặc hư hỏng.

Để dễ hơn cho người dùng, chúng ta có thêm một thông số khác đó là AFR – Tỷ lệ hư hỏng hàng năm.

Từ MTBF, chúng ta có thể tính được tỉ lệ hư hỏng trong năm – Annual Fail Rate – AFR. Công thức tính: AFR = 8760 / MTBF

  • AFR của ổ cứng dân dụng là 0.88% / năm
  • AFR của ổ cứng doanh nghiệp là 0.44% / năm

AFR thể hiện rằng, với một chiếc ổ cứng dân dụng, mỗi năm sẽ có 0.88% rủi ro nó bị lỗi hoặc hỏng, dựa trên dữ liệu từ một lượng lớn ổ cứng. Nếu mới chỉ dùng 1 năm đã bị lỗi, xin chia buồn, năm đó bạn rơi vào 0.88% đen đủi.

Điểm khác biệt đầu tiên đó là: “mức độ tin cậy” của ổ cứng doanh nghiệp cao hơn và “rủi ro bị lỗi” của ổ cứng doanh nghiệp thấp hơn.

Đồng thời, các ổ cứng NAS doanh nghiệp cũng thường được nhà sản xuất bảo hành 5 năm thay vì 3 năm như những ổ cứng NAS dân dụng.

Workload – Khối lượng công việc

Đây là thông số thể hiện cường độ hoạt động của ổ cứng, là tổng cộng toàn bộ dung lượng của dữ liệu được đọc, ghi, chuyển đến, chuyển đi khỏi ổ cứng trong vòng 1 năm:

  • Ổ cứng NAS dân dụng: 180TB/năm ~ 493GB/ngày
  • Ổ cứng doanh nghiệp: 550TB/năm ~ 1.5TB/ngày

Điểm khác biết thứ hai: Khả năng chịu tải của ổ cứng NAS doanh nghiệp cũng cao hơn khá nhiều so với ổ cứng NAS dân dụng

Tốc độ đọc – ghi dữ liệu

Cái này chắc anh em không còn xa lạ rồi

  • Ổ cứng NAS dân dụng: 180-210MB/s tuỳ dung lượng ổ cứng
  • Ổ cứng NAS doanh nghiệp: 255-281MB/s tuỳ dung lượng ổ cứng

Điểm khác thứ ba: Tốc độ của ổ cứng NAS doanh nghiệp cao hơn ổ cứng NAS dân dụng

Về tốc độ mình cũng có chạy Benchmark 4 chiếc ổ cứng đang dùng, các bạn có thể tham khảo. Theo thông số của nhà sản suất, Seagate IronWolf for NAS 4TB có tốc độ 180 MB/s còn Synology HAT5300-4TB có tốc độ 255MB/s

HDD NAS dân dụng – Seagate IronWolf for NAS 4TB ST4000VN008-2DR16

HDD NAS doanh nghiệp: Synology Enterprise HAT5300-4T

Kết quả test tốc độ của cả 4 chiếc ổ cứng cũng khá tương đương với công bố của nhà sản xuất.

Ngoài tốc độ, các bạn cũng có thể thấy một số thông số khác như IOPS (Input/output operations per second) của ổ cứng doanh nghiệp cũng cao hơn và độ trễ (Latency) cũng thấp hơn ổ cứng dân dụng.

Ngoài 3 thông số MTBF, khả năng chịu tải và tốc độ, mình thấy những thông số khác cũng khá tương đương nhau giữa HDD NAS dân dụng và doanh nghiệp.

Sử dụng thực tế 2 loại HDD NAS

Với trải nghiệm sử dụng thực tế, mình có nhận thấy sự khác biệt đến từ việc tốc độ của ổ cứng doanh nghiệp cao hơn nên các tác vụ liên quan đến đọc, ghi, di chuyển dữ liệu sẽ nhanh hơn ổ cứng dân dụng.

Ngoài ra, vì tốc độ nhanh hơn nên khi truy cập vào webpage trên ổ cứng doanh nghiệp cũng cho tốc độ phản hồi tốt hơn đôi chút so với trên ổ cứng dân dụng.

Tuy nhiên, ổ cứng doanh nghiệp ồn hơn ổ cứng dân dụng khi hoạt động. Khi đọc và ghi dữ liệu, sẽ có âm thanh từ tay truyền động của ổ cứng (là bộ phận di chuyển mắt đọc-ghi dữ liệu) và âm thanh đó trên ổ doanh nghiệp lớn hơn đáng kể trên ổ dân dụng.

Với ổ dân dụng mình có thể để trong phòng ngủ mà tiếng ồn từ ổ cứng khi hoạt động không quá ảnh hưởng, còn với ổ doanh nghiệp, mình phải chuyển NAS ra khỏi phòng ngủ.

Về độ bền thực tế mình cũng chưa đánh giá nhiều hơn được vì cả 2 loại mình đều mới chỉ sử dụng tầm 1-2 năm, chưa đủ để đánh giá về tiêu chí đó.

Ổ cứng thông thường có dùng với NAS được không?

Đây là câu hỏi mà mình nhận được khá nhiều từ các bạn đang mới chuẩn bị mua NAS. Và câu trả lời của mình là:

  • Có, bạn có thể dùng được
  • NHƯNG các nhà sản xuất NAS KHÔNG KHUYẾN CÁO sử dụng ổ cứng thông thường với NAS.
  • Nếu buộc phải dùng hoặc đang tận dụng ổ cứng dư thừa, các bạn chỉ nên lưu những dữ liệu không quan trọng.

Lý do là vì ổ cứng thông thường không được thiết kế để hoạt động 24/7 như NAS, MTBF cũng thấp hơn, Workload cũng thấp hơn, và đôi khi tốc độ đọc ghi dữ liệu cũng thấp hơn. Ví dụ với một mẫu ổ cứng như Seagate Barracuda:

  • MTBF: không công bố
  • Thời gian chạy 24/7: 2400 giờ, tức là chỉ được được thiết kế để chạy liên tục 100 ngày thay vì 365 ngày như ổ cứng NAS.
  • Workload: 55TB/ năm, thấp hơn ổ cứng NAS nhiều lần

Hoặc một số mẫu ổ cứng cơ bản khác như là WD Green hay Blue, thậm chí mình không thấy họ công bố những thông số trên. Dòng WD Red chuyên cho NAS mới có.

Vì vậy ổ cứng thông thường sẽ có thể không chịu được tần suất sử dụng 24/7 quanh năm suốt tháng của NAS và có thể tăng nguy cơ lỗi hoặc hư hỏng. Vì vậy, chỉ nên dùng để lưu những dữ liệu không quan trọng.

Ngoài ra, đối với NAS, sử dụng ổ cứng dành cho NAS thôi là chưa đủ, các bạn cũng nên truy cập website của nhà sản xuất để check xem mã ổ cứng bạn dự định dùng có trong danh sách tương thích với thiết bị NAS của bạn không. Các ổ cứng có trong danh sách là vì đã được nhà sản xuất NAS hoặc nhà sản xuất ổ cứng test kĩ lưỡng và đảm bảo ổ cứng tương thích với NAS.

Sử dụng ổ cứng không có trong danh sách tương thích có thể sẽ phát sinh những vấn đề không dự đoán trước, ví dụ ổ cứng nóng hơn bình thường rất nhiều hay một số chức năng của NAS hoạt động không đúng hoặc thiếu hiệu quả.

Qua bài viết này, mình muốn chia sẻ thêm thông tin về sự khác nhau giữa ổ cứng NAS cho dân dụng và cho doanh nghiệp. Các bạn có thể xem thêm nhiều bài viết về NAS tại bài viết Tất tần tật về NAS cho cá nhân và gia đình. Cám ơn các bạn đã quan tâm theo dõi, xin chào các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung tiếp theo.

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được
5 /5
Based on 1 rating

Reviewed by 1 user

    • 4 tháng ago

    B dùng app gì để đo tốc độ ổ cứng vậy? Windows càng tốt vì châc b xài mac. App có thể search gg nhưng mình muốn biết b dùng cái nào í. Thank nha.

      • 4 tháng ago

      Mình đo tốc độ ổ cứng trên bài bằng ứng dụng có sẵn trên NAS.

      Còn với Windows thì mình hay dùng Crystal Disk Mark và Mac thì mình dùng BlackMagic Design Disk Speed Test nhé

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.