CRYO Phone Cooler – Tản nhiệt điện thoại từ Cooler Master
Update mới nhất: 15/06/2024
Điện thoại hiện tại đã có hiệu năng rất cao nhưng lại chỉ được gói gọn trong một không gian khá nhỏ bé, vì thế mà nhiệt lượng sinh ra khi sử dụng các tác vụ nặng như chơi game cũng sẽ khiến cho thiết bị nóng lên gây giảm hiệu suất.
Bản thân mình ít khi chơi game trên điện thoại, tuy nhiên khi mình quay video bằng điện thoại trong thời gian dài, đồng thời cũng phải vừa cắm sạc, việc quá nhiệt cũng làm ảnh hưởng đến hiệu suất của thiết bị, buộc thiết bị phải giảm độ sáng màn hình, ngưng sạc pin và đôi khi tệ hơn là lúc quay video bị khựng hoặc rớt khung hình. Việc chờ đợi cho thiết bị nguội trở lại sẽ mất thời gian và làm gián đoạn công việc.
Chính vì thế mình quyết định tìm một chiếc tản nhiệt cho điện thoại. Mặc dù trên thị trường có rất nhiều loại nhưng hầu hết là tản nhiệt không thương hiệu, hoặc thương hiệu lạ lẫm, gần đây mình mới biết đến tản nhiệt của Cooler Master, thương hiệu nổi tiếng về tản nhiệt, từ PC, Laptop cá nhân cho đến pin xe điện, trạm sạc xe điện, trạm 5G, thậm chí tản nhiệt cho cả những thiết bị công nghiệp trong các nhà máy sản xuất.
Trong bài viết hôm nay mình sẽ review chi tiết về chiếc CRYO Phone Cooler này. Các bạn có thể tham khảo thêm thông tin về sản phẩm này tại trang chủ của Cooler Master.
Nội dung chính
Thiết kế
CRYO Phone Cooler có một thiết kế khá hầm hố và góc cạnh, có 2 dải nhôm phay xước hai bên để tạo điểm nhất cho thiết bị.
Ở chính giữa có hệ thống đèn trang trí RGB có hình khối của logo Cooler Master có thể tuỳ biến được rất nhiều màu sắc. Ngoài ra, ở góc trên của thiết bị có một màn hình LCD nhỏ để hiển thị nhiệt độ giúp chúng ta theo dõi được nhiệt độ tại mặt lưng của thiết bị nơi tiếp xúc với tấm tản nhiệt.
Tấm tản nhiệt của CRYO Phone Cooler khá lớn với kích thước 56x53mm. Đây là tấm tản nhiệt TEC được sử dụng trong công nghệ hàng không vũ trụ. Cảm nhận của mình thấy tấm này giống những tấm thermal pad nhưng cứng hơn khá nhiều.
Góc dưới của CYRO Phone Cooler có 2 dòng toạ độ, mình cũng tò mò search thử, đó là toạ độ của Taipei 101 – Tháp Đài Bắc 101 – một biểu tượng cho sự phồn vinh của Đài Loan. Đây là một ‘hint’ rất thú vị. Có lẽ vì Cooler Master là một thương hiệu của Đài Loan và họ cũng rất tự hào về biểu tượng này nên đã chọn toạ độ của Taipei 101 để trang trí lên sản phẩm của mình thay vì dòng chữ “Product of Taiwan”.
Hai càng kẹp điện thoại của CRYO Phone Cooler có thể mở rộng từ 67mm đến 88mm, và có 2 miếng cao su dày để giữ chắc vào điện thoại.
Mặc dù bề ngang của iPhone 13 mini chỉ là 64mm nhưng mình vẫn có thể sử dụng được với chiếc tản nhiệt này.
Những chiếc điện thoại cỡ lớn như iPhone 14, 15 Pro Max, hay S24 Ultra đương nhiên là có thể sử dụng tốt với thiết bị vì bề rộng chỉ tầm 77-79mm.
Thiết bị có 2 cổng Type-C, trong đó một cổng Type-C ở cạnh dưới sẽ là cổng chính để cấp nguồn cho thiết bị, cổng Type-C ở cạnh bên trái là cổng phụ để cắm sạc cho điện thoại.
Đi kèm với sản phẩm sẽ có hai sợi cáp, một sợi A-to-C dài 1.5m để cấp nguồn và một sợi C-to-C dài khoảng 8cm với 1 đầu vuông góc để cắm sạc cho điện thoại. Đây có vẻ như là những trang bị ưu ái cho Android hơn là iPhone (ngoại trừ 15 series với cổng sạc Type-C).
Hơi đáng tiếc khi phụ kiện đi kèm của CRYO Phone Cooler lại là cáp A-to-C.
Sản phẩm được hướng dẫn sử dụng adapter sạc 9V – 3A (27W) hoặc PD 3.0, thì rõ ràng củ sạc PD 3.0 với cổng Type C sẽ phổ biến trên thị trường hơn Type A 9V rất nhiều.
Như trường hợp của mình là không dùng được cả 2 sợi cáp đi kèm. Mà phải dùng cáp C-C ngoài để cấp nguồn từ củ sạc PD 3.0, và dùng cáp C-Lightning để sạc cho điện thoại.
Vì vậy, mình thấy Cooler Master nên trang bị cáp C-to-C thay vì cáp A-to-C sẽ thuận tiện hơn cho người sử dụng.
Phần mềm
CRYO Phone Cooler có đi kèm phần mềm điều khiển trên iOS và Android và sử dụng kết nối Bluetooth.
Với phần mềm, chúng ta chủ yếu sẽ cài đặt thông số như độ C, độ F, điều chỉnh công suất quạt, điều chỉnh các chế độ đèn. Sau khi cấp nguồn cho CRYO, chỉ cần mở app lên là sẽ thấy thiết bị.
Giao diện chính, góc trái sẽ có hiển thị nhiệt độ của CRYO, và có 5 preset cho các chế độ hoạt động, các bạn có thể tự tuỳ biến được, góc dưới có shortcut để bật/tắt và cài đặt thiết bị.
Khi Enter vào cài đặt bên trong chúng ta có thể lựa chọn công suất quạt cố định ở mức Power, Silent, Normal.
Hoặc cũng có thể tự tuỳ biến công suất theo ý muốn ở mục Advanced, công suất có thể thay đổi theo nhiệt độ, khi máy nóng lên quạt sẽ tự động mạnh lên. CRYO Phone Cooler có thể làm được điều này là vì trong thiết bị có cảm biến nhiệt độ, một linh kiện mà không phải chiếc tản nhiệt điện thoại nào cũng được trang bị.
Phần mềm cũng cho phép chúng ta tuỳ biến các chế độ đèn trang trí, như Colorful là sẽ tự đổi màu.
Breathing là sẽ phát sáng kiểu nhịp thở, hoặc kết hợp cả 2 vừa đổi màu vừa thở chúng ta có Color Breathing. Và option cuối là Static – hiển thị một màu cố định.
Về đèn trang trí trên CRYO Phone Cooler, bạn có thể tuỳ chọn vô số màu sắc mà bạn thích. Tuy nhiên, mình thấy những màu chính như RBG (Red-Blue-Green) sẽ lên rất rõ và đậm. Còn những màu sắc khác phải pha từ 3 màu đó thường sẽ nhạt hơn hoặc không lên được đúng màu cho lắm.
Ví dụ như khi mình để màu cam thì thực tế nhìn bên ngoài vẫn giống màu vàng hơn, nhích lên sắc đỏ một chút thì sẽ lại bị nghiêng sang tông đỏ, rất khó để có màu cam ưng ý. Tương tự màu tím cũng vậy, sẽ không đậm như đỏ và xanh mà sẽ ra màu tím hơi nhợt nhạt.
Hiệu quả tản nhiệt
Để kiểm tra hiệu quả tản nhiệt, mình đã test một vài bài test hiệu nặng với thiết bị iPhone 13 mini của mình sử dụng phần mềm Benchmark Antutu V10.
Điểm Antutu V10 cho iPhone 13 mini tham khảo trên Website của Antutu:
- CPU: 298,536
- GPU: 402,344
- MEM: 214,715
- UX: 300,237
- Total: 1,215,832
Lúc mình test, nhiệt độ ngoài trời là 33°C – Nhiệt độ trong phòng là 28°C.
Test #1: Không bật tản nhiệt – có cắm sạc
Với bài test 1, mình không bật tản nhiệt, chỉ gắn CRYO vào điện thoại để đo nhiệt độ mặt lưng. Đồng thời vừa cắm sạc vừa chạy bài test hiệu năng của Antutu
- Nhiệt độ trước khi test: 31°C
- Nhiệt độ trong khi test: rất nhanh lên mức 39-40°C và luôn thường trực ở mức nhiệt đó
Điểm Antutu:
- CPU: 245,093
- GPU: 404,027
- MEM: 191,044
- UX: 215,429
- Total: 1,055,593
Cảm nhận cá nhân: Máy rất nóng, đặc biệt là phần khung viền và khu vực bên cạnh camera.
Máy nóng lên khiến hiệu năng giảm khá nhiều.
Test #2: Bật tản nhiệt chế độ Silent – có cắm sạc
Với bài test 2, mình bật tản nhiệt CRYO ở chế độ Silent. Đồng thời vừa cắm sạc vừa chạy bài test hiệu năng của Antutu.
- Nhiệt độ trước khi test: 31°C
- Nhiệt độ trong khi test: phần lớn duy trì ở 31°C, thỉnh thoảng nhảy lên 33°C tầm 15-30 giây
Điểm Antutu:
- CPU: 281,424
- GPU: 420,918
- MEM: 214,647
- UX: 306,200
- Total: 1,223,189
Cảm nhận cá nhân: Khung viền và phần cạnh camera đã mát hơn hơn nhiều, chỉ có cảm giác ấm ấm chứ không nóng ran.
Test #3: Bật tản nhiệt chế độ Power – có cắm sạc
Với bài test 3, mình bật tản nhiệt ở chế độ Power. Đồng thời vừa cắm sạc vừa chạy bài test hiệu năng của Antutu.
- Nhiệt độ trước khi test: 25°C (vì mới bật Power lên là máy đã hạ nhiệt rất nhanh từ 31°C xuống 25°C)
- Nhiệt độ trong khi test: tăng chậm từ 25°C đến 28°C, sau một nửa bài test lên 31°C và duy trì ở mức đó, thi thoảng nhảy lên 33°C tầm 3-5 giây
Điểm Antutu:
- CPU: 280,974
- GPU: 466,237
- MEM: 207,979
- UX: 292,513
- Total: 1,247,703
Cảm nhận cá nhân: Tương tự như test #2, khung viền và phần cạnh camera đã mát hơn hơn nhiều, chỉ có cảm giác ấm ấm chứ không nóng ran
Sau 3 bài test đầu tiên, chúng ta có thể thấy CRYO Phone Cooler hoạt rất hiệu quả, giúp thiết bị mát mẻ để luôn đạt hiệu năng tốt nhất ngay cả khi cắm sạc.
Test #4 và #5 – Tản nhiệt khi đeo ốp
Mình cũng có thử test thêm cả khả năng tản nhiệt với mọi điều kiện test tương tự 3 bài test trên, tuy nhiên lần này mình không cắm sạc điện thoại nữa mà đeo ốp lưng. Ốp lưng mình sử dụng là Gear4 Denali, cũng là một mẫu ốp lưng khá dày, đồng thời, các hoạ tiết trên ốp cũng làm giảm diện tích tiếp xúc với CRYO Phone Cooler.
Và bên dưới là kết quả, Test #4 là khi không gắn tản nhiệt, Test #5 là khi có gắn tản nhiệt và chạy chế độ Power, mình chạy test #5 ngay sau test #4, không chờ máy nguội mà test luôn lúc máy đang nóng.
Có thể thấy khi máy nóng lên ở Test #4 cũng bị suy giảm hiệu năng nhiều, chỉ đạt 1,088,780 điểm, còn khi được gắn thêm tản nhiệt, dù qua một lớp ốp dày và làm Test #5 ngay sau Test #4, hiệu năng cũng vẫn đã được cải thiện khá nhiều.
Trong điều kiện sử dụng bình thường
Đối với việc vừa sạc vừa dùng những tác vụ cơ bản nhẹ nhàng như lướt Web, Facebook, Shopee, xem Youtube…, nhiệt độ được duy trì khá ổn định như sau:
- Tắt: 36-37°C
- Silent: 25-26°C
- Normal: 22°C
- Power: 20°C
Khi vừa sạc vừa dùng những tác vụ cơ bản, mình thấy chỉ cần dùng chế độ Silent là đã ổn rồi. Dùng Normal hay Power sẽ làm mặt lưng và khung máy khá lạnh còn phần nhiệt toả ra từ CRYO lại khá nóng.
Ngoài ra, mình cũng có đo thử với điện đầu vào PD 20W, CRYO Phone Cooler vẫn có thể cho ra dòng sạc điện thoại 15W, tức là chỉ tiêu tốn tầm 5W cho việc hoạt động của quạt và với mức sạc 15W vẫn đảm bảo sạc được điện thoại với tốc độ tốt.
Nếu chỉ bật CRYO lên và không gắn vào điện thoại, với nhiệt độ môi trường 28°C, nhiệt độ của CRYO sẽ là:
- Silent: 16°C
- Normal: 10°C
- Power: 10°C
Có thể thấy, nhiệt độ không tải của CRYO Phone Cooler sẽ không lạnh sâu như các sản phẩm khác đang có trên thị trường. Tuy nhiên, với quan điểm của mình: không phải càng lạnh là càng tốt.
Theo nhiều tài liệu của các hãng sản xuất điện thoại (Apple, Samsung, Xiaomi), nhiệt độ tối ưu của môi trường để sử dụng là khoảng 0°C-35°C-40°C. Ngoài ra, nhiệt độ hoạt động tối ưu của pin li-ion nói chung cũng là từ 15-35°C, ngoài ngưỡng nhiệt này, công suất nạp và xả của pin cũng sẽ bị suy giảm (ResearchGate).
Mình nghĩ đó là lý do vì sao Cooler Master tinh chỉnh và giới hạn nhiệt độ của CRYO ở ngưỡng khoảng 10°C, khi tản nhiệt cho điện thoại đang nóng sẽ rơi vào tầm 25-33°C, một ngưỡng phù hợp để vừa có hiệu năng và thời lượng pin tốt cũng như không làm ảnh hưởng đến hoạt động của linh kiện bên trong.
Mức độ ồn
Khi ở chế độ Silent, quạt quay khá yên tĩnh và gần như không nghe thấy tiếng, chỉ khi đặt sát lên tai mới nghe được tiếng quạt. Chế độ Normal và Power cũng chỉ phát ra tiếng rất nhẹ nhàng êm ái, không gây khó chịu.
Mình cũng có đo độ ồn ở khoảng cách rất gần (5cm) để xem quạt tản nhiệt của CRYO “ồn” đến mức nào, kết quả như hình bên dưới:
Trong điều kiện sử dụng bình thường, điện thoại sẽ cách tai chúng ta tầm 30cm, độ ồn của CRYO Phone Cooler cũng chỉ cao nhất là 49-50dB ở chế độ Power. Nhìn chung, mình không thấy phiền chút nào với tiếng ồn phát ra từ CRYO Phone Cooler kể cả khi đang chạy mức công suất cao nhất.
Cảm giác cầm nắm và quay phim với CRYO Phone Cooler
Vì mình dùng điện thoại hơi nhỏ, nên khi sử dụng điện thoại mà gắn thêm cục tản nhiệt thì tổng thể sẽ hơi to và hơi thiếu điểm tựa. CRYO cũng được thiết kế để sử dụng với tư thế máy nằm ngang nên nếu cầm theo chiều dọc thì ngón tay cũng sẽ phải hứng hơi nhiều hơi nóng toả ra. Còn khi sử dụng chiều ngang thì mọi thứ sẽ rất ổn.
Khi quay phim, 13 mini vẫn có thể gắn vừa cả CRYO Phone Cooler cũng như là gắn ngàm kẹp giữ điện thoại của tripod. Đương nhiên là nếu kẹp như vậy thì máy sẽ hơi nặng về phía bên phải đôi chút, mình sẽ cần điều chỉnh tripod cho cân đối khi quay chụp.
Các bạn dùng máy to hơn sẽ không phải quá lo lắng về chuyện kẹp giữ máy lúc quay phim chụp ảnh vì sẽ có nhiều diện tích để kẹp điện thoại hơn mình.
Một điểm cộng rất rất lớn đó là dù CRYO Phone Cooler được đặt sát với camera, nhưng kể cả khi mình sử dụng camera góc rộng 0.5x cũng không hề bị dính CRYO vào khung hình, +1 điểm cho thiết kế tinh tế.
Tất nhiên, với nhiệt độ mát mẻ, máy vừa quay phim vừa sạc liên tục rất ổn định, không bị quá nóng đến mức phải giảm độ sáng màn hình, phải ngưng sạc hay bị mất khung hình.
Kết luận
CRYO Phone Cooler là một sản phẩm được thiết kế và hoàn thiện chỉn chu, được tinh chỉnh ngon về cả phần cứng lẫn phần mềm, giúp điện thoại được tản nhiệt tốt để giữ vững hiệu năng đỉnh của máy.
Mặc dù mức giá bán tham khảo tại các đại lý là khoảng 680,000đ, có phần nhỉnh hơn những mẫu tản nhiệt có trên thị trường, nhưng mình đánh giá chất lượng của CRYO Phone Cooler cao hơn hẳn, có thêm nhiều tính năng hữu ích như cảm biến nhiệt độ, điều khiển qua app và là sản phẩm của một thương hiệu uy tín lâu năm được tinh chỉnh cẩn thận.
CRYO Phone Cooler sẽ là một sản phẩm phù hợp với những bạn dùng nhiều tác vụ nặng trên điện thoại như chơi game, quay và edit video thời gian dài, hay là lướt Shopee vài tiếng (app Shopee làm máy nóng điên lên được), đặc biệt là đối với mùa hè sắp tới.
Các bạn có thể tham khảo thêm sản phẩm tại đây:
Bài review chi tiết tản nhiệt điện thoại CRYO Phone Cooler của Cooler Master xin được kết thúc tại đây, cám ơn các bạn đã quan tâm theo dõi.
Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️
Chia sẻ bài viết:
Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết