Những món đồ dự phòng nên có trên ô tô
Update mới nhất: 11/08/2023
Khi sử dụng một chiếc ô tô, đặc biệt là ô tô cũ, anh em nên dự phòng cho những tình huống hỏng vặt bất ngờ để có thể khắc phục nhanh, tránh nằm đường, và có thể di chuyển đến gara để khắc phục và sửa chữa.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình cũng như những kinh nghiệm mình tham khảo được để chia sẻ với anh em. Ngoài ra mình có một loạt bài về việc mua, sử dụng, bảo trì, sửa chữa ô tô cũ, mời anh em tham khảo thêm
Nội dung chính
Đồ dự phòng cơ bản – trong trường hợp đi lại hàng ngày
Bộ dụng cụ cơ khí cơ bản như cờ lê, mỏ lết, tua vít, kìm… : Dùng để đóng, mở, vặn ra, vặn vào, siết ốc, cho bất cứ thứ gì trên xe có dấu hiệu cần xử lý. Một bộ dụng cụ cơ khí cơ bản sẽ rất hữu ích cho những lỗi lặt vặt mà bạn có thể tự khắc phục
Bộ dụng cụ điện cơ bản như cầu chì, băng dính điện, dây điện, kìm…: Phòng cho những trường hợp như đứt cầu chì, đứt dây điện. Đôi khi chỉ vì chuột cắn một dây điện mà sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của xe và bạn có thể dễ dàng khắc phục bằng việc nối lại dây điện bị đứt. Đối với việc đứt cầu chì, cần xem cầu chì đó đang chịu tải nào và kiểm tra nguyên nhân đứt cầu chì trước khi thay cầu chì mới. Đó là khi cần dùng đến các dụng cụ điện cơ bản
Các loại đèn dự phòng như đèn pha, đèn đề mi, đèn xi nhan, đèn phanh, đèn lùi (và đèn nội thất): Có thể tự thay thế ngay khi phát hiện ra hư hỏng nếu bạn thấy nó dễ dàng. Một số xe đời mới bây giờ có thể rất khó để thay bóng đèn. Mình hay mua theo hộp cả chục cái bóng đèn cũng sẽ tiết kiệm hơn mỗi lần đi thay một vài bóng. Khi đi đường mình để ý thấy khá nhiều xe có thể quên hoặc chính họ không kiểm tra đèn phanh bị cháy, không sáng khi họ phanh, rất nguy hiểm cho xe đi sau.
Đèn pin: Cần thiết để soi những vị trí tối của xe như khoang máy, gầm, sàn… và cũng cần thiết nếu cần tìm kiếm đồ hay sửa chữa xe lúc trời tối
Đo áp suất lốp/ Cảm biến áp suất lốp: lốp xe cần có mức áp suất phù hợp với địa hình, thời tiết và tải trọng, vì vậy nên có cảm biến áp suất lốp hoặc thiết bị đo áp suất lốp định kỳ để đảm bảo lốp không quá non cũng như không quá căng
Bộ vá lốp nhanh: Phòng cho trường hợp dính phải đinh rỗng. Vì đinh đặc thì xe không mất hơi ngay nên vẫn có thể chạy đến chỗ vá được nhưng đinh rỗng có thể khiến lốp mất hơi ngay. Vì vậy một bộ vá lốp nhanh sẽ cần thiết vào lúc này
Bơm điện: Đi kèm với bộ vá lốp nhanh thì cũng nên có bơm điện để dùng trong trường hợp cần bơm thêm hơi cho lốp
Búa an toàn: Búa an toàn có khả năng đập kính cửa xe và cắt dây an toàn, sẽ là một món đồ rất hữu ích trong trường hợp bạn cần thoát khỏi xe mà không thể mở cửa hoặc không thể tháo dây an toàn. Nên để búa ở vị trí dễ dàng tiếp cận nhất như ngay bên cánh cửa
Bình chữa cháy: Cháy xe là điều không ai mong muốn nhưng vẫn luôn xảy ra. Mình cũng đã có lần tận mắt chứng kiến một chiếc ô tô cháy trên đường. Vì vậy, một bình chữa cháy cũng là thiết bị dự phòng cần thiết. Theo hướng dẫn của một số hãng xe, bình chữa cháy nên để ở gầm ghế hoặc sát bên chỗ để chân bên phụ phía trước
Một số đồ dự phòng khác có thể hữu dụng như: Băng dính, dây rút (dây thít), một vài cái bút, túi ni lông, khẩu trang, chăn mỏng, dây chằng cố định đồ đạc, đồ sơ cứu khẩn cấp, dầu bôi trơn dạng xịt như WD-40 hoặc RP-7, ô che mưa, các vật dụng để vệ sinh như khăn khô, khăn ướt, giấy ăn, sạc dự phòng…
Đồ dự phòng nâng cao – trong trường hợp đi du lịch, đi phượt
Khi đi du lịch và đi phượt, đặc biệt là đến những vùi sâu vùng xa không có nhiều trang thiết bị hỗ trợ hay gara kề bên, ngoài những món đồ dự phòng cơ bản kể trên thì chúng ta nên chuẩn bị thêm những món sau.
Nước lọc: dự phòng cho chính người ngồi trên xe, có thể sẽ có những cung đường không có hàng quán và chỗ nghỉ ngơi. Ngoài ra còn có thể dùng nước lọc để bổ sung cho một số loại dung dịch khác trên xe nếu bị thiếu như nước làm mát và nước rửa kính. Nên chọn loại nước lọc tinh khiết, không nên dùng nước lọc có khoáng vì chất khoáng có thể gây đóng cặn ở đường ống và các chi tiết, và chỉ dùng nước lọc nếu không còn lựa chọn nào khác
Các dung dịch dự phòng cho xe như: nước làm mát động cơ, dầu máy, dầu phanh, dầu côn, dầu trợ lực lái. Phòng cho các trường hợp bị thất thoát hoặc tiêu hao các dung dịch này. Ngoài ra cũng có thể dự phòng sẵn cả nước rửa kính.
Kích gầm xe: Kích gầm xe để thay lốp trong trường hợp không thể vá được. Đi kèm với kích gầm thì các bạn cũng nên chuẩn bị một bộ tay công để tháo bánh. Việc tập tháo bánh và thay bánh cũng là điều cần thiết để không bỡ ngỡ nếu rơi vào tình huống phải ‘thực chiến’. Thi thoảng cũng nên kiểm tra lốp dự phòng để đảm bảo vẫn còn làm tốt chức năng dự phòng
Bộ kích điện nổ máy dự phòng: phòng trường hợp ác quy yếu không thể nổ máy được thì có thể sử dụng bộ kích điện dự phòng để cung cấp đủ nguồn cho motor đề lúc nổ máy, kể cả trong trường hợp xung quanh không có xe nào có thể hỗ trợ. Một lựa chọn khác là dây câu điện, tuy nhiên mình thích bộ kích điện dự phòng hơn vì nhỏ gọn và tính chủ động cao
Dây cáp kéo xe: dùng trong các trường hợp cần cứu hộ. Lưu ý nếu anh em đi phượt, nên mua loại cáp có tải trọng gấp đôi khối lượng toàn bộ của xe, ví dụ xe nặng 2 tấn thì mua loại cáp kéo cho xe nặng 4-5 tấn, vì khi sử dụng trong điều kiện sa lầy thì sẽ cần lực kéo rất lớn. Bạn cũng sẽ cần đến ‘Ma Ní’ nếu xe của bạn chưa có sẵn
Biển cảnh báo được sử dụng khi chúng ta phải dừng xe bên lề đường, đặc biệt là những đoạn đường không có làn dừng khẩn cấp mà chúng ta phải dừng ở một phần xe chạy tránh những rủi ro về pháp lý nếu chẳng may có sự cố xảy ra. Điều này cũng được quy định trong luật giao thông đường bộ “nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết“
Một số phụ tùng dự phòng đảm bảo việc vận hành cũng nên có trên xe, có thể anh em sẽ không tự xử lý được mà vẫn cần đến thợ nhưng anh em sẽ có sẵn phụ tùng thay thế, vì đôi khi đi đến vùng cao thì những phụ tùng này lại không sẵn có cho xe của anh em. Tất nhiên danh mục cũng tuỳ dòng xe và tuỳ bệnh đặc hữu của mỗi dòng xe. Bản thân mình thì mình có chuẩn bị những món sau:
- Dây cua-roa: thay dây mới sớm một chút và dùng dây cũ làm dây dự phòng
- Bugi và dây cao áp: Tương tự dây cua-roa, có thể thay mới và đồ cũ để dự phòng
- Bơm xăng: Mình có dự phòng thêm một cái bơm xăng ở trong cốp
- Cần gạt nước: Phòng trường hợp bị đánh cắp và gặp trời mưa
Đó sẽ là những món đồ mà mình đem theo nếu đi du lịch xa nhà. Ngoài ra, các bạn có thể tìm hiểu trước về cung đường mà mình sẽ đi để tìm kiếm số điện thoại của một vài gara và xe cứu hộ trên đường phòng khi cần dùng đến.
Bài viết xin được kết thúc ở đây, nếu các bạn còn dự phòng thêm món đồ gì khác ngoài những thứ mình đã liệt kê, hãy comment chia sẻ ở bên dưới bài viết nhé.
Cám ơn các bạn và chúc các bạn an toàn trên mọi nẻo đường
Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️
Chia sẻ bài viết:
Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết