Chia sẻ một vài lần gặp sự cố và nằm đường với xe ô tô cũ

Chia sẻ một vài lần gặp sự cố và nằm đường với xe ô tô cũ

Khi đi ô tô cũ, có rủi ro và gặp sự cố là điều không tránh khỏi. Rủi ro gặp sự cố của một chiếc xe cũ cũng thường cao hơn là một chiếc xe mới. Vì vậy, khi đã xác định đi xe cũ, mình cũng cần phải chuẩn bị trước và kĩ càng cho nhiều trường hợp, để phần nào tự tin với độ ổn định của chiếc xe, phần nào có thể tự giải quyết các sự cố nhỏ nhẹ hoặc có những phương án phù hợp với những sự cố nặng khiến xe ‘nằm đường’ còn bản thân ‘đứng đường’

Bài viết này mình sẽ chia sẻ một số trải nghiệm mình từng gặp với chiếc xe mình đang đi trong vòng 3 năm vừa rồi. Có thể không theo thứ tự thời gian mà theo mức độ nghiêm trọng nha, từ mức mình có thể tự xử trong vài phút cho đến vài tiếng hoặc tệ hơn là phải gọi cứu hộ

Giới thiệu nhanh qua một chút, mình mua chiếc Mitsubishi Pajero GL V6 3.0, mã model là V33V, được sản xuất vào năm 2004. Một chiếc SUV 2 cầu thú vị. Các bạn có thể xem thêm nhiều bài viết về chiếc xe này của mình tại đây. Ngoài ra, mình cũng có một checklist những món đồ dự phòng nên có trên ô tô tại đây để các bạn tham khảo

Những lần sự cố nhỏ, tự xử được

Đèn, điện các loại

Trên xe mình có rất nhiều loại đèn, nhưng quan trọng nhất vẫn là đèn chiếu sáng phía trước, đèn phanh, đèn lùi và đèn xi nhan. Toàn bộ hệ thống đèn trên xe của mình đều là đèn sợi tóc halogen thế hệ cũ mèm, nên thay thế cũng rất đơn giản, chi phí cũng rẻ

Có một lần đi chơi buổi tối, lúc đi vẫn ngon lành, lúc về nổ máy lên thấy chột 1 bên đèn chiếu sáng phía trước. Lọ mọ thay mất 10 phút vì mình đã có sẵn bóng đèn H4 dự phòng, vậy là ngon lành để đi về.

Có một lần đang đi trên đường, bật xi nhan thấy nháy với tốc độ gấp đôi bình thường, táp vào lề kiểm tra, một bóng đã cháy. Tháo cụm đèn hậu với 1 cái tuy vít và mở 2 con ốc vít và tiếp cận được jack và ngàm giữ đèn xi nhan, thay luôn phút mốt

Đèn phanh xe mình có 4 bóng, cũng thay nhanh gọn như xi nhan và cũng từng phải thay trong 1 lần mình kiểm tra trước khi chạy xe thấy bị “chột một bên mắt”

Chia sẻ một vài lần gặp sự cố và nằm đường với xe ô tô cũ
Chia sẻ một vài lần gặp sự cố và nằm đường với xe ô tô cũ

Kiếm mãi chả có ảnh nào minh hoạ cho việc thay mấy cái bóng đèn trên nên mình lấy tạm ảnh này nha, đây là một lần mình tháo táp lô xe ra để thay toàn bộ đèn nền từ halogen sang led và tự “độ” thêm tính năng khi mở khoá điện là đèn táp lô sẽ sáng. Đời cũ này đèn táp lô chỉ sáng khi bật đèn chính nên ban ngày đi trời nắng táp lô sẽ tối mù, vì thế mình mới cần xử lý nó

Đèn chiếu sáng phía trước của mình quá tối, không đủ an toàn khi chạy đường đèo núi buổi tối, vì vậy mình tự mua đèn LED đúng chân H4 về để thay thế halogen. Tất nhiên là thay có ý thức nhé anh em, tìm đúng loại LED có tim đèn như Halogen chuẩn.

Chia sẻ một vài lần gặp sự cố và nằm đường với xe ô tô cũ
Nguồn ảnh: DRiV Automotive Inc

Thay xong là đo đạc và cân chỉnh độ cao của đường cắt để cos chuẩn không gây chói người đối diện chứ không bậy bạ tùm lum đâu nha, và cái này tự làm được nhé, các bạn có thể tham khảo tại đây nhưng cơ bản sẽ cần các bước sau

  • đổ đầy xăng
  • đo độ cao tim đèn, trên đèn thường sẽ có một chấm để xác định vị trí này, hoặc đỗ xe cách tường tầm 50cm để xác định tim đèn
  • tìm góc chiếu xuống của nhà sản xuất, thường là 1.0-1.2%, ghi trên choá đèn
  • lùi xe ra 10m cho dễ tính, góc chiếu xuống 1% tức là sẽ thấp xuống 10cm khi lùi ra xa 10m. Tim đèn cao 85cm thì đường cắt sẽ cao 75cm khi lùi ra 10m
  • điều chỉnh đường cắt cos và tim sáng đúng tiêu chuẩn
Chia sẻ một vài lần gặp sự cố và nằm đường với xe ô tô cũ

Mình thay bóng NovSight N30S chân H4 giá tầm 800-900k (link tham khảo). Về độ sáng chắc khi cos chắc gấp 1.5 lần đèn cũ, pha thì chắc sáng gấp đôi, đường cắt đẹp và rõ hơn bóng halogen. Nói chung giải quyết được vấn đề chạy đường đèo núi lúc tối tăm mà trước đây halogen không xử được. Mà hơi chán là chỉ có màu trắng 6000K, nên mình phải dán decan vàng cho phần cos, chứ nếu kiếm được bóng 4300K sẽ ngon hơn. Led này cũng chỉ sáng ngang led zin của các xe đời mới phân khúc tầm trung bây giờ, kém led zin của xe 7-800 củ đổ lên. Mình thay từ tháng 01/2022 đến giờ vẫn đang ngon lành nha

Kẹt cửa kính + kính chiếu hậu + tay nắm cửa

Một lần mình đi, đang là một ngày hè nóng, và thế là trong một khoảnh khắc một anh kéo cửa kính xuống và nó không chịu lên nữa. Kẹt cứng luôn. Vậy là hôm đó đi ô tô như đi xe máy, hơi nóng chút vì gió bên ngoài lùa vào

Tối đi làm về mình tháo tapi cửa ra kiểm tra mọi thứ từ ray trượt, dây cáp kéo, mô tơ, công tắc, 2 bên zon cao su trượt. Tháo tung cả mô tơ ra để lau chùi vệ sinh. Đến lúc lắp lại thì nó lại hoạt động. Cũng không rõ nguyên nhân gây kẹt là gì và cũng không rõ hành động nào của mình là giải pháp. Mình chỉ tháo tung mọi thứ ra và lắp lại, vậy mà nó khỏi bệnh đến giờ luôn, vẫn ngon lành

Một lần khác, tự nhiên gương chiếu hậu của mình gặp vấn đề. Bình thường, khi mở gương ra thường phải được cố định ở góc ~90 độ với thân xe, nhưng hôm đó vì bị hỏng bộ phận nào đó nên gương của mình nó bay nhảy 180 độ luôn, và mình không sửa được nhưng tạm khắc phục bằng cách bắn một con ốc xuyên qua phần vỏ để cố định nó lại ở góc 90 độ và sau đó đem qua gara sửa sau

Tay nắm cửa cũng có 2 lần bị gãy bên trong, lần đầu mình không biết đem đến gara thay bị chém gọn 900k cho cái tay nắm OEM. Lần 2 tỉnh hơn tự đặt phụ tùng trên Shopee về và tự thay trong vòng 30 phút, chỉ tốn 100k cho cái tay nắm cửa OEM

Ác quy

Cũng trong một lần đi làm, đi bình thường đến cơ quan của đối tác. Lúc đi về xe mất điện hoàn toàn. Mất sạch, không có một chút điện đóm gì, kể cả mở khoá xe. Mình nghĩ ác quy đột tử, lúc đó trong xe cũng vẫn có viên kích dự phòng, nhưng kẹp vào lại cũng không thấy tín hiệu gì. Vậy là nằm đường. Gọi điện cầu cứu anh em chú bác trong hội. Hoá ra, nó lỏng cọc bình ác quy, mình dùng cờ lê siết chặt lại là được, lại lên điện đóm bình thường

Lần 2 mới gần đây thôi, ác quy chết thật sau hơn 3 năm, điện tụt xuống 8V sau 1 đêm, ngày hôm trước vẫn đi bình thường, hôm sau đèn cabin sáng lờ mờ, vẫn mở khoá từ xa được, nhưng đương nhiên không thể đề nổ được rồi. Mãi mới có cơ hội dùng đến pin dự phòng kích nổ. Mình sắm cục Anker Roav Jump Starter Pro (link tham khảo) từ khá lâu rồi, ngày đó không có quá nhiều thương hiệu ngon làm món này, toàn hàng tàu linh tinh, gần đây mới thấy Baseus và mới nhất là cục của Mophie có cả kích bình và bơm hơi trông rất ngon

Chia sẻ một vài lần gặp sự cố và nằm đường với xe ô tô cũ

Review nhanh về cục Anker Roav Jump Starter Pro, mình thấy nó chai pin khá nhanh sau tầm 1-2 năm đầu, dù mình vẫn nạp – xả định kỳ và trữ ở mức 50% khi không dùng trong thời gian dài như HDSD. Mình đo bằng các sạc vào và xả ra thấy mức dung lượng chỉ đạt ngưỡng loanh quanh 70% so với mức thiết kế (lúc mới sạc iPhone 3 lần thoải mái, sau 1 thời gian sạc chưa được 2 lần đã hết). Tuy nhiên đem đi bảo hành thì trung tâm bảo hành nói rằng đó là bình thường, và mình cũng không vui vẻ với việc đó vì mình thấy nó không bình thường, mình sẽ chia sẻ kỹ hơn ở một bài viết khác. Tuy nhiên, kể cả có bị chai thì cục pin này vẫn kích nổ được xe của mình bình thường, và với mức pin 100%, có thể kích 4 lần và vẫn báo mức còn lại 50% pin (kích thêm được tầm 2-3 lần nữa), và đến giờ nó vẫn làm được đúng chức năng và nhiệm vụ quan trọng nhất

Quay lại vụ cạn ác-quy, cắm lên kích phát ăn ngay, khá ngon lành, vậy là vẫn chạy đi việc được 1-2 hôm với tình trạng ác-quy sắp chết trước khi đi thay ác-quy, mỗi tội trong mấy ngày đó muốn nổ máy là phải cắm kích nổ.

Nếu không chuẩn bị cục phát nổ là sẽ có nguy cơ nằm đường, nhất là nếu chẳng may lại đang đi đâu đó xa xôi hẻo lánh không sẵn có xe khác để câu dây hay sẵn có dịch vụ thay ác-quy tận nơi. Hay đơn giản nhất là lúc cần dùng đến xe mà xe lại gặp sự cố và phải mất ít nhất một (vài) tiếng để xử lý (gọi người mang bình đến thay hoặc câu dây…) với cục kích nổ, mình có thể chủ động tự xử trong 5 phút

Những sự cố lớn hơn, không tự xử được

Hao nước làm mát

Đây là một sự cố từ giai đoạn đầu mình mới lấy xe, hôm đó đi lên Tam Đảo, lúc trên đường về thấy kim nhiệt báo cao hơn mức bình thường nhiều. Hóa ra xe bị quá nhiệt do rò rỉ nước làm mát. Dù mình vẫn luôn kiểm tra bên bình phụ, nhưng khi hệ thống bị rò rỉ, nước sẽ hao ở bình chính mà không hề hao ở bình phụ, bài học của lần đó là phải kiểm tra cả két nước chính. Tất nhiên là kiểm tra lúc xe nguội, chứ không nên mở nắp két nước lúc đang nóng nhé, dễ bị bỏng

Tất nhiên, phải đem ra gara để xử lý, và mình tốn khoảng 4 gara để dứt điểm được mọi chuyện, từ dây dẫn bị thủng, cho đến các mối tiếp xúc kém, rồi phải hàn vai két nước đã mọt cũng như thay nắp két nước cũ bị hỏng, mọi thứ mới trở nên ổn. Vì hệ thống nước làm mát này gần như là một hệ kín, vì vậy nếu mà hở là sẽ bị thất thoát và ảnh hưởng đến động cơ. Nếu cố chạy lúc quá nhiệt có thể thổi doăng mặt máy, cháy dầu, bó piston và nhiều hệ luỵ khác

Chia sẻ một vài lần gặp sự cố và nằm đường với xe ô tô cũ
Lâu lâu mở nắp này ra kiểm tra lúc máy nguội nhé anh em, thấy nước làm mát đầy ngay nắp là ổn, nếu cạn hơn là có thể có vấn đề, vì nguyên lý hoạt động của cái van đó sẽ luôn giúp két chính đầy nước lúc máy nguội

Rò rỉ dầu máy, dầu hộp số

Đây cũng là một sự cố tồn tại với xe cũ. Sau nhiều năm hoạt động, các phớt, doăng, ron đã lão hoá và vì vậy có thể có hiện tượng rò rỉ dầu máy cũng như dầu hộp số, gây hao hụt những chất lỏng quan trọng này, nếu hao quá mức có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận hành.

Món này mình không tự xử được, cũng phải đi vài gara nhưng chỉ đến khi gặp được gara chuyên về dòng xe của mình thì sự cố này mới được khắc phục ở mức có thể chấp nhận được

Nằm đường thật sự

Và lần nằm đường thật sự của mình thì nghiêm trọng hơn cả. Hôm đó mình gặp sự cố với hệ thống an toàn cơ bản nhất của xe. Đó là hệ thống phanh, mình bị mất phanh.

Khi đó mình đang chuẩn bị dừng lại trước sảnh khách sạn Lotte Đào Tấn để đón một người bạn đồng nghiệp của mình đi thăm thú Hà Nội, và trong lúc đang nhấn phanh để dừng xe lại, xe đang giảm tốc dần (lúc đó chỉ còn khoảng 5km/h) thì chân phanh bỗng nhẹ hẫng và lún sâu, đồng thời khi mình đạp, xe không phản hồi, xe không chậm lại

Ngay lúc đó mình phải sử dụng phanh tay để hãm xe lại. Kỹ thuật dùng phanh tay để phanh trong những trường hợp khẩn cấp đó là phải bóp vào núm trên tay cầm và kéo từ từ phanh tay để cảm nhận lực hãm nhé, chứ giật mạnh giật gấp là xe có thể bị lết bánh (drift) làm giảm hiệu quả phanh hoặc gây xoay ngang xe nha

Cái sảnh khách sạn cũng hơi dốc xuống vì vậy mình cũng phải kéo phanh tay khá mạnh và mất tầm 1 giây xe mới đứng hẳn lại. Lúc này mình mới xem xét chân phanh, khi đạp mình nghe tiếng xì xì, giữ chân phanh rồi nhưng nhả phanh tay ra là xe vẫn trôi theo dốc. Lúc này mình biết hệ thống phanh đã có vấn đề rất nghiêm trọng

Lúc này mình run và thấy sợ các bạn à. Vì thực ra chỉ ngay trước đó thôi vào buổi sáng mình vẫn đang phóng cao tốc vành đai 3 tốc độ 100km/h, vẫn đi các đường lớn đông xe 60km/h, vẫn vào phố và dừng đèn đỏ với nhiều người ở phía trước. Mình thấy hôm đó quả thật mình quá quá may mắn, vì dù gặp sự cố nhưng khi nó xảy ra, mình gần như đã dừng xe lại ở một vị trí không có ai trước đầu xe, chứ nếu chẳng may bị trong các trường hợp như trên, hậu quả có thể nghiêm trọng hơn rất nhiều

Vậy là lúc đó, phải nhờ một bạn đồng nghiệp khác đưa bạn kia đi thăm Hà Nội. Còn mình, cố gắng điều khiển chiếc xe mất phanh rất chậm và cẩn thận ra khỏi vị trí sảnh khách sạn để đến một vị trí đủ an toàn, có thể đứng chờ cứu hộ mà không gây cản trở giao thông giờ cao điểm. Gọi cho gara quen để cho cứu hộ qua chở xe về. Giao xe cho gara xong mình mới có thể quay lại với công việc, mất đâu đó 2-3 tiếng gì đó.

Hôm sau, khắc phục xong, gara báo mình là xe mình bị hỏng bầu trợ lực phanh. Nguyên lý hoạt động của bầu trợ lực này đó là tận dụng lực hút chân không từ động cơ để góp phần vào lực đạp phanh của người điều khiển

Chia sẻ một vài lần gặp sự cố và nằm đường với xe ô tô cũ
Cục màu đen tròn tròn trong ảnh
Chia sẻ một vài lần gặp sự cố và nằm đường với xe ô tô cũ

Bên trong bầu trợ lực sẽ có các vách cao su (màng ngăn) để ngăn cách các buồng áp lực, và bầu trợ lực cũ của mình bị thủng cái vách đó, khiến mất áp suất, tạo ra tiếng xì xì ở chân phanh, và khi đạp phanh thì không có một chút trợ lực nào để truyền lực xuống các má phanh cả, nên đạp lút cán mà không xi nhê. Về lý thuyết, mất trợ lực tức là chưa mất hẳn phanh xe, người lái sẽ phải đạp rất mạnh để hãm xe lại, nhưng đúng là hôm đó mình đạp lút cán rồi mà thấy không có tác dụng đáng kể trong việc hãm xe lại, dốc nhè nhẹ của sảnh khách sạn mà xe vẫn trôi

Để nhận biết bầu trợ lực phanh có vấn đề, có rất nhiều bài viết như tại đây, tại đây, tại đâytại đây. Tuy nhiên, với trường hợp của mình, không hề có một dấu hiệu nào để nhận biết trước như các bài viết đó. 1 giây trước còn đang ngon, 1 giây sau đã có vấn đề. Mình có hỏi kỹ thuật viên ở gara, anh em cũng chia sẻ là có một số trường hợp bị rách màng ngăn như của mình là sẽ không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng cho việc hư hỏng bộ phận này

Đây cũng là một bộ phận cơ bản sẽ có tuổi thọ cao nên mình cũng không tìm được nhiều thông tin về việc sau bao lâu sẽ cần thay thế. Vì vậy, ngoài bảo dưỡng định kỳ hệ thống phanh như dầu phanh, tổng phanh, má phanh, dây dẫn dầu… giờ mình có thêm 1 món cần chú ý để kiểm tra định kỳ đó là bầu trợ lực phanh

Và đây cũng là một trong số các rủi ro gặp phải khi mua xe cũ, dù đã cẩn thận và bảo dưỡng định kỳ, nhưng vẫn sẽ có một số bộ phận ‘bền đến lúc hỏng’ có thể hỏng đột xuất do chưa được thay thế đúng thời điểm

Và đương nhiên, nếu có điều kiện, hãy cứ mua xe càng mới càng tốt, xe cũ vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn xe mới, đặc biệt là về độ an toàn khi sử dụng, vận hành, do đó mình không khuyến khích hay cổ vũ các bạn mua xe cũ. Dù xe cũ có nhiều thứ vui vẻ và thú vị nhưng sẽ luôn đi kèm với rủi ro mà chúng ta phải chấp nhận khi sử dụng

Tránh nằm đường, giảm rủi ro nằm đường

Nằm đường là chuyện rất bình thường và có thể xảy ra bất cứ lúc nào dù chúng ta đi xe mới hay xe cũ, vì trên xe có rất nhiều hệ thống cơ khí điện tử kết hợp và đôi khi chỉ một món có vấn đề thôi là chúng ta cũng có thể nằm đường.

Tất nhiên rủi ro nằm đường và mức độ tin cậy của xe cũ thấp hơn xe mới. Đừng coi chiếc xe 200 triệu ngon lành và đáng tin cậy như chiếc xe 1 tỷ. Nhưng chính vì vậy, khi đã xác định mua và sử dụng xe cũ, chúng ta cũng cần có mức độ tin tưởng và kì vọng tương ứng cũng như có thêm nhiều kỹ năng và lưu ý, có thể kể đến một số điểm sau

  • Bảo dưỡng định kỳ, thường xuyên, một số món cần thay khi đến tuổi chứ không phải hỏng mới thay vì có thể lúc hỏng là nằm đường. Bạn có thể tham khảo một số món mình liệt kê trong bài viết này
  • Trau dồi kỹ năng khắc phục sự cố cơ bản, đừng nằm đường chỉ vì lỗi vặt có thể tự giải quyết được. Bạn càng học được nhiều kỹ năng, danh sách ‘lỗi nặng’ sẽ càng chuyển nhiều món sang ‘lỗi vặt”
  • Có sự chuẩn bị kỹ càng trước mỗi chuyến đi, từ các món đồ dự phòng nên có, cho đến danh sách các gara hoặc số điện thoại cứu hộ trên cung đường. Có các điểm dừng nghỉ hợp lý để kiểm tra cảm quan nhanh gầm, máy, lốp, phanh… để giảm thiểu rủi ro hư hỏng khi đang vận hành
  • Hiểu rằng xe của mình an toàn đến đâu để có những quyết định phù hợp, bạn có thể tham khảo thêm ví dụ tại đây về cách mình đánh giá mức an toàn với chiếc xe của mình và cách mình ứng xử với mức an toàn đó
  • Có thể có thêm nhiều điểm khác nữa mình chưa nhớ ra hết, mời anh em bổ sung haa

Nằm đường, tất nhiên nó không vui vẻ, nó gây mất thời gian, nó phiền phức, nhưng đôi khi đó là những điều chúng ta không tránh được. Và việc đối mặt và ứng xử với nằm đường mới là quan trọng. Nếu bạn chuẩn bị tốt và có cách xử lý tình huống tốt, việc nằm đường sẽ không ‘đáng sợ’ đến vậy, thậm chí nếu có một cách nhìn nhận vấn đề lạc quan và tích cực, đôi khi ‘nằm đường’ có thể đem lại niềm vui, kỉ niệm và rất nhiều kinh nghiệm

Cám ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi, bài viết xin được kể thúc tại đây. Ngoài ra các bạn có thể xem và tham gia thảo luận về bài viết này trên Tinh Tế nha

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.