Phần 6: Mọi điều cần biết về cửu sừng – Thiết lập một bể cá cửu sừng

Phần 6: Mọi điều cần biết về cửu sừng – Thiết lập một bể cá cửu sừng

Bài viết này nằm trong series Mọi điều về cửu sừng, các bạn có thể xem thêm các phần khác tại Phần 1: Mọi điều về cửu sừng

Kích cỡ bể

Chọn một bể cá để nuôi cửu sừng cũng không phải là việc khó, chỉ cần lưu ý một điều đó là diện tích đáy và độ cao của nước.
Diện tích đáy của bể cá khá quan trọng khi mà cửu sừng là loài sống ở tầng đáy, đặc biệt là những loài ít vận động. Bạn muốn có đủ không gian để cửu sừng có thể bơi thoải mái, bạn nên chuẩn bị một bể mà khi lớn lên, cửu sừng của bạn vẫn có đủ không gian.

Chiều dài của bể nên gấp 3-4 lần và chiều rộng nên gấp 2 lần kích thước của cá. Đó là kích cỡ phù hợp cho người mới chơi, còn tất nhiên, bể càng to sẽ càng tốt, cá sẽ có nhiều không gian, bạn sẽ không cần phải nâng cấp bể khi cá lớn hơn, đồng thời chất lượng nước cũng sẽ ít biến động ít bể cá nhỏ.

Đối với chiều cao, không phải là một điều quá quan trọng tuy nhiên khi bạn nuôi cửu sừng con, hãy để mức nước thấp để chúng có thể dễ dàng lên thở mà không tốn quá nhiều sức lực

Hệ thống lọc

Hệ thống lọc là xương sống của một bể cá, nó là một cỗ máy để xử lý amoniac độc hại và giúp cá có thể tồn tại. Một hệ thống lọc tốt sẽ giữ cho bể cá khoẻ mạnh. Với nhiều loại lọc hiện có, loại nào sẽ tốt cho cửu sừng, chúng ta có thể sử dụng một vài tiêu chí sau:

  • Dung tích lớn cho vật liệu lọc – Cửu sừng là loài ăn lắm ỉ* nhiều, vì vậy khối lượng lọc sinh học cần cho bể phải đủ nhiều để các vi khuẩn và vi sinh có lợi có đủ chỗ để phát triển và xử lý lượng ammonia thải ra từ cá
  • Mức độ luân chuyển nước trung bình – Một bộ lọc tốt nên có lưu lượng một giờ gấp 5-7 lần thể tích bể của bạn để nước có thể được luân chuyển một cách hiệu quả. Đồng thời cũng không tạo dòng quá mạnh vì cửu sửng thường sống ở nơi nước tĩnh trong tự nhiên.
    • Ví dụ, bể cá có thể tích 100 lít, bạn có thể chọn lọc hoặc bơm có lưu lượng trung bình từ 500 – 700 lít (lưu lượng trung bình này khác với lưu lượng tối đa hay được ghi trên máy bơm). Giải thích ngắn gọn như sau, với bơm ở ngoài tiệm, sẽ có 2 thông số Qmax: Lưu lượng lớn nhất, và Hmax: Độ cao cột nước lớn nhất. Để đơn giản thì Qmax đạt được khi H = 0 và khi đạt Hmax thì Q gần như bằng 0. Vậy ví dụ bạn muốn bơm lên cao 1 mét (coi như đã tính cả hao tổn cột nước đường ống) và lưu lượng bạn cần là 500l/h, bạn cần tìm một chiếc bơm ít nhất là Qmax = 1000l/h và Hmax = 2 mét. Mình sẽ có một bài viết chuyên sâu về vấn đề này vì liên quan nhiều đến kĩ thuật
  • Nắp che/lưới chắn – mọi thành phần của hệ thống lọc được gắn trong bể chính nên có lưới che để tránh cửu sừng bơi vào ống in-out hoặc nhảy sang ngăn lọc đối với bể có vách tràn trên.

Với những tiêu chí trên, một số loại lọc thùng công suất lớn có thể đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên, một hệ thống lọc tràn (ví dụ như tràn dưới) vẫn là một lựa chọn tốt nhất để có thêm thể tích cho vật liệu lọc. Và hãy nhớ, che đậy cẩn thận đường in-out, cửu sừng rất thích khám phá những nơi chật hẹp như vậy. Bạn sẽ không muốn một ngày nào đó nhìn thấy một chú cửu sừng con kẹt trong ống out đồng thời làm tắc đường nước lọc.

Sưởi

Đối với cá nhiệt đới thường cần nhiệt độ nước khoảng 25 độ trở lên thì sưởi cũng sẽ là vật dụng cần thiết. Tuỳ vào khí hậu từng nơi, bạn cần chọn công suất sưởi phù hợp, thường ở trên bao bì của các loại sưởi cũng có hướng dẫn của nhà sản xuất, tuy nhiên cũng có 1 cách tính nhanh đó là 1 watt cho 1 lít nước. Nếu bể của bạn là 200 lít có thể chọn sưởi 200w.

Vị trí đặt sưởi cũng rất quan trọng, bạn nên để sưởi thẳng đứng để tránh cửu sừng nằm lên nó, hoặc bạn có thể chọn mua những loại sưởi có vỏ bảo vệ để tránh bị bỏng cho cả người lẫn cá.

Nếu bạn sử dụng lọc tràn dưới, bạn có thể để sưởi ở một trong các ngăn lọc tránh rủi ro các loại cá săn mồi húc vỡ sưởi gây nguy hiểm về điện cho cả cá và chủ.

Vật liệu trải nền

Bằng cách nào đó, cửu sừng có đặc tính giống như một con tắc kè hoa hoặc mực nang; chúng sẽ điều chỉnh màu sắc dựa trên tâm trạng hoặc để phù hợp với môi trường xung quanh chúng. Do đó, vật liệu nền bạn chọn sẽ ảnh hưởng đến màu sắc của cá.

Các chất nền tối có xu hướng làm nổi sắc tố sâu hơn và đôi khi làm chúng tối màu hơn, các chất nền có màu sáng có xu hướng làm nhạt màu ra một chút. Những con cá giống nhau có thể trông cực kỳ khác nhau trên các chất nền khác nhau!

Một vấn đề nữa đó là những vật liệu nền có thể dễ dàng đi qua hệ tiêu hoá. Cửu sừng thường nuốt chửng con mồi và không tránh được việc đôi khi có một vài hạt sạn, hạt cát lọt theo cùng thức ăn. Vì vậy nên sử dụng những loại nền có kích thước hạt nhỏ như cát để có thể dễ dàng đi qua hệ tiêu hoá nếu nuốt phải và nên tránh nền sỏi vì có thể bịt kẹt lại gây tắc ruột. Khi sử dụng nền cát thì nên rửa sạch để trôi hết bụi mịn làm nước trong hơn và tránh gây hỏng máy bơm
Về màu sắc của vật liệu nền. Có một vài gợi ý như sau:

  • Nền đỏ: Đây là màu tốt nhất để có sự tương phản cao giữa hoa văn và màu nền cho cả những loài hàm trên và hàm dưới. Các bạn có thể dùng cát garnet, tuy nhiên ở VN thì loại đá này vẫn khá đắt đỏ
  • Nền đen: Những loài hàm trên có thể lên màu xanh lá nhưng màu nền sẽ đen hơn và có thể sẽ trùng với màu của hoa văn. Đối với loài hàm dưới, chúng sẽ trở nên rất tối màu, ngoại từ PBB (Nile) sẽ lên màu xanh lá
  • Nền nâu, cam: Cải thiện màu vàng của những loài hàm trên. Đối với hàm dưới thì có hiệu ứng như màu đỏ nhưng nhẹ hơn
  • Nền sáng: Bay màu bay màu và bay màu, đặc biệt là đối với đám hàm dưới

Chiếu sáng

Ánh sáng yếu là lý tưởng cho cửu sừng, có thể ở mức 1watt trên 3 lít đối với đèn huỳnh quang, tuy nhiên nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến độ sáng. Phương pháp đơn giản là tránh chiếu sáng quá mạnh, và tránh dùng những loại đèn công suất cao cho bể thuỷ sinh trồng cây, có thể sử dụng đèn rọi, hoặc có thể thêm các vật liệu trang trí giúp giảm bớt ánh sáng.

Về ánh sáng chiếu bể cá. Mình sẽ có một bài viết phân tích về các loại đèn. Mình sẽ để link tại đây sau khi đăng bài.

Trang trí

Bên cạnh vật liệu nền, bạn có thể thêm gì vào hồ nuôi cửu sừng?

Khá nhiều thứ, thật vậy.

Cửu sừng thường thích ẩn náu, vì vậy một khúc lũa, một vài cái cây, hay vài hòn đá sẽ rất lý tưởng cho hồ cửu sừng, chỉ cần đảm bảo không có bất kì vật sắc nhọn nào để tránh gây thương tích khi cửu sừng bơi qua những vật trang trí đó
Đối với cây, bạn có thể sử dụng những loại cây không yêu cầu quá nhiều ánh sáng như ráy, dương xỉ, hoặc trên mặt nước có thể thả thêm bèo để giảm lượng ánh sáng chiếu xuống đáy bể.

Vật trang trí cũng giúp cửu sừng có nơi ẩn náu, làm chúng giảm căng thẳng cũng như stress.

Bạn cùng bể

Để liệt kê tất cả các loài có thể sống chung với cửu sừng là điều không thể, rất nhiều loài có thể sống cùng, chỉ có một vài điều cần phải cân nhắc:

  • Bạn cùng giường phải đủ lớn để không bị nhập thể
  • Nên tránh những loại cá dữ vì cửu sừng hiền lắm, không đánh lại bọn to hơn mồm nó đâu
  • Tránh bọn mút nhớt như đám lau kiếng vì chúng nó mút cửu sừng trơ xương luôn nhé

Kết luận: Nếu không ăn cửu sừng, không ảnh hưởng đến bữa sáng của cửu sừng, và không thành bữa sáng của cửu sừng, thì chúng nó sống chung được.

Mình sẽ có một bài viết liệt kê các loại bạn cùng bể với cửu sừng, mình sẽ để đường link tại đây sau khi mình đăng bài đó.

Tránh đào tẩu

Trốn thoát nằm trong gen của cửu sừng rồi, chúng nó sẽ bật chế độ máy bay và phi thân ra khỏi bể ngay khi có cơ hội dù cái kết đôi khi không có hậu lắm. Vì thế bể cá cần được chặn mọi lối ra vào, nội bất xuất ngoại bất nhập. Có thể làm những điều sau:  

  • Cần có nắp, nắp kính, nắp nhựa, nắp lưới, nắp gì cũng được miễn là đậy được kín và đủ nặng để bọn nó không bay ra khỏi bể
  • Nhớ chú ý mấy chỗ mà ống hay dây dẫn đi ra khỏi bể, chúng có thể trườn ra theo lối này
  • Đối với bể có tràn trên nên có lưới để tránh chúng phi sang ngăn tràn hoặc rơi xuống bể lọc
  • Bịt kín hoặc bọc lưới tất cả những chỗ, những lỗ hay ngóc ngách mà chúng có thể chui vào rồi thoát ra khỏi bể

Và nếu một ngày đẹp trời bạn về nhà và thấy cửu sừng của bạn đang leo lên giường ngủ của bạn để ngủ thay vì trong bể cá của nó, hoảng sợ đi, nó đang đo kích thước để ăn thịt bạn đó. Đùa thôi, nếu một ngày bạn thấy nó nằm trên sàn, cứ bình tĩnh, cửu sừng có thể sống khá lâu ở ngoài không khí khi so sánh với những loài khác. Bạn có thể cho chúng vào một cái lưới và đặt chúng trở lại bể, sẽ mất một khoảng thời gian để chúng phục hồi và bắt đầu bơi, có thể mất một vài giờ. Còn nếu chúng ở ngoài nước quá lâu, và đã thành cá khô, thì chia buồn, hãy làm nắp đậy cẩn thận và chúc bạn may mắn lần sau.

Thông số, thành phần nước

Cửu sừng là một loài khá dễ thích ứng với nhiều môi trường nước khác nhau, đối với hồ nuôi cảnh, có thể tham khảo thông số như sau

  • pH: 6.0-8.0
  • Độ cứng: 2dH – 20dH (36-356 ppm or 20-200mg/l)
  • Nhiệt độ: 24-28°C / 75-84°F
  • Nitrates: < 20 ppm
  • Ammonia and nitrites: 0

Cửu sừng khá dễ thích nghi nên hầu hết các nguồn nước máy đều có thể sử dụng, tuy nhiên cần phơi hoặc sục khí để khử Clo trong nước. Một điều cũng quan trọng là phải thay nước thường xuyên để giảm mức nitrat (NO3) trong bể cá. Mặc dù không gây hại ngay lập tức, nitrate được biết là góp phần làm giảm hệ miễn dịch yếu hơn và sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe. Tiếp xúc lâu dài với hàm lượng nitrate cao có thể làm giảm đáng kể tuổi thọ của cá. Giống như bất kỳ loại cá nào khác, bắt buộc phải giữ mức Amoniac (NH3 / NH4 +) và Nitrite (NO2-) ở mức 0, nồng độ các chất chuyển hóa này có thể nhanh chóng trở nên nguy hiểm cho cá.

Các bạn có thể tìm hiểu kĩ hơn về chu trình nitơ để hiểu hơn về Amoniac, Nitrite và Nitrate qua bài viết tại đường link này, mình sẽ cập nhật sau khi đăng bài nhé


Bài viết được biên dịch từ Everything you need to know about Bichirs. của thành viên Hendre từ diễn đàn MonsterFishKeepers

Tài liệu tham khảo: BMC Evolutionary BiologyMaija Karala’s blogMFKMFKMFKMFKResearchGateResearchGateResearchGateTaylor & Francis OnlineWikipediaWikipediaWikipediaWikipedia


Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Bichir

Mình có niềm yêu thích với cá cảnh. Mong muốn của mình là đem lại những thông tin chính xác, có tính khoa học về cá cảnh. Hy vọng có thể đem lại những kiến thức bổ ích cho những bạn nào đã đang và sẽ nuôi cá cảnh. Kết nối với mình tại Facebook Long Bichir
    • 2 năm ago

    Chào bạn:
    Rất cám ơn các bài viết chia sẻ cửu sừng của bạn. Bạn có thể cho biết cá nào phù hợp nuôi với cá cửu sừng không? Cửu sừng hay nằm đấy nên nhìn hồ chán quá. Cám ơn bạn

      • 2 năm ago

      Chào bạn, rất vui vì bạn đã đọc bài viết của mình. Có một số loài cá phù hợp để nuôi chung với cửu sừng như là:
      – Cá sấu hỏa tiễn: Thường sẽ bơi ở tầng trung và tầng mặt, có điều loài này hơi dữ và ăn mau chóng lớn, có thể nuôi cá sấu hỏa tiễn bông sẽ hiền hơn và max size nhỏ hơn cá sấu hỏa tiễn thường
      – Cá hổ: Cá hổ cũng là loài săn mồi nhanh nhẹn và thường bơi ở tầng trung, loài này thì dù là cá săn mồi nhưng chỉ ghê gớm với mồi chứ cũng hiền lành với loài to hơn nó như là cửu sừng
      – Tai tượng châu phi cũng là loài có thể nuôi chung với cửu sừng vì hai loài này hầu như nước sông không đụng nước giếng. Ngày xưa mình nuôi tai tượng lớn nhanh hơn quá so với cửu sừng nên thi thoảng tai tượng có khịa cửu sừng nhưng mà vì mình đồng da thép nên vẫn ổn không có vấn đề gì. Chỉ khi nào vừa miệng tai tượng thì mới là vấn đề thôi
      – Hồng vĩ mỏ vịt và trê cọp cùng size hoặc nhỏ hơn cũng có thể nuôi chung nhưng 2 loài này cũng sống tầng đáy và nhanh nhẹn hơn cửu sừng nên nếu cho ăn thì thường cửu sừng sẽ hơi thua thiệt hơn chút
      – Ngoài ra bạn có thể nuôi chung với hầu hết các loài hiền lành và miễn sao to hơn miệng của cửu sừng để không bị nhập thể là được

      Các loài tuyệt đối không nuôi chung:
      – Cá tì bà (cá mút đá, cá dọn bể): chuyên mút nhớt cửu sừng có thể gây tụt nhớt và ngủm củ tỏi
      – Cá phi phụng: chuyên đớp mắt cửu sừng, dễ khiến cửu sừng thành đui chột
      – Cá sam/ cá đuối nước ngọt: loài này thì 50/50, chẳng may nằm đè lên cửu sừng là khiến cửu sừng chết ngạt hoặc ngược lại bị cửu sừng cắn rách vây thì nguy cơ cá đuối chết đuối cũng cao

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.