Trên tay máy lọc không khí Lumias Bulma Pro

Trên tay máy lọc không khí Lumias Bulma Pro

Update mới nhất: 03/09/2024

Lumias Bulma Pro là một mẫu máy lọc không khí có thiết kế đẹp, cách sử dụng đơn giản và có khả năng kết nối thông minh với ứng dụng để giám sát và điều khiển từ xa.

Bài viết này mình sẽ chia sẻ nhanh một số trải nghiệm sau khi sử dụng Lumias Bulma Pro. Một máy lọc không khí với mức giá loanh quanh 3 triệu với ngoại hình nhỏ gọn nhưng lại có khả năng lọc không khí cho phòng diện tích lên tới 55m2.

Thông số kĩ thuật

Một số thông số kĩ thuật của Lumias Bulma Pro:

  • Diện tích lọc: 55m2
  • Lưu lượng lọc khí (CADR): 450m3/h
  • Cảm biến bụi mịn PM2.5
  • Lõi lọc 3 lớp: lọc thô, hepa, than hoạt tính
  • Kích thước 27x27x52 cm
  • Khối lượng 3.4kg
  • Kết nối App Smart Life

Thiết kế

Thiết kế bên ngoài của Lumias Bulma Pro là dạng hình trụ tròn màu trắng với nửa thân dưới là các lỗ để hút không khí vào được bố trí 360 độ xung quanh sản phẩm. Mặt sau có cổng cắm nguồn DC và một khe cảm biến chất lượng không khí.

Trên đỉnh máy là khu vực điểu khiển chính, được thiết kế dạng đĩa bay nhìn rất đẹp và hiện đại với một mặt kính điều khiển lớn, mặt kính này có lẽ là từ chất liệu nhựa mica, vì mình thấy rất bóng và đẹp. Xung quanh cũng là khe thoát không khí sạch sau khi đã được lọc, được làm 360 độ và phần cánh gió sẽ toả đều khí ra xung quanh.

Khi bật máy lên, màn hình hiển thị chất lượng không khí và các phím điều khiển cảm ứng trực quan, cũng như phần xung quanh của máy sẽ có đèn led 3 màu xanh dương, cam và đỏ để thể hiện chất lượng không khí tốt, trung bình và kém. Buổi tối khi bật máy lên sử dụng sẽ thấy tính thẩm mĩ được thể hiện

Phần đĩa bay bay này cho chúng ta cảm giác nó đang lơ lửng ở trên đỉnh của máy, phần đèn chiếu ra xung quanh cũng tạo hiệu ứng thị giác rất đẹp.

Để tiếp cận vào màng lọc của Lumias Bulma Pro, chúng ta sẽ cần lộn ngược máy lại, vì vậy, các bạn nên giữ lại miếng xốp đi kèm để lót phần đĩa bay mỗi khi lật ngược lại để duy trì vẻ đẹp vốn có. Phía đáy của máy sẽ là một nắp lớn. Mở nắp ra sẽ tiếp cận được màng lọc.

Đi kèm với máy sẽ có một bộ chuyển đổi nguồn được đặt bên trong, nên kiểu gì cũng phải mở phần này ra để có nguồn cắm máy, và như vậy cũng sẽ yên tâm không sợ quên tháo nilong màng lọc, +1 điểm cho việc đóng gói.

Nguồn đi kèm của máy lọc không khí Lumias Bulma Pro sẽ chuyển đổi điện AC sang DC 24V, với dòng tối đa là 2A và công suất tối đa 48W. Mình có đo nhanh khi máy chạy ở chế độ bình thường, bật hết các tính năng, mức tiêu thụ tầm 8W, chế độ ngủ tầm 3W và chế độ tối đa sẽ tiêu thụ tầm 46W, đây là mức tiêu thụ khá cơ bản của các máy lọc không khí.

Lõi lọc của Lumias Bulma Pro là dạng tích hợp 3 trong 1, cả lõi lọc thô, lõi lọc hepa và lõi lọc than hoạt tính đều nằm trong khối lõi lọc hình trụ này.

Việc tích hợp vào 1 lõi sẽ giúp việc thay thế sau này đơn giản hơn, thay cả khối là xong, nhưng đánh đổi lại là khi vệ sinh màng lọc thô định kì sẽ hơi vất vả hơn. Bù lại, việc lõi lọc hình trụ như thế này sẽ giúp máy có hiệu năng tốt, lọc được diện tích lớn mà vẫn giữ được ngoại hình nhỏ gọn.

Nhờ thiết kế này, máy có thể hút không khí 360 độ xung quanh, cũng giúp chúng ta dễ bố trí vị trí đặt máy hơn các thiết kế khác.

Phần than hoạt tính ở phía trong, về cảm quan mình thấy hơi ít, vẫn còn nhiều khá nhiều không gian để có thể bổ sung thêm than hoạt tính mà sẽ không làm ảnh hưởng đến lưu lượng không khí đi qua màng lọc.

Phía trong lòng khi vực để lõi lọc sẽ là quạt để hút không khí cũng như là một đèn LED phát tia UV khử khuẩn.

Khu vực này cũng trang bị 1 cảm biến để nhận diện lõi lọc, nếu không lắp lõi lọc, máy sẽ không hoạt động và đèn cảnh báo thiếu lõi lọc trên đĩa bay sẽ phát sáng.

Kết nối app điều khiển

Một điểm khá hữu ích của máy lọc không khí Lumias Bulma Pro đó là có thể kết nối Wifi và chúng ta có thể điều khiển qua ứng dụng Smart Life (là ứng dụng thường dùng với hệ sinh thái Tuya).

Từ ứng dụng, chúng ta có thể theo dõi chất lượng không khí thời gian thực, có thể bật tắt máy, điều chỉnh tốc độ gió, hoặc bật tắt các tính năng như UV, ion, đèn led và khoá trẻ em, không cho nghịch phần cảm ứng trên đĩa bay. Ngoài ra cũng có thể hẹn giờ tắt hoặc đặt lịch trình tự động bật và tắt theo ý muốn.

Nói chung, có app sẽ tiện trong nhiều tình huống, ví dụ một tình huống là lúc chuẩn bị đi ngủ, có thể chuyển máy về chế độ sleep từ xa, để máy giảm tốc độ quạt và tắt các loại đèn trang trí. Vì bản thân máy không có cảm biến ánh sáng môi trường như các loại máy phân khúc giá cao hơn nên chúng ta sẽ cần làm điều đó thủ công.

Khả năng lọc không khí

Mình có thử khả năng của máy lọc không khí này với một căn phòng diện tích khoảng 15m2, trần cao 2.7m, tức là thể tích phòng khoảng 40.5m3 chưa kể các loại đồ đạc.

Mình cũng phải tạo môi trường ô nhiễm nhân tạo bằng cách đốt hương tạo khói trong phòng kín. Sau tầm 1 tiếng, hai nụ hương trầm cháy hết và căn phòng của mình ngập trong khói và mùi khét của hương.

Sau khi bật máy lên, cảm biến ghi nhận mức độ ô nhiễm là 999, có thể còn cao hơn mức đó nhưng máy chỉ hiện được vậy vì đã đạt giới hạn hiển thị.

Nhưng cũng rất nhanh chóng, sau khoảng 20 phút chạy máy, không khí ở mức 999 – nghiêm trọng (severe) đã trở về mức tốt 74 (good), và sau khoảng 40 phút là về mức độ trong sạch ban đầu trước khi mình đốt nhang đó là dưới mức 10, cụ thể hơn các bạn có thể xem đồ thị và ảnh bên dưới.

Về khả năng lọc khí, trải nghiệm nhanh mình thấy có vẻ ổn. Sau 40 phút khi về đến mức không khí sạch như ban đầu, toàn bộ khói trong phòng đã được lọc sạch, không khí đã trong vắt trở lại.

Cảm biến bụi mịn mình chưa có nhiều thời gian và công cụ để test chính xác hơn, nhưng có vẻ như cũng không quá chênh lệch so với máy hút ẩm và lọc không khí Sharp mà mình đang sử dụng. Mặc dù không thể hiện đơn vị trên đĩa bay, nhưng trong manual, họ cũng dùng đơn vị µm/m3 giống với máy Sharp và thông số bụi mịn hai máy hiển thị trong quá trình mình sử dụng là khá tương đồng.

Lọc bụi mịn trong không khí tốt, nhưng khả năng lọc mùi của Lumias Bulma Pro cũng chỉ ở mức độ trung bình thôi. Một phần mình nghĩ vì lượng than hoạt tính không nhiều, phần còn lại mình nghĩ là do ion chỉ phóng ra với mật độ thấp (nhà sản xuất cũng không công bố thông số này). Sau 3 tiếng chạy trong phòng có mùi khét của hương bị đốt, mình thấy chỉ giảm được khoảng 20% lượng mùi mà thôi.

Điểm này mình cũng không quá khắt khe vì dù sao các máy lọc không khí trong cùng tầm giá này cũng sẽ khó lòng làm được tốt hơn. Kể cả khi mình mang con Sharp vào phòng và chạy thêm 3 tiếng, lượng mùi khói cũng không giảm được thêm là bao.

Với tính năng khử khuẩn bằng UV, mình cũng có thử test nhanh với thẻ test UV. Kết quả đáng khen là đèn LED phát UV của máy có thật sự phát ra tia UV chứ không phải chỉ là cái bóng đèn LED hiện màu xanh hay màu tím để gian dối người dùng.

Tuy nhiên cường độ UV hơi yếu, mình phải để thẻ test UV ở mức rất gần với đèn phát UV mới có thể test được. Và cường độ này chỉ ngang với mức độ UV của 1 ngày trời nhiều mây mà thôi. Về khả năng khử khuẩn có lẽ cũng sẽ không cao.

Tổng kết

Lumias Bulma Pro là một mẫu máy lọc không khí có thiết kế đẹp và tối giản, có khả năng kết nối thông minh với ứng dụng để giám sát và điều khiển từ xa và có khả năng lọc không khí khá tốt.

Với mức giá khoảng 3 triệu, các bạn sẽ có máy một chiếc máy lọc không khí nhỏ gọn, nhẹ nhàng, thiết kế đẹp và ứng dụng thông minh. Về khả năng lọc không khí, máy thể hiện rất tốt, tuy nhiên khả năng lọc mùi hay ion các bạn không nên kì vọng quá cao trong phân khúc giá này.

Các bạn có thể tham khảo sản phẩm này tại gian hàng chính hãng của Lumias trên Shopee và Lazada hoặc các nhà bán lẻ như Giga Digital

Click vào logo để tới trang sản phẩm
Click vào logo để tới trang sản phẩm
Click vào logo để tới trang sản phẩm

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.