Test máy lọc không khí Xiaomi Smart Air Purifier 4 Lite

Xiaomi Smart Air Purifier 4 Lite (Xiaomi 4 Lite) là một mẫu máy lọc không khí khá được ưa chuộng vì ngoại hình đẹp, giá thành rẻ, có nhiều công nghệ thông minh. Tuy nhiên khả năng lọc bụi của máy hay độ chính xác của cảm biến ra sao? Bài viết này sẽ trả lời những câu hỏi đó.
Nội dung chính
Thông số kĩ thuật
Điểm lại một vài thông số kĩ thuật của Xiaomi 4 Lite, các bạn có thể tham khảo trên trang chủ của Xiaomi:
- Model: AC-M17-SC
- Diện tích lọc đề xuất: 25-43 m2
- CARD: 360m3/h
- Cảm biến bụi mịn PM2.5 laser
- Kích thước: 24 x 24 x 53 cm
- Độ ồn: ≤ 61dB(A)
- Màng lọc: Bộ lọc hiệu suất cao của Xiaomi
Đối với thông số kĩ thuật này, có 2 điểm mình muốn phân tích một chút. Với CARD là 360m3/h, chiều cao trần 3m, với ACH = 5, diện tích phù hợp là 24m2; với ACH = 3, diện tích phù hợp là 40m2. Vậy diện tích đề xuất của Xiaomi khá hợp lý. Các bạn có thể tự tính toán CARD, ACH, diện tích phòng phù hợp với công cụ tính tại đây.
Ngoài ra, bộ lọc hiệu suất cao của Xiaomi, thay vì được làm từ sợi thủy tinh dày đặc như các bộ lọc HEPA thông thường, Xiaomi đã sử dụng sợi PP chịu nhiệt cao kết hợp với tĩnh điện để có mật độ sợi thưa hơn, giúp không khí đi qua được nhiều hơn nhưng vẫn giữ được hiệu quả lọc sạch. Mình sẽ test khả năng lọc bụi ở phần sau xem sao.
Đo lưu lượng không khí
Bài test đầu tiên mình đo đạc lưu lượng không khí thực tế của máy. Mình sử dụng cách cơ bản nhất đó là đo vận tốc dòng khí đi ra từ cửa ra của máy và sau đó sẽ nhân với diện tích của phần cửa ra này. Cách này có thể vẫn có sai số nhưng vẫn có thể đủ để tính toán ra con số gần đúng.
Kết quả đo đạc và tính toán mình trình bày ở ảnh dưới, lưu lượng mình tính toán của máy là 335 m3/h, khá sát với công bố của nhà sản xuất.

Công suất tiêu thụ
Mình có đo công suất tiêu thụ tương ứng với các mức độ của máy. Xiaomi 4 Lite có mức lưu lượng trên công suất là khoảng 10.38 (m3/h/W) khi chạy ở mức mạnh nhất. Lưu lượng trên công suất càng cao tức là máy sẽ càng tiết kiệm điện.

Mức này cũng là tương đối cao khi so sánh với những dòng máy khác có cùng kích thước mà sử dụng màng lọc HEPA truyền thống, tức là máy Xiaomi 4 Lite sẽ tiết kiệm điện hơn khi so với một số dòng máy khác trên cùng một thể tích lọc bụi.
Khả năng lọc bụi mịn
Bụi mịn không thể nhìn thấy được bằng mắt thường, vì vậy để đánh giá máy lọc không khí chính xác hơn, sẽ cần thiết bị đo chuyên dụng.
Phần này mình test máy lọc không khí trong những điều kiện có kiểm soát để xem hiệu quả của máy ra sao. Mình sử dụng máy đo chất lượng không khí chuyên dụng và trích xuất data thời gian thực để theo dõi chất lượng không khí khi test máy.
Test 1 – Test trong hộp kín
Bài test này mình thực hiện trong 1 hộp kín với kích thước nhỏ, thể tích là 0.645m3. Mình đặt máy lọc không khí và máy đo chất lượng không khí vào bên trong hộp.
Mục đích là để kiểm tra xem màng lọc và chất lượng hoàn thiện phần màng lọc gắn trong máy có tốt không. Nếu là màng lọc tốt với khả năng lọc 99.97% bụi mịn kết hợp với máy được gia công tốt, không có khe hở giữa màng lọc và thân máy, chất lượng không khí bên trong hộp kín sẽ phải về được mức 0 µg/m3.
Sau khi tạo nguồn ô nhiễm, mình để yên 30 phút để không khí bên trong buồng ổn định và ghi nhận giá trị PM2.5 là 564 µg/m3. Kết quả máy có thể lọc từ 564 µg/m3 về 0 µg/m3 sau 2 phút 17 giây.

Kết quả này xác nhận màng lọc của máy có hiệu quả lọc bụi tốt tương tự màng lọc HEPA, và chất lượng hoàn thiện phần màng lọc tốt, không có những khe hở giữa màng lọc và thân máy khiến bụi mịn bị lọt qua màng lọc.
Test 2 – Phòng 31.1m3 – Công suất tối đa
Bài test này mình thực hiện trong căn phòng này có diện tích 11.52m2 và thể tích là 31.1m3. Máy lọc không khí và máy đo chất lượng không khí được bố trí như ảnh dưới.

Mình tạo một nguồn ô nhiễm và một quạt đảo ở trong phòng, khi bụi mịn vượt ngưỡng 800-900 µg/m3 mình sẽ tắt quạt và loại bỏ nguồn ô nhiễm. Sau đó để yên mọi thứ trong 30 phút để giá trị bụi mịn ổn định, đồng thời theo dõi được mức độ suy giảm tự nhiên của bụi (do lắng bụi hoặc do thông gió tự nhiên của phòng, vì phòng không thể kín 100%).
Sau 30 phút mình bắt đầu chạy máy lọc không khí ở chế độ tối đa, đồng thời ghi nhận thời gian cho đến khi máy lọc được về mức 8 µg/m3 – tức là mức chất lượng không khí tốt.
Thu được kết quả như hình dưới, thời điểm bụi mịn ổn định để bắt đầu chờ 30 phút nhất là 928 µg/m3, sau 30 phút, mức bụi mịn còn 826 µg/m3 và mình bật máy mức tối đa vào thời điểm này.
Các bạn có thể thấy như trên đồ thị, mức bụi mịn được giảm khá nhanh nhờ vào máy lọc không khí, và giảm về mức khá 35µg/m3 sau 27 phút và về mức tốt 8 µg/m3 sau khoảng 40 phút.

Với khả năng lọc bụi mịn PM2.5 như vậy, mình thấy hiệu năng của màng lọc hiệu suất cao của Xiaomi cũng khá tương đương với màng lọc HEPA truyền thống.
Tất nhiên, trong thực tế, chúng ta sẽ không có môi trường ô nhiễm nặng đến vậy, và máy cũng sẽ không được đặt max công suất suốt cả ngày. Điều đó dẫn đến test 3, đó là mình test chế độ Auto của máy.
Test 3 – Phòng 31.1m3 – Chế độ Auto
Tương tự, mình vẫn setup mọi thứ giống test 2 chỉ khác là bật máy ở chế độ auto. Thời điểm bật máy, mức bụi mịn là 858 µg/m3.

Sau 46 phút, chất lượng không khí về mức khá và sau 2 giờ 18 phút, chất lượng không khí đã về mức tốt. Có thể thấy, với chế độ auto, thời gian máy đưa không khí về mức khá và tốt có phần lâu hơn so với chế độ max.
Khả năng lọc khí theo chỉ số AQI
Dựa trên kết quả test, mình đã trích xuất dữ liệu qua biểu đồ bên dưới có chỉ số theo mức AQI mới nhất của WHO để các bạn dễ hình dung để so sánh giữa 2 chế độ max và auto, biểu thị thời gian mà máy cần để giảm bụi mịn từ mức 225 (rất không tốt) về đến mức 8 (tốt). Kết quả này đã loại trừ mức suy giảm tự nhiên, cho chúng ta thấy khả năng lọc bụi thuần của máy.

Đối với chế độ Max, máy chỉ cần khoảng 16 phút để đưa không khí từ mức rất không tốt về mức khá, và sau 31 phút đã đưa không khí về mức tốt. Tuy nhiên với chế độ Auto, thời gian lâu hơn, lần lượt là 36 phút và 2 giờ 13 phút để đưa không khí về mức khá và tốt.
Phân tích biểu đồ này, mình sẽ muốn với chế độ auto, hiệu suất lọc ở khu vực màu tím và màu đỏ phải phần nào tương đương với chế độ Max, rồi về khu vực màu cam, vàng và xanh có thể chậm hơn được. Lý do là vì theo giá trị cảm biến của Xiaomi, trên mức 55 µg/m3 đã là ô nhiễm nặng, đồng nghĩa rằng máy đã phải chạy công suất cao nhất rồi.

Cảm biến bụi mịn
Cách đặt các chỉ số bụi mịn của Xiaomi mình thấy cũng ổn rồi, khi mà ngưỡng xanh lá và vàng nằm dưới 35 µg/m3, cũng phần nào tương ứng với ngưỡng tốt và trung bình của US AQI và WHO (Tốt: <9, Trung bình <35)

Về phần cảm biến, Xiaomi sử dụng cảm biến Laser, đây là một ưu điểm, vì thông thường cảm biến Laser sẽ có độ chính xác cao hơn những máy sử dụng cảm biến hồng ngoại. Các bạn có thể xem thêm về 2 loại cảm biến đó tại đây.
Khi tắt máy mà vẫn cắm điện, mình quan sát được cảm biến sẽ định kì 10 phút đo chất lượng không khí một lần. Đây là một ưu điểm và mình đánh giá cao tính năng này. Sẽ giúp chúng ta cập nhật chất lượng không khí thông qua app kể cả khi máy đang tắt.
Test 4 – Test cảm biến bụi mịn
Mình để máy đo chất lượng không khí chuyên dụng ở ngay cạnh máy Xiaomi 4 Lite, gần với cảm biến của máy lọc không khí, trong phòng bật quạt để đối lưu không khí tốt, nhằm so sánh giá trị bụi mịn cho chính xác hơn, và cũng test ở nhiều ngưỡng bụi mịn khác nhau.
Từ dữ liệu có thể thấy cảm biến của Xiaomi 4 Lite khá chính xác và chạy theo khá sát so với thiết bị đo chuyên dụng. Tuy nhiên, sau nhiều bài test và quan sát, mình thấy cảm biến của Xiaomi 4 Lite có giới hạn trên là 600 µg/m3, tức là chỉ đo được tối đa đến 600 µg/m3.
Ngoài ra, dựa trên dữ liệu, chúng ta có thể thấy cảm biến của Xiaomi 4 Lite thường cho ra giá trị thấp hơn một so với mức bụi mịn thực tế, như bị offset giá trị thấp hơn.
Đối với sai số kiểu này, nếu offset thấp hơn, máy sẽ tiết kiệm điện hơn nhưng hiệu năng lọc bụi của chế độ auto cũng sẽ thấp hơn. Nếu offset cao hơn, hiệu năng lọc bụi của chế độ auto sẽ gần với chế độ max hơn, nhưng lại tốn điện hơn và ồn ào hơn.

Đó là lý do vì sao ở chế độ auto, hiệu quả lọc bụi của máy vẫn khá tốt khi bụi mịn ở mức màu tím (nguy hiểm), nhưng khi về mức màu đỏ (không tốt), máy nhận diện giá trị thấp hơn nên giảm công suất nhiều hơn mức cần thiết, và khiến hiệu quả lọc bụi giảm đi.
Khi zoom vào ngưỡng bụi mịn dưới ngưỡng 100 µg/m3 (Zoom 1), chênh lệch trung bình giữa Xiaomi 4 Lite và cảm biến chuyên dụng là khoảng 17 µg/m3 – Con số này mình đánh giá nằm trong phạm vi chấp nhận được, vì với cảm biến laser, mức sai số dưới ngưỡng 100 µg/m3 thường là ±10µg.

Khi zoom vào ngưỡng bụi mịn dưới ngưỡng cao hơn (Zoom 2), với tính toán cho mức bụi mịn lớn hơn 100 µg/m3 lên đến khoảng 300 µg/m3, mức chênh lệch giá trị trung bình là khoảng 35%. Mức này thì có phần hơi cao đối với cảm biến Laser, vì sai số của cảm biến Laser thường chỉ rơi vào 10%.

Dựa trên số liệu, mình đánh giá mức độ chính xác của cảm biến bụi mịn trên Xiaomi 4 Lite ở mức khá, vẫn tậm chấp nhận được khi mà giá thành của mẫu máy này chỉ chưa đến 2 triệu.
Mức ồn
Mình đo độ ồn của Xiaomi 4 Lite với khoảng cách đo là 1m từ vỏ máy.

Dưới đây là kết quả, mức ồn của máy khi chạy ở chế độ cao nhất là 54 dB, đây là một mức không cao, vì bản thân kích cỡ của Xiaomi 4 Lite không phải là quá nhỏ khi so với mức lưu lượng tối đa của máy. Ở mức thấp nhất, máy chạy rất yên tĩnh, không phát ra tiếng động gì, phải ghé sát tai mới có thể nghe thấy.

Ngoài ra, Xiaomi 4 Lite còn có 15 mức tốc độ để lựa chọn, mình chỉ đo ở ba mức thấp nhất, trung bình và cao nhất.
Mức ồn trên công suất của máy mình đánh giá tốt.
Tổng kết
Với Xiaomi Smart Air Purifier 4 Lite, mình ấn tượng ở việc dù giá thành rẻ, nhưng máy vẫn được thiết kế đẹp, gia công tốt, khả năng lọc bụi mịn của lõi lọc Xiaomi hiệu suất cao không hề kém cạnh so với những máy sử dụng màng lọc HEPA truyền thống, nhưng lưu lượng gió được tăng lên, sẽ giúp máy tiêu thụ ít điện năng hơn, và mức ồn cũng thấp hơn.
Tất nhiên với mức giá hấp dẫn, cảm biến bụi mịn được trang bị dù là loại laser nhưng độ chính xác vẫn chưa cao lắm, mình chỉ đánh giá ở mức khá, chấp nhận được với mức giá.
Các bạn có thể tham khảo sản phẩm Xiaomi 4 Lite tại gian hàng chính hãng của Xiaomi hoặc các nhà phân phối chính hãng trên các sàn thương mại điện tử, mức giá tham khảo là khoảng 2 triệu đồng đổ lại.
Khi các bạn ấn vào link để xem hoặc mua hàng, mình có thể sẽ nhận được một chút hoa hồng từ tiếp thị liên kết, dù không nhiều nhưng cũng sẽ góp phần giúp mình xây dựng kênh và đem lại nhiều bài review hữu ích hơn đến với các bạn. Cám ơn các bạn.
Bài viết xin được kết thúc tại đây, các bạn có thể xem thêm nhiều nội dung khác về máy lọc không khí.
Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️
Chia sẻ bài viết: