Đánh giá nhanh máy hút ẩm Lumias D3T Pro
Update mới nhất: 06/11/2024
Lumias D3T Pro là một chiếc máy hút ẩm rất đẹp, có tính thẩm mỹ cao, công suất hút lớn và đặc biệt là vận hành cực kì êm ái. Mình đã bị ấn tượng với Lumias D3T Pro ngay từ lần sử dụng đầu tiên cũng như càng ấn tượng hơn sau khí thực hiện một số bài test và đo đạc thực tế.
Trong bài này mình sẽ chia sẻ nhiều hơn về Lumias D3T Pro, một chiếc máy hút ẩm mà mình thấy rất đáng cân nhắc nếu các bạn đang tìm mua một chiếc máy hút ẩm.
Nội dung chính
Thông số kĩ thuật
Một số thông số kĩ thuật chính của Lumias D3T Pro:
- Kích thước: 30 x 30 x 60 cm
- Khối lượng: 14.1kg
- Công suất hút ẩm: 28L/d (30℃/80% RH)
- Công suất tiêu thụ điện: 325W (30℃/80% RH)
- Công suất định mức: 360W
- Chất lạnh: R134a
- Diện tích khuyến nghị: 125m2
Thiết kế
Lumias D3T Pro là một mẫu máy hút ẩm có thiết kế theo phong cách tối giản, một khối hình trụ rất đẹp và gọn gàng. Chất lượng hoàn thiện phần vỏ bên ngoài mình thấy khá cao cấp.
Phía trên đỉnh máy là khu vực khe thoát gió cũng như là bảng điều khiển cảm ứng.
Bảng điều khiển cảm ứng cũng được thiết kế tối giản, có một màn hình LCD và dải đèn trạng thái ẩn, chỉ hiện lên khi máy hoạt động, thể hiện độ ẩm hiện tại trong phòng, cũng như các chế độ hoạt động. Dải đèn LED ở bên dưới cũng sẽ đổi màu theo độ ẩm, xanh dương đậm khi độ ẩm trên 70%, xanh lơ nhạt khi độ ẩm trong khoảng 40-70% và màu cam khi độ ẩm dưới 40%.
Phía mặt sau là khu vực để hút gió vào cũng như là hộp chứa nước với dung tích 4.5L. Cửa gió vào của D3T Pro cũng phải thiết kế cong, kèm theo đó cũng là một tấm màng lọc thô cong như vậy.
Thông thường, với các máy hút ẩm dạng khối hộp, phần dàn ngưng tụ sẽ thẳng và phẳng, còn đối với Lumias D3T Pro với dạng khối trụ, toàn bộ các thiết kế đều sẽ phải làm cong uốn theo hình trụ đó.
Mình nghĩ đây cũng là một điểm mà sẽ cần khéo léo trong gia công và sản xuất, vì toàn bộ ống đồng dẫn gas hay cánh gió tản nhiệt cũng sẽ phải cong cong uốn theo hình trụ.
Phía sau cũng có tem của nhà phân phối và thông số kĩ thuật sản phẩm. Công suất hút ẩm của D3T Pro là 28L/ngày (ở nhiệt độ 30℃ và độ ẩm 80%). Máy sử dụng chất lạnh R134a khá phổ biến. Tổng khối lượng máy là 14.1kg
Máy nặng là vậy nhưng để di chuyển trong 1 mặt phẳng sẽ rất đơn giản vì có hệ thống 4 bánh xe đa hướng, chúng ta có thể đẩy tới lui dễ dàng.
Tuy nhiên, nếu phải bê vác Lumias D3T Pro có lẽ sẽ hơi khó khăn hơn, vì để có một vẻ ngoài liền lạc, tính thẩm mĩ cao, nhà sản xuất không còn bố trí bất cứ tay nắm tay cầm gì cho thiết bị.
Nếu các bạn xác định sẽ mua máy hút ẩm rồi bê vác cầu thang mang đi mang lại các tầng, chắc chắn sẽ phải cân nhắc kĩ, vì D3T Pro không phù hợp để bê vác, chỉ hợp để lăn qua lại (bằng bánh xe). Có một mẫu máy hút ẩm khác là Lumias LMD-20L mình cũng có đã bài đánh giá nhanh, thiết kế phần tay cầm lớn sẽ phù hợp với nhu cầu mang vác hơn.
Nhắc đến tính thẩm mĩ cao, có một tiểu tiết mình thấy khá đáng khen cho D3T Pro đó là thay vì dùng nắp silicon để che lỗ cắm ống thoát nước liên tục như các mẫu máy hút ẩm khác, D3T Pro sử dụng một nắp nhựa, và khi tháo ra khỏi vị trí ban đầu, sẽ có một khe gài để chúng ta cất cái nắp nhựa này đi, tránh thất lạc lúc không còn dùng ống thoát nước nữa.
Máy cũng có đi kèm sẵn một ống thoát nước để có thể thoát nước và hút ẩm liên tục.
Về thiết kế của Lumias D3T Pro, thật sự rất khó để chê điểm gì ngoài việc không thiết kế vị trí cầm nắm, nhưng đánh đổi lại là một chiếc máy hút ẩm đẹp, đơn giản, các đường ghép nối liền lạc, chất liệu vỏ ngoài khá đẹp.
Nhưng không chỉ có mã ngoài, D3T Pro còn có nhiều hơn thế.
Tính năng
Về tính năng, D3T Pro cũng tối giản với 3 chế độ hoạt động:
- Smart Mode – Chế độ thông minh: Máy sẽ tự điều chỉnh công suất và tốc độ quạt dựa trên mức độ ẩm của phòng và độ ẩm cài đặt mà chúng ta mong muốn
- Sleep Mode – Chế độ ngủ: Máy sẽ hoạt động ở mức công suất và quạt gió thấp
- Clothes Drying – Chế độ sấy quần áo: Máy hút ẩm sẽ chạy liên tục ở tốc độ và công suất cao để có hiệu quả hút ẩm nhanh nhất.
Chế độ sấy quần áo sẽ là một tính năng sáng giá vào mùa nồm. Các bạn có thể treo quần áo trong một căn phòng nhỏ như phòng tắm, hoặc thậm chí nếu tủ quần áo (nếu tủ quần áo đủ rộng), rồi bật chế độ sấy quần áo. Mình vẫn thường sử dụng cách này để làm khô quần áo nhanh chóng trong mùa nồm.
Lúc này, về bản chất máy hút ẩm sẽ hoạt động tương tự như máy sấy quần áo bơm nhiệt, sấy quần áo ở nhiệt độ thấp giúp quần áo khô tự nhiên mềm mại và ít bị nhăn. Các bạn có thể xem thêm về các công nghệ sấy của máy sấy quần áo.
Ngoài ra, máy còn có một số tính năng sau:
- Có kế nối Wifi để điều khiển từ xa thông qua ứng dụng Smart Life (Tuya)
- Ngưỡng tuỳ chỉnh độ ẩm từ 40-70%
- Hẹn giờ tắt/bật sau 1-2-3-4 tiếng hoặc 1-480 phút nếu dùng ứng dụng.
- Có chế độ khoá trẻ em
- Có cảnh báo khi đầy nước
- Tự ngắt khi bị đổ
- Tính năng sấy khô máy sau khi sử dụng
Tính năng sấy khô máy sẽ duy trì quạt gió ở mức thấp sau khi tắt máy, giúp gió lưu thông qua các dàn ngưng tụ giúp bên trong máy khô ráo. Việc làm khô này giúp giảm khả năng phát triển của vi khuẩn trong môi trường ẩm ướt. Mình thấy đây là một tính năng nên có trên máy hút ẩm.
Ngoài ra, Lumias D3T Pro được trang bị cảm biến nhiệt độ và độ ẩm liên tục hoạt động, kể cả khi máy ở trạng thái tắt (một số dòng máy hút ẩm khác chỉ đo độ ẩm và nhiệt độ khi máy ở trạng thái bật), chúng ta có thể tuỳ biến một số tính năng tự động.
Ví dụ như trên ảnh là mình cài đặt automation như sau: Nếu độ ẩm phòng cao hơn 75%, thì máy sẽ tự động bật lên, chạy chế độ Smart và độ ẩm mong muốn là 60%. Mình đã thử dùng và thấy tính năng này hoạt động rất tốt. Khi độ ẩm từ 71% tăng dần lên và vượt quá 75% là máy được tự động bật và vào các chế độ như mình cài đặt.
Độ ồn và hiệu suất hút ẩm
Về độ ồn và hiệu suất hút ẩm, mình có thực hiện một video ngắn để so sánh giữa 3 thiết bị đó là Lumias LMD-20L, Lumias D3T Pro và Sharp DW-J27FV-S.
Tiếng ồn từ máy hút ẩm thường có tiếng của gió thổi ra khỏi cửa gió và tiếng của máy nén trong hệ thống bơm nhiệt, mà phần lớn mức ồn là do máy nén hoạt động. Máy nén này thường ồn nhất lúc bắt đầu khởi động rồi sau đó tiếng ồn sẽ dần ổn định.
Cảm nhận của mình đối với Lumias D3T Pro đó là máy chạy rất êm, lần đầu tiên bật máy lên mình đã phải wow, mình còn không biết là máy nén bên trong đã chạy hay chưa, vì máy cũng khởi động cũng êm quá trời, mình còn phải sờ vào thân máy để cảm nhận rung động mới khẳng định là máy nén đã chạy.
Vì thế mình cũng có đo đạc độ ồn để tự kiểm chứng cảm nhận của mình. Và kết quả đo cũng không nằm ngoài dự tính.
Hình dưới đây là kết quả đo, mình bố trí trong một căn phòng 15m2, thực hiện đo ở sát cạnh thân máy lúc khởi động máy nén và khi đã chạy ổn định, rồi sau đó cũng lùi ra xa 0.5m, 1m và 1.5m để có thêm số liệu cho các bạn tham khảo, vì khi sử dụng bình thường chúng ta cũng không ngồi ngay sát cạnh cái máy.
Khi khởi động D3T Pro chỉ phát ra tiếng ồn ở ngưỡng 54.8dB, thấp hơn rất nhiều so với máy Sharp mình đang dùng là 59.5dB. Khi hoạt động ổn định, máy cũng chỉ ở mức 54dB. Với khoảng cách 0.5m, 1m và 1.5m độ ồn lần lượt là 49dB, 47dB và 46dB. Một mức ồn khá thấp.
Mà đây là mình test trong phòng ngủ 15m2, mức ồn khoảng 46dB chỉ tương đương âm lượng gió của điều hoà hoặc quạt điện và vì vậy khi để trong phòng ngủ, mình thấy vẫn khá ổn, sẽ không ảnh hưởng đến giấc ngủ, chưa kể khi bật chế độ ngủ, máy còn hoạt động yên tĩnh hơn. Nếu sử dụng ở phòng lớn hơn, mức ồn của D3T Pro gần như khó để nhận biết và gây chú ý.
Về hiệu suất hút ẩm, mình test cả 3 máy ở ngoài trời vào một ngày Hà Nội ẩm 79% và nóng 28 độ, cũng gần tương đương với điều kiện công bố của các nhà sản xuất (điều kiện 30℃ và độ ẩm 80%).
Lý do mình đem ra ngoài trời test vì nếu test trong phòng, độ ẩm sẽ giảm rất nhanh và nhiệt độ sẽ tăng lên, do cả 3 máy hút ẩm này đều có công suất cao. Dẫn đến khó so sánh được khả năng thực tế so với thông số công bố. Test ngoài trời sẽ ít thay đổi độ ẩm và nhiệt độ hơn là trong phòng kín. Và cũng để đảm bảo cả 3 máy được test trong cùng 1 điều kiện nhiệt độ và độ ẩm giống nhau.
Và sau 1 tiếng, lượng nước mình thu được của Lumias D3T Pro là 750ml, nhiều hơn máy Sharp là 560ml, mặc dù thông số công bố của D3T Pro là 28L/ngày, khá tương đương chiếc Sharp mình đang dùng là 27L/ngày.
Lại một điểm nữa mình thấy ấn tượng với Lumias D3T Pro khi mà hiệu suất hút ẩm cũng tốt hơn đáng kể so với máy Sharp mình đang dùng dù về mặt thông số hai máy khá tương đương với nhau
Tổng kết
Sau khi trải nghiệm thực tế, thành thật là mình rất thích Lumias D3T Pro, một mẫu máy hút ẩm khá toàn diện, từ thiết kế đẹp, hoàn thiện chỉn chu, cho đến nhiều tính năng thông minh, cũng như hiệu suất hoạt động cao với mức độ ồn thấp.
Đây là một mẫu máy hút ẩm rất đáng để cân nhắc nếu các bạn đang muốn tìm một chiếc máy hút ẩm toàn diện, ít phải đánh đổi điều gì.
Các bạn có thể tham khảo thêm về Lumias D3T Pro tại gian hàng chính hãng của Lumias trên các sàn thương mại điện tử, mức giá tham khảo cho sản phẩm này là 6,800,000đ:
Ngoài ra, nếu các bạn đang muốn tìm một chiếc máy hút ẩm với ngân sách thấp hơn, thực dụng hơn các bạn có thể tham khảo mẫu Lumias LMD-20L, mình cũng đã có một bài chia sẻ về sản phẩm này.
Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️
Chia sẻ bài viết:
Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết