Khi nào nên thay màng lọc cho máy lọc không khí

Khi nào nên thay màng lọc cho máy lọc không khí

Update mới nhất: 12/04/2025

Hầu hết màng lọc trong máy lọc không khí trên thị trường đều được các nhà sản xuất khuyến cáo thay thế theo thời gian. Có loại 6 tháng, 1 năm, 2 năm hay thậm chí 10 năm. Nhưng bên cạnh những con số đó đều sẽ có một dòng là với điện kiện sử dụng thông thường, nếu môi trường ô nhiễm hơn, hãy thay màng lọc sớm hơn.

Vấn đề ở đây là “điều kiện sử dụng thông thường” của mỗi hãng lại rất khác nhau. Vì thế, trong bài viết này, thông qua một bài test nho nhỏ và so sánh màng lọc mới với màng lọc cũ, mình sẽ chia sẻ một phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, không cần công cụ đắt tiền để xác định được thời điểm các bạn cần thay lõi lọc không khí.

Bài này mình cũng chỉ tập trung vào màng lọc bụi mịn HEPA, vì bụi mịn cũng vẫn là nguyên nhân ô nhiễm không khí hàng đầu tại Việt Nam và bụi mịn không thể nhìn thấy được, không đánh giá bởi thị giác được. Còn với màng lọc than hoạt tính, các bạn có thể tự đánh giá khả năng khử mùi bằng thính giác, vì vậy có thể tự quyết định thay cùng lúc hoặc sớm hơn màng lọc bụi mịn.

Thông tin cơ bản

Trong bài này, mình sử dụng máy lọc không khí và hút ẩm Sharp DW-J27FV-S, đơn giản là vì mình có 2 máy này, đã sử dụng lâu rồi và giờ mình cảm thấy cần thay màng lọc, mình cũng sẽ có nhiều màng lọc để đo đạc.

Sharp DW-J27FV-S sử dụng màng lọc HEPA FZ-J20HFE, với tuổi thọ đề xuất là 10 năm, trong đó tuổi thọ màng lọc được xác định với việc lọc 5 điếu thuốc 1 ngày và cần thay thế khi khả năng lọc bụi bằng một nửa so với màng lọc mới.

thay-the-mang-loc

Điểm mình chú ý ở đây là câu “khả năng lọc bụi bằng một nửa so với màng lọc mới”, hay hiểu đơn giản là để lọc cùng 1 lượng bụi ra khỏi không khí sẽ mất thời gian gấp đôi so với màng lọc mới.

Vì vậy trong bài này, mình sẽ test khả năng lọc bụi mịn của 3 màng lọc HEPA FZ-J20HFE, dưới ảnh là từ trái qua phải:

  • Màng lọc mới – chưa sử dụng.
  • Màng lọc cũ – đã sử dụng 4 năm, điều kiện môi trường bình thường, ít bụi, được bảo trì định kì tốt
  • Màng lọc rất cũ – đã sử dụng 5 năm, điều kiện môi trường nhiều bụi, bảo trì định kì kém

Trước khi đo đạc, hai chiếc màng lọc cũ, màng lọc thô và thân máy đã được vệ sinh cơ bản như những lần vệ sinh định kì thông thường.

thay-the-mang-loc

Nhìn ảnh này các bạn thấy cũng chỉ dễ phân biệt màng lọc mới với màng lọc cũ thôi, chứ 2 màng lọc cũ và rất cũng cũng khó có thể phân biệt bằng mắt, nên khó lòng đánh giá hiệu năng bằng thị giác được.

Về khối lượng, sẽ có sự khác biệt nhất định, màng lọc mới là 179g, màng lọc cũ là 185g, màng lọc rất cũ là 208g. Điều này có thể phản ánh được màng lọc càng cũ, càng chứa nhiều bụi mịn ở trong, khối lượng màng lọc sẽ càng nặng hơn.

Nhưng khối lượng cũng không phải là thước đo để đánhg giá được khả năng lọc bụi của màng lọc. Chúng ta sẽ cần tìm đến đại lượng khác, ở đây là lưu lượng không khí có thể đi qua màng lọc.

So sánh khả năng lọc bụi mịn

Mình sẽ so sánh khả năng lọc bụi mịn của màng lọc mới và màng lọc cũ. Quy trình tương tự như những bài test máy lọc không khí trước đây, tạo bụi mịn, đảo đều với quạt, ngắt nguồn bụi mịn khi đạt giá trị tầm 800-900 µg/m3 và tắt quạt đảo, để yên 30 phút để ghi nhận tốc độ lắng tự nhiên, rồi sau đó bật máy lọc ở chế độ mạnh nhất, để ghi nhận giá trị giảm dần theo thời gian bằng máy đo chất lượng không khí chuyên dụng.

Cứ như vậy mình thực hiện đo đạc cho màng lọc mới và màng lọc cũ, rồi sau đó so sánh thời gian lọc bụi từ mức 225 µg/m3 (rất không tốt) về mức 8 µg/m3 (tốt), mình thu được kết quả như hình:

Có thể thấy, thời gian để lọc không khí của màng lọc cũ đã tăng lên khoảng 25%.

So sánh lưu lượng không khí

Có thể thấy, sau một thời gian sử dụng, màng lọc cũ đã chứa nhiều bụi mịn ở trong, làm suy giảm khả năng lọc bụi. Nhưng nếu là người dùng phổ thông, việc sắm một chiếc máy đo chất lượng không khí chuyên dụng sẽ tốn kém, chưa kể việc setup để test rồi thu thập data để tính toán cũng không dễ dàng.

Vì vậy, có một thông số khác mà các bạn có thể tham khảo đó là lưu lượng không khí đi qua màng lọc. Khi bụi mịn được giữ trong màng lọc, tích tụ sau một thời gian dài cũng sẽ làm giảm lưu lượng không khí đi qua màng lọc, đồng thời giảm lưu lượng không khí ở cửa ra của máy lọc.

Chúng ta có thể đo cửa ra của máy, và đo vận tốc gió thổi ra, bằng máy đo tốc độ gió, có mức giá rẻ hơn nhiều lần so với cảm biến đo bụi mịn chuyên dụng. Các bạn có thể tham khảo một vài mẫu như: UNI-T UT363, Benetech GM816.

Các bạn đo càng nhiều điểm sẽ càng chính xác, các điểm nên được phân bố đều và sau đó lấy giá trị vận tốc trung bình để nhân với diện tích, sẽ ra được lưu lượng.

Mình cũng tiến hành đo đạc với phương pháp đó để ra kết quả như hình dưới.

Thông qua đo lưu lượng, có thể thấy lưu lượng khi dùng màng lọc cũ ở chế độ mạnh nhất chỉ được 82% (235.95 / 286.62) nếu so với màng lọc mới.

Mối quan hệ giữa lưu lượng khả năng lọc không khí

Lưu lượng lọc càng lớn thì thời gian lọc càng ngắn, hai đại lượng này tỉ lệ nghịch với nhau. Các bạn có thể dùng công thức:

Q1/Q2 = t2/t1

Trong đó:

  • Q1: lưu lượng lọc khi còn mới
  • t1: thời gian lọc khi còn mới
  • Q2: lưu lượng lọc khi đã cũ
  • t2: thời gian lọc khi đã cũ

Từ đó có thể tính được t2 = Q1 * t1 / Q2

Thử tính toán, coi màng lọc mới có lưu lượng là Q1 = 1, thời gian lọc mới là t1 = 1, màng lọc cũ chỉ được 82%, tức Q2 = 0.82 * Q1, thì thời gian lọc sẽ kéo dài ra t2 = 1 / 0.82 = 1.2195, hay có thể nói, thời gian lọc t2 sẽ dài hơn 21.95% so với t1.

Và trong thực tế, thời gian lọc của màng lọc cũ cũng lâu hơn khoảng 25% so với màng lọc mới. Cũng khá sát với tính toán theo công thức.

Như vậy có thể thấy, chúng ta có thể dùng lưu lượng như một công cụ để xác định khả năng lọc khí của màng lọc không khí. Khi lưu lượng giảm một nửa, thời gian sẽ tăng gấp đôi, và khả năng lọc bụi cũng sẽ giảm một nửa.

Một vài yếu tố cần cân nhắc

Mình cũng thực hiện bài test tương tự với màng lọc rất cũ, cho ra kết quả thời gian lọc tốn gấp 3 lần so với màng lọc mới.

Nhưng khi so sánh lưu lượng, màng lọc rất cũ này lại chỉ bằng 64% so với màng lọc mới (184.22 / 286.62)

Nếu đúng theo tính toán lý thuyết, thời gian lọc của màng lọc rất cũ này sẽ chỉ cao hơn 56% so với màng lọc mới, nhưng khi đo đạc thực tế, còn số này là lại 303%, tức là gấp 3 lần.

Để lý giải cho sự khác nhau giữa tính toán với thực tế, sẽ có những điểm sau mình thấy cần cân nhắc:

  • Có thể hiệu suất lọc bụi mịn của màng lọc rất cũ đã bị suy giảm do quá trình sử dụng và bảo trì. Ví dụ khi làm sạch màng lọc hepa bằng máy hút bụi, đã có nhiều tác động vào màng lọc khiến hiệu suất của màng lọc không còn ở mức 99.97% như màng lọc mới nữa mà bị giảm xuống thấp hơn.
  • Có thể do màng lọc bị bít nhiều bụi quá, dẫn đến chênh lệch áp lực gió lớn, làm không khí đi qua các ngóch ngách, khe hở của máy thay vì đi qua màng lọc, cũng có thể coi là màng lọc bị giảm hiệu suất.
  • Có thể vì với lưu lượng ở mức thấp, vận tốc gió ra ở mức thấp, khiến không thể tạo luồng gió đều khắp cả phòng, mà chỉ luồng gió chỉ cuốn tròn tại một vùng gần với máy lọc, gọi là hiệu ứng bong bóng khí sạch, dẫn đến phải mất nhiều thời gian hơn để bụi mịn ở trong phòng được lọc sạch.
Hiệu ứng bong bóng khí sạch. Ảnh được cắt từ video của Dyson.

Trong trường hợp này của mình, nguyên nhân mình nghĩ vừa là do hiệu suất của màng lọc bị giảm và luồng không khí bị yếu góp phần tạo không khí bong bóng nên hiệu quả lọc bụi bị giảm nhiều hơn so với bình thường.

Kết luận

Để ước tính gần chính xác thời gian thay màng lọc bên cạnh thời gian khuyến cáo của nhà sản xuất, các bạn có thể dùng phương pháp đo lưu lượng không khí ban đầu và lưu lượng không khí sau một thời gian sử dụng, khi lưu lượng giảm 50% so với ban đầu, hiệu quả lọc bụi cũng sẽ giảm tương ứng và là thời điểm có thể thay màng lọc được rồi.

Hoặc đơn giản hơn, các bạn có thể đo vận tốc nhiều điểm ở cửa ra rồi lưu lại vận tốc trung bình, vì diện tích cửa gió ra không đổi nên vận tốc và lưu lượng sẽ tỉ lệ với nhau. Vận tốc giảm 50% thì lưu lượng cũng sẽ giảm 50%. Cách này sẽ không cần tính thêm lưu lượng.

Lưu ý trong quá trình sử dụng, nên bảo trì màng lọc HEPA đúng cách, tránh làm ảnh hưởng đến hiệu suất lọc bụi của màng lọc sẽ giúp kết quả đo đạc sau này chính xác hơn.

Ở Việt Nam, đa phần mình thấy đều là màng lọc HEPA không thể giặt với nước, vì vậy chúng ta chỉ có thể hút bụi khô, các bạn lưu ý hút lực vừa phải, đừng hút quá mạnh, nên dùng đầu hút đi kèm chổi và không để đầu hút đè mạnh vào các nan lọc có thể gây hư hỏng cấu trúc hoặc rách màng lọc.

Nếu như cảm thấy lực gió thổi ra không đủ mạnh, ví dụ bạn đứng đầu bên kia phòng mà gần như không thể cảm nhận bất cứ luồng gió nào từ máy lọc không khí, rất có thể đã gặp hiện tượng bong bóng khí sạch, như vậy có thể cân nhắc sử dụng quạt đối lưu cùng máy lọc hoặc thay thế lõi lọc sớm hơn để đạt hiệu quả lọc cao nhất.

Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn phần nào xác định được thời gian thay thế màng lọc một cách chuẩn xác hơn chứ không chỉ dựa vào con số đề xuất của nhà sản xuất.

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.