Chọn máy lọc không khí phù hợp phù hợp với diện tích phòng

Chọn máy lọc không khí phù hợp phù hợp với diện tích phòng

Update mới nhất: 29/03/2025

Trong thị trường máy lọc không khí hiện nay, nhà sản xuất thường đưa ra kích thước phòng khuyến nghị cho những mẫu máy lọc không khí của mình.

Tuy nhiên, lại có vấn đề trong những khuyến nghị này, đó là các nhà sản xuất lại chọn những cách tính khác nhau, dẫn đến việc diện tích khuyến nghị có thể sẽ chưa phù hợp với nhu cầu của người sử dụng.

Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm về cách chọn máy lọc không khí sao cho phù hợp, và chia sẻ thêm một số thông tin để xác định đúng nhu cầu sử dụng.

Nhắc đến không khí, hãy sử dụng thể tích

Khi đề cập đến không khí, dù là làm mát (như điều hoà), hay làm sạch (như máy lọc không khí), hay làm khô (như máy hút ẩm), hãy quan tâm đến thể tích chứ không phải diện tích.

Một căn phòng 40m2 với trần cao 2 mét (80m3) sẽ rất khác với căn phòng cùng diện tích đó nhưng trần cao 4m (160m3). Vì vậy, hãy xác định thể tích của phòng trước khi chọn lựa.

Rất nhiều nhà sản xuất không khí đưa ra diện tích đề xuất cho máy lọc không khí của họ, nhưng có thể bạn sẽ tìm thấy một ghi chú nhỏ ở đâu đó trên trang sản phẩm (hoặc thậm chí không tìm thấy) là với điều kiện độ cao trần nhà là 2.4m, 2.6, 3.0m.

Vậy rõ ràng, nếu 1 chiếc máy được công bố có thể lọc không khí cho 1 căn phòng 40m2 nhưng được tính toán với trần cao 2.4m sẽ khác một chiếc máy lọc không khí cho phòng 40m2 nhưng cao 3m.

CADR – Clean Air Delivery Rate – Lưu lượng cung cấp khí sạch

Khi lựa chọn máy lọc không khí, các bạn đừng chỉ nhìn vào thông số diện tích phòng công bố, hãy tìm thông số CADR – Clean Air Delivery Rate – Lưu lượng cung cấp khí sạch.

Hiểu đơn giản thì đây là lượng không khí (theo thể tích) được máy lọc xử lý trên một đơn vị thời gian, ví dụ: 300 m3/h.

Các nhà sản xuất thường sẽ công bố CADR dành cho bụi mịn, cũng là tác nhân ô nhiễm chính mà chúng ta cần xử lý ở trong nhà. Ngoài ra, cũng có một số ít nhà sản xuất có công bố cả CADR dành cho việc lọc VOCs.

Thông thường CADR là do các nhà sản xuất công bố dựa trên kết quả test của chính họ theo một số tiêu chuẩn của Nhật Bản (JEMA), Mỹ (ANSI/AHAM), Châu Âu (EN 1822), hoặc Trung Quốc (GB/T 18801-2015).

ACH – Air Change per Hour – Lượng không khí được thay thế mỗi giờ

Lượng không khí thay thế mỗi giờ (ACH) là thuật ngữ thường được sử dụng để xác định lưu lượng không khí đi từ bên ngoài vào các tòa nhà / các phòng, và mục đích chính là để theo dõi lượng oxy mới được đưa vào các toà nhà [AHAM].

Ví dụ phòng có thể tích 100m3, nhưng được lưu thông không khí 300m3/h, tức là trong 1 giờ phòng sẽ được thay thế không khí 3 lần, tức là ACH = 3

Tuy nhiên, đối với máy lọc không khí, ACH cũng được dùng như là lượng không khí được máy lọc xử lý mỗi giờ, và cách gọi đúng thực là là ‘equivalent ACH – eACH’, tức là “lượng không khí thay thế mỗi giờ tương đương”, vì máy lọc không khí chỉ có thể xử lý một số chất ô nhiễm nhất định và không mang thêm không khí từ bên ngoài vào.

Ví dụ phòng 100m3, máy lọc có CADR = 300 m3/h, tức là về lý thuyết máy lọc không khí có thể xử lý không khí trong phòng 3 lần, ACH của máy lọc không khí bằng 3.

ACH là bao nhiêu thì hợp lý?

Theo khuyến cáo của AHAM, giá trị tối thiểu của ACH nên là 3 và giá trị khuyến cáo là ACH nên là 4.8 [AHAM]. ACH khuyến cáo là 4.8 được đưa ra sau nhiều bài test và đo đạc máy lọc không khí, nhằm đảm bảo khả năng duy trì mức độ sạch sẽ của không khí ngay cả khi có nguồn ô nhiễm do thông gió, hoặc ô nhiễm phát sinh do các hoạt động trong gia đình.

Một lý do mà ACH được khuyến cáo ở mức 4.8 là vì trong các bài test hay đo đạc, thông thường phòng test sẽ là phòng kín, đi kèm với quạt đối lưu, máy sẽ chạy mức mạnh nhất và đặt ở giữa phòng. ACH của AHAM là tính với trần cao 8 feet là khoảng 2.4m.

Còn trong thực tế, điều kiện sử dụng tại nhà cũng rất khác, vì vậy con số 4.8 được đưa ra cũng để phần nào đủ đáp ứng điều kiện sử dụng thực tế. Người dùng có thể lựa chọn làm tròn ACH = 5.

Tóm lại, giống với các thiết bị xử lý không khí khác, máy lọc không khí dư công suất sẽ tốt hơn, lọc nhanh hơn, lọc được nhiều hơn.

Cách tính toán của nhà sản xuất

Chúng ta hãy cùng xem qua một số nhà sản xuất máy lọc không khí, để xem với diện tích đề xuất và lưu lượng lọc khí công bố, ta sẽ có ACH ra sao, mình sẽ tính ACH với trần cao 2.4m và 3m:

Thương hiệu, modelDiện tích đề xuất
(tối đa) m2
Lưu lượng / CADR
(tối đa) m3/h
ACH
(trần cao 2.4m)
ACH
(trần cao 3m)
Daikin
MCQ30Z
231803.262.61
Daikin
MC55U
413303.352.68
Daikin
MC80Z
624803.232.58
Sharp
FP-S42
302403.332.66
Sharp
FP-J50
40306 3.192.55
Sharp
FX-S120
847023.482.78
Xiaomi
Air Purifier 4
484003.472.77
Xiaomi
Air Purifier 4 Pro
605003.472.77
Xiaomi
Air Purifier Elite
12560021.6
Levoit
Vital 100S
522431.951.55
Levoit
Vital 200S
884161.971.58
Levoit
EverestAir
1306121.961.56
LG
AS60GHWG0
604683.252.60
LG
AS10GDWH0
1007793.252.60

Có thể thấy, đa phần các nhà sản xuất sẽ đề xuất diện tích sử dụng trong khoảng ACH là 3. Một số nhà sản xuất thậm chí có đề xuất diện tích sử dụng với ACH thấp hơn nữa để tăng diện tích đề xuất.

Đây là lý do, ngay từ phần đầu bài viết, mình đã chia sẻ về việc khi nhắc đến không khí, hãy dùng thể tích thay vì diện tích.

Tự tính toán cho nhu cầu sử dụng

Khi đã hiểu hơn về cách tính toán của nhà sản xuất, chúng ta sẽ tự tính được theo nhu cầu sử dụng của bản thân.

  • Đo thể tích phòng: Đơn giản là lấy diện tích nhân với chiều cao phòng
  • Chọn ACH mong muốn: Cái này tuỳ nhu cầu sử dụng của các bạn, nếu chỉ cần đáp ứng mức tối thiểu, phòng cũng tương đối kín, có thể chọn ACH = 3. Nếu muốn máy lọc nhanh hơn và có thể lọc nếu phòng không được kín lắm, có thể chọn ACH = 5 thậm chí cao hơn
  • Tính CADR: Lấy thể tích phòng x ACH = CADR cần có. Từ đó các bạn tìm chọn máy có CADR bằng hoặc lớn hơn nhu cầu.

Ví dụ:

  • Phòng 40 m2 , trần cao 2.7m -> Thể tích phòng = 108 m3
  • Mình muốn ACH = 5
  • CADR cần có = 108 x 5 = 540 m3/h

Vậy với phòng 40m2, trần cao 2.7m, để lọc không khí hiệu quả với ACH = 5 mình sẽ chọn máy có CADR = 540 m3/h. Các bạn có thể dùng công cụ tính toán CADR dưới đây để tính toán dựa trên kích thước phòng và nhu cầu ACH:





Diện tích: — m²

Thể tích: — m³

CADR phù hợp: –m³/h

Ngoài ra, có thể xem thêm bài Công cụ tính toán máy lọc không khí, mình có thêm công cụ tính toán ACH bên cạnh CADR.

Những yếu tố khác cần cân nhắc

Tất nhiên, máy lọc không khí vẫn còn nhiều yếu tố khác cần cân nhắc bên cạnh khả năng lọc bụi mịn, có thể kể đến như:

  • Mức ồn khi hoạt động
  • Thiết kế khí động học, như là lấy gió 360 độ hay chỉ lấy từ 1 mặt, cửa gió ra có cánh đảo gió không, hay có thêm quạt đối lưu không
  • Thiết kế phù hợp với không gian
  • Chất lượng, thời hạn, mức sẵn hàng thay thế lõi lọc
  • Các công nghệ bổ trợ như ion, plasma, streamer...
  • Khả năng lọc những ô nhiễm khác (ngoài bụi mịn, phấn hoa, vi khuẩn, virus được lọc bởi màng lọc hepa) như VOCs, khử mùi...

Bài viết xin được kết thúc tại đây, hi vọng đã cung cấp cho các bạn cách tính toán để có thể tự chọn máy lọc không khí phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng... các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.