Tính công suất máy hút ẩm phù hợp với nhu cầu
Update mới nhất: 06/11/2024
Độ ẩm thường được đo bằng độ ẩm tương đối – RH, như 50%, 60%, 80%. Phòng thường đo bằng m2. Máy hút ẩm lại thường đo bằng L/d hoặc L/h (Lít/ngày hoặc Lít/giờ). Ba đại lượng dường như chẳng liên quan gì mấy đến nhau, nhưng vẫn có rất nhiều khuyến nghị được đưa ra như là phòng 30m2 cần máy hút ẩm 35-40 L/d, chưa kể mỗi nơi lại khuyến cáo một khác.
Đây là thứ khiến chúng ta bối rối, làm sao để liên kết và tìm sự liên quan giữa độ ẩm và máy hút ẩm, để nó đơn giản như kiểu quãng đường 10km chạy tốc độ 40km/h sẽ tốn 1/4h.
Bài này mình không đưa ra lời khuyến cáo lựa chọn mà sẽ chia sẻ với các bạn cách để có thể tự tính toán và tự lựa chọn sao cho hợp lý.
Nội dung chính
Nhắc đến không khí, hãy sử dụng thể tích
Khi đề cập đến không khí, dù là làm mát (như điều hoà), hay làm sạch (như máy lọc không khí), hay làm khô (như máy hút ẩm), hãy quan tâm đến thể tích chứ không phải diện tích. Một căn phòng 40m2 nhưng trần cao 2 mét (80m3) sẽ rất khác với căn phòng cùng diện tích đó nhưng trần cao 4m (160m3). Vì vậy, hãy xác định thể tích của phòng trước khi chọn lựa.
Trong bài này mình sẽ lấy ví dụ một căn phòng 30m2 với trần cao 2.7m = 81m3 , các bạn hãy nhớ căn phòng này vì nó sẽ xuất hiện trong phần lớn bài viết.
Hiểu đúng về lượng nước có trong không khí
Vì công suất hút ẩm thường cũng là dạng thể tích như Lít/ngày (L/d) hoặc Lít/giờ (L/h). Để chọn được đúng công suất hút ẩm, chúng ta cần phải biết có bao nhiêu thể tích nước trong không khí, theo đơn vị Lít (L) hoặc Mili-Lít (mL) mà chúng ta cần mang nó ra khỏi không khí.
Để biết được lượng nước có trong không khí, chúng ta có thể dựa vào độ ẩm tương đối (Relative Humidity – RH) và nhiệt độ, đây là thứ hay gặp nhất để tính được độ ẩm tuyệt đối (Absolute Humidity – AH). Độ ẩm tuyệt đối này sẽ cho chúng ta biết lượng nước có trong không khí tại mức nhiệt độ đó.
Công thức tính sẽ hơi phức tạp, liên quan đến áp suất rồi khối lượng riêng nọ kia, nên mình sẽ không trình bày trong bài, nhưng chúng ta có thể sử dụng công cụ có sẵn, được phát triển bởi Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ tại đây. Điền thông tin vào ô số 1 và 2, lấy giá trị ở ô thứ 3, cụ thể là Absolute humidity để sử dụng.
- Với nhiệt độ 30℃, độ ẩm RH 80%, lượng nước có trong không khí là 24.087 g/m3
- Với nhiệt độ 30℃, độ ẩm RH 50%, lượng nước có trong không khí là 15.054 g/m3
(Những tính toán này chỉ đúng tương đối vì còn phụ thuộc vào áp suất khí quyển, trong công cụ trên, áp suất khí quyển được lấy ở gần mực nước biển)
Với căn phòng có 81m3 không khí ở trên, với nhiệt độ 30℃, trong phòng sẽ có:
- Độ ẩm RH 80%, lượng nước có trong phòng là 24.087 x 81 = 1950g = 1.95kg = 1.95L (1L = 1kg)
- Độ ẩm RH 50%, lượng nước có trong phòng là 15.054 x 81 = 1219g = 1.22kg = 1.22L (1L = 1kg)
Vậy căn phòng có thể tích 81m3 và nhiệt độ không khí 30℃, để giảm độ ẩm phòng từ 80% xuống 50%, chúng ta cần trích xuất 1.95 – 1.22 = 0.73L nước ra khỏi không khí.
Hiểu đúng về công suất hút ẩm của máy hút ẩm
Điều đầu tiên đó là chúng ta phải hiểu đúng về thông số công suất hút ẩm của máy hút ẩm. Thông thường, các nhà sản xuất sẽ công bố dạng 28 L/d @ 30℃ / 80% RH. Đây là thông số của máy hút ẩm Lumias D3T Pro mình đang sử dụng.
Hiểu đúng cụm trên là máy Lumias D3T Pro có thể hút được 28 Lít nước trong 1 ngày với điều kiện nhiệt độ không khí là 30℃ và độ ẩm tương đối không khí là 80%. Tức là mỗi 1 giờ trong điều kiện như vậy, máy sẽ hút được 28/24 = 1.167 L/h nước ra khỏi không khí.
Quay lại với căn phòng 81m3 bên trên với nhiệt độ 30℃, sử dụng máy hút ẩm 1.167 L/h, để giảm độ ẩm từ 80% về 50%, máy sẽ phải tốn 0.73 ÷ 1.167 = 0.625 giờ = 37.5 phút.
Đây là cách tính đơn giản, tạm coi như việc độ ẩm không khí trong phòng giảm dần khi máy hoạt động không ảnh hưởng đáng kể đến công suất hút ẩm của máy.
Nếu cần chính xác hơn, chúng ta sẽ phải chia nhỏ quá trình hút ẩm và tính toán theo từng bước, bước càng nhỏ kết quả sẽ càng chính xác, vì khi máy hút được nước ra khỏi không khí, độ ẩm sẽ giảm xuống. Khi độ ẩm giảm xuống, bản thân công suất hút ẩm của máy cũng sẽ giảm xuống.
Và công suất hút ẩm của máy sẽ tỉ lệ với mật độ hơi nước có trong không khí, cũng chính khối lượng nước có trong một thể tích không khí, và cái này thay đổi theo nhiệt độ và độ ẩm tương đối.
Ví dụ:
Nhiệt độ / Độ ẩm | Lượng nước có trong không khí | Công suất hút ẩm |
---|---|---|
30℃ / 80% RH | 24.087 g/m3 | 28 L/d |
30℃ / 70% RH | 21.076 g/m3 | 24.5 L/d |
30℃ / 60% RH | 18.065 g/m3 | 21 L/d |
25℃ / 80% RH | 18.302 g/m3 | 21.3 L/d |
25℃ / 60% RH | 13.727 g/m3 | 16 L/d |
Để tính được công suất máy hút ẩm tại 30℃ / 70% RH khi biết công suất tại 30℃ / 80% RH, các bạn có thể tính theo tỉ lệ với lượng nước có trong không khí 21.076 ÷ 24.087 = 0.875 rồi lấy tỉ lệ đó 0.875 x 28 L/d = 24.5 L/d = 1.021 L/h. Rồi từ đó lại tính thời gian để hút ẩm từ 80% xuống 70% rồi 60% và cộng các kết quả lại sẽ thu được thời gian chính xác hơn. Càng chia nhỏ phép đo, kết quả sẽ càng có độ chính xác cao.
Tương tự, cũng có thể tính toán công suất máy hút ẩm khi nhiệt độ không phải là 30℃ và độ ẩm không phải là 80% RH
Thực tế và những biến số
Trong thực tế, căn phòng sẽ có những biến số sau:
- Công suất hút ẩm thực tế có thể thấp hơn công suất hút ẩm công bố
- Nhiệt độ phòng có thể sẽ tăng nhẹ khi dùng máy hút ẩm → công suất hút ẩm có thể tăng nhẹ
- Độ ẩm phòng giảm xuống có thể làm → công suất hút ẩm có thể giảm nhẹ
- Đồ đạc trong phòng có thể giảm bớt thể tích không khí trong phòng
- Trong phòng vẫn có nước bay hơi vào không khí, ví dụ như con người, cây cối.
- Khi độ ẩm giảm xuống do máy hút ẩm, có thể sẽ có hơi nước tích tụ trong sofa, chăn ga gối đệm, thậm chí tường, trần… bay ra không khí
- Phòng không kín hoàn toàn, có thể sẽ có khe cửa, làm hơi ẩm từ ngoài lọt vào, dù có thể không quá đáng kể
- Và có thể có nhiều biến số khác nữa…
Công suất hút ẩm thực tế có thể thấp hơn công bố, có thể do bản thân thiết bị, có thể do vị trí đặt máy, lưu thông không khí trong phòng, lưu lượng không khí đi qua máy v.v… Tạm tính 10%.
Về nhiệt độ tăng và độ ẩm giảm, hai cái này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hút ẩm. Tạm tính 10%.
Hơi nước từ con người, có thể bay ra không khí qua việc hít thở là khoảng 300-400 mL/ngày/người và lượng nước mất đi qua da cũng tương tự, trung bình 1 người lớn có thể đưa 600-800 mL hơi nước vào không khí một ngày, tức là khoảng 0.025-0.033 L/h. [nguồn: Pubmed, Pubmed]
Ngoài ra có thể sẽ có nhiều thứ khó đong đếm như hơi nước tích tụ trong đồ đạc, hay hơi nước bị rò rỉ từ bên ngoài phòng vào.
Những điều này dẫn đến khả năng loại bỏ hơi ẩm của máy hút ẩm ra khỏi phòng cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Ví dụ vẫn cái máy hút ẩm Lumias D3T Pro, khả năng hút ẩm theo thông số là 1.167 L/h, trừ hao đi 20%, rồi còn phải chống lại 2 con người trong phòng đang tạo ẩm khoảng 0.066 L/h, rò rỉ từ môi trường bên ngoài vào khoảng 0.05L/h.
Khả năng giảm độ ẩm cho phòng chỉ còn khoảng: 1.167 x 0.8 – 0.066 – 0.05 = 0.82 L/h
Quay lại với căn phòng 81m3 bên trên với nhiệt độ 30℃, sau khi tính thêm biến số, để giảm độ ẩm từ 80% về 50%, máy 28 L/d sẽ phải tốn 0.73 ÷ 0.82 = 0.89 giờ = 53 phút.
Nhu cầu sử dụng
Giả sử mẫu Lumias LMD-20L, có công suất 20 L/d = 0.83 L/h, trừ đi các biến số còn 0.83 x 0.8 – 0.066 – 0.05 = 0.548 L/h
Với căn phòng 81m3 bên trên với nhiệt độ 30℃, sau khi tính thêm biến số, để giảm độ ẩm từ 80% về 50%, máy 20 L/d sẽ phải tốn 0.73 ÷ 0.548 = 1.33 giờ = 1 giờ 20 phút.
Giả sử một mẫu máy hút ẩm khác với công suất 12 L/d = 0.5 L/h, trừ đi các biến số còn 0.5 x 0.8 – 0.066-0.05 = 0.284 L/h. Với căn phòng 81m3 bên trên với nhiệt độ 30℃, sau khi tính thêm biến số, để giảm độ ẩm từ 80% về 50%, máy 12 L/d sẽ phải tốn 0.73 ÷ 0.284 = 2.57 giờ = 2 giờ 34 phút.
Tính như vậy để thấy rằng, việc lựa chọn máy hút ẩm, ngoài xét đến những biến số như phần trên còn phải xem nhu cầu sử dụng để đạt tốc độ làm khô không khí như thế nào, giống việc khi chọn mua điều hoà, bạn muốn phòng mát nhanh ra sao, với máy hút ẩm, bạn muốn phòng khô nhanh đến mức nào.
Ví dụ bạn muốn có một căn phòng 81m3, có thể đạt đến độ ẩm tối ưu 50-60% từ mức ban đầu 80-90% trong vòng dưới 1 tiếng, bạn nên chọn những mẫy có công suất cao tầm 28 L/d. Còn nếu bạn thấy tầm 2 tiếng vẫn ổn, có thể chọn cỡ 20 L/d.
Cẩn thận với máy hút ẩm giá rẻ
Khi đã tìm ra mối liên kết giữa thể tích – độ ẩm – công suất hút ẩm, chúng ta dùng nó để tìm ra những điều đáng ngờ.
Trên thị trường, có một số mẫu máy hút ẩm giá rẻ, loanh quanh 1 – 2 triệu, mặc dù cũng có ngưng tụ được nước trong không khí, nhưng thay vì dùng hệ thống bơm nhiệt như một chiếc máy hút ẩm tử tế, lại sử dụng “công nghệ ngưng tụ bán dẫn”, hay nói đơn giản là sò lạnh đó. Liệu những chiếc máy như vậy có hút được ẩm không?
Mình ví dụ thông số 650 mL/d = 0.027 L/h và đáp ứng phòng 20m2 theo công bố của nhà sản xuất để tính toán thử. (Cùng nhà sản xuất đó nhưng máy 500 mL/d còn đáp ứng diện tích lớn hơn là 40-60m2, đến đây là nghe sai sai rồi nhưng cứ tính thử đi)
Giả sử phòng 20m2 với trần cao 2.5m là 50m3, và vẫn muốn giảm độ ẩm từ 80% về 50% ở nhiệt độ 30℃.
- Độ ẩm RH 80%, lượng nước có trong phòng là 24.087 x 50 = 1204g = 1.2kg = 1.2L (1L = 1kg)
- Độ ẩm RH 50%, lượng nước có trong phòng là 15.054 x 50 = 753g = 0.753 kg = 0.753L (1L = 1kg)
Sẽ cần trích xuất 1.2L – 0.753L = 0.447L nước ra khỏi không khí.
Tính thử biến số, giả sử máy đạt 100% công suất hút ẩm, phòng kín hoàn toàn, chỉ có 1 con người đang thở ra 0.025 L/h. Chúng ta có khả năng hút ẩm của máy 0.027 – 0.025 = 0.002 L/h
Để giảm được độ ẩm phòng xuống, máy này cần: 0.447 ÷ 0.002 = 223.5 giờ = hơn 9 ngày
Đó là mình tính khi phòng kín hoàn toàn, còn trong thực tế với nhiều biến số hơn, những chiếc máy hút ẩm như vậy sẽ khá vô dụng.
Kết bài
Bài này có thể sẽ không đưa ra lời khuyên về kích cỡ phòng và công suất hút ẩm phù hợp, nhưng sẽ giúp các bạn tính toán được một chiếc máy hút ẩm hợp lý cho căn phòng của mình. Tương tự như các thiết bị xử lý không khí khác, thừa bao giờ cũng tốt hơn thiếu, hãy tính toán dư công suất ra một chút.
Vì vậy, ngoài tham khảo các gợi ý về diện tích – công suất, các bạn cũng có thể tự ngồi tính toán một chút với chính căn phòng của mình để xem đâu sẽ là mẫu máy phù hợp. Ngoài ra, khi lựa chọn máy hút ẩm các bạn cũng cần cân nhắc những yếu tố khác như độ ồn hoặc kiểu dáng…
Bài viết xin được kết thúc tại đây. Các bạn có thể xem thêm một số bài review máy hút ẩm gần đây của mình:
Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️
Chia sẻ bài viết:
Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết