Tổng vệ sinh robot hút bụi Dreame D9
Sau gần 3 năm sử dụng Dreame D9, mình thấy đã đến lúc cần làm tổng vệ sinh cho chiếc robot hút bụi của mình để đảm bảo robot hoạt động hiệu quả nhất. Trong bài viết hôm nay, mình sẽ mổ xẻ chiếc Dreame D9 để tổng vệ sinh em nó.
Trước khi đi vào mổ xẻ và vệ sinh, mình cũng sẽ review sương sương chiếc robot này dành cho anh em nào quan tâm vì thực ra mẫu này mình cũng không còn thấy bán chính hãng nữa rồi. Tần suất sử dụng của mình là cho chạy tự động hàng ngày lau cả căn hộ, diện tích vệ sinh khoảng 50m2, thi thoảng lau những chỗ chỉ định.
Nội dung chính
Review nhanh gọn Dreame D9
Ưu điểm:
- Giá / cấu hình tốt, lực hút 3000Pa, cao hơn so với các robot khác trong cùng tầm giá tầm 500Pa
- Có Lidar vẽ bản đồ chuẩn
- Ứng dụng dễ dùng, nhiều cài đặt cấu hình quét dọn
- Có giẻ lau nhà tự động thêm nước
- Cảm biến tương đối chính xác
- Pin khá bền, sau 3 năm vẫn thoải mái sử dụng, chưa thấy có nhu cầu phải thay thế sửa chữa.
- Phụ kiện sẵn có, dễ kiếm, dùng chung với vài đời cao hơn nữa
Nhược điểm:
- Giẻ lau cơ bản, không rung, không xoay, nên chỉ hợp với việc vét lại những bụi còn sót mà lúc hút chưa hút được
- Chổi chính dạng lông thay vì full silicon nên khó vệ sinh. Đương nhiên những đời này chưa có “cắt tóc” nên cuốn nhiều tóc
- Bánh xe chạy sàn gỗ lau nhà ổn, nhưng gặp gạch men bóng láng là sẽ bị trượt lúc đi vào vệt nước của chính mình
- Chưa có camera ở cản trước như Dreame L10 Pro nên nhiều khi vẫn đâm vào đồ vật mới nhận diện để tránh. Ngày xưa khi chưa update phần mềm, còn đâm cả vào tường rồi mới tránh, giờ update phần mềm nên ngon hơn, chỗ nào Lidar quét được như tường là sẽ không còn đâm vào nữa.
Tóm lại sau 3 năm sử dụng mình vẫn hoàn toàn hài lòng với những gì robot thể hiện. Hiện tại mình dùng nó như robot hút bụi là chính, và thi thoảng lắp giẻ cho lau sàn gỗ. Anh em có thể tham khảo về mẫu này trên trang chủ của Dreame.
Mình cũng có mua 1 con Dream L10 Pro cho căn hộ của bố mẹ mình, thời gian và tần suất sử dụng cũng tương đương. Ưu nhược điểm cũng khá tương tự Dreame D9, ngoại trừ lực hút 4000Pa cao hơn, bánh xe tốt hơn chạy được sàn gạch men bóng láng, và có camera nhận diện vật cản nên tránh dây điện và vật cản rất tốt. Ngoài ra, vì sử dụng chung phụ kiện với Dream D9 nên mình có thể chia sẻ phụ kiện được với L10 Pro.
Detailing Dreame D9
Review nhanh vậy thôi, bây giờ vào các bước để vệ sinh tổng thể và chi tiết Dreame D9, cũng giống detailing trên ô tô, mình sẽ tháo em nó ra để vệ sinh toàn bộ bên trong, cả hệ thống động cơ, quạt gió, bên trong cũng như các chi tiết khác nếu cần.
Lưu ý: Các bạn nên đọc qua một lượt cả bài trước khi làm để nắm rõ các bước. Các bạn đã hiểu rõ và tự chịu trách nhiệm với hành động của mình – Do with your own risk.
Đồ nghề các bạn chỉ cần:
- 3 cái tua vít 4 cạnh PH0, PH1, PH2
- Một chiếc giẻ lau ẩm
- Nếu có máy hút bụi càng tốt, sẽ dùng để hút những chỗ bụi khô dễ hút
- Nên có bóng xịt bụi và chổi lau bụi cho những khu vực khó tiếp cận hoặc bảng mạch điện tử
Các bạn cũng nên kiếm một cái gì đó để kê con robot lên lúc chúng ta úp ngược, tránh đè nặng vào khu vực Lidar – khu vực này cũng có cảm biến va chạm, việc đè nặng vào có thể ảnh hưởng đến cảm biến. Như mình sử dụng cái bìa trong hộp đựng router, các bạn có thể dùng những thứ tương đương như hộp nhựa hoặc kê robot bằng 2 viên gạch, 2 miếng xốp… (có thể lót khăn mềm cho khỏi xước bề mặt).
Bước 1: Lau chùi bên ngoài
Đầu tiên các bạn nên lau chùi sơ bộ bên ngoài cho sạch sẽ, lát thao tác cho đỡ bẩn tay. Đồng thời, tháo hộp bụi, lõi lọc, dùng máy hút bụi vệ sinh cơ bản để để lúc sau mang đi vệ sinh kỹ hơn.
Tiếp tục tháo và vệ sinh chổi phụ, chổi chính, cũng như bánh xe nhỏ dẫn đường, có thể dùng công cụ đi kèm để cắt tóc cuốn vào các bộ phận đó.
Bước 2: Tháo vỏ mặt dưới robot
Chúng ta sẽ tiếp tục tháo robot để vệ sinh cả bên trong. Các bạn nên chuẩn bị 3-4 hộp nhỏ để đựng ốc vì chúng ta sẽ tháo khá nhiều các loại ốc khác nhau, nên để riêng cho đỡ nhầm lẫn.
Đầu tiên là tháo toàn bộ ốc của ốp mặt dưới, ốc này sẽ dùng tua vít 4 cạnh PH2. Có 8 con ốc xung quanh khu vực này
Mặt trong này cũng có khá nhiều bụi bẩn.
Kế tiếp sẽ tháo nẹp của cản trước, có 7 con ốc nhỏ dùng tua vít PH0.
Kế tiếp, sẽ là tháo pin, vì bên dưới pin cũng có 2 con ốc sẽ cần tháo ở các bước sau. Pin được đặt vào và không dán keo nên chỉ cần nhấc ra là được, có thể lần đầu sẽ hơi khó, anh em cứ nhấc từng chút một là được, sau đó ngắt kết nối jack cắm pin. Khối pin của Dreame D9 là 5200mAh – 70Wh, sử dụng được cho diện tích khoảng 200m2 cho 1 lần sạc.
Bước tiếp theo là tháo động cơ chổi phụ, vì bên dưới động cơ cũng sẽ có 1 con ốc cần tháo ở bước sau.
Cuối cùng ở bước này chúng ta sẽ tháo được toàn bộ ốc của phần mặt dưới để sau có thể nhấc vỏ của robot ra
Sau khi tháo hết ốc, chúng ta sẽ lật ngược lại để tháo mặt trên.
Bước 3: Tháo vỏ mặt trên của Robot
Với mặt trên, chúng ta sẽ bắt đầu với phần ốp nhựa ở khu vực nút bấm, phần này của Dreame D9 được giữ bằng ngàm nên sẽ hơi khó để bẩy lên, anh em có thể dùng 1 cái thẻ mỏng kết hợp với lực tay để tháo phần này ra.
Có thể sẽ gẫy 1-2 ngàm nhựa, nhưng cơ bản mình thấy không ảnh hưởng gì và sau lắp lại cũng vẫn rất chắc chắn.
Sau đó là có thể tách rời được cản trước.
Phần kim loại ngay dưới cảm biến là lò xo giảm chấn, còn 2 tay màu đen ở 2 bên trái phải chính là cảm biến va chạm, các bạn có thể vệ sinh phần này với giẻ lau ẩm.
Tiếp tục tháo phần bản lề để nhấc được nắp hộp bụi của Robot ra.
Bước 4: Tháo khu vực cụm LIDAR
Đầu tiên là tháo phần nhựa bảo vệ cho khu vực LIDAR, sẽ có 4 con ốc nhỏ ở khu vực này, các bạn tháo cẩn thận. Bên dưới ốp bảo vệ sẽ có 2 cái lò xo, lưu ý không để mất 2 cái lò xo này.
Có thể vệ sinh qua khu vực này trước khi tiến sâu hơn.
Sau đó có thể mở nắp bảo vệ để vệ sinh phía bên trong khu vực LIDAR. Đoạn này các bạn nên làm nhẹ nhàng cẩn thận vì LIDAR là một hệ thống khá nhạy cảm. Ảnh mình chụp sau khi tháo phần cover phía trên ra khỏi robot rồi, tuy nhiên, theo thứ tự trong bài, các bạn chưa tháo cover đó, mà nên vệ sinh cum này trước luôn.
Vệ sinh xong cụm LIDAR, các bạn nên đóng cái cover màu đỏ lại trước khi qua bước tiếp theo.
Bước 5: Tách phần ốp trên của Robot
Các bạn dùng tay, giũ nhè nhẹ là sẽ tách được phần ốp trên của robot.
Lưu ý, không giật mạnh phần này vì sẽ còn phải ngắt cáp kết nối cụm LIDAR trước khi tháo hoàn toàn ốp trên.
Các bạn nghiên ốp trên sang trái là có thể dễ dàng tháo được phần cáp kết nối này
Vậy là cơ bản đã tháo được toàn bộ vỏ của Robot. Chúng ta sẽ vệ sinh những gì đang nhìn thấy trước khi vào đến phần động cơ.
Ví dụ như các ngóc ngách hoặc bảng mạch.
Bước 6: Khu vực động cơ
Tiếp theo, chúng ta sẽ tháo khu vực động cơ. Động cơ trên Dreame D9 sử dụng thương hiệu Nidec đến từ Nhật Bản.
Trước đó mình sẽ tháo mút chống ồn và chống bụi ra trước, (nếu không ngại ồn, anh em có thể không cần dùng đến cái mút này nữa, sẽ tăng lưu lượng khí qua động cơ, từ đó tăng lực hút của robot lên chút đỉnh).
Sau đó tháo ốc của nẹp động cơ, chỉ có 2 con trái phải.
Là có thể nhấc được động cơ ra khỏi máy.
Sau đó mình cũng mở luôn phần quạt gió ra, anh em lưu ý những cái ngàm nhựa của quạt gió khá mong manh nên mở đoạn này nhẹ tay và thật cẩn thận tránh gẫy ngàm.
Mình tháo luôn ron cao su và ống dẫn khí này ra để mang đi rửa.
Tiện thể sẽ tháo luôn phần ốp dẫn khí trước khi vào động cơ để mang đi rửa luôn.
Bước 7: Rửa nước những bộ phận có thể
Trước khi làm vệ sinh bên trong, mình sẽ đem toàn bộ những gì có thể rửa được bằng nước đi rửa, để trong lúc làm vệ sinh bên trong robot những bộ phận đó khô là vừa.
Dưới đây là toàn bộ những thứ mình rửa bằng nước, các bạn lưu ý kiểm tra hướng dẫn sử dụng, xem lõi lọc hepa của máy có rửa với nước được không nhé. Lõi hepa trên Dreame D9 có rửa được với nước.
Cơ bản là rửa trực tiếp dưới vòi nước và dùng bàn chải cọ những chỗ cứng đầu.
Rồi sau đó đem đi phơi. Và quay trở lại với chiếc robot trong lúc chờ những món này khô ráo
Bước 8: Detailing và spa robot
Bước này đơn giản là vệ sinh mọi thứ còn lại bạn thấy bẩn, vậy thôi.
Một số bộ phận bên trong robot
Tiện tháo ra, mình chia sẻ thêm về một số thứ bên trong robot.
Bảng mạnh bên trái là vị trí nút bấm reset robot, khu vực lò xo bên phải là để trợ lực cho bánh xe, giúp robot có khả năng leo trèo qua những vật mỏng, ngay cạch lò xo về phía trái có một công tắc cảm biến để biết bánh xe đang “lơ lửng”.
Đây là động cơ của chổi chính. Gần đó phía bên phải có một cái mạch nho nhỏ là cảm biến va chạm của phần LIDAR.
Nhìn từ trên xuống cái cảm biến đó như thế này.
Bước cuối
Đi ngược lại để ráp lại robot như ban đầu thôi.
Lúc lắp lại robot mình chỉ lưu ý anh em là khu vực LIDAR có 2 con lò xo như hình dưới, anh em đừng bỏ quên. Còn lại mọi thứ khác mở được là đóng được, dễ như ăn kẹo thôi.
Và nếu như các phụ kiện đã quá cũ như của mình, anh em có thể tìm mua các phụ kiện thay thế để robot hoạt động hiệu quả hơn nhé
Cuối cùng lắp xong robot hoạt động ổn định, sạch sẽ, không dư ra con ốc nào.
Bài viết xin được kết thúc tại đây, chúc anh em bảo dưỡng thiết bị của mình thật tốt để nó làm việc hiệu quả và phục vụ mình tốt hơn.
Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️
Chia sẻ bài viết:
Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết