Review Bebird M9 S, dụng cụ vệ sinh tai có camera
Update mới nhất: 13/07/2024
Tai vốn là một bộ phận nhạy cảm nhưng không ai tự quan sát được bên trong tai của chính mình, đây cũng là vấn đề khiến việc vệ sinh tai khó khăn hơn. Ở các tiệm cắt tóc cũng thường có dịch vụ vệ sinh tai, tuy nhiên mình chưa bao giờ sử dụng vì thấy không yên tâm để cho người khác chọt vô tai mình, chưa kể không biết dụng cụ ngoài đó đã vô tai bao người và tình trạng vệ sinh khử khuẩn ra sao.
Thiết bị vệ sinh tai hay dân dã hơn là dụng cụ lấy ráy tai có camera sẽ giúp chúng ta giải quyết được những vấn đề đó. Trong bài viết này, mình sẽ review Bebird M9 S, một dụng cụ vệ sinh tai thông minh có tích hợp camera.
Nội dung chính
Lưu ý: Khi tự vệ sinh tai, bạn tự chịu trách nhiệm với đôi tai và thính lực của mình.
Một số lưu ý của nhà sản xuất (có trong hướng dẫn sử dụng) mình thấy nên nhắc lại: Không sử dụng khi chưa truyền hình trực tiếp. Chỉ sử dụng khi ở nơi an toàn, tránh va chạm với người xung quanh. Không phù hợp với trẻ dưới 3 tuổi. Trẻ em không nên sử dụng khi không có sự giám sát của người lớn.
Bebird là một thương hiệu chuyên sản xuất các thiết bị vệ sinh tai thông minh, trên trang chủ họ nhận là nhà sản xuất số 1 thị trường trong lĩnh vực thiết bị vệ sinh tai thông minh có hình ảnh (Smart Visual Ear Cleaner) và đã bán hàng trên 100 quốc gia ở cả Mỹ, châu Âu và châu Á. Nhà bán hàng nói thương hiệu này có trong hệ sinh thái của Xiaomi nhưng hoạt động độc lập nên sẽ không tìm thấy logo của Xiaomi trên đó, điều này cũng khá quen thuộc với các thương hiệu thuộc hệ sinh thái của Xiaomi.
Bebird M9 S có mức giá chưa đến 600,000đ – các bạn có thể tham khảo giá sản phẩm trên Shopee hoặc Lazada, áp các loại voucher sẽ có mức giá rẻ hơn nữa, lưu ý trong link sản phẩm có các phân loại sản phẩm khác nhau, các bạn nhớ đọc kỹ và chọn đúng loại theo nhu cầu.
Thông số kỹ thuật Bebird M9 S
Dưới đây là một vài thông tin chính về sản phẩm Bebird M9 S này, ngoài ra các bạn có thể xem thêm trên trang chủ của sản phẩm tại đây:
- Độ phân giải camera: 10 Megapixels
- Tốc độ truyền hình: 20fps
- Có chống rung điện tử và con quay hồi chuyển
- Dung lượng pin: 230 mAh
- Thời lượng sử dụng: khoảng 90 phút
- Cổng sạc USB Type C
- Thời gian sạc: khoảng 60 phút
- Chống nước IP67
- Đường kính ống kính: 3.5mm
Ngoài ra, có một số thông số dưới đây là mình tự đo đạc thực tế vì không thấy nhà sản xuất công bố
- Kích thước thiết bị: 144 x 14 mm
- Khối lượng thiết bị: 22g khi đóng nắp, 16g khi mở nắp
- Kích thước chân đế: 50 x 35mm
- Khối lượng chân đế: 53g
Ngoại hình và thiết kế
Mặc dù cách đóng hộp có hơi sơ sài và chưa được đẹp mắt lắm, nhưng ngoại hình và mức độ hoàn thiện của sản phẩm bên trong lại gây ấn tượng mạnh với mình.
Dù chỉ được làm vỏ nhựa nhưng khó lòng thấy được điểm trừ nào trong hoàn thiện, tất cả các điểm đều rất chỉn chu, gọn gàng, kể cả đường ghép giữa 2 mảnh vỏ của sản phẩm cũng rất rất khó để nhìn ra được.
Phần nắp có hít nam châm, cũng sẽ là công tắc bật tắt sản phẩm. Đây cũng là điểm nổi bật trong thiết kế của Bebird M9 S, chính vì thiết kế như vậy mà trên thân sẽ không có bất cứ nút bấm nào khiến cho sản phẩm rất liền lạc.
Ở vị trí tiếp giáp giữa thân với nắp cũng là một dải đèn trạng thái. Phần đầu thiết bị được làm từ kim loại, chứa camera, đèn chiếu cũng như có ren để gắn đầu ngoáy tai. Phần đầu camera được thiết kế rất nhỏ gọn với đường kính 3.5mm, sẽ phù hợp với cả những bạn có ống tai nhỏ.
Bộ phụ kiện gồm một chân đế, một cọng cáp A-C và một bộ 3 tăm bông để vệ sinh camera. Phần chân đế cũng được hoàn thiện rất chỉn chu, bên trong chân đế cũng là nơi đựng thêm 9 đầu ngoáy tai nữa, tổng cộng chúng ta sẽ có 10 đầu ngoáy tai.
Chỉ có một điểm hơi đáng tiếc trong thiết kế đó là cổng sạc của thiết bị nằm ở dưới đáy, tức là khi sạc sẽ phải bỏ ra khỏi chân đế hoặc cắm ngược đầu xuống. Ở phiên bản cao cấp hơn, chân đế có hỗ trợ sạc vào cho thiết bị sẽ cho trải nghiệm sử dụng sẽ tốt hơn nữa. Nhưng đây là một điểm phải đánh đổi khi có một mức giá chỉ bằng phân nửa so với các phiên bản cao cấp hơn, và khi cần mang đi du lịch cũng sẽ rất tiện để bỏ vào túi hay balo.
Ứng dụng
Để sử dụng đầy đủ tính năng, tất nhiên là chúng ta sẽ phải cài ứng dụng trên thiết bị di động. Các bạn có thể dễ dàng tải về từ App Store và Google Play Store, ứng dụng tên là “bebird” luôn. Mở nắp thiết bị, kết nối điện thoại với wifi mà thiết bị phát ra, sau đó mở ứng dụng lên và chọn đúng model là đã có thể sử dụng.
Trong ứng dụng, chúng ta có thể xem thời lượng pin, chỉnh tai trái / phải để tối ưu hình ảnh, điều chỉnh một số thông số như độ sáng của đèn chiếu, bật/tắt chế độ xoay theo trục, ngoài ra, cũng có thể chụp ảnh hoặc quay lại video từ camera của chiếc ngoáy tai này, và đương nhiên là có tính năng truyền hình trực tiếp rồi.
Kết nối
Khi sử dụng lâu một chút, phần thân thiết bị sẽ ấm ấm vì trong này chứa cả pin cũng như là nguồn phát sóng wifi để truyền hình trực tiếp qua thiết bị di động, còn phần đầu thiết bị nơi chứa đèn và camera không hề nóng lên nên không gây khó chịu khi đưa vào tai.
Sử dụng wifi được phát từ thiết bị để truyền hình vì vậy mình thấy tốc độ truyền tải cũng như sự ổn định khá cao. Tuy nhiên, có thể do mình test liên tục thời gian dài nên thi thoảng trong khi test trên app sẽ hiện pop-up thông báo ‘kết nối yếu’, dù thiết bị cũng ở rất gần điện thoại mà thôi. Khi mình tắt thông báo đó đi, mọi thứ vẫn bình thường, hình ảnh vẫn truyền tải ổn định.
Còn thực tế sau 1 năm sử dụng, cũng rất ít khi gặp lại thông báo này, nên các bạn có thể yên tâm sử dụng.
Camera
Thiết bị được trang bị camera với độ phân giải 10 MP, dù với kích thước rất nhỏ nhưng vẫn có độ nét cao. Tất nhiên, camera này cũng đã được điều chỉnh tiêu cự để sử dụng ở cự li rất gần vì vậy sẽ không thể chụp ảnh hay quay video ở khoảng cách xa.
Về độ nét, không có gì phải bàn, chúng ta có thể soi từng chân tơ kẽ tóc. Chỉ có một điểm là những thứ trong camera nhìn tưởng to nhưng lúc lôi ra thì lại bé xíu xiu à. Chống rung cũng như con quay hồi chuyển hoạt động hiệu quả. Đèn chiếu sáng cũng được bố trí ở ngay phần đầu camera và có độ sáng khá cao, hầu như mình chỉ để ở mức 50% là thoải mái sử dụng rồi.
Ở dưới đây mình có để ảnh thực tế khi sử dụng, tuy nhiên đã làm mờ đi các ảnh “bên trong tai”, nếu các bạn muốn xem ảnh không che có thể ấn next sang bức ảnh bên cạnh nhé, bên trong tai mình cũng khá sạch sẽ nên không có gì ghê lắm đâu, có điều biết đâu vẫn có bạn không thích vì vậy nên mình vẫn làm mờ. Ngoài ra còn có cả ảnh mình soi vào một cái cổng Type C và soi biểu tượng pin của iPhone.
Các bạn đang xem bài viết bằng điện thoại có thể zoom ảnh không che tại đây
Mới đầu khi nhìn thông số truyền tải 20fps, mình nghĩ có thể sẽ hơi không được mượt mà lắm. Tuy nhiên, ngoáy tai không phải là một công việc đòi hỏi tốc độ truyền tải cao và độ trễ siêu thấp như chơi game nên mình thấy cũng không ảnh hưởng gì từ việc đó.
Trải nghiệm sử dụng
Trong một hai lần đầu sử dụng, có vẻ không quá dễ dàng khi phải vừa quan sát, vừa thao tác vệ sinh tai, nhưng đến lần thứ ba trở đi, khi đã quen rồi, mình thấy việc sử dụng cũng rất đơn giản. Giờ đây tự vệ sinh tai đã đơn giản hơn nhiều, và cũng an toàn hơn khi mình có thể quan sát và chỉ đụng tới những nơi cần thiết chứ không ngoáy kiểu ‘mò mẫm’ như trước đây. Khi vệ sinh tai cho người thân, mình thấy còn dễ dàng hơn nhiều so với tự làm cho chính mình.
Phiên bản M9 S cũng là trong dòng sản phẩm dành cho gia đình (Home edition) vì vậy cũng có đi kèm nhiều đầu ngoáy hơn, sẽ có tổng cộng 10 đầu ngoáy tai bao gồm:
- 3 đầu nhựa bé
- 2 đầu nhựa to
- 1 đầu thép bọc silicon bé
- 1 đầu thép bọc silicon to
- 3 đầu nhựa bọc vải (giống kiểu tăm bông)
Nhiều đầu với nhiều kích cỡ sẽ giúp bạn có thể chọn được loại phù hợp với bản thân cũng như có thể sử dụng các đầu khác nhau cho các thành viên trong gia đình, có các đầu kích cỡ nhỏ cũng sẽ phù hợp để vệ sinh tai cho các bạn ‘nhi đồng thúi tai’.
Đặc biệt là khi kiểm tra và vệ sinh tai cho các bạn nhỏ, nhất là sau các hoạt động như bơi lội, tắm biển, chúng ta có thể soi xem có nước lọt vào và đọng bên trong tai không, bên cạnh việc rửa tai bằng nước muối sinh lý, nhiều khi các bạn trẻ con không biết hoặc mải chơi mà cứ để nước đọng trong tai cũng có thể gây viêm tai. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng thiết bị để kiểm tra cả mũi và họng, hoặc dùng để soi các chi tiết trong lỗ nhỏ…
Ở đây kể một câu chuyện phiếm, ngày xưa hồi mình 5 tuổi, ngay trước khi khởi hành chuyến đi du lịch cùng gia đình, trong lúc chờ taxi, mình nghịch ngợm và nhét hạt cườm vào lỗ mũi rồi lại phì nó ra. Và các bạn biết rồi đó, chuyện gì đến cũng đến, nó kẹt vào trong lỗ mũi. Bố mình cũng rất nhanh trí và khéo léo dùng một chiếc ngoáy tai, tất nhiên là loại bình thường và chiếu đèn pin vào để lôi được viên ngọc trai nhựa đó ra. Mặc dù bị mắng cho to đầu sau sự vụ nhưng đó là một kỉ niệm khá vui vẻ mà đến giờ mình vẫn nhớ mãi.
Mình có thử các đầu ngoáy tai này thấy đủ cứng để lôi các thứ ra nhưng cũng đủ mềm để không gây xước hoặc tổn thương ống tai. Việc thay thế hay đổi đầu ngoáy tai cũng đơn giản, chỉ cần vặn nhẹ theo ren là được. Phiên bản này cũng không có đầu gắp như các bản cao hơn, nhưng tất nhiên chính vì thế mà mức giá cũng mềm hơn.
Vệ sinh đầu ngoáy tai và camera bằng tăm bông đi kèm với thiết bị. Đây là loại tăm bông dùng 1 lần được tẩm dung dịch vệ sinh, mà mình nghĩ là cồn, nếu dùng hết có thể mình sẽ dùng tăm bông bình thường, loại đầu nhỏ và phần đầu trụ tròn là có thể vệ sinh được. Ngoài ra, cũng có thể vệ sinh đầu lấy ráy tai và đầu camera với nước.
Thời lượng pin
Thời lượng pin thực tế mình test được, với độ sáng 50%, truyền tải hình ảnh liên tục, thiết bị còn 32% pin sau 60 phút. Cho đến khi thiết bị báo pin yếu là 80 phút, tuy nhiên mình vẫn tiếp tục sử dụng được sau khi tắt thông báo. Và tổng thời gian sử dụng được từ khi đầy pin cho đến lúc thiết bị tự tắt do hết pin là 87 phút, gần như chênh lệch rất ít với công bố của nhà sản xuất.
Trong thực tế, nếu sử dụng mỗi ngày 5 phút có lẽ hơn nửa tháng chúng ta mới phải sạc một lần. Bản thân mình cũng không dùng với tần suất hàng ngày như vậy, vài ngày mới dùng một lần, vì vậy cũng rất lâu mới phải sạc pin.
Do cũng mới chỉ dùng khoảng 3-4 lần sạc, nên mình chưa đánh giá được độ bền của pin, mình sẽ cập nhật bài viết sau một thời gian sử dụng lâu hơn nữa. Update: Sau 1 năm, mình cũng vẫn dùng sản phẩm này và rất rất lâu mới phải sạc pin một lần.
Tổng kết
Bảng dưới đây mình sẽ tổng kết lại một số ưu điểm và một số điểm yếu của sản phẩm này, các điểm yếu này chưa ảnh hưởng quá nhiều đến trải nghiệm sử dụng nên mình cũng chưa coi đó là nhược điểm
Ưu điểm | Suýt là nhược điểm |
---|---|
✅ Hoàn thiện rất tốt, chỉn chu ✅ Camera nét, soi mọi thứ rõ ràng, phóng đại mọi thứ ✅ Có 10 đầu thay thế, 5 loại khác nhau ✅ Thời lượng pin tốt ✅ Kết nối nhanh và khá ổn định | ❗️FPS hơi thấp ❗️Chưa có đầu gắp ❗️Đôi lúc app pop-up ‘kết nối kém’ hơi vô tri |
Nhìn chung, mình thấy đây là một sản phẩm rất hữu ích cho những bạn nào muốn vệ sinh tai an toàn hơn cho bản thân cũng như gia đình, muốn thấy rõ những gì bên trong lỗ tai, muốn kiểm tra xem có con gì làm tổ ở trong đó không chẳng hạn.
Các bạn có thể tham khảo nơi mua Bebird M9 S trên Shopee hoặc Lazada của gian hàng Clicktobuy.vn, mức giá chưa đến 600,000đ nếu áp các loại voucher sẽ có mức giá rẻ hơn nữa, lưu ý trong link sản phẩm có các phân loại sản phẩm khác nhau, các bạn nhớ đọc kỹ và chọn đúng loại theo nhu cầu.
Bài viết này này chưa đánh giá được về độ bền của sản phẩm, mình sẽ cập nhật thêm sau một thời gian trải nghiệm dài hơn. Các bạn nhớ follow mình để không bỏ lỡ nhé.
Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️
Chia sẻ bài viết:
Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết