Review Acer Swift 5 sau 3 năm sử dụng – Nhẹ nhưng đánh đổi nhiều

Review Acer Swift 5 sau 3 năm sử dụng – Nhẹ nhưng đánh đổi nhiều

Update mới nhất: 16/03/2023

Hôm nay mình sẽ review chiếc máy tính xách tay của vợ mình sau 3 năm sử dụng. Đó là chiếc Acer Swift 5. Mã model của chiếc máy này là SF514-53T-58PN. Đây là phiên bản cũ, đã ra mắt từ 2018, mình mua vào năm 2019. Hiện tại cũng đã thấy ngừng kinh doanh vì đã có phiên bản mới hơn (54T 55T hay mới nhất là 56T).

Từ trước đến giờ thì mình chưa bao giờ dùng laptop của Acer nên cũng không mấy khi quan tâm lắm đến thương hiệu này. Nhưng vợ mình khi còn là sinh viên thì đã sử dụng Acer. Vì vậy, khi máy cũ đã chậm và lỗi thời thì cũng muốn nâng cấp lên Acer, mặc dù khi đó mình cũng khuyên vợ là có thể cân nhắc sử dụng Macbook.

Về nhu cầu sử dụng, vợ mình chỉ cần của một chiếc máy tính văn phòng cơ bản, chạy được Word, Excel, PowerPoint và lướt Web để tra cứu. Không chơi game và cũng không làm đồ họa nặng nề

Ngoài ra, còn có một số tiêu chí khác như:

  • Muốn máy mỏng nhẹ và gọn gàng để dễ mang đi lại, phù hợp với công việc hay phải di chuyển, mà đơn giản nhất đó là hàng ngày cho vào ba lô để đem từ nhà lên văn phòng hay là khi mang đi công tác
  • Muốn máy chạy Windows vì vợ mình đã quen dùng Win rồi nên không thích đổi qua Mac
  • Ngân sách tầm 20-25 triệu (nhưng không hẳn là một tiêu chí mang tính quyết định, có thể thêm ngân sách nếu cần)

Sau khi tham khảo khá nhiều mẫu máy cũng thuộc hàng mỏng nhẹ như LG Gram, AsusZenBook, Macbook Air. . . thì cuối cùng vợ mình cũng chốt lại với chiếc Acer Swift 5 với mức giá gần 23 triệu

Mặc dù nếu so với laptop nói chung thì Swift 5 sẽ ở mức giá của phân khúc cận cao cấp nhưng nếu so với Acer nói riêng thì đây cũng được coi là dòng máy khá cao cấp của hãng rồi, trong dòng mỏng nhẹ có lẽ chỉ thua mỗi Swift 7 hay Swift X nữa thôi.

Giới thiệu qua một chút về thông số chính của chiếc máy này theo công bố của nhà sản xuất:
– CPU Intel i5-8265U Quad Core 1.6GHz (turbo 3.9GHz) / GPU Intel UHD Graphic 620
– SSD 256GB / RAM 8GB DDR4
– Màn hình 14inch Full HD IPS có cảm ứng, mở 180 độ, tỉ lệ 16:9, độ sáng 340 nit
– Máy được cài sẵn Win 10 Home
– Pin Li-Po 36Wh, 4670mAh, thời lượng pin tối đa 8 tiếng
– Khối lượng 970 gram, số đo 3 vòng 329x228x14.9mm

Khối lượng thực tế của chiếc Swift khi mình cho lên cân là khoảng 950g, nhẹ hơn cả so với mức công bố. Tuy nhiên vì cân của mình cũng không đảm bảo chính xác nên trong bài viết này mình cũng vẫn sử dụng mức khối lượng mà nhà sản xuất đưa ra.

Mới đầu, khi sử dụng Macbook Pro 2017 và mới chuyển từ máy Vaio cổ đại sang, thì khối lượng 1.37kg đối với mình đã là một khối lượng rất nhẹ rồi. Nhưng đúng khi chưa trực tiếp trải nghiệm thì chưa thể hình dung ra được khối lượng nhẹ hơn nó sẽ sướng hơn như thế nào.

Điều đó xảy ra lần đầu khi mình cầm laptop của vợ mình. Chỉ 970g, chưa đến 1kg và nhẹ hơn máy Macbook của mình tầm 300g thôi nhưng mà cảm thấy nhẹ hơn rất nhiều. Cầm máy vợ xong quay lại cầm máy mình mới thấy nó nặng nề làm sao.

Và lần thứ 2 nó xảy ra đó là khi mình vào cửa hàng và cầm nhầm vào chiếc Fujitsu UH-X với khối lượng chỉ khoảng 750g. Mình bị choáng ngợp sau cú cầm nhầm đó. Một chiếc máy siêu nhẹ full cổng kết nối, khiến mình đầy ham muốn đổi từ Macbook sang, tuy nhiên mọi ham muốn bị dập tắt khi nhìn dung lượng pin 25Wh kì quái

Quay lại với chiếc Swift 5 thì đây là một thiết bị rất nhẹ mà vẫn mang trong mình một cấu hình cũng như thời lượng pin tương đối ổn. Khi đó cũng có chiếc LG Gram rồi và cũng khá nhẹ nhưng vợ mình lại thích màu sắc của Swift 5 hơn, mình cũng sẽ chia sẻ thêm ở bên dưới

Left ImageRight Image

Ngoài khối lượng bản thân, Acer Swift 5 cũng có cục sạc cũng nhỏ và nhẹ, chỉ tầm 160g. Khi nhét balo để mang đi công tác thì chỉ cần đeo 970g + 160g = 1.13kg. Mình không có cơ hội cân đo đong đếm các dòng mỏng nhẹ khác để so sánh củ sạc nhưng ví dụ như Macbook của mình thì là 1.37kg + 0.26kg = 1.63kg, nặng hơn nửa ký, chưa kể phải đem theo cả cái hub usb vì thiếu cổng kết nối

Đây cũng là một điểm khi mà các bạn chọn các mẫu máy mỏng nhẹ nên chú ý, vì đôi khi chúng ta chỉ tập trung vào khối lượng máy mà quên mất những món phụ kiện đi kèm mà hầu như phải luôn mang theo và thường nhà sản xuất cũng chỉ chú trọng đến khối lượng máy mà hầu như không bao giờ có thông tin về khối lượng của phụ kiện đi kèm. Một số mẫu máy có thể cũng nhẹ nhưng vẫn đi kèm cục sạc to dày thô kệch và nặng nề.

Cổng kết nối đa dạng

Dù là máy mỏng nhẹ nhưng Swift 5 lại không phải hi sinh quá nhiều về mặt kết nối. Máy vẫn có 1 cổng USB-C, 2 cổng USB-A, 1 cổng HDMI và 1 cổng tai nghe 3.5mm. Đây là một điểm mình đánh giá rất cao
Với nhu cầu sử dụng phổ thông, vợ mình gần như chưa bao giờ cần phải dùng đến USB-C mà chỉ dùng 2 cổng USB-A, một cổng cho con chuột logitech có dây đã gắn bó từ máy cũ (chắc phải gần chục năm rồi) và cổng còn lại cho máy in.

Phía cạnh trái có cổng âm thanh 3.5mm tích hợp mic đàm thoại, có đèn báo bật nguồn, đèn báo sạc pin nho nhỏ và lỗ khóa Kensington
Phía bên phải máy có cổng USB Type C, 2 cổng USB-A, cổng HDMI và chân cắm nguồn, máy sử dụng sạc 45W

Việc sử dụng cổng chân kim để sạc giúp máy không phải hi sinh bất cứ cổng kết nối nào cho việc đó. Đây là một điểm tốt. Cổng Type-C trên máy vợ mình cũng dùng để sạc được, mình thử bằng sạc 61W của Apple. Việc xuất màn hình ngoài mình cũng chưa có cơ hội để thử nhưng trong thông số công bố của Acer HK cũng đề cập đến việc xuất màn hình ngoài từ cổng Type C này

Vì có cổng USB-C nên máy của vợ mình cũng dùng chung được với một số phụ kiện mà mình đã phải sắm, như là ổ cứng SSD hoặc cắm thẻ nhớ qua chiếc hub, tuy nhiên cũng không nhiều trường hợp thực tế phải dùng đến. Và rõ ràng với trang bị như vậy thì cũng không quá lo ngại chuyện máy bị lỗi thời nhanh chóng, thực tế sau 3 năm sử dụng thì vợ mình cũng gần như chưa có các nhu cầu với USB-C. Phụ kiện xung quanh cũng vẫn hầu hết là USB-A

Nhược điểm nho nhỏ đó là máy Swift 5 của vợ mình chỉ hỗ trợ đến chuẩn USB 3.1 Gen 1 (5Gbps) cho tất cả các cổng kết nối. Dù sao thì cũng không quá quan trọng vì như đã chia sẻ, vợ mình không có nhu cầu dùng đến và ở phiên bản mới nhất của Swift 5 đang được bán, mình thấy đã được nâng cấp USB-A lên 3.1 Gen 2 (10Gbps) và USB-C cũng đã hỗ trợ ThunderBolt 4 (40Gbps), xuất 2 màn 4K và hỗ trợ sạc 2 chiều.

Hiệu năng sử dụng thực tế

Với CPU Intel thế hệ 8, chưa phải là theo tiêu chuẩn Intel Evo sau này nên máy cũng hơi chậm chạm trong khoản Sleep và Wake Up. Nhưng cũng không quá đáng kể và ảnh hưởng nhiều đến quá trình sử dụng. Việc khởi động máy cũng khá nhanh, mình không có điều gì để quá phàn nàn với tốc độ khởi động của máy

Thật sự là với nhu cầu sử dụng của vợ mình đa phần là máy chạy rất êm ái nhẹ nhàng, không mấy khi nghe tiếng quạt tản nhiệt. Chỉ khi nào mở tầm 4-5 cửa sổ Excel số liệu, cùng lúc đó 2-3 cửa sổ Word và thêm 4-5 tab Chrome thì lúc đó quạt mới chạy ở mức gây chú ý về tiếng gió tản nhiệt và cảm thấy máy nóng lên đôi chút. Còn đa số thời gian khi sử dụng bình thường với 2-3 tab Chrome và 1-2 cửa sổ Word thì máy rất yên tĩnh và mát.

Máy có 4 chân cao su cao và vững chãi cùng 3 khe tản nhiệt lớn ở mặt D

Về mặt đồ họa thì nhu cầu sử dụng của vợ mình cũng không quá cao. Chủ yếu dùng Canva là đã làm được việc nên chiếc máy cũng đáp ứng rất tốt. Sau 3 năm sử dụng, chiếc máy vẫn đáp ứng tốt nhu cầu mà chưa thấy có quá nhiều vấn đề với hiệu năng sử dụng. Hi vọng vẫn sẽ tiếp tục sử dụng tốt trong 2-3 năm tới nữa

Phối màu và ngoại hình

Mình phải tách riêng phần phối màu này ra khỏi đánh giá về hoàn thiện bên ngoài vì mình sẽ chê ở phần sau. Tuy nhiên phải dành một lời khen cho cách phối màu và ngoại hình của chiếc máy này. Máy có màu Charcoal Blue theo cách của nhà sản xuất gọi, còn dân dã hơn thì mình thấy nó có màu Xanh Navy, pha chút tím than và được hoàn thiện dạng mờ (matte) và được tô điểm thêm phần bản lề được sơn màu vàng hơi ngả sang màu đồng một chút cũng dạng matte và phần logo của máy thì là một lớp kim loại mạ màu vàng đồng.

Logo phía trong màn hình và chữ SWIFT được dập chìm trên bản lề (mặt B)

Mình thực sự ấn tượng với cách phối màu này vì nó rất đủ, rất trang nhã và không lòe loẹt. Đem lại cho chiếc máy này sự sang trọng. Máy cũng khá vuông thành nhưng không sắc cạnh, mà các cạnh được bo cong khá mềm tay khi cầm vào. Cá nhân mình cũng thích màu Navy nên mình thấy khi kết hợp với ngoại hình trung tính thì chiếc máy này và thậm chí màu này cũng sẽ phù hợp cho cả nam và nữ

Logo Acer kim loại màu đồng trên mặt lưng phía sau màn hình màu xanh nhám (mặt A)

Dịch vụ bảo hành

Với chiếc Swift 5 này, mình đã được trải nghiệm cả dịch vụ bảo hành của Acer và mình thấy tốt hơn mong đợi. Chiếc máy cũng được hưởng chính sách bảo hành 3S1

3S1 là chính sách bảo hành nhanh. Với chính sách này, các sản phẩm cao cấp sẽ được kiểm tra, bảo hành và gửi lại khách chỉ trong thời gian 3 ngày (72 giờ) bao gồm cả thứ 7 và Chủ nhật. Đặc biệt, khách hàng sẽ được nhận sản phẩm mới cùng loại hoặc tương đương (1 đổi 1) cho các trường hợp không hoàn thành bảo hành trong 03 ngày tính từ lúc nhận sản phẩm.

Sau khi dùng được vài tháng, thì máy của vợ mình có hiện tượng lỗi về mặt ngoại hình, ở mặt đáy (mặt D) của máy, mình sẽ chia sẻ kỹ hơn về lỗi này ở phần mình chê bai phía sau. Khi đó, vợ mình hỏi mình liệu có được bảo hành không. Với những kinh nghiệm và trải nghiệm của mình với việc bảo hành đồ điện tử ở Việt Nam, mình có nói với vợ rằng mình không mong đợi việc được bảo hành bởi lỗi về ngoại hình vì thông thường các hãng sẽ từ chối với lý do ngoại cảnh tác động, hao mòn do thời gian hay do lỗi của người sử dụng.

Tuy nhiên, vợ mình vẫn quyết định mang máy đến trung tâm bảo hành để thử xem có được hỗ trợ gì không nên bọn mình đã đem đến TTBH ở Hà Nội ở Đào Duy Anh gần chỗ hầm Kim Liên. Ngoài ra, có một điểm nữa đó là khi đó pin tụt khá nhanh nên bọn mình cũng yêu cầu kiểm tra luôn về pin và bảo hành nếu cần thiết.

Điều đầu tiên làm mình bất ngờ, đó là khi xem xét kĩ lưỡng thì nhân viên tại trung tâm bảo hành đã tiếp nhận bảo hành kể cả lỗi về ngoại hình bên ngoài

Điều thứ hai làm mình bất ngờ nữa đó là chính sách 3S1 thực sự hoạt động và có tác dụng chứ không chỉ là quảng cáo. Mình cũng không nhớ chính xác ngày mình mang đến do cũng quên không chụp lại tờ giấy hẹn, nhưng đến giờ ấn tượng vẫn là tất cả mọi thứ chỉ xong vào cuối tuần mà không bị mất quá nhiều thời gian làm việc của vợ mình (kiểu chiều thứ 6 mang đến rồi chiều chủ nhật mang về).

Đương nhiên đã được khắc phục lỗi bằng cách thay mới phần linh kiện bị lỗi, ở đây là mặt D của máy và thay luôn cả pin, vì các bạn kỹ thuật xác nhận là pin có xuống cấp nhiều hơn mức bình thường nên thay luôn viên pin cho mình.

Mình cực bất ngờ với kết quả của lần đi bảo hành đó vì được bảo hành cả lỗi về ngoại hình và thời gian bảo hành rất nhanh. Nếu so với lần mình đi bảo hành con Macbook của mình thì tiết kiệm thời gian hơn rất rất nhiều, mặc dù máy mình phải thay nhiều bộ phận hơn nên so sánh cũng hơi khập khiễng, nhưng chưa bao giờ mình đi bảo hành đồ Apple mà chỉ mất 2-3 ngày, kể cả với trường hợp đổi sang máy mới. Và điều đó rất quan trọng vì chiếc máy tính là công cụ lao động. Trong khi mình thì phải chờ 2-3 tuần và phải mượn máy tính của người khác để làm việc thì vợ mình chỉ tốn có 2 ngày cuối tuần và hầu như không ảnh hưởng gì đến công việc. Các bạn có thể xem thêm bài viết review Macbook mình cũng có chia sẻ trải nghiệm bảo hành tại đây

Vì vậy, sau khi trải nghiệm dịch vụ bảo hành thì mình thấy rất hài lòng với chất lượng sau bán hàng của Acer đặc biệt là dịch vụ bảo hành 3S1.

Những điểm trung bình – ở mức giữa, tạm đủ, không chê cũng chả khen

Màn hình

Với chiếc màn hình 14 inch IPS trên Swift 5 với độ phân giải Full HD, mọi thứ chỉ ở mức đủ dùng. Không đến nỗi quá tệ nhưng cũng không thể gọi là quá tốt. Chất lượng hiển thị, độ sáng và màu sắc ở mức độ chấp nhận được. Và quan trọng là vì vợ mình không có nhiều nhu cầu về đồ họa hay màu sắc nên không thấy có vấn đề gì với chiếc màn hình đó. Ngoài ra, máy có tỉ lệ màn hình 16:9 nên màn hình cảm giác ngắn và có cảm giác hiển thị được ít nội dung và thông tin. Cá nhân mình vẫn thích tỉ lệ 16:10 hơn

Còn mình, vì đang nhìn màn của Macbook ngon rồi đương nhiên nhìn màn trên Swift 5 sẽ không thích bằng. Mức giá cũng chênh lệch nên so sánh sẽ khập khiễng. Bù lại Swift 5 có màn hình cảm ứng mà thực ra. . . cũng hiếm khi dùng đến, hầu như chỉ dùng khi vợ mình muốn xem phim bằng laptop ở trên giường, mà chuyện này cũng siêu hiếm khi xảy ra. 95% thời gian sẽ sử dụng chuột như một chiếc laptop bình thường thay vì dùng cảm ứng

Và nhắc đến màn hình cảm ứng, mình sẽ đề cập thêm đến cái bản lề 180 độ. Thật sự bản lề 180 độ thì có tiện hơn bản lề thông thường khi để trên bàn và dùng như một cái laptop, chúng ta sẽ có nhiều góc để mở máy hơn. Ngoài việc đó ra, mình thấy cái bản lề 180 độ khá vô dụng, ít nhất là với chiếc Swift 5 này của vợ mình (còn với các laptop khác có thể viết vẽ trên màn hình thì không bàn đến). Nếu có bản lề 360 độ thì sẽ giúp chiếc màn cảm ứng hữu dụng hơn khi có thể dùng laptop như tablet. Còn hiện tại, vợ mình vẫn chỉ dùng Swift 5 như một chiếc laptop thông thường. Nếu có một phiên bản khác mà không có màn hình cảm ứng nhằm giảm giá bán thì chắc chắn mình sẽ chọn phiên bản không cảm ứng.

Một điểm trừ nữa của chiếc màn hình này đó là nó chìm sâu ở bên dưới phần vỏ máy, viền màn hình được ốp 1 lớp nổi cao hơn, mình cảm giác đây là lớp nhựa. Điều này có thể giúp bảo vệ màn hình khỏi bị chạm vào bàn phím bên dưới nhưng nó khiến cho phần màn hình sẽ không có được cận cao cấp lắm mà chỉ như những chiếc laptop phổ thông. Phần này khiến máy chưa thật sự đẹp, chưa kể khu vực tiếp giáp giữa màn hình và viền màn hình sẽ dễ bị tích bụi và cũng khó để vệ sinh.

Bàn phím

Với một chiếc máy trong tầm giá 23 triệu, bàn phím của Swift 5 khá tốt, hành trình phím không quá nông cũng không quá sâu, phím bấm cũng nhẹ nhàng và mềm tay mà vẫn có độ nảy tương đối tốt cũng như không quá ồn ào. Với một chiếc máy mỏng nhẹ thì mình đánh giá khá cao về trải nghiệm gõ của chiếc máy này.

Tuy nhiên, nếu cải thiện hơn được vài điểm này thì mình nghĩ là sẽ tốt hơn và hoàn hảo hơn:

  • Kích cỡ phím có thể to thêm, vì hiện tại khoảng cách giữa các phím khá lớn làm cho phím bấm khá nhỏ mà xung quanh vẫn đủ chỗ để có thể tăng kích cỡ từng phím khiến việc nhập liệu dễ hơn và chính xác hơn. Đặc biệt là 4 phím điều hướng ở góc dưới màn hình bé và dẹt quá, mình luôn luôn phải nhìn thì mới bấm trúng, còn không sẽ bấm nhầm.
  • Ngoài ra, phần chân của phím cũng nên làm khít hơn để đèn nền bên dưới phím không gây chói. Đèn nền bên dưới phím làm mình khó chịu khi mà ánh sáng dư thừa lọt qua khe phím còn sáng hơn là ánh sáng của các ký tự trên phím. Một phần vì khe hở chân phím lớn như mình đã chia sẻ ở trên và lý do nữa là vì ký tự trên phím được sơn màu cam cho hợp với tông màu chung của máy thay vì là màu trắng cũng làm giảm độ sáng của ký tự.
  • Nếu đèn nền của phím cũng có thể chỉnh được độ sáng nữa thì sẽ tuyệt vời hơn, chiếc máy của vợ mình chỉ có thể bật và tắt. Nhưng điểm này có thì tốt, không có cũng không sao, không quá ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng
Ảnh so sánh đèn bàn phím và khe hở bàn phím của Acer (trên) khiến mình thấy bị chói và không thoải mái khi sử dụng khi so với bàn phím trên máy Macbook của mình (dưới)

Touchpad

Touchpad của Swift 5 xét về cảm ứng thì cũng khá ổn, độ nhạy và phản hồi cảm ứng tốt, cũng có các thao tác cảm ứng đa điểm. Nhưng mình cũng chỉ đánh giá Touchpad ở mức trung bình vì các lý do sau:

  • Thứ nhất, trackpad cũng chìm xuống hơi sâu so với mặt phẳng của phần kê tay trên mặt C, làm máy kém sang, sử dụng khó chịu các góc.
  • Thứ 2, kích thước trackpad cũng nhỏ khiến diện tích di chuyển ít
  • Thứ 3, vẫn sử dụng kiểu nhấn xuống như dạng truyền thống với phím vật lý nằm ở góc dưới touchpad, cảm giác nhấn chuột lạch cạnh và sẽ khó nhấn chuột ở góc phía trên.

Để sử dụng khi không có chuột ngoài, mình vẫn có thể sử dụng được, nhưng nếu để dùng thời gian dài và có hiệu suất tốt nhất khi sử dụng thì không. Vì vậy nó chỉ mang tính chất chống cháy nếu quên chuột mà thôi. Vợ mình khi mang máy đi các nơi cũng vẫn thường mang theo chuột ngoài.

Cảm biến vân tay

Đương nhiên có sẽ tốt hơn không có rồi, MBP 2017 của mình không có nên khá ghen tị.
Tuy nhiên, thật sự là cho cảm biến vân tay của Swift 5 ở mức trung bình thì vẫn là đang hơi vớt vát. Vì thực sự cả mình lẫn vợ mình đều thấy cảm biến vân tay trên Swift 5 không hiệu quả. Dù là cảm biến dạng chạm, nhưng có lẽ do kích cỡ bé, nên việc quét vân tay cũng khá lâu và khó quét. Khi chạm vào phải giữ một lúc thì mới có thể quét được vân tay và đăng nhập được. Chưa kể nhiều lúc quét vân tay còn báo không nhận diện được vân tay, dù phần cảm biến không hề bị bẩn.

Bản thân mình ngày xưa mình cũng cài thêm vân tay vào để thi thoảng dùng ké máy vợ nhưng xong cũng gần như không bao giờ máy nhận diện được vân tay của mình, nên sau cũng xóa luôn.

Tóm lại đến giờ gần như 90% thời gian vợ mình sẽ gõ mật khẩu thay vì dùng vân tay.
Vì vậy mình chỉ đánh giá rất vớt vát ở mức trung bình, dù có là điều tốt, nhưng mà có cũng như không.

Thời lượng pin

Thời lượng pin của Swift được quảng cáo cũng lên tới 8 tiếng sử dụng tối đa. Nhưng thực tế, dù chỉ là sử dụng nhẹ nhàng như là xem youtube hay xem phim thôi thì máy cũng không trụ được đến 8 tiếng. Với những tác vụ như vậy thì có lẽ sẽ rơi vào khoảng 6-7 tiếng sử dụng mà thôi. Khi sử dụng nhiều tác vụ nặng hơn một chút như là duyệt web, đồng thời sử dụng các phần mềm văn phòng thì chỉ rơi vào 3-4 tiếng, thậm chí nếu mở nhiều tab trình duyệt và xử lý văn phòng nặng, máy chỉ có thể sử dụng tầm 2 tiếng mà thôi.
Mặc dù vậy, trên thân hình của một chiếc máy mỏng nhẹ và nhu cầu sử dụng rất cơ bản thì mức 36Wh cùng thời lượng pin như vậy cũng là tương đối ổn rồi.

Hệ điều hành

Windows 10 Home được cài sẵn trên máy. Bản thân mình thích những máy đã có sẵn hệ điều hành, vì coi như mức giá mình bỏ ra khi mua máy là đã bao gồm tiền mua bản quyền hệ điều hành luôn. Mình không thích những chiếc máy dạng không cài sẵn hệ điều hành (DOS-OS hoặc Non-OS)

Thời gian đầu thì cũng không được ổn định cho lắm, mình hay gặp lỗi dù đã kết nối wifi đã vào được mạng nhưng máy vẫn hiện quả cầu gạch chéo và báo “No internet connection”. Ngoài ra có một phiên bản Win 10 nào đó đã khiến máy bị lỗi driver Wifi, làm máy ngưng nhận card wifi và mất luôn kết nối, mình cũng phải xóa đi cài lại driver thì mới được.

Mình nghĩ đây là lỗi của Win 10 vì khi lên Win 11 thì các lỗi này cũng đã hết. Máy đủ cấu hình để lên Win 11. Update thẳng từ Win 10 lên không cần phải làm gì cầu kì.

Những điểm không thích, chê bai, ném đá xây nhà

Thiết kế

Thiết kế bên ngoài chiếc máy khá bất tiện khi không có rãnh để có thể mở máy lên. Việc mở màn hình trên chiếc Swift này mình thấy khá khó khăn vì mình luôn luôn phải dùng 2 tay và phải luồn lách được ngón tay vào khe hở giữa màn hình và thân máy. Đương nhiên cho dù tách ra được rồi thì vẫn phải dùng 2 tay để mở máy lên, 1 tay phải giữa thân máy và tay còn lại mở màn hình. Điều này có lẽ do bản lề máy hơi cứng nữa nhưng mà trải nghiệm mở màn hình này đem lại sự bất tiện với mình.

Một điểm dở nữa của thiết kế bên ngoài mà mình không thích đó là phần loa ngoài lại nằm ở mặt D của máy. Mình không hề thích thiết kế này, trên bất kể laptop nào. Vốn loa của Swift 5 đã bé rồi mà lại còn nằm bên dưới khiến cho âm thanh phát ra từ máy rất bé và nhiều lúc để trên bàn nghe như người bị tịt mũi vậy. Cơ bản mình không đánh giá cao cái loa ngoài này, có lẽ chỉ để chống điếc. Cắm tai nghe thì còn tạm ổn

Độ cứng cáp

Đây cũng là điểm mà mình không ưng ý nhất ở chiếc máy này. Máy được thiết kế mỏng nhẹ với phần lớn phía bên ngoài được làm từ kim loại. Tuy nhiên, có vẻ để đạt được việc sử dụng kim loại và có khối lượng nhẹ thì nhà sản xuất đã phải đánh đổi hơi nhiều những yếu tố khác.

Đầu tiên là máy sử dụng hợp kim Magie và Liti. Có thể hợp kim này mang đến sự nhẹ nhàng cho máy, tuy nhiên không biết có phải do việc gia công lớp kim loại thật mỏng để giảm khối lượng hay không mà khi cầm vào chiếc máy mình không thấy có sự chắc chắn. Khi cầm máy ở một ở góc thì sẽ có hiện tượng bị flex, lúc ấn Touchpad và gõ bàn phím cũng vậy, sẽ có hiện tượng flex đáng kể. Mình thêm một đường thẳng màu vàng để các bạn thấy máy khá cong khi cầm vào 1 bên góc máy, tất nhiên cũng ít khi cầm tư thế này trong quá trình sử dụng thực tế

Left ImageRight Image

Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với màn hình và đây là nơi bị flex nặng nhất. Khi mình mở màn hình lên, sẽ cảm nhận được sự flex này, đặc biệt là khi mở từ một bên góc, có thể dễ dàng nhận thấy màn hình cong lên theo lực mình tác động. Nhưng cơ bản cũng hiếm khi chúng ta mở máy theo cách khá cực đoan thế này, mình chỉ làm vậy để test độ flex của màn hình chứ cơ bản vị trí mở máy tốt nhất vẫn là ở giữa màn hình chứ không phải bên góc. Mặc dù vậy, khi mở ở giữa thì vẫn sẽ cảm nhận được sự flex không hề nhẹ trên màn hình của chiếc Swift 5

Left ImageRight Image

Dù sao về chuyện flex, mình thấy hầu hết các máy mỏng nhẹ đều sẽ bị. Nhưng có lẽ với đời 53T này của vợ mình thì hiện tượng đó hơi nhiều và đem lại cảm giác máy mỏng manh. Rất hi vọng ở những đời mới hơn thì Acer đã khắc phục việc này

Hoàn thiện bề mặt

Lớp sơn mặc dù làm dạng matte, nếu mới bóc máy ra khỏi hộp thì nhìn rất đẹp và sang trọng nhưng sau khi dùng 1 thời gian thì vẫn bám nhiều dấu vân tay và bụi khiến máy khá lem nhem, và người dùng sẽ phải thường xuyên vệ sinh hơn. Có thể nhận thấy hầu hết các ảnh trong bài viết của mình, máy vẫn sẽ dính bụi dù mình đã lau và thổi bụi 7749 lần trước khi chụp ảnh, còn bên dưới đây là một bức ảnh chụp khi chưa lau chùi gì

Có lẽ Acer cũng chưa có kinh nghiệm khi làm việc với hợp kim Magie và Liti, vì vậy chất lượng lớp sơn/ lớp phủ bề mặt của máy khá kém. Sau khi sử dụng tầm 5 tháng, máy bị phồng rộp lớp phủ bề mặt này, đặc biệt bị nhiều là ở phần mặt D. Dù không ảnh hưởng quá nhiều đến trải nghiệm sử dụng và cũng khá khó để nhìn thấy khi nhìn từ xa, nhưng sẽ dễ dàng cảm thấy sự lợn gợn khi mình cầm vào máy. Đây cũng chính là lỗi mà mình đã được bảo hành ở phía trên.

Nhưng cho dù đã được bảo hành thay mới phần đáy máy sau tầm 9 tháng sử dụng, đến giờ sau tầm 2 năm, hiện tượng này vẫn xuất hiện, và nặng nhất vẫn ở mặt D của máy. Như vậy nhiều khả năng đây là lỗi do sản xuất. Phần viền của màn hình cũng bị tróc tróc ra như kiểu xước xước, nếu sờ vào cũng rất khó chịu. Kể cả mặt trên của máy phía bên ngoài màn cũng bị phồng rộp và đem lại cảm giác tương tự. Các bạn ấn thêm vào ảnh nhé, mình có chú thích cho từng ảnh

Bản lề màn hình

Với mình, bản lề trên Swift 5 này rất tệ. Khi mở màn hình thì cảm thấy cứng và nặng, không được trơn tru mượt mà nên cứ mỗi khi mình mở màn hình hay điều chỉnh góc là màn hình không đứng yên mà còn phải lắc lư dao động thêm vài nhịp.

Mình có quay một video ngắn cho các bạn dễ hình dung. Mình mở kiểu khá mạnh mẽ nên các bạn sẽ thấy nó dao động lớn. Kể cả với Macbook của mình thì máy cũng sẽ có dao động như vậy khi mở hoặc thay đổi góc màn hình nhưng biên độ nhỏ hơn và dao động ít hơn nhiều

Có nên mua ở thời điểm này?

Trên đây cũng mình đang đánh giá chiếc máy này rất khắt khe. Còn với vợ mình, nếu chỉ sử dụng bình thường thì những nhược điểm này không quá ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng hàng ngày, và vợ mình vẫn rất hạnh phúc với những gì chiếc máy đem lại. Sử dụng đến giờ vẫn rất hài lòng và yêu quý chiếc máy này.

Chỉ trừ duy nhất vụ phồng rộp lớp sơn là khiến bả không vui, nhưng cũng may là hầu hết bị ở mặt A và mặt D, nơi mà không cầm lên ngắm hàng ngày.

Hiện tại, mã máy của vợ mình cũng đã dừng kinh doanh, tất nhiên là vì dòng máy Swift 5 đã có nhiều các bản nâng cấp mới hơn. Khi tham khảo trên website của Acer Việt Nam, ngoài việc nâng cấp cấu hình, mình thấy chiếc Swift 5 2021 (mã 55T) mới đã cải thiện nhiều điểm so với bản cũ có thể kể đến như:

  • Màn hình đã có viền mỏng hơn nhiều, đã không còn thiết kế ốp viền nhựa, thay vào đó là một mặt phẳng bằng kính. Đã khiến máy đẹp hơn và sang trọng hơn rất nhiều
  • Cách Acer xử lý kim loại có vẻ đã tốt hơn và chắc chắn hơn. Mình có xem một số review về chiếc Swift mới thì máy đã không còn bị flex quá nặng như phiên bản cũ của mình.
  • Acer đã khoét một phần ngay dưới trackpad để dễ dàng mở nắp máy ra hơn, đây là một điểm nâng cấp đáng giá, chắc chắn trải nghiệm sử dụng sẽ tốt hơn rất nhiều
  • Bản lề máy cũng đã được thay đổi so với bản cũ, từ dạng bình thường sang dạng có thể nâng bàn phím lên một góc chéo. Mình hi vọng bản lề mới cũng sẽ tốt hơn, có vẻ như cũng đã lược giản tính năng 180 độ thừa thãi
  • Vẫn giữ nguyên các cổng kết nối và nâng lên giao thức mới như USB 3.1 Gen 2 và ThunderBolt 4, đây cũng là một điểm đáng giá
  • Hơi cải lùi một chút về khối lượng khi mà bản mới nặng hơn bản cũ 70 gram lên 1,040 gram

Còn tham khảo trên trang của Acer Mỹ thì mình thấy đã có thông tin về chiếc Swift 5 2022 (mã 56T) với nhiều nâng cấp đáng giá nữa như là:

  • Thay đổi vỏ máy sang chất liệu nhôm hàng không và được CNC chính xác cao, có vẻ cũng đã có phương pháp xử lý bề mặt tốt hơn
  • Nâng cấp hệ thống tản nhiệt
  • Bổ sung thêm 1 cổng Type C nữa và loại bỏ cổng sạc chân kim, nâng cấp HDMI 2.1 và vẫn giữ nguyên 2 cổng USB-A
  • Màn hình 16:10 với độ phân giải 2K
  • Vẫn duy trì khối lượng khoảng 1kg

Với quan điểm và trải nghiệm của mình đối với với dòng Swift 5, nếu các bạn đang muốn kiếm một chiếc laptop mỏng nhẹ, ưu tiên tính di động thì Swift 5 vẫn là một dòng máy rất đáng cân nhắc vì mức giá cũng khá phải chăng khi so với những chiếc máy mỏng nhẹ khác.

Tuy nhiên ở thời điểm này, nếu không quá cần thiết và có dư dả tài chính, mình sẽ khuyên các bạn chưa nên mua một chiếc máy chip thế hệ 11 nữa mà có thể chờ đến khi dàn máy 2022 của các hãng ra mắt với thế hệ chip mới Intel thế hệ 12 thì sẽ có nhiều trải nghiệm về cấu hình cũng như thiết kế tốt hơn.

Còn với ai thích tiết kiệm thì đây sẽ là thời điểm săn sale tốt để các bạn mua được một chiếc máy giá hợp lý hơn vì mỗi khi chuẩn bị ra mắt thế hệ mới, các cửa hàng, đại lý sẽ xả kho thế hệ cũ bằng các chương trình khuyến mãi giảm giá.

Ví dụ check nhanh mẫu Swift 5 SF514 55T trên store shopee của Acer thì chỉ khoảng 20 triệu chưa add các loại mã giảm giá (giá niêm yết trên trang chủ tầm 26 triệu). Mình thấy đây là một mức giá rất hấp dẫn cho một chiếc laptop mỏng nhẹ. So sánh nhanh với LG Gram (là mẫu máy cũng nhẹ và không đánh đổi cổng kết nối cũng như pin) thì bản thấp nhất dùng chip thế hệ 11 cũng đã tầm 26-27 triệu sau giảm giá (giá niêm yết tầm 34 triệu). Hay như chiếc Fujitsu siêu nhẹ thì giá cũng loanh quanh tầm 24-25 triệu mà dung lượng pin bé quá.

Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Ngoài ra, các bạn có thể xem thêm thảo luận về bài viết này trên TinhTe nha

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.