BlackBerry – Research In Motion nhìn lại lịch sử 40 năm

BlackBerry – Research In Motion nhìn lại lịch sử 40 năm

Update mới nhất: 22/11/2023

Khi đọc các bình luận về BlackBerry ở thời điểm hiện tại, mình thấy họ chỉ được nhắc đến như một kẻ thất bại bởi nhiều người, mà có lẽ, những người đó không hề hay biết BlackBerry đã từng thành công ra sao và đã thay đổi công nghệ nhiều như thế nào. Là một fan của BlackBerry, có lẽ mình nên làm điều gì đó, và vì thế bài viết này ra đời.

Đồng ý, trên thị trường Smartphone, có thể nói họ đã thất bại, cũng như Palm, Motorola, Nokia, nhưng nếu nhắc đến tên tuổi của họ, chúng ta hãy nhìn cả về những đóng góp mà họ đem đến cho nhân loại cũng như thế giới công nghệ. Nếu không có những bước đi tiên phong của họ, có lẽ sẽ không có những Apple, Samsung hay Xiaomi sau này.

Lưu ý bài dài: Bài viết tóm tắt lại lịch sử của cả một thương hiệu trong gần 40 năm tuổi, thêm một vài so sánh với các thương hiệu khác trong từng giai đoạn và có cả một số nhận định cá nhân của tác giả, vì thế nó không thể ngắn

Mình thuộc thế hệ 9x, bắt đầu dùng BlackBerry vào những năm 2009 cho đến 2016, nên có thể sẽ có những trải nghiệm khác và ít hơn những anh em lớn tuổi hơn đã va vào BlackBerry từ sớm hơn cũng như có trải nghiệm với một số dòng máy cổ hơn, mong được anh em chia sẻ thêm trải nghiệm của bản thân dưới phần bình luận

Và xin phép được nhắc lại một câu mình vẫn hay nói trước khi đi vào nội dung bài: Có thể BlackBerry không phải là những thiết bị tốt nhất, nhưng BlackBerry đã đem lại cho mình nhiều cảm xúc tốt nhất

Phần 1: 1984 – 2000 Tiền đề của BlackBerry

Cùng nhìn lại lịch sử, trước khi thương hiệu hay công ty BlackBerry được ra đời, tiền thân là công ty Reseach In Motion (RIM), được thành lập vào năm 1984 ở Waterloo, Ontario, Canada. Trong giai đoạn này, RIM có nhiều hoạt động trong lĩnh vực viễn thông và truyền phát

Năm 1988, RIM là nhà phát triển công nghệ truyền phát dữ liệu không dây đầu tiên tại khu vực Bắc Mỹ và là công ty đầu tiên ngoài khối Scandinavia phát triển sản phẩm cho mạng lưới thông tin truyền tải dữ liệu không dây Mobitex – hiểu đơn giản là thuộc công nghệ 1G, trước khi có công nghệ 2G

Từ 1990 – 1995: RIM vẫn đang phát triển các công nghệ dựa trên Mobitex và làm một số sản phẩm như DigiSync Film KeyKode Reader, Mobitex protocol converter, Mobitex point-of-sale solution, RIMGate, Ericsson Mobidem AT và Intel wireless modem. Thú thật, mình không rõ đó là những món gì và ứng dụng ra sao, vì giai đoạn này mình còn chưa ra đời

1996: RIM giới thiệu chiếc máy nhắn tin 2 chiều đầu tiên RIM Inter@ctive Pager. Máy nhắn tin 2 chiều là có thể nhận và gửi tin nhắn. Khác với máy 1 chiều là máy chỉ nhận được tin nhắn, như xem phim Mỹ là bác sĩ hay cảnh sát nhận được tin nhắn trên máy đeo ở thắt lưng sau đó là chạy ra khỏi nhà như tên bay để đến bệnh viện hay đồn cảnh sát vì một sự vụ khẩn cấp nào đó. Ra mắt thương mại vào 1997, Inter@ctive Pager trở thành sản phẩm nổi tiếng nhất của RIM ngày đó

1998: Từ 1996, RIM hợp tác với RAM Mobile Data và Ericsson để biến mạng dữ liệu không dây Mobitex do Ericsson phát triển thành mạng nhắn tin hai chiều và mạng e-mail không dây làm tiền đề cho sự phát triển và ra mắt chiếc máy nhắn tin thương mại Inter@ctive Pager 950 vào 1998, có bàn phím QWERTY, chạy bằng pin AA, và có 2 phiên bản kết nối đến email server như Microsoft Exchange hoặc internet mallbox được cung cấp bởi các nhà cung cấp. Điểm thú vị của chiếc máy này là đã có hệ điều hành RIM OS 1, được viết trên nền C++ và có khả năng chạy đa nhiệm cũng như đã có các ứng dụng chạy trên hệ điều hành đó (như lịch, máy tính, danh bạ, tìm kiếm, báo thức….), các bạn có thể đọc review về Inter@active Pager 950 tại đây. Ngày ấy, chiếc máy này có giá $359 [2]

1999: RIM giới thiệu chiếc BlackBerry 850, thiết bị đầu tiên mang nhãn hiệu BlackBerry, là một phiên bản khác của Inter@active Pager 950, thay vì chạy trên băng tần 900Mhz Mobitex thì chiếc 850 chạy trên băng tần 800 Mhz của hệ thống DataTAC – một công nghệ khác thời 1G. Và đến thời điểm này, cái tên BlackBerry được chọn giữa 40 lựa chọn khác, bởi vì bàn phím của những chiếc máy nhắn tin của RIM gợi nhớ đến hình ảnh của quả BlackBerry – Dâu Đen

Inter@ctive Pager 950

Inter@ctive Pager 950 mặt sau
BlackBerry 957

2000: Chiếc BlackBerry 957 được ra mắt, đây có thể gọi là thiết bị cầm tay thông minh đầu tiên của BlackBerry với màn hình lớn với kích cỡ trong lòng bàn tay được tích hợp hệ thống email không dây và internet, vẫn có hệ điều hành và ứng dụng, tuy nhiên chưa có chức năng gọi điện nên chưa phải là điện thoại thông minh. Nền tảng RIM OS và BES tiếp tục tăng cường chức năng, đồng thời việc kết hợp mã hóa và hỗ trợ S/MIME đã giúp các thiết bị BlackBerry được các chính phủ và doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn. Khi ấy, nhân loại có thể nhận email mọi lúc mọi nơi chứ không cần phải ngồi vào máy tính để kiểm tra email nữa. Chiếc máy này được bán với mức giá dưới $500 [2]

Thời điểm này, BlackBerry đã sử dụng cách điều hướng bằng con lăn, ngày đó gọi là ThumbWheel, về sau chúng ta hay gọi là TrackWheel

Ngoài ra, BlackBerry lúc này cũng là tên của một giải pháp của RIM (BlackBerry Services) để push email qua một số mạng không dây khác nhau mà sau này trở nên rất nổi tiếng. Thời đó, nhân loại đang phải kiểm tra email bằng cách gửi lệnh lên server và email mới sẽ được kéo (pull) về định kỳ (15 phút/lần, 1 tiếng/lần tuỳ setup), và BlackBerry đem đến giải pháp độc đáo thời bấy giờ đó là đẩy (Push) email về thiết bị, nó cũng là tiền đề cho các giải pháp push thông báo ứng dụng sau này.

Cùng nhìn lại thời điểm này với một số công ty có sản xuất điện thoại khác:

  • Nokia ra mắt 3310 vào năm 2000
  • Samsung ngày ấy vẫn đang làm điện thoại gập như SGH-800
  • Motorola ra mắt chiếc điện thoại nổi tiếng StarTAC vào năm 1996, tất nhiên phiên bản đời đầu này cũng sử dụng AMPS – một công nghệ khác thời 1G, khác với những chiếc StarTac đời sau, mà ở VN anh em dùng được với sim 2G
  • Windows khi đó ra mắt Windows 2000, năm tiếp theo 2001 mới ra phiên bản XP nổi tiếng sau này
  • Apple khi đó đang bận rộn với PowerMac G4 Cube
  • Palm, một tên tuổi cũng rất lẫy lừng thời điểm đó với thị trường Pocket PC / PDA, những năm 2000 là họ vẫn đang sử dụng Palm OS
BlackBerry đã từng ‘rất khác biệt’ vào ngày đó

Phần 2: 2001-2005 BlackBerry TrackWheel series – Đi trước thời đại

2001-2002

Đến năm 2001, cuộc tấn công 11-9 vào nước Mỹ đã càng làm tên tuổi của RIM trở nên vững chắc dưới tư cách một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông khi mà hệ thống mạng của họ vẫn nguyên vẹn trong khi các hệ thống không dây khác bị ảnh hưởng, thậm chí sụp đổ (broke down)[1]

Vào đầu năm 2002, BlackBerry 5810 được giới thiệu, hướng đến người dùng doanh nghiệp nhiều hơn, và là thiết bị đầu tiên của RIM có thể gọi điện, và để gọi điện phải cắm tai nghe vì máy chưa có loa thoại. Chúng ta có thể coi đây là chiếc Smartphone BlackBerry đầu tiên

5810 chạy RIM OS trên nền Java, không còn là C++, máy đã có Browser để truy cập web và có một số ứng dụng khác như email, messenger, lịch, reminder, note, máy tính, báo thức, các profile chuông, rung, chế độ máy bay, phím tắt truy cập ứng dụng… Vẫn có khả năng chạy đa nhiệm nhiều ứng dụng cùng lúc. Được tích hợp mạng 2G và đã có GPRS để truy cập mạng. Đồng thời có khả năng nhận, đọc, gửi, trả lời, chuyển tiếp hay xoá email và đồng bộ hòm mail giữa điện thoại và máy tính cá nhân. Tuy nhiên giá bán của 5810 khi ấy cũng không hề rẻ: $749 [2]

BlackBerry 5810

Cho đến gần cuối năm 2002, RIM cũng giới thiệu BlackBerry 6710, 6720 và 6750 (các phiên bản khác nhau sử dụng băng tần khác nhau). Đây như một phiên bản nâng cấp của 5810 khi đã được tích hợp loa thoại và cấu hình tốt hơn và bắt đầu chạy RIM OS 3.3-3.6 và được nâng cấp lên BlackBerry OS 4.0 (BBOS) sau này. Vẫn mang giá $749, mức giá rất flagship vào thời điểm đó

Vào 2002, một chiếc máy điện thoại cá nhân có thể truy cập mạng, sử dụng email và lướt web, có thể đa nhiệm, có taskbar chuyển qua lại giữa các ứng dụng, chắc chắn sẽ giúp công việc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều vào thời điểm bấy giờ.

Cùng thời điểm này, Nokia có chiếc 7210 chạy hệ điều hành S40 thế hệ đầu, hệ điều hành này cũng làm được khá nhiều thứ thú vị vì cũng chạy trên nền Java nhưng lại không có khả năng đa nhiệm nên có vẻ không so sánh được với BlackBerry, chỉ đơn thuần là một chiếc điện thoại hay 7650 với S60 trên nền Symbian thế hệ đầu cũng vậy, nếu mình không nhầm phải đến S60v3.2 (~2008) mới có thể chạy đa nhiệm. Mức giá của Nokia 7650 ngày đó là 600. BlackBerry có thể so sánh với Palm, nhưng Palm lại là PDA nên cơ bản không hẳn là một chiếc điện thoại, và khi có tích hợp khả năng gọi điện vào những năm 2002 như trên Palm Treo 180, thuần tuý vẫn chỉ là một chiếc PDA có thêm chức năng gọi điện chứ chưa thể check email hay truy cập mạng

Vào năm 2015 mình có cơ hội sở hữu được một chiếc 6710, và sử dụng chiếc máy này với BlackBerry Internet Services (BIS) của nhà mạng Việt Nam, vẫn push mail, lướt web được vào năm 2015, tất nhiên, không thể nào nhanh như Smartphone của 2015 nhưng hãy tưởng tượng đây là 2002 thì có lẽ mọi thứ thật vi diệu

Từ những đời này, BlackBerry đã có tích hợp Holster để đeo điện thoại vào thắt lưng và có trang bị cảm biến từ trường để tự tắt màn hình khi nhét vào bao da hoặc bao flip cover rồi

Ngoài ra chiếc đèn LED thông báo đặc trưng cũng đã được trang bị và chiếc đèn này tồn tại mãi cho đến những chiếc BlackBerry cuối cùng. Chỉ cần nhìn vào đèn nhấp nháy là biết chúng ta có thông báo

BlackBerry 6710 truy cập internet với BIS Viettel

2003-2004

Vào năm 2003, RIM còn ra mắt dòng máy BlackBerry 6210, 6220, 6230, 6280. Cơ bản chức năng giống với 67xx nhưng sử dụng màn hình nhỏ hơn, được thiết kế dạng cong cong vỏ sò đẹp hơn và gọn gàng hơn thế hệ 67xx và giá lại rất phải chăng $299. Thế hệ này cũng mang kiểu dáng đặc trưng sẽ định hình hầu hết smartphone của BlackBerry sau này.

Nâng cấp và thay đổi lớn là 6210 đã chuyển qua dùng cổng Mini-USB tiện lợi hơn cho người sử dụng. Với 6710 trở về trước, cổng sạc và kết nối theo tiêu chuẩn riêng, muốn cài OS hay phần mềm phải cắm lên cái dock và kết nối với máy tính qua cổng COM chứ không phải USB

Cuối năm 2003 và 2004, BlackBerry 7000 Series được ra đời bao gồm 72xx ($399) nâng cấp cho 62xx77xx nâng cấp cho 67xx. Nâng cấp chủ đạo đó là cấu hình và màn hình, đồng thời chạy BBOS 4.1 với nhiều tính năng hơn. Máy đã chuyển qua dùng màn hình màu.

Nhưng với màn hình màu trên 7000 series, công nghệ ngày đó cũng thú vị lắm, là màn hình LCD nhưng nó hao hao e-ink bây giờ, ra nắng vẫn nhìn rõ chứ không bị tối như LCD ngày nay, đèn nền bật tắt bằng phím cứng (như các đời trước) và chỉ để dùng trong tối là chính

Đến thế hệ này, một số thiết bị đã bắt đầu được tích hợp Wifi như 7270, nhưng không phải để vào internet mà dùng để call VoIP, hay như 7290 đã có Bluetooth để kết nối với các bộ đàm thoại rảnh tay, chứ không dùng để gửi dữ liệu được, hay như chiếc 7520 có ăn ten thò thụt và loa ngoài rất khủng bố nhưng lại dùng hạ tầng mạng iDEN của nhà mạng Nextel nên anh em không sử dụng được ở Việt Nam, ngoài ra 7520 còn có cả tính năng Walkie-Talkie, hay là bộ đàm để sử dụng chung với các điện thoại khác của Nextel.

Ngày xưa, dù đã sở hữu 7520, nhưng mình lại chưa biết đến tính năng bộ đàm này, giờ đi đọc lại mới biết, ước gì bây giờ có 2 chiếc 7520 để thử

Đồng thời cũng vào năm 2004, BlackBerry cũng cho ra mắt chiếc BlackBery 7100, một thiết bị nhỏ gọn và với bàn phím 1/2 QWERTY mà họ gọi là SureType, và có lẽ để hướng đến đối tượng người dùng nữ giới thích một chiếc máy nhỏ gọn. Thiết bị này thú vị ở những điểm sau

  • Bê sức mạnh của một chiếc điện thoại to sang một chiếc điện thoại nhỏ bằng nửa, và cũng là chiếc BlackBerry có giá mềm nhất lúc bấy giờ $199
  • Tuỳ biến ngoại đa dạng, mỗi nhà mạng sẽ có một ngoại hình, nếu mình không nhầm có ít nhất 4 kiểu dáng khác nhau cho 71xx tuỳ nhà mạng.
  • SureType không chỉ là cái tên, mà còn là tính năng, trong máy được load sẵn từ vựng phổ biến và khi gõ phím, máy sẽ tiên đoán được chúng ta muốn gõ từ gì, nên dù trên phím có 2 ký tự, máy sẽ hiểu anh em muốn ấn ký tự nào. Ngoài ra, thời đó SureType cũng đã biết học các từng vựng từ những gì anh em gõ hàng ngày để bổ sung cho vốn từ vựng sẵn có, người dùng cũng có thể add thêm từ vựng vào. Ngày đó anh em dùng Half-Qwerty tại VN cũng combat dữ về việc dùng cái nào lắm SureType hay MultiTap, MultiTap là cách gõ giống T9

Cuối năm 2004, BlackBerry 8700 được ra mắt với giá $299 kèm 2 năm hợp đồng nhà mạng. Hai chiếc 7100 và 8700 có chung ngôn ngữ thiết kế, xuất hiện phím nghe gọi. Đã chuyển qua sử dụng mà LCD đẹp hơn, màu sắc tốt hơn, độ phân giải cao hơn các thế hệ trước và màn hình đã được đưa vào bên dưới một lớp mặt kính bảo vệ. Nhưng vì ra mắt sau nên 8700 ngoài GPRS, có hỗ trợ thêm cả EDGE và là chiếc BB đầu tiên hỗ trợ kết nối này để có thể lướt web tốc độ cao

Có thể nói chiếc 8700 có thiết kế đẹp, hầm hố, và bền hơn đời 7xxx rất nhiều. Đúng chuẩn một chiếc điện thoại nồi đồng cối đá của BlackBerry với loa thoại to, màn hình sáng, rung khoẻ. Trong suốt thời gian sử dụng BB, có lẽ mình đã qua tay tầm chục chiếc 8700. Và nhắc đến chiếc này anh em chơi BB ngày xưa hẳn sẽ biết: “8700R Made in CAN, main vàng cỏ úa, nhiễu vuông, track kín, phím vuông vát chéo”

Đến thời điểm này, có thể tạm coi là kỷ nguyên TrackWheel đã chấm dứt để chuẩn bị bước sang 1 kỷ nguyên mới. Mình dùng từ ‘tạm coi’ là vì đến 2006 BlackBerry hoài niệm TrackWheel bằng cách tung ra 8707 và 7130 để nâng cấp nhẹ cho 8700 và 7100

Về cái TrackWheel này, thời đó đã thông minh rồi, anh em cuộn bình thường nó đi chiều ngang, ấn Shift và cuộn nó lăn theo chiều dọc, đã lắm. Mỗi tội lâu lâu sẽ phải mở máy, tháo màn rồi bơm cồn hoặc xịt RP7 vào cái TrackWheel đã trờn, vì nó gắn chết trên main

BBOS 4.1 – 4.2 của giai đoạn này tiếp tục phát triển và bổ sung thêm nhiều tính năng, lúc này cũng có nhiều ứng dụng Java được phát triển cho BlackBerry. Từ lúc có màn hình màu là cũng đã thay đổi được giao diện (theme) để cá nhân hoá chiếc điện thoại rồi

2005

Vào năm 2005, BlackBerry ra mắt dịch vụ nhắn tin tức thời (instant messenger) nổi tiếng, BlackBerry Messenger, chuyên để nhắn tin giữa các thiết bị BlackBerry với nhau bằng PIN-to-PIN, mỗi máy BB sẽ có 1 mã PIN, khá giống Series Number bây giờ, qua hệ thống mạng của BlackBerry (BlackBerry Services: BIS/BES). Phần mềm này khá tương đương với iMess bây giờ, và tốc độ gửi nhận tin nhắn rất nhanh, hơn các phần mềm chat khi xưa (Yahoo), mà thường thời đó phần mềm chat chỉ phổ biến trên máy tính, trên điện thoại chủ yếu là SMS hoặc phải cài phần mềm bên thứ 3 để hỗ trợ việc chat này

Có thể thấy, xuyên suốt giai đoạn này BlackBerry đã làm ra những chiếc điện thoại thông minh, thật sự rất thông minh, và có những công nghệ đi đầu, tiên phong trong ngành Smartphone. Việc truyền tải thông tin qua Server của BlackBerry cũng được mã hoá để bảo vệ dữ liệu, gia tăng bảo mật, khiến các chính phủ và doanh nghiệp cần sự bảo mật cao tin dùng.

Khả năng nhập liệu với bàn phím QWERTY không có đối thủ, không có bất cứ mẫu điện thoại QWERTY của bất cứ hãng nào có thể tốt được như cách BlackBerry đã từng làm

Phần 3: 2006-2008 BlackBerry TrackBall series – Thời kỳ đỉnh cao

2006

Năm 2006, BlackBerry Pearl 8100 ra đời với mức giá $199 kèm hai năm hợp đồng, đây là chiếc máy đầu tiên không còn sử dụng TrackWheel, thay vào đó là một hệ thống điều hướng mới, tuyệt vời hơn rất nhiều đó là TrackBall, một viên bi điều hướng, và cũng như tên gọi của dòng máy này, một viên ngọc.

Đồng thời cũng là mẫu BlackBerry đầu tiên được trang bị Camera, thẻ nhớ, và hỗ trợ khả năng chơi Media. Cũng có cảm biến ánh sáng để tự động điều chỉnh độ sáng màn hình và có hệ thống chân cắm dock sạc từ thế hệ này. Đây là một phiên bản nâng cấp ngoại mục của 71xx với một thiết kế rất bóng bẩy, rất đẹp và hiện đại thời bấy giờ.

Đây là chiếc BlackBerry đầu tiên mình sử dụng, vào năm 2009. Lần đầu tiên mình được tiếp xúc với một chiếc điện thoại thông minh như vậy. Ngày xưa tháo tung trackball ra để vệ sinh cũng thú vị lắm, như anh em tháo con chuột bi ý, nhưng nhỏ hơn rất nhiều, nhỏ đến mức kinh ngạc, có 4 con lăn được gắn vòng nam châm để 4 cảm biến ở dưới main đọc được chuyển động của viên bi. Giai đoạn này không có thiết bị nào có khả năng điều hướng tốt và tiên tiến như vậy.

Có một điểm đặc biệt của 8100 đó là bên dưới viên TrackBall được trang bị hệ thống led RBG bên cạnh chiếc đèn led trắng truyền thống mà không có bất cứ chiếc BlackBerry nào khác có được và vì vậy có thể tuỳ biến màu sắc theo ý muốn, nhấp nháy RGB cũng được luôn

BBOS 4.2 và về sau nâng cấp lên 4.5 của thế hệ này cũng đã được cải tiến và hỗ trợ thêm nhiều chức năng giải trí hơn xưa. Thực ra, có vẻ như vì trước đây chỉ tập trung nguồn lực vào email, tin nhắn, công việc, sự bảo mật… nên mãi đến lúc này BlackBerry mới để ý đến nhu cầu giải trí, chứ điện thoại có camera và nghe nhạc đã có từ trước đó khá lâu rồi.

Nhắc lại chút là trong năm 2006, BB ra mắt bản nâng cấp 7130 và 8707 mà mình đã đề cập ở trên

2007

Năm 2007, một năm ‘mắn đẻ’ của BlackBerry.

Chiếc điện thoại dành cho đặc vụ và tổng thống, BlackBerry 8800 ra đời với mức giá $299 kèm 2 năm hợp đồng, chiếc QWERTY Fullsize giao diện mới đầu tiên xuất hiện. Vuông, hầm hố và lại bỏ đi camera. 8820 là kết hợp của 8800 + Wifi, 8830 là kết hợp của 8800 + CDMA. Dòng điện thoại BlackBerry Curve ra đời với nâng cấp cổng tai nghe 3.5mm, BlackBerry 8300 (GSM) $199 kèm 2 năm hợp đồng, 8310 (GSM + GPS) và 8320 (GSM+Wifi). Dòng Pearl cũng được được nâng cấp 8110 (GSM+GPS) và 8120 (GSM+Wifi). Trái ngược với 8800, Pearl và Curve có rất nhiều màu sắc để lựa chọn, và không thể không nhắc đến chiếc 8110 Henna Design, một chiếc máy được vẽ rất đẹp

Tổng thống Obama từng dùng chiếc 8830 này, tất nhiên là còn được tuỳ biến nâng cao bảo mật lên nhiều lần so với bản thương mại và ổng cũng rất yêu thích chiếc máy đó

Thế hệ 8000 series (81xx/83xx/88xx) này cũng bổ sung thêm một tính năng phần cứng mới cho BlackBerry đó là hỗ trợ dock sạc, cắm điện thoại vào dock để sạc trên bàn làm việc rất đẹp và thú vị. Và vì thiết kế dạng thanh có độ mỏng đều nhau nên hãng cũng tặng bao da đi kèm, tất nhiên là vẫn có tính năng tự động khoá máy khi nhét vào bao và tự mở khi rút ra. Bao da cũng được thiết kế tinh tế để lộ ra đèn thông báo, một đặt trưng khác của BlackBerry. Ngoài ra cũng có các phím tắt bên hông máy

Vào năm 2007, BlackBerry đang chiếm 30% thị phần điện thoại thông minh (không tính điện thoại phổ thông) tại Mỹ và đứng thứ 2 toàn cầu chỉ sau Nokia [3]. BlackBerry tiếp tục thống trị thị trường điện thoại thông minh cho đến tận năm 2010, khi hãng này vẫn nắm giữ hơn 40% thị phần tại Mỹ và gần 20% thị phần toàn cầu [4], trước khi bắt đầu suy giảm từ những năm sau đó. 2007-2008 cũng là những năm mà giá cổ phiếu của BlackBerry đạt đỉnh với đà tăng trưởng từ những năm trước đó, và sau đó bắt đầu đi xuống

Nguồn: Google Finance

Và cùng trong năm 2007, Apple giới thiệu chiếc iPhone 2G đầu tiên, một chiếc điện thoại cảm ứng điện dung, chỉ có duy nhất một nút bấm trên mặt trước, một ‘kẻ ngoại lai’ trong thế giới ngập tràn phím cứng.

iPhone 2G

Ngoài lề một chút về cảm ứng của iPhone 2G. Ngày đó thế giới điện thoại cảm ứng đang phổ biến ở công nghệ cảm ứng điện trở, tức là bề mặt cảm ứng có 2 lớp và khi bạn chạm vào màn hình, khu vực bị chạm sẽ lõm xuống và nhận tín hiệu để biết vị trí cảm ứng, công nghệ này không đủ tốt và chính xác. Vì vậy, ngày đó các dòng điện thoại cảm ứng thường đi kèm cái bút stylus để chúng ta dễ dàng sử dụng chiếc màn hình cảm ứng điện trở hơn, chiếc bút này nó chỉ là một cái que, không hơn không kém.

Dẫn đến câu nói nổi tiếng của Steve Jobs: “Who wants a stylus. You have to get em and put em away, and you lose em. Yuck. Nobody wants a stylus.” – “Ai cần một chiếc bút cảm ứng, bạn phải kiếm nó rồi lại vứt nó ở đâu đó, và sau đó lại làm mất nó. Yuck. Không ai muốn một chiếc stylus.”

Khi ấy, với công nghệ màn hình cảm ứng điện dung là một bước đột phá đem lại sự chính xác cao hơn cho màn hình cảm ứng chắc chắn là một bước tiến lớn sẽ thay thế màn hình cảm ứng điện trở, với minh chứng là chúng ta vẫn đang dùng công nghệ đó đến tận ngày nay. Vì vậy Steve Jobs mới có câu nói trên.

Sau này, khi Samsung ra mắt dòng Note với S-Pen, câu nói trên được dùng để châm chọc Samsung, khi Apple ra mắt Apple Pencil, câu nói của Steve Jobs lại bị đem ra để châm chọc Apple lần nữa. Tuy nhiên, những ai châm chọc 2 trường hợp trên đều thể hiện một điều đó là họ chả hiểu cái quái gì về công nghệ cả. Stylus trên màn hình cảm ứng điện dung khác xa với Stylus trên màn hình cảm ứng điện trở mà Steve Jobs từng rất ghét

2008

Năm 2008, có thể coi là một năm tràn đầy sáng tạo của BlackBerry

Mở màn với chiếc BlackBerry Bold 9000 với giá $199 kèm 2 năm hợp đồng, một huyền thoại của BB, chiếc máy khiến BB được gắn mác là điện thoại dành doanh nhân, và cũng là một chiếc máy có lẽ là có tính biểu tượng nhất của BlackBerry. Đây là một chiếc máy như được làm ra từ tất cả những thứ tốt nhất của các thế hệ trước. Với màn hình rất đẹp, không còn lớp kính nhựa ở trên và màn hình chìm sâu ở dưới nữa, lúc này màn hình đưa sát lên bề mặt. Cấu hình cao, giao diện đẹp, bộ bàn phím được tối ưu nhất qua bao đời trước. Thiết kế máy đẹp hơn với khung viền mạ crom bao quanh máy, nắp lưng da sang trọng và khu vực camera ở giữa máy được trang trí bằng một miếng kim loại. Đủ các loại kết nối 3G, Wifi, GPS

BlackBerry Bold 9000

OS trên Bold 9000 cũng được nâng cấp lên BBOS 4.6 và sau này là 5.0 – tất cả các đời trước đều không lên được OS này nữa, đây cũng như một sự lột xác của BlackBerry. Giao diện, điều hướng ở giai đoạn này đã rất tuyệt vời, chúng ta có thể tạo folder và cất ứng dụng vào các folder đó. Chỉ có một điểm duy nhất là Pin của 9000 khá tệ, anh em ngày xưa có khi phải mang theo mình thêm cục pin để nếu hết là thay được pin mới vào. Tuy nhiên, dòng này cũng bắt đầu xuất hiện trường hợp đột tử, chết nguồn mà các dòng máy trước chưa gặp phải

Kế tiếp với dòng Pearl, BlackBerry ra mắt một chiếc máy cá nhân mình đánh giá là chiếc máy sexy nhất của BlackBerry, đó là Pearl Flip 82208230 với mức giá $149 kèm 2 năm hợp đồng. Đây là một chiếc máy nắp gập với 2 màn hình với bàn phím 1/2 QWERTY mà vẫn nhét được cả TrackBall điều hướng. Mình cũng từng gắn bó với chiếc máy này một thời gian, có điều ngày xưa cứ uprom là hay mất Bluetooth. Và với Flip, BlackBerry cũng lần đầu chuyển qua dùng Micro-USB

Cùng với sự ra mắt của iPhone 2G, và sự phát triển của các thiết bị cảm ứng điện dung, BlackBerry cũng không thể thoát khỏi làn sóng đó và đã làm một thiết bị full cảm ứng đầu tiên của họ đó là BlackBerry Storm 9500/9530 hay gọi là Storm 1 với mức giá $199 kèm hợp đồng 2 năm. Đây là một thiết bị rất đẹp, với nắp lưng kim loại mát lạnh, và khác biệt hoàn toàn với các thiết bị BlackBerry trước đó. Tất nhiên cũng đã có cảm biến gia tốc và cảm biến tiệm cận như các máy cảm ứng cùng thời

BlackBerry Storm 9500

Nhưng, dù đã sử dụng màn hình cảm ứng điện dung, nhưng mà BlackBerry vẫn chưa thoát ra khỏi được cái mindset phím cứng, họ muốn đem lại sự chắc chắn và tin cậy cho từng thao tác chạm, nên họ phát minh ra cái gọi là SurePress, để 1 cái phím ngầm ở dưới màn hình, biến màn hình thành 1 nút bấm khổng lồ, và khi các bạn chạm vào màn hình, sẽ giống như bạn chỉ đang hover thôi chứ chưa click, khi bạn chạm màn hình và ấn lực xuống, bạn mới thật sự click.

Nghe rất chi là rườm rà và mệt mỏi đúng không. Và với đời Storm đầu tiên, chỉ có 1 phím ngầm ở giữa màn hình, vì vậy khi ấn ở các góc, đôi khi sẽ không ăn vào cái nút đó và thao tác chạm cảm ứng của bạn sẽ không được ghi nhận. Và vì chỉ có 1 phím, nên nó cũng mau bị nhờn. Hồi đó, người dùng BB phải sử dụng ứng dụng để khắc phục, giúp bình thường hoá cái màn hình cảm ứng đó.

Cùng trong năm 2008, BlackBerry ra mắt thêm cả phiên bản mới cho dòng Curve, BlackBerry Curve 8900, ngày đó gọi là có tên mã là Javelin, một mẫu máy dùng viên ngọc trai đen, chỉ có 2 dòng BlackBerry sử dụng viên TrackBall đen này (BlackBerry Tour 9630 ra mắt 2009), và có vẻ đẹp mềm mại và tinh tế hơn Bold 9000. Tuy nhiên 8900 lại không hỗ trợ 3G, nhưng bù lại camera lại tốt hơn và có thêm Auto Focus được kế thừa từ Storm mà trên dòng Bold 9000 không có

BlackBerry 8900 Javelin

Vào năm 2008, Apple ra mắt App Store, Google ra mắt Android Market một nơi mà người dùng có thể tải ứng dụng về chiếc điện thoại của mình. Cuối 2008, chiếc Android thương mại đầu tiên HTC Dream được giới thiệu. Tại thời điểm 2007-2008 này cho đến 1 vài năm tiếp theo, RIM không coi các đối thủ đó là mối đe doạ vì doanh số BlackBerry vẫn đang tăng

Giai đoạn này, chúng ta thấy BlackBerry cũng chuyển mình khá nhiều, vẫn có một số công nghệ được phổ thông hoá sớm hơn các thương hiệu khác như cảm biến ánh sáng, cảm biến tiệm cận, cảm biến bao da, nhưng cũng đã bắt đầu thấy một số sự chậm chạm như các tính năng giải trí, chụp ảnh, nghe nhạc hay sự tụt lại về phần cứng cũng như là cảm ứng…

Về hệ điều hành, đến thời điểm này BlackBerry vẫn làm khá tốt, có thể cài ứng dụng, backup, restore mọi thứ trên điện thoại với ứng dụng BlackBerry Desktop Manager (BDM) trên máy tính. Tuy nhiên, BlackBerry còn tốt vì các hệ điều hành khác mới đang sơ khai, nếu nhìn dưới góc độ phát triển, rõ ràng BlackBerry OS lúc này đã không có nhiều thứ mới, vẫn chỉ đang kế thừa và phát huy, còn iOS và Android lúc này, dù đang sơ khai nhưng lại phát triển rất mạnh mẽ với nhiều điều mới mẻ

Phần 4: 2009-2010 BlackBerry TrackPad series – Đi sau thời đại

2009

Đến 2009, BlackBerry bắt đầu có những thay đổi để thích nghi với thị trường để chạy theo thời đại. Nhưng thực tế, họ đã chậm và bắt đầu tụt hậu. Họ đạt đỉnh thị phần vào 2010 và bắt đầu suy giảm mạnh sau đó.

Cũng từ lúc này, các sản phẩm được chuyển qua một công cụ điều hướng mới đó là TrackPad. Gọi là bàn rê cảm ứng thì cũng chưa hoàn toàn đúng lắm, vì nguyên lý hoạt động của TrackPad giống như chuột quang hơn, sẽ sử dụng ánh sáng phản chiếu trên bề mặt tiếp xúc để xác định chuyển động. Vì vậy, trackpad không cần có một bề mặt dẫn điện để hoạt động như các thiết bị cảm ứng, chúng ta có thể điều hướng trackpad bằng bất cứ thứ gì có một bề mặt không quá nhẵn nhụi.

Dòng Curve được bổ sung phiên bản phổ thông BlackBerry Curve 8520 với giá tốt hơn, $159 kèm hợp đồng và mỏng nhẹ hơn. Dòng Bold được nâng cấp lên Bold 9700 vẫn với mức giá $199 kèm 2 năm hợp đồng, với màn hình đẹp hơn và pin tốt hơn. Có thể nói Bold 9700 và sau này có Bold 9780, có lẽ là hai thiết bị tốt nhất trong dòng Bold của BlackBerry. cùng thời điểm có chiếc Tour 9630 thiết kế gần giống 9700 nhưng hỗ trợ thêm cả CDMA và vẫn dùng TrackBall

Dòng Storm được nâng cấp lên Storm 2 với BlackBerry 9520/9550. Nhưng mà ông BlackBery này tánh kì cục lắm, vẫn kiên định với cái SurePress và còn nâng cấp nó lên. Tuy trải nghiệm sử dụng khi biến một cái màn hình cảm ứng thành cái bàn phím khổng lồ là không hề tốt, nhưng công nghệ bên dưới cái màn hình của Storm 2 lại có phần đi trước thời đại. Bên dưới màn hình Storm 2 có 4 nút ở 4 góc để nhận lệnh khi chúng ta nhấn lực lên màn hình cảm ứng. Và điểm hay là khi khoá màn hình, 4 nút này cũng cứng lại, và không thể ấn được.

Cá nhân mình thấy, cách hoạt động khá tương đồng với Force Touch trên các thiết bị của Apple sau này, phần cứng đương nhiên khác rồi chúng ta không cần bàn đến, khi gõ phím trên màn hình cảm ứng Storm 2, có cảm giác phản hồi xúc giác thú vị. Nhưng mà logic vận hành quyết định mức độ thành công, với Apple, bạn có thể dùng lực khi chạm vào màn hình hoặc trackpad cảm ứng để có thêm những thao tác mới, còn với Storm 2, bạn buộc phải dùng lực nếu muốn click cái gì đó. Đó cũng là lý do Storm 2 của BlackBerry với cái logic sử dụng kì cục đã không theo kịp trend cảm ứng thời bấy giờ và trở nên thất bại

Đến thời điểm 2009 này, trước áp lực từ Apple App Store và Android Market, BlackBerry cũng cho ra mắt BlackBerry App World. App World khá nghèo nàn ứng dụng và không được cập nhật thường xuyên, mỗi lần cập nhật ứng dụng sẽ phải khởi động lại máy hoàn toàn. Nói chung là đã bắt đầu thấy sự tụt hậu rõ ràng khi so với iOS và Android thời điểm này.

2010

Với sự nâng cấp về phần mềm, kho ứng dụng, BlackBerry tiếp tục tung ra các thiết bị phần cứng mới vào 2010, mở màn là chiếc Bold 9650 hỗ trợ cả mạng CDMA. Dòng Pearl cũng được nâng cấp lên 9100 với TrackPad và 3G, một biến thể Pearl 9105 dùng phím T9. Dòng Curve cũng được nâng cấp từ 8520 lên 9300.

Dòng Storm cũng đã được thay thế bởi dòng Torch với chiếc BlackBerry 9800, một thiết bị có màn hình cảm ứng có thể trượt lên để lộ ra bàn phím cứng bên dưới, đây là chiếc điện thoại trượt đầu tiên của BlackBerry. Có thể nói đây là một cách kết hợp tốt nhất giữa màn hình cảm ứng và bàn phím vật lý trong một thân hình nhỏ gọn thời bấy giờ

BlackBerry Torch 9800

Và không thể không nhắc đến, một chiếc máy cực kỳ sexy, đó là chiếc Style 9760. Tuy nhiên với mình, chiếc máy này lại tràn đầy tiếc nuối vì chỉ hỗ trợ CDMA và không thể sử dụng ở Việt Nam.

Và cuối năm 2010, dòng Bold cũng được nâng cấp với Bold 9780, không có nâng cấp gì về ngoại hình, chỉ nâng cấp cấy hình bên trong

Có thể thấy ở giai đoạn này, BlackBerry không có nhiều sự thay đổi nữa, không còn gì đột phá. Vẫn sử dụng hệ điều hành cũ kỹ với nền tảng Java đã bắt đầu lỗi thời, chỉ thay đổi đôi chút về giao diện và một vài tính năng phụ hoạ. Nokia cũng vậy, vẫn đang loay hoay với Symbian. Trong khi đó iOS và Android lại đang phát triển một cách mạnh mẽ

Cùng thời điểm này, Apple đã ra mắt iPhone 4 (2010) với quá nhiều quá nhiều nâng cấp và cải tiến cả về phần cứng lẫn phần mềm với 3 đời thiết bị trước đó cũng rất thành công là iPhone 2G, iPhone 3 và iPhone 3s. HTC thời điểm này cũng đang khá có tên tuổi với các thiết bị Windows Mobile trước đó, cũng đã bắt đầu phải chuyển mình sang Android và cũng gặt hái thành công nhất định với dòng máy HTC Desire, Desire HD, hay Evo 4G. Samsung cũng bắt đầu gia nhập Android với dòng máy Galaxy (2009). Google cũng thuê HTC và Samsung gia công Nexus. Ngoài ra, iPad cũng được ra mắt vào 2010. Mọi người đều thay đổi, nhưng BlackBerry thì không

Phần 5: 2011-2014 BlackBerry cảm ứng + phím cứng – Bám víu quá khứ

2011-2012

Với sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị cảm ứng, BlackBerry không thể nào đứng ngoài cuộc chơi. Vào năm 2011, họ phổ cập cảm ứng cho tất cả các thiết bị của mình. Nhưng vẫn lì lợm chưa từ bỏ BlackBerry OS nền Java. Một hệ điều hành đã nhiều nhiều nhiều năm tuổi. Họ cũng có cải tiến một số chức năng như Back up Cloud cho thiết bị, nhưng cũng không đủ tốt nếu so với iCloud ngày đó.

Vào 2011, App World đạt 1 tỷ lượt download sau 2 năm phát hành, một con số khá ấn tượng nếu đứng một mình. Nhưng, cùng thời điểm đó, Apple App Store đã đạt hơn 15 tỷ lượt download và Android Market đạt 4.5 tỷ lượt (mà Android khi đó còn có nhiều App khác để download phần mềm nên không được tính vào Android Market) [5]

Bold Touch 9900 / 9930 được ra mắt vào 2011 với khung kim loại và màn hình cảm ứng, vẫn giữ bàn phím full và Trackpad đời mới có đèn xung quanh rất đẹp. Ngoại hình mỏng nhẹ, mang dáng dấp của Bold 9000. Nắp lưng sợi carbon nghe rất xịn có tích hợp NFC cũng khá sớm vào thời điểm đó, thời điểm có NFC chưa phổ biến. Nhưng, BlackBerry cố chấp, ngoài ngoại hình giống Bold 9000, BlackBerry còn bê cái camera không có autofocus lên 9900. Một thiết bị vào năm 2011 mà camera 5MP không có Autofocus. Bê luôn cái tính năng pin yếu và đột tử của 9000 quay lại luôn.

BlackBerry Bold Touch 9900
BlackBerry Bold Touch 9900

Có thể nói, 9900 rất đẹp, nhưng lại có nhiều lỗi vặt. Bản thân mình ngày đó đập hộp 9900 BNFB, vậy mà cái đèn TrackPad rất đẹp cũng tắt ngóm sau vài tháng. Màn hình rất đẹp cũng có vài điểm chết, và phím cũng mau tróc với nhanh bị liệt và cứng phím. Nói chung chất lượng build phần cứng suy giảm rõ rệt. Chưa kể, giá của BlackBerry lúc này là $299 kèm hợp đồng. Để so sánh, iPhone 4S kèm hợp đồng khi đó chỉ $199

Dòng full cảm ứng quay trở lại với Torch 9860, đã bỏ cái tư duy SurePress để làm ra một chiếc điện thoại cảm ứng bình thường, dòng màn hình trượt cũng được nâng cấp lên Torch 9810. Dòng Curve cũng được lên đời Curve 9360. Full cảm ứng giá tốt hơn và nhỏ gọn hơn có dòng Curve 9380. Dòng Bold 97 cũng được nâng cấp lên Bold 9790 với thiết kế nhỏ gọn và màn hình cảm ứng

Ngoài ra, có một điểm nhấn của năm 2011 này là BlackBerry kết hợp với Porscher Design để làm ra chiếc BlackBerry Porscher Design P’9981 với nội tạng của 9900. Đây là một chiếc máy đẹp, bán giá rất cao cho những khách hàng thích sự sang trọng với vẻ ngoài đặc biệt, nhiều kim loại và da, nhưng cũng vẫn tồn tại một số điểm yếu như 9900 là pin yếu và mau tróc phím. Nếu mình không nhầm thì P’9981 khi mới ra mắt được bán giá $2000 và khi về VN có mức giá đâu đó 45 – 50 triệu đồng, dành cho fan BlackBerry có nhiều điều kiện

BlackBerry P’9981

Giai đoạn này, BlackBerry còn tung ra một thiết bị mới rất thú vị, đó là một chiếc máy tính bảng, BlackBerry PlayBook. Đây có thể là bước chuyển mình đầu tiên của họ sau khi thế giới đã thay đổi từ 5 năm trước, thay vì bám víu vào hệ điều hành cũ trên nền Java, họ đã sử dụng một hệ điều hành mới dựa trên nền tảng QNX cho chiếc máy tính bảng này và gọi nó là BlackBerry Tablet OS

Nếu so sánh phần cứng PlayBook ngày với iPad 2 cùng thời kỳ, màn hình của PlayBook sáng và đẹp hơn nhiều (170ppi vs 132ppi), loa ngoài đôi stereo, to và hay, camera trước sau đều có độ phân giải cao hơn iPad 2

Thao tác sử dụng cũng nhiều thao tác cử chỉ như vuốt để về home hay vuốt từ góc trên để mở cài đặt, thông báo, vuốt từ 2 bên chuyển đa nhiệm

Tuy nhiên, vẫn có một điểm yếu, PlayBook không có nhiều ứng dụng và sau này lại không được hỗ trợ lâu dài, dù họ đã có hợp tác với một vài bên thứ 3 để đưa một số ứng dụng và game nổi tiếng lên PlayBook, nhưng có vẻ như vậy là chưa đủ

Năm 2012, BlackBerry không có thiết bị nào nổi bật, ngoài việc tung ra một bản nâng cấp cho chiếc PlayBook với cấu hình cao hơn chút xíu và hỗ trợ 4G LTE. Họ tập trung để phát triển phần mềm cho những thiết bị mới, bao gồm PlayBook và những chiếc BlackBerry 10 sẽ ra mắt vào năm sau đó

2013-2014

Vào năm 2013 BlackBerry thay máu bằng cặp đôi Z10, Q10 và sau đó là ra mắt thêm Z30, Q5, chiếc Porscher Design P’9982 dựa trên Z10, sau này có thêm Porscher Design P’9983 (2014) dựa trên Q10, với hệ điều hành mới toanh BlackBerry 10. Họ cũng đổi tên công ty từ RIM – Research In Motion thành BlackBerry vào năm 2013

Cái dở của sự thay máu này là toàn bộ thiết bị cao cấp từ 2011 trở về trước không chơi chung được hệ điều hành này. Và kể cả PlayBook cũng vậy, cũng không được nâng cấp lên hệ điều hành này. Điều này khiến người dùng không có nhiều lựa chọn, mà phải buộc nâng cấp nếu muốn sử dụng một hệ điều hành mới với nhiều ứng dụng hơn và thoải mái hơn BBOS nền Java cũ kĩ. Và 2013 cũng kết thúc kỉ nguyên tăng trưởng của BlackBerry khi mà số lượng người dùng bắt đầu tụt giảm từ thời điểm này, doanh thu cũng giảm mạnh vào năm 2013 sau khi đạt đỉnh ở năm 2011 và duy trì tương đối tốt ở 2012

Cá nhân mình, ở góc độ là fan của BlackBerry khi đó, bỏ nhiều tiền mua chiếc Flagship 9900 vào 2012, thì cùng năm đó hay tin BB sẽ dùng hệ điều hành mới và BBOS sẽ được thay thế. Tự tin cống hiến tiếp PlayBook vào 2013 thì lại nghe tin PlayBook sẽ không được hỗ trợ lên BB10. Giai đoạn đó mình khá thất vọng vì BlackBerry ‘đem con bỏ chợ’ khá nhiều lần. Đó cũng là lý do mà người dùng mới thì không thu hút được, còn người dùng trung thành lại quay lưng. Rõ ràng, nếu chọn mua một cái máy mà chỉ 2 năm đã biết sẽ không có tương lai, khách hàng sẽ chọn iPhone hoặc Samsung được support lâu dài 3-4 năm thậm chí lâu hơn nữa.

Tất nhiên, vì là fan trung thành, mình vẫn tiếp tục mua các Flagship khác như Z10 hay Passport sau này chứ chưa từ bỏ sau 2 lần thất vọng

Vậy là khi BlackBerry chính thức thay đổi sang một OS mới hỗ trợ cảm ứng và ứng dụng tốt hơn, nhưng họ đã chậm hơn Apple với iOS và Google với Android đâu đó tầm 7 năm phát triển. Họ đã đi sau thời đại khá lâu và việc đó cũng khiến họ khó lôi kéo người sử dụng cũng như deverloper dù BlackBerry 10 OS là một hệ điều hành rất hay và ổn định, có thể nói có vài điểm đi trước thời đại như các thao tác cử chỉ vuốt để về home, mở thông báo, vuốt để chuyển đa nhiệm, mà phải khá lâu về sau các hệ điều hành khác mới có. Tuy nhiên, lại có quá nhiều điểm đi sau thời đại

Vào 2013, Apple đã ra mắt iPhone 5s với cảm biến vân tay đình đám. Samsung đã bắt đầu nổi tiếng với dòng Galaxy Note thế hệ thứ 3 thì lúc này, BlackBerry vẫn đang loay hoay với Z10, một thiết bị cao cấp mà gần như không có gì nổi bật về phần cứng và một hệ điều hành mới toanh đang cố bám víu các giá trị cũ

Vào năm 2014, BlackBerry ra mắt BlackBerry Passport. Một thiết bị độc đáo với màn hình vuông và phím cứng có bề mặt cảm ứng. Có lẽ đây cũng là sáng kiến có tính đột phá cuối cùng của BlackBerry trong lĩnh vực phần cứng. Và tất nhiên, với mức giá khá cao $599, có lẽ Passport chỉ có thể dành cho fan, cùng tầm giá, người dùng có thể chọn iPhone 5S ($549) hoặc iPhone 6 ($649) vào thời điểm này.

Cùng thời điểm này, họ ra mắt cả BlackBerry Classic, đem TrackPad và hàng phím menu của BBOS quay trở lại. Những thiết bị của BlackBerry giờ đây có lẽ chỉ ở trạng thái làm ra để ‘dành cho fan’ với nhiều hoài niệm chứ khó lòng mà lôi kéo thêm người dùng mới, minh chứng là ở số liệu người sử dụng vẫn cứ giảm liên tục chứ không có lúc nào chững lại hay tăng lên từ năm 2013 cả

Bản thân mình cũng sử dụng Z10, Q10 và Passport. Z10 và Q10 cũng không có gì đặc sắc ngoài hệ điều hành. Passport nổi bật hơn với phím cứng có cảm ứng. Tuy nhiên, phần cứng đắt đỏ và phần mềm BlackBerry 10 quá thiếu thốn không thể vực BlackBerry dậy, trong bối cảnh Android và iOS đã trở nên quá mạnh vào thời điểm này, có nhiều người sử dụng, nhiều ứng dụng và khiến cho việc kết nối và giao tiếp trên iOS và Android trở nên tốt hơn BlackBerry

Passport cũng là chiếc điện thoại BlackBerry cuối cùng mình sử dụng. Ngày đó, đặt mua từ US và có người quen ôm máy bay về, vào dịp Black Friday, khi mà mẫu RED limited được giảm từ $699 còn $599. Đây cũng là chiếc máy BB đầu tiên và duy nhất mình mua trực tiếp trên trang chủ của BlackBerry ngày đó, không mua qua bất cứ thương gia nào tại Việt Nam

Phần cuối: 2015-2018 BlackBerry Android – Bị thời đại bỏ quên

BlackBerry bám víu được BB10 thêm 2 năm cho đến 2015, họ đã phải chuyển qua Android. Và đến thời điểm này, họ đã chậm chân hơn Samsung 6 năm, HTC 7 năm và thậm chí, chậm chân hơn Xiaomi 4 năm trong kinh nghiệm làm thiết bị Android. Khi mà họ đang loay hoay với BBOS 7 nền Java vào những năm 2011 thì lúc này Xiaomi đã xuất hiện với chiếc Android đầu tiên, và chỉ sau 3 năm, đến 2014, Xiaomi trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 3 thế giới sau Apple và Samsung.

Thiết bị đầu tiên của BlackBerry sử dụng hệ điều hành Android là BlackBerry Priv ra mắt vào 2015, một chiếc máy có cảm hứng từ Torch khi xưa với thiết kế màn hình trượt. Là chiếc máy BlackBerry đầu tiên chạy Android và cũng là chiếc máy cuối cùng BlackBerry tự sản xuất

BlackBerry Priv

Họ vẫn đem một số đặc trưng của BlackBerry lên Android như BBM, BlackBerry Hub, một nơi gom hết notification từ mọi ứng dụng, bàn phím cứng có cảm cứng, shortcut… Tuy nhiên những điều này không đủ để hấp dẫn người dùng, kèm theo một mức giá bán khá cao so với cấu hình sẵn có.

Và kể cả với một người dùng trung thành như mình, chỉ trong vòng 5 năm họ thay máu 3 lần, thay hệ điều hành 3 lần, ngưng cập nhật cho thiết bị cũ 3 lần, khiến mình thấy khá khó chịu vì các thiết bị cũ không còn sử dụng được và rất nhanh bị lỗi thời, vậy nên với chiếc Android mới với giá Flagship nhưng cấu hình lại không như các thương hiệu khác, phần cứng cũng không có gì đặc biệt và phần mềm thì lại thiếu kinh nghiệm, mình cũng có cảm giác nó sẽ mau chóng lỗi thời. Chính vì vậy mình đã ngưng sử dụng BlackBerry. Sau Passport mình chuyển qua iPhone

Sau Priv, vào năm 2016, BlackBerry chính thức không còn sản xuất phần cứng mà “bán mình” cho TCL, BlackBerry nhượng quyền thương hiệu BlackBerry cho TCL độc quyền bán ra điện thoại BlackBerry trên toàn cầu kể từ thời điểm này. Bao gồm một số thiết bị khác cũng không có gì nổi bật như DTEK50 (2016), DTEK60 (2016), Motion (2017), Evolve (2018). Bản thân công ty cũng chuyển mình từ công ty phần cứng sang công ty phần mềm và giải pháp.

Hai chiếc máy cuối cùng còn có chút âm hưởng của BlackBerry chính là KeyOne (2017)Key2 (2018). Và điểm cải tiến duy nhất còn lại đó là họ tích hợp cảm biến vân tay lên phím Space trên KeyOne mà cùng lúc đó, iPhone đã dùng vân tay chán chê bao đời rồi, đến 2017 đã chuyển qua Face ID.

Cùng giai đoạn này, Samsung đang thành công với Galaxy S6 đến S9, Note 5 đến Note 9, họ ra mắt chiếc máy màn hình gập Z Fold đời đầu vào 2019. Apple đã quá thành công với iPhone 6s vào 2015 cùng với cảm biến vân tay từ trước đó 2 năm, và đến 2017 thậm chí họ đã có thêm hình thức mở khoá mới đó là nhận diện khuôn mặt với iPhone X.

Sau Key2, thương hiệu BlackBerry cũng đã vắng bóng trên thị trường điện thoại thông minh

BlackBerry cũng đã chính thức ngưng hỗ trợ và ngừng Server và mọi dịch vụ cho BlackBerry 10, BlackBerry OS 7.1, BlackBerry Tablet OS 2.1 trở về trước cũng như rất nhiều dịch vụ và phần mềm khác như: BDM, App World, BBID, BBM, PIN-to-PIN…, vào ngày 04/01/2022 khép lại một giai đoạn lịch sử đầy thăng trầm và kết thúc kỷ nguyên của Smartphone BlackBerry tại đây

Tất nhiên, đến giờ, một số mẫu BlackBerry Android vẫn đang sử dụng tốt và chắc hẳn cũng vẫn có một số lượng fan BlackBerry vẫn đang sử dụng, cũng có thể nói đây là hãng điện thoại duy nhất vẫn đang trung thành với bàn phím QWERTY trên thị trường. Tất nhiên, BlackBerry không còn làm Smartphone nữa, nhiều người nói họ đã chết, nhưng thực ra, họ vẫn đang tồn tại, vẫn đang sống và vẫn đang kinh doanh dựa trên thế mạnh về bảo mật của họ, chỉ là những người dùng cuối như chúng ta không còn là khách hàng của BlackBerry mà thôi.

Bình luận và cảm nhận

BlackBerry đi qua một thời hoàng kim và rồi cũng lại đi xuống, cũng như các thương hiệu khác như Nokia hay Motorola. Họ từng rất thành công và sau đó họ thất bại, nhưng nếu gọi họ là kẻ thất bại thì dường như chúng ta đã vô tình gạt qua những thành công, thành tựu và cống hiến mà họ từng đem đến cho ngành công nghệ. Họ thất bại vì họ đã từng thống thị thế giới nhưng khi thế giới thay đổi, họ lại vẫn mãi ngủ quên trên chiến thắng. Với BlackBerry, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất bại có thể kể đến như

  • Phản ứng quá chậm chạm với sự thay đổi và cạnh tranh của thị trường. Khi iPhone và các loại điện thoại cảm ứng bắt đầu xuất hiện. BlackBerry vẫn cho rằng người sử dụng thích bàn phím hơn là cảm ứng
  • Tập trung sai thị trường. Họ tập trung quá nhiều vào thị trường doanh nghiệp với sự ưu tiên về bảo mật và an toàn và quên mất thị trường cá nhân, mà cho đến cuối cùng đây lại là thị trường quan trọng nhất sau khi các doanh nghiệp không còn cung cấp điện thoại cho nhân viên và áp dụng chính sách ‘mang điện thoại cá nhân’ đến nơi làm việc. BlackBerry dần bị thay thế bởi iPhone và Android
  • Thiếu hợp tác với bên thứ ba. Trong khi Apple và Google đang rất tích cực xây dựng hệ sinh thái sản phẩm và mở cửa cho các bên thứ ba phát triển ứng dụng, BlackBerry với sự bảo mật thái quá của mình lại không nghĩ vậy, họ muốn tự làm mọi thứ (ví dụ như ứng dụng Facebook từ BBOS hay Playbook đều do RIM tự làm). Mãi cho đến khi ra mắt BB10, họ mới thay đổi suy nghĩ và đương nhiên họ đã chậm hơn Apple và Google nhiều năm, lượng người dùng cũng đã mất nhiều, họ không còn gì để thu hút các nhà phát triển, dẫn đến hệ sinh thái nghèo nàn và như vậy lại cũng không còn gì để thu hút người dùng

Bản thân mình sử dụng BlackBerry không quá sớm, nhưng vào thời điểm 2009, một chiếc 8100 mới với mức giá đâu đó 2.5 triệu đồng vào thời điểm bấy giờ đã có thể làm được rất nhiều điều, có đủ mọi ứng dụng, có thể chạy đa nhiệm, có thể lướt web, chat chit, có cách điều hướng thông minh, có thể cài đủ loại phần mềm với một mức giá rất dễ tiếp cận

Nếu so với những chiếc máy smartphone khác thời đó mình cũng được trải nghiệm thời gian dài như HTC Touch chạy Windows Mobile hay iPhone đời đầu thời bấy giờ, mức giá cũng phải gấp 3-4 lần một chiếc BlackBerry mà có khi còn chưa chạy được đa nhiệm (iOS) hay không có một giao diện nhanh, nhẹ và điều hướng tốt như thế (WM)

Với mình, BlackBerry là thiết bị đem mình vào thế giới công nghệ. BlackBerry là một thiết bị có tính gây nghiện cao, từ vọc những thứ cơ bản nhất như cài Services Book để vào được mạng, cho đến tuỳ biến rom nhẹ như “bộ xương khô”, hay làm rom hybrid trộn những thứ tốt nhất của các bản rom khác nhau lại, hay tự làm theme bằng phần mềm chuyên dụng…. Bên cạnh một công cụ phục vụ việc kết nối và giao tiếp, BlackBerry cũng là một công cụ để dạy mình kỹ năng tìm kiếm giải pháp và giải quyết vấn đề. BlackBerry cũng là thiết bị khiến mình biết đến Tinh Tế. Mình cũng từng chia sẻ về việc Tinh Tế có ảnh hưởng thế nào đến bản thân trong một sự kiện của diễn đàn tại đây

BlackBerry cũng có một câu Slogan rất hay trong một chiến dịch quảng cáo của họ, mà cũng có phần nào ảnh hưởng đến mình “do what you love – love what you do” – “làm những gì bạn yêu – yêu những gì bạn làm”

Sau này trong suốt những năm 2009 đến 2016, mình thường xuyên đổi lên đời cao hơn, đồng thời cũng kiếm những đời cổ để sưu tầm và trải nghiệm, với mình những mẫu BlackBerry để lại cho mình nhiều ấn tượng nhất cũng như cho mình nhiều cảm xúc nhất khi sỡ hữu được đó là:

  • BlackBerry 6710 với màn hình vuông đen trắng, mình tìm mua vì khi đó đang dùng Passport nên muốn hoài niệm chiếc máy tương đồng nhiều yếu tố, mình thật sự ấn tượng khi chiếc máy ra mắt năm 2002 có thể truy cập web và vẫn làm được điều đó vào năm 2015
  • BlackBerry 7290 T-Mobile, chiếc máy có màu xanh ngọc, màu mình thấy đẹp nhất trong các máy BB
  • BlackBerry Pearl 8100, chiếc máy BlackBerry đầu tiên của mình. Và cùng đời Pearl này có chiếc 8110 Sandstone with Henna Design rất đẹp và độc đáo
  • BlackBerry Flip 8220, chiếc BlackBerry mình thấy sexy nhất, khiến mình từng khao khát nhất và độc lạ nhất
  • BlackBerry Storm 2 9520, chiếc BlackBerry với công nghệ SurePress khá đi trước thời đại
  • BlackBerry 9900, chiếc BlackBerry Brandnew đầu tiên mình đập hộp
  • BlackBerry Passport, chiếc BlackBerry Brandnew đầu tiên mình mua trực tiếp từ US về, màu đỏ limited và ấn tượng nhất với bàn phím có cảm ứng
  • BlackBerry PlayBook, mình vẫn đang sử dụng một chiếc PlayBook để làm đồng hồ đến tận ngày hôm nay, và điều đó làm mình thấy ấn tượng, các bạn có thể xem thêm sự đồng hành đó tại đây

Anh em có ấn tượng hay kỉ niệm gì với BlackBerry? Hãy cùng chia sẻ nhé

Bài viết xin được kết thúc tại đây. Cám ơn các bạn đã quan tâm theo dõi. Các bạn có thể xem và tham gia thảo luận về bài viết này trên Tinh Tế nữa nha

Nguồn tham khảo: Funding Universe, Wikipedia 1, Wikipedia 2, Wikipedia 3, The Canadian Encyclopedia, Wikipedia 4, Wikipedia 5, Wikipedia 6, Wikipedia 7, Wikipedia 8, Pocket-lint, CRN, PhonesData, Trusted Review, Harvard, GSMArena, RadioShackCatalog, PhoneDB, CrackBerry, Mobile Phone Museum

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được
5 /5
Based on 4 ratings

Reviewed by 4 users

    • 2 năm ago

    Mình vẫn còn 1 cây 5810 full hộp để kỉ niệm 🙁 mà đang bị lỗi phần mèm thì phải, cứ bật lên lại tự reset, trước thi thoảng vẫn cắm sim vào cầm chỉ để nhắn tin, kiểu dáng tuyệt đỉnh, giờ máy phụ vẫn dang dùng 9900 😀

      • 2 năm ago

      Quá đỉnh luôn bác ơi, vẫn giữ được đến giờ quá giỏi, mình thì đã tiễn hết điện thoại BB rồi, còn đúng PlayBook vẫn đang sử dụng làm đồng hồ để bàn

    • 2 năm ago

    Mình vẫn giữ 1 chiếc 5810 làm kỉ niệm, thi thoảng lắp sim vào chỉ để nhắn tin, mà đang bị lỗi phần mềm thì phải 🙁 cứ khởi động lên là tự reset lại liên tục luôn

    • 2 năm ago

    Mình vừa mới tiễn e P’9981 ra đi vài ngà trước .

    • 2 năm ago

    Kinh thật, đọc mấy bài trước thấy bác toàn mua 13 mini cũ, với con gì iPhone cũ ý quên mất tiêu, mà đọc bài này mới biết b đập hộp 9900 với passport, hehe, quá ghê lun.

      • 2 năm ago

      Hì hì, mình mua SE đời đầu cũ với 13 mini cũ, còn từng đập hộp XR. BlackBerry thì đập hộp 99, PP, Z10, PlayBook đập 2 con. Các dòng khác cũng đập mà đập hộp used hehe. Nói chung cũng cống hiến cho công nghệ nhiều nhiều

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.