Mặt trái của đồ công nghệ, gia dụng xách tay

Mặt trái của đồ công nghệ, gia dụng xách tay

Update mới nhất: 11/06/2024

Khi nhắc đến đồ công nghệ, gia dụng, dù xách tay hay chính hãng, chúng ta thường bắt gặp rất nhiều thuật ngữ khiến người mua rối trí và đôi khi khiến chúng ta nhầm lẫn về bản chất cũng như nguồn gốc xuất xứ của những sản phẩm hay món hàng. Một số nhà bán hàng cố tình sử dụng những thuật ngữ này một cách khôn khéo (khôn lỏi) để cố tình đánh tráo khái niệm khiến chúng ta hiểu lầm. Các thuật ngữ đó có thể kể đến như:

Hàng chính hãng. Hàng chính ngạch. Hàng xách tay. Hàng nhập khẩu. Hàng nội địa, Hàng cũ. Hàng bãi. Hàng Likenew. Hàng Used. Hàng nguyên seal. Hàng Brandnew. Hàng Fullbox. Hàng NoBox…

Và rồi lại còn kết hợp các thứ đó lại để ra thêm 1 đống nữa như: Hàng xách tay chính hãng, hàng nhập khẩu chính hãng, hàng cũ xách tay, hàng likenew nhập khẩu…

Trong bài viết này, mình sẽ mổ xẻ, để các bạn dễ dàng tự nhận biết và phân định được chất lượng và nguồn gốc của các loại hàng. Đồng thời, mình sẽ phân loại xem đâu là những mặt hàng tốt và đâu là những mặt hàng xấu. Mình cũng sẽ phân tích những mặt trái, những ảnh hưởng, những hệ luỵ của hàng xấu đến thị trường và đến cả chúng ta, những người mua hàng. Rõ ràng, chúng ta nên mua mặt hàng tốt và tránh mua mặt hàng xấu

Lưu ý: Bài viết là quan điểm và góc nhìn cá nhân của mình, dựa trên kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn với thị trường công nghệ, gia dụng dưới góc độ người mua hàng. Bài viết cung cấp cho người đọc thêm một góc nhìn. Xấu, tốt, đúng, sai trong bài cũng chỉ dựa trên thước đo của riêng mình, có thể không đúng với tất cả. Có thể những thông tin trong bài viết này không phản ánh đúng hoặc đủ thực tế mà chỉ đến từ suy nghĩ cá nhân, bạn đọc nên tự kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn

1. Phân loại về tình trạng sản phẩm

Về tình trạng sản phẩm, có 2 loại đó là mới và cũ. Nhưng thực tế không chỉ đơn giản như vậy. Mình sẽ phân ra vài cấp độ và có một vài ví dụ để mô tả về hàng tốt và hàng xấu. (nếu sử dụng điện thoại để xem bài viết, các bạn có thể quay ngang máy khi xem các bảng bên dưới để có trải nghiệm tốt nhất)

Hàng mới

Cấp độHàng tốtHàng xấu
1.1. Hàng mới tinh, nguyên hộp, nguyên seal (có thể là miếng băng dính, tem dính, có thể là nilong bọc kín hộp), hộp trùng imei, series với sản phẩm bên trong. Thường trên thị trường hay gọi là Hàng mới nguyên seal, hàng mới nguyên hộp, Brandnew Sealed Box, Brandnew FullboxTừ lúc đi ra khỏi nơi sản xuất và đến tay người dùng trong tình trạng nguyên vẹn như vậy.Đóng lại seal, dán lại seal. Đã từng mở ra seal ra và có thể đã bị thay đổi, đánh tráo nội dung bên trong và dán lại seal.

Hàng dựng, hàng cũ đóng hộp mới, seal mới (hộp giả, seal giả)
1.2. Hàng mới tinh, nguyên hộp, không còn nguyên seal, hộp trùng imei, series với sản phẩm bên trong. Trên thị trường thường gọi là Hàng mới nguyên hộp, Brandnew Fullbox. Nhà phân phối bóc seal để kiểm tra sản phẩm và dán tem bảo hành.

Nhà nhập khẩu bóc seal để trình và khai báo hải quan

Có thể họ bóc seal ngay trước mặt bạn để kiểm tra và dán tem trước khi bàn giao sản phẩm cho bạn

Có thể họ sẽ dán thêm 1 tem của chính họ thay thế cho seal gốc.
Bóc seal để thay đổi nội dung bên trong

Bóc seal để làm hàng trưng bày rồi đóng lại vào hộp để bán như hàng mới (mà không cung cấp thông tin đó là hàng trưng bày)
1.3. Hàng mới tinh, không còn hộp, có thể có phụ kiện hoặc không. Thường gọi là hàng mới không hộp, Brandnew NoboxCó thể vì một vài lý do nào đó như để tối ưu không gian và chi phí vận chuyển, người bán sẽ tháo và bỏ hộp đi vì nó không quan trọng

Hoặc lô hàng đặc biệt (ví dụ hàng cung cấp cho doanh nghiệp số lượng lớn hay hàng xả kho outlet…), không có trang bị hộp cho từng sản phẩm


Hàng dựng lại (không phải được sản xuất trong nhà máy đi ra) nên không có hộp.

Hoặc từ hàng cũ được biến hoá thành hàng mới

Các bạn có thấy dụng ý khi mình xếp cấp độ như vậy không? Đó cũng chính là mức độ bảo toàn của một mặt hàng từ nhà sản xuất đến tay bạn. Với hàng tốt, cấp 1.1 sẽ khiến bạn yên tâm nhất còn cấp 1.2 và cấp 1.3 sẽ cần có một lời giải thích hợp lý từ người bán hoặc họ phải có một mức độ uy tín nhất định để khiến bạn tin rằng đó là hàng tốt.

Với hàng xấu, cấp 1.1 có thể sẽ khiến bạn thiệt hại nhiều nhất (ví dụ mở máy nguyên seal ra là viên gạch, cục đá, hoặc là máy cũ được phù phép thành máy mới), cấp 1.2 cũng gây thiệt hại nhưng vẫn đỡ hơn chút xíu (ví dụ bị tráo phụ kiện hoặc bị mua phải máy trưng bày đội lốt hàng mới) và cấp 1.3 cũng tệ như cấp 1 nhưng ít nhất là sẽ bán theo giá thấp hơn cho sản phẩm không hộp.

Hàng cũ

Hàng mới đã có vẻ rối bời, vậy hàng cũ còn loạn lạc hơn, và khó để xác định cũng như phân loại hơn khi mà người bán có thể dùng đủ loại thuật ngữ để miêu tả không đúng hoặc không đủ về sản phẩm

Cấp độHàng tốtHàng xấu
1.4. Hàng cũ nguyên bản, nguyên hộp, phụ kiện gốc ban đầu. Hộp trùng imei, series với sản phẩm bên trong. Thông tin về độ mới được đánh giá và cung cấp đúng với sản phẩm Là hàng cũ của hàng mới cấp 1.1 và 1.2. Sản phẩm chính chưa qua bất cứ sửa chữa, thay thế, hay đụng chạm gì đến phần cứng bên trong và vẫn hoạt động tốt và ổn định.

Phụ kiện nguyên bản theo hộp máy từ ban đầu. Máy xước thì bảo là xước, máy cũ 90% thì bảo là 90%
Có thể sản phẩm không còn nguyên bản nhưng bảo là nguyên bản.

Có thể phụ kiện đã bị thay thế. Máy xước nhiều mà lại quảng cáo là xước ít, xước răm
1.5. Hàng cũ nguyên bản, phụ kiện gốc, hộp không trùng imei và seriesThường chỉ xảy ra khi bạn bảo hành máy ban đầu và hãng đổi cho một máy mới tinh, và cái máy mới đó không có imei/ series trùng với hộp gốc ban đầu. Thông thường với trường hợp như vậy sẽ có văn bản/ biên bản/ biên nhận để chứng mình được hành động đó.

Cũng có thể hàng cũ nhiều hộp thất lạc và người bán lấy hộp máy khác bù vào
Có thể sản phẩm không còn nguyên bản nhưng bảo là nguyên bản.

Có thể phụ kiện đã bị thay thế.
1.6. Hàng cũ nguyên zin (đến đây thôi mình không nhắc đến phụ kiện và hộp nữa nhé)
Phân biệt nguyên bản và nguyên zin như thế nào?

Thực ra, hầu như chúng ta đều đang dùng 2 thuật ngữ này đồng thời và không phân biệt chúng. Nhưng cá nhân mình sẽ tự có phân biệt đôi chút. Ví dụ, máy bạn được bảo hành, sửa chữa bởi hãng, được thay thế linh kiện, phụ tùng chính hãng, có thể nói máy bạn không còn nguyên bản như lúc sản xuất nhưng vẫn là máy nguyên zin vì đang dùng đúng phụ kiện “zin”

Tất nhiên, ngoài thị trường có nhiều người gọi hàng cũ nguyên bản là hàng cũ nguyên zin và ngược lại

Hàng tốt là hàng như mình miêu tả, có thể đã được thay thế bộ phận này kia nhưng được thay bởi chính hãng hoặc nơi được hãng uỷ quyền để làm việc đó, và bộ phận, linh kiện được thay cũng là hàng chính hãng chuẩn chỉnh
Được thay đồ zin bởi bên thứ 3 (rủi ro ở đây là ai đảm bảo đó là đồ zin)

Thay đồ “lô” nhưng bảo là đồ “zin”

Hàng đã sửa tưng bừng nhưng vẫn bảo là hàng cũ nguyên zin
1.7. Hàng cũ tân trang
Hàng bãi Nhật
(refurbished)
Được tân trang bởi hãng hoặc bên thứ 3 được hãng uỷ quyền. Hàng tân trang là hàng có thể đã qua sử dụng nhưng bị lỗi, được hãng nhận lại từ người dùng (sau khi đổi cho họ máy mới).

Hãng sẽ thay thế bộ phận bị hỏng, thay vỏ mới, có thể là màn mới hoặc các linh kiện phụ tùng mới và bán dưới dạng hàng tân trang với mức giá tốt hơn, được hãng test kỹ trước khi bán ra và hưởng quyền lợi bảo hành từ chính hãng
Được tân trang bởi các pháp sư. Có thể tân trang phần cứng bằng linh kiện lô, có thể lấy đồ zin từ chiếc này ráp qua chiếc khác. Cũng có những chiêu phù phép phần mềm để thay đổi thông số phần cứng…
1.8. Hàng cũ like new
Hàng cũ ngoại hình đẹp
Hàng cũ ngoại hình xấu
Hàng cũ nguyên bản hoặc nguyên zin và có ngoại hình như mới (like new)

Tình trạng máy được để nguyên, không can thiệp phần mềm/ phần cứng để thay đổi tình trạng máy

Hàng cũ nguyên bản ngoại hình xấu nói rõ là ngoại hình xấu, có ảnh thật để khoe chỗ xấu
Hàng cũ thay vỏ để nhìn cho mới (thường là vỏ lô)

Hàng cũ được phù phép để trở nên mới hơn (biến sức khoẻ pin iPhone từ 70% lên 90% chẳng hạn)

Hàng cũ có trục trặc, có vấn đề nhưng vẫn bảo là đang hoạt động tốt

Hàng ngoại hình xấu mà chỉ chọn góc đẹp để chụp và bảo là hàng đẹp
1.9. Hàng cũ đã qua sửa chữaHàng cũ đã được sửa chữa/ bảo hành chính hãng

Hàng cũ đã được sửa chữa/ bảo hành ở bên thứ 3 nhưng được nhà bán công khai chuyện đó

Linh kiện thay thế được công khai minh bạch
Hàng cũ đã qua sửa chữa bởi pháp sư nhưng bảo là hàng zin hay hàng nguyên bản

Thay linh kiện đểu nhưng lại bảo là thay linh kiện ‘zin’
1.10. Hàng cũ hư hỏngHàng cũ đã hỏng chỗ này chỗ kia, nhưng được công khai minh bạch, nói rõ vấn đềHàng cũ hỏng chỗ này chỗ kia nhưng bị giấu nhẹm, “mọi chức năng hoạt động bình thường”

Trên thị trường, để mua được hàng cũ chất lượng, bạn phải có kiến thức và kinh nghiệm. Khi có kiến thức và kinh nghiệm, bạn kiếm loại 1.4 và 1.5, loại 1.6 và 1.7 cũng vẫn ổn nếu người bán chứng minh được là hàng tốt. Loại hàng cũ này không có nhiều và thật sự kiếm không dễ, chưa kể cũng vẫn dễ gặp rủi ro dính hàng xấu. Vì vậy, uy tín người bán cũng cần cân nhắc khi chọn mua 2 loại này.

Dễ kiếm hơn và đầy nhan nhản trên thị trường có lẽ sẽ là loại 1.8 và 1.9. Vì sao lại nhiều và dễ kiếm? Vì đây là 2 loại hàng mà hàng xấu có thể phủ kín mặt trận với mức giá tốt và dễ dàng đánh lừa những người tiêu dùng không có kinh nghiệm và ham rẻ hoặc đáp ứng tốt nhu cầu của những người dùng không có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và trách nhiệm khi mua hàng.

2. Phân loại về nguồn gốc sản phẩm

Về nguồn gốc sản phẩm, câu chuyện cũng rất phức tạp và các thuật ngữ cũng sẽ khiến bạn dễ bị rối trí như chính hãng, chính ngạch, xách tay vì đó là câu chuyện của nguồn gốc sản phẩm và con đường phân phối. Mình sẽ cố làm rõ trong phần này

Cấp độHàng tốtHàng xấu
2.1. Hàng chính hãng được phân phối chính hãngHàng chính hãng sản xuất trong nước được phân phối bởi chính hệ thống bán hàng và các đại lý uỷ quyền của chính hãng hay thương hiệu đó

Nếu sản xuất ở nước ngoài và cần nhập khẩu, cũng sẽ được chính hãng nhập khẩu chính ngạch rồi phân phối theo các hệ thống bán hàng và đại lý như trên. Thường có tem phụ tiếng Việt trên sản phẩm

Hàng này thường sẽ xuất hoá đơn VAT đơn giản
Không phải là hàng được phân phối chính hãng nhưng vẫn dùng cái tên “hàng chính hãng”
2.2. Hàng chính hãng được nhập khẩu chính ngạchHàng chính hãng nhưng không, hoặc chưa được phân phối chính hãng tại VN (hãng chưa vào VN) nhưng được các nhà bán hàng nhập khẩu tư nhân theo đường chính ngạch về để bán cho người tiêu dùng có nhu cầu

Thường hàng tốt sẽ ghi rõ “hàng chính hãng nhập khẩu”
Thường thì loại hàng này sẽ thua loại 2.1 ở việc có thể sẽ không có hỗ trợ hoặc bảo hành từ chính hãng mà là trách nhiệm của người bán (ngoại trừ một số brand có bảo hành toàn cầu, và trong trường hợp họ làm điều đó rất tốt)

Hàng này thường sẽ kèm theo giấy tờ nhập khẩu chính ngạch và tem phụ tiếng Việt và thường cũng sẽ xuất VAT đơn giản
Nhập nhằng giữa hàng chính hãng phân phối hoặc hàng chính hãng nhập khẩu

Nhập nhằng giữa việc nhập khẩu chính ngạch với “xách tay”
2.3 Hàng xách tayHàng chính hãng nhưng không, hoặc chưa được phân phối chính hãng tại VN (hãng chưa vào VN) nhưng được “xách tay” vào VN.

Thường loại hàng này rất ít, vì bạn thấy đó, theo luật chúng ta không được xách tay nhiều, vì hàng xách tay đó phải là hàng để chúng ta tiêu dùng chứ không phải để buôn bán kinh doanh. Và vì thế thường hàng xách tay tốt chỉ có khi người nhà xách về cho hoặc các bạn kiếm được giao dịch với một người dùng khác

Đương nhiên đúng luật là không xuất VAT được (vì xách tay để tiêu dùng chứ không phải để bán, và vì không có giấy tờ nhập khẩu)
Hàng xách tay tiểu ngạch để kinh doanh (hay có thể nói thẳng đối với đồ công nghệ gia dụng có giá trị cao chính là hàng buôn lậu). Loại này cũng không thể xuất VAT

Vẫn có thể là hàng chính hãng nhưng được ‘tối ưu chi phí’ bằng cách nhập lậu

Rủi ro của hàng này là có thể không phải hàng chính hãng mà là hàng dựng, hàng đóng lại hộp…

Nhưng mình biết một số nhà bán hiện nay bằng cách nào đó đã có thể ‘hợp thức hoá’ hàng xách tay xấu để vẫn có thể xuất hoá đơn VAT nhằm qua mặt người dùng
2.4 Hàng không chính hãngGần như không có hàng tốt ở đâyHàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng tạp nham

Hàng vớ vẩn gắn thương hiệu linh tinh để giả làm hàng chính hãng

Hàng có chất lượng nhưng cơ bản là ăn cắp thiết kế và chất xám của hàng chính hãng. Có thể gọi là hàng giả hàng nhái cao cấp loại 1 loại A gì đó.

Ngoài ra, với hàng xách tay còn chia nhỏ tiếp ra như hàng xách tay quốc tế, nội địa, hàng lock, hàng MDM… vô số các loại biến thể khác nữa, tuy nhiên mình cũng không đi quá sâu, vì điểm chung của những loại hàng như vậy đa phần vẫn sẽ là hàng xách tay và vẫn có những rủi ro chung

3. Phân biệt hàng tốt và hàng xấu

Bóc tách vậy đủ rồi, thế khi kết hợp các yếu tố lại với nhau chúng ta sẽ có hàng tốt và hàng xấu như thế nào? Mời các bạn xem hình dưới đây về nhận định của mình

Ở đây mình có thêm 1 phân loại nữa là hàng rủi ro, có nghĩa là bạn sẽ gặp nhiều rủi ro hàng xấu nếu mua các loại hàng này. Hoặc bạn vẫn mua được hàng tốt nhưng sẽ có một số rủi ro tiềm ẩn khác. Ví dụ bạn mua hàng mới tinh, nhưng là xách tay, có thể bạn không được nhận hỗ trợ hay bảo hành từ chính hãng.

4. Đánh giá mức độ uy tín của một cửa hàng bằng sản phẩm mà họ bán

Bản thân mình là một người mua hàng, mình chỉ quan sát thị trường cũng đã có thể tự đưa ra được các phân loại như trên. Với người bán sản phẩm, không có lý do gì để họ không hiểu và phân biệt được như vậy. “Chỉ có người mua nhầm chứ người bán không có nhầm”

Vì vậy, nhìn vào sản phẩm mà một cửa hàng bán, mình cũng có thể đánh giá được sơ bộ về mức độ uy tín mà một cửa hàng hay người chủ cửa hàng đó đang hướng tới. Còn tất nhiên để đánh giá chuyên sâu về mức độ uy tín của một cửa hàng, chúng ta còn phải dựa trên nhiều yếu tố khác như chế độ bảo hành, dịch vụ và cách chăm sóc khách hàng, cách xử lý sự cố… nữa chứ không phải chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hàng họ bán. Nhưng không thể phủ nhận, sử dụng việc đánh giá nguồn hàng là một cách mình thấy đơn giản và hiệu quả để nhanh chóng xếp loại mức độ uy tín, cái tâm và tầm nhìn của người bán

Mình có tự xây dựng một bộ chỉ số đánh giá mức độ uy tín của sản phẩm, thương hiệu và nhà bán cho bản thân mình sử dụng (và mình có áp dụng trong các group của mình nữa) các bạn có thể tham khảo bài viết về bộ chỉ số đánh giá. Trong đó, mình có phân ra 5 cấp uy tín đối với người bán. Ví dụ nhanh là nếu cửa hàng đó là chuỗi lớn chỉ bán hàng chính hãng chính ngạch, mình đánh giá họ uy tín cấp 1. Nhưng nếu họ bán cả hàng xách tay, mình sẽ chỉ xếp hạng vào cấp 2

Với mức độ uy tín cấp 1, mình có thể hoàn toàn tin tưởng để giới thiệu với mọi người và bản thân mình có thể yên tâm mua hàng giá trị cao online. Với các cửa hàng chỉ có độ uy tín cấp 2 và cấp 3, thường mình sẽ cảnh giác hơn nên cũng hạn chế mua online mà sẽ thường đến mua trực tiếp để tự mình kiểm tra chất lượng, dịch vụ và sản phẩm để có những đánh giá chính xác hơn về mức độ uy tín cũng như có các thông tin tốt hơn để quyết định có mua sản phẩm ở đó hay không. Cấp 4, phải vào trường hợp hiếm hoi hoặc không còn lựa chọn mình mới mua hàng từ cấp này. Còn cấp 5, mình chỉ nhắc đến khi muốn cảnh báo mọi người tránh xa cửa hàng đó. Bản thân mình khi chia sẻ deal hời cho các thành viên trong các group của mình, mình cũng áp dụng tiêu chuẩn tương tự để mọi người mua được đồ rẻ mà vẫn uy tín và chất lượng bằng cách tối ưu chi phí phân phối và quảng cáo chứ không đánh đổi giá rẻ với uy tín hay chất lượng

5. Phân tích về hàng xấu và vì sao lại xấu

Với hàng tốt, mình nghĩ không có gì nhiều để bàn luận, có điều kiện cứ mua hàng tốt thôi. Nhưng mình biết khá nhiều người, để ‘tối ưu chi phí’ sẽ chọn hàng có rủi ro hoặc hàng xấu vì thường những món đó có giá thấp hơn hàng tốt

Với hàng có rủi ro, nếu có nhiều kinh nghiệm trong việc chọn và test hàng, các bạn có thể vẫn kiếm được món tốt. Nhưng vẫn có những rủi ro khiến món đồ các bạn kiếm được trở thành món hàng xấu (ví dụ khi mà khả năng test của bạn không giỏi hơn trình độ che giấu của các pháp sư) hoặc có những ảnh hưởng xấu đến xung quanh, như một món hàng xấu

Vì vậy trong phần này, mình sẽ phân tích kỹ về bản chất của hàng xấu, vì sao lại xấu và những ảnh hưởng của hàng xấu đến xung quanh

Kỹ hơn về nguồn gốc hàng xấu

Nếu để ý trong hình của mình phần 3, điểm chung của hàng xấu mà mình liệt kê đều là hàng xách tay hoặc nhập khẩu tiểu ngạch, và mình có đề cập rằng đồ công nghệ và gia dụng nhập khẩu tiểu ngạch là nhập lậu. Vì sao?

Lưu ý: trước khi đi sâu hơn, mình muốn lưu ý rằng mình không phải chuyên gia về xuất nhập khẩu, cũng không phải chuyên gia ‘xách tay’ nên nhận định của mình ở phần này chỉ đơn thuần là nhận định của một người dùng chịu khó quan sát. Nếu bạn nào hiểu sâu về các hình thức nhập khẩu, các con đường xách tay có thể chia sẻ thêm nhé, mình cũng rất muốn được hiểu sâu thêm về việc này

Đầu tiên, nếu search google về xuất nhập khẩu tiểu ngạch, bạn sẽ tìm thấy ngay nhiều định nghĩa “Tiểu ngạch là hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa giữa các cư dân sinh sống tại gần khu vực biên giới của hai nước liền kề nhau. Những mặt hàng buôn bán tiểu ngạch thường là các mặt hàng giá trị nhỏ như: nông sản, các mặt hàng tiêu dùng như quần áo, vải vóc,… (tối đa 2 triệu/người/ngày)” và “Khi tham gia vào hình thức kinh doanh này, các cá nhân vẫn phải đóng thuế (theo mình hiểu là nếu giá trị giao dịch trên 2 triệu) và chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng hàng hóa, kiểm dịch động thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn… bởi các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trước khi thông quan” [1], [2]

Và nếu vậy, đồ công nghệ, gia dụng mới tinh rất khó để có thể nhập khẩu tiểu ngạch ‘đúng quy trình’ và vì thế mới thành hàng ‘xách tay’, ‘xách va-li’, ‘đi theo công’ hay ‘đóng thùng’ – hay đơn giản hơn là nhập lậu, nhập lén lút không khai báo. Ngoài ra, cũng có trường hợp nhập lậu bằng cách khai gian, như là khai nhập 1000 thùng hàng nhưng thực ra có 1050 thùng chẳng hạn, và 50 thùng dư ra chính là hàng ‘xách tay’. Hoặc khai 100 thùng hàng A nhưng thực tế chỉ có 80 thùng hàng A và 20 thùng hàng B, để nhập khẩu như một sản phẩm khác có thuế thấp hơn chẳng hạn hoặc để trà trộn hàng cấm nhập khẩu vào chung với hàng được nhập khẩu [7]

Còn đồ công nghệ và gia dụng cũ đã qua sử dụng thì sao? Chắc chắn là nhập lậu. Vì sao? Vì luật của Việt Nam đã cấm nhập khẩu mấy món đó từ 2015 rồi [3], [4], [5] và mới nhất cũng nghị định 69 năm 2018 [8] cũng nhắc lại. Đồ công nghệ, điện tử, điện lạnh, điện gia dụng , đều nằm trong danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu. Và nếu ‘xách tay’ mấy món này cũng có thể sẽ bị bắt [11]

Vì những lý do trên, mình khá chắc rằng, đồ điện tử ‘xách tay’ ở VN hiện nay đa phần là nhập lậu

Chỉ có 1 số ít xách tay đúng quy định, ví dụ như bạn đi nước ngoài và xách tay 1-2 cái máy về để tiêu dùng, có báo hải quan và họ đồng ý cho bạn cầm qua hoặc may mắn không báo hải quan nhưng không bị kiểm tra, hoặc có bị kiểm tra nhưng vẫn được thông quan. Nhưng lại sử dụng sai mục đích, thay vì tiêu dùng các bạn đem bán, thì cơ bản đây vẫn là hành vi nhập lậu. Còn nếu xách tay quá nhiều, quá vô lý cho việc xách tay để tiêu dùng, bạn cũng sẽ bị bắt vì đang nhập khẩu trái phép [12]

Đương nhiên xách tay với số lượng ít, việc đó không bị cấm vì không khác gì bạn mua về dùng, rồi sau bán hàng cũ lại cho người dùng khác (đó là lý do mấy anh hải quan ở sân bay hay bắt các bạn cầm iPhone mới về bóc seal ra để ‘kiểm tra’, thậm chí bắt bật máy lên, để nó thành ‘hàng cũ’). Nhưng nếu xách tay 42 cái iPhone mới nguyên seal về rồi đăng bán, các bạn có thể bị bắt [6]

Nếu nhìn về góc độ kinh tế, đơn giản là chả có ai đi đi về về xách máy cho các bạn mua hàng xách tay hàng tốt giá rẻ cả. Các bạn cứ xem, nếu đi xách iPhone từ Thái, Sing, HK về bán lúc mới ra mắt giá sẽ x2 x3. Đó mới là chuẩn máy xách tay, vì phải đẩy giá lên như vậy mới có đủ lợi nhuận bù chi phí, và đương nhiên một phần giá được đẩy cao vì khi đó nhu cầu cao còn nguồn cung ít.

Sau đó 1 thời gian, khi giá trong nước với giá nước ngoài chỉ chênh nhau 1-2 triệu, có lúc trong nước chính hãng còn rẻ hơn giá quốc tế, vậy có đáng để xách tay về nữa không khi chả bù nổi chi phí, cùng lắm có vài ông tiện đi du lịch công tác thi thoảng cầm 1-2 con về để giảm chút vé máy bay. Vậy hàng xách tay tối ưu chi phí thế nào để vẫn có lợi nhuận, mình sẽ chia sẻ tiếp ngay sau đây.

Con đường hàng xấu trước khi vào Việt Nam như thế nào?

Mình sẽ share lại bài viết của mình trong Group về việc này, mình biết về con đường này từ lâu rồi, khi mà từ những năm 200x trên Tinh Tế đã có cao nhân nào đó chia sẻ về việc này. Và mới gần đây cũng có 1 loạt bài báo của báo Lao Động lại nói về vấn đề này [9]. Từ thời những năm 200x-201x dùng BlackBerry, Nokia, HTC cho đến bây giờ là iPhone, Samsung, Xiaomi vẫn vậy.

Khi xưa có thể do điều kiện hoàn cảnh là không có nhiều thương hiệu để mắt tới Việt Nam, buộc các thương gia phải kiếm hàng xách tay cho anh em với một mức giá dễ chịu, có thể tạm coi là một lý do chính đáng, là để phục vụ sự thiếu hụt hàng hoá của thị trường.

Mặc dù khi đó, họ vẫn hoàn toàn có thể đi đường chính ngạch, nhưng có thể do luật còn khó khăn, các quy trình còn phức tạp, các chi phí phát sinh quá lớn… chúng ta vẫn có thể tạm chấp nhận, tạm thôi vì khi đó vẫn có những thương gia đi đường chính ngạch.

Những thương gia thời đó mà phát triển theo đường chính ngạch, có lẽ một số ít giờ đã thành các nhà phân phối chính hãng lớn. Nhưng ngày nay, các hãng đã vào VN rất nhiều, các nhà nhập khẩu và phân phối đã giúp hàng hoá chính hãng có sẵn, logistic cũng đã rất tốt để tối ưu chi phí, vậy càng ít lý do chính đáng để bào chữa cho việc xách tay và nhập lậu.

Máy mới chính hãng, cho các thị trường nước ngoài (không nói đến các loại hàng xấu như máy đóng lại hộp đóng lại seal) mà có giá tốt hơn hàng chính hãng trong nước, đa phần sẽ đi theo đường ‘xách tay’ như sau.

  • Kiếm được lô hàng ngon của nước bản địa, có thể vì được giảm giá nhiều, hoặc chiết khấu cao khi ôm nhiều, hoặc là hàng xả kho thanh lý, hay đơn giản vì giá niêm yết ở nước đó nếu quy đổi tỉ giá sẽ rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng ở VN
  • Chuyển về kho tập trung ở TQ hoặc nước nào đó dễ ‘thông quan’ để đi đường tiều ngạch (nhập lậu) vào VN với mục đích chính là để ‘tối ưu chi phí’ và ‘giảm bớt thủ tục hành chính’
  • Vận chuyển về VN: Thường phải chia cho một đội mỗi ông xách một ít cho ‘an toàn’ hoặc sẽ có đơn vị chuyên xử lý việc này.
  • Về đến VN có thể cũng tập kết tại kho của ông bán buôn và từ đó theo hệ thống phân phối đến các cửa hàng bán lẻ

Còn lại, các trường hợp máy qua sử dụng, likenew, máy lock, máy cũ nguyên zin, máy mới không hộp, đa phần sẽ theo quy trình như sau trước khi đến tay người dùng để ‘tối ưu chi phí’ – như một ‘ngành công nghiệp’:

  • Máy cũ từ thập phương đổ về công xưởng lớn nhất thế giới, nước bạn láng giềng
  • Một đội quân phân loại và test sơ bộ xem máy nào cần phù phép và máy nào ngon lành không cần đụng đến.
  • Mà máy ngon thì hiếm lắm nhé. Vì sao? Đặt địa vị bạn là người Mỹ hay Nhật gì đó nhé. Nếu bạn có một cái máy ngon, bạn sẽ thích bán lại cho người dùng nội địa (us,jp) với giá tốt chứ bạn đâu muốn bán lại cho đội thu mua giá rẻ đâu đúng không.
  • Ờ thì kể cả bạn thích bán nhanh, bán luôn cho người thu mua nội địa (us,jp), vậy thì người thu mua cũng vậy, họ cũng sẽ ưu tiên phục vụ nhu cầu nội địa tại chỗ trước, bán cho dân nội địa trước chứ. Và thế là còn lại hàng ế, hàng không đủ tốt, hàng hỏng hóc, hàng không đủ tiêu chuẩn để phục vụ nhu cầu nội địa thì họ mới thải ra cho các ông xách tay thu mua để phục vụ các thị trường quốc tế (TQ, VN)
  • Tiếp đến, các pháp sư sẽ làm bí thuật phục vụ nhu cầu thị trường. Có thể là máy thế nào bán thế đó. Hoặc cũng phù phép vỏ xấu thành mới, màn xước thành trong, pin yếu chạy phát thành khoẻ. Bóc ra dán lại chống nước như thường. Thích nguyên seal hộp cũng được luôn, và cái này tuỳ thị hiếu thị trường
  • Một đội quân khác chuyên sản xuất, gia công và cung cấp các linh kiện, phụ kiện, nguyên liệu mà các pháp sư ở trên cần. Đương nhiên tiêu chí của sản phẩm là rẻ, còn chất lượng thì không ai đảm bảo
  • Bí thuật xong lại có một đội khác test qua và phân loại để đóng thành lô và đem ra chợ (hoặc cũng cắt giảm bước này luôn)
  • Các thương gia của VN sang chợ như mua đồ quần áo hàng thùng. Hầu như phải ôm cả lô, có thể là lô hạng A, B, C gì đó. Nhưng trong lô hạng A,vẫn sẽ có cả hàng A ngon và hàng A không ngon lắm
  • Vận chuyển: thường một đội mỗi lần đi vài ông, mỗi ông cầm một ít cho an toàn (và ít ở đây là vài ba bọc, mỗi bọc cuốn vài chục con máy) – hoặc cũng có một đơn vị chuyên xử lý việc này [12]
  • Về đến VN ông nào có tâm thì test lại và phân loại, hàng ngon bán giá cao, hàng cùi bán giá thấp. Phân phối từ ông bán buôn đến các ông bán lẻ. Hoặc đẩy hàng cùi cho mấy ông không có tâm mông má tiếp bán giá cao lùa gà
  • Một số ông tệ nữa thì lại thêm ‘giá trị gia tăng cho sản phẩm’ như đóng lại seal bán máy cũ với giá máy mới

Nếu bạn may mắn, bạn có thể mua được hàng mới xách tay chuẩn chỉnh hay hàng cũ xách tay ngon lành không bị phù phép do nó đã ‘ngon từ đầu’. Còn nếu xui, bạn sẽ dính máy đã được phù phép, như hàng mới dựng lại từ hàng cũ, hoặc hàng cũ máy đẹp pin mới 99% nhưng đã bị can thiệp phần mềm, phần cứng, như main đã được câu dây, khò chip, ép lại màn…

Nếu đủ tự tin với kinh nghiệm và kiến thức của bản thân, bạn có thể sẽ không ngại hàng kiểu này. Nhưng tốc độ cập nhật kiến thức và kinh nghiệm của bạn liệu có kịp với các pháp sư không lại là câu chuyện khác. Nếu không phải người làm trong nghề, chắc chúng ta sẽ không bao giờ theo kịp các pháp sư.

Ngày xưa, mỗi khi đọc các bài viết phân biệt giữa hàng zin và hàng lô, hàng chuẩn và hàng fake, mình đã và đang ghi nhận công sức của các anh em, những người dùng đã tìm ra điểm khác nhau để giúp các anh em khác kiếm được đồ ngon trong mớ hàng xấu. Nhưng phải chăng anh em cũng đã và đang đóng góp cho ngành công nghiệp xấu 1 tư liệu chi tiết để họ ‘cải thiện chất lượng sản phẩm’ và sẽ càng phù phép các sản phẩm xấu điêu luyện, tinh vi hơn để họ tiếp tục gian dối với các anh em khác?

Nếu áp dụng con đường trên cho các sản phẩm khác có thể kể đến như: laptop, phụ kiện PC (card màn), hàng bãi Nhật, hàng gia dụng cũ, xe đạp bãi, quần áo hàng thùng… mình nghĩ các bạn sẽ thấy nhiều điểm tương đồng. Và những món mình vừa liệt kê cũng đều thuộc danh mục cấm nhập khẩu nên cơ bản cũng toàn là hàng lậu

Có cái ảnh hàng bãi Nhật mình mượn từ bài viết của anh @Nam Air trên Tinh Tế từ lâu lâu rồi, cũng có nói về hàng bãi Nhật tại đây (2017) và tại đây (2020)

Ngoài ra, với một số mặt hàng như mỹ phẩm chẳng hạn. Công nghệ làm giả làm nhái còn kinh khủng hơn, gần như rất khó để phân biệt nếu không có cả hàng thật đặt cạnh hàng giả, thậm chí có những sản phẩm không thể phân biệt bằng cảm quan, chỉ có thể phân biệt nếu lấy mẫu đem đi test.

Rồi chưa kể mức độ cao hơn, đó là thậm chí họ không làm fake thương hiệu nữa mà làm luôn thương hiệu mới, quảng cáo rùm beng là thương hiệu xịn xò Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu lâu đời bán tại bao nhiêu quốc gia, có tiêu chuẩn chứng nhận bản scan dấu đỏ (mà hầu như cho 1 sản phẩm khác) và rồi là trang chủ toàn tiếng Hàn, tiếng Nhật. Nhưng đến lúc check thông tin trang web (như WHOIS chẳng hạn) lại ra chủ sở hữu TQ hay VN.

Kiểm tra thông tin nhà máy sản xuất thì là nhà máy OEM đặt hàng theo yêu cầu. Bản thân mình đã từng check 1 thương hiệu như vậy, khi người thân hỏi mình một sản phẩm có thương hiệu là lạ được quảng cáo rầm rộ. Nhưng với những người không có kinh nghiệm, những thứ hào nhoáng đó có thể đã qua mặt họ rồi

Thêm nữa, giá cả của 1 sản phẩm sẽ chứa các giá trị của sản phẩm ở trong đó. Nếu bạn khấu trừ hết các chi phí phải bỏ ra cho các quy trình và con đường của ngành công nghiệp xách tay ở trên, liệu giá trị thực của sản phẩm mà bạn nhận được còn bao nhiêu?

Vì sao lại có hàng xấu và vì sao nó tồn tại

Vì có cầu ắt sẽ có cung.

Tâm lý ham rẻ của người mua. Mua máy mới cũng thích tìm chỗ giá rẻ nhất mà lại không để ý đến việc đang đánh đổi điều gì cho mức giá đó. Mua máy cũ muốn có giá rẻ nhưng còn yêu cầu ngoại hình như mới, không xước xát với mức sức khoẻ pin 100%. Vì đã bị tiêm nhiễm vào đầu những tư tưởng như hàng ‘xách tay’ tốt hơn hàng ‘chính hãng’ hay hàng bãi, hàng cũ tốt hơn hàng mới

Tâm lý ham lời của người bán. Có thể bán 1 cái máy ‘xách tay’ không có lời nhiều, nhưng vì có rất nhiều người mua muốn mua máy giá rẻ, nên máy ‘xách tay’ giá rẻ sẽ dễ bán hơn và nhanh kiếm lời hơn là bán một cái máy chính hãng giá cao hơn.

Vì thiếu trách nhiệm. Người mua thiếu trách nhiệm khi không tìm hiểu kỹ càng về thứ mình sắp mua, chỉ biết là mua hàng ‘xách tay’ cho rẻ. Người bán thiếu trách nhiệm khi không tìm hiểu về nguồn gốc hàng mình bán, chỉ phục vụ nhu cầu người mua. Hoặc nếu biết nguồn gốc rồi, thì thiếu trách nhiệm khi biết đang làm sai mà vẫn làm.

Nhưng luật quy định rồi mà sao hàng xấu vẫn tồn tại? Đó là sự khác nhau “Từ chính sách đến thực tiễn”. Hãy nghĩ tích cực là vì các bác công chức có nhiệm vụ ngăn chặn hàng xấu này làm không xuể vì hàng xấu quá nhiều mà nhân lực ‘tốt’ lại không đủ để kiểm soát

Vì không nhìn ra các ‘chi phí ngầm’ của việc ham rẻ, của lợi nhuận cao, những ảnh hưởng, hệ luỵ và các chi phí ngầm đó sẽ quay lại ảnh hưởng đến chính người mua, người bán và những người xung quanh.

6. Hệ lụy của hàng xấu

Hệ lụy trực tiếp đến người mua hàng xấu

Khi mua hàng rủi ro và hàng xấu, bạn đang đánh đổi “giá rẻ” để lấy “rủi ro”. Bạn đang tối ưu chi phí bằng cách giảm giá trị sản phẩm và mua rủi ro vào mình. Đây không phải một cách tốt để tối ưu chi phí. Như đã phân tích trong bài viết trước, chúng ta nên tối ưu giá mua dựa trên những giá trị đến từ chi phí phân phối hay chi phí quảng cáo của người bán hay nhà sản xuất.

Nếu bạn không có kinh nghiệm, bạn thậm chí dễ bị lừa mua phải đồ dởm giá tốt, đồ fake giá real, đồ cũ giá mới. Nếu bạn có nhiều kinh nghiệm nhưng các pháp sư giỏi hơn bạn, bạn vẫn có thể sẽ bị qua mặt.

Nếu bạn may mắn khi có một chiếc máy ngon, dùng không khác gì máy mới, chúc mừng bạn đã may mắn lần này. Và chúc bạn may mắn cả lần sau. Vì biết đâu trong tương lai, sẽ có những ảnh hưởng.

Một ví dụ mà có thể coi là một bài học cho người dùng đó là trường hợp điện thoại Trung Quốc nội địa, khi mà mua xách tay giá rẻ hơn nhưng phải đánh đổi một số tính năng hoạt động không ổn định, hoặc đánh đổi thời gian và công sức để chạy lại rom.

Một ví dụ khác về việc rủi ro tiềm ẩn trong tương lai đó là robot hút bụi. Khi xưa mua bản nội địa dùng không vấn đề gì, nhưng một ngày đẹp trời, hãng khoá những sản phẩm “nhập lậu”, đây là những rủi ro phát sinh trong tương lai mà vào thời điểm quá khứ khi mua sản phẩm, có lẽ cả người mua và người bán đều không lường trước được.

Hệ lụy trực tiếp đến người bán hàng xấu

Người bán xấu có thể mất uy tín với khách hàng. Bạn có thể đang vi phạm pháp luật. Bạn có thể đánh mất nhiều thứ đã dày công gây dựng chỉ vì vài món hàng đem lại lợi nhuận nhanh và cao.

Khi khách hàng thay đổi nhận thức mua hàng, bạn cũng sẽ dần mất đi khách hàng nếu vẫn giữ nguyên nhận thức bán hàng. Khi muốn thay đổi, có thể bạn không thoát ra khỏi được hình ảnh cũ hoặc không khiến khách hàng quên đi được hình ảnh cũ rằng bạn từng bán hàng xấu.

Hệ luỵ đến thị trường, gián tiếp ảnh hưởng đến mọi người

Ở góc độ người mua, khi mua một món đồ ‘xách tay’ giá rẻ, các bạn có được cái lợi thấy ngay trước mắt. Ở góc độ người bán, khi bán một món đồ ‘xách tay’ lợi nhuận tốt, các bạn có được cái lợi thấy ngay trước mắt.

Nhưng các bạn đang quên mất các ‘chi phí chìm’ mà các bạn đang ‘tối ưu’ mà sẽ gây ảnh hưởng đến chính các bạn, đến những người khác và đến cả thị trường

Người mua trả tiền cho một sản phẩm xấu, số tiền đó sẽ đến tay người bán xấu, rồi đi ngược theo quy trình xấu, để nuôi cả một ngành ‘công nghiệp xấu’. Ngành công nghiệp xấu này luôn ‘tối ưu chi phí’ rất tốt nhưng lại bằng cách gian lận:

  • Gian lận từ sản phẩm, biến hoá các sản phẩm để có bề ngoài trông có vẻ mang nhiều giá trị dù bên trong có thể không được như vậy
  • Gian lận luật pháp với việc nhập lậu, trốn thuế, giả mạo giấy tờ
  • Gian lận trong chuyện bóc lột người lao động. Bạn mua máy giá rẻ là bạn đang tiếp tay cho các ‘ông chủ xấu’ đang ‘bóc lột và chà đạp’ lên người khác để ‘tối ưu chi phí’
    • Bạn nghĩ trong ‘ngành công nghiệp’ này có sử dụng và bóc lột lao động phụ nữ, trẻ em?
    • Bạn nghĩ các pháp sư và các thợ test có được làm việc trong một môi trường tốt, sạch sẽ, được bảo hộ, và có nhiều phúc lợi không? Nếu so sánh họ với những công nhân được làm trong nhà máy, dây chuyền sản xuất, dây chuyền tân trang chính hãng
    • Bạn nghĩ những nhân viên bán hàng xấu có được trainning để trở thành một người bán hàng tốt không hay họ đang được trainning để tìm cách bán hàng xấu? Bản thân họ có được biết rằng họ đang tham gia vào một hoạt động kinh doanh gian lận?

Với cách ‘tối ưu chi phí’ bằng việc gian lận của những nhà bán hàng xấu, những nhà bán hàng tốt, nhà bán hàng nghiêm túc chuẩn chỉnh cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ vì họ không thể nào cạnh tranh được về giá (khi họ phải đóng thuế và phải bỏ chi phí để cung cấp cho nhân viên của họ môi trường làm việc tốt). Và rõ ràng đây không phải là cạnh tranh công bằng và lành mạnh. Khi không cạnh tranh được về giá, doanh số của người bán hàng tốt sẽ ít hơn, doanh số ít thì nhập hàng cũng ít và nhập hàng ít thì lại khó deal về giá với nhà sản xuất. Vậy nên khi có nhiều người mua hàng xấu của nhiều người bán hàng xấu sẽ ảnh hưởng đến những người bán mua hàng tốt và bán hàng tốt.

Rồi để đến khi chính các bạn người bán hàng xấu, lúc muốn tẩy trắng để qua làm người bán hàng tốt, các bạn sẽ lại gặp chính khó khăn mà các bạn đã tự tạo ra. Nhưng mình vẫn rất mong các bạn chuyển qua làm nhà bán hàng tốt nhé.

Chuyện đi lên từ bán hàng xấu, để rồi khi đủ lực và tiềm năng thì tẩy trắng qua bán hàng tốt, coi như là đang thích ứng với thị trường (khi mà xung quanh quá nhiều người bán hàng xấu) nhưng ít nhất vẫn còn có cái tâm để ‘chuyển mình’, kiểu đã nhận thức được mình đang sai nhưng vẫn phải làm để đạt được mục đích sau cùng là để làm đúng – “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại” mà (cũng giống anh em ngày xưa chưa có nhiều điều kiện hay share nhạc lậu, win lậu nhưng giờ khi có điều kiện và đã có ý thức hơn sẽ nghe nhạc và dùng win bản quyền).

Những người mua hàng tốt khi bán lại máy cũ cũng sẽ chịu cảnh tương tự khi mà tràn ngập xung quanh họ là hàng xấu đang kéo giá món đồ tốt của họ xuống. Vậy là hàng cũ tốt thì bị dìm giá, ít đất để phát triển, còn hàng cũ xấu thì tràn lan. Lên Nhật Tảo xem 10-20 post chắc kiếm được 1-2 post có hàng cũ tốt, còn lại toàn hàng cũ xấu.

Các nhà bán hàng xấu nhập lậu cũng ‘tối ưu chi phí’ bằng cách trốn thuế, thậm chí họ cũng có thể có các chiêu trò khác để ‘hợp pháp hoá’ hàng xấu. Và rõ ràng điều này ảnh hưởng đến nguồn thu thuế của đất nước cũng như ảnh hưởng đến các nhà bán hàng tốt, nghiêm túc, đang đóng thuế (đầy đủ)

Dòng tiền từ hàng xấu gần như rất ít hoặc không quay về được đến nhà sản xuất, và đồng thời cũng ảnh hưởng đến họ khi mà hàng tốt của họ (được bán bởi các nhà bán tốt) đang bị chính hàng xấu cạnh tranh. Nếu chúng ta mua hàng tốt, dòng tiền sẽ được phân bổ về cho các nhà bán tốt, rồi từ đó về với nhà sản xuất để họ tái đầu tư, nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Và từ đó, phần nào cũng để nhà sản xuất ghi nhận đúng hơn về doanh thu từ một thị trường mà từ đó sẽ có chính sách tốt hơn cho thị trường đó. Nhưng khi người mua ham rẻ, mua hàng xấu, nhà sản xuất bị ảnh hưởng, khi đó họ sẽ có những chính sách bất lợi và ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ người mua.

Một ví dụ về việc thay đổi chính sách: Nếu nhìn thị trường VN, mình lấy ví dụ là Apple và iPhone, có nhiều sự thay đổi về chính sách bảo hành, và nếu mình không nhầm, có vẻ như chỉ đặc biệt áp dụng cho VN

Từ bảo hành toàn cầu hạ cấp xuống thành bảo hành theo mã vùng thiết bị, chỉ máy VN/A phân phối chính hãng mới được bảo hành một cách đơn giản, các mã khác phải có hoá đơn mua hàng chính hãng mới có thể được bảo hành. Điều này khác với ngày xưa, bạn có thể đem bất cứ sản phẩm Apple từ mọi mã vùng đến TTBH và vẫn được bảo hành theo chính sách bảo hành toàn cầu. Và mình tin rằng sự thay đổi chính sách này phần nào cũng có nguyên nhân đến từ hàng xấu cũng như sự bành trướng của ngành công nghiệp hàng xấu.

Hay ví dụ mà phía trên mình đã đề cập, các thương hiệu robot hút bụi khoá các sản phẩm “xách tay nhập lậu”, đây là sự thay đổi chính sách để thương hiệu bảo vệ chính họ và chuỗi phân phối chính hãng của họ trong một thị trường nhiều gian lận.

Khi thị trường đầy những khách hàng dễ tính và nhà bán thiếu trách nhiệm (không quan tâm đến những gì mình đang bán và đang mua sẽ ảnh hưởng thế nào đến mình) và còn chấp nhận đánh đổi giá trị sản phẩm để được giá rẻ, thị trường đó cũng sẽ là một thị trường dễ dãi. Và như vậy sẽ khiến các hãng sản xuất, nhà phân phối và các nhà bán hàng (phần nào sẽ thiếu tôn trọng thị trường) sẽ sẵn sàng hoặc phải buộc phải cắt giảm tiêu chuẩn, chất lượng, dịch vụ để phục vụ nhu cầu giá rẻ của khách hàng, và rồi chúng ta lại cứ kêu ‘hội bảo vệ người tiêu dùng ở đâu’. Nhưng chính chúng ta đã không tự có trách nhiệm bảo vệ bản thân mình trước thì không ai bảo vệ được chúng ta đâu.

Nếu so sánh với các ‘thị trường khó tính’ với những người mua khó tính. Chúng ta đang bán cho họ sản phẩm tốt hơn chúng ta đang bán cho chính chúng ta (bán nông sản tốt đạt đủ các loại tiêu chuẩn cao ra US, EU, JP và bán hàng không tiêu chuẩn hoặc ít tiêu chuẩn hơn cho người dân trong nước) và chúng ta lại phải mua đồ của họ với tiêu chuẩn thấp hơn đồ mà họ bán cho người dân của họ (hàng nội địa US, EU, JP vẫn đang được đồn là có tiêu chuẩn nội địa cao hơn tiêu chuẩn xuất khẩu cho các nước ham rẻ)

Và một nhóm cũng có thể bị ảnh hưởng hoặc đang gây ảnh hưởng từ hàng xấu này chính là các nhà quảng cáo, truyền thông, người nổi tiếng, các bạn KOL, reviewer, content creator. Có thể vì chưa hiểu hết về thị trường cũng như hiểu sâu về sản phẩm, mà các bạn cũng đang gián tiếp cổ suý và tiếp tay cho những nhà bán hàng xấu có những hành vi gian lận.

Ngoài tiếp tay cho những ảnh hưởng mình đã đề cập phía trên, chính uy tín của các bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, hãy tìm hiểu kỹ về người bán hàng và chỉ hợp tác với những cửa hàng và người bán hàng tốt. Hoặc hãy chỉ giới thiệu, review những sản phẩm tốt, đừng cổ suý cho những sản phẩm xấu chỉ vì đó là thị hiếu của số đông người dùng hoặc chỉ vì những lợi ích mà bạn nhận được

Ngoài ra, có thể còn có nhiều các bên liên quan khác nữa cũng bị ảnh hưởng bởi hàng xấu mà mình cũng chưa nhận định được đầy đủ, nếu các bạn biết hãy bổ sung cho mình nhé

Hệ luỵ đến môi trường

Việc hàng xấu phát triển mạnh sẽ khiến rất nhiều đồ công nghệ, gia dụng cũ được đem về Việt Nam. Khiến chúng ta đóng góp và hoà chung vào thành bãi rác công nghệ Đông Nam Á.

Mình không thích sống trên bãi rác, và mình nghĩ nhiều người khác cũng vậy. Các nước mà không thích sống trên bãi rác, họ mua hàng mới, hàng tốt về sử dụng rồi sau đó bán hàng cũ cho các nước ham rẻ. Và nước nào ham rẻ thì phải chấp nhận sống trên bãi rác, đây cũng là sự đánh đổi giá trị và chi phí.

Một ‘chi phí chìm’ mà chúng ta ít khi nhận ra, đó chính là chi phí xử lý rác thải sau khi thiết bị kết thúc vòng đời sản phẩm. Nếu là lần tái sử dụng cuối, bạn sẽ hoặc là sống trên đống rác hoặc phải bỏ chi phí ra để xử lý chỗ rác nó. Và trong chi phí xử lý rác, sẽ có rất nhiều chi phí ngầm khác nữa mà phải trả hoặc nếu không sẽ gây ô nhiễm môi trường, mà thường ít khi chúng ta để ý đến.

Ví dụ, pin không được xử lý đúng cách có thể gây ô nhiễm nghiêm trọng cho đất và nước của khu vực, ảnh hưởng đến sức khoẻ của những người xung quanh, rồi lại tốn chi phí để đi chữa bệnh. Khí ga rò rỉ từ đồ điện lạnh cũ cũng không nhìn thấy được, có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến người dùng, nhưng lại rất ảnh hưởng đến môi trường.

Ở tầm vĩ mô, những tác hại về môi trường cũng sẽ ảnh hưởng đến những cam kết về giảm phát thải của VN, mà điều đó có thể dẫn đến việc, nếu chúng ta không làm đúng cam kết, sẽ làm giảm cơ hội đầu tư hoặc hợp tác cũng như các nguồn tài trợ cho môi trường của chính chúng ta. Hay đơn giản nhất như đốt rác không đúng cách sẽ phát thải nhiều khí độc, mà rồi chúng ta phải hít, không ít thì nhiều. Và với khả năng xử lý rác hiện nay của VN, rõ ràng chúng ta nên hạn chế rác thải, bất kể loại rác thải gì

Rác thải điện tử đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam [10] vì vậy chúng ta đừng chung tay góp phần làm bãi rác đó tăng thêm nữa nếu không muốn chúng ta và các đời sau của chúng ta sống trên bãi rác

“Tôi dùng máy cũ là đang tái sử dụng mà” – “Hàng bãi vẫn còn tốt chán, vẫn dùng được 10-20 năm”. Tất nhiên việc tái sử dụng là một điều tốt, nhưng nếu bạn là lần tái sử dụng cuối thì ai sẽ hứng rác thải từ bạn, ngoài chính bạn?

Anh bạn hàng xóm của chúng ta giỏi và khôn lỏi, anh ta tái sử dụng và kiếm tiền từ việc tái sử dụng nhưng anh ta có thể không phải là lần tái sử dụng cuối mà sẽ đẩy sang cho các anh em láng giềng để san sẻ rác sang cho các anh em hứng. Các nước phát triển cũng vậy, thay vì phải xử lý rác thải điện tử, gia dụng, họ bán luôn rác thải cho các nước đang khao khát, vừa không tốn chi phí xử lý mà lại còn thu được tiền về, rõ là hiệu quả hơn rồi

Nếu bạn mua hàng tốt, vòng đời sản phẩm cũng thường cao hơn, và cũng sẽ giảm lượng rác mà chúng ta thải ra. Ví dụ nhanh: Một món 10 triệu tuổi thọ 6 năm chỉ cho ra 1 món rác, còn 2 món 5 triệu mỗi món tuổi thọ còn 3 năm, tổng vẫn cho chúng ta 6 năm sử dụng với cùng chi phí nhưng cuối cùng sẽ sinh ra 2 món rác. Cũng giống như túi tái sử dụng, dù vẫn là nhựa/ là ni-lông nhưng bạn có thể dùng đi dùng lại hàng năm trời. Cùng mức giá, bạn mua được 1 bịch ni lông nhưng có khi mới dùng vài phút là đã thành rác.

Và mình vẫn nhắc lại tái sử dụng là tốt, nhưng cần tỉnh táo, các bạn có thể mua hàng cũ có nguồn gốc tốt để tái sử dụng, đừng mua hàng cũ có nguồn gốc xấu, mang rác về nhà dưới danh nghĩa tái sử dụng

Nếu đọc đến đây, hẳn các bạn cũng đã hình dung ra được một số hệ luỵ, một số ảnh hưởng đến bản thân và người khác nếu chúng ta chọn lựa cách mua hàng không tốt. Và bài viết này cũng là một ví dụ cụ thể hơn về việc đôi khi chúng ta đang gây ảnh hưởng xấu người khác mà không nhận ra điều đó mà mình đã từng chia sẻ trong bài viết này

Có thể, bản thân mình cũng chưa nhìn ra và phân tích đầy đủ những ảnh hưởng không tốt của hàng xách tay. Vì vậy, nếu bạn có góc nhìn nào khác, hãy cùng chia sẻ ở phần bình luận nhé

7. Giải pháp

Về luật pháp, chúng ra có quy định pháp luật rồi nhưng thực tế chưa thể ngăn chặn hoàn toàn hàng xấu đổ bộ về Việt Nam.

Các hãng, các nhà sản xuất cũng có các biện pháp để tìm cách ngăn chặn nhưng có vẻ cũng không quá thành công vì pháp sư gian lận luôn có cách để gian lận. Ví dụ ngày xưa Touch ID thay sang máy khác không dùng được nhưng ngày nay hoàn toàn có thể. Pin không chính hãng ngày xưa không hiện % pin và có cảnh báo nhưng ngày nay cũng đã được khắc phục. Nếu theo dõi thị trường, khi nhà sản xuất tung ra một biện pháp nào đó để ngăn chặn hàng xấu, chỉ một thời gian ngắn sau đó sẽ được các pháp sư hoá giải

Nên muốn giảm được hàng xấu và giảm được các hệ luỵ của hàng xấu. Mình nghĩ phải bắt đầu từ nguồn gốc, đó chính là nhu cầu của người mua, giảm nhu cầu mua hàng xấu và chuyển qua mua hàng tốt. Dễ nhất, nhanh nhất là các bạn có thể share bài viết này.

Bản thân mình muốn cũng viết bài này là để chỉ ra những ảnh hưởng từ những món hàng xấu, hi vọng sẽ có hiệu quả nào đó trong việc giúp mọi người nhận thức đúng và đủ về những chi phí, nhằm góp phần cho sự chuyển dịch thói quen mua hàng, từ hàng xấu qua hàng tốt

Dù mình biết, để thay đổi là rất khó vì quanh chúng ta vẫn đầy rẫy những người chỉ quan tâm đến bản thân và cái lợi trước mắt của chính họ mà không quan tâm ảnh hưởng của họ đến người khác

  • Leo lề rồi chen ngang khi đường tắc → người chen vì để đi nhanh mà đang chà đạp lên người bị chen làm họ bị chậm lại
  • Người nổi tiếng quảng cáo không đúng sự thật, quảng cáo sản phẩm xấu. Người làm nội dung thiếu trách nhiệm, gây độc hại cho trẻ em → chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân mà không nghĩ đến hậu quả của người xem
  • Bật loa nghe nhạc volume lớn, độ chế pô nổ để nẹt pô cho đã, gắn đèn pha siêu sáng mà không quan tâm góc chiếu, tầm chiếu → chỉ quan tâm để sở thích và nhu cầu của bản thân mà không nghĩ đến những ảnh hưởng gây ra cho người khác
  • Mua và bán hàng thiếu trách nhiệm → gây ảnh hưởng xấu cho thị trường, kinh tế, và những mắt xích khác trong chuỗi

Nhưng tốt đến đâu hay đến đấy, và chúng ta nên nghĩ về việc làm thế nào để tốt lên và có những hành động để tốt lên thay vì chỉ chấp nhận rằng xung quanh toàn điều xấu nên chúng ta cũng buộc phải xấu.

Quyền quyết định và mua sắm là của mỗi người. Ai cũng thích mua được nhiều giá trị nhất với mức chi phí thấp nhất, điều đó là hiển nhiên rồi. Nhưng qua bài viết này, mình cũng mong rằng, khi tối ưu chi phí cho bản thân, các bạn hãy chọn tối ưu đúng cách, hãy tối ưu chi phí để mua một món hàng tốt, đừng tối ưu chi phí bằng cách chọn một món hàng xấu, đừng tối ưu chi phí cho bản thân nhưng lại gây ảnh hưởng xấu đến những người khác. Đừng ‘tối ưu chi phí’ bằng cách gian lận.

Có rất nhiều giải pháp thay thế mà không cần gian lận. Và cũng hãy có trách nhiệm với ảnh hưởng của bản thân trong chuỗi kinh tế, đừng tiếp tay cho sự gian lận. Hãy là một người mua hàng có chất lượng

  • Nếu không đủ ngân sách mua một chiếc Flagship mới chính hãng. Bạn có thể cân nhắc một chiếc máy trung cấp mới chính hãng hoặc Flagship cũ chính hãng. Đừng mua hàng ‘xách tay’. Giờ có nhiều cửa hàng chuyên bán hàng chính hãng và chỉ bán hàng chính hãng, họ có bán cả máy qua sử dụng chính hãng, đôi khi giá thành rẻ ngang thậm chí rẻ hơn ‘máy cũ xách tay’
  • Nếu không đủ ngân sách để mua một thiết bị của hãng nổi tiếng. Bạn có thể cân nhắc mua một thiết bị của hãng ít nổi tiếng hơn, đây là giảm chi phí thương hiệu
  • Đừng mua đồ gia dụng Nhật bãi cũ, hãy mua đồ gia dụng Nhật chính hãng được nhập khẩu chính ngạch, hoặc mua đồ gia dụng chính hãng của thương hiệu khác
  • Nếu không đủ ngân sách để mua Windows bản quyền, đừng dùng lậu, bạn có thể thử các hệ điều hành khác rẻ hơn hoặc miễn phí như Ubuntu. Nếu không đủ ngân sách để dùng Microsoft Office, đừng nghĩ đến việc bẻ khoá, có thể thử dùng phần mềm Office mã nguồn mở như Libre. Hãy tìm giải pháp tối ưu chi phí mà không cần phải gian lận
  • Hãy thử tìm kiếm một sản phẩm chính hãng trong nước trước khi mua một sản phẩm thương hiệu ngoại xách tay, vẫn có những nhà sản xuất trong nước đang cố gắng để làm ra một sản phẩm tốt

Ngoài ra, vì chi phí chỉ có thể tối ưu đến một mức giới hạn. Bạn đã tối ưu hết mức rồi mà vẫn chưa đủ ngân sách, đừng nghĩ đến việc gian lận, hãy nghĩ đến việc làm sao để có thể sẵn sàng gia tăng ngân sách, đến từ việc gia tăng thu nhập.

Ngược lại, nếu không thể gia tăng ngân sách, hãy giảm thiểu nhu cầu, đừng giảm thiểu tiêu chuẩn và chất lượng. Hãy mua một món đồ phù hợp với nhu cầu và phù hợp với thu nhập nhưng vẫn đáp ứng tiêu chuẩn cá nhân cao

Mình luôn mong muốn đến một ngày nào đó thị trường công nghệ, gia dụng nói riêng và thị trường Việt Nam sẽ trong sạch hơn, và có nhiều hàng tốt hơn, có tiêu chuẩn cao hơn, có người mua và người bán chất lượng hơn, thật thà hơn. Có tỉ trọng hàng tốt, người bán tốt, người mua tốt chiếm đa số. Để dù khi mình mua hàng mới hay hàng cũ, mình có thể dễ dàng và thoải mái giao dịch hơn, có thể tin tưởng lẫn nhau hơn, có thể có nhiều lựa chọn tốt hơn, có thể mất ít thời gian hơn để tìm được món đồ ưng ý, có thể yên tâm không lo bị lừa, có thể không cần bận tâm về việc phải kiểm tra hàng mới có đúng là hàng mới không

Mình cũng mới trải qua một cú (suýt bị) lừa từ một cửa hàng lớn, với cá nhân mình đánh giá là uy tín, mình đã từng mua hàng nhiều lần từ lâu rồi. Lần này mình mua một món hàng mới chính hãng, vì tin tưởng nên mua online, nhưng họ lại có một ‘sơ suất’ – theo cách mà họ giải thích – đó là ship cho mình hàng trưng bày / đã qua sử dụng, khiến mình mất thời gian đi lại để đổi hàng và họ đương nhiên đã đánh mất niềm tin của mình.

Đến đây, mình cũng muốn đề cập đến các nhóm Chia sẻ deal hời của Ngon Bổ Xẻ, cũng là một giải pháp tối ưu chi phí đúng đắn dành cho các bạn. Trong các nhóm này, mình và các thành viên hay chia sẻ các deal hời chính hãng, được bán bởi nhà bán hàng uy tín nhưng lại có mức giá thấp hơn thị trường chung từ 20-30%, một số trường hợp có thể là 50-80%, và đôi khi, dù rất hiếm có những món hàng được giảm cao hơn thế nữa. Mình thường kiếm deal để tối ưu giá mua dựa trên việc cắt giảm những giá trị đến từ chi phí phân phối hay chi phí quảng cáo.

Mình có quy tắc riêng để đảm bảo chất lượng của từng bài post và chất lượng chung của group. Các bạn có thể tham gia nhóm, có group cho anh em với đồ công nghệ, gia dụng… và nhóm cho chị em với mỹ phẩm, thời trang, bỉm sữa… Mình đều để là nhóm kín vì mình hướng đến chất lượng chứ không cần số lượng và cũng để đảm bảo sự riêng tư cũng như lợi ích cho các thành viên trong nhóm.

Chia sẻ deal hời và review nhanh dành cho anh em. Chị em cũng có thể tham gia vì cũng sẽ có nhiều món đồ gia dụng có thể chị em sẽ quan tâm
Chia sẻ deal hời và review nhanh dành cho chị em. Các anh em cũng có thể tham gia để biết chị em thích gì muốn gì, sẽ đặc biệt hữu ích cho các ngày ‘đặc biệt’ đấy

Bài viết xin được kết thúc tại đây. Cám ơn các bạn đã quan tâm theo dõi.

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.