Apple có đang thực sự bảo vệ môi trường ?

Apple có đang thực sự bảo vệ môi trường ?

Update mới nhất: 08/08/2024

Từ tháng 10/2020, Apple bắt đầu thực hiện chính sách loại bỏ củ sạc và tai nghe trong các hộp sản phẩm bán ra ở tất cả các thị trường. Lý do Apple thực hiện việc loại bỏ củ sạc và tai nghe là “một trong những nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu về môi trường”.

Và kể từ đó trở đi, Apple đề cập nhiều đến nhiều nỗ lực để bảo vệ môi trường. Còn ở góc độ người dùng, rất nhiều (hoặc một số) người dùng cho rằng Apple chỉ đang cố gắng để tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường cũng chỉ là chiêu trò quảng cáo.

Trong bài viết này, mình đọc báo cáo tiến độ môi trường 2024 (Environmental Progress Report) của Apple và chia sẻ với các bạn một số thông tin và sẽ đưa nhận định của mình ở phần sau của bài viết. Mình cũng có vài năm làm việc trong lĩnh vực môi trường nên cũng sẽ hiểu một số thuật ngữ chuyên ngành.

Đây là báo cáo mà Apple đã công khai với toàn thế giới, vì vậy các bạn có thể xem tại trang chủ của Apple. Báo cáo này đã bao gồm các hoạt động đến năm tài chính 2023 và các mục tiêu đặt ra để hướng đến vào năm 2030 và đang là báo cáo mới nhất của Apple tại thời điểm viết bài.

Lưu ý: BÀI DÀI – bản thân cái báo cáo của Apple đã dài 113 trang, chưa kể sẽ có nhiều đoạn phải giải thích thêm thuật ngữ, vì vậy mình sẽ cố gắng cô đọng nhưng chắc chắn bài này sẽ vẫn còn rất dài.

Một số điểm nhấn trong báo cáo

Dưới đây là một số điểm nhấn trong báo cáo của Apple:

  • Giảm tổng phát thải của họ hơn 55%: so với baseline tính từ năm 2015, chưa bao gồm phần bồi hoàn phát thải (emission offset) [1]. Cùng giai đoạn đó, doanh thu tăng 64%. Ước tính, họ đã tránh được 31 triệu tấn phát thải thông qua các nỗ lực giảm thiểu như chuyển đổi chuỗi cung ứng [2] của họ sang sử dụng điện tái tạo và tìm nguồn nguyên liệu tái chế.
  • Sản phẩm có thể giảm phát thải đáng kể nhất là các dòng Apple Watch: bao gồm 100% năng lượng sạch cho việc sản xuất và sử dụng, 30% cho các vật liệu tái chế theo khối lượng và 50% vận chuyển mà không sử dụng phương tiện hàng không.
  • Hơn 320 nhà cung ứng cam kết sử dụng điện tái tạo, tính đến 03/2024, và chiếm 95% các nhà cung ứng trực tiếp của Apple, và họ đang đẩy nhanh tiến trình bằng bộ quy tắc ứng xử để toàn bộ các nhà cung cấp trực tiếp của họ pahir chuyển đổi sang năng lượng tái tạo khi gia công các sản phẩm của Apple.
  • Ủng hộ việc báo cáo minh bạch: hỗ trợ chính sách về khí hậu và môi trường thông qua các hành động và sự tham gia của các bên liên quan. Lộ trình Apple 2030 không chỉ nhằm giải quyết những tác động môi trường của Apple mà còn thúc đẩy mục tiêu bảo vệ môi trường đầy tham vọng trên toàn cầu.
  • Tăng cường sử dụng vật liệu tái chế: Năm 2023, 22% vật liệu trong các sản phẩm của Apple bán ra đến từ các nguồn tái chế. Bao gồm 99% vonfram (tungsen), 71% nhôm, 52% coban, 25% vàng và 24% lithium trong các sản phẩm của họ.

Dưới đây là một số giải thích sâu hơn một số thuật ngữ để các bạn có thể hiểu rõ hơn về các điểm nhấn trên:

  • [1] Emission offset: có thể hiểu là các hoạt động để bù trừ / bồi hoàn cho lượng phát thải, ví dụ thải ra 10 tấn CO2e, thì bỏ tiền ra để mua lại 10 tấn CO2e đó thông qua “tín chỉ các-bon”. Tín chỉ các-bon hiểu đơn giản là lượng các-bon đã được hấp thụ bởi rừng và đã được cấp tín chỉ, phần dưới sẽ có nói kĩ hơn về nó.
  • [2] Chuỗi cung ứng ở đây có thể hiểu đơn giản là toàn bộ các công ty, doanh nghiệp, đối tác của Apple tham gia vào quá trình sản xuất, vận chuyển, kinh doanh… cùng với Apple để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Mục tiêu và tiến độ

Hiện tại, mục tiêu về môi trường của Apple đến năm 2030 khá rõ ràng, bao gồm 10 mục tiêu, trong đó đã có 1 mục tiêu họ đã đạt được, và 9 mục tiêu còn lại vẫn đang trong quá trình.

Mục tiêuTiến độHighlights
Trung hoà các-bon cho các hoạt động của công tyĐã đạt đượcApple đã đạt được mục tiêu trung hoà các-bon vào năm 2020 bằng các sáng kiến về hiệu quả năng lượng, sử dụng 100% điện tái tạo tại các cơ sở của Apple.

Và đầu tư vào tín chỉ các-bon chất lượng cao để bù đắp cho lượng phát thải còn lại khó để trung hoà.
Đạt được mức trung hoà các-bon cho toàn bộ dấu chân các-bon vào năm 2030 – giảm 75% phát thải so với 2015.🔄 Đang thực hiệnTừ 2015, Apple đã giảm phát thải trên 55% xuyên suốt chuỗi giá trị.
Chuyển đổi toàn bộ chuỗi giá trị, bao gồm sản xuất và sử dụng sản phẩm sang 100% điện sạch vào 2030🔄 Đang thực hiệnTính đến 03/2024, hơn 320 và chiếm 95% các nhà cung ứng trực tiếp của Apple đã cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo cho quá trình sản xuất sản phảm Apple
Chỉ sử dụng vật liệu tái chế cho sản phẩm và đóng gói, và tăng cường khả năng phục hồi vật liệu🔄 Đang thực hiệnNăm 2023, 22% vật liệu trong các sản phẩm của Apple bán ra đến từ các nguồn tái chế. Titanium cũng đã được thêm. vào là vật liệu ưu tiên trong năm 2023.
Chuyển đổi sang 100% coban, thiếc, vàng, và các nguyên tố đất hiếm tái chế, trong việc lựa chọn và sử dụng các thành phần vào năm 2025.🔄 Đang thực hiệnVào 2023, 56% coban sử dụng trong pin của các thiết bị Apple bán ra đến từ nguồn vật liệu tái chế.
Loại bỏ nhựa trong đóng gói vào năm 2025🔄 Đang thực hiệnCác sản phẩm của Apple được bán ra năm 2023 chỉ còn 3% nhựa trong bao bì và đóng gói, giảm từ 21% năm 2015
Bồi hoàn toàn bộ nước sạch mà công ty sử dụng tại những địa bàn chịu áp lực cao về nguồn nước vào năm 2030🔄 Đang thực hiệnApple đã hợp tác với các dự án bồi hoàn nước ngọt và đã mang lại 31.2 triệu gallon nước.
Chứng nhận tất cả các data center của Apple theo tiêu chuẩn Liên minh quản lý nước vào năm 2025🔄 Đang thực hiệnCó 5 data center đã được chứng nhận vào 2021, và 20 nhà cung ứng được cấp chứng nhận vào 2017.
Mở rộng và phát triển sự tham gia của các nhà cung ứng vào chương trình nước sạch, ưu tiên các địa điểm chịu áo lức cao, và thúc đẩy các nhà cung ứng tham gia tái sử dụng 50% lượng nước vào năm 2030🔄 Đang thực hiệnThông qua chương trình, Apple đã hỗ trợ 242 nhà cung ứng để đạt mức tái sử dụng nước trung bình là 42%
Loại bỏ rác thải được đưa đến bãi chôn lấp từ các cơ sở của công ty và nhà cung ứng.🔄 Đang thực hiệnTỷ lệ chuyển hướng chất thải tại các cơ sở của công ty đã tăng lên 74 phần trăm, nhờ vào tiến độ tại các trung tâm dữ liệu của chúng tôi.

Trong suốt năm 2023, 100 phần trăm các địa điểm lắp ráp cuối cùng đều duy trì hoạt động không thải chất thải ra bãi chôn lấp.

Hình dưới đây là chặng đường mà Apple đã vạch ra để nhằm đạt được mục tiêu quan trọng nhất là trung hoà toàn bộ dấu chân các bon vào năm 2030.

Để đạt được việc đó, Apple sẽ tập trung vào việc giảm phát thải theo 3 phạm vi (scope) của Green House Gas Protocal (GHG Protocal). GHG Protocal đã được xây dựng 20 năm nay để thiết lập các khuôn khổ tiêu chuẩn toàn cầu để đo lường và quản lý lượng phát thải khí nhà kính (GHG). GHG Protocal có thể dùng cho cả khu vực công và tư, bao gồm các tổ chức chính phủ, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và nhiều tổ chức khác.

Nguồn ảnh: Scope 3 Standard, GHG Protocal

Trong GHG Protocal sẽ có 3 phạm vi [GHG Protocal]:

  • Phạm vi 1: Phát thải khí nhà kính trực tiếp – tức là những phát thải có nguồn gốc được sở hữu hoặc kiểm soát bởi công ty, ví dụ như trụ sở công ty, chiếc xe ô tô của công ty…
  • Phạm vi 2: Phát thải gián tiếp từ điện – tức là những phát thải từ việc tạo ra điện được mua và tiêu thụ bởi công ty. Phát thải này sẽ đến từ các nơi tạo ra điện như nhà máy điện.
  • Phạm vi 3: Các nguồn phát thải gián tiếp khác – tức là những hậu quả từ các hoạt động của công ty trong chuỗi giá trị của công ty, nhưng phát sinh từ những nguồn không do công ty sở hữu hoặc kiểm soát. Ví dụ như là các chuỗi cung ứng vật liệu, các nhà cung cấp logistic, các đơn vị xử lý rác thải, nhà bán lẻ, nhân viên, khách hàng…

Và trong báo cáo của Apple, mục tiêu của họ là sẽ trung hoà dấu chân các-bon vào năm 2030 và sẽ tập trung vào việc giảm thiểu phát thải ở cả 3 phạm vi trên với mức 75% so với 2015, bao gồm ba nguồn phát thải lớn nhất của họ là vật liệu, điện và vận chuyển, xuyên suốt chuỗi giá trị (tức là cả Apple và các nhà cung ứng…). Với những phát thải không thể nào có thể giảm thiểu được, Apple sẽ tập trung đầu tư vào các giải pháp trung hoà, hấp thụ các bon chất lượng cao (mình hiểu là 25% còn lại).

Hành động thực tế

Để đạt được mục tiêu đó, sẽ cần rất nhiều hành động thực tế, nhiều giải pháp và sáng kiến để thực thi, chứ không phải chỉ có mỗi loại bỏ phụ kiện như củ sạc và tai nghe. Và dưới đây mình sẽ tóm tắt những hành động và sáng kiến mà Apple đã và đang làm để đạt được mục tiêu đó.

Thiết kế và vật liệu

Đây là những nỗ lực để giảm thiểu phát thải trong Phạm vi 3 (Scope 3)

Apple đang thiết kế các sản phẩm để phát thải ít hơn bằng cách ưu tiên vật liệu tái chế, đồng thời họ cũng tập tủng vào hiệu quả sử dụng năng lượng của cả phần cứng và phần mềm. Ví dụ năm 2023, vật liệu trong sản phẩm giao đến các cửa hàng và người dùng có 22% là từ nguồn tái chế hoặc tái tạo. Hoặc iMac được thiết kế để sử dụng ít năng lượng hơn 58% so với yêu cầu của tiêu chuẩn ENERGY STAR.

Vật liệu sản xuất

Dưới hình cũng là 15 vật liệu mà Apple đang coi là vật liệu ưu tiên tập trung dựa trên các tác động môi trường, xã hội và chuỗi cung ứng.

Ưu tiên hàng đầu của Apple là thu hồi phế liệu của họ với chất lượng cao (các chương trình trade-in). Sau đó, họ tìm đến các nguồn sau công nghiệp và sau tiêu dùng khác để có vật liệu tái chế chất lượng cao vì sản xuất kim vật liệu tái chế thải ra ít carbon hơn so với vật liệu mới khai thác.

Apple đang giảm dấu chân các-bon của các sản phẩm thông qua việc lựa chọn vật liệu. Ví dụ như những sản phẩm có vỏ ngoài đến từ 100% nhôm tái chế như Mac Studio, Mac Mini, Macbook Air, Macbook Pro, Watch Series 9, Watch SE, iPad. Hay với iPhone 15, họ đã sử dụng đến 75% nhôm tái chế cho phần vỏ.

Vào 2023, 100% coban tái chế được dùng cho pin của Apple Watch và iPhone. Vàng tái chế cũng được sử dụng trong quy trình sản xuất, chiếm 25% trong năm 2023, tăng lên từ 4% của năm 2022, bao gồm vàng được phủ lên các mạch in hoặc các chân kết nối USB-C của iPhone 15.

Đến năm 2025, họ đang có kế hoạch để sử dụng 100% coban tái chế cho toàn bộ pin của các thiết bị, 100% thiếc hàn tái chế và 100% vàng mạ tái chế trong các bảng mạch, và sử dụng 100% đất hiếm tái chế trên mọi nam châm của mọi sản phẩm.

Sử dụng năng lượng

Việc sử dụng năng lượng trên các sản phẩm chiến 29% trên tổng lượng dấu chân các bon của Apple, chính vì vậy mà họ đã giảm phát thải từ khâu thiết kế sản phẩm nhằm giảm năng lượng sử dụng, từ việc phần mềm hoạt động hiệu quả ra sao cho đến nhu cầu năng lượng của từng cấu thành linh kiện để cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng.

Apple đã giảm tổng năng lượng sử dụng của những dòng sản phẩm chính đến 70% so với năm 2008. Các sản phẩm từ Mac, cho đến iPhone hay Apple TV đều sử dụng ít năng lượng hơn mà vẫn đảm bảo hiệu suất.

Giảm nhựa và rác thải trong quá trình đóng gói

Apple đang sắp đạt được mục tiêu đóng gói bằng 100% vật liệu từ “chất xơ” và loại bỏ toàn bộ nhựa trong đóng gói vào năm 2025 (tiếng anh gốc là fiber-based, có thể hiểu là các chất sợi hữu cơ như giấy, gỗ…). Vào 2023, họ đã đạt được một số kết quả như:

  • Nhiều dòng sản phẩm như iPhone 15, Mac, iPad Pro, và Beats đã đóng gói 95% từ chất xơ
  • Apple Watch đã đóng gói 100% là chất xơ
  • Apple Vision Pro được bán ra năm 2024 cũng đã đóng gói 100% chất xơ
  • Năm 2024, tiếp tục nâng cao nỗ lực giảm nhựa trên các dòng sản phẩm: Macbook Pro và Air, Mac Studio, Mac Pro và Mac Mini

Ngoài ra, từ năm 2022, Apple bắt đầu thay thế các nhãn dán trên vỏ hộp của iPhone 14 và 14 Pro series bằng việc in trực tiếp lên vỏ hộp và năm 2023 họ đã mở rộng ra các sản phẩm khác. So với năm cơ sở là 2015, Apple đã giảm 18% lượng nhựa trong đóng gói.

Ngoài ra, một điểm nữa cần đề cập đó là bao bì sản phẩm của Apple được đảm bảo là có thể tái chế và nguồn “chất xơ” họ sử dụng đến từ những nguồn tái chế hoặc những khu vực rừng được quản lý có trách nhiệm.

Từ năm 2017, thông qua quan hệ đối tác với quỹ bảo tồn (The Conservation Fund) và quỹ động vật hoang dã (WWF), Apple đã bảo vệ và cải thiện các hoạt động quản lý rừng trên hơn 1 triệu mẫu Anh (tương đương khoản 405 nghìn ha) rừng đang hoạt động tại Hoa Kỳ và Trung Quốc. Vào 2023, những khu rừng này đã tạo ra đủ nguồn chất xơ để cân bằng với lượng được sử dụng trong bao bì của sản phẩm và còn đóng góp vào nguồn chất xơ có trách nhiệm của toàn cầu.

Điện

Đây là những nỗ lực để giảm phát thải trong phạm vi 2 và phạm vi 3.

Họ đã sử dụng 100% điện tái tạo cho các hoạt động của công ty, bao gồm trung tâm dữ liệu, cửa hàng bán lẻ và các văn phòng.

Vào 2021, với thiết kế máy chủ độc quyền, Apple đã tăng hiệu suất sử dụng năng lượng và kết quả là đã tiết kiệm khoảng 36 triệu kWh mỗi năm.

Ngoài ra, quá trình sản xuất sản phẩm, do các nhà cung ứng thực hiện, chiếm đến 59% tổng lượng dấu chân các bon của Apple, vì vậy họ cũng có những hành động để giảm lượng phát thải từ các nhà cung ứng.

Vào 2023, hơn 100 nhà cung ứng đã tham gia chương trình sử dụng điệu hiệu quả của Apple, tiết kiệm hơn 2 tỉ kWh điện và 2.2 triệu MMBtu năng lượng, ước tính là có thể giảm 1.7 triệu tấn các-bon quy đổi, mức giảm này giảm nhiều hơn 25% so với 2022.

Mục tiêu của Apple là đến năm 2030, toàn bộ các nhà cung ứng của họ cũng sẽ chuyển đổi qua sử dụng điện tái tạo, và đến tháng 3/2024, hơn 320 nhà cung cứng đã cam kết sẽ sử dụng năng lượng tái tạo cho các dây chuyền sản xuất sản phẩm của Apple, và chiếm 95% các chi trả trực tiếp từ Apple cho vật liệu, gia công, lắp ráp, tương đương với hơn 21 GW điện sạch mà họ cam kết, mà trong đó đã vận hành 16.5 GW điện sạch.

Ngoài những nỗ lực để sử dụng điện hiệu quả hơn từ chính công ty, tăng cường hiệu quả cho các nhà cung ứng, sử dụng điện sạch, điện tái tạo, yêu cầu và hỗ trợ các nhà cung ứng chuyển dịch sang điện tái tạo, Apple còn cải thiện hiệu suất sử dụng điện từ việc sử dụng sản phẩm.

Việc sử dụng điện để sạc và cấp nguồn cho thiết bị của người dùng chiếm 29% tổng dấu chân các bon của Apple, vì vậy, họ tăng cường hiệu quả sử dụng điện của sản phẩm, để giảm phát thải khi người dùng sử dụng sản phẩm là cách trực tiếp nhất để giảm được phát thải từ việc sử dụng sản phẩm (như phần trên của bài viết đã đề cập).

Tăng cường tiếp cận đến năng lượng sạch

Apple đã đưa ra sáng kiến này vào năm 2019 để cung cấp điện tái tạo cho các cộng đồng thiếu nguồn lực, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tác động xã hội.

Chương trình tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo đem lại đồng lợi ích cho cộng đồng và tổ chức địa phương, có thể tiếp cận vào nguồn năng lượng có hiệu quả cao và Apple giữ nguyên các thuộc tính môi trường của mỗi dự án. Apple đang hỗ trợ 20 dự án tái tạo ở các quốc gia trên thế giới, bao gồm: Colombia, DR Congo, Israel, Nepal, Nigeria, Philippines, Nam Phi, Thái Lan, Zambia và Việt Nam.

Phần lớn, các dự án của Apple là điện mặt trời, và hỗ trợ cho các bệnh viện, trường học, cộng đồng dân cư đang không tiếp cận được đến nguồn điện. Tại Việt Nam, Apple làm việc để hỗ trợ chương trình cung cấp điện mặt trời cho 20 trường học, giúp giới thiệu năng lượng tái tạo và phát triển bền vững. Trong đó, đã có 5 trường học được lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời và đang hoạt động.

Phát thải trực tiếp

Giảm phát thải trực tiếp là nỗ lực trong Phạm vi 1 và 3.

Apple cam kết giảm phát thải trực tiếp trong tại các cơ sở và trong chuỗi cung ứng của họ bằng cách áp dụng các tiến bộ kỹ thuật hoặc thay đổi cách sản xuất hoặc vận chuyển sản phẩm.

Đến 2023, các nhà sản xuất màn hình hiển thị đã giảm 2.7 triệu tấn các bon quy đổi hàng năm. Apple cũng có chương trình đào tạo về việc cắt giảm và báo cáo phát thải phạm vi 1 với hơn 100 nhà cung ứng tham gia.

Ngoài ra, Apple cũng có các hành động khác như điều phối vận chuyển hàng hoá bằng các phương thức tạo ra ít các bon hơn đường hàng không mỗi khi có thể, như là vận chuyển hàng hải. Vào năm 2023, phát thải từ việc vận chuyển sản phẩm giảm 20% so với năm trước đó. Trung bình, vận chuyển qua hàng hải phát thải ít hơn 95% so với vận chuyển qua hàng không.

Ngoài ra, họ cũng giảm thiểu các không gian thừa thãi trong việc sắp xếp sản phẩm trên các pallets để tối ưu không gian nhằm vận chuyển được nhiều sản phẩm hơn. Thêm nữa, đóng gói sản phẩm cũng được thiết kế lại để gọn gàng hơn giúp việc vận chuyển hiệu quả hơn. Ví dụ Apple Watch S9 và SE được đóng gói gọn gàng hơn sẽ giúp tăng 25% số lượng sản phẩm trong mỗi chuyến ship hàng.

Ngoài ra, Apple còn tìm cách giảm phát thải từ việc nhân viên của hãng đi làm, ví dụ như hỗ trợ nhân viên chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng, xe khách và xe đạp trong khuôn viên. Khuyến khích nhân viên sử dụng xe điện, họ cung cấp hơn 3300 trạm sạc và hơn 1,730 cổng sạc xuyên suốt các khuôn viên của họ tại Mỹ.

Sử dụng tài nguyên

Đây cũng là những nỗ lực nhằm bảo vệ môi trường của Apple, bao gồm những giải pháp sau:

  • Tăng tuổi thọ sản phẩm: Thiết kế phần cứng bền bỉ hơn, sử dụng phần mềm để kéo dài tính năng, cung cấp các dịch vụ sửa chữa chất lượng cao an toàn và tiện lợi, và định hướng các thiết bị, phụ tùng có thể dễ tái chế và tái sử dụng. (iPhone 7, được giới thiệu vào năm 2016, vẫn còn giá trị Trade In bằng tiền vào tháng 04/2024)
  • Phục hồi vật liệu: cải thiện cách thu hồi các sản phẩm đã hết tuổi thọ, và phát triển quy trình tái chế để Apple và cả những bên khác có thể sử dụng thiết bị cũ là nguồn nguyên liệu thô cho tương lai. Robot Daisy đã có thể nhanh chóng và chuyên nghiệp tháo rỡ 29 mẫu iPhone, bao gồm nhiều model từ iPhone 5 đến iPhone 14 PM.
  • Nước: Giảm tác động nguồn nước trong quá trình sản xuất, sử dụng và vận hành. Đồng thời, chuyển dịch sang các giải pháp thay thế, cải thiện chất lượng nước thải ra và bảo vệ nguồn tài nguyên nước chung.
  • Không rác thải: Tối thiểu hoá rác thải được tạo ra và hạn chế rác thải được đưa đến các bãi chôn lấp từ chuỗi cung ứng cũng như các văn phòng, trung tâm dữ liệu và các cửa hàng bán lẻ.

Hoá học thông minh

Thật sự đây cũng là một phần rất chi tiết khác nữa được Apple để trong báo cáo về việc Apple đã có những nỗ lực để họ và các nhà cung ứng sử dụng các vật liệu và hoá chất sao cho có thể đảm bảo các ưu tiên hàng đầu như là an toàn, hiệu suất và môi trường.

Phần này mình sẽ không đi sâu nữa mà chỉ nhấn mạnh 1 điểm trong báo cáo đó là Apple đã vượt qua cả những yêu cầu trong các quy định bằng cách sử dụng những vật liệu an toàn hơn để bảo vệ những người làm ra, những người sử dụng, và những người tái chế sản phẩm của họ.

Cam kết và vận động

Apple phát triển và duy trì mối quan hệ hợp tác với các nhóm làm việc để giải quyết các thách thức về môi trường – từ các nhà hoạch định chính sách đến các bên liên quan tham gia vào việc thúc đẩy thay đổi hàng ngày.

Apple nhận ra rằng họ không thể giải quyết các thách thức môi trường toàn cầu phức tạp một mình mà cần có sự hợp tác với các bên liên quan để giúp xúc tác cho những thay đổi hệ thống rộng lớn hơn cần thiết để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu và các thách thức môi trường khác.

Nhận định của Ngon Bổ Xẻ

Thật sự là báo cáo của Apple rất dài và chi tiết, bản thân mình cũng mới chỉ đọc các thông tin chính, cũng không thể đi sâu và nghiền ngẫm từng ý một. Nhưng khi đọc những báo cáo như thế này, mình mới hiểu nhiều hơn về những gì mà Apple đã, đang và sẽ làm, từ đó, sẽ có nhiều thông tin để đưa ra nhận định như bên dưới.

Nhận định 1: Độ chính xác của số liệu?

Như trong bài viết về Mức độ tin cậy của dẫn chứng, mình có chia sẻ về việc thông tin chính thống công bố của một tổ chức thường sẽ là thông đáng tin cậy, tuy nhiên có thể bị phiến diện (bias) hoặc thậm chí sai sự thật để phục vụ các mục đích khác của tổ chức.

Nhưng với số liệu đưa ra trong báo cáo của Apple, ngoài chuyện tuân thủ các quy chuẩn, cũng đã có những bên thứ 3 độc lập review và kiểm chứng lại những số liệu đó, các bạn sẽ tìm thấy trong Appendix C của báo cáo.

Cụ thể, trong báo cáo này của Apple, có APEX và Fraunhofer là các bên thứ ba tham gia xác minh độc lập để đảm bảo tính chính xác của số liệu. APEX là một công ty lớn tại Mỹ về kỹ thuật và môi trường được thành lập từ năm 1988 và hoạt động trên cả 50 bang tại quốc gia này. Fraunhofer là một tổ chức nghiên cứu của Đức được thành lập năm 1949, với 76 viện nghiên cứu cho các lĩnh vực khác nhau trong khối khoa học ứng dụng.

Vậy, ít nhất độ chính xác và uy tín của số liệu đã được đảm bảo bằng uy tín của 3 đơn vị rất lớn đó là Apple, APEX và Fraunhofer, và cơ bản mình thấy như vậy là đủ uy tín cho những số liệu công bố.

Ngoài ra, trong báo cáo của mình, Apple có đề cập đến việc họ đã mua tín chỉ các bon để bồi hoàn cho lượng các bon phát thải trong năm 2023, cụ thể là 485 tấn các bon quy đổi từ 2 dự án Chyulu Hills và Guinan, đây là 2 dự án được cấp tín chỉ các bon theo tiêu chuẩn VCS của Verra, các bạn cũng có thể tìm thấy thông tin của những giao dịch này trong báo cáo của Apple và trên Registry của Verra.

Nói đến tín chỉ các bon thì sẽ cần rất nhiều bài viết khác, nhưng ngắn gọn để dễ hiểu thì ví dụ, bạn có 1 miếng rừng, theo tiêu chuẩn cực kì khắc nghiệt của Verra, bạn phải chứng minh, đảm bảo nhiều điều kiện và phải được Verra kiểm kê xác nhận, rằng miếng rừng đó đã hấp thụ 1 tấn các bon quy đổi trong năm 2023, thì bạn được cấp 1 chứng chỉ các bon, khi đó bạn có thể bán 1 chứng chỉ đó trên thị trường các bon, cho những người cần mua, như Apple.

Còn Apple, trong quá trình vận hành thải ra 10 tấn các bon, nhưng họ lại không sở hữu 1 cánh rừng như bạn để trung hoà lượng các bon thải ra đó, họ sẽ mua tín chỉ các bon đó từ bạn, để trừ vào chỗ họ đã thải ra.

Kết quả là bạn kiếm được tiền từ việc miếng rừng của bạn hấp thụ các bon, để dùng tiền đó tiếp tục bảo vệ, mở rộng hoặc nâng cao chất lượng rừng, còn Apple giảm được 1 tấn các bon đã thải ra.

Và Verra là một tổ chức có thể nói là đang đi đầu về việc chứng nhận và kiểm kê tín chỉ các bon với quy trình chuẩn mực và khắt khe mà đang được thế giới sử dụng, mọi chứng nhận, tín chỉ, lưu trữ giao dịch đều sẽ có trên “sổ sách” (registry) của Verra, các bạn có thể truy cập link trong báo cáo của Apple và tìm đến những giao dịch mua bán tín chỉ các bon đó.

Dựa theo “sổ sách” của Verra, mình thấy Apple đã thực hiện việc mua tín chỉ các-bon này khá đều đặn từ 2021 đến 2023, và nếu có thời gian đào lại các báo cáo trước đây, các bạn sẽ thấy các thông tin đó.

Nhận định 2: Nỗ lực và hành động của Apple không hề nhỏ

Sau khi đọc báo cáo này, mình thấy nỗ lực và hành động của Apple không hề ít, mà thật sự đem lại nhiều tác động tích cực, cho cả môi trường lẫn xã hội.

Ở góc độ người dùng, có lẽ chúng ta chỉ để ý đến những hành động ảnh hưởng đến chính chúng ta như việc loại bỏ sạc và tai nghe. Nhưng rõ ràng, đó chỉ là một hành động nhỏ trong rất nhiều các hành động khác để bảo vệ môi trường mà Apple đã và đang thực hiện.

Họ có mục tiêu rõ ràng, họ có tiến trình rõ ràng, họ đang bắt đầu đạt được những cam kết mà họ đề ra. Thậm chí họ còn lôi kéo, rủ rê, và hỗ trợ các bên liên quan tham gia cùng, dễ thấy nhất chính là các nhà cung ứng trong chuỗi giá trị của họ, ngoài ra còn có các chính phủ các nước, các NGOs, các cộng đồng dân cư…

Họ tiếp cận việc bảo vệ môi trường với nhiều góc độ, từ việc giảm phát thải từ việc thiết kế, sản xuất, vận chuyển, cho đến việc tối ưu sử dụng tài nguyên, tái chế vật liệu, giải quyết rác thải…

Đồng thời họ cũng đã chi tiền ra để mua tín chỉ các bon, và trong tương lai còn có kế hoạch để bỏ nhiều tiền hơn và mua nhiều hơn, vì như báo cáo này, kể cả làm hết khả năng, họ chỉ có thể giảm 75% phát thải, 25% còn lại không thể giảm được nữa mà sẽ phải bồi hoàn thông qua việc mua tín chỉ các bon, họ mới có thể đạt được việc mục tiêu là trung hoà dấu chân các bon của họ vào năm 2030.

Nhận định 3: Apple có đang thực sự bảo vệ môi trường ?

CÓ !!!. Dựa trên những gì đọc được trong báo cáo, nhận định của mình là Apple đang có thực sự bảo vệ môi trường.

Tất nhiên, đã là doanh nghiệp thì tối ưu chi phí để có lợi nhuận sẽ luôn là ưu tiên hàng đầu. Nhưng điều đó không có nghĩa là những nỗ lực khác như nỗ lực bảo vệ môi trường là cỏ rác.

Vì vậy, những nhận định như: “Apple bảo vệ môi trường chỉ là quảng cáo” mình thấy không chính xác, vì những lý do sau:

  • Những người có nhận định đó, không đưa ra được căn cứ đủ thuyết phục để chứng minh nhận định của họ.
  • Apple đã làm nhiều hơn những gì cần thiết, nhiều tiêu chí vượt qua cả các yêu cầu trong các quy định, nếu đó chỉ là để quảng cáo, họ đâu cần nỗ lực đến vậy.
  • Và khi Apple bảo vệ môi trường, Apple hiển nhiên có quyền dùng nó để quảng cáo, họ đã bỏ tiền và nỗ lực để bảo vệ môi trường, vì vậy quảng bá về việc họ đang bảo vệ môi trường không có gì sai, và dùng các hành động bảo vệ môi trường đó để tiếp tục quảng cáo nâng cao thương hiệu, quảng cáo bán hàng cũng là điều dễ hiểu, một mũi tên trúng nhiều đích. Không phải cứ dùng nó để quảng cáo có nghĩa là nó chỉ là quảng cáo.

Chưa kể, nếu nhìn các báo cáo tiến trình về môi trường của một số thương hiệu khác (mình chỉ đọc lướt thôi chứ chưa đọc kỹ, nhưng chắc sẽ có nhiều bạn đọc dùm mình, và khuyến khích đọc rồi hẵng phản biện nhé, mình sẽ để link bên dưới), ví dụ như:

  • Samsung, trong báo cáo 2024, họ mới chỉ dám hứa là sẽ trung hoà các bon của phạm vi 1 và 2 của mảng thiết bị (như điện thoại, màn hình, gia dụng…) vào năm 2030 chứ không hề đề cập đến trung hoà các-bon ở phạm vi 3. Apple đang giải quyết vấn đề trên cả 3 phạm vi đó và cam kết trung hoà các bon cho toàn bộ dấu chân các bon (tức là cho cả 3 phạm vi) vào 2030.
  • Huawei, thậm chí cũng chỉ cam kết trong kế hoạch xanh 2030 của họ là những toàn nhà mới, được xây dựng từ 2030 trở đi sẽ net-zero các bon và đến năm 2050 mới có thể net-zero các bon cho toàn bộ các toà nhà của họ. Không thấy đề cập gì đến các mục tiêu trong 3 phạm vi. Trong khi với Apple, năm 2020 họ đã trung hoà các-bon cho các hoạt động của công ty tại các cơ sở của họ. Trong báo cáo môi trường 2022 (mới nhất tại thời điểm viết bài), Huawei cũng mới chỉ đề cập đến phát thải phạm vi 1 và 2, tức là chưa quan tâm hoặc chưa đủ khả năng để đo đếm phát thải ở phạm vi 3.
  • Xiaomi, trong báo cáo năm 2023, bắt đầu cân đo đong đếm phát thải phạm vi 3 từ 2021, nhưng số liệu của năm 2022 trong báo cáo năm 2023 vẫn chưa sẵn sàng ở thời điểm tháng 8/2024 của bài viết này, dù được kì vọng là sẽ công bố vào tháng 07/2023. Trong báo cáo đó, Xiaomi cũng cam kết sẽ đạt net-zero các bon vào năm 2050 với phạm vi 1 và phạm vi 2, không hứa với phạm vi 3.

Đó là một số ví dụ để các bạn thấy hiện Apple đang đi đầu về việc bảo vệ môi trường thế nào khi so sánh với một số các nhà sản xuất thiết bị di động lớn khác. Ngoài lề một chút, trong số các báo cáo của các hãng, báo cáo của Apple vẫn cho trải nghiệm đọc đỉnh nhất và truyền tải thông tin tốt nhất.

Tóm lại, Apple không chỉ quảng cáo, không chỉ nói mồm, mà dựa trên báo cáo, mình thấy họ đang thật sự làm, đang thật sự có những nỗ lực để bảo vệ môi trường, và thậm chí đang dẫn đầu trong việc đó nếu so sánh với những nhà sản xuất khác.

Bản thân mình chỉ là người dùng, mình cũng không hài lòng với nhiều quyết định của Apple như bỏ củ sạc, bỏ tai nghe, bỏ jack 3.5mm, chậm trễ chuyển sang Type-C trên iPhone, bỏ các loại cổng kết nối cần thiết trên Macbook. Nhưng ở khía cạnh bảo vệ môi trường, mình vẫn phải ghi nhận những nỗ lực của Apple.

Bài viết xin kết thúc tại đây.

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.