Đánh giá củ sạc siêu mỏng Ugreen Nexode Pro 65W Ultra Slim
Update mới nhất: 06/08/2024
Ugreen Nexode Pro 65W Ultra Slim là một củ sạc siêu mỏng với 2 cổng Type C và 1 cổng Type A. Mặc dù không phải là củ sạc 65W mỏng nhất, nhỏ nhất ở thời điểm hiện tại, nhưng đây lại là một củ sạc cân bằng được các yếu tố nhỏ gọn và chất lượng điện đầu ra mà không phải đánh đổi như củ sạc siêu mỏng Cuktech Ultra Slim mà mình đã từng review.
Ugreen là một thương của Trung Quốc được thành lập vào năm 2012, chuyên sản xuất các thiết bị điện tử tiêu dùng như adapter sạc, dây cáp USB, HDMI và rất nhiều các loại phụ kiện khác nữa. Hiện tại, Ugreen đã bán ra trên 240 triệu sản phẩm cho hơn 100 triệu người dùng tại hơn 130 quốc gia trong đó có cả những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu.
Nội dung chính
Thông số kỹ thuật
Dưới đây là một vài thông số kỹ thuật chính của củ sạc Ugreen Nexode Pro 65W Ultra Slim, các bạn cũng có thể xem thêm trên trang chủ của Ugreen:
- Model: X753
- Input: 100-240V ~ 50/60Hz 1.8A Max
- Output
C1: 5V⎓3A / 9V⎓3A / 12V⎓3A / 15V⎓3A / 20V⎓3.25A (65W Max)
C2: 5V⎓3A / 9V⎓3A / 12V⎓2.5A / 15V⎓2A / 20V⎓1.5A (30W Max)
USB-A: 5V⎓3A / 9V⎓2A / 12V⎓1.5A / 10V⎓2.25A (22.5W Max) - Tổng công suất đầu ra: 65W
- Kích thước: 93 x 47.5 x 15mm
- Tính năng an toàn: Bảo vệ quá áp, quá dòng, quá tải, quá nhiệt, ngắn mạch. Bảo vệ chống cháy tiêu chuẩn UL94-V0.
Ngoại hình và thiết kế
Cái tên cũng đã nói lên tất cả. Điểm mạnh của củ sạc này chính là sự nhỏ gọn và mỏng nhẹ. Với thiết kế siêu mỏng này, chúng ta có thể dễ dàng nhét vào túi xách và balo hơn so với các củ sạc dạng hình khối hộp.
Trong hộp sản phẩm chỉ có củ sạc và một số tài liệu hướng dẫn. Chất liệu vỏ là nhựa và được sơn lớp sơn kim loại, trông rất giống kim loại nhưng yên tâm là sẽ không dẫn điện.
Được trang bị 3 cổng sạc 2 cổng Type C và 1 cổng Type A, trong đó chỉ có cổng C1 là lên được 65W và sẽ có thêm ký hiệu riêng.
Ugreen Ultra Slim có độ dày 15mm, chỉ dày hơn Cuktech 1mm, tuy nhiên vì cạnh bên lại không bo cong nên vẫn cho cảm giác cầm và khi nhìn vào thấy khá dày.
Mặt sau là nơi ghi thông tin sản phẩm với nhiều các chỉ tiêu về an toàn tại thị trường Mỹ và Nhật, vì chân dẹt dạng này cũng phục vụ cả 2 thị trường đó. Phần ốp mặt sau này hoàn thiện chưa tốt, hơi có chút nham nhở ở phần ghép nối.
Cách bố trí chân cắm điện và cổng sạc dạng nằm ngang này sẽ giúp dây cắm không bị gập trong hầu hết trường hợp sử dụng.
So sánh về kích thước với Cuktech Ultra Slim 65W, Ugreen có độ mỏng gần như là tương đương, còn chiều dài và rộng sẽ lớn hơn một chút, vì dù sao Ugreen cũng có trang bị nhiều hơn 1 cổng sạc.
So sánh với kích cỡ thẻ ngân hàng, chiều dài của Ugreen Ultra Slim gần như tương đương và chiều rộng thì nhỏ hơn một chút
Tuy nhiên, đánh giá tổng thể về ngoại hình và chất lượng hoàn thiện bên ngoài, mình thấy với củ sạc Ultra Slim này, Ugreen làm chưa tốt như RoboGaN trước đây, và cũng hoàn thiện chưa đẹp và chỉn chu như Cuktech.
Về thiết kế của Ugreen Ultra Slim, mình ưng ý nhất là độ mỏng 15mm, và chê nhất phần mặt sau hoàn thiện không đẹp. Tất nhiên, chê vậy nhưng sử dụng thực tế cũng không ảnh hưởng.
Công suất và chuẩn sạc
Mình đã test với tải giả điện tử, cổng C1 có thể cho ra công suất tối đa là 63.56W với dòng 3.25A và điện áp 19.55V. Cổng C2 có thể cho ra công suất tối đa là 29.33W với dòng điện 2.5A và điện áp 11.73V. Cổng A cho ra công suất tối đa là 21.23W với dòng điện 2.25A và điện áp 9.43V
Nhìn chung mức tổng công suất cho cũng khá sát với công bố của nhà sản xuất, chỉ chênh lệch với mức công bố khoảng 2-3% đối với 2 cổng Type C. Còn cổng Type A lệch 5.6% so với mức công bố, mình đánh giá là hơi nhiều hơn 1 chút so với mức giới hạn thông thường mà các nhà sản xuất sử dụng là khoảng 5%.
Lưu ý, điện áp tối đa trên đây mình đo là đã đi qua cáp và có bị ảnh hưởng bởi nội trở của cọng cáp, nhưng vẫn có giá trị tham khảo vì nó tương tự như khi dùng thực tế, các bạn sẽ đều phải cắm cáp. Mỗi cọng cáp với nội trở khác nhau cũng sẽ ảnh hưởng đến điện áp và công suất đầu ra.
Về chuẩn sạc, Ugreen Ultra Slim hỗ trợ khá đa dạng, vẫn là các chuẩn phổ biến như PD 3.0, QC4+, PPS… đảm bảo sạc nhanh cho nhiều thiết bị trên thị trường.
Một điểm đặc biệt trong các chuẩn sạc nhanh của Ugreen Ultra Slim là có UFCS 33W được hỗ trợ ở cổng C1, đây là tiêu chuẩn chung của nhiều hãng điện thoại Trung Quốc như Huawei, OPPO, Vivo, và Xiaomi… Chuẩn UFCS này mình không thấy có trên của RoboGaN 65W và Cuktech 65W trước đây.
Ngoài ra, nhà sản xuất cũng có công bố Ugreen Ultra Slim hỗ trợ sạc nhanh 45W Super Fast Charging 2.0 cho các dòng máy Samsung.
Cách phân bổ công suất củ sạc Ugreen Ultra Slim 65W cũng khá tương đồng với củ sạc RoboGaN mà mình từng review, các bạn có thể xem thêm ảnh dưới đây,
Khi cắm cả 2 cổng C1 và C2, điện sẽ được chia 45W-20W, ổn hơn nhiều so với cách chia điện 45W-10W của cục Cuktech Ultra Slim.
Ripple and Noise
Ripple and Noise (R/N – Gợn sóng và nhiễu) là một thông số có thể giúp chúng ta đánh giá sâu hơn về chất lượng của điện DC đầu ra của một bộ nguồn, cục sạc, và adapter. Các bạn muốn hiểu kỹ hơn về Ripple and Noise có thể xem thêm trong bài viết này: Ripple and Noise của nguồn sạc là gì và ảnh hưởng thế nào đến thiết bị. Còn dưới dây mình sẽ chỉ tóm tắt một vài ý chính.
Giải thích ngắn gọn, trong quá trình chuyển đổi từ điện xoay chiều AC sang điện một chiều DC sẽ tạo ra nhiều R/N không mong muốn.
Nếu R/N quá cao, điện đầu ra không ổn định có thể tác động xấu đến thiết bị. Vì vậy, củ sạc có linh kiện tốt, chất lượng tốt thì khả năng “lọc” điện đầu ra cũng sẽ tốt, và R/N cũng sẽ nhỏ.
Dưới đây mình sẽ chia sẻ kết quả đo R/N của Ugreen Ultra Slim 65W, mình nhờ một người anh của mình đo đạc bằng máy hiện sóng đúng theo phương pháp phổ biến mà chuyên ngành điện tử vẫn đang sử dụng.
Lưu ý: Kết quả chỉ mang tính tham khảo. Đo 1 mẫu nên không đại diện cho model hay thương hiệu. Chỉ là số liệu tại thời điểm mới mua, chưa đánh giá được chất lượng sau thời gian dài sử dụng.
Với cổng C1, ở công suất tối đa với điện áp 20V, chính xác là 19.55V sau khi full tải, R/N đo được là 54.4mVp-p, là khoảng 0.28%. Mức R/N này thể hiện chất lượng điện đầu ra của cổng C1 ở công suất tối đa rất tốt.
Đối với cổng C2, ở công suất tối đa 30W với điện áp 12V, chính xác là 11.73V sau khi full tải, R/N đo được là 40.4mVp-p, là khoảng 0.34%, mức R/N này thể hiện chất lượng điện đầu ra của cổng C2 cũng rất tốt.
Đối với cổng A, ở công suất tối đa 22.5W với điện áp 10V, chính xác là 9.43V sau khi full tải, R/N đo được là 63.6mVp-p, là khoảng 0.67%, mức R/N này thể hiện chất lượng điện đầu ra của cổng A tuy có kém hơn 2 cổng C nhưng cũng vẫn rất tốt.
Mức R/N của củ sạc Ugreen Ultra Slim 65W làm mình ấn tượng, vì với kích thước nhỏ gọn như vậy mà vẫn duy trì được điện đầu ra có R/N thấp và sạch sẽ. Mức R/N này của củ sạc Ugreen Ultra Slim 65W thậm chí tốt hơn nhiều củ sạc có kích thước lớn hơn. Các bạn có thể tham khảo thêm kết quả của nhiều củ sạc khác mà mình đã thực hiện đo đạc tại đây: Dữ liệu đo đạc một số củ sạc đang bán trên thị trường
Một số nhận xét về trải nghiệm sử dụng thực tế
Về khối lượng và kích thước cũng như sự tiện lợi, Ugreen Ultra Slim 65W đã giúp mình gọn gàng và nhẹ nhàng hơn nhiều khi cần mang theo, giảm được khoảng 135g và tiết kiệm nhiều thể tích cho ngăn đựng phụ kiện trong balo. Trước đây 1 củ sạc máy tính và 1 củ sạc điện thoại đã tốn quá nhiều chỗ, nay đã nhỏ gọn và nhẹ hơn rất nhiều.
Với trải nghiệm sử dụng thực tế, mình đánh giá Ugreen Ultra Slim 65W có những ưu điểm sau:
- Kích thước nhỏ gọn và siêu mỏng, dễ nhét túi xách, balo để mang đi lại
- Tổng công suất 65W, sạc nhanh được cho nhiều máy tính và điện thoại. Phân phối công suất khá ổn.
- Sạc 3 thiết bị cùng lúc.
- Chất lượng điện đầu ra sạch, R/N thấp
Và những nhược điểm sau
- Khi sử dụng nhiều tải, full công suất, cục sạc sẽ nóng. Đây là điểm mà hầu như củ sạc nhỏ gọn nào cũng sẽ gặp
- Hoàn thiện bên ngoài vẫn có một số điểm chưa thật sự đẹp.
Tổng kết
Ugreen Ultra Slim 65W là một mẫu sạc Ultra Slim mình ưng ý nhất tại thời điểm hiện tại khi vẫn đảm bảo độ mỏng mà lại không đánh đổi chất lượng điện đầu ra, vẫn có chất lượng điện rất tốt.
Tất nhiên, vẫn phải có sự đánh đổi, đó là kích thước chiều rộng chiều dài sẽ lớn hơn một chút, mức độ hoàn thiện bên ngoài vẫn có một số điểm chưa hoàn hảo, và mức giá cũng đã cao hơn kha khá so với các củ sạc 65W thông thường (mà không phải dòng slim).
Nhưng tổng thể, với mức giá loanh quanh 6-700k cho một củ sạc mỏng nhẹ và công suất cao, mình vẫn thấy hoàn toàn hợp lý.
Trước đây, trong bài viết về Cuktech 65W, mình cũng đã đề cập “kể ra, nếu Cuktech bán đắt hơn chút nữa mà chất lượng điện đầu ra tốt hơn, mình cũng vẫn sẽ sẵn sàng chi thêm cho phần gia tăng đó”, và hiện tại Ugreen đã làm điều đó và chắc chắn đây sẽ là củ sạc mà mình sử dụng lâu dài trong thời gian tới.
Các bạn có thể tham khảo thêm về sản phẩm này tại gian hàng chính hãng Ugreen Official Shop trên các sàn thương mại điện tử:
Ngoài ra, Ngon Bổ Xẻ tặng các bạn mã voucher <UGRENXD> để được giảm ngay 10% tối đa 90,000đ cho mẫu sạc Ugreen 65W Slim, Ugreen RoboGaN, Dock sạc không dây Qi2, và một vài sản phẩm khác nữa. Các bạn nhập mã voucher vào phần Voucher của Shop khi tiến hành thanh toán và có thể tiếp tục add thêm Voucher của sàn để được giảm giá thêm.
Bài viết xin được kết thúc tại đây. Chân thành cảm ơn @một-người-anh-kỹ-sư-điện-tử-của-mình vì đã hỗ trợ mình có thể hoàn thiện bài viết này.
Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️
Chia sẻ bài viết:
Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết