7 chuyện hoang đường về xe điện
Đây là 7 chuyện hoang đường và sự thật về xe điện được đăng tải lên website của Cơ Quan Bảo Vệ Môi Sinh Hoa Kì – United States Environmental Protection Agency (EPA), mình dịch lại để cung cấp thêm thông tin về xe điện cho các bạn đọc. Bài viết gốc các bạn có thể xem thêm tại đây: Electric Vehicle Myths.
Đây là tài liệu chính thức được công bố bởi một cơ quan chính phủ của Hoa Kỳ, cũng được coi là tài liệu có độ tin cậy và chính xác cao. Mình đã từng chia sẻ trong bài viết: Mức độ tin cậy của dẫn chứng.
Ngày mình thực hiện bản dịch này là vào 16/07/2024, bài viết gốc được cập nhật lần cuối vào 02/07/2024. Trong tương lai có thể bài viết gốc sẽ được tiếp tục cập nhật và có thể thông tin sẽ khác với nội dung bản dịch này. Nếu thấy có sự khác nhau, các bạn hãy comment hoặc nhắn mình để mình cập nhật bài dịch này.
Lưu ý: vì bài viết này được công bố bởi cơ quan tại Hoa Kỳ, nên nội dung cũng sẽ là với bối cảnh Hoa Kỳ, ví dụ như nhắc đến xe điện sẽ là ô tô điện. Ngoài ra, mình sẽ lược bỏ 1 số thông tin không quá liên quan đến nội dung bài và có chuyển đổi 1 số đơn vị. Dưới đây là nội dung bài viết.
Nội dung chính
Chuyện hoang đường #1
Các phương tiện chạy bằng điện có hại cho khí hậu hơn các phương tiện chạy bằng xăng vì phát thải của các nhà máy điện.
SỰ THẬT: Xe điện thường có dấu chân carbon (carbon footprint) nhỏ hơn so với xe chạy xăng, kể cả khi đã tính lượng điện được sử dụng cho việc sạc.
*Thêm thông tin ngoài nội dung bài viết gốc: dấu chân carbon là tổng lượng khí nhà kính phát thải từ một hoạt động, sản phẩm, công ty, quốc gia… trong quá trình sản xuất, sử dụng, thải bỏ… Dấu chân carbon thường được tính bằng tấn CO2 – quy đổi (từ nhiều loại khí nhà kính như CO2 , CH4 , N2O…). Dấu chân carbon của sản phẩm bao gồm lượng phát thải trong toàn bộ vòng đời, những hoạt động này diễn ra từ khâu sản xuất dọc theo chuỗi cung ứng đến khâu tiêu thụ và thải bỏ cuối cùng.
Xe điện (EV) không có khí thải từ ống xả. Tuy nhiên, việc tạo ra điện dùng để sạc xe điện, có thể gây ô nhiễm carbon. Mức độ ô nhiễm lại rất khác nhau tuỳ thuộc vào cách tạo ra năng lượng tại địa phương, ví dụ sử dụng than hay khí đốt tự nhiên sẽ phát thải khí nhà kính, so với các nguồn năng lượng tái tạo như gió hoặc năng lượng mặt trời thì không.
Ngay cả khi tính đến lượng phát thải từ điện để sạc xe điện này này, nghiên cứu cho thấy xe điện thường chịu trách nhiệm giảm lượng khí nhà kính (GHG) thấp hơn so với một chiếc ô tô chạy xăng mới thông thường.
Trong trường hợp nhiều nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời được sử dụng để tạo ra điện, tổng lượng khí nhà kính liên quan đến xe điện có thể còn thấp hơn. (Vào năm 2020, năng lượng tái tạo đã trở thành nguồn điện phổ biến thứ hai của Hoa Kỳ. [1])
Chuyện hoang đường #2
Xe điện có hại cho khí hậu hơn xe chạy xăng vì qua trình sản xuất pin.
SỰ THẬT: Lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến xe điện trong suốt vòng đời của nó thường thấp hơn so với lượng phát thải từ một phương tiện chạy bằng xăng thông thường, ngay cả khi tính đến hoạt động sản xuất.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc chế tạo một chiếc xe điện thông thường có thể tạo ra nhiều ô nhiễm carbon hơn so với việc chế tạo một chiếc ô tô chạy xăng. Điều này là do năng lượng bổ sung cần thiết để sản xuất pin của xe điện. Tuy nhiên, trong suốt vòng đời của phương tiện, tổng lượng khí thải GHG liên quan đến việc sản xuất, sạc và lái xe điện thường thấp hơn tổng lượng khí thải GHG liên quan đến ô tô chạy xăng. Đó là bởi vì xe điện không có lượng khí thải từ ống xả và thường tạo ra lượng khí nhà kính ít hơn đáng kể trong quá trình vận hành (xem Chuyện hoang đường #1 ở trên).
Ví dụ, các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Argonne* đã ước tính lượng khí thải cho cả ô tô chạy xăng và xe điện với phạm vi chạy điện 300 dặm. Theo ước tính của họ, mặc dù lượng khí thải nhà kính (GHG) từ quá trình sản xuất và hết vòng đời của xe điện cao hơn (được hiển thị bằng màu cam bên dưới), nhưng tổng lượng khí thải nhà kính của xe điện vẫn thấp hơn so với xe chạy xăng.
*đây là một Phòng thí nghiệm quốc gia của Hoa Kỳ
Tái chế pin của EV có thể giảm lượng khí thải liên quan đến việc sản xuất bằng cách giảm nhu cầu về vật liệu mới. Mặc dù ngày nay vẫn còn một số thách thức nhưng nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để cải thiện quy trình và tốc độ tái chế pin xe điện.
*[2] Giả định: EV có phạm vi 300 dặm (482 km); tuổi thọ xe là 173,151 dặm (278,660 km) đối với cả xe điện và xe xăng; mức tiêu thụ xe xăng là 30,7 MPG (12.75km/L); và lượng phát thải tính theo trung bình của lưới điện của Hoa Kỳ.
Chuyện hoang đường #3
Pin của xe điện không đáng tin cậy và cần phải thay thế sau mỗi vài năm
SỰ THẬT: Việc thay thế pin của xe điện do hỏng hóc là điều không phổ biến.
Không giống như ắc quy khởi động được sử dụng trong xe chạy xăng, pin của xe điện được thiết kế để sử dụng lâu dài theo tuổi thọ của xe và dữ liệu gần đây cho thấy chúng có tỷ lệ hỏng hóc rất thấp. Một nghiên cứu gần đây trên khoảng 15.000 xe từ những mẫu xe đầu tiên cho đến mẫu xe năm 2023 cho thấy rằng việc thay thế pin cho xe điện cắm sạc (Plug-in EV) do hỏng hóc là rất hiếm, ở mức trung bình 2,5%, không tính đến các đợt thu hồi lớn [3].
Công nghệ pin và xe điện đã được cải tiến kể từ năm 2010, khi PEV hiện đại lần đầu tiên gia nhập thị trường, đến những mẫu xe từ năm 2016, tỷ lệ hỏng hóc pin chỉ còn dưới 0,5%. Phần lớn những trường hợp hỏng pin này sẽ được hưởng chính sách bảo hành của nhà sản xuất.
Lưu ý: Không bao gồm các trường hợp triệu hồi để thay thế pin EV. Xe điện cắm sạc (Plug-in EV) bao gồm xe chạy hoàn toàn bằng điện và xe hybrid nhưng có thể cắm điện để sạc.
Pin có xu hướng giảm phạm vi hoạt động ban đầu theo thời gian, nhưng nghiên cứu này cho thấy 97,5% PEV vẫn đang sử dụng pin ban đầu (không tính các xe phải triệu hồi để thay pin) và tỷ lệ thay thế giảm xuống dưới 1% đối với PEV được sản xuất từ năm 2016 trở đi. Pin và công nghệ hiện tại đã được cải tiến rất nhiều kể từ năm 2010, với kỳ vọng sẽ cải thiện hiệu suất và độ tin cậy đồng thời giảm tác động đến môi trường.
Chuyện hoang đường #4
Sự gia tăng số lượng xe điện tham gia thị trường sẽ làm sập lưới điện của Mỹ.
SỰ THẬT: Xe điện có các chiến lược sạc có thể ngăn chặn tình trạng quá tải lưới điện và trong một số trường hợp, có thể hỗ trợ lưới điện.
Đúng là số lượng xe điện (EV) trên đường ngày càng tăng sẽ dẫn đến nhu cầu điện tăng cao. Tuy nhiên, điều đó tác động như thế nào đến lưới điện sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như mức công suất và thời gian trong ngày khi phương tiện được sạc, tiềm năng cấp điện ngược từ phương tiện đến lưới điện (Vehicle to grid – V2G) cùng nhiều yếu tố khác [4].
- Xe điện có thể được sạc vào thời điểm thấp điểm, chẳng hạn như qua đêm, khi giá thường rẻ hơn. Ngay cả khi có thời gian sạc khác nhau (vì không phải tất cả xe đều sạc vào ban đêm), nghiên cứu chỉ ra rằng sẽ có đủ công suất để đáp ứng cho xe điện gia nhập thị trường trong nhiều năm tới [5a] [5b]. Và xa hơn nữa, khi năng lượng tái tạo chiếm tỉ lệ lớn hơn trong ở nhiều khu vực, chuyển sang sạc nhiều hơn vào ban ngày (khi một số nguồn như năng lượng mặt trời tạo ra điện) với khả năng lưu trữ năng lượng sẽ cho phép lưới điện xử lý sự gia tăng trong việc sạc xe điện [6]. California dẫn đầu cả nước với hơn 1 triệu xe điện và trạm sạc xe điện hiện chiếm chưa đến 1% tổng tải lưới điện của bang, ngay cả trong giờ cao điểm [7].
- Sạc xe điện tiêu thụ ít điện hơn so với hệ thống đun nước nóng và điều hòa không khí trong một hộ gia đình điển hình ở Hoa Kỳ vào năm 2020 [8a][8b][8c], theo dữ liệu gần đây do Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ công bố.
- Cấp điện ngược từ phương tiện lên lưới điện (V2G) cho phép xe điện hoạt động như một nguồn năng lượng có thể giúp nâng cao độ tin cậy của lưới điện bằng cách đẩy năng lượng trở lại lưới điện từ pin xe điện. Điều này được thực hiện bằng cách cho xe điện sạc pin khi nhu cầu điện lưới thấp và sử dụng năng lượng từ pin của xe điện khi nhu cầu điện lưới cao.
Về lâu dài, nhu cầu điện cao hơn từ tăng trưởng xe điện có thể thúc đẩy nhu cầu nâng cấp cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối. Việc lập kế hoạch cho khả năng này đang được tiến hành. Sáng kiến Xây dựng Lưới điện Tốt hơn của Bộ Năng lượng (DOE), được đưa ra như một phần của Luật Cơ sở hạ tầng, sẽ cung cấp hơn 13 tỷ USD để cải thiện độ tin cậy và hiệu quả của lưới điện trong thập kỷ tới.
Chuyện hoang đường #5
Không có nơi nào để sạc điện
SỰ THẬT: Xe điện có thể được cắm vào cùng loại ổ cắm với lò nướng của bạn! Nếu cần sạc khi đang di chuyển, bạn sẽ tìm thấy hơn 68.000 trạm ở Hoa Kỳ có sẵn cho công chúng.
Nhiều người có thể đáp ứng nhu cầu lái xe của mình bằng cách chỉ cắm sạc điện ở nhà. Hầu hết các xe điện đều có thể được sạc bằng ổ cắm 120 Volt (Cấp 1) tiêu chuẩn. Để sạc xe nhanh hơn, bạn có thể lắp ổ cắm hoặc hệ thống sạc 240 Volt (Cấp 2) chuyên dụng. Và đối với những người sống trong các căn hộ chung cư, trạm sạc xe điện đang trở thành một tiện ích phổ biến hơn trong các tòa nhà.
Khả năng tiếp cận hệ thống sạc xe điện sẽ tăng đáng kể trong những năm tới do các sáng kiến của chính phủ được đưa ra như một phần của Luật cơ sở hạ tầng, bao gồm khoản đầu tư lên tới 7.5 tỷ USD để xây dựng mạng lưới các bộ sạc xe điện quốc gia dọc theo đường cao tốc và trong cộng đồng và khu dân cư.
Chuyện hoang đường #6
Xe điện không có đủ phạm vi hoạt động để đáp ứng nhu cầu đi lại hàng ngày.
SỰ THẬT: Phạm vi hoạt động của xe điện là quá đủ cho nhu cầu sử dụng hàng ngày thông thường ở Hoa Kỳ.
Xe điện có đủ phạm vi hoạt động để đáp ứng nhu cầu di chuyển hàng ngày của một hộ gia đình điển hình, trung bình khoảng 50 dặm (~80km) mỗi ngày [9]. Phần lớn các hộ gia đình (khoảng 85%) di chuyển dưới 100 dặm (~160km) trong một ngày thông thường. Hầu hết các mẫu xe điện đều đi được quãng đường trên 200 dặm (~320km) khi sạc đầy pin, gần như tất cả các mẫu xe mới đều đi được hơn 100 dặm (~160km) trong một lần sạc. Và các nhà sản xuất ô tô đã công bố kế hoạch tung ra nhiều mẫu xe tầm xa hơn nữa trong những năm tới.
Cách bạn lái xe và các điều kiện lái xe, bao gồm cả thời tiết nóng và lạnh, cũng ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động của xe điện; Ví dụ, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng phạm vi hoạt động trung bình có thể giảm khoảng 40% do nhiệt độ lạnh và việc sử dụng hệ thống sưởi [10].
Chuyện hoang đường #7
Xe điện không an toàn bằng xe chạy xăng.
SỰ THẬT: Xe điện phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn giống như xe thông thường.
Tất cả ô tô và xe tải hạng nhẹ bán ở Hoa Kỳ phải đáp ứng Tiêu chuẩn An toàn Phương tiện Cơ giới Liên bang. Để đáp ứng các tiêu chuẩn này, các phương tiện phải trải qua một quá trình thử nghiệm rộng rãi và lâu dài, bất kể phương tiện chạy bằng xăng hay điện.
Ngoài ra, các bộ pin EV phải đáp ứng các tiêu chuẩn thử nghiệm riêng. Hơn nữa, xe điện được thiết kế với các tính năng an toàn bổ sung giúp tắt hệ thống điện khi phát hiện va chạm hoặc đoản mạch.
Một số bình luận của mình
Đến đây là đã hết nội dung của bài viết gốc. Tiếp theo dưới đây là chia sẻ một số suy nghĩ và bình luận của mình sau khi đọc bài viết này.
Với câu chuyện #1 và #2, tại Mỹ, đến năm 2020 điện được tạo ra phần lớn là từ khí đốt tự nhiên, chiếm 40% sản lượng hàng năm, nhưng năng lượng tái tạo cũng đã ở vị trí thứ 2 với tỉ trọng 21% và theo sau đó là các dạng khác như năng lượng hạt nhân (21%) và than (19%). Và tỉ trọng 21% của năng lượng tái tạo cũng sẽ giúp xe điện có dấu chân carbon và phát thải thấp hơn xe chạy xăng.
Ngoài ra, có một vấn đề mình nghĩ cũng sẽ cần đề cập đến, đó là với Mỹ, họ nhiều đất, có cả những hoang mạc, sa mạc, việc xây dựng nhà máy điện mặt trời có thể không quá ảnh hưởng hay tác động tiêu cực đến môi trường.
Còn với những quốc gia không có nhiều đất, nếu phải chuyển đổi đất rừng để lấy diện tích xây nhà máy điện mặt trời, sẽ phải tính thêm phần phát thải từ mất rừng. Tương tự với thuỷ điện cũng vậy, dù cũng là một dạng năng lượng tái tạo, nhưng khi xây đập thuỷ điện cũng vẫn có thể làm mất diện tích rừng và gây phát thải.
Kế tiếp là đối với những quốc gia mà phần lớn tỉ trọng điện vẫn đến từ các phương thức sản xuất như củi, than, khí đốt, nhiên liệu hoá thạch…, có thể dấu chân carbon của xe điện sẽ không thấp được như Mỹ khi so với xe xăng, hoặc thậm chí có thể cao hơn xe xăng. Câu chuyện có khi sẽ chỉ là chuyển dịch từ nguồn ô nhiễm này sang nguồn ô nhiễm khác. Ở đây mình đều chỉ có thể giả định, vì mình chưa đọc nhiều các báo cáo hay nghiên cứu của nhiều các quốc gia khác về vấn đề này, các bạn biết hãy chia sẻ thêm nhé.
Câu chuyện #3 cũng sẽ là một điều phải cân nhắc, khi mà tiêu chuẩn chất lượng của mỗi thị trường là khác nhau, và cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra của sản phẩm. Tỉ lệ hỏng pin của xe tại thị trường Mỹ với tiêu chuẩn khắt khe có thể sẽ thấp hơn tỉ lệ hỏng pin của xe tại thị trường quốc gia khác với tiêu chuẩn thấp hơn chẳng hạn. Đây cũng chỉ là một ví dụ và giả định của mình, vì cũng chưa xem các báo cáo khác của những nước khác.
Câu chuyện #4 cũng là một vấn đề khá đáng chú ý, khi mà sức chịu đựng của mạng lưới điện tại mỗi quốc gia là khác nhau. Kể cả với Mỹ, khi bang California dẫn đầu cả nước với hơn 1 triệu xe điện và trạm sạc xe điện hiện chiếm chưa đến 1% tổng tải lưới điện của bang ngay cả trong giờ cao điểm, nhưng họ cũng đã có những kế hoạch để nâng cấp hạ tầng phục vụ nhu cầu trong tương lai.
Các câu chuyện còn lại #5 cũng tuỳ quốc gia sẽ có hệ thống hạ tầng khác nhau, nhưng về cơ bản, vẫn sẽ luôn có bộ sạc thông thường để cắm vào hệ thống điện dân dụng. Câu chuyện #6 cũng khá rõ ràng, khi nhắc đến phạm vi hoạt động, sẽ cần cân nhắc để phù hợp với nhu cầu sử dụng, nhưng khi công nghệ pin ngày càng phát triển và mật độ lưu trữ năng lượng tăng lên, phạm vi của xe điện có thể cũng sẽ tăng lên trong lương lai mà không cần tăng kích cỡ của pin và xe. Câu chuyện #7 khá rõ ràng rồi, đủ an toàn mới được chạy ra đường, tất nhiên, tiêu chuẩn an toàn và kiểm định ở mỗi nước cũng sẽ khác nhau.
Bài viết xin được kết thúc tại đây, hi vọng đã cung cấp được một vài thông tin về xe điện để các bạn tham khảo. Cám ơn các bạn đã quan tâm theo dõi.
Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️
Chia sẻ bài viết:
Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết