Synology RT6600ax – ưu tiên bảo mật hàng đầu
Update mới nhất: 20/11/2023
RT6600ax là một chiếc router Wifi 6 ba băng tần mạnh mẽ, có hệ điều hành đa cửa sổ SRM (Synology Router Manager) và được trang bị nhiều tính năng bảo mật giúp người dùng dễ dàng triển khai một hệ thống mạng an toàn và đảm bảo quyền riêng tư.
Sau khi sử dụng RT6600ax hai tháng, mình thấy trải nghiệm sử dụng rất đã và muốn chia sẻ thêm những đánh giá chi tiết về chiếc router này. Chiếc router có thể coi là cao cấp nhất của Synology đến thời điểm hiện tại. Mình đã dùng RT6600ax để cấp internet cho toàn bộ thiết bị trong nhà và thay thế chiếc modem của nhà mạng.
Nội dung chính
Vấn đề với modem nhà mạng
Những thiết bị được nhà mạng cung cấp có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề trong quá trình sử dụng, đó là lý do vì sao nhiều người dùng vẫn thường tìm các giải pháp thay thế. Với mình, cụ thể là những vấn đề sau:
- Sóng 5Ghz không ổn định. Tốc độ Wifi không cao.
- Bị nhà mạng can thiệp vào firmware, phát sinh thêm một số lỗi như WLAN và LAN không kết nối được với nhau và Access Point ngoài không cấp được internet cho thiết bị.
- Các tính năng bảo mật rất hạn chế.
Khi biết mình gặp những vấn đề đó với thiết bị của nhà mạng, Synology đã tặng mình một chiếc Router RT6600ax để sử dụng và chia sẻ kỹ hơn với các bạn về chiếc Router này.
Thông số kỹ thuật RT6600ax
Dưới đây là một số thông số kỹ thuật chính, các bạn có thể xem chi tiết hơn ở trang chủ của sản phẩm:
- CPU: Quad core 1.8 Ghz – RAM: 1 GB DDR3
- Anten: 4×4 MIMO (5Ghz) và 2×2 MIMO (2.4Ghz/5Ghz)
- Tốc độ Wifi: 4800Mbps + 1200Mbps + 600Mbps
- Cổng: WAN/LAN 2.5Gbps + WAN 1Gbps + 3x LAN 1Gbps
- Wifi Mesh với các router khác của Synology
- Đáp ứng 200 thiết bị kết nối và truyền dữ liệu đồng thời
- Synology cam kết cập nhật phần mềm và bảo mật đến hết tháng 12 năm 2027
Mức giá bán lẻ ở Việt Nam mình tham khảo được là khoảng 9,000,000 đ
Unbox, ngoại hình, thiết kế và hoàn thiện
Ấn tượng đầu tiên của mình khi lần đầu thấy chiếc router RT6600ax này là kích thước rất lớn, từ bao bì, cho đến thiết bị cũng như phụ kiện. Giống như nhiều sản phẩm khác của Synology mình từng sử dụng, họ gần như luôn hạn chế tối đa việc sử dụng nilong để đóng gói các thiết bị và phụ kiện, và cũng ít khi thấy họ đề cập về việc đang cố gắng bảo vệ môi trường ra sao. Vì vậy, mình nghĩ đây là một điểm mình nên nhắc đến và dành một lời khen cho Synology.
Sản phẩm chính được bọc trong một lớp vải mỏng, một cuốn hướng dẫn setup nhanh, một sợi cáp Ethernet Cat5e và một bộ nguồn 45W. Không có bất cứ bao bì nilong nào.
Bộ nguồn 42W của RT6600ax có kích thước tương đương với bộ nguồn 65W của Apple và to gấp đôi các bộ nguồn 12W của các Router khác. Khi sử dụng bình thường với tầm 15 thiết bị trong nhà, phát Wifi cả băng tần 2.4 và 5.0Ghz, RT6600ax tiêu thụ khoảng 12W.
Toàn bộ vỏ bên ngoài được hoàn thiện từ nhựa nhám màu đen, không pha trộn thêm bất cứ màu sắc nào khác, kết hợp với chất lượng hoàn thiện cao đem lại cảm giác cứng cáp cả về phần nhìn lẫn phần nắm. RT6600ax có 6 anten có thể gập lại khá gọn gàng.
Mặt trên của thiết bị cũng có nhiều khe tản nhiệt ở hai bên và đèn thông báo trạng thái ở giữa. Hệ thống đèn cũng được Synology hoàn thiện giống như trên các sản phẩm NAS, có 2 tông màu xanh lá và cam để hiển thị trạng thái. Ví dụ, cổng LAN sẽ hiển thị màu xanh cho kết nối 1 Gbps màu cam cho kết nối 100Mbps.
Mặt trước của thiết bị có khe tản nhiệt ở giữa và tên sản phẩm ở bên phải. Phần mặt trước làm mình liên tưởng đến đầu xe Ferrari Enzo.
Cạnh phải của RT6600ax có hai nút bấm WPS và bật tắt Wifi.
Toàn bộ các cổng kết nối đều nằm ở mặt sau của thiết bị. Có 1 cổng WAN, 3 cổng LAN Gigabit và một cổng WAN/LAN 2.5Gbps.
Chúng ta có thể sử dụng Dual Wan cho các mục đích như cân bằng tải hoặc có thêm 1 line backup. Điểm hơi đáng tiếc là RT6600ax hiện tại không hỗ trợ Link Aggregation cho các cổng này, vì vậy chúng ta không thể gộp băng thông 2 đường mạng.
Đây sẽ là nhược điểm nhỏ của chiếc Router này. Vì với tổng băng thông Wifi lên đến 6600Mbps, có lẽ cổng WAN/LAN nên hỗ trợ ít nhất là 5Gbps, như vậy sẽ đáp ứng được tốt hơn nhu cầu về băng thông cao, đặc biệt là với môi trường có nhiều thiết bị sử dụng. Đây cũng là vấn đề mình từng đề cập trong bài viết này.
Mặt dưới của thiết bị có 4 nút cao su để hỗ trợ đứng vững trên các mặt phẳng, được thiết kế cao lên để có nhiều không gian cho việc tản nhiệt. RT6600ax cũng có 2 ngàm để hỗ trợ treo lên tường. Toàn bộ mặt dưới này hầu như đều là khe để tản nhiệt. Nhìn vào bên trong cũng là bảng mạch của Router, cũng được phủ màu đen đem lại cảm giác cao cấp thay vì những bảng mạch xanh lá thông thường.
SRM – Synology Router Manager
SRM là phần mềm quản lý Router của Synology với giao diện đa nhiệm đa cửa sổ với rất nhiều tính năng hữu ích, đặc biệt là các ứng dụng nhằm nâng cao bảo mật cho kết nối mạng.
Nền tảng SRM của Synology Router cũng có đi kèm với dịch vụ DDNS và QuickConnect miễn phí của hãng. DDNS giúp chúng ta có một hostname cố định thay thế cho IP động. QuickConnect có 2 chức năng chính, đó là tìm con đường kết nối nhanh nhất đến với thiết bị (local, direct IP, DDNS) hoặc thông qua Relay Server của Synology để truy cập từ xa an toàn.
Synology cũng có ứng dụng trên điện thoại đó là DS Router để có thể nhanh chóng theo dõi và quản lý router ngay trên thiết bị di động.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm về SRM tại trang chủ của Synology, hoặc xem thêm bài viết của mình có chia sẻ rất chi tiết về trải nghiệm sử dụng SRM cũng như toàn bộ các ứng dụng có trên SRM tại đây. Còn trong bài viết này, mình sẽ chỉ chia sẻ nhanh về Network Center và Wifi Connect, là 2 ứng dụng chính giúp chúng ta setup internet và wifi trên RT6600ax.
Network Center
Tất cả những vấn đề liên quan đến Network như là cài đặt kết nối Internet, thiết lập Local Network, mở Port hay thiết lập các quy định của Firewall đều sẽ nằm trong Network Center với giao diện trực quan dễ sử dụng.Sau khi Bridge modem nhà mạng, mình quay PPPoE trên Router của Synology để thay thế dễ dàng.
Ngoài ra, SRM cũng có hỗ trợ MAC Clone và TLL extend/spoof để tránh gặp các giới hạn của nhà mạng. Đồng thời, RT6600ax cũng hỗ trợ cả IPTV và VoIP tuy nhiên mình chưa có dịp trải nghiệm những tính năng này.
Trong mạng nội bộ Local Network, chúng ta có thể tạo tối đa 5 network để sử dụng cho mục đích khác nhau. Trong đó, có các cài đặt nâng cao như VLAN, Network Isolation hoặc là không cho phép network truy cập trang quản lý của Router.
Cá nhân mình hiện đang sử dụng 3 network, đó là Primary, Guest và Smarthome. Trong đó, đối với Network cho Guest và Smarthome sẽ được cách ly ra khỏi Primary Network và không có quyền truy cập vào Router. Việc này cũng góp phần đảm bảo an toàn cho hệ thống mạng chính và tránh các rủi ro từ những thiết bị có nguy cơ cao về bảo mật.
Wifi Connect
Wifi Connect là ứng dụng giúp chúng ta cài đặt mọi thứ liên quan đến kết nối Wifi như là SSID và mật khẩu, bật/tắt Wifi theo lịch trình, nhiều tính năng nâng cao như AMPDU, MU-MIMO, OFDMA… RT6600ax chỉ là Router Wifi 6, vì vậy chưa có các dải kênh 6Ghz của Wifi 6E, nhưng cũng đã được bổ sung thêm một dải kênh mới ở băng tần 5.9Ghz.
RT6600ax có 3 băng tần Wifi đó là 2.4Ghz, 5.0Ghz-1 và 5.0Ghz-2. Kết hợp với 5 Network chúng ta sẽ có tối đa 15 SSID Wifi tương ứng. Thực tế hiện tại mình cũng chỉ mới đang sử dụng 3 SSID tương ứng với 3 Network mình đã đề cập ở phần trên.
RT6600ax sẽ hỗ trợ tốc độ truyền tải tối đa ở mức 4800Mbps với độ rộng kênh 160Mhz và kết nối 4×4 MIMO thông qua băng tần 5.0Ghz-1. Tuy nhiên, các thiết bị của mình lại đang chưa đáp ứng các yêu cầu đó, chính vì thế hiện tại tốc độ kết nối mình có là 1200Mbps với độ rộng kênh 80Mhz và anten 2×2 MIMO.
Nhưng 1200Mbps cũng là mức tốc độ Wifi mình hài lòng rồi tại thời điểm này rồi, vì NAS của mình đang kết nối với Router ở mức 1Gbps. Và tốc độ truyền tải thực tế qua Wifi đến NAS đạt khoảng 900Mbps thông qua Wifi khiến mình rất ưng ý.
Synology Router cũng có thể Mesh đối với tất cả các Router mà họ đang bán ra thị trường, tuy nhiên, đời cao hơn sẽ phải làm node chính, và các đời thấp hơn sẽ là node phụ như bảng dưới:
Việc add thêm các node phụ vào node chính thấy cũng rất đơn giản và nhanh chóng, họ cũng hỗ trợ cả 2 dạng uplink qua Wifi và cáp LAN. Khi nào có cơ hội trải nghiệm kỹ hơn về khả năng Mesh và Seamless Roaming (802.11k/v/r) của Synology Router mình sẽ chia sẻ nhiều hơn nhé.
Test tốc độ Wifi thực tế
Phần này mình sẽ kiểm tra tốc độ wifi của Synology RT6600ax trong bối cảnh sử dụng thực tế và sẽ so sánh với ‘modem nhà mạng’.
Điều kiện test
Modem nhà mạng là ZTE F670Y đã được reset toàn bộ cấu hình để không bị ảnh hưởng bởi config của nhà mạng. Đây là thiết bị Wifi 5, hỗ trợ tốc độ lý thuyết cao nhất là 867Mbps trên băng tần 5Ghz.
Cả 2 modem/router sẽ lần lượt được kết nối đến một chiếc NAS (local host) qua cáp LAN 1 Gbps, mình đã test từ PC đến NAS bằng cáp LAN cho kết quả như hình dưới. Trên NAS có chạy LibreSpeed server để speedtest. Mô hình test sẽ là: Thiết bị test – WIFI của Router – NAS.
Test với local host để quãng đường từ thiết bị đến host là ngắn nhất, nhằm giảm sai số và kiểm soát các điểm thắt nút cổ chai. Mình test tốc độ của từng router, không test đồng thời để tránh việc sóng Wifi của một thiết bị ảnh hưởng đến thiết bị còn lại.
Mỗi router mình setup 4 cấu hình Wifi để test ở các vị trí khác nhau, mỗi vị trí test 5 lần và lấy giá trị trung bình, 4 cấu hình setup đó là:
- 2.4Ghz – 40Mhz – Channel 1
- 5.0Ghz – 80Mhz – Channel 36
- 5.0Ghz – 80Mhz – Channel 100
- 5.0Ghz – 80Mhz – Channel 149
Nhà mình là căn hộ chung cư nên có bị ảnh hưởng bởi Wifi của các căn hộ lân cận, vì vậy cũng sẽ khác với các điều kiện sử dụng như là văn phòng hoặc nhà riêng. Đó cũng là lý do mình test nhiều Channel 5.0Ghz, các bạn sẽ thấy sự khác nhau ở kết quả bên dưới.
Bài test #1 – khoảng cách gần
Vị trí: Router cách thiết bị 1m, không có vật cản
Thiết bị test:
- Thiết bị 1: Macbook Pro 2017, hỗ trợ Wifi 5 ac, tốc độ cao nhất 867 Mbps ở sóng 5Ghz
- Thiết bị 2: Mac Mini M1 2020, hỗ trợ Wifi 6 ax, tốc độ cao nhất là 1200 Mbps ở sóng 5Ghz
Đối với thiết bị modem của nhà mạng, dù hỗ trợ phát sóng Wifi 5ac với tốc độ lý thuyết lên đến 867Mbps nhưng thực tế chỉ cho ra tốc độ khoảng 200Mbps ở các kênh 36 và 100. Với kênh 149, tốc độ mới đạt ngưỡng 400Mbps trên thiết bị Wifi 5 và khoảng 500Mbps trên thiết bị Wifi 6.
Với Synology RT6600ax, tốc độ truyền tải 5Ghz ở các kênh 36, 100 có thể đạt ngưỡng 350Mbps trên thiết bị Wifi 5 và 550Mbps trên thiết bị Wifi 6. Với kênh 149 lần lượt đạt ngưỡng 600Mbps và 800Mbps trên hai thiết bị test, đều cao hơn modem nhà mạng khá nhiều và cũng gần với tốc độ lý thuyết hơn.
Ở khu vực của mình, dải kênh 36 và 100 khá nhiễu, vì vậy cũng ảnh hưởng nhiều đến tốc độ, đó là lý do vì sao mà cả 2 router cũng như thiết bị test đều không cho ra tốc độ tốt ở 2 dải kênh này. Điều này cũng lặp lại với cả một số thiết bị khác mà mình từng sử dụng.
Bài test #2 – xuyên tường
Dùng Laptop Macbook Pro 2017 để test ở 4 vị trí:
- Khoảng cách 1m, không có vật cản (chính là bài test #1)
- Khoảng cách 5m, cản bởi 1 bức tường
- Khoảng cách 8m, cản bởi 2 bức tường
- Khoảng cách 11m, cản bởi 3 bức tường
Mình dùng laptop và di chuyển tới các vị trí như hình: L1, L2, L3, L4, với mỗi lớp tường dày khoảng 13cm, để máy ổn định tầm 1-2 phút rồi mới bắt đầu test. Mỗi vị trí, mỗi setup, mình đều test 5 lần và lấy con số trung bình.
ZTE F670Y cho tốc độ khá ổn trên băng tần 2.4Ghz và độ phủ sóng cũng khá tốt. Tuy nhiên tốc độ của sóng 5Ghz ở các vị trí L2, L3 và L4 lại suy giảm khá nhiều, đặc biệt là ở vị trí L3 và L4, sóng 5.0Ghz tại 2 điểm này đã không đủ mạnh để có được tốc độ kết nối tốt, thậm chí với kênh 100 tại điểm L4 mình không còn bắt được sóng nữa.
Ngược lại, với Synology RT6600ax trên các dải băng tần 5.0Ghz, vị trí L2 vẫn cho tốc độ rất cao, vị trí L3 và L4 vẫn có mức sóng tốt ở các kênh và tốc độ vẫn rất cao khi so với modem nhà mạng.
Bài test #3 – internet
Bài này mình để 2 Router cạnh nhau, cùng quay PPPoE để kết nối đến Internet và dùng Speedtest.net để lần lượt test 2 Router. Máy tính để test là vẫn Macbook Pro 2017. Khoảng cách 3m và có 1 lớp trần thạch cao chắn ở giữa. Mình chạy 3 lần cho mỗi thiết bị.
Kết quả của bài này chỉ mang tính tham khảo thôi vì gói cước nhà mạng của mình đang sử dụng chỉ có tốc độ 120Mbps, cũng là một thắt nút cổ chai.
Với bài test này Synology RT6600ax cho tốc độ download nhanh hơn ZTE F670Y một chút, tốc độ upload tương đương.
Qua 3 bài test, mình cũng có thể tự tin khẳng định, RT6600ax giúp mình cải thiện tốc độ đường truyền rất nhiều, đặc biệt là tốc độ truy cập đến với local host trên NAS thông qua Wifi, đồng thời cũng đem lại sự ổn định cao, không gặp những lỗi như tự nhiên mất sóng hoặc sóng sánh chập chờn như modem nhà mạng.
Những tính năng bảo mật
RT6600ax nói riêng và các router khác của Synology chạy SRM nói chung cũng được trang bị rất nhiều tính năng về bảo mật nhằm đem lại sự an toàn cho hệ thống mạng của người dùng, có thể kể đến như:
- Firewall xịn, có tuỳ chỉnh được từng cấu hình IP, Port nguồn và đích, lọc được IP theo vị trí địa lý
- Auto-Block IP nếu đăng nhập sai nhiều lần
- DoS Protection: bảo vệ trước sự tấn công DoS
- Hỗ trợ bảo mật 2 lớp cho những tài khoản sử dụng trên Router.
- Sercurity Advisor: scan toàn bộ hệ thống và cấu hình trên router để cảnh báo rủi ro về bảo mật và đưa ra những khuyến nghị để chỉnh sửa.
Ngoài ra, Synology Router còn có rất nhiều tính năng bảo mật nâng cao, thông qua các gói phần mềm được update database hàng ngày, dành cho những người dùng không quá am hiểu về an ninh mạng, cũng vẫn sẽ được các chuyên gia bảo vệ, có thể kể đến như:
- Safe Access: Có nhiều tính năng kiểm soát truy cập dành cho phụ huynh Parent Control, có thể cấu hình truy cập an toàn cho các profile khác nhau (user, network, device…) dành cho các môi trường khác nhau (guest, văn phòng, trẻ nhỏ…). Tự động chặn các kết nối nguy hại theo database của Threat Intelligence và Google Safe Browsing.
- Threat Prevention: ứng dụng ngăn ngừa các rủi ro mạng dự trên signature của gói tin, sẽ giám sát lưu lượng đến và đi bằng cách sử dụng Deep Packet Inspection (DPI), với database ET Open hoặc ET Pro.
- DNS over Https (DoH): ngăn ngừa các cuộc tấn công trung gian Man in The Middle (MiTM) nhắm vào DNS thông qua DoH server của Google hoặc Cloudfare tích hợp sẵn trong hệ thống.
- VPN Plus Server: công cụ biến Synology Router thành VPN Server, có các giao thức cơ bản như SSTP, OpenVPN, L2TP, PPTP và bổ sung thêm thêm giao thức VPN Synology và Site-to-Site VPN với cách thiết lập và sử dụng dễ dàng.
Các bạn cũng có thể tham khảo nhiều hơn về những ứng dụng nâng cao bảo mật trong bài viết chi tiết về SRM mình đã chia sẻ tại đây.
Từ khi dùng Synology Router, mình cũng yên tâm hơn rất nhiều và cũng rất tự tin để mở tính năng truy cập từ xa vào router, điều mà trước đây mình không dám làm khi sử dụng modem nhà mạng. Việc truy cập được từ xa vào router có thể giúp mình linh hoạt hơn trong việc đóng mở port khi cần thiết cũng như có thể quản lý hệ thống mạng mọi lúc mọi nơi.
Tổng kết
Cuối cùng, để tổng kết lại bài đánh giá rất chi tiết về Synology Router RT6600ax, mình sẽ nêu ra các ưu điểm và nhược điểm của sản phẩm này.
Ưu điểm | Nhược điểm |
---|---|
✅ Ngoại hình đẹp, chất lượng build tốt ✅ Không dùng nilong đóng gói ✅ Hệ điều hành SRM dễ sử dụng ✅ QuickConnect và DDNS free ✅ Ba băng tần Wifi giúp phân bổ thiết bị tốt ✅ Tốc độ Wifi cao và tầm phát tốt ✅ Đầy đủ khả năng bảo mật cho người dùng không chuyên ✅ VPN Plus Server rất tốt | ❗️Tốc độ cổng WAN/LAN chưa tương đồng với tốc độ Wifi ❗️Chưa hỗ trợ Link Aggregation ❗️Chỉ có 1 cổng USB ❗️Chỉ là Wifi 6, chưa phải là Wifi 6E, không có băng tần 6Ghz ❗️Giá vẫn còn hơi khó tiếp cận |
Điểm mình thích nhất ở chiếc Router này đó là nền tảng SRM rất tiện lợi và dễ sử dụng cũng như các tính năng bảo mật được cập nhật thường xuyên và liên tục, giúp mình thấy yên tâm hoàn toàn với hệ thống mạng, bảo vệ toàn diện cả chiều đi lẫn chiều đến.
Điểm mình tiếc nhất đối sản phẩm này đó là tốc độ/băng thông của cổng WAN/LAN chưa tương đồng với tốc độ/băng thông của Wifi mà lại thiếu mất tính năng Link Aggregation. Phần cứng không thay đổi được rồi vì thế hi vọng là trong tương lai Synology sẽ có cập nhật phần mềm để hỗ trợ tính năng này.
Ngoài ra, bản thân mình cũng chưa thể khai thác hết các tính năng mà chiếc Router này đem lại, đặc biệt là các tính năng phục vụ môi trường doanh nghiệp trong phần mềm VPN Plus Server hay những tính năng đòi hỏi có 2 router trở lên như Mesh và Seamless Roaming. Mình sẽ cố gắng trải nghiệm nhiều hơn và sẽ tiếp tục chia sẻ thêm trong những bài viết tiếp theo. Cám ơn các bạn đã quan tâm theo dõi.
Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️
Chia sẻ bài viết:
Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết