Cách xử lý nhầm chân ga, kẹt ga, mất phanh
Update mới nhất: 11/08/2023
Có rất nhiều ý kiến trái chiều khi ở trong bài viết của mình phân tích những bài học rút ra từ vụ tai nạn nhầm chân ga ở Võ Chí Công. Phần lớn đề cập đến quan điểm “trong một vài tình huống, xe số sàn an toàn hơn xe số tự động” (mà quên rằng còn có cả những kỹ năng nâng cao an toàn cho người đi xe máy). Và lần nữa vẫn nhắc lại, mình không hề chê xe số tự động không an toàn. Bài viết của trước của mình tại đây
Nội dung chính
Ở Việt Nam, vì xe số sàn thường là các phiên bản cắt giảm option, hoặc phiên bản giá rẻ, nên hay khiến mọi người có thiên kiến rằng: xe số sàn kém và ít an toàn hơn xe số tự động (vì ít tính năng an toàn hơn).
Nhưng đâu đó trên hành tinh này, số sàn hay số tự động chỉ là một trong số các option, đôi khi option số sàn còn đắt hơn option số tự động và vẫn có những biến thể full các gói an toàn như stđ. Và trong bài viết này, mình không đề cập đến rất nhiều các yếu tố xung quanh đó, mà mình chỉ muốn tập trung so sánh 2 loại hộp số: Số sàn với côn và 3 pedals vs. Số tự động với 2 pedals (coi như có chung hết thông số khác, như các tính năng an toàn…)
Vì sao trong trường hợp đạp nhầm chân ga hay kẹt chân ga xe số sàn lại an toàn hơn?
Ngay lúc tình huống xảy ra có thể chúng ta sẽ không nhận thức được mình đang đạp nhầm. Nên thấy xe có dấu hiệu đi nhanh hơn có khi lại càng đạp mạnh hơn vì trong đầu vẫn đang nghĩ đó là phanh. Xe số tự động sẽ bị tăng tốc ngay khi đạp tiếp. Cho đến lúc định thần và nhấc chân ra khỏi ga để đạp vào phanh (nhận định này mình đã chia sẻ ở cmt trong bài viết trước và đến hôm nay thì mình thấy nhận định này của mình có phần chính xác sau khi nghe người trong cuộc chia sẻ ở bên dưới)
Với xe có côn, lúc đạp nhầm ga mà thấy xe tăng tốc, phản ứng cũng có thể sẽ đạp tiếp ga vì vẫn nghĩ mình đang đạp phanh nhưng cùng lúc sẽ có thêm phản xạ đạp côn khi thấy xe có dấu hiệu bất thường, nên dù có đang tiếp tục đạp nhầm ga, thì côn cũng đã cắt động cơ ra rồi. Máy sẽ gào rú nhưng xe không bị tăng tốc. Tương tự, sau đó cũng định thần và nhấc chân ra khỏi ga để đạp vào phanh
Rồi trường hợp trước khi gần đến ngã tư, lúc tốc độ đã giảm, tua máy đã thấp thì phải đạp côn để không chết máy và sau đó đạp phanh. Nếu lúc này chẳng may đạp nhầm ga thì cũng đã cắt côn rồi, và xe cũng không nhận thêm lực từ máy và cũng sẽ không “chồm lên”
Nghe người trong cuộc nói (nguồn cuối bài): “Tôi dùng phanh chân, nhưng có lẽ là không tác dụng. Thế thì tôi đã giật phanh tay, phanh tay cũng không được, tôi lại ẩn số ra số 0. Nhưng mà tôi rất tiếc rằng quá trình đó trong khoảng 40 giây, tôi đã sử dụng như thế là chưa triệt để, trong cái lúc ý bị luống cuống giữa chân ga và phanh, mình cứ tưởng càng phanh thì lại càng ga…”
→ bản thân mình thấy quy trình xử lý của bác này cũng chưa phải là tối ưu, bác cũng đã nhận rằng chưa sử dụng thời gian triệt để và không nhận thức được mình đang đạp nhầm
Quy trình mình thấy là tối ưu trong trường hợp đạp nhầm hay kẹt ga
Nếu đạp phanh mà thấy xe không giảm tốc: Đạp côn (với xe số sàn) → (định thần) Về N + Chuyển qua chân phanh (càng cùng lúc càng tốt) → Điều khiển xe ra khỏi làn đường xe chạy một cách an toàn → Sau khi xe đã dừng hẳn → Tắt máy và gọi trợ giúp (trong trường hợp kẹt) / Tắt máy và xuống xe nghỉ ngơi định thần, lấy lại sự bình tĩnh và tập trung (trong trường hợp đạp nhầm)
Anh em có thể tham khảo quy trình tại đây [1], [2], [3], [4], [5]
Còn thật sự việc cố kéo phanh tay trong các tình huống cần dừng nhanh và dừng gấp điều không nên làm, trừ khi bạn là cao thủ drift và làm được giống mấy bạn trẻ trong Fast and Furious 3
Và việc tắt máy ngay lập tức lúc có sự cố cũng là điều không nên làm vì nhiều hệ thống vận hành và an toàn trên xe chỉ hoạt động khi máy đang nổ (ví dụ một số trường hợp như trợ lực phanh, trợ lực vô lăng)
Khi đi xe côn, trong một số tình huống bất ngờ (không phải tất cả), đạp côn có thể coi là phản xạ tốt nhất và nhanh nhất
Vì chỉ có 1 chân trái phụ trách bàn đạp côn, hầu như nó luôn nằm ở đó (không phải tất cả mọi lúc) không phải di chuyển trái hay phải, không phải tư duy để đưa ra hành động, không thể bị nhầm lẫn và hành động đạp cũng nhanh và dứt khoát. Cứ ngắt nguồn lực ra khỏi xe trước rồi sau đó định thần tiếp, như nhấc chân phải ra khỏi chân ga, chuyển về chân phanh rồi đẩy số về N về 0
Xe số sàn cung cấp cho bạn thêm một lựa chọn. Và lựa chọn đó là chủ động ngắt hoàn nguồn lực ra khỏi hệ thống truyền động của chiếc xe một cách nhanh chóng, hiệu quả, ít nhầm lẫn thông qua chân côn. Ngoài ra, việc sử dụng chân côn sẽ định hình cho anh em rất nhiều thói quen và cách xử lý an toàn khi vận hành
Trên đây là quan điểm của mình về việc: trong một số trường hợp, xe số sàn an toàn hơn xe số tự động, và lần nữa vẫn nhắc lại, mình không hề chê xe số tự động không an toàn, mình chỉ nhấn mạnh sự quá tiện lợi của số tự động kết hợp với bối cảnh tắc đường ở đô thị đã che mờ một số rủi ro của số tự động. Vì vậy, anh em đừng để suy nghĩ đi xa quá. Còn việc vì sao các hãng cắt giảm số sàn, có thể đó là vì họ đáp ứng nhu cầu của khách hàng về sự tiện lợi, chứ cũng không phải do số sàn kém an toàn hơn.
Xử lý trong trường hợp mất phanh
Mình cũng từng bị 1 lần, may mắn có thể dừng xe an toàn và không có thiệt hại gì ngoài tài chính, cho việc gọi cứu hộ chở đến gara để sửa xe
- Nếu mất phanh, tìm cách đẩy số xuống thấp nhất để máy ghì lại. Đến hết ngưỡng ghì của máy rồi thì về N để ngưng cấp lực từ động cơ cho xe.
- Riêng trường hợp đổ đèo thì giữ nguyên số đang chạy, không ra số, vì khi ra số rồi rất có nguy cơ xe trôi theo đà và không thể đồng tốc với tua máy để gài lại số cũng như gài vào số thấp hơn.
- (Đó là lý do vì sao ở các đỉnh đèo luôn có biển báo “đi chậm, gài số thấp”. Dùng sức ghì của máy để hãm xe lại kết hợp nhấp nhả phanh. Không rà phanh cả quãng dốc dài, có thể gây cháy má phanh, mất phanh)
- Đồng thời có thể sử dụng phanh tay để dừng xe (với xe phanh tay cơ). Kỹ năng này nên luyện tập trước phòng khi cần dùng, chọn nơi đủ an toàn và vắng vẻ, thực hiện với tốc độ chậm. Mô tả như sau: bấm vào nút trên phanh tay (nhớ bấm nút nhé để không bị khoá cứng phanh) rồi kéo từ từ, như cách đạp phanh chân. Không kéo nhanh và mạnh vì có thể drift, trừ khi bạn đủ kỹ năng và chủ động muốn làm vậy.
- Và trong thực tế, nếu phải dùng những biện pháp này, cũng nên đồng thời xem xét tình huống để có thể sử dụng các biện pháp giảm tốc và dừng xe cực đoan nhưng tối thiểu rủi ro và nguy cơ như lao vào khu vực dừng xe khẩn cấp, lao vào gốc cây, tì thân xe vào taluy đường…
Phòng tránh nhầm chân ga, kẹt chân ga, mất phanh
Bản thân mình dù đã lái xe nhiều năm, nhưng cũng có lần vô tình đạp nhầm chân ga. Vì vậy, không nói hay được khi bạn chưa từng trải qua. Nhưng khi nó xảy ra chúng ta có các bài học, và nên có những quy trình ở trong đầu để khi nó xảy ra chúng ta biết phải làm gì
- Sử dụng trang phục lái xe an toàn. Giày ok, dép thì nên đi loại bọc kín đầu chân như crocs, nên đi đúng cỡ. Anh em đừng đi dép lê hay xăng đan, chị em đừng đi cao gót. Váy mà thướt tha lúc lên xe kéo cao và tóm gọn lại đừng để loè xoè chỗ mấy cái pedals. Cũng nhớ kiểm tra dây giày đừng để bị tuột, vài đôi giày thể thao dây dài lắm, không ngắn như giày da. Đế giày cũng nên mịn và mỏng chút, mấy đôi giày off-road hay giày đá bóng nhiều gai góc cũng không phù hợp đâu. Mình cũng không bao giờ lái xe chân đất
- Vị trí ngồi thuận lợi thoải mái để chân hoạt động hiệu quả
- Thảm trải sàn không dùng cũng được, nếu dùng thì cố định nó xuống sàn, kiểm tra full hành trình 3 pedals không vướng víu gì vào cái thảm (lúc chưa khởi hành, lúc xe tắt máy)
- Đừng kết hợp lái xe với một công việc khác, tràn RAM đấy. Lái xe là việc tiêu tốn nhiều CPU và bộ nhớ trong rồi. Muốn gọi điện, táp vào lề. Muốn uống nước, táp vào lề. Muốn nhặt cái gì đó rơi, táp vào lề. Luôn có lựa chọn táp vào lề để làm những việc khác trong lúc lái xe
- Chỉ dùng 1 chân cho phanh và ga. Vị trí thường trực là nằm trên phanh, gót chân kê dưới sàn ngay dưới chân phanh. Khi nào muốn ga thì giữ gót chân ở nguyên vị trí và lắc đầu bàn chân sang phải để nhấn ga
- Không dùng ga nữa thì chuyển ngay về phanh trong mọi tình huống
- Nên phanh từ xa và phanh từ từ. Đừng phanh gấp và đừng để đến gần rồi mới đạp phanh. Cẩn thận thì từ xa phanh nhấp nhả để ‘check’ phanh
- Ga cũng nên lên từ từ, anh em đi đường chứ không đi đua, không cần gia tốc lớn nhất và mạnh nhất lúc đề pa
- Bảo dưỡng xe định kì, riêng các phụ tùng liên quan đến an toàn như má phanh, hãy sử dụng loại tốt nhất
Đây là những kinh nghiệm để nâng cao an toàn khi lái xe của mình.
Với những chia sẻ để nâng cao an toàn trong bài viết này hay cả bài viết trước, anh em hãy tự nhận thức rằng mình đang đọc chia sẻ của một cá nhân đang tự quảng cáo mình có nhiều năm kinh nghiệm lái xe cả sàn lẫn tự động trong nhiều môi trường như đô thị tắc đường, cao tốc, quốc lộ, off-road Tây Bắc, trên một mạng xã hội. Tương tự khi anh em đọc ở các trang báo, trang thông tin điện tử cũng vậy, có thể sẽ là một phóng viên nào đó, đang lái xe sau bàn phím.
Vì không phải là guideline chuẩn của chuyên gia đến từ các hãng xe hay cơ quan chuyên môn, vì vậy người đọc hãy tự kiểm chứng thông tin, thấy đúng có thể áp dụng mà thấy sai có thể không áp dụng.
Với những anh em lái xe giỏi với rất nhiều kinh nghiệm, hãy chia sẻ cho mọi người bằng cách đưa ra những biện luận thuyết phục và quy trình xử lý sự cố an toàn hiệu quả mà anh em đang áp dụng. Cám ơn anh em
Trích dẫn lời người trong cuộc tại Vietnamnet. Các bạn cũng có thể xem thêm và tham gia bình luận về bài viết này trên Tinh Tế nha
Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️
Chia sẻ bài viết:
Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết