Đừng làm phiền người khác vì đó là điều xấu

Đừng làm phiền người khác vì đó là điều xấu

Update mới nhất: 11/08/2023

Một buổi sáng cuối tuần bình yên để nghỉ ngơi, một ly trà, cafe, ngồi bên cửa sổ đọc một vài trang sách yêu thích dưới ánh nắng dịu nhẹ và hít thở bầu không khí có chút trong lành hơn sau một tuần làm việc vất vả quả là một cách thư giãn tuyệt vời

Ấy thế mà . . . 

  • Ngoài cửa là tiếng nói oang oang của mấy bà cô đang tám chuyện về thằng này con kia trong xóm
  • Vang vọng âm thanh của một DJ đang biến khu dân cư thành vũ trường bằng vinahouse
  • Phía bên kia tường máy khoan và máy đục đang giã vào đầu
  • Mấy con milu thi nhau gáy để hoà chung không khí với tên DJ kia

Ôi cha, thật nhiều thứ làm phiền chúng ta

Điểm chung của sự phiền phức

lam phien

Các hành vi không hay, không tốt, không đẹp hay ngắn gọn là hành vi xấu xuất phát từ nhiều lý do, có thể do người đó thiếu ý thức, thiếu kiến thức, thiếu kĩ năng hay thiếu cơ hội để tiếp cận được với những điều trên.

Nhưng dù hành vi đó là gì đi chăng nữa mà không gây ra bất cứ ảnh hưởng gì đến người khác, mình tin là sẽ chẳng ai coi đó là hành vi xấu. Vậy nên, mình thấy điểm chung của các hành vi xấu đó là gây ảnh hưởng đến người khác, trực tiếp hoặc gián tiếp. Hay nói một cách khác, hầu như các hành vi gây phiền đều sẽ là hành vi xấu

Một vài ví dụ về hành vi xấu gây ảnh hưởng đến người khác để các bạn dễ hình dung:

  • Bố mẹ đứa trẻ thờ ơ với hành vi gây ồn ào của đứa trẻ trong một quán cafe yên tĩnh với lời bao biện ‘trẻ con thì biết gì’.
  • Mỗi cuối tuần hàng xóm lại mở nhạc xập xình và hát karaoke từ sáng đến tối khiến cả khu dân cư trở thành gala âm nhạc.
  • Lên cao tốc bám làn trái và nhất quyết không chuyển làn dù đang chạy 80km/h hay dạo gần đây lại xuất hiện việc đeo khẩu trang cho biển số hoặc dán ký tự lên biển số để che hoặc thay đổi biển số. Rồi cả tỉ thứ trong văn hoá giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều . . .
  • Không xếp hàng, chen lấn xô đẩy, bon chen, giành giật
  • Trong môi trường công sở cũng nhiều vấn đề như nói xấu, xâm phạm riêng tư hay quyền lợi của người khác…
  • Nếu ở chung cư thì chắc mình khỏi phải lấy ví dụ, bạn sẽ có thể thấy rất nhiều vấn đề. Ở nhà đất cũng không ít vấn đề hơn là bao, đôi khi còn nhiều hơn
  • Ở quy mô lớn hơn, nhiều các công ty, doanh nghiệp, tổ chức vì mục tiêu kinh doanh và lợi nhuận của họ như làm ảnh hưởng đến môi trường, gây nhũng loạn thị trường, đầu cơ, độc quyền, chèn ép. . .

Bạn có thể thấy, rất nhiều điều trong cuộc sống có thể khiến chúng ta khó chịu, điểm chung của sự phiền phức hầu như sẽ xuất phát từ các hành vi xấu.

Nguyên nhân làm phiền người khác

nguyen nhan lam phien

Làm phiền người khác có nhiều nguyên nhân, có thể kể đến như thiếu ý thức, thiếu kiến thức và thiếu kĩ năng

Thiếu ý thức: không nhận thức được mình đang làm phiền người khác, gây ảnh hưởng đến người khác. Không biết hoặc không muốn nhận thức về những kết quả của hành động. Không biết đến sự tồn tại của tính ích kỷ.

  • Ví dụ như mấy người nói điện thoại không hề biết rằng mình đang nói rất to.
  • Hát không được hay lắm nhưng không biết điều đó nên nhiệt tình tổ chức liveshow cho cả xóm
  • Ví dụ đỗ xe chắn trước cửa nhà người khác mà không để lại số điện thoại
  • Ví dụ muốn mình nhanh nên chen hàng, rồi vượt đèn đỏ, phi lên vỉa hè rồi lại cúp đầu người khác để chen xuống đường hay đi vào làn khẩn cấp . . .

Thiếu kiến thức: Không được dạy dỗ và giáo dục tử tế về việc không nên làm phiền người khác. Và thậm chí sau đó lại tiếp tục đi dạy dỗ và giáo dục người khác không đúng cách khiến họ tiếp tục có những hành vi gây ảnh hưởng đến người khác

  • Điển hình là các bố mẹ không có kiến thức để giáo dục con cái và khi con mình làm phiền người khác thì bao biện rằng ‘trẻ con biết gì đâu’

Thiếu kĩ năng: Không có kĩ năng trong việc thực hiện các hành động phục vụ bản thân mà tránh hoặc không gây ảnh hưởng đến người khác

  • Đang đi nhầm làn bên phải nhưng muốn rẽ trái, thay vì rẽ phải rồi quay đầu thì cúp luôn làn giữa và làn trái để rẽ trái
  • Muốn dùng đồ ngon nhưng lại ít kĩ năng kiếm tiền để mua đồ ngon nên luôn “chấp nhận nghèo” để xài đồ lậu.

Hệ quả của làm phiền người khác

he qua lam phien

“Luật không cấm thì ta* cứ làm” – Một câu nói điển hình của người hay làm phiền người khác

Luật pháp sinh ra để phục vụ lợi ích chung nhưng cái dở của luật pháp là sẽ luôn chạy theo sau xã hội. Vì thế ngoài luật pháp ra chúng ta mới có cái gọi là đạo đức và văn hoá xã hội. Muốn xã hội tốt lên, nó cần tốt lên từ đạo đức và văn hoá, chứ đừng chỉ mong chờ tốt lên từ luật pháp.

Các bạn cứ hình dung sẽ có những điều tốt – điều xấu – và điều cấm. Luật được làm ra chủ yếu để ngăn ngừa những điều cấm chứ chưa thể ngăn ngừa hoàn toàn những điều xấu. Nếu trong một xã hội mà điều xấu chiếm ưu thế, gần như sẽ rất khó để xã hội đó có thể nhận thức được điều tốt và trở nên tốt lên. Và hệ quả của nó là xã hội đó sẽ bị điều xấu chi phối. Một số ví dụ như:

  • Ví dụ: đường tắc ai cũng phi lên vỉa hè thì mình cũng phi lên
  • Ví dụ: vào viện khám bệnh ai cũng bon chen nên mình cũng phải bon chen
  • Ví dụ: làm việc ai cũng bôi trơn nên mình mà không bôi trơn thì không làm được việc nên mình cũng lại phải bôi trơn

Và đây cũng sẽ là nỗi thống khổ dành cho những điều tốt nhỏ nhoi khi xung quanh tràn ngập những điều xấu. Họ phải kiên cường lắm để giữ vững được sự tốt đẹp khi bị bủa vây bởi một xã hội nhiều điều xấu xung quanh. Vì thường họ sẽ gặp bất lợi. Thẳng thắn thường thua thiệt.
Đôi khi họ sẽ có đủ sức mạnh và sự kiên trì để duy trì và lan toả sự tốt đẹp và khiến xã hội dần dần chậm chạp tốt lên. Nhưng đôi khi, có thể họ không đủ khả năng để làm vậy, lúc ấy sẽ bị hoà tan.

Giải pháp cho vấn đề

giai phap

Điều xấu chủ yếu cần phải được loại trừ vì xã hội thấy nó không phù hợp. Việc làm phiền người khác cũng vậy, nên được loại trừ vì không phù hợp với xã hội.

Vậy xã hội thấy nó không phù hợp bằng cách nào? Đó là khi trong xã hội có một số lượng người đủ lớn, họ có nhận thức làm phiền người khác là điều xấu để dần dần bài trừ nó ra khỏi xã hội. Họ sẽ có các hành động để gây ảnh hưởng nhằm nâng cao nhận thức của những người chưa có nhận thức.

Và làm sao để có một số lượng người đủ lớn? Có lẽ phải xuất phát từ một cá nhân, rồi đến nhiều cá nhân, rồi đến những người xung quanh như gia đình, bạn bè, người thân.
Với mỗi cá nhân, chúng ta hãy dành một vài phút trước mọi hành động, mọi quyết định của chính bản thân để tự hỏi xem hành động của mình có ảnh hưởng gì đến người khác. Ảnh hưởng đó tốt hay xấu. Mình có đang làm phiền người khác hay không.

Bản thân mình cũng đã từng có nhiều hành động gây phiền cho người khác như:

  • Đi ăn, uống cùng bạn bè là volume không còn được kiểm soát
  • Gây ồn ào trong nhà mình nhưng có thể ảnh hưởng đến các nhà xung quanh
  • Dùng phần mềm, nghe nhạc không bản quyền

Tất nhiên bây giờ thì mình đã thay đổi, đã không còn mất kiểm soát gây nên ồn ào, đã mua bản quyền phần mềm hoặc dùng phần mềm thay thế (free hoặc rẻ hơn) nếu phần mềm gốc quá đắt. Nghe nhạc trên các nền tảng có bản quyền… Và rất nhiều điều khác mà nếu liệt kê hết ra thì chắc dài lắm. Nhưng nói chung là, mình đã có thói quen chậm lại một chút để suy nghĩ về mọi hành động và quyết định của bản thân.

Khi bạn đã có nhận thức và ý thức không làm phiền, bạn hãy truyền tải ý thức đó cho những người xung quanh để họ cũng có thể tự thay đổi bản thân họ. Để rồi dần dần sẽ có một số lượng người đủ lớn để nhận thức được là không nên làm phiền người khác.

Ví dụ về một đất nước, mà họ nổi tiếng về văn hoá không làm phiền, xã hội của Nhật đã tốt lên rất nhiều (tất nhiên trong xã hội Nhật vẫn có rất nhiều thứ mà mình thấy nó không quá tốt). Các bạn có thể tham khảo thêm ở rất rất nhiều các tờ báo của VN về văn hoá không làm phiền người khác như: Dân trí, VOV, hay VnExpress . . .

Lợi ích của không làm phiền người khác

loi ich

Lợi ích gắn liền và trực tiếp nhất nếu hầu hết mọi người xung quanh chúng ta có ý thức không làm phiền người khác đó là chính chúng ta sẽ không bị người khác làm phiền

Chúng ta sẽ thoát khỏi màn trình diễn live show trong một gala bất đắc dĩ, thoát khỏi sự ồn ào tra tấn của những nhà kế bên, thoát khỏi mối đe doạ từ việc tham gia giao thông hỗn loạn, thoát khỏi tâm lý bon chen giành giật ở bến xe, nhà ga, trường học, bệnh viện . . . Được sống một cuộc sống bình yên hơn, dễ thở hơn, giảm được các vấn đề ngớ ngẩn phải đối phó để tập trung giải quyết các vấn đề khác thật sự quan trọng

Còn ở quy mô lớn hơn, nếu các công ty, doanh nghiệp làm ăn chân chính, không (hoặc ít) làm phiền đến người khác (công ty khác), chúng ta có thể có môi trường tốt hơn, thị trường tốt hơn, sản phẩm tốt hơn, việc làm tốt hơn, kinh tế tốt hơn và xã hội tốt hơn. . . Nếu số nhiều công ty làm ăn chân chính thì những công ty làm ăn bất chính sẽ dần bị loại bỏ và những công ty chân chính sẽ có nhiều cơ hội cạnh tranh bình đẳng hơn để đem lại lợi ích cho xã hội

Tất nhiên, sống trong sự vận hành của xã hội thì chúng ta cũng không thể hoàn toàn cách ly khỏi những điều xấu. Nhưng nếu bạn có một lòng tự trọng cao và kiên cường, bạn sẽ tự đặt được cho bản thân một tiêu chuẩn và dần nâng cao tiêu chuẩn đó lên để hướng tới, bạn sẽ giữ được ý chí độc lập để không chạy theo số đông có thể đang bị một vài điều xấu chi phối.

Tất nhiên bạn sẽ phải kiên trì chờ xã hội tốt lên đáp ứng tiêu chuẩn của bản thân mình (hoặc chuyển đến nơi xã hội tốt sẵn rồi) chứ đừng thoả hiệp bằng cách tự hạ thấp tiêu chuẩn của bản thân để phù hợp với xã hội.

Vì vậy, mình viết bài này chỉ mong có thật nhiều người đọc được, nhằm góp một phần nho nhỏ vào vviệc truyền tải ý thức không làm phiền để ngày sẽ càng có nhiều người trong chúng ta trở nên tốt hơn giúp xã hội tốt hơn. Dù đây cũng chỉ là một hành động nhỏ trong vô số các hành động mà chúng ta nên làm để xã hội tốt lên. Nhưng, tốt đến đâu, hay đến đấy.

Bài viết xin kết thúc tại đây, cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Các bạn có thể xem thêm và tham gia thảo luận về bài viết trên Tinh Tế nha

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.