Phần 8: Mọi điều về cửu sừng – Dinh dưỡng cho cửu sừng
Update mới nhất: 16/03/2023
Bài viết này nằm trong series Mọi điều về cửu sừng, các bạn có thể xem thêm các phần khác tại Phần 1: Mọi điều về cửu sừng
Cho cá cửu sừng ăn rất đơn giản, chúng khá thành thạo trong việc xác định vị trí thức ăn. Có 3 nhóm thức ăn chính mà chúng ta có thể lựa chọn: thức ăn dạng viên, thức ăn đông lạnh và thức ăn tươi sống.
Lợi ích cũng như những lưu ý của từng loại thức ăn sẽ được trình bày ở dưới. Một lưu ý quan trọng đó là không nên cho cửu sừng ăn quá no, quá dư thừa vì khả năng nhồi nhét thức ăn của chúng. Trong môi trường bể kính, chúng không hoạt động quá nhiều và tiêu tốn năng lượng như ở ngoài thiên nhiên, do vậy nếu cho ăn quá nhiều sẽ khiến chúng bị béo phì và gây tình trạng gan nhiễm mỡ là nguyên nhân phổ biến cho nhiều ca đột tử.
Tốt nhất là chỉ nên cho chúng ăn vừa đủ đến khi thấy bụng chúng căng lên, và ước lượng một lượng thức ăn vừa đủ tuỳ thuộc vào kích cỡ của chúng. Chế độ ăn tốt nhất cần nhiều loại thức ăn khác nhau để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng.
Thức ăn viên
Thức ăn viên là cách đơn giản nhất để cung cấp dinh dưỡng cho thú nuôi của bạn.
Tuy nhiên, điều làm những người chơi cá nói chung thấy bối rối đó là mỗi loại cám dành cho mỗi loại cá khác nhau sẽ có thành phần khác nhau, và lại không có thức ăn chuyên biệt được sản xuất cho cửu sừng. Cửu sừng thường có thể ăn thức ăn viên có thành phần từ tôm, cá, hải sản, trùng, tảo xanh, atermia, v.v… thậm chí kể cả thức ăn cho cichlid.
Để chọn loại thức ăn tốt nhất bạn có thể xem các chỉ số thành phần bên dưới:
- 3 thành phần đầu tiên nên được làm từ động vật hoặc tảo, ví dụ như từ cá, tôm, nhuyễn thể rồi mới đến các thành phần bổ sung khác. Những loại thức ăn này có nhiều dinh dưỡng hơn
- Hàm lượng đạm (protein) 40-45% sẽ phù hợp với những loại cá ăn mồi
- Chất béo (fat) khoảng 3-6% là tối đa
- Chất xơ (fiber) khoảng 2-4% là tối đa
Thức ăn viên chất lượng có thể làm nguồn thức ăn chính cho Cửu sừng và cũng có thể là thực phẩm bổ sung cho thức ăn đông lạnh và tươi sống.
Thức ăn đông lạnh
Thức ăn đông lạnh thường bao gồm
- Trùng huyết
- Trùng chỉ
- Nhuyễn thể
- Atermia
- Lăng Quăng
- Mực
- Cá Suốt
- Các loại cá không ngâm dầu
- Tôm bóc nõn
Những loại thức ăn này có thể để rã đông cho cửu sừng ăn. Lưu ý đối với những loại đồ biển tươi sống, đặc biệt là những loại thức ăn có chứa thiaminase như là tôm nõn, nên được ngâm trong dung dịch có chứa các loại vitamin đặc biệt là B1 để trung hoà thiaminase, tránh làm cho cửu sừng bị thiếu Vitamin B1 hoặc có thể nấu chín chúng để loại bỏ thiaminase bằng nhiệt.
Bạn có thể tham khảo bài viết về thiaminase và tác hại của chúng tại đây (mình cập nhật đường link đến bài viết đó sau khi xuất bản)
Đồ ăn tươi sống
Thành phần cuối cùng trong chế độ ăn của cửng sừng đó là thức ăn tươi sống, bao gồm:
- Tôm nhỏ
- Côn trùng nhỏ như gián hay sâu
- Dế
- Giun đất
- Cá mồi
- Ấu trùng
- Nhái
- Và nhiều loại mồi sống khác
Chúng ta chỉ nên thi thoảng bồi dưỡng chúng bằng loại thức ăn này. Nếu cho cửu sừng ăn các loại côn trùng có vỏ Kitin cứng như gián chẳng hạn, nên cho ăn khi gián mới lột vỏ để tránh tình trạng lớp vở cứng của công trùng có thể gây tổn thương hoặc làm tắc ruột.
Bất kì các loại cá mồi lý tưởng nhất là được nhân giống ở nhà hoặc đã được cách ly một cách cẩn thận, vì cá mồi có khả năng cao sẽ chứa rất nhiều vi khuẩn hoặc kí sinh trùng gây bệnh. Nên tránh các loại cá mồi (cá diếc mồi, cá vàng mồi) vì chúng rất nhiều mỡ và chứa nhiều thiaminase, về mặt dinh dưỡng lại không bằng thức ăn công nghiệp và thức ăn đông lạnh
Cửu sừng không chịu ăn
Mặc dù mang tiếng là loài háu ăn, ăn như hạm, chuyện cửu sừng không chịu ăn không phải điều bất thường. Đôi khi là vì sự thau đổi môi trường, nhưng cũng đôi khi chúng bỏ ăn không lý do. Bạn đừng lo lắng vì cửu sừng có thể nhịn đói rất lâu và cũng rất hiếm trường hợp cửu sừng chết vì đói.
Tiếp đến bạn có thể làm một số điều sau để khiến chúng ăn trở lại hoặc ăn thức ăn bạn muốn. Với cá mới vào bể, cá thường sẽ chưa ăn ngay vì quá trình vận chuyển hay thích nghi với môi trường sống mới sẽ là một quá trình gây ra stress. Hãy bình tĩnh, có thể mất đến vài ngày cho đến vài tuần, nhưng khi chúng đã ổn định, chúng sẽ ăn rất nhiều.
Một vấn đề nữa hay gặp phải đó là cửu sừng không chịu ăn thức ăn viên, đặc biệt là những cá thể được đánh bắt trong tự nhiên hoặc những con đã quen với việc ăn mồi sồng khiến cho những loại thức ăn không chuyển động không gây được sự chú ý với chúng và chúng sẽ bỏ qua.
Để cải thiện tình tràng này, bạn có thể dừng cho ăn mồi sống và cho chúng tập ăn mồi đông lạnh như là cá nhỏ, tôm hoặc nhuyễn thể. Khi chúng đã chịu ăn những loại mồi đông lạnh thì bạn có thể cho một ít cám vào cùng, dần dần chúng sẽ ăn một vài viên thức ăn đến khi quen sẽ có thể ăn hoàn toàn thức ăn khô.
Bỏ ăn thường là dấu hiệu của việc bị stress, bị bệnh hoặc chỉ đơn giản là xảy ra một cách ngẫu nhiên. Nếu như hồ cá của bạn được chăm sóc tốt và không có vấn đề gì về sức khoẻ, cửu sừng sẽ sớm ăn bình thường. Bỏ ăn không phải là một điều đáng lo lắng, đôi khi chúng cũng cần có thời gian riêng cho bản thân.
Bài viết được biên dịch từ Everything you need to know about Bichirs. của thành viên Hendre từ diễn đàn MonsterFishKeepers
Tài liệu tham khảo: BMC Evolutionary Biology, Maija Karala’s blog, MFK, MFK, MFK, MFK, ResearchGate, ResearchGate, ResearchGate, Taylor & Francis Online, Wikipedia, Wikipedia, Wikipedia, Wikipedia
Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️
Chia sẻ bài viết:
Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết