Phần 5: Mọi điều về cửu sừng – Các hành vi và tập tính
Update mới nhất: 16/03/2023
Bài viết này nằm trong series Mọi điều về cửu sừng, các bạn có thể xem thêm các phần khác tại Phần 1: Mọi điều về cửu sừng
Đúng như dự đoán, cá cửu sừng cũng thể hiện nhiều hành vi gây tò mò, đôi khi độc đáo trong tự nhiên và trong hồ cá. Đôi khi những người nuôi mới lo lắng về các hành vi như là nổi lềnh bềnh thả trôi trên mặt nước, trong khi đó chỉ là một phần trong chiến lược sinh tồn của chúng.
Hành vi tự vệ
Thả trôi lềnh bềnh
Hành vi này thường khiến những người mới nuôi lo lắng, tuy nhiên đây là một hành vi rất hình thường đối với những chú cửu sừng nhỏ và không có gì đáng lo ngại hết
Trong tự nhiên, những con cá cửu sừng con thường tụ tập ở những khu vực nước lặng hai bên bờ được bao phủ bởi thảm thực vật, có vài lý do cho điều này. Đầu tiên, và cũng rõ ràng nhất, thảm thực vật đó sẽ là một lá chắn khỏi các loài săn mồi khác và cũng là nơi có nguồn thức ăn dồi dào từ côn trùng và ấu trùng. Thứ 2, việc trốn ở lá và gần bờ cũng giúp những con cửu sừng non có được vị trí gần với mặt nước, khiến chúng dễ dàng tiếp cận với không khí giúp cho phổi có thể phát triển.
Kết quả là những chú cửu sừng non thường sẽ hay trốn ở trên bề mặt nước. Những chú cá mới về bể cũng thường hay có hành vi này. Hành vi này ít phổ biến hơn đối với cá trưởng thành và cũng thường thấy ở các loài cửu sừng hàm trên hay cửu sừng rắn. Nó hiếm thấy ở các loài hàm dưới.
Bùng nổ tốc độ/Hack speed
Trong 36 chiêu thì chạy là thượng sách. Cửu sừng cũng như vậy, khi gặp nguy hiểm, chúng sẽ phóng mình rất nhanh để chạy trốn khỏi những nguy hiểm bất ngờ. Trong tự nhiên, các cấu trúc cơ dọc cơ thể sẽ giúp cúng phóng với tốc độ rất nhanh trong một quãng đường ngắn đủ để chúng thoát khỏi kẻ săn mồi, nhưng với tập tính này lại là một điều nguy hiểm trong bể cá
Trong bể cá, cửu sừng có thể bị hoảng sợ bởi vài yếu tố bên ngoài như khi có người gõ vào mặt bể hoặc chân bể, đóng cửa mạnh hoặc một vài lực tác động bất ngờ khiến chúng lao như tên lửa đâm vào bất cứ thứ gì xung quanh cho đến khi bình tĩnh trở lại. Điều này có thể làm chúng bị thương trong những khoảng không gian chật hẹp. Vì vậy, một vài vật trang trí như cây cảnh hay lũa gỗ sẽ cần thiết để chúng có chỗ trốn và cảm thấy an toàn, cũng như nên có một bể cá dài và rộng để chúng có đủ chỗ bơi.
Căng kỳ/Giương vây
Thi thoảng, người nuôi cửu sừng sẽ được thấy hành vi căng kỳ, giương vây. Khi đó chúng sẽ dựng hết các vây lưng, vây ngực xoè rộng để có thể có một thân hình to hơn, đáng sợ hơn. Điều này khiến chúng trở nên to hơn, khó nhằn hơn, để thể hiện sự hung hăng và đe doạ với con cửu sừng khác và cũng có thể là sự tương tác giữa các loài. Chúng thường được nhìn thấy bùng lên khi cảm thấy bị đe dọa hoặc đang tỏ vẻ hung dữ, hoặc chỉ là ngẫu nhiên tự nhiên nó thích.
Hành vi săn mồi
Lơ lửng, cân bằng
Trong những bể có trang trí, cửu sừng có thể sẽ thường được thấy tựa phần sau của cơ thể và giữ cân bằng lơ lửng, gần như bất động và chờ con mồi di chuyển gần đến đủ để phục kích. Chúng thường làm điều này trên cây hoặc thân gỗ. Hành vi này thường được thấy khi cửu sừng phục kích để săn cá mồi.
Đóng gói bằng dạ dày
Như đã đề cập trong phần giải phẫu, cứu sừng có khả năng đóng gói thêm thức ăn vào dạ dày. Khi chúng đã ăn no, chúng sẽ điều chính cơ thể, cong người lắc sang hai bên, sử dụng cơ bắp thu gọn thức ăn và mở thêm không gian trong dạ dày. Trong tự nhiên, cửu sừng là loài săn mồi cơ hội nên chúng sẽ tận dụng tối đa khi có một bữa ăn lớn cách nhồi càng nhiều càng tốt trong một bữa ăn.
Vì vậy cần cẩn thận để tránh cho cửu sừng ăn quá nhiều đến mức chúng phải sử dụng hành vi này vì trong bể cá vì chúng không vận động quá nhiều và kết quả có thể dẫn đến việc chúng bị béo phì vì ăn quá nhiều thức ăn
Death roll/Cú xoay thần chết
Cửu sừng có thể thực hiện những cú xoay tròn mãnh liệt giống như cá sấu với một lý do tương tự, đó là để xé xác con mồi.
Khi một chú cửu sừng kiếm được một miếng thức ăn lớn, thường chúng sẽ cắn và giữ rồi sau đó có thể thực hiện một cú xoay đầy bạo lực, xoay nhanh, xoay mạnh để xé con mồi tới mức có thể nuốt chửng. Điều này thường hiếm thấy ở trong bể cá khi chúng ta thường cho chúng ăn những miếng thức ăn nhỏ hơn miệng để tránh chúng bị hóc hay nghẹn nhưng chúng ta có thể quan sát được hành vi này nếu cho chúng một miếng mồi lớn không vừa miệng.
Hành vi sinh sản
Nhảy khỏi mặt nước
Nhảy khỏi mặt nước là một hành vi ngẫu nhiên thường được thấy ở cửu sừng nhưng đó cũng có thể là màn thể hiện của chúng để lấy le với những con khác giới trước khi đi tán tỉnh.
Vây hậu môn cong lại như cái cốc (chỉ có ở con đực)/Anal Fin Cupping
Con đực được phân biệt với con cái chủ yếu bởi vây hậu môn lớn hơn, cơ bắp hơn và được sử dụng như một phần để giao phối. Chúng thường uốn cong vây thành một chiếc cốc trong quá trình tán tỉnh và sinh sản, vây này được sử dụng để hứng trứng của con cái và thụ tinh với trước khi thả trứng, lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt quá trình sinh sản. Con đực đôi khi cũng sẽ có hành vi này ngẫu nhiên dù không có con cái.
Huých/bám đuôi/gạ
Phần cuối cùng của hành vi tán tỉnh đó là con đực sẽ bơi theo con cái và huýnh vào thân của cô nàng bằng đầu đồng thời sẽ cong vây hậu môn để dụ dỗ gạ cô nàng giao phối. Điều này thường sẽ tiếp tục cho đến lúc con đực nản hoặc cặp đôi tìm được một chỗ riêng tư kín đáo để “cuốn lấy nhau”
Các hành vi thú vị khác
Gãi ngứa
Thỉnh thoảng cửu sừng gãi ngứa bằng vây ngực của chúng, chúng uốn cong cơ thể để vươn vây ngực đến vị trí cần gãi. Đó là một hành vi độc đáo được phát triển để loại bỏ ký sinh trùng bên ngoài mà không phải tiêu tốn một lượng lớn năng lượng lớn để cọ mình vào đá cát để đánh bật ký sinh trùng. Điều này thường được quan sát thấy ở cá đánh bắt tự nhiên mặc dù cá không có ký sinh trùng cũng đôi khi thực hiện hành vi này, có lẽ để loại bỏ các vết bẩn, hạt cát, hạt sạn từ môi trường xung quanh khỏi cơ quan đường bên nhạy cảm của chúng hoặc vì những lý do khác chưa được biết đến.
Ngáp
Cửu sừng, và nhiều các loài cá khác sở hữu khả năng ăn mồi bằng cách há miệng to và hút miếng mồi, thi thoảng sẽ mở rộng miệng hết mức mà chúng ta hay thấy như chúng đang ngáp. Chúng thực hiện hành vi này khá ngẫu nhiên và thường được thấy sau khi ăn, có lẽ là để điều chỉnh lại vị trí của cơ hàm hoặc rèn luyện khả năng mở rộng hàm
Tựa vào vai anh/vì yêu cứ đâm đầu/tụm năm tụm bảy
Khi nhìn vào một bể cá trống trơn hoặc có ít vật trang trí với nhiều cửu sừng, ta sẽ thường thấy hành vi nằm chồng lên nhau, nhất là ở các góc bể. Trong tự nhiên, cửu sừng thường thích môi trường có ánh sáng yếu và có nơi trú ẩn, nếu như trong bể trống, chúng thường tụm 5 tụm 7, thực ra là chúng đang cố để trốn, vì khi nằm cạnh nhau, đè lên nhau, chúng có cảm giác mình đang trốn và sẽ thấy an toàn hơn
Thể hiện sự phân cấp, sự thống trị
Dù biết cửu sừng không phải là một loài quá hung dữ, cửu sừng thường thể hiện hành vi thống trị (thường là nhẹ nhàng không bạo lực). Những hành vi hay được thấy là:
- Vây lưng dựng đứng
- Cắn vào vây hoặc vào người cửu sừng khác
- Nằm bên cạnh, vẫy vây, rung thân để đe doạ
Hành vi này thường kéo dài 10-20 giây với việc giương vây lưng dựng đứng, vây ngực rung lên và thân mình lắc qua lại cho đến khi con thống trị đớp con còn lại và rồi cả 2 lại tách ra. Hành vi này thường được thấy trong tháng đầu tiên khi cá mới vào bể, còn sau đó sẽ ít thấy khi chúng đã quen với nhau
Chôn đầu
Một trong các hành vi độc đác khác mà ít loài có như là Bích (P. delhezi), P. Hoàng đế (Endlicheri) và Weeksii, đó là vùi đầu xuống nền và sau đó lắc nhanh thân mình để vùi toàn bộ cơ thể. Hành vi này có vài mục đích: nó giúp cửu sừng trốn khỏi kẻ săn mồi và có thể giúp chúng phục kích con mồi nếu như đi săn thất bại.
Một vài loài khác cũng có thể có hành vi này. Trong bể cá, vật liệu trải nền tốt nên có hạt mịn, như là cát, để chúng có thể dễ dàng vùi mình mà không gây xước da. Trong phần 6 tiếp theo về thiết lập một bể cá mới sẽ trình bày kỹ hơn về các loại vật liệu nền
Bài viết xin được kết thúc tại đây
Bài viết được biên dịch từ Everything you need to know about Bichirs. của thành viên Hendre từ diễn đàn MonsterFishKeepers
Tài liệu tham khảo: BMC Evolutionary Biology, Maija Karala’s blog, MFK, MFK, MFK, MFK, ResearchGate, ResearchGate, ResearchGate, Taylor & Francis Online, Wikipedia, Wikipedia, Wikipedia, Wikipedia
Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️
Chia sẻ bài viết:
Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết