Phần 5: Kinh nghiệm sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa xe ô tô cũ

Phần 5: Kinh nghiệm sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa xe ô tô cũ

Việc bảo dưỡng một chiếc xe ô tô cũ, đối với người dùng thật sự sẽ không phải là một việc đơn giản, chúng ta hầu như sẽ đều phải mang ra gara. Khi mua một chiếc xe mới, thường chúng ta sẽ có 3 năm bảo hành để làm quen dần với công việc này. Còn khi mua một chiếc xe cũ, có thể đây sẽ là một điều tương đối choáng ngợp. Bản thân mình trong vài tháng đầu đã trải qua điều đó khi mà chiếc xe cũ phát sinh một số vấn đề.

Dưới đây là một số trải nghiệm và kinh nghiệm thực tế với chiếc xe của mình sau 2 năm. Vì là lần đầu sở hữu một chiếc xe nên cũng vẫn còn đầy bỡ ngỡ dù cũng đã lái xe từ nhiều năm trước đó. Cho bạn nào chưa biết thì mình đang đi chiếc Mitsubishi Pajero mình từ review chi tiết tại đây, các bài viết về chiếc xe này đều sẽ nằm trong một series về chiếc xe đầu tiên của mình

Nổ máy đúng cách

Có 1 điều mình luôn làm đó là sau khi bật khóa mình sẽ chờ cho đèn check engine tắt rồi mới đề nổ máy xe, trong lúc đó mình có thời gian để đeo dây an toàn.

Vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh sự cần thiết của việc chờ vài giây này, đó không phải là điều bắt buộc, và giờ nhiều mẫu xe mới có nút Start điện tử cũng vừa bật và nổ, tuy nhiên mình thấy không ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng vì vậy mình vẫn thực hiện việc chờ vài giây trước khi nổ máy.

Phần 5: Kinh nghiệm sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa xe ô tô cũ

Tuy nhiên đó chỉ là một tiểu tiết, còn nguyên tắc thật sự và là một kinh nghiệm nghe có vẻ ngớ ngẩn lại là một điều rất quan trọng đó là quy trình nổ máy an toàn. Có thể khi xưa học lái xe mình cũng đã được thày giáo chỉ bảo nhưng vì sau nhiều năm lái số tự động (xe của bố mình) khiến mình quên mất điều này khi ngồi lên một chiếc xe số sàn.

Đó chính là việc phải kiểm tra cần số nằm ở vị trí N và luôn đạp côn trước khi nổ máy. Có một lần mình vô tình quên không kiểm tra, mình đứng dưới xe để nổ máy lên kiểm tra một số hệ thống thì chiếc xe đã tự đi lùi về phía sau, may mà nhanh tay tắt khóa nên không gây hậu quả gì nghiêm trọng.

Sự tình như sau, khi dừng xe tất nhiên mình luôn về số N, và như một thói quen thì mình có thể nổ máy mà không gây ảnh hưởng gì. Tuy nhiên hôm đó một người bạn của mình vô tình gạt cần số xuống R để lấy đồ trong hộc phía trước trong lúc xe đang không nổ máy. Và mình thì quên nguyên tắc an toàn vì vậy sai lầm xảy ra.

Với xe số sàn, quy tắc an toàn khi nổ máy chỉ đơn giản là:

Bước 1: Kiểm tra cần số ở vị trí N. Bằng cách lắc cần số sang 2 bên trái phải, nếu không lắc được thì tức là đang bị gài số.

Bước 2: Đạp côn

Bước 3: Đạp phanh hoặc kéo phanh tay (thường thì mình luôn kéo phanh tay khi dừng xe)

Bước 4: Nổ máy

Với xe số tự động:

Bước 1: Kiểm tra cần số ở vị trí P (một số xe phải để ở P mới nổ máy được) hoặc N

Bước 2: Đạp phanh hoặc kéo phanh tay (thường thì mình luôn kéo phanh tay khi dừng xe)

Bước 3: Nổ máy

Mình muốn đề cập đến điều này vì trên các dòng xe mới ngày nay, có thể đã có một số cảm biến an toàn được thêm vào, ví dụ như nếu bạn không để số N (số sàn) hoặc số P (số tự động), hoặc nếu không đạp côn (số sàn) hoặc đạp phanh (số tự động) thì xe không cho phép nổ máy.

Nhưng khi mua xe cũ, đời sâu, có thể chưa được trang bị những tính năng này, thì bạn sẽ phải tự trang bị theo một cách khác, đó chính là trang bị cho bản thân bằng cách ghi nhớ các bước trên.

Nước làm mát

Một lần mình đi Tam Đảo, lúc về thì thấy kim báo nhiệt gần như lên đến Max, mình không hiểu tại sao dù mình cũng rất định kì kiểm tra nước làm mát động cơ. Cho đến lúc ra gara, mình mới học được 1 bài học nữa, đó là trước giờ mình chỉ kiểm tra bình nước làm mát phụ mà hoàn toàn không biết rằng phải kiểm tra két nước làm mát chính.

Với những chiếc xe cũ, nước làm mát có thể bị rò rỉ, nhẹ thì là trên đường ống dẫn, hoặc két nước cũng như nắp két nước, nặng thì có thể bị hở doang mặt máy. Cũng may với trường hợp của mình thì mình chỉ bị nhẹ thôi, hàn vài điểm trên két nước, thay nắp két chính và thay đường ống dẫn nước làm mát. Tất nhiên bây giờ nói thì rất nhanh và đơn giản nhưng khi đó lúc còn đang mù mờ thì mình đã phải đưa xe qua 3 gara và nhiều lần sửa cũng mất khá nhiều thời gian mới có thể dứt điểm được vụ nước làm mát này.

Phần 5: Kinh nghiệm sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa xe ô tô cũ

Và điểm cần lưu ý ở đây chính là nếu sử dụng xe cũ, bạn sẽ cần kiểm tra nước làm mát định kỳ với tần suất cao hơn, trong cả két nước chính lẫn két nước phụ, vì về cơ bản hệ thống nước làm mát này sẽ tuần hoàn, và nếu có sự thiếu hụt nước làm mát một cách nhanh chóng (ví dụ như vừa châm nước làm mát mà vài ngày sau đã thấy ít đi hoặc bị thiếu) thì có thể đó là dấu hiệu của việc nước làm mát bị rò rỉ. Nếu mua xe cũ về và không có thông tin về lần cuối nước làm mát được thay thế thì bạn cũng có thể làm điều đó để đặt cột mốc mới cho việc tự theo dõi. Nước làm mát thường có màu, nếu bạn thấy nước đã trong suốt, mất màu thì cũng là dấu hiện nên thay mới.

Hệ thống điện

Cũng có 1 lần mình đang đi đến một nơi, sau đó xe mất điện, mất toàn bộ điện đúng nghĩa luôn. Mình lo rằng xe chết ác quy, tuy nhiên xe này mới được thay ác quy và chỉ báo trên ác quy vẫn xanh báo hiệu ác quy vẫn còn tốt nên không phải do ác quy. Lọ mọ kiểm tra cầu chì, ổ khóa, gọi sự giúp đỡ của người thân đê hỏi và cuối cùng mình mới phát hiện hóa ra là xe bị lỏng cọc bình ác quy. Tất nhiên chỉ cần vặn chặt lại là vấn đề được giải quyết

Phần 5: Kinh nghiệm sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa xe ô tô cũ

Một thời gian sau thì xe mình bị khó đề nổ, một lần thì bị lỏng chân tiếp xúc củ đề, và một lần khác thì củ đề của xe bị hỏng, khiến việc nổ máy khó khăn hơn bình thường. Tất nhiên là mình để ý đến những triệu chứng đó để đi thay củ đề trước khi xe hoàn toàn không thể nổ máy nữa.

Mình cũng cẩn thận kiểm tra bugi và dây cao áp để thay thế thì phát hiện ra trong 6 bugi đang sử dụng thì lại có vài cái không đúng chủng loại, tất nhiên là máy vẫn nổ bình thường không có dấu hiệu gì bất thường nhưng mình cứ phòng xa, đám bugi cũ cất đi dự phòng

Đối với hệ thống điện, cũng hãy lưu ý đến các bộ phận cấu thành như máy phát điện, ác quy, cầu chì, dây dẫn và các thiết bị tiêu thụ điện. Với xe cũ, hãy kiểm tra xem có bất kì thiết bị gì được độ chế thêm không, và việc đấu điện cho thiết bị đó được hoàn thiện như thế nào. Nếu cảm thấy không yên tâm thì việc đi lại toàn bộ hệ thống điện theo đúng tiêu chuẩn thiết kế cũng nên là điều cần thiết. Đừng để bản thân rơi vào hoàn cảnh đang ở một nơi hẻo lánh mà lại không thể nổ được máy xe.

Về phần điện thì mình cũng mua 1 viên pin dự phòng có khả năng kích nổ ô tô, cũng may là trong suốt thời gian sử dụng xe thì mình chưa phải dùng đến.

Điểm mù

Xe đã có màn hình Android nhưng chưa có cam lùi. Mình vẫn rất tự tin lùi xe bằng gương chiếu hậu nhưng vì thân xe dài và điểm mù sau đuôi xe khá lớn vì vậy có 1 lần đuôi xe va vào một chiếc xe đạp điện đang đỗ làm nó bị đổ. Mình đã lắp cam lùi sau đó để tránh các trường hợp tương tự xảy ra. Mình thấy đây là một trang bị cần thiết và là nâng cấp đáng giá.

Bạn cũng có thể nâng cấp camera 360 quanh xe nếu cảm thấy cần thiết. Có thêm tai mắt cũng là điều tốt tuy nhiên vẫn cần nhớ, đó chỉ là để hỗ trợ, việc quan sát gương và căn khoảng cách vẫn là điều cần thiết. Đừng để bản thân lệ thuộc vào cam 360 vì cũng có thể một ngày đẹp trời hệ thống đó có trục trặc thì bạn vẫn cần có kỹ năng nhìn gương và căn khoảng cách

Dầu nhớt

Ngoài ra, sau một thời gian sử dụng, mình phát hiện xe bị chảy dầu máy và dầu hộp số, mình cũng mất khá nhiều thời gian để khắc phục tại nhiều gara và cuối cùng phải chấp nhận rằng xe cũ sẽ cố một số thứ khó có thể dứt điểm được. Coi như đã khắc phục được đến 90% các vị trí bị chảy dầu, giờ thì chỉ thấm thấm ra thôi nên có lẽ cũng không quá ảnh hưởng.

Còn về việc bảo dưỡng, chủ yếu chỉ quanh việc thay dầu máy và lọc dầu đúng hạn. Trên ô tô thì ngoài dầu máy sẽ còn có dầu hộp số, dầu cầu, dầu láp, đều là những chất lỏng bôi trơn nên được thay đúng thời hạn. Nếu mua xe cũ về và không có thông tin về lần cuối những chất lỏng đó được thay thì bạn cũng có thể thay để đặt cột mốc mới cho việc tự theo dõi

Hệ thống gầm và phanh

Mình khá may mắn khi hệ thống gầm trên chiếc xe của mình vẫn hoạt động ổn định và chưa có gì đáng kể phải xử lý đến. Hệ thống lái cũng vẫn ổn, mình vẫn kiểm tra mức dầu lái định kỳ. Trục các đăng vẫn ổn, mình cũng đã bơm mỡ cho các hệ thống dưới gầm mới đây.

Tuy nhiên với xe cũ thì các bạn hãy chú trọng hơn đến hệ thống phanh. Mỗi lần đi bảo dưỡng định kỳ mình luôn nhờ kỹ thuật viên kiểm tra hệ thống gầm và phanh để đảm bảo mọi thứ vẫn tốt và ổn định, đặc biệt là các thiết bị trong hệ thống phanh nhanh hao mòn như má phanh, đĩa phanh, trống phanh.

Phần 5: Kinh nghiệm sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa xe ô tô cũ
Vị trí dầu phanh và dầu côn trong khoang máy

Bản thân mình cũng có thể tự kiểm tra được dầu phanh định kỳ để đảm bảo không có rò rỉ dầu phanh. Đây cũng là nguyên nhân có thể dẫn đến mất phanh. Hãy xác định vị trí của bình dầu phanh trong khoang động cơ và kiểm tra mức dầu phanh định kỳ.

Độ xe hay về zin

Đỉnh cao của độ xe là về zin, đây cũng là một câu nói mà hay được những người đi xe ô tô nhắc đến. Với mình thì cũng khá đúng, mình thuộc tuýp người thích sự nguyên bản của nhà sản xuất. Vài vậy, ban đầu xe được chủ cũ độ một vài chi tiết tuy nhiên mình bỏ đi hoặc về zin vì thấy không phù hợp với style sử dụng xe của bản thân.

Thứ nhất là giá nóc, tuy có công năng và khi gắn vào xe đẹp hơn nhiều nhưng mình lại không hề dùng đến và chưa kể khi đi nhanh thì bị gió lùa gây ù trên nóc xe, vì vậy mình thay về 2 thanh nóc zin của xe.

Thứ 2 là bệ bước lên xuống sau nhiều năm đã xuống cấp và ọp ẹp vì thế mình tháo ra luôn.

Thứ 3 là chủ cũ đã độ mâm offset âm và bánh béo để bánh xe lồi ra khiến xe bệ vệ hơn, giúp xe offroad tốt hơn, tuy nhiên mình lại về mâm zin lốp size chuẩn vì nhu cầu offroad của mình không quá cao.

Phần 5: Kinh nghiệm sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa xe ô tô cũ

Mâm và lốp độ thì xe sẽ đẹp hơn, bệ vệ hơn, mâm offset âm khiến vệt bánh xe lớn hơn nên ôm cua vững chãi hơn. Lốp độ 265/70-R16 khiến bánh béo hơn, tăng tiếp xúc mặt đường khiến xe bám đường hơn nhưng tất nhiên là cũng sẽ khiến xe nặng nề hơn trong việc di chuyển và đánh lái. Rồi còn phải bù trừ tốc độ vì dùng lốp lớn hơn sẽ khiến công tơ mét (speedometer) lệch đôi chút.

Sau tầm hơn 1 năm đi dàn chân này, bên cạnh việc mình thấy nó nặng nề trong việc di chuyển, thiếu chính xác hơn trong việc đánh lái và phải mất thêm chút trà nước khi đi làm thủ tục định kỳ thì mình quyết định về mâm lốp zin 205/R16 (205/80-R16). Và thật sự cảm giác lái chiếc xe thay đổi hoàn toàn, xe nhẹ nhàng, thanh thoát, đánh lái nhanh nhạy, đỡ ồn và đỡ rung hơn. Mình càng thấm thía câu đỉnh cao của độ xe là về zin.

Ấy thế mà vẫn có vài món zin mà mình vẫn phải độ để cải thiện sự an toàn, bao gồm đèn pha halogen quá tối được mình thay cặp đèn led sáng hơn đôi chút và cũng độ thêm đồng hồ táp lô. Không hiểu sao đời xe này, chỉ khi mình bật đèn xe thì đèn táp lô mới sáng. Nếu hôm nào ban ngày trời nắng gắt, là mình rất khó để nhìn được táp lô, vì vậy mình đã thay đèn táp lô thành đèn led và đi lại dây để nó luôn sáng khi mình mở khóa xe

Phần 5: Kinh nghiệm sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa xe ô tô cũ

Ngoài những điểm nhấn kể trên mà đã cho mình nhiều kinh nghiệm hơn về xe cũ, thì đến giờ mình không gặp vấn đề gì quá khó khăn hay với việc bảo dưỡng hay sửa chữa cả, chủ yếu là các công việc như bao xe khác thôi. Thay các loại chất lỏng định kỳ và kiểm tra xe trước khi vận hành.

Bảo dưỡng định kỳ

Thực ra nguyên tắc cơ bản nhất vẫn là bảo dưỡng định kỳ. Để tìm các thông tin về bảo trì, bảo dưỡng, các bạn có thể tham khảo trong sách hướng dẫn sử dụng hoặc hướng dẫn bảo dưỡng đi kèm theo xe nếu có. Bạn cũng có thể hỏi từ chính chủ cũ của chiếc xe để biết những hạng mục nào đã được bảo dưỡng và những hạng mục nào cần phải làm trong tương lai.

Mình cũng có tham khảo một số hạng mục bảo trì bảo dưỡng liên quan đến các yếu tố vận hành để các bạn tham khảo, tất nhiên sẽ còn tủy thuộc vào từng dòng xe sẽ có các mốc khác nhau. Mình xin phép chỉ đưa con số ước lượng tham khảo. Và bên cạnh quãng đường thì cũng còn có mốc thời gian, ước tính đơn giản là 15,000km – 20,000km = 1 năm

Hạng mụcQuãng đường
Dầu máy5,000km
Lọc dầu10,000km hoặc cứ 2 lần thay dầu thì 1 lần thay lọc dầu
Dầu hộp sốSố sàn: 50,000km
Số tự động: 100,000km
Dầu cầu50,000km
Dầu phanh30,000km
Dầu côn30,000km
Dầu trợ lực lái60,000 – 80,000km
Lọc gió động cơVệ sinh mỗi 5000km và thay mới sau 20,000km
Nước làm mát40,000 – 60,000km
Má phanh50,000 – 80,000km
Dây curoa động cơ60,000km
Dây curoa cam100,000 – 150,000km
Bugi50,000 – 150,000km
Lốp xe50,000km hoặc hoa dưới 5mm hoặc sau 5 năm
Lọc nhiên liệu40,000km
Bơm nhiên liệu100,000 – 150,000km

Tất nhiên như chia sẻ trong những phần đầu, mình có đề cập đến việc vốn bỏ ra ban đầu sẽ ít nhưng các chi phí phát sinh sẽ nhiều hơn, và khi mua xe cũ thì thực tế là mình sẽ phải chấp nhận chuyện đó. Hãy cùng đi sâu vào chi phí sử dụng xe cũ ở Phần 6 nhé. Bài viết này là một phần của chuỗi bài viết về chiếc ô tô đầu tiên của mình. Các bạn có thể xem thêm toàn bộ chuỗi bài viết tại đây

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được
    • 2 năm ago

    Bài nào của bác cũng chất hết, cảm ơn bác rất nhiều!

      • 2 năm ago

      Cám ơn bạn đã ủng hộ 😀

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.