Phần 4: Đảm bảo an toàn khi đi ô tô cũ

Phần 4: Đảm bảo an toàn khi đi ô tô cũ

Tất nhiên là đi ô tô an toàn hơn đi xe máy. Nhưng ô tô cũ thì an toàn đến mức nào?

Khi mua xe cũ, xe đời sâu thì mình phải nhận thức rõ rằng, nó không thể an toàn như xe hiện đại bây giờ. Vì vậy để bù đắp cho các công nghệ an toàn mà xe không có, mình phải tự nâng cao ý thức của bản thân về sự an toàn của chính mình. Cho các bạn nào chưa biết thì mình đang đi chiếc Mitsubishi Pajero 2004, mình từng có một bài review chi tiết tại đây, bài viết nằm trong series về chiếc ô tô đầu tiên của mình

Đầu tiên phải nói đến đó chính là tuân thủ luật. Đương nhiên để tuân thủ luật thì chúng ta phải học luật đã, học luật thật rõ. Việc học luật không chỉ giúp bạn thi lý thuyết lái xe, mà còn áp dụng vào thực tế trong khi tham gia giao thông để đem lại an toàn cho chính bạn. Vì vậy, những gì mình chia sẻ ở bên dưới sẽ trong phạm vi nâng cao an toàn khi bạn đang đi đúng luật

Tiếp đến mình cần phải tìm hiểu về chiếc xe, và sự an toàn mà chiếc xe đem lại có giới hạn ở mức nào, để từ đó mình tự có các nguyên tắc ăn toàn tự đặt ra cho bản thân khi ngồi sau tay lái.

Không có các công nghệ liên quan đến chống trượt như ABS, BA, EDB, TCS và khối lượng bản thân của xe cũng rất nặng, đi kèm với tiết diện lốp khá nhỏ (nếu so với xe có cùng phân khúc hiện tại), tức là xe mình không thể có hiệu năng phanh tốt như xe hiện đại bây giờ, điều đó đồng nghĩa với việc mình cần làm chủ tốc độ và khoảng cách tốt hơn. Điều đó đồng nghĩa với một vài quan điểm chính mà mình luôn ghi nhớ và làm theo

1. Tốc độ tối đa cho phép không đồng nghĩa với việc mình luôn phải đi tốc độ đó

Phần 4: Đảm bảo an toàn khi đi ô tô cũ

Mình là người thích đi nhanh, vì mình không thích bỏ phí thời gian ở trên đường. Tuy nhiên, nếu trân trọng thời gian, thì một hành trình suôn sẻ sẽ tiết kiệm thời gian gấp nhiều lần một hành trình có sự cố, đôi khi đi chậm lại 1 chút lại tiết kiệm thời gian hơn nhiều lần so với tranh đua vài phút trên đường. Vì vậy, mình thường chỉ đi tốc độ mà mình cảm thấy đủ an toàn.

Ví dụ đơn giản nếu đường quốc lộ cho đi 80km/h mình sẽ chủ động giảm 10km/h nếu đường ướt, giảm tiếp 10km/h nếu đang đi địa hình không bằng phẳng, giảm 10km/h nếu thấy có xe máy đi loanh quoanh hoặc đang đi qua khu vực có nhiều nhà dân (dù không có biển báo vào khu vực đông dân cư). Ngoài ra cũng có thể giảm tốc độ theo tầm nhìn, tầm nhìn càng ngắn tốc độ càng chậm. Một số thứ ảnh hưởng đến tầm như có thể kể đến như: sương mù, khói, khúc cua, cây cối che chắn nơi giao cắt…

Tất nhiên đây chỉ là một ví dụ để các bạn dễ hình dung, còn ngoài thực tế thì sẽ có nhiều yếu tố khác nữa, đôi khi chỉ là ‘linh cảm’ rằng mình cần đi chậm hơn một chút đã tránh được va chạm nhờ những ‘linh cảm’ đó.

2. Chủ động cho bản thân không rơi vào thế bị động: giữ khoảng cách

Khi xe đằng trước phanh gấp, bạn rơi vào thế bị động, khoảng cách giữa bạn và chiếc xe đằng trước chính là thời gian để bạn kiểm soát và giành lấy thế chủ động trong một tình huống bị động. Mà lại chỉ có bạn mới là người có thể cho chính bạn thời gian đó chứ không phải là chiếc xe đi đằng trước bạn. Vì vậy nếu bạn đang đi 1 chiếc xe nặng hơn chiếc xe đằng trước, với hệ thống phanh không tốt bằng, tốt nhất là hãy đi xa ra một chút.

Phần 4: Đảm bảo an toàn khi đi ô tô cũ

Mình thường tuân theo nguyên tắc giữ khoảng cách 3 giây ở các điều kiện giao thông bình thường và duy trì khoảng cách chuẩn theo quy định khi đi trên cao tốc (thường là 70-100m tùy vào tốc độ). Bản thân xe càng nặng thì quán tính lại càng lớn, và cũng sẽ cần nhiều thời gian cũng như quãng đường để dừng lại nếu so sánh với xe nhẹ hơn. Vì vậy, nếu bạn mua một chiếc xe cũ, mà khối lượng của xe nặng thì bạn càng cần phải đảm bảo khoảng cách an toàn.

Khi lái xe mình cũng có một thói quen là thi thoảng đá gương hậu (liếc nhanh gương chiếu hậu) để xem có xe nào đang “dí” sát đuôi xe mình quá không thì mình chủ động tránh sang làn khác nếu có thể để họ không ở quá gần đuôi xe mình.

Ngoài ra

– Kiểm tra các hệ thống trên xe trước khi vận hành, với xe cũ nên kiểm tra định kỳ hơn xe mới. Những thứ mà người lái có thể tự kiểm tra định kỳ như: mức dầu máy, dầu phanh, dầu côn, nước làm mát, dầu trợ lực lái, hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu . . .

– Không có hệ thống cân bằng điện tử, và là xe gầm cao có trọng tâm cao mình phải ôm cua chậm hơn.

– Không có hỗ trợ đổ đèo tức là mình phải kiểm soát hộp số và chân phanh, tốt nhất là nên đổ đèo chậm với số thấp, có quy tắc lên số nào xuống số đó và mình vẫn áp dụng với xe của mình tránh trường hợp mất phanh

– Không có hỗ trợ lên dốc, tức là phải luyện tập nhuần nhuyễn hơn cách sử dụng phanh tay để đề pa lên dốc hoặc một vài kĩ năng nâng cao hơn của việc đề pa lên dốc như dùng 1 chân để vừa giữ phanh và vừa mớm ga khi phanh tay không còn tác dụng

– Không có túi khí đồng nghĩa với việc mình sẽ có thể gặp nhiều rủi ro chấn thương hơn nếu va chạm

– Không có cảnh bảo điểm mù có nghĩa là phải chú ý quan sát gương chiếu hậu hơn. Thậm chí đôi lúc phải lia mắt nhanh sang 2 bên thân xe để khẳng định không có vật thể nào loanh quanh thân xe

– Đeo dây an toàn là nguyên tắc bắt buộc với tất cả mọi người trên xe trước khi xe lăn bánh

Ngoài những yếu tố an toàn về mặt thể chất, không thể không nhắc đến các yếu tố an toàn về mặt tinh thần. Vì thực tế, trong luật có lẽ mới có những quy định để giữ sự tỉnh táo khi lái xe (như thời gian chạy xe, thời gian nghỉ ngơi, không để cồn chạy qua não…) chứ chưa có những quy định để giữ được sự bình tĩnh khi lái xe, cũng chả có quy định nào quy định được văn hóa lái xe cả.

Vì vậy, khi tham gia giao thông, sẽ có nhiều lúc chúng ta có thể mất bình tĩnh, bị ức chế hoặc đang gây ức chế cho người khác, và điều này cũng sẽ gây nguy hiểm. Và để hạn chế được những vấn đề như vậy về tinh thần, mời các bạn đón đọc bài viết về chủ đề đó tại đây (đường link sẽ được cập nhật ngay sau khi bài viết được xuất bản

Đúng là ô tô có an toàn hơn xe máy, nhưng ô tô cũ thì chắc chắn là kém an toàn hơn ô tô mới. Vì vậy, sự an toàn phụ thuộc rất nhiều từ người lái. Nếu mua một chiếc xe cũ, hãy tìm hiểu về mức độ an toàn của chiếc xe đó. Nếu không có các công nghệ hỗ trợ, hãy tự nâng cao mức độ an toàn nhờ chính ý thức của bản thân. Nếu có các công nghệ hỗ trợ, cũng đừng quá phụ thuộc vào các công nghệ đó, vì bạn là người lái cái xe chứ đừng để cái xe lái bạn

Chiếc xe có an toàn hay không cũng đến cả từ việc bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa mà mình sẽ chia sẻ trong Phần 5: Kinh nghiệm sử dụng và sửa chữa xe ô tô cũ. Bài viết này là một phần của chuỗi bài viết về chiếc ô tô đầu tiên của mình. Các bạn có thể xem thêm toàn bộ chuỗi bài viết tại đây

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.