Giải pháp thay thế internet cáp quang bằng modem và sim 4G

Giải pháp thay thế internet cáp quang bằng modem và sim 4G

Update mới nhất: 11/08/2023

Có thể thay thế cáp quang bằng modem và sim 4G? Câu trả lời là có, mình đã sử dụng ổn định gần 2 năm

Mình sẽ chia sẻ về hệ thống kết nối internet 4G mà mình đang sử dụng. Đây là một bộ các thiết bị ưu tiên tính di động cao, phù hợp cho cuộc sống thuê nhà và ham dịch chuyển của mình. Đây là một phương án để thay thế hoàn toàn hệ thống internet cáp quang sang hệ thống Internet 4G cho mục đích sử dụng trong gia đình.

Combo thiết bị gồm có:

  • Router TP-Link TL-MR6400: Đây là 1 Router 4G phổ thông, băng tần 2.4GHz, 300Mbps, hỗ trợ kết nối 4G LTE 150Mbps. Mình mua đâu đó 1,200,000. Các bạn có thể tham khảo thêm tại gian hàng chính hãng của TP-Link trên ShopeeLazada
  • Bộ phát Wifi di động Xiaomi ZMI MF885: Bộ phát Wifi này thì chắc quá quen thuộc rồi, cũng hỗ trợ 4G LTE 150Mbps, ngày đó mình đổi với 1 cái vợt tennis, quy ra giá 2nd chắc tầm 7-800,000. Còn mua mới chắc cũng tầm 1,200,000
  • Sim 4G Mobifone: Sử dụng gói cước VPB51 giá tầm 1,500,000/năm data không giới hạn tốc độ lẫn lưu lượng. Cái này thì các bạn có thể chọn rất nhiều gói cước khác mà phù hợp với nhu cầu của bản thân

Hoàn cảnh ra đời

Ban đầu, thời điểm cuối 2020, lúc ấy mình chưa lấy vợ, chưa ở riêng, và với tính chất công việc là phải đi công tác nhiều, lúc nào rảnh là lại đi chơi, đi du lịch, nên mình kiếm cục phát Wifi ZMI để cầm theo người, vừa để phát wifi và vừa để làm sạc dự phòng khi cần thiết. Mình sử dụng combo này thấy rất tốt rồi, vì hầu như mình luôn có internet mọi lúc mọi nơi, sử dụng internet của mình và chủ động trong việc kết nối

Đến lúc lấy vợ và ra ở riêng vào tầm giữa năm 2021, bọn mình đi thuê nhà, và căn hộ bọn mình thuê cũng không có internet. Mình cũng tính là sẽ lắp một đường mạng, nhưng vì là đi thuê nhà mà, đến lúc chuyển đi lại phải cắt hợp đồng chuyển qua chỗ mới, sẽ mất thời gian và công sức để làm chuyện đó. Thế là lấy cục ZMI phát Wifi để dùng. Về cơ bản là nó vẫn ổn, đủ cho 2 người. Nhưng mà vì nó chạy pin và đôi khi vừa sạc vừa phát Wifi sẽ khiến nó nóng lên và làm giảm hiệu suất phát Wifi chưa kể nếu trong nhà thì thường nó sẽ chỉ có tín hiệu tốt trong 1 phòng, sang phòng khác là kém rồi. Thế là mình nghĩ đến cái Router 4G.

Vậy là mình sắm cái Router 4G. Cắm điện, cắm sim, thế là có Internet, không cần dây cáp quang lằng nhằng. Có cổng LAN để mình cắm thêm 1 con Router phụ nữa ra phòng khác (nhà có sẵn đường LAN đi trong tường). Mức độ ổn định khá cao, không lo giảm hiệu suất sử dụng. Mình đã sử dụng cái Router này gần 1 năm.

Nhu cầu sử dụng

Hiện tại thì combo chủ yếu phục vụ nhu cầu của 2 vợ chồng, mỗi người tầm 2-3 thiết bị kết nối mạng mà đa phần trong cùng 1 thời điểm chỉ sử dụng tầm 3-4 thiết bị thôi. Tất nhiên có lúc nhà có khách, bố mẹ cô dì chú bác qua chơi, sẽ có nhiều thiết bị sử dụng hơn, combo này vẫn tải được. Mình sẽ chia sẻ kĩ hơn về hiệu năng ở phần sau

Ưu điểm của combo

Tính di động rất cao

Với mình, đây là một combo có tính di động rất cao. Mình sẽ chia sẻ một số hoàn cảnh sử dụng cụ thể của bản thân mình để anh em dễ hình dung vì sao mình lại có nhu cầu về tính di động:

– Nếu đi chơi du lịch hay đi công tác vài hôm, mình nhét sim vào cục ZMI để đem đi và mình sẽ có internet gần như mọi lúc mọi nơi, không phụ thuộc vào Wifi công cộng hay của quán xá. Đi picnic cắm trại cũng có wifi cho cả gia đình và bạn bè sử dụng

Ở Việt Nam thì khi nào đi lên núi cao, những khu vùng sâu vùng xa thì mình mới hay bị mất sóng điện thoại, mà cơ bản vì sim Mobifone không có sóng tại đó. Tất nhiên, lúc đó mình có sim Viettel trong máy chính để chữa cháy nên nếu cần có thể sử dụng. Còn chỗ nào mà đã mất hết sóng của các nhà mạng rồi thì đành chấp nhận thôi.

Và thông tin thêm là ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều nơi chưa có sóng điện thoại di động nha các bạn, đa phần là vùng sâu, vùng xa, miền núi (có thể cả hải đảo nữa)

– Nếu vợ chồng về thăm bố mẹ, có cái phòng của bọn mình là ở tầng 2. Internet từ tầng 1 không vươn tới được do nhiều tường chắn sóng mất, mình thường gói luôn cái Router 4G theo hành lý và cắm trong phòng tầng 2 để dùng. Vì cả năm chắc về được 3-4 lần các dịp nghỉ lễ, bố mẹ vợ đâu cần đầu tư router hay internet lên những phòng không có người ở đâu.

– Nếu sau này chuyển sang thuê căn hộ khác, không cần lo về chuyện internet. Rút router 4G sang nhà mới cắm điện cắm sim là dùng tiếp thôi. Sẽ chủ động cho mình rất nhiều nếu so với mạng có dây, không phải mất công đăng ký internet với nhà mạng rồi chờ đi dây lắp thiết bị nữa, chuyển nhà không cần phải thủ tục cắt bên này đấu nối bên kia lằng nhằng.

Tính chủ động cao

Tính chủ động cao ở đây đó là cho phép mình không phụ thuộc vào bất cứ nhà mạng cố định nào, không phụ thuộc vào những nhà mạng có trong chung cư, không phụ thuộc đường dây cáp mạng được thiết kế ở đâu trong căn hộ và có thể tự do chọn vị trí đặt Router 4G bất kì chỗ nào mình muốn.

Nếu dùng sim của mạng này không ổn, cảm thấy không đủ thì có thể mua sim khác của nhà mạng khác cho phù hợp nhu cầu. Thậm chí nếu cần thì có thể cầm sẵn vài sim để nếu đến khu vực không có sóng của nhà mạng A thì đổi qua nhà mạng B. Có thể chọn bất cứ nhà mạng nào mình mong muốn.

Đi sang nước ngoài cũng có thể mang theo cả bộ hoặc mang theo cục ZMI để cắm sim bên nước ngoài và sử dụng. Khổ nỗi là từ cuối 2019 đến giờ cũng chưa được tái xuất ngoại lần nào luôn nên mình cũng chưa có dịp nào để test cục này bên nước ngoài.

Những điều đánh đổi

Trong phần này mình sẽ nói đến những điểm đánh đổi của combo này.

Tính di động cao thì sự ổn định sẽ ít hơn

Rõ ràng rồi, khi so với mạng có dây, sự ổn định của mạng không dây sẽ không thể bằng khi sử dụng hàng ngày. Sự ổn định ở đây mình đề cập đến đường truyền. Ví dụ ở mạng có dây, nhà mạng cam kết 50Mbps với đường truyền trong nước, thì đa phần mọi lúc chúng ta sẽ nhận được tốc độ tương ứng, tất nhiên có nhiều nhà mạng vào giờ cao điểm không đáp ứng được tốc độ đó, có thể bị giảm xuống 30Mbps nhưng sẽ ổn định quanh mức đó. Trời mưa bão cũng không quá ảnh hưởng đến tốc độ.

Còn với combo mình đang sử dụng, sự ổn định sẽ không cao bằng, có lúc ping chỉ 5ms nhưng có lúc là 15ms hay thậm chí 50ms. Tốc độ có lúc lên cao 70Mbps nhưng có lúc chỉ 50Mbps, giờ cao điểm có khi chỉ còn 20Mbps. Mình đặt Router ở nơi sóng 4G mạnh thì tốc độ đạt được cao và ổn định, mình đặt ở nơi tốc độ thấp thì sẽ chậm và kém ổn định hơn. Hôm nào trời mưa thì tốc độ cũng có thể bị giảm xuống, mưa rất to là tốc độ mạng chậm hơn đáng kể, có khi rớt xuống 10Mbps

Xét về sự ổn định dưới góc độ tần suất và sự nghiêm trọng khi gặp sự cố thì mình thấy 4G có vẻ còn ngon lành hơn đường truyền có dây khi. Trong hơn 1 năm sử dụng sim 4G, có lẽ chỉ có 2-3 lần có sự cố như là sim không truy cập được mạng, thì mình phải liên hệ lại với bên bán hàng để kiểm tra, và đa phần sẽ khắc phục ngay trong ngày, khôi phục lại kết nối trong vài tiếng. Nó khác với trường hợp của đường truyền cố định, có lần khi xưa nhà mình rớt mạng vì chuột cắn đứt dây, phải chờ chờ 3-4 ngày để kỹ thuật kiểm tra, thay thế thì mới lại có kết nối được, cũng có lúc chỉ đơn giản là mất tín hiệu đường truyền nhưng cũng phải chờ 1-2 ngày để khắc phục.

Giá gói cước rẻ hơn thì tốc độ trung bình chậm hơn

Với sim mình sử dụng thì giá gói cước là khoảng 1,500,000/năm tức là khoảng 125,000/tháng với lưu lượng và tốc độ không giới hạn.

Tất nhiên nghe không giới hạn vậy thôi nhưng thường có tốc độ trung bình từ 35-40Mbps, giờ cao điểm tầm 20Mbps (8-10h tối) và giờ thấp điểm có khi lên 60-70Mbps (đêm và sáng sớm). Tốc độ cũng tuỳ vào vị trí đặt Modem, mình cũng đã chọn góc có thể bắt được nhiều tín hiệu nhất có thể (75-100% tín hiệu)

Nếu so với một số gói cước có dây thì sẽ phải tốn tầm 160,000-185,000/40Mbps/tháng. Vậy nếu so mức giá với mức tốc độ trung bình thì sử dụng gói cước 4G này sẽ rẻ hơn đôi chút, tất nhiên là độ ổn định và tốc độ sẽ không cao bằng.

Tóm lại, trong thực tế, combo này vẫn đủ ổn định cho mình sử dụng. Vào tầm giờ cao điểm buổi tối mình vẫn gọi Facetime ngon lành, vẫn xem Youtube và Netflix Full HD, vẫn lướt web ngon lành. WFH thì vẫn Video Call/ Zoom Meeting thoải mái không có gặp vấn đề gì. Có lần thử chơi CS:GO và Dota với các bạn vẫn chơi được, tất nhiên trong khi chơi thi thoảng vẫn hơi lag xíu do đường truyền. Nếu bạn nào chơi game nhiều thì không nên sử dụng giải pháp này.

Mình có tổng hợp lại kết quả SpeedTest mình random check trong suốt quá trình sử dụng ở ảnh dưới, cả chỗ sóng mạnh lẫn sóng yếu. Chỉ bao gồm kết quả khi mình phát Wifi từ Sim Mobi VBP51 bằng Xiaomi ZMI và Router 4G TP-Link, đã xóa hết các kết quả test khác không liên quan

Chi phí ban đầu cho thiết bị hơi cao để đánh đổi tính di động

Một chiếc Router chuẩn N 300mbps thông thường chỉ khoảng 300,000 là đã rất tốt rồi, nhưng để có thêm tính năng dùng 4G LTE thì mình đã phải mưa với mức giá 1,200,000. Các loại khác rẻ hơn thì cũng vẫn có mức giá 800,000-1,000,000

Nếu lắp internet có dây thì thường cũng sẽ được nhà mạng tặng Modem phát Wifi, chỉ khi nào các bạn có nhiều nhu cầu hơn mà muốn nâng cấp Router lên loại hịn thì mới phải bỏ thêm tiền, và với mức giá 1,200,000 thì có thể mua các loại Router AC xịn xò hơn rồi

Nhược điểm của combo

Combo này vẫn sẽ tồn tại một số nhược điểm như là:

  • Nếu sử dụng quá nhiều thiết bị thì tốc độ cho mỗi thiết bị sẽ không cao
  • Giờ cao điểm mà cần download file nặng thì hơi vất vả
  • Không cài được DDNS do cấu hình 4G không cho phép mở BridgeMode. Mình biết là vì mình dùng Synology cài DDNS thì chỉ có mạng Mobifone mới truy cập được đến DDNS đó thôi, mình dùng thử sim Viettel thì không kết nối được. Đành tạm khắc phục bằng cách dùng QuickConnect của Synology thôi, đổi lại tốc độ sẽ hơi chậm vì phải định tuyến qua server của Synology ở nước ngoài. Điểm này mình cũng đi tìm hiểu ở các diễn đàn nước ngoài thì thấy họ chia sẻ vậy, đại khái là sim 4G sẽ kết nối đến mạng nội bộ của nhà cung cấp trước khi kết nối ra ngoài internet (IP dạng 10.xx.xx.xx), và nhà mạng không có BridgeMode cho sim 4G (do hạn chế về phần cứng hay nguyên lý hoạt động hay để đảm bảo an toàn bảo mật gì đó, mình cũng không rõ, bạn nào biết rõ hơn thì chia sẻ thêm nha)

Mời các bạn xem thêm bài viết review NAS Synology của mình

Đánh giá ưu điểm và nhược điểm của từng thiết bị

Ưu điểm:

  • Kết nối 4G tốt, ổn định, có 2 ăng ten to để thu sóng 4G nên bắt sóng khỏe, nếu thích có thể mua thêm ăng ten nối dây dài ra để gia tăng thêm phạm vi cho việc thu nhận sóng
  • Vừa dùng như Router bình thường được vừa dùng như Modem 4G được
  • Cắm điện chứ không dùng pin nên vận hành ổn định, không bị quá nhiệt
  • Cách sử dụng dễ dàng, giao diện thiết lập đơn giản, có kết nối app ứng dụng TP-Link để cài đặt và điều khiển từ xa
  • Từ 4G sẽ có internet ra được Wifi và 4 cổng LAN tiện cho việc kết nối
  • Nhẹ nhàng, gọn gàng tiện mang đi lại

Nhược điểm:

  • Cấu hình/giá chưa cao
  • Mới chỉ hỗ trợ băng tần 2.4GHz với băng thông tối đa 300Mbps
  • Vẫn sử dụng Micro-Sim chứ không phải Nano sim. Tất nhiên là có Adapter đi kèm nhưng vẫn hơi bất tiện khi đổi sim qua lại các thiết bị
  • Đôi khi trong ứng dụng của Router hiển thị tốc độ mạng không chính xác, cái này thì lặt vặt thôi vì có web đo tốc độ rồi

ZMI MF885

Ưu điểm:

  • Thời lượng sử dụng rất cao, mình rất thích điều đó. Mình từng có lần ngồi làm việc ở nơi không có internet, và dùng ZMI để phát Wifi liên tục từ 8h sáng đến 6h tối, vẫn còn 40% pin. Đi du lịch thì thường cũng vậy, di chuyển nhiều mà phát từ 8h sáng đến 10h tối vẫn chưa hết, còn tầm 20%. Cắm sạc đêm rồi hôm sau quẩy tiếp
  • Có dây cáp sạc micro-usb đi kèm giấu gọn trong thân, thiết kế thông minh và hữu dụng trong trường hợp quên mang dây sạc (mình hiếm khi dùng dây này để sạc vì nó hơi ngắn, coi nó là thiết bị dự phòng nếu quên dây dài)
  • Ứng dụng dễ thiết lập và sử dụng, có thể xem được dung lượng đã sử dụng, đặt giới hạn dung lượng, theo dõi mức pin trực quan và một vài chức năng khác nữa 
  • Hỗ trợ 8 thiết bị gồm 7 thiết bị không dây và 1 thiết bị có dây (cắm internet qua usb)

Nhược điểm:

  • Chạy lâu mà nóng quá sẽ làm rớt mạng, phải restart mới có mạng. Đây là điểm củ chuối nhất, đi du lịch mà để trong balo lâu là hay bị nóng, khi có cơ hội mình sẽ phải cho ra ngoài thoáng như mặt bàn để tỏa nhiệt chứ không để mãi trong balo được.
  • Hơi nặng, vì vỏ nhôm và pin dung lượng lớn
  • Dung lượng lớn nên sạc hơi lâu, dù mình đã dùng Quickcharge 2.0. Tuy nhiên không quá ảnh hưởng vì toàn sạc buổi đêm
  • Chỉ có 1 nút bấm duy nhất để bật/tắt, và nút này dùng lâu sẽ bị chìm xuống khiến hơi khó bấm hơn. Hiện mình phải nhấn mạnh hơn để nó nhận. Sau chắc sẽ mở ra lau chùi và thay nút nếu được. 
  • Không có màn hình hiển thị mà chỉ có 3 cái đèn, mọi thao tác cài đặt phải dùng app điện thoại
  • Thông số ban đầu in ở mặt đáy, sau vài năm sử dụng là bay hết, nên khuyến cáo mọi người ghi lại những thông số này ra một nơi khác để lưu trữ. Quan trọng nhất là SSID và Password ban đầu để mỗi khi reset sẽ truy cập được vào để thiết lập.

Gói VPB51 của Mobifone

Ưu điểm:

  • Không giới hạn tốc độ và dung lượng
  • Có thể mua nguyên năm không cần lo nạp tiền hàng tháng
  • Có cửa hãng hỗ trợ tương đối tốt

Nhược điểm

  • Đến buổi tối, giờ cao điểm hay bị chậm
  • Vùng phủ sóng có vẻ chưa tốt như Viettel và Vina khi đi các vùng sâu vùng xa
  • Không phải gói cước được công bố rộng rãi những vẫn dễ dàng mua được
  • Lâu lâu phải khởi động lại thiết bị nếu không sẽ bị nghẽn mạng, tầm 3-4 ngày dùng liên tục mà không khởi động lại thì sẽ mất kết nối. Mình khắc phục bằng cách hẹn giờ Router tự động restart vào 5h sáng hàng ngày thì về cơ bản là ổn. Không bị hiện tượng đó nữa

Giải pháp này phù hợp cho những ai?

Giải pháp này về cơ bản là để giải quyết nhu cầu khá là chuyên biệt của mình, vì vậy mình nghĩ nó cũng phù hợp với những ai có những nhu cầu tương tự, đó là:

  • Ưu tiên sự di động, dễ dịch chuyển, không cố định ví dụ như các cặp vợ chồng vẫn đang đi thuê nhà, các bạn hay phải đi công tác hoặc hay đi chơi, du lịch…
  • Không có nhu cầu cao đối với tốc độ và sự ổn định của internet như những bạn cần chơi game hay livestream… mà chỉ có nhu cầu internet cơ bản, lướt web, đọc báo, xem phim, video call…
  • Ở khu vực có sóng 4G tương đối tốt một chút
  • Ngoài ra, có một đối tượng nữa mà mình nghĩ sẽ phù hợp, đó là những ai đang ở những nơi mà chưa có đường truyền Internet bằng cáp quang nhưng lại đã có phủ sóng 4G (có nhiều nơi ở VN vẫn đang trong tình trạng này)

Cơ bản mình nghĩ đây là một giải pháp đặc thù cho một nhu cầu chuyên biệt, không phải là một giải pháp phù hợp với tất cả mọi người. Nhưng với những ai có nhu cầu chuyên biệt đó, thì đây là một giải pháp khá ổn.

Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Các bạn có thể xem thêm bình luận về bài viết tại TinhTe nha

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.