Máy hút ẩm vs chế độ hút ẩm của điều hoà

Máy hút ẩm vs chế độ hút ẩm của điều hoà

Update mới nhất: 06/11/2024

Mặc dù nhà đã có điều hoà nhưng mình vẫn mua và sử dụng máy hút ẩm vì máy hút ẩm có hiệu quả cao hơn nhiều so với chế độ hút ẩm của điều hoà. Trong bài viết này mình sẽ giải thích lý do.

Độ ẩm tương đối và độ ẩm tuyệt đối

Độ ẩm tương đối thường tính bằng %, và thường gặp nhất, ví dụ như 80%.

Độ ẩm tuyệt đối thường tính bằng g/m3, tức là có bao nhiêu gram nước trong một thể tích không khí.

Có 2 loại độ ẩm này là vì độ ẩm phụ thuộc vào nhiệt độ. Nhiệt độ càng cao, không khí càng có thể chứa nhiều nước, và ngược lại, nhiệt độ càng thấp, không khí sẽ chứa được ít nước hơn.

Ví dụ:

Nhiệt độĐộ ẩm tương đốiĐộ ẩm tuyệt đối
30℃100%30.11 g/m3
30℃60%18.06 g/m3
25℃100%22.88 g/m3
25℃60%13.73 g/m3
Các bạn có thể tính độ ẩm tuyệt đối bằng công cụ được phát triển bởi Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ tại đây

Với nhiệt độ 30℃, không khí có thể chứa tối đa 30.11 g/m3 hơi nước, còn với nhiệt độ 25℃, không khí có thể chứa tối đa 22.88 g/m3, và đó đều là mức độ ẩm 100%.

Nhiệt độ không khí càng cao, khả năng chứa hơi nước càng nhiều. Tương tự, nhiệt độ cao cũng giúp nước dễ bay hơn vào không khí hơn nhiệt độ thấp, ví dụ ở độ ẩm 60%, lượng nước có thể tiếp tục bay vào không khí ở nhiệt độ 30℃ là 12.05 g/m3 còn với nhiệt độ 25℃ chỉ là 9.15 g/m3.

Nguyên lý hoạt động

Mặc dùng sử dụng chung một hệ thống bơm nhiệt, nhưng nguyên lý hoạt động cả 2 thiết bị này khác nhau.

Điều hoà có dàn lạnh bên trong phòng và dàn nóng ở ngoài phòng. Trong quá trình hoạt động, dàn lạnh có thể ngưng tụ nước như một “tác dụng phụ” của quá trình làm lạnh. Điều hoà sẽ làm nhiệt độ phòng giảm xuống và phần nào đó trích xuất hơi ẩm ra khỏi phòng.

Nhưng phần lớn điều hoà không có cảm biến độ ẩm và không có khả năng duy trì độ ẩm nhất định, vì vậy, có thể không khí sẽ khô đi, lạnh hơn, nhưng chính xác độ ẩm là bao nhiêu % thì thường điều hoà sẽ không biết, và khi bật lâu có thể sẽ khiến phòng trở nên lạnh và khô.

Máy hút ẩm, cũng có dàn nóng và dàn lạnh nhưng cả 2 sẽ nằm trong cùng 1 chỗ. Trong quá trình hoạt động, không khí ẩm đi qua dàn lạnh, nước bị ngưng tụ và trích xuất ra, sau đó không khí lạnh sẽ đi qua dàn nóng và trả lại phòng không khí khô và ấm.

Máy hút ẩm với mục đích chính là để giảm độ ẩm nên được trang bị cảm biến độ ẩm để có thể giảm độ ẩm xuống mức chính xác mà chính ta mong muốn và sau đó có thể duy trì độ ẩm ở mức đó mà không làm phòng bị lạnh hơn.

Sử dụng thực tế

Mình đã sử dụng máy hút ẩm nhiều năm nay cũng như dùng cả điều hoà để hút ẩm, mình sẽ chia sẻ những trải nghiệm thực tế.

Vào mùa hè, trời có thể nóng ẩm, dùng điều hoà vừa làm mát, vừa giảm độ ẩm là một cách rất tốt, không có gì phải bàn cãi. Đôi khi hơi tốt quá khiến không khí khô và chúng ta phải cấp thêm độ ẩm cho phòng.

Tuy nhiên vào mùa thu, mùa đông, khi trời lạnh ẩm, việc dùng điều hoà để hút ẩm sẽ phát sinh một vài vấn đề:

  • Vốn dĩ nhiệt độ môi trường đã lạnh, để hút được ẩm, điều hoà sẽ phải làm lạnh sâu hơn, dẫn đến môi trường trong phòng càng lạnh và càng khó để hút được ẩm ra khỏi phòng, chưa kể khi điều hoà làm lạnh kết hợp với lượng ẩm có sẵn trong phòng sẽ làm con người khó chịu vì cái lạnh ẩm.
  • Khi nhiệt độ giảm, hơi ẩm từ quần áo, chăn đệm, sofa… khó thoát ra ngoài không khí hơn, dẫn đến khi chúng ta sử dụng sẽ bị lạnh do hơi ẩm còn vương vấn trong những món đó.

Những vấn đề này các bạn sẽ không gặp khi sử dụng máy hút ẩm, vì khi hoạt động, máy hút ẩm chỉ giảm lượng nước có trong không khí và có thể tăng nhẹ nhiệt độ, giúp không khí khô ráo mà vẫn duy trì nhiệt độ phòng, giúp hơi ẩm từ quần áo, chăn đệm, sofa… dễ thoát ra ngoài không khí hơn và lại tiếp tục bị máy hút ẩm xử lý.

Vào mùa nồm, ngoài những vấn đề trên, nếu dùng điều hoà để hút ẩm sẽ sinh ra thêm một vấn đề khác:

  • Bản thân sàn nhà khi đó bị “đổ mồ hôi”, nguyên nhân là do sàn nhà lạnh hơn không khí đang nóng ẩm. Khi dùng điều hoà để “hút ẩm”, sẽ khiến nhiệt độ không khí trong phòng giảm xuống, tất nhiên sàn nhà sẽ khô nhưng mất nhiều thời gian hơn để sàn nhà cân bằng nhiệt độ với không khí bên ngoài. Khi tắt điều hoà đi, sàn nhà vẫn lạnh, không khí nóng ẩm lại tràn vào sẽ khiến sàn tiếp tục “đổ mồ hôi”. Ví dụ mùa nồm dài 1 tháng, thời gian sàn nhà ướt át có thể sẽ kéo dài nửa tháng hoặc hơn.

Vấn đề này sẽ không gặp khi bạn dùng máy hút ẩm, sàn nhà sẽ được ấm lên tự nhiên để cân bằng dần với nhiệt độ không khí và sẽ rất nhanh chóng không còn bị “đổ mồ hôi” trong mùa nồm, dù khi đó bạn không dùng máy hút ẩm.

Ví dụ mùa nồm dài 1 tháng, thời gian sàn nhà ướt át có thể chỉ là 2-3 ngày đầu, hoặc như mình là không ngày nào vì chỉ cần thấy sàn có dấu hiệu đổ mồ hôi là máy hút ẩm xử lý không khí ngay tức khắc, sàn khô sau vài chục phút.

Ngoài ra, vào mùa nồm, quần áo khó khô, chúng ta có thể dùng máy hút ẩm để làm khô quần áo với tác dụng tương tự như máy sấy quần áo, không những thế, máy hút ẩm còn làm khô quần áo theo nguyên lý của máy sấy quần áo bơm nhiệt, sấy ở nhiệt độ thấp, không lo hư hỏng và quần áo cũng ít bị nhăn.

Lời kết

Với một đất nước nhiệt đới có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam, một chiếc máy hút ẩm sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống lên nhiều lần nếu các bạn là người không thích sự ẩm ướt.

Cảm giác bước vào một căn phòng khô ráo và hít một hơi thở nhẹ nhàng ấm áp trong một ngày bên ngoài mưa nồm ẩm lạnh rất thoả mãn và sảng khoái.

Nếu đang bị rối bời vì thông số của máy hút ẩm chả thấy liên quan gì đến độ ẩm hay diện tích phòng, các bạn hãy đọc bài này nhé

Ngoài ra, các bạn có thể xem thêm một số bài review máy hút ẩm gần đây của mình:

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.