Review JBL CLUB PRO+ sau 1 tháng, TWS ANC giá sale quá tốt

Review JBL CLUB PRO+ sau 1 tháng, TWS ANC giá sale quá tốt

Update mới nhất: 28/06/2024

JBL CLUB PRO+ là một mẫu tai nghe cao cấp được ra mắt từ năm 2020 ở tầm giá khoảng 5 triệu đồng nhưng hiện tại đến cuối 2023 đầu 2024 vẫn đang được bán chính hãng với mức giá sale khó có thể tin được, chỉ khoản hơn 1 triệu đồng và thậm chí nếu có mã giảm giá của sàn thương mại điện tử, có thể các bạn sẽ mua được ở mức giá khoảng 700,000 đồng.

Bản thân mình cũng như một số thành viên trong Group Chia sẻ deal hời đã săn được sale như vậy. Trong bài viết hôm nay mình sẽ chia sẻ kỹ hơn với các bạn về sản phẩm này, một sản phẩm gần như không có đối thủ nếu ở tầm giá khoảng 1 triệu đồng.

Nơi mua

Hiện tại vẫn có nhiều nơi bán chiếc tai nghe này, tuy nhiên để có mức giá sale tốt, mình chỉ thấy có cửa hàng JBL Official Store vận hành bởi Shopee là giảm nhiều và sâu cho mẫu tai nghe này, các bạn có thể tham khảo bên dưới.

Mình mua JBL Club Pro+ vào hôm có Flash Sale, từ giá gốc 4,990,000đ xuống 1,190,000đ và rồi mình áp thêm mã giảm giá của shop và của sàn, cuối cùng mình mua được với giá 639,000đ. Các bạn có thể tham gia Group Chia sẻ deal hời, là nơi mình cập nhật các deal ngon như vậy.

Về cấu hình các bạn có thể tham khảo trên trang chủ của JBL.

Có phải hàng chính hãng?

Có thể mức giá sale rất mạnh sẽ khiến các bạn lo lắng về việc đây có phải là chiêu thức lừa đảo giống như tai nghe Marshall suốt thời gian vừa qua, và câu hỏi lớn nhất sẽ là liệu đây có phải hàng chính hãng?

Đừng lo, đây là hàng chính hãng do Shopee Mall bán (Xử lý đơn hàng bởi Shopee), sản phẩm được phân phối bởi Công ty TNHH Phúc Giang (PGI). Trên vỏ hộp có đầy đủ tem phụ, các thông tin về sản phẩm cũng như hướng dẫn kích hoạt bảo hành.

Dù JBL Club Pro+ là đời cũ từ những năm 2019-2020 nhưng sản phẩm mình nhận được có năm sản xuất là 2023, tức là khá mới chứ không phải hàng đã tồn kho 3-4 năm. Mình làm theo hướng dẫn trên vỏ hộp để kích hoạt bảo hành sản phẩm trên Website của PGI. Lưu ý, sản phẩm giảm giá này chỉ được bảo hành 6 tháng thay vì 12 tháng.

Vậy nên, các bạn yên tâm đây là hàng chính hãng, có bảo hành từ nhà phân phối và năm sản xuất cũng mới gần đây chứ không tồn kho lâu.

Ngoại hình

JBL Club Pro+ được đóng hộp rất chỉn chu, đúng chất của hàng flagship chứ không phải là hàng giá rẻ. Phụ kiện đi kèm có thêm 1 sợi cáp sạc A-C và có tổng cộng 3 bộ ear-plug. Cá nhân mình thấy ear-plug của JBL hơi cứng (nhưng vì mình vẫn đang quen dùng 1 bộ ear-plug quen thuộc và rất mềm của Sony nên mình thay sang bộ của mình)

Ngoại hình: JBL Club Pro+ nhỏ hơn mình nghĩ. Trong ảnh là JBL Club Pro+, AirPods Pro và RHA True Connect. So với Airpods Pro thì JBL ngắn hơn nhưng dày hơn và cao hơn. Xét tổng thể kích thước mình vẫn thấy nhỏ gọn lắm. Không to như trên ảnh chụp sản phẩm trên mạng.

Khối lượng cả hộp và tai: Airpods: 57g – JBL: 69g

Chất lượng hoàn thiện phần cứng của JBL Club Pro+ như bản lề, độ hở các chỗ tiếp giáp, lực giữ nam châm… mình thấy ngon như Airpods Pro. Vỏ đen sần nam tính chứ không bóng như Airpods. Housing là dạng núm không đuôi. Đeo lên khá chắc chắn, mình có vận động mạnh cũng không thấy bị rơi. Tuy nhiên nếu nằm thì vẫn cấn.

JBL Club Pro+

JBL Club Pro+ có cổng sạc USB-C và cũng có hỗ trợ sạc không dây chuẩn Qi. Tai nghe cũng có tiêu chuẩn chống nước IPX4, đủ để chống được nước té như mồ hôi hay mưa nhỏ, không nhúng nước được.

JBL Club Pro+

Khả năng chống ồn

Khả năng chống ồn chủ động mình đánh giá JBL Club Pro+ kém hơn Airpods, lượng ồn lọt vào tai nhiều hơn Airpods (mình test khi không bật nhạc). Nếu Airpods mức 10 thì JbL chỉ đạt 7 hoặc mức 6 nếu kĩ tính (và nếu ko nhầm trước đây mình test với Sony XM4 thì sẽ còn nhỉnh hơn Airpods chút, chấm điểm mức 11 cho khả năng chống ồn).

Khi bật chống ồn chủ động lên thì JBL Club Pro+ sẽ triệt tiêu thiên về dải âm trầm và âm mid thấp, còn Mid trung trở lên đến dải Treble thì khả năng chống ồn chủ động có vẻ như không góp thêm gì được hơn mà chỉ dựa vào chống ồn bị động của ear-plug.

RTINGS – một trang review chuyên làm các bài test chuyên sâu cũng cho ra kết quả tương đương với cảm nhận của mình. Dưới ảnh là kết quả test của RTINGS, đường màu xám là khả năng chống ồn bị động và đường màu xanh là khi bật chống ồn chủ động.

Để so sánh khả năng chống ồn với một số mẫu tai nghe khác, mình tổng hợp số liệu test của RTINGS cho các bạn dễ hình dung:

Tai ngheJBL Club Pro+Apple AirPods ProSony WF-1000XM4
Mức chống ồn chung-19.35 dB-21.02 dB-22.5 dB
Bass-14.6 dB-16.34 dB-13.17 dB
Mid-14.57 dB-22.6 dB-20.01 dB
Treble-28.63 dB-24.81 dB-34.86 dB

Bù lại cho khả năng chống ồn, JBL Club Pro+ không đem lại cảm giác áp lực tai khiến mình biêng biêng như đeo Airpods (cái này có khi đeo lâu Airpods chắc cũng sẽ quen). Và thật sự lúc bật nhạc mình vẫn thấy khả năng chống ồn của JBL Club Pro+ đủ tốt và phải những âm thanh nào rất lớn mới có thể làm ảnh hưởng.

Tuy nhiên, một số âm thanh như tiếng gió, hoặc vô tình chạm vào tai nghe cũng vẫn có ảnh hưởng đến chống ồn, gây ra tiếng lạo xạo ở bên trong, điểm này cũng thường gặp ở nhiều tai nghe chống ồn thế hệ cũ.

Chất âm

Mình hơi có thiên hướng nghe bass nhiều vì hay nghe nhạc rock, rap, hiphop, với trước giờ hay xài Sony nên có ảnh hưởng và có hơi chút Basshead nên nếu để EQ mặc định (flat) thì cảm giác Bass của JBL Club Pro+ hơi yếu (tương đương Airpods, nhưng kém hơn RHA True Connect và tai nghe có dây Sony). EQ mặc định của JBL có vẻ cân bằng giống Airpods.

Mình sẽ thích set EQ đẩy Bass lên 1 chút là thấy ngon hơn và hợp gu hơn. Độ chi tiết của mid ngon hơn RHA vì Bass chắc hơn và không bị lấn nhiều sang mid. Lâu lâu nghe Bass nhiều mệt đầu thì lại chuyển về EQ mặc định, và sau 1 tháng sử dụng JBL Club Pro+, có vẻ mình đã dùng EQ mặc định nhiều hơn.

Về chất âm mình không đánh giá nhiều hơn được vì bản thân mình cũng “tai trâu” thôi, các bạn cũng có thể tham khảo thêm Review của RTINGS, họ test rất kỹ và cũng cho ra biểu đồ rất trực quan về những đặc tính liên quan đến âm thanh của chiếc tai nghe này.

Tính năng

JBL Club Pro+ có tính năng Fast Pair, mở nắp để lần đầu kết nối nhanh và tiện, nhưng chỉ hoạt động với Android, còn với iPhone sẽ không có tính năng đó. Lần đầu kết nối với iPhone mình vẫn sẽ cần kết nối thủ công. Còn khi đã kết nối với điện thoại rồi, các lần sau khi mở nắp hộp là tai nghe sẽ tự động kết nối.

Và có một nhược điểm nhỏ, đó là tai nghe này chỉ được thiết kế để kết nối với 1 thiết bị, không có khả năng chuyển qua lại giữa các thiết bị khác nhau, nếu muốn chuyển thiết bị phải vào Paring mode để kết nối thủ công lại, vì vậy sẽ phù hợp hơn nếu các bạn mua để dùng với 1 thiết bị ít khi phải chuyển qua lại các thiết bị.

Về kết nối, JBL Club Pro+ sử dụng Bluetooth 5.1 với 3 lựa chọn điều chế (GFSK, π/4 DQPSK, 8DPSK), tương ứng với 3 chế độ thông thường, nghe nhạc và xem video. Mình xem phim bằng tai nghe thấy tốt, không bị trễ tiếng và hình.

Tính năng chống ồn được tinh chỉnh cho 2 lựa chọn đó là chống ồn hàng ngày và chống ồn khi luyện tập thể thao ngoài trời. Về khả năng xuyên âm mình thấy JBL Club Pro+ có nhỉnh hơn Airpods vì xuyên âm vừa đủ, ko bị to như Airpods, có thêm Talk Thru (ưu tiên xuyên âm giọng nói và giảm nhỏ tiếng nhạc) để nói chuyện mà không cần bỏ tai nghe.

JBL Club Pro+ có cảm biến trên tai nghe để khi bỏ tai ra sẽ tự động pause (bật/ tắt được trong cài đặt). Nếu bỏ 1 bên tai để nói chuyện, bên còn lại tự động vào chế độ xuyên âm. Có thể dùng chế độ mono đeo 1 bên bất cứ tai nào.

Chúng ta có thể tuỳ biến EQ, nên dễ cài đặt phù hợp với sở thích / thể loại nhạc. Có tính năng kiểm tra độ vừa vặn của tai nghe để tối ưu trải nghiệm, cũng như tính năng tìm tai nghe cũng sẽ hữu ích nên chẳng may thất lạc (trong phạm vi bluetooth).

Điều khiển cảm ứng trên JBL Club Pro+ sẽ cần thời gian làm quen vì độ nhạy cảm ứng không cao lắm (mình cho là để tránh chạm nhầm), có sẵn preset để các chức năng điều khiển, nhưng lại không tuỳ biến được, chỉ có các thao tác như tap, double tap, triple tap, tap and hold, không có các thao tác vuốt, nên cũng hơi ít thao tác.

Sau khi ấn giữ, có thể ra lệnh Siri từ tai ngon lành. Mic đàm thoại thu âm cũng rất tốt, loại bỏ được nhiều tạp âm bên ngoài, thu tiếng của mình khá rõ.

Thời lượng pin

Theo công bố của nhà sản xuất, thời lượng pin của tai nghe là khi bật chống ồn là 6 tiếng + 18 tiếng vỏ hộp, tắt chống ồn là 8 tiếng + 24 tiếng vỏ hộp. Vỏ hộp sẽ cho tai nghe thêm 3 lần sạc đầy.

Mình sử dụng thực tế thì đúng là tai nghe sẽ hoạt động được tầm 6 tiếng khi bật chống ồn, dùng 1 tiếng mất tầm 15-17%.

Nhược điểm

Tai nghe JBL này có một nhược điểm mà được các thành viên trong nhóm Chia sẻ deal hời của mình phản ánh sau một thời gian sử dụng đó là đôi khi lúc cất tai nghe vào hộp, có thể một bên tai sẽ không kết nối với hộp và không sạc, vẫn duy trì kết nối với điện thoại, làm tiếng của điện thoại vẫn sẽ phát vào tai nghe nằm trong hộp.

Bản thân tai nghe mình sử dụng thì không gặp, nhưng nguyên nhân mình nghĩ là do lực nam châm hút của hộp với tai nghe hơi yếu và/hoặc các chân tiếp xúc của hộp và tai nghe bị bẩn (do mồ hôi, bụi bẩn tích tụ trong quá trình sử dụng) gây nên kết nối chập chờn giữa tai nghe và hộp. Các bạn có thể khắc phục bằng cách sử dụng tăm bông và cồn vệ sinh các chân tiếp xúc này định kỳ để tránh bị hiện tượng này.

Đồng thời, khi đặt tai nghe vào hộp, hãy kiểm tra cả 2 đèn đều sáng tức là đã tai nghe đã kết nối với hộp thành công và đúng cách.

Tổng kết

Mình thấy đây là một chiếc tai nghe rất ngon trong tầm giá 1 triệu. Thương hiệu tốt, phần cứng tốt, phần mềm tốt, hàng chính hãng có bảo hành, rất khó lòng để chê được gì ở chiếc tai này với mức giá như vậy.

Hiện tại mình mới sử dụng chiếc tai nghe này được tầm 1 tháng nên chưa đánh giá về độ bền của tai nghe hay là pin, mình sẽ tiếp tục dùng và review chiếc tai nghe này và sẽ cập nhật trong các bài viết tiếp theo. Cám ơn các bạn đã quan tâm theo dõi bài viết.

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long Mổ Xẻ

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Hãy để lại bình luận và đánh giá bài viết

  • Rating
Choose Image

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.